RFA, 15/04/2024
Cuộc gặp thượng đỉnh ba bên Mỹ - Nhật Philippines hôm 11/4/2024 được nhận định đã truyền đi nhiều tín hiệu về một thế trận mới ở Châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng. Tổng thống Philippines Marcos nói "nó sẽ thay đổi cục diện trong khu vực, ở xung quanh Biển Đông, ở ASEAN, ở Châu Á". Bản tuyên bố chung ba bên nói Hoa Kỳ và Nhật Bản đã và sẽ tăng cường phát triển hành lang kinh tế Luzon của Philippines, kết nối các trung tâm kinh tế ở Vịnh Subic, Clark, Manila và Batangas của nước này. Bên cạnh những kế hoạch phát triển công nghệ bán dẫn tại đây, những kế hoạch về hợp tác an ninh cũng được nhắc đến. Ba nước tuyên bố bảo vệ các nguyên tắc của Luật biển Quốc tế đối với Biển Đông, lên án các hành động hung hăng của Trung Quốc đối với Philippines tại bãi Cỏ Mây hơn một năm qua.
Ảnh chụp ngày 4/7 2016 cho thấy các tàu Hải cảnh và dân quân Trung Quốc tham gia tập trận ở Biển Đông
Theo Reuters, Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản cho biết Mỹ sẽ có một thế trận chỉ huy quân sự mới, thay đổi căn bản trung tâm chỉ huy quân sự của mình tại Nhật Bản để tăng cường khả năng răn đe trước áp lực của Trung Quốc.
Giải thích thêm cho RFA về động thái nói trên, Tiến sĩ Nagao Satoru tại Viện Hudson nói với RFA rằng Nhật Bản và Mỹ đang có kế hoạch cải thiện chuỗi chỉ huy của mình. Hiện tại, Nhật Bản đang lên kế hoạch thành lập các trung tâm chỉ huy liên hợp (integrated headquarters) tại Tokyo vào tháng 3 năm 2025. Trung tâm chi huy này có khả năng công nghệ để kết hợp Lực lượng Phòng vệ trên bộ, trên biển và trên không.
Cùng với đó, trong chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng Nhật Kishida (từ ngày 8 đến 14 tháng tư), Mỹ đã quyết định phát triển trung tâm chỉ huy tại Tokyo để có thể hợp tác thông suốt, liền mạch với phía Nhật Bản. Cấp bậc chỉ huy của tổng hành dinh sẽ từ tướng ba sao lên tướng bốn sao. Vị tướng bốn sao ngang hàng với Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện tại ở Hawaii, nhà nghiên cứu về an ninh quốc tế tại Viện Hudson cho biết.
Tiến sĩ Nagao Satoru chỉ ra rằng đối với Trung Quốc thì Biển Đông, Biển Hoa Đông, Đài Loan là một tập hợp chung. Ví dụ, nếu Trung Quốc muốn xâm lược Đài Loan, họ sẽ phải kiểm soát biển Hoa Đông và biển Đông để cô lập Đài Loan. Và chính phủ Bắc Kinh muốn phát triển năng lực kiểm soát tất cả các lĩnh vực này theo một "chiến lược liên hợp" (integrated strategy).
So với Trung Quốc, các nước khác gặp bất lợi vì Nhật Bản, Đài Loan, Philippines là những chính phủ khác nhau. Còn Mỹ đang chỉ huy lực lượng của mình từ rất xa địa bàn, Hawaii hay Washington DC.
Vì vậy, để vô hiệu hóa lợi thế của Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đang lên kế hoạch chia sẻ vai trò an ninh nhiều hơn bằng cách tăng cường tổng hành dinh ở Tokyo. Đây là cách nâng cao "chất lượng" của sức mạnh răn đe.
Các chuyên gia có những câu trả lời khác nhau đối với câu hỏi của RFA về phản ứng mà Việt Nam nên thực hiện trước những chuyển động mới trong khu vực.
Tiến sĩ Nagao Satoru cho rằng mặc dù Việt Nam cũng có tên lửa Klub cho tàu ngầm lớp Kilo nhưng số lượng có hạn. Việt Nam đã đàm phán mua tên lửa Brahmos của Ấn Độ như Philippines.
Theo ông Nagao, Việt Nam nên thúc đẩy sự hiện diện của hải quân các nước khác, thông qua các cuộc tập trận chung và trao đổi hữu nghị.
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh nhắc lại một bài viết của nhà nghiên cứu Khang Vũ trên tờ Diplomat trả lời câu hỏi tại sao Việt Nam không thể làm như Philippines được. Theo ông Hoàng Việt, mỗi quốc gia có một cách tiếp cận khác nhau. Hiện nay mặc dù Philippines đang là tâm điểm chú ý và được nhiều học giả phương Tây ủng hộ, nhưng rõ ràng nước này đã không có những bước đi chặt chẽ trước đây do đó hiện nay gặp nhiều bất lợi. Ông nói :
"Tôi chưa dám nói Philippines thất bại hay thành công, nhưng rõ ràng trong thời gian dài có nhiều chính sách chưa phù hợp.
Cố học giả Philippines Jose Santiago "Chito" Sta. Romana, đồng thời là cựu Đại sứ Philippines tại Trung Quốc, từng nói với tôi trong một hội thảo là một điều mà phía Việt Nam đã làm được trong năm 2014 khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 là giữ được tất cả những gì của mình và khiến cho Trung Quốc phải rời khỏi khu vực. Trong khi đó, phía Philippines đã đánh mất Scaborough vào tay Trung Quốc.
Tạm thời chúng ta có thể nhìn nhận như vậy thôi còn tương lai thế nào thì chưa biết. Đương nhiên mỗi quốc gia có một chiến lược khác nhau. Philippines và Mỹ có hiệp ước phòng thủ, nhưng Trung Quốc đang tìm cách làm xói mòn hiệp định này bằng chiến thuật vùng xám, gây sức ép nhưng bằng biện pháp phi quân sự.
Chưa rõ tương lai hiệp định này thế này, cách giải thích hiệp định sẽ ra sao. Trung Quốc vẫn còn dùng các biện pháp vùng xám, còn Philippines vẫn còn lúng túng, chưa tìm ra cách nào hiệu quả để chống lại đe dọa của Trung Quốc. Đó là vấn đề chúng ta cần theo dõi thêm".
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, chính sách Việt Nam khác Philippines vì thể chế chính trị khác nhau. Philippines rất mạnh mẽ nhưng cũng hay thay đổi. Philippines là một quốc gia đa đảng nên họ hay thay đổi chính sách. Khi một đời tổng thống mới lên là sẽ thay đổi chính sách trước đó. Điều này thì rất rõ ràng, từ thời ông Aquino đến ông Duterte đến ông Marcos hiện nay thì đều thay đổi chính sách đối ngoại. Ngoài ra, theo ông Hoàng Việt, chính sách của Philippines có thể chịu tác động của các vấn đề kinh tế. Ông nói :
"Đặc biệt là ở Philippines, kinh tế nằm trong tay các tài phiệt rất nhiều, đặc biệt là các tài phiệt gốc Hoa. Một mỏ dầu khí rất lớn của Philippines hiện nằm trong tay một đại gia gốc Hoa ở Philippines nên gặp rất nhiều vấn đề.
Philippines có cả bối cảnh riêng trong truyền thống chính trị của họ. Ông Duterte tiền nhiệm thì gần như giao toàn bộ các dự án thăm dò khai thác dầu khí của Philippines cho các công ty Trung Quốc. Việt Nam chưa bao giờ chấp nhận hợp tác với Trung Quốc. Trong khi đó, Philippines lại từng có lúc hợp tác với Trung Quốc như vậy. Và không chỉ từ thời Duterte mà trước đó Philippines từng hợp tác thăm dò với Trung Quốc. Lúc đó, ban đầu Việt Nam phản đối nhưng rồi sau đó buộc phải cùng tham gia dự án thăm dò đó với họ".
Hiện chưa rõ Việt Nam sẽ có động thái gì mới, còn hầu hết các học giả đều cho rằng khu vực xung quanh Biển Đông sẽ tất yếu chứng kiến nhiều sự tăng cường hợp tác trong tương lai. Ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Minh bạch Hàng hải Châu Á ở Trung tâm CSIS, nói với RFA về chiến lược dài hạn của Trung Quốc, đồng thời giải thích vì sao các quan hệ an ninh ngày càng tăng lên trong khu vực :
"Họ có chiến lược biển gần. Đó là biển Hoàng Hải và Biển Đông. Trong chiến lược của Trung Quốc, họ xác định phải kiểm soát những vùng biển đó, bất chấp luật pháp quốc tế có quy định thế nào. Đó là mối đe dọa cho toàn bộ trật tự toàn cầu.
Kế tiếp, Trung Quốc có một chiến lược riêng cho các vùng biển xa, ở Ấn Độ Dương, nằm ngoài cái gọi là "chuỗi đảo thứ nhất". Trung Quốc muốn có "Hải quân nước xanh", tức lực lượng hải quân hoạt động ở vùng biển xa, để có thể hoạt động trên phạm vi toàn cầu.
Ngày đó chắc chắn sẽ đến. Chúng ta không thể làm gì để ngăn cản Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân "nước xanh".
Chúng ta nên chuẩn bị cho ngày đó. Chúng ta nên theo dõi hành trình đó của Trung Quốc, tăng cường quan hệ đối tác và an ninh. Chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta có thể sẵn sàng đối phó một khi Hải quân "nước xanh" của Trung Quốc đi vào vận hành đầy đủ, trở thành một mối đe dọa quân sự".
Theo Tiến sĩ Nagao Satoru, tất cả những hợp tác mới về an ninh này là do sự hiện đại hóa quân sự nhanh chóng và khiêu khích của Trung Quốc. Ông Nagao cho biết cùng với quá trình hiện đại hóa quân sự nhanh chóng, Trung Quốc chỉ riêng trong mười năm qua đã đóng mới 148 tàu hải quân, gần bằng tổng số tàu hải quân mà Nhật Bản hiện sở hữu.
Để ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc, Tiến sĩ Nagao khẳng định, Nhật Bản và Mỹ không thể chạy đua về số lượng vì ngân sách hạn chế. Vì vậy, Nhật Bản và Mỹ phải nâng cao chất lượng. Chuỗi chỉ huy liên hợp và kết nối với nhau liền mạch của hai nước có thể nâng cao hiệu quả quân sự.
Nguồn : RFA, 15/04/2024
**************************
Marcos nói thỏa thuận ba bên Mỹ-Nhật-Philippines sẽ thay đổi thế cục ở Biển Đông
Reuters, VOA, 13/04/2024
Một thỏa thuận hợp tác giữa Philippines, Mỹ và Nhật Bản sẽ thay đổi thế cục ở Biển Đông và khu vực, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nói hôm thứ Sáu, trong khi tìm cách trấn an Trung Quốc rằng nước này không phải là mục tiêu.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (trái) phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Phòng Đông của Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 11 tháng 4 năm 2024.
"Tôi nghĩ thỏa thuận ba bên này cực kì quan trọng", ông Marcos nói trong cuộc họp báo ở Washington một ngày sau khi hội kiến Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa các nước.
"Nó sẽ thay đổi thế cục mà chúng ta thấy trong khu vực, ở ASEAN ở Châu Á, quanh Biển Đông", ông Marcos nói, nhắc đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Ba nhà lãnh đạo bày tỏ "lo ngại sâu sắc" về "hành vi nguy hiểm và hung hăng" của Trung Quốc ở Biển Đông, tuyến đường nơi hơn 3 ngàn tỷ đôla khối lượng thương mại tàu biển đi qua hàng năm với nhiều tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và các nước khác.
Tuy nhiên, ông Marcos nói hội nghị thượng đỉnh "không chống lại bất kì nước nào" mà tập trung vào việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế và an ninh giữa Manila, Washington và Tokyo.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực nói rằng các yêu sách sâu rộng của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý.
Các tàu của Philippines và Trung Quốc đã tiên tục đối đầu trong tháng qua trong những vụ việc có sử dụng tới vòi rồng và lời qua tiếng lại nảy lửa.
Bắc Kinh ngày thứ Năm triệu tập đại sứ Philippines tại nước này và một quan chức đại sứ quán Nhật Bản để phản đối điều mà bộ ngoại giao nước này mô tả là "những bình luận tiêu cực" nhắm vào Trung Quốc.
Tranh chấp ngày càng trầm trọng giữa Trung Quốc và Philippines diễn ra cùng lúc những giao tiếp an ninh với Mỹ gia tăng dưới thời ông Marcos, bao gồm việc mở rộng quyền tiếp cận của Mỹ đối với các căn cứ của Philippines, cũng như với Nhật Bản, nước dự kiến sẽ kí một hiệp ước quân sự tương hỗ với Manila.
Ông Biden đã yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp thêm 128 triệu đôla cho các dự án cơ sở hạ tầng tại các căn cứ của Philippines.
Ông Marcos cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng khoảng 100 tỉ đôla trong các thỏa thuận đầu tư khả dĩ trong vòng năm đến 10 năm tới kể từ hội nghị thượng đỉnh sẽ trở thành hiện thực.
Khi ở Washington, ông Marcos cũng gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, người đảm bảo với ông rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ.
"Toàn bộ sự hợp tác này là hệ trọng đối với an ninh chung của chúng ta và sự thịnh vượng liên tục khắp khu vực", ông Austin nói, nhắc lại cam kết phòng thủ mạnh mẽ của ông Biden.
Reuters
Nguồn : VOA, 13/04/2024
****************************
Tổng thống Biden cảnh cáo về hành xử của Bắc Kinh ở Biển Đông khi họp thượng đỉnh với Philippines, Nhật
Reuters, VOA, 12/04/2024
Căng thẳng âm ỉ kéo dài giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trở thành tâm điểm của cuộc gặp hôm 11/4 giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Philippines tại Nhà Trắng bàn cách đẩy lùi áp lực ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Manila ở Biển Đông có nhiều tranh chấp, theo Reuters.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (con), Tổng thống Mỹ Joe Biden, và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, tại Nhà Trắng ngày 11/4/2024.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ công bố những nỗ lực quân sự chung mới và chi tiêu cơ sở hạ tầng ở thuộc địa cũ của Mỹ trong khi ông tiếp đón Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (con) cùng với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Washington trong hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên.
Đứng đầu chương trình nghị sự của cuộc gặp này là áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, vốn đã leo thang bất chấp lời kêu gọi mà đích thân ông Biden gửi tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm ngoái.
Khai mạc cuộc gặp tại Nhà Trắng với hai nhà lãnh đạo, ông Biden khẳng định rằng hiệp ước phòng thủ chung có từ những năm 1950 ràng buộc Washington và Manila sẽ cho phép Mỹ đáp trả một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào Philippines ở Biển Đông.
Ông nói : "Các cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ với Nhật Bản và Philippines cứng như thép".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói rằng "các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế" và họ sẵn sàng giải quyết các vấn đề thông qua "đối thoại và tham vấn" nhưng bà Mao chỉ trích cả Mỹ lẫn Nhật Bản vì đã làm gia tăng căng thẳng.
Hoa Kỳ có kế hoạch để lực lượng Tuần duyên tiến hành tuần tra chung ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong năm tới cũng như có các hoạt động huấn luyện hàng hải chung. Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho hay Washington cũng sẽ bố trí "hàng cứu trợ nhân đạo để ứng phó với thảm họa dân sự của Philippines" tại các căn cứ quân sự của Philippines.
Một quan chức Mỹ khác cho biết có thể sẽ có thêm các cuộc tuần tra chung trong những tháng tới ở Biển Đông sau các cuộc tập trận của Mỹ, Australia, Philippines và Nhật Bản vào cuối tuần trước.
Động thái này được đưa ra sau khi hai thượng nghị sĩ nổi tiếng của Mỹ hôm 10/4 giới thiệu một dự luật lưỡng đảng nhằm cung cấp cho Manila 2,5 tỷ USD để tăng cường phòng thủ trước áp lực của Trung Quốc.
Ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nói : "Chiến thuật thường xuyên của Trung Quốc là cố gắng cô lập mục tiêu trong các chiến dịch gây áp lực của họ, nhưng cuộc gặp ba bên ngày 11/4 cho thấy rõ rằng Philippines không đơn độc".
Ba nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về những thách thức khu vực và phát triển kinh tế rộng lớn hơn, với các khoản đầu tư mới vào cáp biển, hậu cần, năng lượng sạch và viễn thông.
Reuters
***************************
Trung Quốc bất bình vì bị Mỹ "kéo bè" bao vây
Thu Hằng, RFI, 12/04/2024
Hoa Kỳ trở thành "kẻ gây bất ổn" cho Trung Quốc trong những ngày gần đây. Bắc Kinh cáo buộc Tokyo và Washington "bóp méo sự thật" để bôi nhọ Trung Quốc thành một nước "hung hăng". Hàng loạt sự kiện thắt chặt quan hệ với các nước trong khu vực được Hoa Kỳ tổ chức bị Trung Quốc coi là "mối đe dọa cho hòa bình và ổn định ở trong vùng".
Tổng thống Mỹ Joe Biden trao đổi với thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Nhà Trắng, Washington, Mỹ, ngày 10/04/2024. Reuters - Kevin Lamarque
Trong vòng chưa đầy một tuần, Hoa Kỳ trở thành trung tâm và trung gian kết nối, tăng cường hợp tác với các đồng minh trong vùng. Mỹ tham gia hai cuộc tập trận đa phương với Philippines, Nhật và Úc ở Biển Đông ngày 07/04, tiếp theo là cuộc tập trận với Hàn Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông từ ngày 10-12/04, tất cả đều nhằm mục đích tăng cường "khả năng tác chiến" đối phó với "mọi tình huống hàng hải". Hải quân Mỹ, Anh, Úc khẳng định sẽ tiếp tục các chuyến tuần tra trong tương lai.
Nhật và Philippines tham gia sâu hơn vào mạng lưới của Mỹ
Washington cũng thuyết phục Tokyo tham gia hợp tác với liên minh ba bên AUKUS (Mỹ, Úc, Anh) trong "Trụ cột thứ 2" liên quan đến công nghệ tối tân. Hơn 50.000 quân nhân Mỹ đóng ở Nhật Bản sẽ "tác chiến hiệu quả hơn", phản ứng nhanh hơn theo lệnh từ trung tâm chỉ huy song phương, thay vì phụ thuộc trực tiếp vào Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii. Mỹ sẽ bảo vệ Philippines "bằng mọi cách" trong trường hợp đồng minh Đông Nam Á bị tấn công ở Biển Đông.
Bắc Kinh dường như ngồi trên lửa vì hàng loạt hoạt động dồn dập bủa vây, được trang La Croix ngày 11/04 cho là nhằm mục đích "chặn thói háu ăn của Trung Quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương". Quốc gia đòi chủ quyền đến 80% diện tích Biển Đông, hăm dọa Philippines, tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản, đe dọa "thống nhất" với Đài Loan kể cả bằng vũ lực, tự nhận là "nạn nhân" của những cáo buộc "dối trá", những hành động thù nghịch của Mỹ và các đồng minh.
Việc Washington xích lại gần với các nước trong vùng, nâng cấp quan hệ quân sự với Tokyo, không được Bắc Kinh hoan nghênh, trong bối cảnh Trung Quốc và Nhật Bản mất lòng tin vào nhau dù duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ, theo nhận định với RFI của nhà nghiên cứu Emmanuel Véron, trường INALCO Paris. Một nước chủ hòa như Nhật Bản đang thay đổi lập trường, gia tăng hợp tác quân sự với Mỹ và các đồng minh không phải là tin tốt cho nước láng giềng Trung Quốc.
Mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa Mỹ và các nước trong vùng cũng cản đường Trung Quốc trở thành một nhân tố thống trị ở Thái Bình Dương. Cho nên, chuyên gia quân sự Hal Brands, Đại học Johns-Hopkins, được La Croix trích dẫn, nhận định Bắc Kinh "tìm mọi cách phá vỡ những mối quan hệ đồng minh của Mỹ ở trong vùng".
Dân mạng Trung Quốc hạ uy tín của Nhật và Philippines
Điều này có thể thấy qua việc Trung Quốc cáo buộc Philippines "lôi kéo các thế lực bên ngoài can thiệp vào khu vực", tuyên truyền rằng ASEAN không ủng hộ hành động đơn phương của Manila. Trang Global Times, ấn bản tiếng Anh của Hoàn Cầu Thời Báo, đăng loạt phóng sự phản ánh "những bất bình, phản đối" của người Philippines về sự hiện diện quân sự của Mỹ.
Trên phương diện ngoại giao, chính quyền Bắc Kinh sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ nhất để bác những tuyên bố, quan ngại của Mỹ và các đồng minh về những "hành động gây bất ổn ở Biển Đông" và biển Hoa Đông, đồng thời khẳng định mọi hành động của họ đều "hợp pháp", dù phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài La Haye vẫn bị Trung Quốc coi là tờ giấy lộn.
Một lực lượng "anh hùng bàn phím" hùng hậu được chính quyền ngầm khuyến khích bày tỏ phẫn nộ trên mạng xã hội với ngôn từ ít ngoại giao hơn, nếu không nói là "thóa mạ" : Các nhà lãnh đạo Nhật, Philippines, Mỹ bị coi là "ác quỷ", thủ tướng Kishida và tổng thống Marcos Jr. bị ví là "thú cưng của Biden".
Giáo sư chính trị quốc tế Brad Glosserman, Đại học Tama ở Tokyo, kiêm cố vấn tại Diễn đàn Thái Bình Dương (Pacific Forum) cho rằng một nước Trung Hoa vẫn rao giảng về "một thế giới thịnh vượng, hài hòa và hòa bình" đang hành động ngược lại với "những hù dọa, quấy rối bằng vũ trang ngày càng gia tăng" ở trong vùng.
Thu Hằng
**************************
Tổng thống Mỹ cam kết bảo vệ Philippines "bằng mọi cách" nếu "bị tấn công" ở Biển Đông
Thu Hằng, RFI, 12/04/2024
Lần đầu tiên, Mỹ, Nhật Bản và Philippines họp thượng đỉnh để đối phó với những căng thẳng ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong thông cáo chung ngày 11/04/2024, ba nước đồng minh lên án "hành động nguy hiểm" của Trung Quốc ở Biển Đông, dù không nêu đích danh. Bắc Kinh đã đáp trả với tuyên bố bảo vệ những hành động "hợp pháp" của họ ở Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr (trái) và thủ tướng Nhật Fumio Kishida trước cuộc gặp ba bên tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 11/04/2024. AP - Mark Schiefelbein
Trong cuộc họp với thủ tướng Fumio Kishida và tổng thống Marcos Jr., chủ nhân Nhà Trắng nhắc lại "cam kết không thể lay chuyển của Mỹ đối với an ninh Nhật Bản và Philippines". Ba nhà lãnh đạo bày tỏ "quan ngại sâu sắc trước thái độ nguy hiểm và hung hăng của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ở Biển Đông", cũng như "quá trình quân sự hóa các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và những đòi hỏi chủ quyền bất hợp pháp" ở vùng biển chiến lược này.
Trước đó, theo AFP, tổng thống Joe Biden khẳng định với đồng nhiệm Marcos Jr. "mọi cuộc tấn công nhắm vào tàu, máy bay hoặc lực lượng vũ trang Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt ngay việc triển khai hiệp định phòng thủ hỗ tương" giữa hai nước.
Trung Quốc khẳng định hành động "hợp pháp" ở Biển Đông
Ngay lập tức, chính quyền Bắc Kinh đã đáp trả bằng lời nói lẫn hành động, khẳng định những hoạt động của Trung Quốc ở trong vùng là "hợp pháp".
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh tường trình :
"Những chuyến tuần biển của Quân đội Giải phóng Nhân dân trở lại màn hình của đài truyền hình trung ương Trung Quốc và trên mạng xã hội thông qua các tài khoản của truyền thông Nhà nước. Họ đưa tin về các đợt luyện tập hàng hải của Trung Quốc trong những ngày vừa qua ở Biển Đông để đối phó với cuộc tập trận chung của Mỹ, Nhật Bản, Philippines ở trong vùng.
Sáng thứ Sáu này (12/04), tầu 2502 của hải cảnh Trung Quốc đi tuần tra ở vùng biển tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Theo chính quyền, được Tân Hoa Xã trích dẫn, cuộc tuần tra này là "hợp pháp" để "bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc". Đối với đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo, việc tăng cường liên minh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản là một "mối đe dọa cho hòa bình và ổn định ở trong vùng".
Thông điệp này được đội "anh hùng bàn phím" theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa đồng loạt đăng lại. Họ thức dậy với thông cáo ba bên Mỹ-Nhật-Philippines được công bố trong đêm và thế là ngôn từ còn mạnh mẽ và thậm tệ hơn. Trên mạng xã hội Weibo có thể thấy những câu : "Tôi có cảm giác Biden đang dắt chó đi dạo", ngụ ý đến thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đang công du Washington. Hoặc "chúng ta sẽ thử mức độ trung thành của các đồng minh của Mỹ bằng cách tấn công Philippines và Nhật Bản trước tiên".
Thu Hằng
**************************
Tổng thống Biden : Mỹ sẵn sàng bảo vệ Philippines trước Trung Quốc trên Biển Đông
VOA, 12/04/2024
Hoa Kỳ sẵn sàng bảo vệ Philippines trước bất kỳ cuộc tấn công nào ở Biển Đông, Tổng thống Joe Biden khẳng định hôm 11/4, trong bối cảnh căng thẳng trên biển gia tăng giữa Manila và Bắc Kinh, hãng tin AFP cho biết.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) cùng Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tới tham dự thượng đỉnh 3 bên tại Nhà Trắng ở Washington hôm 11/4.
"Bất kỳ cuộc tấn công nào vào máy bay, tàu thuyền hoặc quân đội Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung (MDT) của chúng tôi", ông Biden phát biểu khi ông chủ trì hội nghị thượng đỉnh ba bên lần đầu tiên với Philippines và Nhật Bản tại Nhà Trắng.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh, ông Biden đã nói rõ rằng các cam kết quân sự của Washington đối với nước đồng minh Châu Á là ‘sắt đá’.
Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines đã tồn tại trong hơn 70 năm. Theo đó, nếu một trong hai nước bị tấn công thì nước kia phải có nghĩa vụ hỗ trợ.
Theo nhà lãnh đạo Mỹ, việc tăng cường quan hệ an ninh giữa Mỹ, Nhật và Philippines là rất quan trọng để duy trì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, năng động và thịnh vượng, tờ Inquirer của Philippines tường thuật.
"Như quý vị đã nghe tôi nói trước đây, trong những năm tới phần lớn lịch sử trên thế giới của chúng ta sẽ được viết ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Với tư cách là ba nước đồng minh, ba đối tác, ba nền dân chủ đáng tự hào đại diện cho nửa tỷ người, hôm nay chúng tôi cam kết cùng nhau viết nên câu chuyện đó và viết nên tương lai của chúng tôi", ông Biden nói.
Một ngày sau hội nghị thượng đỉnh ba bên, Trung Quốc hôm 12/4 đã triệu tập các nhà ngoại giao Nhật Bản và Philippines để bày tỏ bất bình về những phát biểu tiêu cực về họ, Reuters dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao nước này cho biết.
"Chúng tôi lên án quyết liệt và phản đối mạnh mẽ những phát biểu này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh, nói trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh để đáp lại bài diễn văn của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trước Quốc hội Mỹ mà trong đó ông gọi Trung Quốc là thách thức lớn nhất thế giới.
Bình luận về cuộc gặp thượng đỉnh ở Nhà Trắng, bà Mao nói rằng Trung Quốc phản đối mạnh mẽ chính trị ‘tiểu hội’ của các nước này và bất kỳ hành động nào kích động hay làm gia tăng căng thẳng.
"Trung Quốc phản đối việc thành lập các hội nhóm riêng biệt trong khu vực", bà Mao nói.
Giám đốc Châu Á vụ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lưu Kinh Tùng, cũng đã gặp một quan chức đại sứ quán Nhật Bản là Akira Yokochi, để ‘phản đối nghiêm khắc’ về những phát ngôn tiêu cực về Trung Quốc, cơ quan này cho biết trong một tuyên bố khi bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng và bất bình mạnh mẽ của Trung Quốc.
Ông Lưu cũng đã có "những phản đối nghiêm khắc" với đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jaime Flor Cruz. Đại sứ Cruz đã bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu tập do Philippines đã có "những phát ngôn và hành động tiêu cực" về Trung Quốc trong cuộc gặp thượng đỉnh.
Bà Mao cũng cáo buộc Manila phớt lờ một thỏa thuận ngầm mà Bắc Kinh nói họ đã đạt được với tổng thống tiền nhiệm Rodrigo Duterte mà theo đó Manila sẽ không đưa vật liệu xây dựng ra con tàu bị mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây.
Ông Duterte hôm 12/4 nói với tờ Hoàn cầu Thời báo rằng ông tin Mỹ đang chỉ đạo chính phủ mới của Philippines.
"Khi tôi còn là tổng thống Philippines, không có tranh cãi ở Biển Đông, hai nước chúng tôi đã có thể trở lại (quan hệ) như bình thường", ông nói.
"Tôi biết khá chắc rằng chính Mỹ đang đưa ra chỉ thị cho Philippines. Họ nói với chính phủ Philippines hiện tại đừng sợ (chiến đấu) vì Mỹ sẽ hỗ trợ Manila".
Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong các tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, gạt bỏ các yêu sách cạnh tranh từ một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Philippines.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh vào cuối ngày 11/4, ba nhà lãnh đạo của Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã đưa ra "Tuyên bố tầm nhìn chung", phác thảo một loạt sáng kiến hợp tác kinh tế và quốc phòng, đồng thời chỉ trích "hành vi nguy hiểm và hung hăng ở Biển Đông" của Trung Quốc.
Tuyên bố cho biết ba quốc gia sẽ tiến hành huấn luyện và tập trận hải quân chung cùng với các đối tác như Australia.
Tổng thống Biden cũng đã liệt kê ra một số lĩnh vực chính mà Mỹ, Nhật và Philippines sẽ củng cố hợp tác, trong đó có công nghệ, năng lượng sạch, chuỗi cung ứng chất bán dẫn.
Nguồn : VOA, 12/04/2024
**************************
Thủ tướng Nhật Bản Kishida : Mỹ nên tiếp tục vai trò lãnh đạo thế giới
Phan Minh, RFI, 12/04/2024
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, hôm qua 11/04/2024, đã có bài phát biểu trước các nghị sĩ Hoa Kỳ tại điện Capitol, Washington, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Washington đối với các vấn đề trên toàn cầu vào thời điểm căng thẳng gia tăng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng như trong bối cảnh Quốc hội Mỹ tỏ ra hoài nghi về sự can dự của Hoa Kỳ vào các vấn đề ở nước ngoài.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ, Washington, ngày 11/04/2024. Reuters – Michael a. McCoy
Theo hãng tin Mỹ AP, thủ tướng Kishida cũng nhấn mạnh đến những giá trị của cam kết mà Hoa Kỳ đã đưa ra đối với an ninh toàn cầu và khẳng định Tokyo là một đối tác mạnh mẽ luôn sát cánh cùng Washington. Fumio Kishida đề cao vai trò "anh cả" của Hoa Kỳ trên toàn cầu kể từ khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Sau khi thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản để chấm dứt chiến tranh, Mỹ đã giúp tái thiết xứ hoa anh đào và hai quốc gia đang từ kẻ thù không đội trời chung trở thành những đồng minh thân thiết. Ông Kishida cho rằng "Hoa Kỳ đã có những hy sinh cao cả để thực hiện cam kết vì một thế giới tốt đẹp hơn".
Thủ tướng Nhật cũng kêu gọi các nghị sĩ Mỹ hỗ trợ Ukraine khi nhận định "Ukraine của ngày hôm nay có thể sẽ là Đông Á của ngày mai", và coi Trung Quốc là "thách thức chiến lược lớn nhất, không chỉ đối với hòa bình và an ninh của Nhật Bản mà còn đối với hòa bình và ổn định của cộng đồng quốc tế nói chung".
Trước đó vào đầu tuần, lãnh đạo phe Cộng Hòa tại Thượng Viện, Mitch McConnell, cho biết hy vọng chuyến thăm của thủ tướng Kishida sẽ giúp các nghị sĩ hiểu rằng "phương Tây đang ở trong tình thế chống lại những kẻ thù của nền dân chủ do Trung Quốc, Nga và Iran dẫn đầu".
Phan Minh