Hoa Kỳ có thể lãnh đạo một Liên minh Nhân quyền chống Trung Quốc ?
Chính quyền Biden đang cố chống lại Bắc Kinh bằng cách nêu rõ những vi phạm quyền và giá trị dân chủ của nước này.
Ngày 21/5 năm 2021
Khi nói chuyện với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng trước, Tập Cận Bình đã không che giấu sự bực tức trước mối quan hệ mới giữa Châu Âu và Mỹ. Theo thông tin từ Bắc Kinh về cuộc gọi này, ông Tập chia sẻ "hy vọng rằng EU sẽ có những đánh giá chính xác, độc lập và thực sự đạt được quyền tự chủ chiến lược". Tất nhiên, khi nói đến quyền tự chủ, ông ấy có ý nói không nên đi với Mỹ.
Những người biểu tình ở Amsterdam ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc vào năm 2019. ẢNH : Romy Arroyo Fernandez / NurPhoto / Getty Images
Chỉ hai tuần trước đó, trong một dấu hiệu của sự liên kết chiến lược xuyên Đại Tây Dương đang nhen nhóm, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với các quan chức chính phủ Trung Quốc kể từ sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 – thời điểm mà Trung Quốc còn tương đối nhỏ trong nền kinh tế toàn cầu. Các biện pháp được Hoa Kỳ, Canada và Vương quốc Anh áp dụng này chủ yếu mang tính biểu tượng, nhằm vào một số ít quan chức tham gia đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ thiểu số ở Tân Cương.
Tuy nhiên, động thái này và hậu quả của nó làm nổi bật một sự thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Biden : quay trở lại sử dụng các vấn đề nhân quyền — và các giá trị ràng buộc Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây lại với nhau — như một công cụ của Hoa Kỳ trong nỗ lực chiến lược nhằm ngăn một Trung Quốc quyết đoán, đang trỗi dậy thay đổi trật tự quốc tế. Khó khăn là một số đồng minh quan trọng trong việc chống lại Trung Quốc, đặc biệt là ở Châu Á, có hồ sơ nhân quyền gây rắc rối cho chính họ. Giống như Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ một lần nữa phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc dung hòa các nhu cầu chiến lược với các nguyên tắc mà họ tuyên bố trong cuộc đối đầu với đối thủ toàn cầu hàng đầu.
Theo nhiều cách, có sự liên tục đáng chú ý giữa nội các của Tổng thống Biden và chính quyền Tổng thống Trump trong việc coi Trung Quốc là thách thức chiến lược chính của Mỹ. Trung Quốc của ông Tập "hết sức nghiêm túc về việc trở thành quốc gia quan trọng nhất trên thế giới," ông Biden phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội vào tháng Tư. "Ông ấy và một số người khác — những người chuyên quyền — nghĩ rằng các nền dân chủ không thể cạnh tranh trong thế kỷ 21". Sự khác biệt là ông Trump nhìn nhận cuộc cạnh tranh này chủ yếu là lợi ích quốc gia thô thiển, một cuộc đụng độ giữa quyết tâm duy trì vị thế cường quốc hàng đầu thế giới của Mỹ và nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay thế họ. Chẳng hạn, ông không mấy quan tâm đến hoàn cảnh của người Duy Ngô Nhĩ, và theo cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, thậm chí đã từng khen ngợi ông Tập về việc xây dựng các trại tập trung ở Tân Cương.
Mặt trái của việc nhấn mạnh nhân quyền là nó có thể làm suy yếu các mối quan hệ chiến lược khác.
Ngược lại, chính quyền của ông Biden định hình cuộc cạnh tranh như một cuộc đối đầu của các giá trị, với việc Mỹ và các đồng minh dân chủ chống lại mô hình đàn áp độc tài mà Trung Quốc đang tìm cách áp đặt lên phần còn lại của thế giới. Trong cuộc trò chuyện đầu tiên với ông Tập, ông Biden nhắc đến Tân Cương và quyết định của chính ông về việc hủy bỏ lệnh hành pháp của ông Trump cấm công dân của một số quốc gia Hồi giáo nhập cảnh – vì không phải tất cả người Hồi giáo đều là khủng bố, theo một người biết về cuộc gọi này.
"Các liên minh của chúng tôi được tạo ra để bảo vệ các giá trị được chia sẻ", Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một bài phát biểu tại Brussels vào tháng Ba. "Không nghi ngờ gì rằng hành vi cưỡng bức của Bắc Kinh đe dọa an ninh và sự thịnh vượng chung của chúng ta, và rằng họ đang tích cực làm suy yếu các quy tắc của hệ thống quốc tế và các giá trị mà chúng ta và các đồng minh chia sẻ".
Cách tiếp cận mới đã thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách Châu Âu. "Hoa Kỳ đã trở lại với chương trình nghị sự về dân chủ, nhân quyền và tự do và đây là điều rất quan trọng đối với chúng tôi", Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Jeppe Kofod cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Khi nói đến các giá trị, EU cũng sẵn sàng chỉ trích Trung Quốc khi các nguyên tắc cơ bản bị thách thức, như ở Tân Cương hay Hồng Kông. Nói chung, EU và Mỹ có cùng cách tiếp cận với Trung Quốc".
Ngược lại, các chính phủ Châu Á ít tập trung hơn vào vấn đề về các giá trị dân chủ được chia sẻ trong nỗ lực tự định vị trong sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Lý do rất đơn giản : Khi Trung Quốc bắt nạt hết nước láng giềng này đến nước láng giềng khác trong những năm gần đây, các quốc gia từ Ấn Độ, Việt Nam đến Nhật Bản đã nhận ra rằng nắm lấy nỗ lực toàn cầu của Washington để ngăn chặn sức mạnh của Bắc Kinh là vì lợi ích an ninh quốc gia cốt lõi của họ. "Ở Châu Á, điều quan trọng là mối quan hệ với Trung Quốc. Mặt khác là nỗi sợ hãi". David Gordon, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao và Cục Tình báo Trung ương, người giám sát dự án về kế hoạch Vành đai và Con đường của Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết.
Một quan chức cấp cao của Nhật Bản chỉ ra rằng Nhật giống như nhiều quốc gia ở Châu Á, phải đối mặt với các yêu sách lãnh thổ ngày càng gay gắt của Trung Quốc. Ông nói : "Khi Trung Quốc trỗi dậy, họ ngày càng trở nên quyết đoán hơn, và vì vậy các nước khác cần phản ứng. Đây là một vấn đề quan trọng có tính quyết định trong những thập niên tới… Và tất cả chúng ta ai cũng cần bạn bè".
Ngoại trưởng Antony Blinken dẫn đầu cuộc đàm phán với Trung Quốc vào tháng Ba. Ảnh : Ferderic J. Brown / Pool / AFP
Cân bằng lợi ích
Những tính toán như vậy đã cắt theo hướng khác ở Châu Âu, nơi mà nhiều chính trị gia trong những năm gần đây đã tin rằng theo đuổi lợi ích quốc gia có nghĩa là cần phải chấp nhận chứ không phải đối đầu với Trung Quốc. Đối với họ, Bắc Kinh không phải là một vấn đề an ninh tức thời — và Trung Quốc đưa ra các cơ hội đầu tư và giao thương sinh lợi vào thời điểm mà ông Trump đang đe dọa chiến tranh thương mại. Nhiều người Châu Âu cũng công khai tự hỏi liệu giá trị của họ và của nước Mỹ có khác nhau hay không.
"Trung Quốc đã cố hết sức thuyết phục người Châu Âu rằng lợi ích của chúng tôi hoàn toàn khác với lợi ích của Mỹ", Valerie Niquet, giám đốc khu vực Châu Á tại Foundation for Strategic Research, một tổ chức tư vấn ở Paris, cố vấn cho chính phủ Pháp, cho biết. "Và sự ghét bỏ Trump ở Châu Âu vào thời điểm đó cho phép Trung Quốc ngăn cản sự xuất hiện của một mặt trận chung".
Ngay cả khi sự kết hợp giữa đường lối ngoại giao "chiến binh sói" hiếu chiến của Trung Quốc, sự đàn áp ở đại lục và đại dịch corona đã làm xói mòn vị thế của nước này ở Châu Âu trong những năm gần đây, bà Merkel của Đức vẫn là người kiên định đấu tranh cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Châu Âu và Bắc Kinh. Đức, không giống như Hoa Kỳ và hầu hết các quốc gia Châu Âu khác, duy trì cán cân thương mại lành mạnh với Trung Quốc, một phần nhờ vào ngành công nghiệp xe hơi quan trọng của nước này. Tháng 12 năm ngoái, bà Merkel – khi đó đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU – đã thúc đẩy thông qua một thỏa thuận đầu tư gây tranh cãi giữa Trung Quốc và Châu Âu. Các nhà bình luận Trung Quốc tỏ ra hào hứng, cho rằng quyết định này là một bước lùi lớn đối với quyền lực của Mỹ.
Niềm vui đó hóa ra ngắn ngủi. Vào tháng 3, trọng tâm mới của chính quyền Biden về nhân quyền và các giá trị dân chủ đã chĩa sự chú ý vào Tân Cương, thúc đẩy EU áp dụng các biện pháp trừng phạt phối hợp đối với các quan chức Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh tức giận đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tư vấn, chính trị gia Châu Âu và toàn bộ một tiểu ban của Nghị viện Châu Âu, cơ quan lập pháp được cho là sẽ phê chuẩn thỏa thuận đầu tư vào tháng 12. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nghiêm khắc cảnh báo EU vào thời điểm đó "hãy tự suy xét lại bản thân, đối mặt thẳng thắn với mức độ nghiêm trọng của sai lầm của mình" và "đừng đi sai đường nữa".
Phản ứng gay gắt này càng khiến quan điểm của Châu Âu đối với Bắc Kinh xấu đi. Hôm thứ Năm, Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu 599-30 để đóng băng việc phê chuẩn và thúc giục ràng buộc thỏa thuận này với tiến bộ của Trung Quốc về nhân quyền. Cuộc tranh cãi đã làm suy yếu sức hấp dẫn của cách tiếp cận theo hướng duy trì quan hệ và liên kết của bà Merkel. "Người Trung Quốc đã tính toán sai lầm lớn. Reinhard Bütikofer, một thành viên Nghị viện Châu Âu từ Đảng Xanh Đức, người nằm trong số các nhà lập pháp bị Bắc Kinh trừng phạt, cho biết họ đã coi thường công chúng và các phương tiện truyền thông có hiểu biết.
"Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng họ đã nghiên cứu phương Tây đủ nhiều và đã học được tất cả những gì cần học, và bây giờ họ sẽ dạy học. Họ đang thất bại – bởi vì họ đã trở nên quá kiêu ngạo," ông Bütikofer, người đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử vào tháng 9, nói thêm, khi bà Merkel từ chức thủ tướng.
Thành viên Hạ viện Đức Nils Schmid, phát ngôn viên đối ngoại của Đảng Dân chủ Xã hội thuộc liên minh của bà Merkel, nói thêm rằng sự thay đổi quan điểm của Châu Âu về Trung Quốc, kết hợp với những hiểu biết mới giữa hai bờ Đại Tây Dương, chắc chắn sẽ làm cứng rắn hơn nữa các chính sách của Châu Âu. "Trong quá lâu, các doanh nghiệp lớn đã chi phối chính sách của Đức đối với Trung Quốc. Bất kỳ chính phủ mới nào của Đức sau cuộc bầu cử vào tháng 9 sẽ đi kèm với một chính sách mạnh mẽ hơn và quyết đoán hơn đối với Trung Quốc", ông Schmid nói. "Điều này không nhất thiết có nghĩa là chúng tôi sẽ tuân theo tất cả các bước và biện pháp do chính phủ Hoa Kỳ thực hiện … Nhưng theo nghĩa rộng hơn, có tiềm năng rất lớn cho một cách tiếp cận chung của Hoa Kỳ và EU".
Tuy nhiên, sự hiểu biết mới về các giá trị xuyên Đại Tây Dương mới chỉ đi xa được đến vậy ; Châu Âu và Hoa Kỳ vẫn là những đối thủ thương mại lớn. Câu thần chú của chính quyền Biden về "chính sách đối ngoại dành cho tầng lớp trung lưu", với chủ nghĩa bảo hộ, chỉ là một cách nói hay để nói "Nước Mỹ trên hết", một đại sứ Châu Âu châm biếm. Tuy nhiên, mặc dù bản chất của nhiều chính sách của Mỹ vẫn không thay đổi, chính quyền Biden đã cho thấy mình đang muốn làm việc nhiều hơn với các đồng minh trong việc đưa ra các quyết định chung thay vì thực hiện các biện pháp đơn phương, một nhà ngoại giao cấp cao khác của Châu Âu cho biết.
Mặt trái của việc nhấn mạnh cam kết chung về nhân quyền, như chính quyền Biden đã phát hiện, là nó có thể làm suy yếu một số mối quan hệ chiến lược bắt nguồn từ lợi ích địa chính trị chung. Hoa Kỳ phải đối mặt với một thách thức tương tự trong Chiến tranh Lạnh chống lại Liên Xô – thời điểm mà nhiều đối tác và đồng minh của họ không dân chủ, từ Hàn Quốc, Đài Loan và Indonesia đến các chế độ chuyên quyền ở Tây Ban Nha và Hy Lạp cho đến các chế độ quân sự khác nhau ở Châu Mỹ Latinh.
‘Không phải ai cũng đồng ý với quan điểm của chúng tôi về nhân quyền, và bạn phải giải quyết vấn đề đó. Vấn đề phải được xử lý khác nhau tùy theo trường hợp".
Thượng nghị sĩ Jim Risch (Cộng hòa-Tiểu bang Idaho), Ủy ban Đối ngoại Thượng viện
Tìm cách cô lập Liên Xô trong những năm 1970, Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger thậm chí đã đạt được thỏa thuận với chế độ độc tài của Mao Trạch Đông, tạo cơ sở cho Trung Quốc tái gia nhập nền kinh tế toàn cầu. Năm 1979, Jeane Kirkpatrick, đại sứ tương lai của Tổng thống Ronald Reagan tại Liên Hợp Quốc, đã đặt ra cái gọi là Học thuyết Kirkpatrick, cho rằng Washington nên ủng hộ những người chuyên quyền thân thiện bởi vì thúc đẩy mạnh mẽ các cải cách dân chủ sẽ chỉ trao quyền cho các chế độ thân Liên Xô, và có khuynh hướng đàn áp hơn.
"Làm thế nào để cân bằng giữa khát vọng tư tưởng với nhu cầu địa chính trị ?" Thomas Graham, cố vấn cấp cao tại Kissinger Associates và là cựu quan chức Nhà Trắng của cựu Tổng thống George W. Bush cho biết. "Để kiềm chế Liên Xô, chúng tôi đã phải đối phó với một số quốc gia có nền chính trị trong nước kém dân chủ nhưng lại chiếm giữ các vị trí địa chính trị quan trọng trên toàn cầu. Tôi nghĩ rằng chính quyền Biden sẽ tiếp cận Trung Quốc theo cách tương tự".
Thách thức lớn nhất đối với chính quyền Biden là nền dân chủ ngày càng gặp khó khăn của Ấn Độ. Không thể thiếu gã khổng lồ có vũ khí hạt nhân này trong chiến lược của Washington nhằm ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Quân đội Ấn Độ đã tham gia các cuộc đụng độ ngắn ngủi nhưng đẫm máu với lực lượng Trung Quốc vào năm ngoái. Hợp tác quân sự và chính trị giữa Washington và New Delhi đang phát triển nhanh chóng, cả song phương và trong khuôn khổ của một nhóm gọi là thỏa thuận Bộ tứ (QUAD) gồm cả Nhật Bản và Australia.
Samir Saran, chủ tịch của Observer Research Foundation, một tổ chức tư vấn hàng đầu của Ấn Độ cho biết : "Trong 20 năm qua, mọi tổng thống Hoa Kỳ đều thấy việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Ấn Độ là hữu ích.
Tuy nhiên, Ấn Độ cũng là quốc gia mà Thủ tướng Narendra Modi đã áp dụng các chính sách ngày càng độc tài, hạn chế các quyền tự do dân chủ và nhắm vào nhóm thiểu số Hồi giáo. Những hành động đó, cũng như việc ông Modi xử lý sai đại dịch coronavirus, đã thúc đẩy Quốc hội và những định chế khác xem xét lại mối quan hệ này.
Cho đến nay, chính quyền Biden phần lớn kiềm chế không chỉ trích ông Modi. Ông Biden đã tham dự cuộc họp cấp cao đầu tiên của Bộ Tứ QUAD vào tháng 3 và tuyên bố nỗ lực chung nhằm sản xuất vắc xin cho thế giới. Vào/4, Ấn Độ đã được Hoa Kỳ chấp thuận mua 2,4 tỷ USD máy bay tuần tra và trinh sát hàng hải, một công cụ quan trọng trong mục tiêu chung là hạn chế sự xâm nhập của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Manish Tewari, một nhà lập pháp nổi tiếng của đảng đối lập chính, Đại hội Quốc gia Ấn Độ, và là một cựu bộ trưởng nội các cho biết : "Sự hợp tác là đương nhiên trong bối cảnh địa chiến lược chung của cả Ấn Độ-Thái Bình Dương và các tác động rộng lớn hơn của việc Trung Quốc trỗi dậy không hòa bình theo bất kỳ tiêu chuẩn nào. Nhưng cũng có một thực tế ở Ấn Độ : sự cai trị không công bằng và không hiệu quả cách khủng khiếp và tuyệt đối, cuộc thử nghiệm với mất mát và sự đau khổ trên quy mô mà chỉ có thể so sánh với cuộc Cách mạng Văn hóa và Đại nhảy vọt của Mao Trạch Đông".
"Đó là một tình huống khó khăn," ông ấy nói thêm. "Việc vượt qua bãi mìn này sẽ đòi hỏi tất cả kỹ năng và sự chuẩn bị của Hoa Kỳ, tiếp tục hợp tác với Ấn Độ, đồng thời liên tục tái khẳng định rằng cốt lõi của mối quan hệ giữa hai nước là cam kết cho cả đa nguyên và dân chủ".
Vijay Chauthaiwale, người đứng đầu đối ngoại của Đảng Bharatiya Janata cầm quyền của Ấn Độ, nói rằng ông không thấy các vấn đề nhân quyền cản trở mối quan hệ song phương đang nở rộ giữa New Delhi và Washington. Ông nói : "Chúng tôi hiểu rõ sự nhạy cảm của chính quyền Biden, nhưng đồng thời Ấn Độ cũng có thành tích rất rõ ràng về các giá trị dân chủ và nhân quyền. "Các quốc gia thân thiện sẽ có một số thỏa thuận và một số bất đồng, nhưng tôi chắc chắn rằng nó sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ đối tác chung của chúng ta".
Mặc dù việc công khai gây sức ép với Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền đã trở thành một công cụ hữu ích trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, việc chỉ đích danh và bêu xấu các đồng minh và đối tác như Ấn Độ về những hành vi phạm tội ít nghiêm trọng hơn có thể phản tác dụng, Thượng nghị sĩ Jim Risch (Cộng Hòa- Tiểu bang Idaho), Phó Chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại Thượng viện cho biết. "Chúng tôi luôn luôn luôn hướng về nhân quyền. Phải nói rằng, không phải ai cũng đồng ý với quan điểm của chúng tôi về quyền con người, và bạn phải chấp nhận điều này. Chính sách đối ngoại được thực hiện theo từng trường hợp cụ thể và quan trọng hơn là cơ sở giao dịch. Ít khi bạn thay đổi được cách hành xử của ai đó bằng cách cố gắng làm nhục người đó một cách công khai".
Theo quan điểm này – được một số quan chức chính quyền Biden chia sẻ – việc thu hút sự chú ý của công chúng đến sự tụt lùi dân chủ ở Ấn Độ hoặc Philippines, hoặc sự vắng bóng gần như hoàn toàn các quyền tự do chính trị ở Việt Nam, sẽ chỉ có lợi cho Trung Quốc, và do đó cuối cùng gây ra sự thụt lùi đối với nền dân chủ trên toàn thế giới. Rốt cuộc, không quốc gia nào trong số này tìm cách tạo ra một giải pháp thay thế có hệ thống cho các nền dân chủ phương Tây.
Tuy nhiên, cuối cùng, việc Trung Quốc rơi vào tình trạng đàn áp mạnh hơn và chính sách đối ngoại liều lĩnh hơn khiến khoảng cách về giá trị giữa Mỹ và một số đồng minh trở nên ít quan trọng hơn, ông Gordon nói thêm : "Lợi thế lớn nhất mà chính quyền Biden có về mặt chiến lược xây dựng liên minh là hành vi của Trung Quốc".
Yaroslav Trofimov
Nguyên tác : Can the U.S. Lead a Human-Rights Alliance Against China ?, The Wall Street Journal, 21/05/2021
Anh Khoa dịch
Nguồn : VNTB, 27/05/2021