Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 30 mars 2021 15:40

Liên minh Trà Sữa là gì ?

Vào ngày 01/02, ngày mà quân đội Myanmar phế truất chính phủ được bầu một cách dân chủ của nước này, một người dùng Twitter đã đăng tải hình ảnh của Royal Myanmar Teamix, một loại trà pha chế của địa phương. Bài tweet kể từ đó đã được chia sẻ hơn 22.000 lần. Bên cạnh hình ảnh là một hashtag đã được các nhà hoạt động ở Hồng Kông, Đài Loan và Thái Lan sử dụng trong gần một năm qua : #MilkTeaAlliance (Liên minh Trà Sữa). Các tấm biển với khẩu hiệu này xuất hiện tại các cuộc biểu tình đường phố ủng hộ dân chủ trên khắp Đông Nam Á. Chính xác thì Liên minh Trà Sữa là gì và những người ủng hộ nó có điểm chung nào ?

milktea1

Thuật ngữ này lần đầu tiên lan truyền trên mạng vào tháng 4 năm 2020 khi Vachirawit Chivaaree, một diễn viên nổi tiếng người Thái Lan, gửi một dòng tweet có vẻ như ủng hộ sự độc lập của Hồng Kông đối với Trung Quốc. Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đã đổ vào lăng mạ, trong khi người hâm mộ Vachirawit thì phản bác lại. Khi các bài đăng được trao đổi qua lại giữa những người dùng ở Hồng Kông, Thái Lan và Đài Loan, hashtag #MilkTeaAlliance liên tục xuất hiện. Trà sữa là món trà được uống nóng ở Hồng Kông, đi kèm hạt trân Châu ở Đài Loan, thêm đá xay và đường ở Thái Lan. Loại trà này khác với loại trà thường được uống ở Trung Quốc. Sở thích thêm sữa có thể được do là di sản từ thực dân Anh (như ở Hồng Kông và Myanmar) hoặc qua kết nối thương mại (như ở Đài Loan và Thái Lan). Wasana Wongusurawat, thuộc Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nói rằng : "Chắc chắn chúng tôi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ Trung Quốc nhưng đồng thời chúng tôi cũng chia sẻ khía cạnh lịch sử quốc tế này". Đối với những người biểu tình, cách họ uống trà thể hiện tình cảm ủng hộ dân chủ, chống Trung Quốc.

Liên minh giữa các nhà hoạt động dân chủ trong khu vực không có gì mới. Vào năm 2014, sinh viên ở Đài Loan đã tràn vào cơ quan lập pháp của nước này để phản đối hiệp định thương mại với Trung Quốc đại lục, mang theo hoa hướng dương như một biểu tượng của hy vọng. Phong trào đã thúc đẩy mối liên kết lớn hơn với những người biểu tình ở Hồng Kông, nơi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đã làm rung chuyển thành phố vào cuối năm đó. Và vào năm 2016, Joshua Wong, một nhà hoạt động nổi tiếng đến từ Hồng Kông, đã bị tạm giữ tại sân bay Bangkok khi đang đi nói chuyện với sinh viên Thái Lan. Nhưng điều làm nên sự khác biệt của Liên minh Trà Sữa là sự hiện diện trực tuyến rầm rộ của nó. Bên ngoài tường lửa của Trung Quốc đại lục, rất khó để kiểm soát Internet — mặc dù các chính phủ đã cố gắng. Quân đội Myanmar đã chặn Internet sau cuộc đảo chính và sau đó đã hạn chế quyền truy cập vào Facebook, nguồn thông tin trực tuyến chính của nhiều người trong nước. Vào tháng 1, một nhà cung cấp internet ở Hồng Kông đã viện dẫn luật an ninh quốc gia mới để lần đầu tiên kiểm duyệt một trang web ủng hộ dân chủ. Nhưng các nhà hoạt động rất giỏi trong việc đi trước một bước. Liên minh Trà Sữa không có người đứng đầu khiến việc nhắm vào những người tổ chức phong trào trở nên khó khăn. Những người ủng hộ chia sẻ các mẹo về cách tránh bị nhận dạng khi sử dụng internet và cách những người biểu tình trên đường phố có thể nhanh chóng giải tán.

Tính lưu động này vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu. Roger Huang của Đại học Macquarie ở Sydney cho biết : "Theo tôi, ở giai đoạn này liên minh chủ yếu tồn tại trong tưởng tượng nhiều hơn. Không phải tất cả người dùng mạng xã hội sử dụng hashtag trên đều có quan điểm tự do. Một số người ủng hộ Donald Trump và coi lập trường hiếu chiến của cựu tổng thống Mỹ đối với Trung Quốc như một sợi dây liên hệ với các nước Đông Nam Á. Liên minh cũng bị tác động bởi chủ nghĩa cơ hội. Vào tháng 6 năm ngoái, khi binh lính Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ ở biên giới trên dãy Himalaya, hashtag này cũng đã được sử dụng bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ấn Độ, những người có chung sở thích uống trà sữa nhưng phải đối mặt với cáo buộc phá hoại các quyền tự do dân chủ ở nước này. Và có những giới hạn đối với sự đoàn kết mà các thành viên có thể dành cho nhau trên mạng. Ở Myanmar, nơi lực lượng an ninh đã giết hàng trăm người biểu tình trong những tuần gần đây, việc nhiều người tập trung vào cuộc đấu tranh chống lại các tướng lĩnh là một điều dễ hiểu. Bà Wongsurawat cho biết những gì mà những người ủng hộ Liên minh Trà Sữa có thể làm là hỗ trợ về mặt tinh thần. Bà nói thêm : "Tôi nghĩ rằng đến cuối cùng, phong trào ở mỗi quốc gia sẽ phải tự chiến đấu cuộc chiến của riêng mình."

The Economist

Nguyên tác : "What is the Milk Tea Alliance ?", The Economist, 24/03/2021.

Trần Hùng dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 29/03/2021

Published in Diễn đàn

Khi một cuộc phản công trên mạng xã hội trở thành phong trào đấu tranh dân chủ khắp Châu Á.

Liên minh Trà sữa xuống đường tại Thái Lan ngày 28/02/2021

Khi những cuộc biểu tình phản đối quân đội đảo chính nổ ra tại Myanmar, hashtag "#MilkTeaAlliance" lại xuất hiện tràn ngập trên các mạng xã hội. Các bạn trẻ tại nhiều nước Châu Á đều đồng lòng bày tỏ sự ủng hộ với người biểu tình Myanmar.

Không chỉ xuất hiện trên mạng, nhiều bạn trẻ thuộc phong trào Milk Tea Alliance (Liên minh Trà sữa) ở Thái Lan và Đài Loan cũng đã đổ ra đường để phản đối việc quân đội Myanmar đảo chính.

milktea00

Một Tweet ủng hộ biểu tình ở Myanmar từ Liên minh Trà Sữa, biểu ngữ có nội dung : Uống trà sữa – Xóa bỏ độc tài – Tranh đấu vì tự do

Đã từng xuất hiện trong các cuộc biểu tình trước đó tại Thái Lan và Hong Kong, phong trào Liên minh Trà sữa đang lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều quốc gia Châu Á, gần đây nhất là Ấn Độ và Myanmar.

Tên gọi nghe rất "teen", lại có vẻ không liên quan gì lắm đến các cuộc biểu tình. Vậy thì rốt cuộc Liên minh Trà sữa là gì ? Và phong trào này bắt nguồn như thế nào ?

milktea1

Liên minh Trà sữa tách biệt với Trung Quốc, nơi trà không thường được dùng kèm với sữa. Ảnh : Cornelia2121/ Twitter.

Liên minh Trà sữa bắt đầu từ đâu ?

Liên minh Trà sữa (Milk Tea Alliance) là tên gọi của phong trào đấu tranh cho dân chủ của giới trẻ tại một số quốc gia Châu Á.

Mọi chuyện bắt nguồn vào tháng 04/2020, khi diễn viên tuổi teen người Thái Vachirawit Chivaaree (hay còn được biết đến với nghệ danh Bright) nhấn "like" một bài đăng (tweet) trên Twitter. Nội dung của tweet này là hình chụp của bốn thành phố trên thế giới (bao gồm cả Hong Kong) với chú thích : "Đây là bức ảnh được chụp tại bốn quốc gia khác nhau". Điều này gián tiếp công nhận rằng Hong Kong là một quốc gia độc lập khỏi Trung Quốc.

Hành động trên của Bright đã khiến cư dân mạng Trung Quốc dậy sóng. Nó chạm đến một vấn đề cực kỳ nhạy cảm, khi Trung Quốc từ lâu đã luôn cho rằng Hong Kong và Đài Loan là những phần lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình.

Mặc dù Bright sau đó đã công khai lên tiếng xin lỗi, nhưng điều này dường như không giúp cậu thoát khỏi những bình luận công kích của đội quân troll đông đảo từ đại lục. Bạn gái của Chivaaree – Weeraya "Nnevvy" Sukaram, cũng trở thành mục tiêu mới bị tấn công vì ám chỉ rằng Đài Loan là một quốc gia độc lập trong một bình luận trên Instagram từ ba năm trước.

Tuy nhiên, các fan hâm mộ của Bright và Nnevvy tại Thái Lan không thể ngồi yên nhìn thần tượng của mình bị "đánh hội đồng". Họ bắt đầu tiến hành các cuộc phản công. Nhưng sau đó đội quân troll từ Trung Quốc đã mắc một sai lầm : họ chuyển hướng sang chỉ trích chính phủ và chế độ quân chủ của Thái Lan. Điều này làm cho giới trẻ Thái vô cùng thích thú, nó đã vô tình đánh trúng vào mục tiêu chính của các cuộc biểu tình đang diễn ra tại quốc gia này.

Sẵn đà, người dùng Twitter ở Hong Kong và Đài Loan cũng hồ hởi nhập cuộc. Mục đích chung của họ là cùng chống lại lực lượng dư luận viên hùng hậu do Bắc Kinh hậu thuẫn. Các bạn trẻ ở ba quốc gia này sau đó bắt đầu sử dụng hashtag #MilkTeaAlliance dưới mỗi bài viết của mình như là một cách để đoàn kết cùng nhau và để dễ dàng phân biệt với đội quân troll từ Trung Quốc. 

Liên minh Trà sữa đã được ra đời từ đó.

milktea2

"Chúng tôi tin vào trà sữa". Một meme đăng trên mạng xã hội với hashtag #MilkTeaAlliance. Ảnh chụp tháng 4/2020. Nguồn : Reuters.

Tại sao lại là trà sữa ?

Tên gọi Liên minh Trà sữa bắt nguồn từ món trà nổi tiếng và được yêu thích tại các quốc gia tham gia phong trào : món trà sữa có màu cam bắt mắt tại Thái Lan, những tách trà uống kèm sữa tươi kiểu Anh tại Hong Kong, và những ly trà sữa trân Châu nổi tiếng của Đài Loan.

Tên gọi này nhằm tách biệt Hong Kong, Thái Lan, và Đài Loan với Trung Quốc đại lục, nơi trà thường không được uống kèm với sữa.

Sự giống nhau giữa các món trà này cũng là đại diện cho mục đích chung mà họ cùng theo đuổi.

Liên minh Trà sữa đã tham gia vào các cuộc biểu tình thế nào ?

Các bạn trẻ tại Myanmar và Thái Lan đã áp dụng chiến thuật "tiến nhanh rút nhanh" (be water) hay biểu tình không có lãnh đạo (leaderless) từng được triển khai trước đó tại Hong Kong. Mũ bảo hiểm và dù vàng – những vật dụng quen thuộc trong các cuộc biểu tình tại Hong Kong – cũng xuất hiện trên các con phố của Bangkok hay Yangon.

milktea3

So sánh hình ảnh biểu tình ở Hồng Kông và Thái Lan – Nguồn : Joshua Wong/Twitter

Không chỉ vậy, nhóm thanh niên Ratsadon tại Thái Lan đã tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ bằng cách gõ xoong nồi. Đây là một phong tục truyền thống gắn liền với việc xua đuổi ma quỷ ở Myanmar, vốn được những người biểu tình chống đảo chính tại đây thực hiện.

Khi biểu tình diễn ra ở Thái Lan, người Hong Kong cũng đã đáp lại bằng những thông điệp ủng hộ. Trên đường phố, các nhà hoạt động đã lập lên những ki-ốt nhỏ (street stand) để kêu gọi người dân Hong Kong đồng lòng cùng người biểu tình Thái. Nhà hoạt động trẻ Joshua Wong đã tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ bên ngoài lãnh sự quán Thái Lan tại Hong Kong.

Liên minh Trà sữa đã vượt qua mọi rào cản biên giới, văn hóa hay ngôn ngữ để trở thành biểu tượng cho tinh thần đoàn kết đấu tranh vì dân chủ của các bạn trẻ Châu Á.

"Chúng tôi được kết nối cùng nhau thông qua những khát vọng chung này", Netiwit Chotiphatphaisal, một nhà hoạt động nổi tiếng của Thái Lan chia sẻ với Time. "Nó tiếp thêm cho chúng tôi năng lượng để tiếp tục bền bỉ chiến đấu".

milktea4

Tranh minh họa một gia đình tham gia biểu tình bằng cách gõ xoong nồi. Ảnh : Twitter.

Viết cẩm nang biểu tình

Ngoài ra, Liên minh Trà sữa còn là nơi các bạn trẻ chia sẻ và "xuất khẩu" những chiến thuật biểu tình của mình ra thế giới.

Mới đây, "The HK19 Manual" – cuốn cẩm nang hướng dẫn các chiến thuật biểu tình của Hong Kong đã được dịch sang tiếng Burma trong một sáng kiến của Milk Tea Alliance. 

Cuốn cẩm nang này gồm hai phần : phần một mô tả chi tiết hơn 60 vai trò khác nhau mà mỗi người biểu tình có thể đảm nhiệm ; phần hai là hướng dẫn các lưu ý để giữ an toàn và các chiến thuật biểu tình từng được áp dụng tại Hong Kong. HK19 Manual đã được công khai trên nền tảng Google Docs và chia sẻ rộng rãi giữa những người biểu tình tại Myanmar.

milktea5

Một người đàn ông cầm biểu ngữ "hãy chuẩn bị cho những cuộc biểu tình như tại Hong Kong", khi người Myanmar đổ ra đường biểu tình chống lại cuộc đảo chính quân sự và yêu cầu trả tự do cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi. Ảnh : Reuters/ Stringer.

Trong một bài phỏng vấn dưới bút danh HK19, tác giả giấu tên của "The HK19 Manual" cho biết việc chia sẻ rộng rãi cuốn cẩm nang này là để giúp những thế hệ đi sau có thể tiếp tục theo đuổi chặng đường còn dang dở của lớp người đi trước.

Thế hệ trẻ Hong Kong đã và đang tiếp nối hành trình đó. Một số chiến thuật biểu tình gây nhiều tiếng vang tại Hong Kong như hàng người nối dài (human chain) hay bức tường Lennon đều đã từng được áp dụng trước đây ở các quốc gia vùng Baltic và Đông Âu. Giờ đây, nó có thể được lan tỏa khắp nơi tại Châu Á.

"Chúng ta càng duy trì tinh thần đoàn kết, càng giữ ngọn lửa đoàn kết này rực cháy càng lâu, cơ hội chiến thắng của chúng ta càng lớn", tác giả của HK19 Manual cho biết.

Liên minh Trà sữa được nhìn nhận thế nào ?

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không công nhận tính chính danh của Liên minh Trà sữa. Trong một phát biểu với Reuters, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên cho rằng, "các thế lực đòi độc lập cho Hong Kong và Đài Loan thường cấu kết với nhau trên mạng, điều này không có gì mới. Kế hoạch của họ sẽ không bao giờ thành công".

Tuy nhiên, những người ủng hộ liên minh cho rằng họ không đi ngược lại các chính sách của Bắc Kinh, mà thay vào đó chỉ đơn giản là cùng chia sẻ mục tiêu đấu tranh cho một nền dân chủ tự do. 

Tinh thần đoàn kết này cũng giúp mỗi thành viên cảm thấy bớt đơn độc hơn trong hành trình của mình. 

milktea6

Một bạn trẻ giơ tấm biển "Liên minh trà sữa" trong cuộc biểu tình chống chính phủ tại Bangkok vào tháng 10/2020. Ảnh : Mladen Antonov/ AFP/ Getty Images.

"Những người trẻ ý thức được rằng mình có một nguồn lực chính trị yếu, bởi vì họ không có tiền, và không nhiều người có các mối quan hệ chính trị. Nhưng họ đã tìm thấy được sự ủng hộ và sức cộng hưởng chính trị trên không gian mạng", theo Veronica Mak, giáo sư xã hội học tại Đại học Shue Yan (Hong Kong). 

Nhiều chuyên gia tỏ ra bi quan trước khả năng tạo ra thay đổi của Liên minh Trà sữa. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói trước kết quả của phong trào ở thời điểm này.

Dorian Malkovic, biên tập viên mảng Châu Á của tờ La Croix tại Pháp thì cho biết rằng ông hoan nghênh sự ứng biến nhanh nhạy của Liên minh Trà sữa trên mạng xã hội. Nhưng mặt khác, ông cũng đưa ra một cái nhìn không quá lạc quan. "Nếu nhìn vào Hong Kong, Thái Lan, Myanmar, bạn sẽ thấy những kẻ chuyên quyền mới là người đang cầm tay lái".

"Chúng ta thường nghĩ rằng mạng xã hội sẽ giúp ích cho các phong trào dân chủ. Nhưng thực tế thì ngược lại, chúng được các chính phủ độc tài tận dụng một cách vô cùng thông minh", Malkovic nói thêm.

Người Việt Nam có thể tham gia liên minh không ?

Mặc dù vẫn còn là một phong trào non trẻ hoạt động trong một khu vực có nhiều biến động chính trị, Liên minh Trà sữa sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai.

Nhà hoạt động dân chủ Hong Kong Joshua Wong từng chia sẻ với tạp chí Time, "bất cứ ai tin vào giá trị dân chủ, tự do, và chống lại sự đàn áp của độc tài, đều có thể tự công nhận mình là một phần của Liên minh Trà sữa".

milktea7

Một người giơ biểu tượng ba ngón tay trong cuộc biểu tình ở Thái Lan năm 2020. Ảnh : Reuters.

Trên thực tế, Liên minh Trà sữa là một liên minh đấu tranh diễn ra chủ yếu trên mạng xã hội. Do đó, người Việt Nam, dù ở bất cứ đâu trên thế giới cũng có thể góp phần lan tỏa sứ mệnh của phong trào này. Nhất là khi trà sữa cũng là món uống được yêu thích tại Việt Nam.

Có hai cách cơ bản để tham gia :

1. Chia sẻ thông tin về phong trào đấu tranh dân chủ tại các quốc gia trong khu vực, đồng thời kèm theo hashtag #MilkTeaAlliance dưới mỗi bài viết.

2. Chuyển ngữ cuốn cẩm nang "The HK19 Manual" sang tiếng Việt. Những kiến thức căn bản được đúc kết trong cuốn cẩm nang nhỏ này có thể được áp dụng tại bất cứ phong trào biểu tình nào trên thế giới.

Minh Đức

Nguồn : Luật Khoa, 18/03/2021

Tham khảo và tổng hợp :

Laignee Baron, ‘‘We Share the Ideals of Democracy.’ How the Milk Tea Alliance Is Brewing Solidarity Among Activists in Asia and Beyond , TIME, 28/10/2020

Mary Hui, Hong Kongers crowdsourced a protest manual—and Myanmar’s already using it, Quartz, 25/02/2021

Jessie Lau, Myanmar’s Protest Movement Finds Friends in the Milk Tea Alliance, The Diplomat, 13/02/2021

Leela Jacinto, ‘Milk Tea Alliance’ blends Asian discontents – but how strong is the brew ?, France24, 01/03/2021

Published in Diễn đàn

"Liên minh Trà Sữa" chống Đảng cộng sản Trung Quốc

Trận Đài Loan đã bắt đầu, kiều dân Mỹ có nguy cơ bị Trung Quốc bắt làm con tin, giới trẻ Châu Á hình thành một liên minh vì dân chủ và chống Đảng cộng sản Trung Quốc là những chủ đề Châu Á trên báo Pháp hôm nay bên cạnh hai hồ sơ đang làm nước Pháp lao đao :  đại dịch Covid-19 và khủng bố Hồi giáo ở học đường.

trasua1

Sinh viên Thái Lan, biểu tình ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ trước sứ quan Trung Quốc tại Bangkok ngày 01/10/2020.  AFP – Romeo Gacad

Trên trang nhất, Le Monde đưa hai tựa lớn mở đầu cho các bài tường thuật dài ở các trang trong : "Chính phủ đáp trả hành động khủng bố", hồ sơ đặc biệt "Damas cất giấu vũ khí hóa học trước mũi Tây phương". La Croix Le Figaro chia sẻ tâm trạng bi quan của giáo chức Pháp : "Học đường đối phó theo khả năng" và "Trước áp lực của Hồi giáo cực đoan, giáo chức bày tỏ tâm trạng hoang mang".

Đại dịch Covid ngày một lan rộng với vận tốc mãnh liệt. Mỗi nước đối phó một cách và vẫn chưa phối hợp nhịp nhàng. Bi thảm nhất vẫn là Châu Mỹ đang đối mặt với đợt 3, phóng sự của Les Echos.

Giới trẻ Châu Á đoàn kết lại

Với tựa nhìn qua như chuyện đùa "Liên Minh Trà Sữa vì Dân chủ ở Châu Á", nhật báo công giáo đưa độc giả vào cội nguồn của phong trào tranh đấu từ Hồng Kông, Thái Lan cùng với tinh thần đồng tâm của Đài Loan và đồng cảnh ngộ của Việt Nam.

Từ tháng Tư năm nay, đứng trước áp bức của Trung Quốc và chính trị độc đoán, giới trẻ tranh đấu ở Hồng Kông và Thái Lan hợp chung với nhau trong một  liên minh lấy tên là "Liên minh Trà Sữa" (Milk Tea Alliance). Qua Liên minh này, thế hệ trẻ muốn hỗ trợ nhau trong cuộc tranh đấu vì chủ đích chung là nền dân chủ. Phát sinh từ mạng xã hội, phong trào đặc biệt này vừa được Ấn Độ gia nhập, phát huy khắp Châu Á. Một số nhà hoạt động môi trường tại Việt Nam, bất bình Trung Quốc làm cạn khô dòng nước sông Mêkông cũng vừa nhập cuộc cùng mục tiêu chống Đảng cộng sản Trung Quốc.

Đồng khí tương cầu

Dưới bức ảnh minh họa một sinh viên Thái Lan hai tay giăng biểu ngữ "Giải phóng Hồng Kông, cách mạng thời đại" bằng tiếng Hoa và tiếng Anh, La Croix nhắc lại sự kiện Hoàng Chí Phong, lãnh tụ sinh viên Hồng Kông đến trước cơ quan đại diện ngoại giao Thái Lan tuyên bố : Ủng hộ sinh viên Thái.

Trước đó một tuần, tại Bangkok, Parit Chiwarak, lãnh tụ trẻ của phong trào tranh đấu Thái Lan trước khi bị bắt, lên án Trung Quốc áp bức và tuyên bố "liên đới với dân Hồng Kông",  cuộc đấu tranh từ một năm nay là kim la bàn dẫn đường cho giới trẻ nổi dậy tại Thái Lan.

Còn Đài Loan là nơi dung thân của  những nhà hoạt động Hồng Kông và Thái Lan tị nạn. Từ mẫu số chung chống độc tài, phong trào từ ba xứ Châu Á họp nhau dưới một biểu tượng "Liên minh Trà Sữa". Trà Sữa được thế giới biết nhiều hơn là gạo, và lan nhanh như thuốc súng được châm mồi lửa mà kẻ châm lửa là Trung Quốc.

Tất cả bắt nguồn từ một hành động vụng về của tài tử phim truyện Thái Lan Vachirawit Chivaaree, vai chính trong phim tập "2gether", rất được nhiều người mến mộ ở Châu Á, kể cả ở Trung Quốc. Tháng Tư năm nay, Vachirawit Chivaaree đưa lên Twiter ảnh bốn thành phố trong đó có Hồng Kông và ghi chú : Bốn bức ảnh này đến từ bốn nước trên thế giới.  Biết sai, anh xin lỗi, nhưng hàng chục triệu dân mạng Trung Quốc không tha, dồn dập sỉ vả tác giả. Ngay lập tức, giới trẻ Hông Kông, tranh đấu chống Trung Quốc trong suốt năm 2019, lao vào cuộc chiến cứu nguy cho tài tử Thái chống trận tấn công trên mạng của Hoa lục. Rồi, thanh niên Đài Loan, luôn ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông, nhập trận theo và từ đó hình thành "Liên Minh Thái-Đài-Hồng Kông.  Theo một thanh niên Hồng Kông trong cuộc,  #MilkTea Alliance ra đời nhưng không ai biết vì sao biểu tượng TRÀ được mọi người công nhân, có lẽ được "toàn cầu hóa" hơn là gạo.

Trà sữa hơi đắng tại Hồng Kông, hương vị ngọt ngào hơn tại Thái Lan và "béo" tại Đài Loan (nơi phải chiến đấu chống nguy cơ xâm chiếm của Hoa lục) nắm tay nhau thành một liên minh chính trị và bắt đầu kết nối với những nước Châu Á khác đang xung khắc với Bắc Kinh. Trong chiều hướng nay, Ấn Độ vừa gia nhập. Một số nhà hoạt động Việt Nam, tố cáo các đập thủy điện Trung Quốc làm cạn kiệt dòng sông Cửu Long, cũng đã kết nối.

Từ điện thoại bảo mật, Hoàng Chí Phong tuyên bố : "Tôi sẽ tranh đấu để thành lập một phong trào liên-Châu Á để bảo vệ tự do và dân chủ. Đối đầu với khổng lồ Trung Quốc, phải đoàn kết để thúc đấy xung lực, để quốc tế biết rõ cuộc tranh đấu và ủng hộ chúng ta". La Croix kết luận : Trà Sữa – từ nay đồng nghĩa với tự do và dân chủ- đang lan dần và vượt xa những  biên giới.

Trung Quốc đã mở màn trận Đài Loan ? 

Từ nhiền tuần nay, trong lúc Mỹ lo bầu cử, quốc tế lo đại dịch, Trung Quốc không ngừng gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan, động viên tinh thần quân đội bố trí tên lửa thế hệ mới, làm  như sắp đánh đến nơi. Le Monde qua một bài phân tích "Trận Đài Loan đã mở màn" đưa ra những lập luận đáng lo.

Theo nhà báo Brice Pedroletti, nguyên trạng hai bờ eo biển Đài Loan, từ năm 1996 đến nay, không còn nữa. Năm 1996,  Bill Clinton phải đưa hai hàng không mẫu hạm đến eo biển để hạ hỏa Bắc Kinh, sau khi Trung Quốc thử tên lửa chỉ cách bờ biển Đài Loan có 60 km. Vào thời điểm đó, Đài Loan đang dân chủ hóa.

Thế nhưng, Quốc Dân đảng vẫn còn mạnh tại Đài Loan, cho phép Bắc Kinh kỳ vọng vào cơ hội liên minh với kẻ thù cũ để ngăn chận khát vọng độc lập của chính quyền mới (Trần Thủy Biển). Về quyền lợi, Hoa lục được Đài Loan đầu tư và giúp kiến thức công nghiệp đổi lại hải đảo được lợi nhuận từ tăng trưởng kinh tế của Hoa lục.

Thế rồi, bây giờ thì tình hình thay đổi. Khủng hoảng lần này không như 25 năm trước. Tại Đài Loan, Quốc Dân đảng - đối tác của Bắc Kinh - suy yếu, Thái Anh Văn tái đắc cử vẻ vang. Covid-19 cho Đài Loan một cơ hội làm Bắc Kinh tức tối : thu hút được cảm tình thế giới để xin tái hội nhập Tổ Chức Y Tế Thế Giới và các định chế quốc tế khác. Chiến thuật dùng quyền lực mềm của Bắc Kinh thất bại, đa số dân Đài Loan không tự cho là người Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại với Mỹ thúc đẩy các công ty công nghiệp mũi nhon của Đài Loan rời Hoa lục để giữ khách hàng Mỹ. Hồi giữa tháng 9, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Keith Krach thăm Đài Loan là để thuyết phục tập đoàn chế tạo "chip điện tử" số một thế giới TSMC của Đài Loan tẩy chay Hoa Vi và dọn cơ sở qua Mỹ, làm Trung Quốc giận ứa gan.

Thêm vào đó, luật an ninh áp đặt tại Hồng Kông đã làm mô hình "một nước hai chế độ" mà Bắc Kinh cam kết, mất hết thực chất.

Những cuộc biểu dương lực lượng hải quân, không quân của Trung Quốc, theo chuyên gia Pháp Mathieu Duchâtel, là đòn chiến tranh cân não trước khi đổ bộ chiếm một đảo nhỏ của Đài Loan hay tấn công mạng toàn diện.

Một lý do khác làm Trung Quốc lo ngại là thái độ của giới chính trị Tây phương muốn xét lại chính sách chỉ công nhận "một nước Trung Quốc".

Đối đầu với đe dọa của Bắc Kinh, quân đội Đài Loan đoàn kết một khối sau lưng nữ tổng thống. Đài Bắc cũng khôn ngoan tránh mọi cử chỉ khiêu khích như đổi tên "Trung Hoa Dân Quốc" thành "Đài Loan Dân Quốc", tạo cớ cho Trung Quốc ra tay.

Tuy nhiên, theo Le Monde, 24 năm sau cuộc khủng hoảng 1996, Bắc Kinh cũng đủ sức đưa hai hàng không mẫu hạm vào eo biển. Bắc Kinh cũng không còn những áp lực buộc phải kiên nhẫn bởi vì có nhiều sự kiện quan trong sắp đến như 100 năm thành lập Đảng cộng sản vào tháng 7 năm sau.

Thêm vào đó, chung quanh Hoa lục, một liên minh trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương đang hình thành nâng cao tầm quan trọng chiến lược của Đài Loan hay một vài đảo nhỏ nào đó, trong khi chờ đợi.

Thời Donald Trump, ngoài bốn đạo luật cho phép Washington hậu thuẫn cho những đồng minh ngoại giao còn lại của Đài Loan và thăm viếng cấp cao, còn có hai dự luật cho phép Mỹ huy động quân đội ngăn chận mọi cuộc tấn công trực diện vào quân đội Đài Loan. Hay đánh chiếm một lãnh thổ nào đó thuộc quyền cai quản của Đài Loan.

Mỹ- Trung Quốc : viễn cảnh chiến tranh con tin

Quan hệ Mỹ-Trung cũng rất căng. Liệu kiều dân Mỹ tại Hoa lục, 70 ngàn người trước khi xảy ra khủng hoảng siêu vi tại Vũ Hán, có thể bị bắt làm con tin hay không ? Le Figaro cho rằng Bắc Kinh thừa thông minh để không đi quá trớn cho dù đã đe dọa Mỹ.

Tiếp theo lời kêu gọi của chủ tịch Tập Cận Bình kiêm tổng tư lệnh tối cao quân đội Trung Quốc, động viên binh sĩ sẵn sàng "chống Mỹ xâm lược", Bắc Kinh chuẩn bị ăn miếng trả miếng với Washington, gián tiếp đe dọa sẽ bắt kiều dân Mỹ làm con tin.

Thông tin của Wall Street Journal bị Trung Quốc phủ nhận. Tuy nhiên, theo Le Figaro, sau vụ có ít nhất 5 nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Mỹ có quan hệ với quân đội Trung Quốc bi bắt trong những tháng gần đây cũng như quyết định đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, "ổ gián điệp" theo cáo buộc của Mỹ, Trung Quốc lên án Washington giả vờ làm nạn nhân.

Thực tế là trong hai năm qua, Trung Quốc bắt nhiều người Canada và Úc theo một chính sách bị thân nhân các nạn nhân lên án "là ngoại giao con tin". Tháng 9, hai nhà báo Úc phải chạy vào sứ quán lánh nạn tránh công an "thăm hỏi", trước khi bị Trung Quốc trục xuất.

Theo một nhà phân tích độc lập tại Bắc Kinh, Trung Quốc còn chờ xem bản án đối với 5 công dân của họ như thế nào mới hạ lá bài trả đũa. Tuy nhiên, Bắc Kinh cố tránh không bắt công dân Mỹ vì biết rằng nếu quan hệ xấu đi sẽ đưa đến nhiều hệ quả khó lường.

Syria-vũ khí hóa học : OIAC phải hỏi tội Bachar al-Assad

Syria, chế độ Bachar al-Assad đã tổ chức cất giấu các kho vũ khí hóa học một cách có phương pháp, thủ tiêu các nhà khoa học và nhân viên, nhập khẩu bí mật hóa chất, xóa dấu tích… nhưng chiếc màn bí mật này đã bị rách một mảng do nỗ lực điều tra kiên trì của hai hiệp hội phi chính phủ. Bản báo cáo 90 trang đã được trao cho Cơ quan Kiểm soát Vũ khí Hóa học và bốn nhật báo lớn  Mỹ Anh, Đức và Le Monde của Pháp.

Sau ba năm điều tra, hồ sơ được trao cho năm định chế khác nhau : Ủy ban điều tra của Cơ quan Ngăn cấm vũ khí hóa học quốc tế, bộ Tư pháp Mỹ và Cục Cảnh sát Liên bang FBI, chưởng lý liên bang Đức thụ lý hồ sơ kiện tụng chế độ Syria và một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc về tội ác của chế độ Damascus.

Bản báo cáo 90 trang cũng đã được trao cho bốn nhật báo lớn Mỹ, Anh, Đức và Le Monde của Pháp. Chi tiết chính xác rất nhiều nhưng cốt lõi là chính quyền Syria đã huy động một hệ thống công nghiệp quân sự và mọi phương tiện để qua mắt ban điều tra của cơ quan ngăn cấm vũ khí hóa học OIAC trong những ngày trước khi bắt đầu khám xét. Nhiều nhân viên Nhà nước bị bắt giam, tra tấn, thủ tiêu nếu cần.

Ngoài những văn kiện chính thức còn có khoảng 50 công chức Syria, đa số làm việc ở trung tâm nghiên cứu khoa học, đào thoát là những nhân chứng sống.

Qua đó, giờ đây người ta biết rõ làm cách nào mà Damascus vẫn chế tạo được bom ngạt để ném vào các ngôi làng và khu phố do chiến binh đối lập kiểm soát cho dù đã ký thỏa thuận hủy bỏ loại vũ khí này để đánh đổi quyết định ngưng oanh kích của Tây phương.

Hồ sơ tố giác các căn cứ bí mật tích trữ hóa chất, thay đổi nhiều trường hợp thủ tiêu các quan chức bị xem là "không đáng tin cậy", trong số những nhà khoa học bị hành quyết có Mahmoud Ibrahim, cha đẻ tên lửa đạn đạo Syria bị xử bắn vì than phiền người Iran hiện diện nhiều quá.

Tú Anh

Published in Châu Á