Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong thế giới ngày nay, hầu như không có nền tư pháp của bất kỳ quốc gia nào lại có thể vắng bóng vai trò của luật sư. Thậm chí, để đo lường sự văn minh – dân chủ của một quốc gia, người ta tính tỉ lệ bác sĩ, luật sư theo đầu người (trên tổng dân số).

ls1

Luật Sư Nguyễn Văn Đài (giữa), người bị chế độ độc tài đảng trị tuyên án 15 năm tù và 5 năm quản chế, chỉ vì đấu tranh cho tự do dân chủ và nền tư pháp minh bạch. (Hình : Getty Images)

Không ở đâu như Việt Nam, khẩu hiệu "Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật" được giăng, mắc ở khắp nơi như là… mạng nhện.

Sau này, người ta bỏ đi hai chữ "hiến pháp" trong khẩu hiệu, vì thấy kêu gọi như vậy thì… nguy hiểm quá. Vì hiến pháp thì ghi rõ, các quyền "Tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do lập đảng…" trong khi luật pháp thì… cấm ngặt. Do vậy, khẩu hiệu sau này được thu gọn lại, là : "Sống, làm việc theo pháp luật".

Nhưng làm thế nào để sống và làm việc theo pháp luật mà không bị… làm phiền, thì vẫn là một con đường nhiều nhiêu khê.

Vì ở Việt Nam, chẳng những thiếu vắng các luật sư giỏi chuyên ngành, mà tệ hơn vai trò của luật sư chỉ là… một "cái bóng" mờ nhạt trong quá trình tố tụng. Như ở các nước, quyền được giữ im lặng của nghi can là quyền đầu tiên được nêu, và quá trình thẩm vấn chỉ được diễn ra khi có sự hiện diện của luật sư đại diện cho quyền lợi của nghi can.

Ở Việt Nam thì ngược lại, luật sư muốn được bào chữa cho thân chủ, hay muốn gặp gỡ thân chủ thì phải làm đơn xin phép cơ quan… công an. Và nếu bị từ chối, hoặc không ai thèm trả lời, thì luật sư cũng chỉ biết kêu trời, rồi… lủi thủi ra về.

Thực chất, luật sư được "ra đời" chỉ là đề làm tròn vai diễn trên sân khấu tòa án, để cho thế giới bên ngoài nhìn vô thấy xứ sở này cũng có dân chủ. Bị can được xét sử với luật sư biện hộ, chứ không phải là xứ "rừng xanh," tùy tiện phán án mà không qua quá trình… luận tội. Nhưng có lẽ từ năm 1959, khi quốc hội cộng sản ra một "đạo luật" về cái gọi là "thẩm phán nhân dân," thì đã là một ấn định chung cuộc cho các bị can. Là vì, "thẩm phán nhân dân" không phải là các bồi thẩm đoàn bình thường, mà họ là hiện thân của chuyên chính vô sản, mang trong người tính chiến đấu của giai cấp, và đều là đảng viên cộng sản. Do vậy, hầu như chưa có luật sư nào "cãi" thành công trong các vụ án mang tính chính trị, hay thân chủ là người dấn thân cho dân chủ, hay dân oan…

Thường với các trường hợp trên, luật sư đa số đều khuyên thân chủ nên nhận tội, để được hưởng khoan hồng (tức xin giảm án). Vì luật sư biết là với đa số các "án điểm" đều đã có quyết định từ trước. Tranh biện trước tòa chỉ là một trò trình diễn, đôi khi để tránh dây dưa, tòa chỉ diễn một loáng (cho có lệ), rồi vội vàng kết thúc, bất chấp dư luận quốc nội, quốc ngoại.

Còn với những vụ hình sự, thì diễn biến lại theo một tiến trình khác.

Luật sư về các vụ kinh tế – hình sự thì không bao giờ "quảng cáo" là mình uyên thâm về luật pháp, thông thạo các quy trình tố tụng. Mà đa số họ chỉ "khoe" là có quen biết "lớn" với bên tòa án, và khuyên thân chủ nếu biết "bôi trơn" tòa án, thì rồi… việc gì cũng xong. Nói như ông trùm Nam Cam, kẻ "vang bóng một thời" ở Sài Gòn, thì : "Cái gì không mua được bằng tiền, thì mua bằng… nhiều tiền hơn !".

Trên thực tế, ông trùm N.C với tiền và gái đã mua tới tận giới "chóp bu" trong thế giới cộng sản. Nhưng trong xã hội cộng sản (dù là kinh tế thị trường), thì bất cứ điều gì, kẻ nào đã uy hiếp tới quyền lực độc tôn của đảng cộng sản, coi như đã tự ký tên vào bản án tử hình.

Với dân (dân đen, dân oan), giới xã hội đen (dù là các ông trùm được các thế lực che chở), giới đấu tranh cho nhân quyền – dân chủ, kể cả giới luật sư. Tất cả đều chỉ là "con kiến", "củ khoai" trước pháp đình cộng sản.

Nhưng ngay cả với giới cán bộ – đảng viên, kể cả ủy viên trung ương, thậm chí ủy viên Bộ chính trị (với nhân số đếm trên đầu ngón tay, của một cơ quan quyền lực nhất trong xã hội cộng sản). Khi bị "quăng" ra tòa thì họ cũng "bó tay," số có chút sĩ khí thì cũng chỉ biết im lặng, nuốt "tủi hờn" vào bên trong, phó thác cuộc đời cho đảng. Số yếu bóng vía hơn thì khóc lóc, van xin mong "đấng tối cao – kẻ đang nắm quyền sinh sát trong đảng" tha tội, mở ra cho một con đường sống…

Chuyện khác biệt tư tưởng, tính cách giữa các anh em trong cùng một gia đình là điều cũng bình thường. Huống hồ khác biệt trong đảng cầm quyền (dù ở bất cứ nước nào). Nhưng trong xã hội văn minh – dân chủ, người cùng đảng không đến nỗi phải "tàn sát" nhau. Vì hai lý do, thứ nhất quyền lực phụ thuộc vào lá phiếu của người dân, thứ hai tòa án không xét xử và kết tội những vấn đề "trừu tượng," thí dụ như về tư tưởng…

Do vậy, nếu không bằng lòng với đảng trưởng hoặc đường lối của đảng. Người trong đảng có quyền tách ra, lập một đảng khác, vận động tranh cử theo đường lối của mình.

Nhưng ở Việt Nam chuyện không như vậy. Khác biệt thì coi như là… tự sát, hoặc chỉ nghi là khác biệt (không cần chứng cứ) là có thể bị tống thẳng vào tù (mà không cần xét xử). Như thời của Lê Duẩn, để đảm bảo đường lối của mình không ai dám chống đối, Lê Duẩn đã đưa hơn 300 sĩ quan, đảng viên – những người đang nắm những chức vụ quan trọng trong đảng, trong quân đội và chính phủ vào nhà giam mà không cần tới một phiên tòa "hoành tráng". Gọi chung vụ án này là vụ "xét lại – chống đảng". Nhiều năm sau, số sống sót được ra tù mà không có một lời xin lỗi, hay giải thích…

Và mới đây, cựu Ủy viên Bộ chính trị – Đinh La Thăng – đã phải "cảm thán" trước phiên tòa xét xử mình "Có tới sáu tầng quản lý, mà cuối cùng chỉ có mình tôi phải chịu trách nhiệm".

Nhiều người không ưa Đinh La Thăng, nhưng đứng trên phương diện pháp lý, thì thấy từ "quy án" mấy ngàn tỷ, sau rút xuống còn mấy trăm tỷ, nhưng không đưa ra được chứng cớ. Đinh La Thăng có bao nhiêu biệt phủ, biệt điện ? Có bao nhiêu xe hơi, bồ nhí ? Không thấy chứng cớ…

Vai trò của người luật sư trong quá trình tố tụng, cũng như tranh biện trước tòa là đảm bảo cho thân chủ (bị can) được xét xử công bằng, đúng thủ tục, đúng tội danh (tránh bị quy kết những tội do tòa áp đặt, trái pháp luật).

Nhưng vai trò của luật sư trong xã hội "tranh tối tranh sáng" (kiểu kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa) không phải ai cũng hiểu.

Như trong vụ án, công an dùng nhục hình với dân ở Cà Mau. Trước tòa, các luật sư biện hộ cho các bị cáo (là công an) như việc làm bình thường của việc bảo vệ luật pháp. Được tòa cho nói lời cuối cùng. Các bị cáo là công an không xin giảm án, mà chỉ xin gởi lời cám ơn và xin lỗi tới các luật sư. Vì trước kia họ không hiểu vai trò của người luật sư, nên thường có những thái độ không tốt với luật sư. Nay đứng trước vành móng ngựa, được luật sư bào chữa thì họ đã hiểu.

Chừng nào trong một xã hội mà sự độc lập của ngành tư pháp còn bị coi rẻ, vai trò của người luật sư còn mờ nhạt (hoặc vắng bóng), thì trong xã hội ấy, từ người thứ dân cho tới các ủy viên, kể cả ủy viên Bộ chính trị đều chỉ có thể là những tù nhân… dự khuyết. 

Văn Lang

Nguồn : Người Việt, 28/05/2018

Published in Diễn đàn