Tin tổng hợp giới truyền thông cho hay Luật sư Võ An Đôn đã bị Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên xóa tên chỉ ít ngày trước phiên xử phúc thẩm Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào ngày 30/11/2017 mà ông nhận bào chữa. Báo chí trong nước cho hay vị luật sư từng bào chữa cho nhiều người dân "thấp cổ bé họng" này đã bị Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên "bỏ phiếu thống nhất hình thức kỷ luật xóa tên luật sư Võ An Đôn khỏi Đoàn luật sư tỉnh" vì "lợi dụng quyền tự do ngôn luận".
Luật sư Võ An Đôn.
Trả lời VOA Việt Ngữ tối 27/11, luật sư Võ An Đôn cho biết rằng ông vừa nhận được quyết định kỷ luật của ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên với hai lý do cơ bản là "cho rằng tôi đã trả lời phỏng vấn của các báo đài nước ngoài và nói xấu luật sư…".
Nhưng luật sư Đôn đã phản bác rằng "Hai lý do này hoàn toàn không hợp lý, vô căn cứ, vì quyền trả lời phỏng vấn là tự do ngôn luận được hiến pháp quy định…". Vẫn theo luật sư Đôn, lý do mà Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên đưa ra trong một thông báo gửi cho ông đã nêu rằng ông đã "vi phạm Luật Luật sư, quy tắc đạo đức, và ứng xử nghề nghiệp…".
Sau khi đọc qua các bản tin của giới truyền thông chúng tôi không khỏi thốt lên câu này "Luật sư đoàn mà cũng thế ư ?". Vì sao ?
1. Nghề luật sư là một nghề tự do độc lập với chính quyền
Luật sư đoàn trong các nước dân chủ văn minh là một đoàn thể nghề nghiệp tư nhân, kết hợp những người cùng hành nghề luật sư, là một nghề tự do độc lập với chính quyền. Sự kết hợp này là để thông qua tổ chức luật sư đoàn (như Ban chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Phú Yên trong hiện vụ) bảo vệ quyền hành nghề độc lập, hợp pháp của các luật sư hội viên trước bất cứ áp lực và sự xâm hại nào đến quyền hành nghề của luật sư.
Vậy mà nay chính Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên đã không bảo vệ luật sư Võ An Đôn một hội viên, trước áp lực và sự xâm hại của nhà cầm quyền chỉ vì những hành vi thể hiện quyền hành nghề, quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng được Hiến pháp và luật pháp hiện hành của chế độ quy định. Trái lại đã tiếp tay, làm theo chỉ thị của nhà cầm quyền trấn áp hội viên của mình vì mục đích chính trị, với những lý do "hoàn toàn không hợp lý, vô căn cứ, vì quyền trả lời phỏng vấn là tự do ngôn luận được hiến pháp quy định…" như luật sư Đôn đã phát biểu. Như vậy là Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên đã không thực hiện chức năng của tồ chức đoàn thể mà đã biến mình thành một công cụ của nhà cầm quyền trấn áp hội viên mà mình có nghĩa vụ bảo vệ.
2. Chức năng bảo vệ những quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho thân chủ
Với chức năng bảo vệ những quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho thân chủ trước các tòa án, cơ quan tư pháp có thẩm quyền. Luật sư khi thực hiện chức năng nghiệp vụ chỉ căn cứ trên và chỉ tuân theo luật pháp, độc lập với chính quyền hay bất cứ áp lực nào.
Nay có thể vì những tác vụ nghề nghiệp của luật sư Đôn thường liên quan đến các vụ án dân oan khiếu kiện (như các vụ công an bắt người tra tấn đến vong mạng ngay trong đồn công an, cãi cho các nhà bất đồng chính kiến trong các vụ án chính trị…) mà nhà cầm quyền muốn "bịt miệng"…
Hay do những bài viết, trả lời phóng vấn báo đài ngoại quốc liên quan những tiêu cực của chính quyền, chế độ của tổ chức đoàn luật sư… mà nay Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên đã về hùa với nhà cầm quyền mau mắn đến độ chỉ nội trong ngày "Chủ nhật mà Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên đã đưa ra một hình thức kỷ luật hết sức nhanh chóng, không mời tôi tham gia. Tôi nghe bên Đoàn luật sư nói là ở cấp trên, tức là bên An ninh chỉ đạo ráo riết để kỷ luật tôi trước ngày mở phiên tòa phúc thẩm xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm) xử vào ngày 30/11". Như luật sư Võ An Đôn đã trả lời phỏng vấn của Đài VOA hôm 27/11/2017.
3. Luật sư đoàn là một đoàn thể nghề nghiệp được coi là cao quý bậc nhất trong xã hội
Với một đoàn thể nghề nghiệp được coi là cao quý bậc nhất trong xã hội, đoàn thể của những người phụ tá công lý trong các nền dân chủ pháp trị vốn được người dân đặt tin tưởng, cậy nhờ bảo vệ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho họ… thế mà nay đoàn thể ấy biến thành công cụ chính trị của nhà cầm quyền. Và như thế, những người dân bình thường hay những người dân "thấp cổ bé miêng" ở Việt Nam còn biết trông cây vào ai đây ?
Độc giả hãy nghe luật sư Đôn hôm 27/11 viết trên Facebook như lời than thở não lòng "Quyết định này có hiệu lực ngay, kể từ đây ước mơ làm luật sư bào chữa cho dân nghèo và người cô thân yếu thế của tôi coi như chấm dứt, để lại nhiều vụ án oan đang làm dở dang"... Luật sư Đôn cũng nói với VOA rằng nếu Liên đoàn Luật sư Việt nam một mực bảo lưu quyết định của Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên thì phần chắc ông sẽ ở nhà "làm nông".
Viết đến đây, người viết nhớ đến một câu nói thời danh của một nhà độc tài Pháp, nếu tôi không nhớ lầm đó là Napoléon Đại đế. Sau cuộc cách mạng 1789 lật đổ chế độ vương quyền ở Pháp, đưa vua Louis 16 và hoàng tộc lên máy chém, thiết lập nền Cộng Hòa đầu tiên cho nước Pháp. Nhưng sau đó tướng Napoléon Bonaparte, sau những chiến thắng quân sự lẫy lừng chống ngoại xâm, đã xưng vương tái lập chế độ quân chủ chuyến chế và bị nhân dân chống đối quyết liệt. Luật sư là giới chống đối mạnh nhất vì muốn bảo vệ thành quả của cuộc cách mạnh nhân quyền và dân quyền 1789. Do đó nhà độc tài Napoléon Đại đế đã tức giận tuyên bố đại ý rằng"Nếu ta có thể cắt lưỡi được những tên luật sư thì ta sẽ cắt hết…".
Trong chế độ độc tài toàn trị hiện nay tại Việt Nam, dường như đảng và nhà cầm quyền Việt Nam đang không phải chỉ muốn "cắt lưỡi những tên luật sư" dám phê bình, chỉ chích ta, mà còn muốn "cắt lưỡi bất cứ người dân nào" không dùng "ba tấc lưỡi" ca tụng ta mà dám "chửi ta, nguyền rủa ta và chống ta" dù chỉ cho đỡ tức và đỡ ức chứ chẳng làm gì được ta đâu. Vì ta ở thế vững như bản thạch, chẳng có thằng nào con nào lật đổ được chúng ta đâu.
Có phải vậy không, thưa ông trùm độc tài đảng trị Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo chóp bu của "đảng và nhà nước ta" ?
Houston, ngày 28/11/2017
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 29/11/2017
Có người cho rằng câu trả lời đã có sẵn trong tiêu đề trên. Vì theo cơ cấu tổ chức trong chế độ độc tài đảng trị hay toàn trị cộng sản bao lâu nay ở Việt Nam, luật sư đoàn là môt tổ chức nghề nghiệp mang tính công đoàn, đương nhiên nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, là tổ chức ngoại vi của Đảng cộng sản Việt Nam, có nhiệm vụ quản lý các hoạt động của các đoàn thể chính trị, tôn giáo, nghề nghiệp. Mỗi luật sư đoàn đều chịu sự lãnh đạo của chi bộ đảng, thì đương nhiên luật sư đoàn phải là công cụ của đảng cộng sản Việt Nam chứ còn là gì nữa ?
Luật sư Võ An Đôn trong phiên xử vụ công an đánh chết nghi phạm Ngô Thanh Kiều
Tuy nhiên, đó là ý định chủ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, khác với ý muốn của cá nhân các luật sư trong các luật sư đoàn tại Việt Nam. Vì vậy thực tế mới có những luật sư đã bất chấp hiểm nguy và những bất lợi cho việc hành nghề, đã có những hoạt động độc lập khi thực hiện chức năng nghề nghiệp trước các cơ quan tư pháp (như công an tư pháp, Tòa án và viện kiểm sát các cấp...) cũng như sinh hoạt trên nhiều lãnh vực ngoài xã hội.
Tất nhiên, để có được những hành động độc lập tự chủ này, các luật sư thường phải trả giá bằng những khó khăn gặp phải khi hành nghề, có khi phải vào tù chỉ vì muốn bảo vệ công lý cho người dân thấp cổ bé miệng. Điển hình như các luật sư Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài đã hay đang phải ngồi tù ; hay gần đây nhất là luật sư Võ An Đôn, một luật sư nổi tiếng với những vụ bào chữa miễn phí giúp phơi bày tình trạng công an đánh chết dân, có thể bị Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên kỷ luật vì những phát biểu chia sẻ trên Facebook cá nhân.
Theo thông báo từ Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên gửi ngày 17 tháng 8 cho luật sư Đôn được phổ biến trên mạng xã hội, luật sư Đôn đang bị xem xét kỷ luật vì trang Facebook Đôn An Võ của anh "có nhiều bài viết, clip nói xấu luật sư" cũng như những cuộc phỏng vấn giữa anh với "các đối tượng ở nước ngoài với các nội dung kích động, xuyên tạc không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước và luật sư Việt Nam…".
Trên trang Facebook Đôn An Võ, đính kèm theo thông báo này, luật sư Đôn khẳng định quyền tự do ngôn luận của mình và tố cáo Đoàn Luật sư chịu "sự chỉ đạo từ phía cơ quan nội chính và an ninh" để tìm cách bịt miệng làm anh im tiếng, "không cho nói sự thật". ; và rằng "Luật sư có cái miệng để nói, nhưng không cho tôi nói sự thật về bản chất nghề nghiệp của mình để mọi người trong xã hội biết, thì làm sao nghề luật sư ở Việt Nam phát triển được ?".
Trong một bài viết đăng ngày 6 tháng 7 trên Facebook, luật sư Đôn chỉ trích một quy định vừa ban hành của Liên đoàn luật sư Việt Nam cấm luật sư nói và viết có hại cho chế độ đôc tài toàn trị cộng sản trên mạng xã hội, mà theo anh là nhằm bịt miệng những cá nhân luật sư ít ỏi trong giới luật sư ở Việt Nam "dám lên mạng xã hội viết bài, bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề xã hội được dư luận quan tâm"… Luật sư Đôn bình luận "Họ sợ vì luật sư là thành phần tri thức ưu tú của xã hội, uy tín xã hội của luật sư rất lớn, luật sư nói lên sự thật và chỉ trích những chính sách sai lầm của chính quyền, cũng như việc làm sai trái của quan chức nhà nước".
Nhiều người được biết trước đây, luật sư Võ An Đôn từng bị đe dọa kỷ luật và thu hồi chứng chỉ hành nghề liên quan đến vụ án "Năm công an đánh chết dân" mà anh phơi bày và dấn thân theo đuổi công lý từ năm 2014. Luật sư Đôn được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao giải Nhân quyền năm 2016 vì các hoạt động bảo vệ cho quyền con người, bất chấp rủi ro và đe dọa.
Như vậy là sau khi quốc hội Việt Nam trong Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 vào tháng 6/2017, trong lập pháp đã "cải lùi" hệ thống tư pháp Việt Nam khi giữ lại trong dự thảo sửa đổi, bổ sung nơi Điều 19, Khoản 3 Bộ luật Hình sự 2015, buộc luật sư phải tố cáo những điều thân chủ tiết lộ riêng với mình về các tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia, vi phạm trắng trợn vai trò, chức năng, bí mật nghề nghiệp của giới luật sư. Nay luật sư đoàn Phú Yên trong nghĩa vụ công cụ cho đảng và chế độ đã đưa ra quyết định có tính răn đe, rằng sẽ kỷ luật luật sư Võ An Đôn do các hoạt động thể hiện trên Facebook những suy tư độc lập thuộc quyền tự do tư tưởng, ngôn luận ; cũng như trong lãnh vực nghê nghiệp, vì công lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho các thân chủ của mình cũng như dân oan.
Là một luật sư từng hành nghề trong ngành tư pháp chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam Việt Nam trước 30/4/1975 và nay đang được sống tại Hoa Kỳ, một nước có tiếng là dân chủ bậc nhất trên thế giới, người viết không khỏi phẫn nộ và xin bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ những áp bức, bất công và hiểm nguy khi hành nghề với luật sư Võ An Đông và các luật sư đồng nghiệp đang hành nghề trong chế độ độc tài toàn trị cộng sản (đỏ vỏ xanh lòng) hiện nay tại Việt Nam.
Chúng tôi ước mong rằng, đất nước Việt Nam ta sớm chuyển đổi hòa bình, tịnh tiến từ chế độ độc tài đảng trị hay toàn trị hiện nay qua chế độ dân chủ pháp trị, để quyền hành nghề độc lập, tự do của giới luật sư cũng như các quyền dân chủ, dân sinh và nhân quyền của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam phải được nhà cầm quyền tôn trọng, bảo vệ và hành xử trọn vẹn như trong các nước dân chủ, văn minh trên thế giới ngày nay.
Thiện Ý
Houston, ngày 20/8/2017