Ngày 27/08/2023, Cơ quan Điều tra Liên bang Nga xác nhận lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Wagner, Yevgeny Prigozhin nằm trong số 10 nạn nhân của vụ rơi máy bay hôm 23/08/2023. James Gethyn Evans, trợ giảng tại đại học George Washington, trên trang mạng The Diplomat (24/08/2023) ghi nhận vụ rơi máy bay này giống với một sự cố xảy ra tại Trung Quốc thời Mao Trạch Đông.
Hiện trường vụ rơi chiếc máy bay làm thiệt mạng nhà lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Wagner Yevgeny Prigozhin. AP
Năm 1971, Öndörkhaan – gần đây được đổi tên thành Chinggis nhằm vinh danh vị lãnh đạo huyền thoại của Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn – bỗng trở thành tâm điểm của vụ án có quy mô toàn cầu làm nổi rõ quyền lực trả thù trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc. Chiếc máy bay chở Lâm Bưu, phó tổng lý Quốc vụ viện (phó thủ tướng chính phủ) nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và là người kế nhiệm được chỉ định của chủ tịch Mao Trạch Đông, đã chết trong vụ máy bay rơi gần thị trấn yên tĩnh với khoảng 20 ngàn dân, làm toàn bộ số hành khách trên máy bay đều thiệt mạng.
Theo thông tin chính thức từ Đảng cộng sản Trung Quốc thì ông Lâm Bưu đã cố gắng tập hợp những người ủng hộ thân cận nhất của mình trong một âm mưu ám sát Mao Trạch Đông, có tên hiệu là "Dự án 571". Sự việc thất bại, Lâm tìm cách chạy khỏi Bắc Kinh để trốn sang Moskva, nhưng phi công không mang đủ nhiên liệu và chiếc máy bay đã lao thẳng xuống đồng cỏ Mông Cổ.
Những tin tức không chính thức lan truyền rằng chiếc máy bay đã bị chiến đấu cơ Trung Quốc bắn hạ theo lệnh của thủ tướng Chu Ân Lai, hoặc thậm chí có tin rằng Lâm Bưu đã bị bắn hạ trong ô tô của ông ở Bắc Kinh, và người con trai của ông là Lâm Lập Quả (Lin Liguo) đã cố gắng chạy trốn trên máy bay.
Lâm Bưu là ai ?
Tác giả nhắc lại, Lâm Bưu là người đã giúp biến Mao Trạch Đông thành một biểu tượng cho cách mạng thế giới và là một nhân vật được tôn kính đối với Hồng Vệ Binh Trung Quốc, các nhà hoạt động chống chủ nghĩa đế quốc trên toàn cầu. Đến năm 1969, Lâm Bưu lên đến đỉnh cao trong Đảng cộng sản Trung Quốc và chịu trách nhiệm chính cho việc vạch ra cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Chính Lâm Bưu cũng là người biên soạn và xuất bản các bài phát biểu, bài viết của Mao Trạch Đông trong Hồng bảo thư (Sách Đỏ) được rất nhiều người sử dụng trong những năm 1960-1970.
Điều quan trọng là vị trí cấp cao của Lâm với tư cách là tướng trong Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), đội quân đã đưa Đảng cộng sản Trung Quốc giành được nhiều thắng lợi trong cuộc nội chiến, đồng nghĩa với việc ông ấy có được sự hậu thuẫn của quân đội. Ông đã sử dụng điều đó làm đòn bẩy để thúc đẩy thay đổi Hiến pháp Trung Quốc chỉ định ông như là người kế vị Mao. Tên của Lâm Bưu thường xuyên xuất hiện cùng với tên của Mao trong các tuyên truyền từ thời kỳ đó như một nhân vật lão thành trong Đảng.
Nhưng chính việc Lâm Bưu nắm quyền kiểm soát quân đội và mở rộng ảnh hưởng của mình trong quân đội dường như đã dẫn đến sự sụp đổ của ông. Đối với bất kỳ nhà lãnh đạo chuyên quyền nào, không có mối đe dọa nào lớn bằng những đòn đâm sau lưng từ giới tinh hoa trong hậu trường.
Từ trái sang phải : Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông và Lâm Bưu tại quảng trường Thiên An Môn trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa năm 1967. © Wikipédia
Việc Lâm Bưu có cơ sở trong quân đội để thay thế quyền lực là một thách thức trực tiếp đối với thế độc quyền lãnh đạo của Mao, chưa kể đến trở ngại đối với những nỗ lực của Mao trong việc xích lại gần Hoa Kỳ. Đây là một mối đe dọa mà Mao không thể khoan thứ. Lâm Bưu phải ra đi, nhưng theo cách không gây ra một cuộc nổi dậy quân sự. Một vụ rơi máy bay và một câu chuyện đào tẩu, kết hợp với một cuộc vây bắt những người ủng hộ ông trong quân đội sau đó tỏ ra thuận lợi nhất.
Trong khoảng thời gian hai năm, bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản Trung Quốc đã đi từ ca ngợi Lâm Bưu như là một trong số những nhà lãnh đạo lão thành của đất nước đến chỉ trích ông là kẻ phản bội cách mạng, như Đảng đã từng làm trước đây đối với những nhân vật khác được cho là không còn ủng hộ các lợi ích của Đảng. Khi làm như vậy, Đảng cộng sản Trung Quốc đã có thể chặn đứng được cuộc Cách Mạng Văn Hóa và bắt tay kẻ thù cũ của mình là Mỹ, trái ngược với thông điệp tuyên truyền 20 năm về trước.
Máy bay rơi : Một cách loại đối thủ đầy bi thảm
Các nhà lãnh đạo chuyên quyền có sẵn nhiều đòn bẩy để loại bỏ các đối thủ. Một vụ rơi máy bay là một lựa chọn "giật gân", nhưng đó chính xác mới là điểm lý thú. Có thể quy sự cố này do lỗi động cơ hay nhiều lý do khác mà không có nhiều bằng chứng chính xác về những gì đã xảy ra. Đó cũng là cách để thu hút sự chú ý một cách tốt nhất, chuyển hướng chú ý của công luận ra khỏi những tuyên truyền đã có từ trước. Đối với Mao, tai nạn máy bay là một cách vừa để hạ bệ Lâm Bưu vừa làm thay đổi cái nhìn của công chúng về Lâm, từ một nhà lãnh đạo đáng kính sang một kẻ phản bội.
Trở lại với trường hợp của Prigozhin, tác giả cho rằng người ta sẽ không biết được gì nhiều về vụ rơi máy bay, và không có gì bảo đảm là ông ấy có mặt trên chuyến bay đó. Nhưng trong giả thuyết lãnh đạo Wagner có đi trên chuyến bay này, thì khó có thể tin rằng đây là một tai nạn, vào lúc có nhiều thông tin cho rằng máy bay đã bị tên lửa phòng không bắn hạ.
Trong giả thuyết này, thì mục đích bắn rơi máy bay của Prigozhin cũng sẽ tương tự như tai nạn máy bay của Lâm Bưu : Đó là Prigozhin đã bị trừ khử trong những hoàn cảnh mờ ám, khó xác minh và làm thay đổi sự chú ý của công luận về những gì đã nói trước đây về Prigozhin, như là một thách thức to lớn đối với sự cai trị của Putin, thành một Prigozhin như là kẻ phản bội bất thành.
Dẫu sao đi chăng nữa, vụ rơi máy bay này là một thông điệp lớn và rõ ràng mà ông Putin gởi đến những kẻ âm mưu đảo chính tiềm tàng : Nếu hành động thì phải hứng chịu rủi ro !
Nhiều nhà quan sát khác còn đưa ra giả thuyết rằng Yevgeny Prigozhin ghi tên trong danh sách đăng ký chuyến bay chỉ là một vỏ bọc cho sự biến mất của ông ta hoặc đó chỉ là cái chết của một người đóng thế vai. Trong trường hợp này, tai nạn máy bay là cách thuận tiện nhất để Prigozhin thoái lui hay biến mất mà vẫn giữ được thể diện cho tất cả các bên.
Bởi vì, Vladimir Putin không thể cho phép Prigozhin ra đi mà không chịu hậu quả gì sau những hành động thách thức đối với quyền lực của điện Kremlin, nhưng Putin cũng có thể không hoàn toàn trừ khử Prigozhin. Việc làm cho công luận nghĩ rằng chủ nhân của Wagner đã chết có thể là điều có lợi cho giới thượng lưu Nga mà những hành khách khác trên chuyến bay là những nạn nhân liên đới.
Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Nga Wagner. AP
Những tuần sắp tới có thể sẽ có những diễn biến mới. Prigozhin có thể sẽ được tuyên bố là đã chết – điều Ủy ban Điều tra Liên bang Nga công bố hôm 27/08 sau kết quả xét nghiệm ADN – và dù ông ấy có chết hay không, đây là điều thuận tiện nhất cho điện Kremlin. Các lý do để giải thích cho vụ rơi rất có thể sẽ là do hỏng hóc trên máy bay, trúng hỏa lực phòng không của Nga hay Ukraine hoặc thậm chí từ NATO, tùy thuộc vào mức độ điện Kremlin muốn các đối thủ tiềm tàng biết số phận của họ nếu những người này có ý định thực hiện các hành động tương tự như cuộc tiến quân của Wagner về Moskva.
Tùy thuộc vào những giải thích chính thức, câu chuyện đưa ra có thể sẽ là một tai nạn đáng buồn, một hành động khiêu khích của Ukraine hay Prigozhin phản bội nước Nga… Cho dù điện Kremlin có chọn câu chuyện nào, tin tức quốc tế cũng sẽ tập trung vào những bí ẩn đằng sau cái chết của Prigozhin hơn là những vấn đề của Nga đang diễn ra tại Ukraine, một thắng lợi cho cỗ máy tuyên truyền của Moskva.
Dù thế nào đi chăng nữa, vụ rơi máy bay là một diễn biến thảm khốc đòi hỏi sự tin cậy của những người biết rõ vụ việc phải giữ im lặng và bảo đảm rằng những người ủng hộ Prigozhin sẽ không nổi dậy phản đối. Cũng như nhiều chế độ chuyên quyền khác, công chúng sẽ không bao giờ biết được những hoạt động bí mật trong hậu trường. Nhưng việc nhìn lại lịch sử Trung Quốc cho phép đánh giá một số manh mối về diễn biến này có thể có ý nghĩa đối với Putin và tương lai nước Nga, tác giả kết luận.
Minh Anh