Đảng cộng sản Việt Nam bao lâu nay luôn nêu cao tấm gương ‘cần, kiệm, liêm chính’ của ông Hồ Chí Minh cho đảng viên. Biết bao kinh phí dành cho công tác tuyên truyền phong trào học tập theo tinh thần vị lãnh tụ này của họ.
Ảnh minh họa - AFP
Thế nhưng trong thực tế, cơ ngơi hiện nay và lối sống của cán bộ, đảng viên các cấp hầu như không như tuyên truyền mà còn hơn cả tầng lớp trước đây người cộng sản đấu tranh để xóa bỏ.
Bất chấp tuyên truyền, giáo dục của đảng và chỉ thị của chính phủ, tình trạng lạm dụng công quĩ cho việc tư riêng, tham nhũng, phô trương lối sống xa hoa không những giảm đi mà ngày càng lộ liễu.
Nhà báo Hải Phạm từ trong nước cho rằng đa số bây giờ việc thực hành điều đó nó không thực dụng, các cán bộ nói một đường làm một nẻo.
"Mỗi địa phương đều có quyền lực riêng ví dụ như quyền lực nó nằm ở một ban ngành nào đó, ông nào đứng đầu thì có quyền lực riêng của ông ấy nên quyền lực là nó không bao giờ có sự giám sát của cấp dưới và không bao giờ dám phản biện lại việc đó nên người ta tự quyết được hết, thậm chí người ta là chủ tài khoản, người ta tự quyết tự chi được, tiền xăng rồi tiền này tiền nọ thì người ta tự quyết được tất cả, tự cân đối mọi thứ nên chuyện người ta nói một đường làm một nẻo tại các địa phương là như vậy".
Nhiều người vẫn chưa quên vụ tai tiếng xe biển xanh của Bộ Công Thương vào ngày 4 tháng 1 vừa qua được điều đến tận chân thang máy bay để đón vợ bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Nhà báo Võ Văn Tạo nhắc lại cách đây khoảng hơn 10 năm thì mấy chuyện này rất là ồn ào, dư luận không đồng tình. Quản lý Đảng và nhà nước cũng sốt ruột nên ban hành các chị thị nghiêm cấm sử dụng xe công vào việc riêng. Tuy nhiên đến này nó không còn là chuyện hy hữu.
"Hồi xưa khi phát hiện như vậy thì báo chí đưa tin thì tình trạng đó có giảm bớt nhưng rồi cuộc sống cuốn đi mọi người mãi lo chuyện khác thì chuyện đó vẫn xảy ra nhưng báo chí vẫn nghĩ rằng chán rồi nên người ta không nhắc rồi lâu lâu họ lại phát hiện ra những vụ việc đó rồi lại phanh phui. Vì vậy việc quan chức sử dụng xe công làm việc riêng thì vẫn còn khá phổ biến chứ không hy hữu lắm đâu".
Luật sư Đặng Đình Mạnh người thường xuyên tham gia bào chữa trong nhiều phiên tòa chính trị nhận định rằng, việc vẫn diễn ra tình trạng như vậy cần xem xét hai khía cạnh.
"Thứ nhất luật pháp dường như đã lờn với họ, không đủ hiệu lực để làm họ sợ để họ tuân thủ luật pháp nữa. Thứ hai là sự coi thường pháp luật của những cán bộ đó. Cán bộ công nhân viên chức đúng ra phải là những người gương mẫu đi đầu trong việc tuân thủ luật pháp như họ lại không thực hiện được thì điều này đáng trách là trách từ cả hai phía".
Còn theo ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh, thì vấn đề là do ý thức của mỗi cán bộ, không phải họ không biết luật mà do coi thường pháp luật mà thôi.
Sau tai tiếng mới nhất về đám cưới con con trai của bà Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Sóc Trăng được mô tả là ‘rình rang’ chưa từng có ở tỉnh này, vào ngày 21/7 ông Trần Ngọc Tuấn trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Sóc Trăng nói với truyền thông trong nước rằng, ông ngạc nhiên và rất bực mình về vụ việc.
Hình ảnh các xe công vụ đến dự tiệc cưới con trai bà Hồ Thị Cẩm Đào, trưởng đoàn đại biểu quốc hội Sóc Trăng. Courtersy of kienthuc.net/ RFA Edited
Ông Tuấn được trích dẫn "Quy định đã có rồi, tỉnh đã có xử lý cán bộ sử dụng xe công không đúng, vậy mà vẫn còn tái diễn, tôi không hiểu được". Ngoài ra, ông sẽ yêu cầu kiểm tra và xử lý từng trường hợp vi phạm sử dụng xe công sai mục đích theo Nghị định 63/2019.
Sang ngày 22 tháng 7, phó bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng, ông Huỳnh Văn Sun, cho biết có yêu cầu bà Hồ thị Cẩm Đào viết kiểm điểm. Tuy vậy ông này nói lý do đãi khác đông là vì vợ chồng bà Hồ Thị Cẩm Đào có đông bạn bè và bà con ở nhiều tỉnh, nên cần phải thông cảm.
Riêng chuyện sử dụng xe công để đi đám cưới, ông Huỳnh Văn Sum nói ai vi phạm sẽ bị kỷ luật.
Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định rằng, việc báo chí phanh phui hay các quan chức địa phương lên tiếng cũng chỉ là để nói cho xong chuyện, an lòng dân mà thôi chứ thật sự không mang lại được hiệu quả.
"Vì chức trưởng phòng đại biểu Quốc hội thì nó không phải là chức nhỏ đâu. Về mặt đảng nó còn lớn hơn là tổ chức tỉnh ủy cơ. Nên chủ yếu là trốn thôi, trấn an dư luận họ nhắc nhở nhau và thậm chí kéo nhau đi uống bia rồi nhắc nhở nhau lần sau đừng vi phạm nữa. rút kinh nghiệm đừng làm lộ liễu để báo chí nó viết".
Luật sư Nguyễn Văn Hậu có nhận định : "Khi họ có quyền lực thì họ không thể kiểm soát được quyền lực đó mà khi họ có quyền lực thì họ lợi dụng chức vụ quyền hạn đó để họ trục lợi. Một vì đại biểu quốc hội và chính luật pháp là các đại biểu đó lập ra không thể nói không biết được, xử lý nghiêm, chức vụ càng cao càng xử nghiêm mới thuyết phục được dư luận xã hội".
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh thì nếu chế tài về phương diện tài chính không đủ răn đe thì cần xem xét chế tài cả về phương diện chức vụ.
"Ví dụ vi phạm thì hạ bậc công chức chẳng hạn hoặc cắt mọi chức vụ đang giữ chẳng hạn. Nếu trong trường hợp có ý thức và sự tự giác thì mức chế tài cảnh cáo thôi cũng đủ nhưng với trường hợp tỏ ra sự vô hiệu luật pháp và lờn như vậy tôi nghĩ cần phải tăng mức độ chế tài mạnh lên".
Trong mấy năm qua, chiến dịch chống tham nhũng do người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam chủ xướng được tiến hành và có những quan chức bị bỏ tù vì sai phạm trong khi đương chức như trường hợp ngưới có chức vụ cao nhất là ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.
Tuy vậy, vẫn còn có biết bao trường hợp sai phạm nặng nề vẫn không bị xử lý. Thân nhân của những người đó vẫn ung dung sống xa hoa trong khi người dân trong vùng họ quản lý ‘không đủ ăn, đủ mặc’.
Vô số cán bộ, đảng viên cộng sản có hành xử bị cho không khác gì tầng lớp mà cách mạng luôn lên án là ‘bóc lột nhân dân’ cùng khổ, sống bằng ‘xương máu của công nhân, nông dân’ !
Nguồn : RFA, 22/07/2019