Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 15 avril 2020 20:05

Sông dài gió lộng màng trinh

Sông Hậu từ biên giới Cao Miên đổ ra cửa Trần Đề, tới đoạn giữa Bò Ót và Ô Môn thì phân hai dòng nước ôm ấp, vỗ về một cù lao rất đẹp : cù lao Tân Lộc. Khoảng 25 năm trước, bà con gọi là cù lao Đài Loan vì nhiều con gái xứ này gả về Đài Loan. Khoảng 20 năm trước, nhờ nước sông dồi dào màu mỡ, nghề nuôi cá tra xuất khẩu phát đạt, người dân giàu có lên nên lần lần gọi là cù lao Tỉ Phú. Các đại gia trên bờ lái Mercedes, dưới sông chạy ho-bo…

culao3

Nghề nuôi cá tra xuất khẩu phát đạt - Thu hoạch cá tra - Ảnh minh họa

Năm 2000, tôi có dịp tới đồng bằng sông Cửu Long làm việc. Chuyến đi sáu người, một Việt, một Mỹ, hai Hàn Quốc, một Nhật và một Đài Loan. Chúng tôi đạt được mục tiêu là đánh giá nhanh tiềm năng các ngành công nghiệp đồng bằng sông Cửu Long. Lòng cả nhóm phơi phới trên chuyền bắc Vàm Cống trở về Sài Gòn. Trời cao, sông rộng, bờ xanh mướt, gió lộng lộng, nước rào rào sắp vào mùa nước nổi…

Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Anh. Tôi chú ý một bà trọng tuổi, khoảng trên năm mươi, vẻ khắc khổ, cùng một nhóm các cô ăn vận hơi điệu đàng dù nét quê mùa không dấu được trên gương mặt, trong phong cách, nhất là trên những bàn chân còn in dấu bùn phù sa…

culao1

Vườn dừa cù lao Tân Lộc - Ảnh minh họa 

Tìm cách gần gũi bà, tôi biết bà là mẹ của một cô gái trong đoàn. Mười một cô miệt cù lao lên Sài Gòn để coi có được chọn làm vợ người Đài Loan không. Biết tôi là người Việt, bà hỏi :

- Mấy cậu kia người Trung Quốc phải không cậu ?

Được tôi cho biết có mấy người Hàn Quốc với mấy người Đài Loan, bà nói chậm rãi mà liên tục :

- Cậu hỏi giùm coi họ có muốn lấy con gái Việt Nam không ? Con tui đó, con nhỏ đẹp nhất đám đó. Người cù lao hiền lắm, nó với gia đình tui đâu có chịu lấy Đài Loan đi xa. Tại quá nghèo…

- Mấy ông này coi hiền, chắc tử tế với con tui. Cậu hỏi giúp được không ?

- Hay cậu lấy nó cũng được ? Nó không cần lên Sài Gòn với cậu đâu, lâu lâu cậu về cù lao thăm nó, cho nó tiền.

Một lát sau, cô gái tới nói chuyện với tôi. Vóc dáng mạnh khỏe, phong cách và giọng nói rặt lục tỉnh. Gương mặt đẹp, có duyên, da ẩn màu nắng miệt vườn. Đúng là gái quê đẹp !

- Em lên Sài Gòn để được tuyển chọn gả Đài Loan.

- Họ kiểm coi còn trinh không. Họ còn kiểm mấy thứ khác nữa, mà màng trinh là trước hết. Hổng còn trinh là bị loại.

- Mấy con nhỏ kia vá trinh. Tội nghiệp lắm anh, tiền vá mắc lắm, ai vá sau này bị trừ tiền. Có phân nửa tụi nó vá thôi, phân nửa không. Em còn, đâu cần vá !

- Lên tới Sài Gòn, anh kiểm tra em nghen. Anh coi của em nghen, còn tốt lắm. Em chắc với anh thứ thiệt !

Giọng cô gái tự nhiên. Không ngại ngùng, không xúc động. Nét mặt chân thật, có phần hớn hở nữa. Như cô đang nói tới trái cam trên cây, con cá dưới nước, con ếch trong vườn… Nhìn mắt cô, dáng bộ cô, không một chút gì lả lơi hay gợi dục ! Trong mắt kia, dáng bộ kia, hiện lên, phần lồ lộ, phần âm trầm, nét chân chất làm ăn nơi sông nước, nắng gió, cỏ cây, vườn tược vùng đất phù sa lục tỉnh.

culao2

Một đám cưới với chồng Hàn của cô gái Tân Lộc. Ảnh minh họa 

Thấy tôi có vẻ muốn dứt câu chuyện, cô đưa tôi một miếng giấy, có ghi địa chỉ trên Sài Gòn, cả số điện thoại nữa. Tôi liếc mắt thấy tên đường Lãnh Binh Thăng, quận 11, và số điện thoại.

- Chỗ em lên Sài Gòn ở nè. Họ đưa em rủi bị lạc. Có điện thoại trong giấy. Tụi em ở đó có hai ngày rồi đi chỗ khác. Em năn nỉ anh, lên trển anh liên lạc em nghen. Kiểm tra cho biết em nói thiệt. Em không ép anh đâu. Em không ép anh cái gì hết !

- Còn nếu anh thích thì em làm bé anh. Anh có nhẫn cưới rồi, em làm bé anh cũng được. Anh cho em đủ tiền là được hà. Em không đòi nhiều tiền đâu.

Vậy sau này sao em lấy chồng ? Tôi hỏi.

- Có sao anh, khá lên rồi, em có vốn làm ăn, không xin tiền anh nữa. Hễ có người thương thì mình lấy.

Bắc cập bến bờ Lấp Vò. Trong tiếng xe rồ máy, tiếng người dọn dẹp, tiếng xích sắt kêu loảng xoảng, tiếng nước sông bị chiếc bắc ép vào bờ ộp oạp, giọng cô năn nỉ gấp rút :

- Anh tiếp em đi anh. Anh tiếp em nghen anh…

Chúng tôi lên xe. Từng chiếc chầm chậm qua cầu bắc, ngoái lại thấy các cô trong dòng người lũ lượt đi bộ. Mẹ con cô gái cầm tay nhau, vừa đi nhanh như chạy vừa hướng mắt về xe chúng tôi…

Lê Học Lãnh Vân

Nguồn : vanviet.info, 16/09/2019

Published in Diễn đàn
vendredi, 10 avril 2020 23:52

Những ngày giãn cách…

1. Thời buổi này không Than sao được !

Muốn kể, mà kể thì anh em nói mình con cháu danh tướng đánh giặc Nguyên-Mông Trần Khánh Giư. Theo ngoại sử, ông Trần Khánh Giư có làm bài thơ :

Một gánh càn khôn quảy xuống ngàn

Hỏi chi bán đấy ? Dạ rằng Than !

Thời buổi này không Than sao được !

giancach1

Con cá tra, nuôi từ 50 con một kí tới 1 con một kí mất 7-8 tháng.

Ngó về nông nghiệp…

Cá tra xuống dốc, giá bán cá bắt dưới ao lên là 17.500 đồng một kí, giảm 50% so với năm ngoái khi giá cá là 35.000 đồng một kí. Con cá tra, nuôi từ 50 con một kí tới 1 con một kí mất 7-8 tháng. Lấy công làm lời, sau 7-8 tháng kiếm được 10-15% lời chênh lệch giá là bà con nông dân mừng húm. Nghề này vốn nặng, bà con phải vay, trừ tiền lãi vay khoảng 6% trên tổng chi phí đầu vào, còn lời khoảng 5-10% ròng là bà con vui. Bây giờ giá sụt vậy chắc chắn lỗ 20-25%, có vốn nhiều để trường vốn đâu mà không cụt ! Chủ trại cá lớn năm ba hec-ta còn đứng được, nông dân đất vài công, hay thuê ao, vay vốn lấy công làm lời làm sao sống nổi ! Rồi đây sẽ treo ao ! Sẽ đói kém !

Các ngành kinh tế khác trong nông nghiệp, có ngành nào không tơi tả ?

Ngó về công nghiệp…

Nguyên phụ liệu của nước ta, có ngành phụ thuộc Trung Quốc tới 60-70%. Nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào dung môi, doanh số dung môi hiện nay giảm 15%-20% ! Nhu cầu dung môi là một chỉ số sức khỏe công nghiệp. Sức khỏe ngành công nghiệp Việt Nam cũng đang nhiễm Covid-19 ! Lý do cũng bởi nguyên phụ liệu phụ thuộc Trung Quốc. Và cũng bởi Hoa Kỳ và Châu Âu ngưng nhập khẩu hàng Việt Nam. Tất cả đều từ con virút này !

Thua lỗ, thất bát này sẽ kéo dài. Trước kia cũng có năm Việt Nam thua lỗ, nhưng ngành này thua có ngành khác thắng. Và thế giới đang thuận đà làm ăn. Kinh tế Việt Nam nhỏ như con dế, cứ nương theo cái đuôi con voi mà lên cũng dễ ! Lần này, tất cả các ngành đều xuống, xuống thê thảm ! Cả thế giới lại cũng đang đại khủng hoảng, một xứ như Hoa Kỳ chứng khoán tụt khoảng 30%, Châu Âu, Trung Quốc đều sa sút ! Việt Nam biết bám víu vào đâu ?

Ông bạn tui bầm dập trong cơn quốc nạn corona Vũ Hán, chủ công ty với một chồng nợ sắp tới hạn, một đống nợ có thể bị giựt, vẫn thở than với tài chánh kế toán : "Anh em khó khăn, cứ để mức thu nhập bình thường. Lỗ công ty chịu. Lỗ thì cũng lỗ rồi, chịu thêm chút có sao !". Anh em đây là nhân viên của công ty.

Ngày thường bạn tui đóng thuế đầy đủ cho nhà nước (còn quá sức đầy đủ nữa)…

2. Bánh mì nóng giòn đây…

Tiếng rao giòn rụm, ngọt ngào quen thuộc. Tiếng rao giống nhau từ máy phát của những xe bánh mì khác nhau đạp vòng vòng các xóm chở bao bánh mì bán dạo. Thường gia đình tôi mở cửa cho hai người : một cô bán bánh mì gốc Miền Trung hiền lành chịu khó xa nhà nuôi con, hoặc một anh xấp xỉ tuổi hưu bỏ vườn tược dưới Minh Hải lên Sài Gòn tiếp đỡ con gái, cháu ngoại.

Cả tuần rồi anh bạn Minh Hải vắng. Bệnh hoạn gì hở anh ? Không, tui đem bánh mì cho bà kia, bả đặt bánh mì tặng quán cơm từ thiện. Chà, trúng mánh rồi. Cũng như ngày thường thôi anh. Tui giao bả gấp ba lần, mà cũng lấy thu nhập như bán ngày thường. Họ có tiền giúp tiền, mình ít tiền thì giảm lời góp vô, lòng dạ nào kiếm lợi lúc này !

Họ có tiền giúp tiền, mình ít tiền thì giảm lời góp vô, lòng dạ nào kiếm lợi lúc này ! Không vòng vo tam quốc gì hết, lời giản dị kia khiến lòng tôi mềm xuống vì cái nghĩa lá lành đùm lá rách ! Câu tục ngữ từ xa xưa lá lành đùm lá rách mấy chục năm nay nghe ra rả từ trên truyền thanh truyền hình khiến lòng ngán ngẩm. Câu tục ngữ đã trở thành vô hồn, sáng nay bỗng đầy tình cảm ấm áp lòng nhau.

Tui đi bán thường ngày, khát nước ghé mấy thùng trà đá miễn phí, đói bụng vô quán cơm xã hội. Trả lại chút đỉnh làm phước anh ơi…

giancach2

Máy ATM phát gạo tự động hỗ trợ người nghèo những ngày dịch bệnh

Bánh mì nóng giòn đây. Tiếng rao giòn rụm, ngọt ngào từ từ bẻ cua qua hẻm khác… Trong những con hẻm kia, nơi có thùng bánh mì, nơi có tủ khẩu trang miễn phí. Lại nghe nói quận nọ có một cái cây như cây ATM, ai thiếu thốn tới bấm nút sẽ có gạo tặng trút xuống…

3. Xã hội hiện nay rất cần sự chăm sóc từ dịch vụ công, từ hoạt động xã hội dân sự

Hai ngày nay có việc ra ngoài, thấy xe cộ nhiều, các chợ chồm hổm quanh khu lao động, khu công nghiệp đông đúc trở lại. Gần khu Tân Tạo thấy công nhân, đa số nữ, đi chợ nượp nượp suốt một quãng dài đường Trần Văn Giàu chen với xe lớn vụt vụt. Trái cây đổ lăn lóc xuống tấm ny-lông trải đưới lề đường. Các xề, thau, mâm đựng thịt ruồi vo ve, nước nổi váng. Chợ chồm hổm bày sát đường, các cô, chị đứng dưới lòng đường lom khom quay vô lề chọn lựa, đưa lưng ra ngoài. Quá nguy hiểm !

VIETNAM-CHILD LABOR

Xã hội hiện nay cũng rất cần sự chăm sóc từ hoạt động của xã hội dân sự với đủ loại hình thức hoạt động từ thiện, giáo dục, bổ trợ…

Trên một con đường nhỏ thẳng góc đường Trần Văn Giàu, một người đàn ông đen, ốm, không mặc áo, quần đùi rách một bên, đứng với một phụ nữ tóc bết từng đám chừng như lâu không gội, quần áo dơ dáy vẻ nghèo khổ. Anh hơ một con chuột trên ngọn lửa từ đống lá khô và cành cây nhỏ. Ngọn lửa đang tàn, anh vùi con chuột vào đống tro đỏ, trắng, đen. Bỗng tiếng khóc ré từ lề đường, một sinh linh cọ quậy, người phụ nữ chạy vội vô ôm con vạch áo cho bú. Cả hai mẹ con đen đúa đóng đất như nhau !

Xã hội hiện nay rất cần sự chăm sóc từ dịch vụ công. Những nhà thương công, kiểu nhà thương thí thời Việt Nam Cộng Hòa, nhà thương tươm tất, sạch sẽ, đầy đủ phương tiện dành cho người nghèo. Mỗi bệnh nhân một giường. Những Viện Tế Bần, Viện Dưỡng Lão… nơi tiền thuế người dân được tiêu dùng trong tình tương thân tương ái, và trong tinh thần trách nhiệm của bộ máy công ! Chỉ cần chính quyền ngăn chặn được một phần tham nhũng, Việt Nam dư sức thiết lập hệ thống y tế xã hội công phụng sự người nghèo đói, già nua cơ nhỡ, trẻ em thiếu điều kiện…

Xã hội hiện nay cũng rất cần sự chăm sóc từ hoạt động của xã hội dân sự. Con người cần những hoạt động xã hội, từ thiện bịt kín các khe trống mà không một cấu trúc chính quyền nào bịt kín nổi. Có bàn tay nào đủ sức che mặt trời, hứng con thác ? Những khoảng trống này rất to lớn, chỉ xã hội dân sự với đủ loại hình thức hoạt động từ thiện, giáo dục, bổ trợ… tạo nên mạng lưới rộng khắp mới đủ sức bảo vệ sự yên bình xã hội.

Khi đại dịch Covid-19 này đi qua, nhiều người nghĩ xã hội sẽ trở về những gì nền tảng hơn, nhân văn hơn, gần gũi cuộc sống thực và nhu cầu thực hơn. Đồng thời bỏ bớt các nhu cầu không thực sự cần thiết cho cuộc sống con người ! Những giá trị truyền thống, nhân bản sẽ được thiết lập lại chăng ?

Trời cao và trong hơn, cây xanh hơn, con người yêu thương và có trách nhiệm nhau hơn… Con người sẽ đẹp hơn !

Ngày 08 tháng 4 năm 2020

Lê Học Lãnh Vân

Nguồn : Văn Việt, 09/04/2020

PS : Những tiểu đề 1-2-3 do Thông Luận mạn phép đặt thêm

Published in Diễn đàn