Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hội nghị trung ương 7 của Đảng cộng sản Việt Nam được nhiều thông tin cho biết có thể diễn ra vào tháng Năm, 2018, nhưng cũng có thể sẽ xảy đến sớm hơn vào tháng Tư. Nếu khả năng này xảy ra, khá rõ ràng là đang có một sức ép về "công tác nhân sự cao cấp" – có thể biến động lớn "người vào, kẻ ra" trong Bộ chính trị, kéo theo thay đổi về lịch họp của Hội nghị trung ương 7.

hoinghi1

Ông Lê Nam Trà, cựu chủ tịch MobiFone, được xác định là một trong những người có trách nhiệm lớn trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG. (Hình : Báo Tuổi Trẻ)

Sức ép thời gian

Chỉ sau Tết Nguyên Đán 2018 khoảng 3 tuần, không khí chính trường Việt Nam lại sôi sục cùng sức nóng hầm hập bốc ra từ "lò" của Tổng bí thư Trọng. Liên tiếp các vụ "công an đánh bạc" bắt Thiếu tướng công an Nguyễn Thanh Hóa, mở phiên tòa xử cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng vụ "800 tỷ", tiếp tục điều tra vụ Vũ "Nhôm", chỉ đạo xử lý vụ "Mobifone mua AVG"…

Một tuần sau ngày 12 tháng Ba là thời điểm ông Trọng cùng dàn tham mưu là ban bí thư họp để chỉ đạo xử lý vụ "Mobifone mua AVG", nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra trung ương cho biết cơ quan này đã phân công người tiếp nhận hồ sơ thanh tra thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG và sẽ sớm lập đoàn kiểm tra, xử lý trách nhiệm chính trị những người có khuyết điểm liên quan.

Tuy nhiên, việc "phân công tiếp nhận" trên có thể chỉ là một cách nói mang tính bề mặt. Bởi nếu Hội nghị trung ương 7 diễn ra đúng vào tháng Tư thay vì tháng Năm, sức ép về thời gian đối với Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ rất lớn. Sẽ rất cập rập và có thể dẫn đến hiệu quả kiểm tra kém chất lượng nếu sắp tới mới "lập đoàn kiểm tra", chưa kể còn phải có thời gian hoàn tất báo cáo kiểm tra, trình Ban bí thư và Tổng bí thư.

Rất có thể, ngay vào lúc này bản dự thảo kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương về vụ "Mobifone mua AVG" đã cơ bản hoàn thành, chỉ chờ "kiểm tra bổ sung" và gia cố thêm một số tình tiết, đánh giá mới, liên quan những nhân vật cao cấp "đến lúc này mới chịu khai".

Có một "kinh nghiệm" làm báo cáo bảo đảm tính tốc độ và còn ghi kỷ lục của ngành tư pháp Việt Nam : trong quá tình tố tụng hình sự đối với Đinh La Thăng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ mất có 6 ngày để hoàn tất bản cáo trạng. Trước đó, Cơ quan điều tra Bộ công an chỉ mất có 11 ngày để hoàn tất kết luận điều tra.

Trên phương diện cơ học, chẳng có gì quá đáng ngạc nhiên đối với Cơ quan điều tra nếu cơ quan này mang bản kết luận điều tra – đã được cơ bản hoàn tất từ sau khi có kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương về vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vào tháng Tư, 2017 – để "tân trang" thành báo cáo kết luận điều tra chính thức. Và cũng chẳng có gì lạ nếu Viện kiểm sát nhân dân tối cao lại "sao y bản chánh" kết luận điều tra thành cáo trạng, chỉ thay ngày tháng năm, tên cơ quan, chữ ký và con dấu.

Vào ngày 16 tháng Giêng, 2018, thanh tra chính phủ đã báo cáo với Ban bí thư và Ủy ban Kiểm tra trung ương về vụ "Mobifone mua AVG". Đó cũng là lần đầu tiên dự thảo thanh tra về vụ việc này được chính thức báo cáo và đưa tin, ngay sau khi một phó tổng thanh tra là Ngô Văn Khánh vừa nghỉ hưu. Ngô Văn Khánh vốn được biết đến có nhiều tài sản "khủng" hết sức bất thường, lại phụ trách thanh tra vụ "Mobifone mua AVG" nhưng đã cố ý "ngâm tôm" không công bố kết luận thanh tra hơn một năm trời.

Rất có thể, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã "copy" kết luận thanh tra từ tháng Giêng, 2018, để đến lúc này đã có trong tay một cơ sở dữ liệu đồ sộ trên cơ sở "kế thừa" từ thanh tra chính phủ.

Tiến độ xử lý vụ "Mobifone mua AVG" cũng bởi thế có thể sẽ nhanh, thậm chí rất nhanh.

Nếu Hội nghị trung ương 7 diễn ra đúng vào tháng Tư thay vì tháng Năm, Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ phải hoàn tất báo cáo kết luận kiểm tra vụ này và công bố – nếu được phép của ông Trọng cho công bố – chậm nhất vào giữa tháng Tư. Động thái này cũng có thể diễn ra dồng thời, hoặc lệch pha không nhiều về thời gian với việc Bộ công an ra quyết định khởi tố vụ án "Mobifone mua AVG".

Vào tháng Tư, 2017, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã bất ngờ tung ra bản kết luận kiểm tra đối với sai phạm "rất nghiêm trọng" của Đinh La Thăng tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chỉ hai tuần trước khi diễn ra Hội nghị trung ương 5 mà đã loại ông Thăng khỏi Bộ chính trị.

Và sẽ khác với kết luận thanh tra, trong kết luận kiểm tra đảng có thể sẽ hiện ra những cái tên cụ thể của quan chức sai phạm "rất nghiêm trọng". Sẽ có ít ra vài ủy viên trung ương bị "điểm danh" và do đó sẽ tiếp bước số phận "bị loại khỏi vòng chiến đấu" như Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười, 2017.

Ai ?

Tính đến thời điểm này, đã có ít nhất hai cái tên ủy viên trung ương đảng rất nhiều triển vọng "bị loại khỏi vòng chiến đấu" tại Hội nghị trung ương 7 : Trần Quốc Cường và Trương Minh Tuấn.

Vào tháng Ba, 2018, một bản thông cáo báo chí kỳ họp 23 của Ủy ban Kiểm tra trung ương đã hé lộ "Xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Trần Quốc Cường, ủy viên Trung Ương Đảng, phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên bí thư Đảng ủy, cục trưởng Cục chính trị – hậu cần (B41), Tổng cục V, Bộ công an".

Tổng cục V lại chính là Tổng cục tình báo – "cái nôi" của Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ. Vào thời gian này đã xuất hiện một số đánh giá cho rằng "đồng chí Trần Quốc Cường" và "một đồng chí thứ trưởng Bộ công an" có liên đới trách nhiệm trong vụ Phan Văn Anh Vũ.

Với người còn là bộ trưởng Thông tin và truyền thông trên danh nghĩa là Trương Minh Tuấn, sau cú phản đòn với văn bản phản bác kết luận thanh tra nhưng không thành công khi bị chính cấp trên ra lệnh gỡ văn bản đó khỏi mặt báo chí nhà nước. Ông Tuấn còn bị chính những tờ báo cấp dưới dẫn ra những bằng chứng rõ rệt để quy vào hành vi "cố ý làm trái" – một tội danh mà vào tháng Giêng năm 2018, cựu Ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng đã phải chịu trong phiên tòa "119 tỷ" và do đó đã phải nhận mức án đến 13 năm tù giam.

Số phận Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn coi như đã "xong", hoặc chỉ còn rất ít hy vọng "thoát" tại Hội nghị trung ương 7 và vòng lao lý ập đến ngay sau, hoặc ngay trước hội nghị này. 

Phạm Chí Dũng

Nguồn : Người Việt, 25/03/2018

Published in Diễn đàn

LTS : Những ngày gần đây, chính quyền và báo chí lề phải và lề trái trong và ngoài nước đã liên tiếp đăng tin "Vụ MobiFone mua AVG", theo đó nhiều tên tuổi nhân vật trong chính quyền và đại gia đã được công bố.

Trong tin thần tôn trọng và vinh danh sự thật, chúng tôi phổ biến sau đây một phản biện khác của vụ việc, do chính người trong cuộc viết : ông Lê Nam Trà.

Đây cũng là một cách tạo ra một diễn đàn để những tiếng nói khác ngoài chính quyền có thể trình bày quan điểm của mình.

Xin nhắc lại, đây chỉ là một diễn đàn mở để những nhân chứng liên quan trực tiếp đến những vụ việc có thể thông tin hay bảo vệ quan điểm của mình. Sự đúng - sai của vụ việc, chúng tôi để quý độc giả tự xét đoán.

Trong sinh hoạt dân chủ, khi chưa tòa án chưa có phán quyết tất cả những người liên quan đến vụ việc đều vô tội và có quyền tự bào chữa.

Nguyễn Văn Huy

********************

Thư tự giới thiệu

mobi1

Ông Lê Nam Trà

Tôi là Lê Nam Trà, sinh năm 1961, vào Đảng ngày 18/7/1983, nguyên là Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, xin gửi đến quý Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng có thẩm quyền lời chào kính trọng.

Từ hơn nửa năm nay, bản thân tôi chấp hành nghiêm túc quyết định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) điều chuyển tôi từ vị trí Chủ tịch Hội đồng Thành viên MobiFone về công tác tại Văn phòng Bộ TTTT, trong thời gian chờ đợi kết luận của Đoàn Thanh tra Chính phủ. Sau khi được tham dự các cuộc họp, tham khảo Dự thảo Kết luận Thanh tra, tôi xin được trình bày một số nội dung mấu chốt liên quan quá trình chỉ đạo, phê duyệt chủ trương và triển khai thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình nhận chuyển nhượng 95% cổ phần của Công ty AVG (gọi tắt Dự án) đính kèm bên dưới.

Tôi tha thiết kính đề nghị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan báo chí xem xét và đánh giá một cách công tâm, khách quan về vai trò, trách nhiệm chính của Bộ TTTT trong việc quyết định giá mua Dự án với vai trò quản lý và sử dụng vốn trong tư cách sở hữu chủ; trách nhiệm của các đơn vị tư vấn liên quan các chứng thư thẩm định giá; trách nhiệm của các Bộ quản lý Nhà nước như Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ; và giới hạn trách nhiệm của MobiFone là đơn vị thực hiện, đàm phán với đối tác và trình Bộ TTTT quyết định.

Tôi xin trân trọng cảm ơn !

****************

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
-o0o-

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 3 năm 2018

ĐƠN XIN XEM XÉT KHẨN THIẾT

Kính gửi : 

Về việc xin xem lại một số đánh giá trong dự thảo Kết luận của Thanh tra Chính phủ về Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình mua 95% cổ phần của Công ty AVG và xin được đánh giá giới hạn phạm vi trách nhiệm cá nhân của tôi là Lê Nam Trà - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

Tôi là Lê Nam Trà, sinh năm 1961, vào Đảng ngày 18/7/1983, nguyên là Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, xin gửi đến quý Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng có thẩm quyền lời chào kính trọng.

Từ hơn nửa năm nay, bản thân tôi chấp hành nghiêm túc quyết định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) điều chuyển tôi từ vị trí Chủ tịch Hội đồng Thành viên MobiFone về công tác tại Văn phòng Bộ TTTT, trong thời gian chờ đợi kết luận của Đoàn Thanh tra Chính phủ. Sau khi được tham dự các cuộc họp, tham khảo Dự thảo Kết luận Thanh tra, tôi xin được trình bày một số nội dung mấu chốt liên quan quá trình chỉ đạo, phê duyệt chủ trương và triển khai thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình nhận chuyển nhượng 95% cổ phần của Công ty AVG (gọi tắt Dự án), giới hạn phạm vi trách nhiệm của tôi và nêu nguyện vọng như sau :

1. Chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình và thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện Dự án :

Vào năm 2013 (dưới thời ông Lê Ngọc Minh làm Chủ tịch và ông Mai Văn Bình làm Tổng giám đốc) đã xây dựng Đề án tổ chức lại Công ty Thông tin di động, trong đó mục tiêu chiến lược là chuyển đổi từ nhà khai thác viễn thông thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông - CNTT, tham gia vào thị trường mới là truyền hình. 

Liên quan đến chủ trương AVG bán cổ phần cho đối tác trong nước có từ cuối năm 2014, trước thời điểm thành lập Tổng công ty Viễn thông MobiFone và trước khi tôi (Lê Nam Trà) nhận trách nhiệm Tổng Giám đốc, sau là Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) MobiFone. Trên cơ sở AVG có văn bản báo cáo và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) hướng dẫn AVG chào bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, Bộ TTTT đã xin ý kiến Bộ Công an và thống nhất không được phép chuyển nhượng cổ phần cho nước ngoài, mà chỉ nên bán cổ phần cho đối tác trong nước, doanh nghiệp nhà nước là tốt nhất (thể hiện thông qua các văn bản nội bộ của Bộ TTTT và văn bản gửi Bộ Công an số 200/BTTTT-VP ngày 26/11/2014; Công văn số 4352/BCA-A81 ngày 8/12/2014 của Bộ Công an…).

Ngày 01/12/2014, Bộ TTTT ra Quyết định 1798/QĐ-BTTTT về việc thành lập Tổng công ty Viễn thông MobiFone trên cơ sở tổ chức lại Công ty TNHH MTV Thông tin di động, trong đó bổ sung thêm truyền hình là ngành nghề kinh doanh chính. Như vậy, ý tưởng chào bán cổ phần của AVG và chủ trương không bán cổ phần AVG cho cổ đông AVG mà chỉ bán cho đối tác trong nước là do Bộ TTTT quyết định sau khi đã thống nhất với Bộ Công an.

Điều tôi xin được trình bày rõ thêm là, thực hiện đề án tái cơ cấu và triển khai ngành nghề kinh doanh chính là truyền hình, MobiFone đã có Công văn số 337/MOBIFONE-ĐHKT ngày 27/01/2015 đề nghị Bộ TTTT xem xét và phê duyệt chủ trương nghiên cứu đầu tư dịch vụ truyền hình, đầu tư mua lại một nhà cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số. Ngày 06/02/2015, tại Văn bản số 408/BTTTT-QLDN, Bộ TTTT "thống nhất về chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone tại công văn nêu trên. Đề nghị MobiFone thực hiện và hoàn thiện các thủ tục mua lại doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình theo đúng quy định hiện hành, trình Bộ TTTT xem xét phê duyệt". Sau khoảng thời gian này, Bộ TTTT đã giới thiệu cho MobiFone mua cổ phần mà các cổ đông AVG đang chào bán.

Không những thế, Bộ TTTT quyết định đưa giao dịch mua cổ phần AVG vào danh mục bí mật Nhà nước và chỉ đạo MobiFone thực hiện, thể hiện qua Công văn số 44 ngày 05/03/2015 của Bộ TTTT gửi Bộ Công an. Ngày 09/03/2015, Bộ Công an có Công văn số 418/BCA-TCAN thống nhất đưa tài liệu giao dịch này trong danh mục tài liệu bí mật của Bộ TTTT, nhấn mạnh việc chuyển nhượng cổ phần giữa AVG và MobiFone là giao dịch kinh tế giữa hai doanh nghiệp, có sự định hướng của Nhà nước. Ngày 12/03/2015, Bộ TTTT (Vụ trưởng Vụ QLDN Phạm Đình Trọng ký thừa lệnh Bộ trưởng) có Công văn số 59/BTTT-QLDN chỉ đạo MobiFone "giao dịch này thuộc danh mục bí mật nhà nước, yêu cầu MobiFone thực hiện theo đúng quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước, không phổ biến, tuyên truyền".

Như vậy, kể từ thời điểm này, mọi hoạt động, thông tin và tài liệu liên quan đến giao dịch trao đổi với cổ đông AVG đều phải thực hiện theo chế độ MẬT. MobiFone đã tuân thủ chỉ đạo của Bộ TTTT, toàn bộ quá trình sau này từ thuê tư vấn (thực hiện chỉ định thầu) và quá trình đàm phán, lập dự án, ký kết trao đổi thông tin đều phải bảo mật thông tin...

*********************

(Chúng tôi đã không nhận được phần tiếp theo.Thanh tra chính phủ đã đúc kết hồ sơ điều tra ông Lê Nam Trà nên tác giả co lẽ thấy không cần thiết công bố thêm chi tiết vụ việc (vì vô ích), hay đã bị ngăn chặn nên không thể gởi thêm phần kế tiếp, hoặc đang bị theo dõi chặt chẽ nên không dám liên lạc với báo chí ngoài luồng. Ban Biên Tập kính cáo)

Published in Diễn đàn