Nguyên tắc quản lý không gian mạng và người dùng internet đó chính là nguyên tắc tương xứng đời và ảo.
Các ý kiến nói với BBC họ quan ngại Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều mặt trong đời sống người dân và các quyền trong xã hội.
Tức là nếu một cá nhân có quyền và nghĩa vụ gì khi ở ngoài đời thật thì họ không được phép có nhiều hay ít quyền và nghĩa vụ hơn khi ở trên mạng. Mọi thứ phải như nhau.
Điều này có nghĩa là anh không có quyền núp đằng sau một nick ảo để phỉ báng một ai khác, cũng như không được phép lợi dụng không gian mạng để tiến hành lừa đảo.
Phỉ báng trên mạng hay phỉ báng ngoài đời thì cũng đều là phỉ báng. Trộm cắp ngoài đời hay trộm cắp trên mạng thì cũng là trộm cắp.
Điều này áp dụng tương tự cho quyền lực của Nhà nước và nghĩa vụ của công dân.
Nhà nước không có quyền đánh thuế người kinh doanh trên mạng internet cao hơn người kinh doanh ngoài đời thực.
Nhà nước cũng có nghĩa vụ phải đối xử với các chỉ trích trên mạng tương tự như họ đón nhận những phản biện ngoài đời. Đó là nguyên tắc.
Internet là một công cụ liên lạc, lưu trữ, thông tin. Đừng nhầm lẫn nó là một thế giới khác.
Phải hiểu được nguyên tắc đó thì mới thấy Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng đáng lo ngại thế nào.
Ở ngoài đời thật, không có một cơ chế nào cho phép Nhà nước thu thập thông tin (một cách hợp pháp và chính thức) liên quan đến những thứ được coi là tối riêng tư của công dân (sở thích, sở trường, thông tin sức khoẻ, thông tin tài chính, thói quen tìm kiếm, chat log), cũng như xâm phạm đến những tự do tuyệt đối của con người (quan điểm chính trị, niềm tin triết lý).
Ở ngoài đời thường, tất cả mọi tiếp cận hay hạn chế quyền công dân đều phải trải qua một tiến trình công bằng (due process) và nghiêm ngặt.
Chẳng hạn, công an muốn khám nhà thì bắt buộc phải có lệnh của toà án hoặc viện kiểm sát.
Cảnh sát muốn xâm phạm thư tín thì cần có trát tư pháp và do Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự quy định.
Những thông tin mà cảnh sát thu thập mà bất hợp pháp thì cũng không dùng làm gì được (nguyên tắc quả trên cây sâu).
Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta lại đòi hỏi quy trình khắt khe như vậy và có lẽ chỉ có thời chiến với tình trạng khẩn cấp thì người ta mới cho phép lược bỏ những thủ tục đó vì sự sống còn của quốc gia.
Đọc vào những gì mà dự thảo nghị định đưa ra và soi chiếu với những nguyên tắc trên không khỏi khiến chúng ta phẫn nộ.
Cơ sở nào khiến Nhà nước nghĩ rằng họ có quyền tiếp cận những thông tin đó của người dân ?
Quan điểm chính trị hay niềm tin cá nhân thì phục vụ gì cho việc bảo vệ Tổ quốc ?
Vai trò của toà án và viện kiểm sát ở đâu để ngăn cản cảnh sát tiếp cận thông tin của người dân (mà còn hơn cả thông tin, đó có thể là đức tin và triết lý của họ) ? Không một quy trình, không một trát lệnh.
Tất cả vỏn vẹn trong năm từ "phục vụ cho việc điều tra" rất mơ hồ và mông lung.
Nó khiến cho ta chỉ có thể đi đến một trong hai kết luận : hoặc chính quyền đã thực sự tuyên chiến chống một kẻ thù nào đó trên mạng internet, hoặc con người trên internet của ta không bằng con người ngoài đời thật của ta.
Dù là cách hiểu nào thì nó cũng đáng bị lên án.
Nó sẽ mở đường cho sự lạm quyền, theo dõi quần chúng, giám sát tư tưởng, hay tệ hơn là sự kiểm soát cá nhân mang tính thù ghét.
Và đã là con người thì không một ai muốn sống trong một đất nước như vậy.
Người dân có thể không tin vào lá phiếu bầu của mình nhưng đôi lúc họ có thể chọn bầu bằng đôi chân ra đi của mình, để đến với một thế giới tự do hơn.
Và khi không còn ai ở lại, đất nước tất nhiên cũng không còn ý nghĩa gì nữa.
Lê Nguyễn Duy Hậu
Nguồn : BBC, 13/10/2018
BBC trích đăng từ Facebook cá nhân của tác giả, hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tựa đề do ban biên tập BBC đặt.