Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh. Ông Thản được tại ngoại trong quá trình điều tra.
4 câu thơ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông. Ảnh : Mường Thanh.
Theo quyết định phê chuẩn khởi tố bị can, ông Thản bị khởi tố về tội "Lừa dối khách hàng" theo quy định tại điều 198 bộ luật Hình sự 2015. Theo báo VietnamNet, đây là tội ít nghiêm trọng nên người phạm tội này sau khi nhận tống đạt quyết định khởi tố bị can thì không bị tiến hành tạm giam và được tại ngoại.
Quyết định khởi tố lần này gây bất ngờ, mặc dù là tội danh nhẹ, bởi ông chủ Mường Thanh từng được Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng 4 câu thơ trong lần lưu trú tại Mường Thanh Grand Phương Đông (Nghệ An).
Mường Thanh, nơi thường xuyên đón tiếp đoàn cán bộ cấp cao của Trung ương về thăm các tỉnh thành, và đây cũng là nơi chọn mặt gửi vàng khi tổ chức các hội nghị, hội thảo của Trung ương. Nhiều quan điểm và thuyết âm mưu đặt ra, Mường Thanh liệu là sân sau của một Ủy viên Bộ Chính trị ?
Quyết định khởi tố bị can mặc dù liên quan đến sai phạm kinh tế, nhưng liệu có chuyển biến thành một tội trạng nặng hơn, trong bối cảnh mới đây nhất, Tổng giám đốc Nhật Cường Mobile bị khởi tố thêm tội rửa tiền (trước đó là tội buôn lậu) ?
"Rửa tiền", hoạt động mà nhà báo Trương Châu Hữu Danh úp mở trên Facebook cá nhân, rằng, khi anh tiết lộ Nhật Cường rửa tiền cho ai, chắc chắn nhiều người sẽ ngất. Nhưng qua cách nói này, thì có vẻ như "rửa tiền" đi liền "sân sau".
Quay trở lại với sự kiện Mường Thanh, đã đặt lại câu hỏi không hề mới : đây là nỗ lực chống tham nhũng để tìm ra những hành vi sai trái, hay đó là một cuộc thanh trừng chính trị ?
Kể từ khi lên đến vị trí Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam vào cuối năm 2011, chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng đã được khởi động, và tăng tốc khi ông năm giữ chức vụ Chủ tịch nước vào tháng 10/2018.
Tham nhũng trong mắt ông Trọng là nguyên nhân sâu góp phần làm gia tăng bất bình đẳng xã hội và tổn hại tính hợp pháp Đảng cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, chủ nghĩa hoài nghi cũng gia tăng về bản chất thực sự của chiến dịch đốt lò.
Tại sao ông Trọng ưu tiên hàng đầu là chống tham nhũng ?
Nhìn vào danh sách "bị đốt" trong thời gian qua, có thể thấy ông Trọng không chỉ đánh vào cấp độ "hổ" (nơi quan chức cao cấp), và "ruồi" (quan chức cấp thấp) trong lĩnh vực chính trị. Mà ông Trọng còn tập trung vào những mối quan hệ thân hữu với chính trị, bao gồm các tập đoàn lớn trong lĩnh vực bất động sản, vốn được cho là nơi cung cấp nguồn tiền dồi dào để không ít cá nhân vận động chính trị và ngồi ghế quyền lực.
Khôi phục danh tiếng của Đảng cộng sản Việt Nam, thu hẹp khoảng cách niềm tin giữa đảng – nhà nước Việt Nam với người dân. Nhưng trên hết là chặn đứng suy yếu đảng bởi tham nhũng và kỷ luật lỏng lẻo.
"Đốt lò" cũng là tạo ra một sự ủng hộ cho cá nhân chính trị (ông Trọng) và dàn nhân sự mới của ông. Thúc đẩy nhanh "đốt lò" là để sớm ổn định chính trị mới trong 10 năm tiếp theo (2021 – 2031).
Chiến dịch này tạo ra ảnh hưởng như thế nào ?
Niềm tin trong đảng, và niềm tin người dân đối với đảng thông qua ông Nguyễn Phú Trọng có vẻ nhích lên. Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, người chỉ trích tham nhũng và luôn thể hiện bức xúc xã hội trên trang Facebook cá nhân của mình cũng là một người bày tỏ sự nhiệt thành của cô đối với chiến dịch ông Trọng và cá nhân ông. Tham nhũng bị chặn đứng, quan chức bị khởi tố đem lại một cảm xúc xã hội mới. Và trong thời gian qua, số lượng tán dương chiến dịch dường như cao hơn so với số lượng bày tỏ hoài nghi và phủ nhận tính chất chống tham nhũng của "đốt lò".
Nó không thuần túy là chiến dịch, mà còn là "uy tín chính trị" và sinh mạng chính trị của chính ông Nguyễn Phú Trọng.
Trước khi chiến dịch "đốt lò" diễn ra, tham nhũng ở Việt Nam là sự tồn tại phổ biến của các mạng lưới tham nhũng (các lãnh đạo quyền lực). Những mạng lưới này không chỉ đe dọa đến sự liêm chính trong tổ chức của Đảng cộng sản Việt Nam, mà còn có thể đặt ra những thách thức chính trị tiềm tàng cho lãnh đạo cao nhất.
Chiến dịch "đốt lò" làm gia tăng niềm tin là có thật, cam kết của ông Trọng đối với chiến dịch đã từng bước được hiện thực hóa. Mặc dù vậy, quan điểm trọng kỷ luật đảng với cơ chế tự giám sát, thay vì một cơ chế độc lập để giám sát đảng vẫn là điều đáng lo ngại. Chính quan điểm này làm cho chiến dịch được nhìn thấy một cách mơ hồ là sự nhất thời, thanh trừng, thể hiện sự chuyên quyền.
Chiến dịch chống tham nhũng có ảnh hưởng lâu dài không ?
Để giữ vững tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị và xả van nén xã hội, thì Việt Nam cần tiếp tục thực hiện chống tham nhũng với tần suất lớn, và giữ vững nguyên tắc "đánh trên đầu xuống".
Tuy nhiên, chiến dịch chỉ giải quyết tham nhũng ở một cấp độ, và ở một khía cạnh cụ thể, đó là tham nhũng chính thức, liên quan đến các quan chức chính phủ, hợp đồng chính phủ, đất đai,… Nhưng có nhiều hình thức tham nhũng khác còn tồn tại, gây bức xúc xã hội mà cơ chế kỷ luật đảng vẫn chưa thể bén mảng đến, đó là tham nhũng vặt.
Do vậy, để thoát khỏi tham nhũng trong nền kinh tế, cái cần thiết là "cơ chế giám sát quyền lực", thong qua tăng cường luật pháp, tinh giản chính quyền, và tự do hóa báo chí vạch trần tham nhũng.
Làm thế nào để đo lường sự thành công của chiến dịch ?
Sẽ khó có định nghĩa thành công cho chiến dịch "đốt lò" này. Các quan điểm phát biểu, chỉ đạo liên quan đến chiến dịch chỉ là ngôn ngữ chung chung, không nêu rõ những tiêu chí nào để đảm bảo đánh giá.Một sự tích hợp kỷ luật đảng vào thực thi pháp luật để tiếp tục thể chế hóa chiến dịch đốt lò là điều cần thiết. Theo đó, chiến dịch cần hướng tới thiết lập một cơ chế để đảm bảo hạn chế thấp nhất phát sinh tham nhũng từ gốc.
Một chương trình nghị sự định hướng cải cách hệ thống chính trị có thể được đặt ra, gồm cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách bổ nhiệm và miễn nhiệm quan chức, giám sát tham nhũng bằng chức năng xã hội thông qua tự do báo chí,… Nhưng có vẻ, với phát biểu gần đây của ông Trọng và sự cam kết của Hà Nội với UPR (Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền), nó khó có thể đạt được.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VNTB, 12/07/2019
Lê Chủ tịch (ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh) vừa bị khởi tố. Tuy "lừa dối khách hàng" là một tội thuộc nhóm ít nghiêm trọng (mức phạt cao nhất chỉ có năm năm tù, chưa chạm ngưỡng bảy năm để được xếp vào nhóm tội nghiêm trọng theo… tinh thần của Luật Hình sự) nhưng cuối cùng, Lê Chủ tịch cũng trở thành bị can (1).
Lê Chủ tịch (ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh) vừa bị khởi tố. Ảnh DoanhnhanSaigon
Ở Việt Nam, Lê Chủ tịch nổi tiếng vừa vì giàu có, vừa như một trong những nhân vật tiên phong trong "xây dựng sai giấy phép – phá vỡ quy hoạch, thâu tóm - chuyển nhượng dự án trái qui định pháp luật" và cả vì Lê Chủ tịch lẫn các bất động sản bề thế do Lê Chủ tịch tạo ra luôn vô sự.
Đến giờ, thiệt hại chỉ thuộc về… khách hàng của Lê Chủ tịch – những người đã bỏ tiền mua các căn hộ do Lê Chủ tịch tạo ra : Không nơi nào dám hợp thức hóa những công trình tuy hiện hữu giữa thanh thiên bạch nhật nhưng lại… không hợp pháp, thành ra không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản.
Rộng hơn, thiệt hại thuộc về… cư dân những địa phương nơi Lê Chủ tịch dựng lên các cao ốc chỉ có rất nhiều chỗ cho thiên hạ chui ra, chui vào. Khi Lê Chủ tịch đệ trình thiết kế và các viên chức hữu trách phê duyệt, không bên nào nghĩ đến chuyện, ngoài trú thân, còn phải có trường học, phải có bệnh viện, phải có không gian để thư giãn,… Cuối cùng, thiếu trường, trẻ con phải học một ngày, nghỉ một ngày, nhường chỗ cho bạn đồng lứa. Cuối cùng, các khu đô thị mới càng ngày càng ngột ngạt vì chật chội, giao thông tắc nghẽn, rặt người là người và an toàn về tính mạng, tài sản khi có cháy, nổ,… giống như lấy chỉ mành treo… chuông !
***
Ở Việt Nam không chỉ có Lê Chủ tịch. Lê Chủ tịch vốn đã thuộc loại ngoại hạng nhưng có vài nhân vật mà năng lực dường như còn phi phàm hơn. Ví dụ Phạm Chủ tịch (ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup). Giống như Lê Chủ tịch, bất động sản (nhà, đất) đã mở đường cho Phạm Chủ tịch bước lên đài vinh quang.
Thỉnh thoảng, Lê Chủ tịch còn bị truyền thông chỉ trích chứ Phạm Chủ tịch thì… không. "Oai phong" của Phạm Chủ tịch đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia và bây giờ, mắt xanh – mũi lõ không chỉ kháo nhau về chuyện Phạm Chủ tịch giàu, mà còn cảnh báo nhau về chuyện Phạm Chủ tịch là một nhân vật bất khả xâm phạm.
"The rise and rise of a Vietnamese corporate emprire" của John Reed trên Financial Times hồi cuối tháng vừa qua là một ví dụ (2). Đúng là không thể tìm được thông tin nào bất lợi cho Phạm Chủ tịch trên hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam, kể cả những cơ quan truyền thông tự thề "phụng sự bạn đọc".
Xưa, Việt Nam có Hồ Chủ tịch dẫn dắt bần nông đi tìm cơm no, áo ấm, thỏa ước mơ "người cày có ruộng". Vai trò lịch sử của bần nông chấm dứt khi "chính quyền về tay nhân dân" và đảng long trọng tuyên bố đã được nhân dân ủy nhiệm để tổ chức - điều hành chính quyền ấy mãi mãi.
Vị thế Việt Nam đã khác trước, khác xa nên cần những chủ tịch mới như Phạm Chủ tịch. Học tập Hồ Chủ tịch, Phạm Chủ tịch đang dẫn dắt một giai tầng khác đi tìm những tiêu chuẩn mới : Ăn, ở, mua sắm, giải trí, học hành, chữa bệnh, thậm chí đi lại,… bằng những sản phẩm, dịch vụ do Vingroup của Phạm Chủ tịch tạo ra, cung cấp.
Nhờ bần nông đổ xương máu đổi lấy độc lập, tự do, Phạm Chủ tịch đủ điều kiện tạo ra bộ tiêu chuẩn mới giúp một cá nhân có thể dựa vào đó khẳng định mình đã đạt chuẩn… ấm no, hạnh phúc : ở nhà VinHomes, ăn uống, mua sắm ở VinMart, giải trí ở VinPearl, con cái học VinSchool, đau bệnh thì chữa ở VinMec…
Tuy hơn hẳn Lê Chủ tịch nhưng về căn bản, Phạm Chủ tịch cũng có một số điểm tương đồng Lê Chủ tịch. Họ và những chủ tịch khác đột nhiên trở thành đại phú nhờ sự chênh lệch giá trị về đất. Không xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ không có "đất đai thuộc sở hữu toàn dân", "thuận mua, vừa bán" không bị thủ tiêu, đất sẽ không có sự chênh lệch khủng khiếp về giá trị, làm gì có giàu nhanh với tốc độ hỏa tiễn.
Lê Chủ tịch trở thành bị can với những cáo buộc như "xây dựng sai giấy phép – phá vỡ quy hoạch, thâu tóm - chuyển nhượng dự án trái qui định pháp luật". Phạm Chủ tịch cũng thế. Chỉ có điều các cáo buộc đó chưa… chính thức và chủ yếu là từ mạng xã hội nơi chính quyền nhân dân chưa thể kiểm soát triệt để.
Đồng chí Vũ Văn Ninh, cựu Phó Thủ tướng và một loạt Thứ trưởng Giao thông và vận tải vừa bị Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật hoặc bị Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khiển trách, cảnh cáo vì dính líu đến việc để cho một số cảng biển quan trọng như Qui Nhơn, Quảng Ninh đổi chủ, toàn dân mất vai trò.
Sai phạm của đồng chí Vũ Văn Ninh và bảy viên chức cao cấp của Bộ Giao thông và vận tải xảy ra cách nay chừng năm năm, giờ mới được xem xét. Người ta ngạc nhiên là tại sao Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam không xem xét luôn việc bán cảng Nha Trang cho Vingroup của Phạm Chủ tịch (3). Chẳng lẽ bán cảng Qui Nhơn cho Công ty Hợp Thành, bán cảng Quảng Ninh cho Tập đoàn T&T là sai, còn bán cảng Nha Trang cho Vingroup thì… đúng, không cần xem, không cần bàn ?
Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa cho phép cả Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương lẫn Ban chấp hành đảng bộ của một số tỉnh, thành ra lệnh hủy nhiều thương vụ vì phá vỡ qui hoạch, chuyển nhượng dự án trái qui định pháp luật. Có cơ quan hữu trách nào sẽ hủy thương vụ mua bán khu vực Ba Son ở Thành phố Hồ Chí Minh giữa Vingroup của Phạm Chủ tịch và quân đội vốn đã râm ran dư luận từ lâu hay không (4) ?
Trong đề nghị xem xét kỷ luật Đô đốc Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Quốc phòng, cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân), Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình (cựu Chính ủy Quân chủng Hải quân), Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo (cựu Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân), Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam có đề cập đến việc sử dụng sai mười khu đất quốc phòng mà Hải quân quản lý, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho quốc gia (5). Ba Son có tên trong mười khu đất bị đổi chủ này không ? Đã công khai việc xem xét đề nghị kỷ luật các ông tướng Hải quân, tại sao không cho biết chi tiết về sai phạm và thiệt hại cụ thể ? Chống tham nhũng không có vùng cấm thì còn ngại gì mà giấu ? Giấu cho ai vậy ?
***
Công an thành phố Hà Nội đã vô tình đẩy đồng chí Nguyễn Phú Trọng vào thế bị cho là lỡ… lời khi khởi tố Lê Chủ tịch. Người sử dụng mạng xã hội đang chuyển cho nhau xem thủ bút của đồng chí Nguyễn Phú Trọng lưu lại cho Mường Thanh Grand Phương Đông, tọa lạc ở thành phố Vinh.
Đó là ngày 30/10/2017, bất chấp dư luận về một Lê Chủ tịch "coi Trời bằng vung", xây dựng sai với giấy phép, trái quy hoạch ở khắp nơi, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam vẫn hạ bút đề thơ : Lần này lại đến "Phương Đông". Tình xưa nghĩa cũ mặn nồng "Mường Thanh". Cố lên các chị, các anh. Quê hương vẫy gọi, sử xanh lưu truyền (6).
Bài thơ do Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hạ bút đề tặng Lê Thanh Thản - Ảnh minh họa
Không ít người đã đem thực tế so với bài thơ, gọi bài thơ mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng tặng Lê Chủ tịch là… "kim bài miễn tử". Cũng có không ít người đem chuyện Lê Chủ tịch bị khởi tố để phản bác : "Kim bài miễn tử" không… linh. Chẳng biết ai đúng, ai sai, phải chờ thôi !
"Lừa dối khách hàng" vốn thuộc nhóm tội ít nghiêm trọng nên Tòa án có thể phạt tiền thay phạt tù. Chẳng thể đoán được Lê Chủ tịch sẽ bị khởi tố thêm vài tội nữa hay sau khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì "lừa dối khách hàng", những sai phạm "không thể khắc phục" của Lê Chủ tịch sẽ được hệ thống Tòa án hợp thức hóa nhằm… bảo vệ quyền lợi cho hàng ngàn khách hàng của Lê Chủ tịch, ra lệnh cấp giấy chứng quyền sở hữu căn hộ cho họ, giúp cả Lê Chủ tịch lẫn hệ thống công quyền thoát khỏi đống bùng nhùng ?
Khi đã có Tổng bí thư lỡ… lời, mang cả sử ra để tán dương Lê Chủ tịch thì giả dụ có xảy ra chuyện Thủ tướng lỡ… bộ, lỡ sẽ thành… chuyện nhỏ ! Chẳng biết sự kiện trung tuần tháng trước, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đến tận nơi, dự lễ ra mắt VinFast Fadil – dòng xe hơi mới của Vingroup thuộc sở hữu của Phạm Chủ tịch, trong tương lai có trở thành lỡ… bộ hay không ?
Hôm ấy, Thủ tướng bảo rằng, cách nay vài năm, chẳng ai biết VinFast nhưng bây giờ, tra trên Google về VinFast sẽ thấy 8,8 trệu kết quả. Thủ tướng công khai bày tỏ sự khâm phục "người chỉ huy" công trình xây dựng nhà máy sản xuất xe hơi VinFast chỉ trong vòng 650 ngày. Thủ tướng tin Vingroup "chắc thắng" trong lĩnh vực sản xuất xe hơi (7).
Phạm Nhật Vương, Chủ tịch Tập đoàn VinGroup - Ảnh minh họa
Tại sao một người "trăm công, ngàn việc" như Thủ tướng Việt Nam lại ưu ái Phạm Chủ tịch và Vingroup tới mức dành thời gian tra thử trên google xem có bao nhiêu kết quả về VinFast và ngồi tính từng ngày để có thể khẳng định một cách chắc chắn là tiến trình xây dựng nhà máy VinFast chỉ mất… 650 ngày ? Đó là điều không dễ lý giải. Thủ tướng tự tra, tự tính hay hồn nhiên phát biểu theo bài soạn sẵn như Phạm Chủ tịch mong muốn là một bí mật. Đừng mong Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương sẽ làm rõ và công bố bí mật ấy.
Liệu Vingroup có "chắc thắng" trong dự án VinFast như Thủ tướng khẳng định không ? Chưa biết ! Ngay sau khi Phạm Chủ tịch tung VinFast ra thị trường, Fitch Ratings – một tổ chức chuyên khảo sát, xếp hạng doanh nghiệp về độ tín nhiệm trên phạm vi toàn cầu – tuyên bố ngừng đánh giá Vingroup, bởi Vingroup tự ngưng cung cấp thông tin. Vingroup lý giải phải làm như thế vì đầu tư vào sản xuất xe hơi có nhiều rủi ro, nếu còn tham gia, chắc chắn sẽ bị rớt hạng về độ tín nhiệm (8).
Dòng Fadil của VinFast xuất hiện trên thị trường chưa tròn một tháng nhưng đã khiến dư luận xôn xao vì hai lỗi : Thiếu ốp chắn bùn cho các bánh sau và chỉ mới chạy được 79 km, khoang chứa máy đã bốc khói, "chất lỏng" chảy tràn lan dưới gầm xe. Hệ thống truyền thông chính thức đã thay VinFast giải thích, những trục trặc này không nghiêm trọng nhưng những người rành rẽ về cơ khí vận tải thì khẳng định ngược lại kèm những lưu ý cả về an toàn phương tiện lẫn an toàn giao thông.
Liệu người tiêu dùng có dựa vào niềm tin của Thủ tướng mà ráng yêu VinFast ? Cũng chưa thể biết. Chỉ có một điều đã rõ là Toyota – một trong những hãng có nhà máy lắp ráp xe tại Việt Nam đã quyết định giảm giá dòng xe Vios xuống cho bằng với giá bán dòng Fadil của VinFast (9).
Người Việt có nên vì Thủ tướng mà thay đổi thị hiếu tiêu dùng để Thủ tướng không lỡ… bộ và nhất là để Thủ tướng không bị thế lực thù địch chế giễu vì… thiếu tinh thần cảnh giác cách mạng, thiếu viễn kiến ? Thật ra, bảo Tổng bí thư lỡ… lời, Thủ tướng lỡ… bộ là nói cho vui. Trước nay, làm gì có đồng chí lãnh đạo cao cấp nào của đảng ta, nhà nước ta, quốc hội ta, chính phủ ta bị xem là đã… lỡ gì đó. Chỉ có đối tượng duy nhất luôn luôn bị lỡ là nhân dân ta và nhân dân ta chỉ lỡ một thứ cỏn con : Lỡ… thời !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 12/07/2019
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/khoi-to-chu-tich-tap-doan-muong-thanh-le-thanh-than-20190710093636702.htm
(2) https://www.ft.com/content/84323c32-9799-11e9-9573-ee5cbb98ed36
(3) https://enternews.vn/vinpearl-mua-lai-co-phan-cua-cang-nha-trang-9876.html
(6) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1837259003043699&set=a.242329549203327&type=3&theater