Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 26 septembre 2022 22:47

Bác Hồ / Bác Tôn & Em Tám

Công viên Lê Văn Tám, ở Thành phố Hồ Chí Minh, được bao quanh bởi bốn con đường lớn : Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng. Giữa lòng đô thị ngột ngạt và nóng bức, sự hiện diện của một khoảnh đất rộng rãi với cây xanh bóng là một món quà tặng (vô cùng) quí giá cho công chúng.

levantam1

Vậy mà vẫn có lời ra, tiếng vào :

– Đâu có thằng nhỏ (mẹ rượt) nào tên Lê Văn Tám, mấy cha ?

Cứ theo như sử Đảng thì đêm ngày 1/1/1946, em Lê Văn Tám tẩm dầu vô người, xong bựt quẹt cho cháy như cây đuốc, rồi chạy cái vù vô kho xăng ở Thị Nghè. Khỏi nói cũng biết là vụ này nổ nổ lớn.

Cái kho, tất nhiên, tiêu tùng. Đài phát thanh bên kia đường cũng sập tiệm luôn. Nguyên cả một đại đội lính bảo vệ thì bị thiêu sống, chết không còn một mạng !

Thiệt là một trang sử chói lòa và khét lẹt. Đọc mà thấy ghê, tưởng cứ y như thiệt vậy. Sự thiệt, theo lời giáo sư Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) qua một cuộc phỏng vấn – dành cho báo Người Việt – vào hôm 18/3/2005 thì em Lê Văn Tám chỉ là một sản phẩm của tưởng tượng mà thôi.

bac1

Và đó là lý do khiến trong thiên hạ có lời xì xào, đòi bỏ cái tên Lê Văn Tám. Tôi có "rà" lại vụ này, và thấy Wikipedia Việt Nam ghi lại như sau :

"Lê Văn Tám là một nhân vật hư cấu. Chuyện ‘ngọn đuốc Lê Văn Tám’ được tuyên truyền rộng rãi để cổ động tinh thần chiến đấu của nhân dân… Tên Lê Văn Tám đã được đặt cho một số trường tiểu học, tượng đài, rạp chiếu phim, đường phố hay các địa danh khác".

Chèn ơi ! Như vậy mà mấy cha mấy mẹ cứ nằng nặc đòi xóa tên Lê Văn Tám thì tốn kém, và phiền phức biết chừng nào mà kể. Trong hoàn cảnh đất nước đang còn gặp nhiều khó khăn (về mọi mặt) tôi đề nghị là cứ giữ tên cũ đi, chỉ cần bôi bớt một nét của chữ "m" cho nó thành "n" thôi.

Vậy là khắp nước sẽ có những công viên, trường học, tượng đài Lê Văn Tán chớ không phải là Lê Văn Tám nữa. Như thế vừa tránh được điều tiếng, vừa đỡ tốn công và tốn của. Cứ kể như chuyện em Tám chỉ để tán nhảm, cho vui thôi.

Mà sử sách của Đảng ta thì những chuyện nhảm nhí cỡ đó (kể như) là chuyện nhỏ. Hổng tin, thử nhìn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của bác Tôn mà coi.

Cũng cứ theo như sử Đảng thì bác Tôn sinh năm 1888, tại Long Xuyên. Năm 1914, ông bị bắt lính qua Tây. Năm 1919, chính ông là người treo cờ đỏ (trên chiến hạm Pháp) ở Hắc Hải để ủng hộ cách mạng Nga. Năm 1920 ông trở về nước. Năm 1925, ông tổ chức đình công để cầm chân một chiến hạm Pháp ở nhà máy Ba Son…

Sự nghiệp và thành tích của bác còn được ghi rõ trong hai tác phẩm chính : Đồng chí Tôn Đức Thắng, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực (Nhà xuất bản Sự Thật 1982) và Người thủy thủ phản chiến ở Biển Đen (Nhà xuất bản Thông Tin Lý Luận 1988).

Cả sử lẫn sách của Đảng ta đều ghi rành rành như vậy mà (rồi) vẫn có điều tiếng eo xèo, dị nghị. Trong một cuộc phỏng vấn do BBC thực hiện, nghe được vào hôm 28/08/2003, ông Christoph Giebel – giáo sư sử học của đại học Washington, Hoa Kỳ – đã nói rằng bác Tôn "không có mặt trên bất kỳ con tầu nào của Pháp, liên quan đến vụ binh biến ở Hắc Hải".

Nói cách khác (ít tế nhị hơn) là vụ bác Tôn tham dự vào việc nổi loạn và treo cờ ở Biển Đen chỉ là chuyện… xạo ! Cái vẫn thường được mô tả là "cuộc đình công thắng lợi" mà bác Tôn đã khởi xướng ở cảng Ba Son, tất nhiên, cũng… xạo luôn !

Cha nội giáo sư Christoph Giebel (thiệt) vô duyên hết biết luôn ! Chuyện của đất nước người ta, mắc mớ gì mà ngứa miệng nhẩy vô bàn luận (và bàn loạn) như vậy chớ ?

Hồi mới nghe vụ này, tui cũng tưởng là thằng chả vì rảnh quá sinh thói ngồi lê đôi mách – kiếm chuyện làm quà – nên nghe qua rồi bỏ ; ai dè, năm sau, năm 2004, nhà xuất bản University of Washington Press cho ra đời cuốn Imagined Ancestries of Vietnamese Communism (Ton Duc Thang and the Politics of History and Memory) của Chirstoph Giebel.

Theo lời giới thiệu của nhà xuất bản, tác phẩm này đã "làm sáng tỏ cuộc đời thật cũng như được tô vẽ thêm của Tôn Đức Thắng (1888-1980), một nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng và thần tượng của Đảng cộng sản Việt Nam, nhưng đấy chỉ là một bản lí lịch dùng cho các buổi lễ lạc mà thôi…

bac_ho_bac_ton_mot_tinh_ban_cao_ca_15809_320

Công trình nghiên cứu này theo sát những quá trình phức tạp, kéo dài hàng chục năm, trong đó những hành động dũng cảm nổi tiếng của Tôn Đức Thắng đã bị xuyên tạc hay đơn giản là bịa ra và – tùy theo nhu cầu lịch sử và chính trị – được Đảng sử dụng như một công cụ tuyên truyền" (1).

Sự nghiệp cách mạng của bác Tôn, từ nay, kể như là đi… xuống. Nói tình ngay thì dân Việt đã biết là bác ấy "xuống" lâu rồi, chớ đâu có cần phải chờ đến lúc được cái ông giáo sư ở tuốt bên Huê Kỳ… phát hiện.

Trước đó cả thập niên, vào năm 1995, nhà xuất bản Văn Nghệ (California) đã cho trình làng cuốn Thư gửi Mẹ và Quốc hội của tác giả Nguyễn Văn Trấn. Qua cuốn sách này, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng được toàn dân hết sức thương cảm và ái ngại – sau khi nghe ông than thân, bằng một câu chửi thề, được ghi lại, nơi trang 266, như sau :

"Đ… mẹ, tao cũng sợ !"

Thiệt, nghe mà muốn ứa nước mắt. Cỡ Đại tướng đang cầm quân mà bị bắt phải cầm quần cũng lật đật cầm liển (và cầm rất chặt) thì Chủ tịch nước – nghĩ cho cùng – đâu có là cái đinh gì, trong vòng tay của Đảng. Sợ là phải (giá) và là chuyện mà ai cũng… thông cảm được.

Điều đáng tiếc (và rầy rà) là thiên hạ lại không đủ bao dung để nhắm mắt làm ngơ trước những con đường, những cơ quan, và trường học đã (lỡ) mang tên Tôn Đức Thắng. Cứ để nguyên như vậy cũng (hơi) kỳ nhưng thay thì kẹt lắm, nếu chưa muốn nói là kẹt lớn. Rồi mấy cái tên bác Nguyễn Lương Bằng, bác Lê Duẩn, bác Trường Chinh… – và cả đống những mấy bác và mấy chú (thổ tả) khác nữa – không lẽ cũng phải thay luôn ? Tốn kém bộn à, chớ đâu phải chuyện chơi, mấy cha ?

Cũng như trường hợp của em Lê Văn Tám, tôi xin đề nghị "một giải pháp tình thế" như sau : cứ giữ tên bác Tôn đi, chỉ đổi chút xíu thôi. Thay vì "c" ta sửa thành "t" trong chữ "đức" là… rồi. Tôn Đức Thắng sẽ biến thành Tôn Đứt Thắng. Gọn bâng. Vừa yên được lòng người, vừa đỡ mất lòng Bác, lại cũng đỡ tốn công và tốn của.

Vấn đề của em Tám và bác Tôn, cứ khoanh vùng lại như vậy – kể như – là mát trời ông Địa ! Bây giờ xin nói đến chuyện (linh tinh) của bác Hồ. Bác này thì tăm tiếng (và tai tiếng) hơn bác kia… chút xíu !

Sau khi bản sao bức thư của anh Nguyễn Tất Thành (xin vào học Trường Thuộc Địa) được phát tán tùm lum, và sau khi cả nước đều biết rằng kiệt tác "Những Mẫu Chuyện Về Cuộc Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch" do chính bác Hồ là tác giả thì dư luận – trong cũng như ngoài nước – bắt đầu rục rịch đòi đổi tên Thành phố Hồ Chí Minh, và san bằng cái lăng của ổng.

Vì có cả trăm con đường, công viên, trường học, tượng đài… mang tên Lê Văn Tám nên chuyện thay đổi mới khó khăn, tốn kém. Chớ chỉ có một địa danh mang tên Hồ Chí Minh (quang vinh) thì chuyện đổi thay, xem ra, là chuyện nhỏ. Stalingrad hay Leningrad đều đã được giải phóng, và trở về với cái tên cũ của nó thì không cớ chi mà cái tên Sài Gòn lại bị mất luôn.

Vụ cái lăng thì còn… khỏe nữa. Nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh đã có dự kiến như sau :

"Tôi đề nghị một phương pháp xử lý lăng Hồ Chí Minh như vầy : chôn ông ta thật sâu dưới lòng đất, ngay nơi xác ông ta đang quàn, rồi dán lên bên trong, bên ngoài của tất cả những bức tường, trần và các lối đi trong lăng những đầu lâu của những nạn nhân, ưu tiên là những nạn nhân trong cải cách ruộng đất, và đổi tên thành : LĂNG NHỮNG NẠN NHÂN CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN VIỆT NAM".

Nguyễn Quốc Chánh nói vừa dứt lời thì đã có một thằng cha (mả mẹ) nào đó lật đật ôm bác Hồ bỏ gọn vô… Đại Nam Quốc tự, ở Bình Dương. Theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ Online : "Bên trong chính điện của ngôi chùa này thờ tượng đức Phật, vua Hùng Vương và… Chủ tịch Hồ Chí Minh !

Bên ngoài là khu giải trí có vườn thú, biển nhân tạo, và khu khách sạn năm ngàn phòng – giá thuê rẻ rề hà 1.000 phòng được thiết kế theo kiểu cung điện với giá 500-200 USD/phòng/đêm, 4.000 phòng còn lại có giá 50-30 USD/phòng/đêm !"

Ở đâu có mật là có ruồi. Rồi ra, đĩ điếm ở bến Ninh Kiều, cũng như ở khắp mọi nơi sẽ đổ về nhiều (hơn dân) là cái chắc.

Dù có tượng Phật (làm vì) bên trong chính điện, với cái thứ chùa chiền tào lao và uế tạp (với sở thú, khu ăn chơi, phòng ngủ và đĩ điếm kề bên) như thế, người Việt có tên gọi dành riêng cho nó là dâm từ.

Dâm từ, theo Việt Nam Tự Điển – Khai Trí Tiến Đức là "đền thờ thần bất chính". Còn theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình – Tịnh Paulus Của (Imprimerie Rey, Curol & Cie : Sài Gòn 1895, trang 219) là miếu thờ yêu quái. Ở dâm từ, dân gian hay thờ cúng những… dâm thần ! Hồ Chí Minh vốn vẫn thường bị coi là một tay gian thần. Nay, thêm tước vị dâm thần nữa thì e (hơi) quá tải.

"Who controls the past, controls the future ; who controls the present, controls the past". Khi viết dòng chữ này, trong tác phẩm Nineteen Eighty – Four, vào năm 1948, George Orwell đã có thể hình dung ra được những thủ đoạn ma mãnh (của những chế độ toàn trị) trong việc ngụy tạo lịch sử.

Điều mà George Orwell không ngờ tới là kỹ thuật truyền thông tân tiến sẽ dẫn dắt nhân loại bước vào Thời Đại Thông Tin. Ở thời đại này, mọi cố gắng đánh tráo dĩ vãng chỉ tạo ra được những trò hề lố bịch mà thôi.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : VNTB, 26/09/2022

(1) Ancestries of Vietnamese Communism illuminates the real and imagined lives of Ton Duc Thang (1888-1980), a celebrated revolutionary activist and Vietnamese communist icon, but it is much more than a conventional biography… The study traces the decades-long, complex processes in which famous heroic episodes in Ton Duc Thang’s life were manipulated or simply fabricated and-depending on prevailing historical and political necessities-utilized as propaganda by the Communist Party" – translated by Phạm Nguyên Trường

Additional Info

  • Author Tưởng Năng Tiến
Published in Văn hóa

Ngày 22/7/2018, tờ Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đưa tin một số nhà văn đã thực hiện một ngày giỗ cho nhân vật Lê Văn Tám, một nhân vật được cho là tham gia cách mạng vào tuổi thiếu niên, dùng xăng tẩm vào người để đốt chay kho xăng của thực dân Pháp tại Sài Gòn vào những năm 1940 bắt đầu của cuộc kháng chiến.

levantam1

Hình vẽ tuyên truyền câu chuyện Lê Văn Tám trong sách giáo khoa và báo chí Việt Nam. Archives.

Nhưng câu chuyện này đã từng bị phản bác cách đây khá lâu.

Câu chuyện về một thiếu niên tên là Lê Văn Tám tham gia vào lực lượng kháng chiến chống Pháp do những người cộng sản chỉ huy, có hành động hy sinh anh dũng, là một câu chuyện được loan truyền chính thức trong báo chí, sách giáo khoa, và cái tên này cũng được dùng để đặt tên đường, trường học, công viên….từ khi đảng cộng sản bắt đầu cầm quyền.

Không có một sự nghi ngờ gì trong xã hội Việt Nam suốt những năm đó về câu chuyện này cũng như bao nhiêu câu chuyện anh hùng cách mạng khác, cho đến năm 2008.

Năm 2008, Giáo sư sử học Phan Huy Lê lần đầu tiên nói rằng câu chuyện Lê Văn Tám là một câu chuyện không có thật, được nhà cách mạng Trần Huy Liệu dựng lên để làm công việc tuyên truyền mà thôi.

Sau khi xuất hiện ý kiến của Giáo sư Phan Huy Lê, trên tờ Sài Gòn giải phóng tại Thành phố Hồ Chí Minh có bài viết của ông Trần Trọng Tân, từng giữ chức vụ Trưởng Ban văn hóa tư tưởng trung ương đảng, viết rằng nhân vật Lê Văn Tám là có thật.

Nhận định về bài viết về buổi lễ giỗ Lê Văn Tám do tờ báo Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh tường thuật, cũng như những ý kiến cho rằng Lê Văn Tám là có thật, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội nói rằng đừng xem sự việc đó là quá lớn :

“Có một cái nhóm xung quanh cái tờ Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, đấy là một nhóm thực sự là cực đoan. Mình không nên đánh giá quá cao cái việc ấy, nó cũng giống như là dư luận viên. Nếu không phải 90% thì cũng là 80 mấy phần trăm người ta tin ông Phan Huy Lê hơn là các ông cảnh sát tư tưởng”.

Dư luận viên được cho là những người được nhà nước cộng sản trả tiền để tham gia vào cuộc chiến tuyên truyền trên không gian mạng. Chính báo chí của nhà nước cũng đã công nhận rằng lực lượng này thực sự tồn tại.

Người từng nằm trong bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản là ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ nghiên cứu của Ban dân vận trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, nói về buổi lễ giỗ sáng ngày 22/7 :

Nếu mà ông (Phan Huy) Lê đã công bố tư liệu của cụ Trần Huy Liệu rằng ông hư cấu để tuyên truyền, thì đấy là sự thật. Thế còn cái chuyện tổ chức lễ giỗ này kia thì đấy là cái chuyện thờ phụng một nhân vật ảo trong văn học thôi”.

Từ khi xuất hiện tuyên bố của Giáo sư Phan Huy Lê cho đến nay, những con đường, trường học được đặt tên Lê Văn Tám trước kia vẫn được duy trì tên này. Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng nếu lấy một nhân vật văn học để đặt tên đường phố, trường học thì cũng là điều bình thường, nhưng nếu lên đến mức làm lễ giỗ thì theo ông đó là một điều không lành mạnh.

Ông so sánh việc này với những câu chuyện kể về những người anh hùng cách mạng như những người phi thường, thường được ghi trong sách báo của Đảng Cộng sản :

Nâng tầm các thứ lên thì nhiều lắm trong lịch sử mấy chục năm gần đây. Nhân vật, rồi trận đánh, rồi tập thể…. Người ta bôi bác thêm vào thôi, để tuyên truyền. Và nó không có thật, thành ra nó chả có giá trị gì, người ta nghe như thế rồi trong lòng chả ai xúc động”.

Một tập thể được nâng tầm lên như ông Nguyễn Khắc Mai đề cập là một đội nữ thanh niên xung phong bị chết vì bom trong chiến tranh, được dựng tượng đài trên đường mòn Hồ Chí Minh, và vừa qua đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự lễ kỷ niệm 50 năm sự kiện này xảy ra, với sự dàn dựng sân khấu rất to lớn.

Khi được hỏi rằng tại sao những chuyện thần tượng không có thật, hay thần thoại hóa những nhân vật lịch sử vẫn tiếp tục được thực hiện trong thời đại tin học toàn cầu hóa này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói :

Cái đấy là cái điểm mà họ phải làm, chừng nào họ còn tồn tại thì họ còn làm, vì cái đấy là những biểu tượng. Nhưng sức mạnh của biểu tượng thì chế độ nào đi nữa, mà người ta có hiểu biết, thì người ta đều không chú ý. Những biểu tượng như thế đối với một quốc gia thì có thể rất là cần, nhưng làm thế nào cho đúng ý nghĩa của nó, chứ còn làm giống nhu kiểu 10 con ma ấy thì hoàn toàn là phản tác dụng”.

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, việc sử dụng những hình tượng, hay những anh hùng huyền thoại để tuyên truyền vẫn không giảm đi trong những năm gần đây.

Chúng tôi không liên lạc được với tờ Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như những nhân vật dự buổi lễ giỗ Lê Văn Tám tại Sài Gòn. Nhưng chúng tôi có liên lạc được với ông Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản. Chúng tôi đặt câu hỏi là tại sao đã có những ý kiến trái ngược nhau về nhân vật Lê Văn Tám, và về mặt chính thức thì nhà nước Việt Nam không lên tiếng gì về chuyện này ?

Ông Nhị Lê nói rằng đây là một vấn đề rất lớn, nhưng viện cớ đang bận, ông hẹn chúng tôi một dịp khác để bàn luận.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 01/08/2018

Published in Diễn đàn