Hùm chết để da, Lê Đức Anh để lại cái gì ?
Gió Bấc, RFA, 25/04/2019
Theo truyền thống của chế độ cộng sản, báo chí lề phải Việt Nam đang tấu khúc hùng tráng bi ai ca ngợi công đức, phẩm chất của ông Lê Đức Anh, người từng giữ những chức vụ cao ngất ngưởng : Đại tướng, Chủ tịch nước, Bộ trưởng Quốc phòng như là lãnh tụ tướng lĩnh tài ba, liêm khiết… Nhưng với người dân, với mạng xã hội, nghi vấn về những gian trá trong cuộc đời và những tội lỗi của Lê Đức Anh với đất nước, nhân dân và quân đội lại có dịp được khơi dậy sôi nổi hơn, trong đó có không ít sự thật hiển nhiên, bóc trần sự tán tụng của nền báo chí bưng bô.
Hùm chết để da, Lê Đức Anh để lại cái gì ?
Sống trong căn hộ hay có nhiều vương phủ ?
Báo Tuổi trẻ online đăng loạt bài hoành tráng về Lê Đức Anh trong đó ngày 24/4, có bài "Cái bắt tay của Chủ tịch nước trong giờ giải lao" ghi theo lời kể của tướng Hoàng Kiền về sự kiện Lê Đức Anh được bầu đi dự Đại hội Thi đua quyết thắng toàn quân tại Hà Nội và lên đọc báo cáo thành tích trước đại hội. Bài viết này dẫn ý kiến của đại tá Khuất Biên Hòa - thư ký của Đại tướng Lê Đức Anh suốt 7 năm là "Đại tướng là con người cách mạng không bao giờ dựa vào quyền chức của mình để đưa con cái vào chỗ này chỗ kia. Tất cả hoàn toàn phải noi gương bố phấn đấu" (1).
Nhà báo Huy Đức, tác giả Bên thắng cuộc đã có bài viết Chuyện "biệt thự" của Chủ tịch nước Lê Đức Anh và tướng Hoàng Kiền phản biện với báo Tuổi trẻ nguyên văn như sau :
"Nghĩa tử nghĩa tận, giờ này mà ca ngợi cựu CTN Lê Đức Anh cũng là "truyền thống tốt đẹp của báo chí nhà nước ta". Nhưng, một tờ báo chính trị như Tuổi Trẻ, ghi lời của thiếu tướng Hoàng Kiền (Kien Hoang) nói, Tướng Lê Đức Anh nói với ông ấy - "Tôi sống trong một căn hộ ở đây. Tôi không có biệt thự nào" - là rất bất cẩn.
Cho dù, mục tiêu của đại tướng Lê Đức Anh không phải là tiền bạc - ông có một vẻ ngoài giản dị gần giống như những nhà lãnh đạo cộng sản cùng thời - nhưng, về nhà cửa ông cũng không thua kém ai cả. Các con của ông, từ con của bà lớn ông để lại miền Nam, hay con của bà sau ông cưới khi ra Bắc, ai đủ tiêu chuẩn đều được cấp nhà, cấp đất. Bản thân ông, từ những ngày đầu về Sài Gòn, đã ở dinh thự mênh mông ở Pasteur.
Khác với nhiều nhà lãnh đạo có quê từ Vĩ tuyến 17 trở vô. Khi về hưu, Lê Đức Anh không trả nhà công vụ. Ông vẫn ở một dinh thự "trong Thành", số 5a Hoàng Diệu. Chỉ thỉnh thoảng ông mới vào SG, ở căn nhà đã thuộc về mình, ở Pasteur. Tôi không nghĩ Lê Đức Anh nói dối với ông Kiền. Tôi cũng không nghĩ ông Hoàng Kiền nhớ nhầm. Cách nói của tướng Kiền cũng theo truyền thống "nghĩa tử là nghĩa tận". Vấn đề là, báo Tuổi Trẻ hoàn toàn có thể xác minh để không hăm hở đưa chi tiết đó. Khen nhau như thế cũng bằng hại nhau" (2).
Ảnh chụp đoạn viết của nhà báo Huy Đức về Đại tướng Lê Đức Anh hôm 24/4/2019 trên Facebook Courtesy of Fb Truong Huy San
Đúng như Huy Đức viết, một trong những hậu duệ của Lê Đức Anh là Lê Mạnh Hà, từng là Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Văn phòng chính phủ vừa bị kỷ luật khiển trách vì liên quan đến sai phạm vụ mua bán AVG. Vai trò của Hà không phải nhỏ, khả năng bị chuyển hóa thành củi theo chân Phạm Nhật Vũ và hai bộ trưởng đang mở ra trước mắt.
Lệnh không nổ súng ở Gạc Ma !
Tuy nhiên, Huy Đức chỉ mới phản biện chi tiết cụ thể mà chưa chạm đến nội dung cốt yếu của bài viết là Tướng Hoàng Kiền ca ngợi Lê Đức Anh hỏi han dặn dò các sĩ quan Hải quân giữ đất giữ biển rất tâm huyết.
Tướng Hoàng Kiền cũng là người tố cáo, yêu cầu thu hồi quyển sách "Gạc Ma vòng tròn bất tử" - quyển sách duy nhất viết về sự kiện 64 chiến sĩ Hải quân bị Trung Quốc thảm sát và cưởng chiếm Gạc Ma. Nguyên nhân chính là trong sách có dẫn lời nhân chứng còn sống sót cho rằng có lệnh cấp trên không được nổ súng.
Hình chụp vệ tinh. Đá Gạc Ma do Trung Quốc kiểm soát ở Trường Sa - Courtesy of AMTI
Trước đó, năm 2012, Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, từng giữ chức Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nói trước cuộc tọa đàm kỷ niệm cuộc chiến Gạc Ma do Trung tâm Minh triết tổ chức :
"Nó có một câu chuyện như thế này : Có đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh bộ đội ta không được nổ súng nếu như đánh chiếm cái đảo Gạc Ma hay bất kỳ đảo nào ở Trường Sa. Không được nổ súng ! Và sau này nó có một câu chuyện và nó đã được ghi vào tài liệu mà ta đã rõ rồi là khi trong một cuộc họp của Bộ Chính Trị, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đập bàn và nói là ai ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng ?".
Ông Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc trung tâm Minh Triết, giải thích lãnh đạo cao cấp ra lệnh không nổ súng chính là Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng thời điểm đó (3).
Cho đến nay, Nhà nước, Bộ Quốc phòng Việt Nam chưa hề có thông tin phản biện hay thừa nhận cáo buộc này, có lẽ nghi án này sẽ mãi mãi gắn với bia mộ của Lê Đức Anh.
Bán đứng Campuchia cho Trung Quốc
Không chỉ một nghi án Gạc Ma, Lê Đức Anh còn là tác nhân tham gia mật ước Thành Đô, đầu phục Trung Quốc và còn kéo cả Campuchia vào quỹ đạo của Trung Quốc. David W. P. Elliott, giáo sư ngành quản trị và quan hệ quốc tế tại Pomona College đã viết :
"Mặc dù phái đoàn Việt Nam ở Thành Đô đã đưa ra sự nhượng bộ lớn là chấp thuận đề xuất của Trung Quốc vốn có thể làm nghiêng cán cân sang hướng có lợi cho các đối thủ của Hun Sen, nhưng Nguyễn Văn Linh và Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh đã bay tới Phnom Penh và cố gắng thuyết phục Hun Sen đồng ý hợp tác với các lực lượng Pol Pot, do bức tranh toàn cảnh là các nước đế quốc đang cố gắng tiêu diệt chủ nghĩa xã hội, và Campuchia có thể tự cứu mình bằng cách đạt được hòa giải giữa phe cộng sản của Hun Sen và phe Khmer Đỏ. Nguyễn Văn Linh nói với lãnh đạo Campuchia, "Phải thấy giữa Trung Quốc và đế quốc cũng có mâu thuẫn trong vấn đề Campuchia. Ta phải có sách lược lợi dụng mâu thuẫn này. Đừng đấu tranh với Trung Quốc đến mức xô đẩy họ bắt tay chặt chẽ với đế quốc".
Lập luận này được Lê Đức Anh mở rộng thêm :
"Mỹ và phương Tây muốn cơ hội này để xóa cộng sản. Nó đang xóa ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xóa cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh này là Trung Quốc". Hậu quả của việc làm này là "Đại sứ Việt Nam thông báo rằng sau cuộc họp này thái độ của Hun Sen đối với Việt Nam đã thay đổi – điều này cuối cùng dẫn đến cảnh Đại sứ Ngô Điền "đơn độc" buộc phải chứng kiến sự tan rã của Đảng Cộng sản Campuchia. Kết cục là Việt Nam không còn nước cộng sản nào bảo trợ cho mình, và cũng không còn nước cộng sản nào để mình bảo trợ nữa. Trần Quang Cơ có lẽ đã không đơn độc khi kết luận rằng hội nghị Thành Đô là "vết nhơ về ngoại giao của Việt Nam".
Hình minh họa. Quốc vương Campuchia Noromdom Sihanouk (trái) và Chủ tịch Lê Đức Anh ở Hà Nội AFP
Với thành tích bán nước, bán bạn bè cho Trung Quốc, Lê Đức Anh đã được bầu làm Chủ tịch nước sau đó không lâu.
Tướng bất minh gây nợ máu
VOA có bài viết "Lê Đức Anh : làm tướng giỏi, làm chính trị tồi ?" dẫn ý kiến của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đồng tình với lĩnh vực này. Về tài năng quân sự, ông đề cao Lê Đức Anh trong lập trường tiếp tục tiến công ở quân khu 9 sau hiệp định Paris, làm tư lệnh cánh quân phía Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh và thắng lợi trong cuộc chiến ờ Campuchia. Ông Cù Huy Hà Vũ vốn không phải nhà quân sự, lại ở quá xa chiến trường miền Nam và Campuchia nên không đủ thông tin và lập luận để đánh giá điều này. Thứ nhất, về tư tưởng tiến công quân sự sau hiệp định Paris chỉ thể hiện sự lật lọng, vi phạm hiệp ước quốc tế đã ký kết chứ không phải là tài năng. Thực tế, thời điểm ấy quân khu 9 cũng không có trận đánh nào có tiếng vang như trận Thường Đức ở Đà Nẵng hay trận Phước Long ở miền Đông Nam Bộ làm thay đổi tình thế, cục diện chiến trường. Ngược lại về phía Việt Nam Cộng Hòa, địa bàn này dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Khoa Nam, quân đội đã giữ nguyên vẹn lãnh thổ, binh lực và hệ thống chỉ huy đến tận ngày 1-5 năm 1975 mới tan rã.
Về cánh quân hướng Tây Nam do Lê Đức Anh chỉ huy có hai nhiệm vụ là tấn công vào Sài Gòn và cắt đứt lộ 4 (Quốc lộ 1 hiện nay) ở đoạn Long An, Tiền Giang để chia cắt sự chi viện giữa Quân đoàn 4 của tướng Nam với Sài Gòn. Hồi ký của Lê Đức Anh và các tướng tá thuộc cấp đã tô vẽ với những lời có cánh về những thành tích ảo của cánh quân này, nhưng theo nghiên cứu tổng hợp của Nguyễn Đức Phương cho thấy cánh quân này đã không hoàn thành nhiệm vụ : Không đột phá sâu vào Sài Gòn trước khi Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, chỉ gây gián đoạn thời gian ngắn mà không chia cắt làm chủ đươc lộ 4. Mãi sau khi dinh độc lập thất thủ, đại tá Trần Vĩnh Huyến, Tiểu khu trưởng Long An vẫn mở cuộc hành quân bộ đưa hơn 1 trung đoàn về Miền Tây để hợp quân với tướng Nguyễn Khoa Nam. Mãi đến 20 giờ ngày 30/4 do không liên lạc được với các đơn vị bạn cánh quân này tự tan rã (4).
Về chiến trường Campuchia, cho tới nay vẫn chưa công bố chính thức số lượng binh sĩ thương vong là hai vạn, bốn vạn hay 10 vạn. Tư lệnh chiến dịch giải phóng Campuchia là tướng Lê Trọng Tấn. Mũi tiến công chiến lược giải phóng Phnompenh là quân đoàn 4 của tướng Hoàng Cầm. Tướng Lê Đức Anh chỉ huy lực lượng quân khu 7 đánh một số tỉnh phía đông Campuchia chỉ là hướng thứ yếu. Trong thời gian làm tư lệnh quân tình nguyện ở Campuchia, Lê Đức Anh đã trúng kế phản gián của Ponpot bức tử hàng chục cán bộ cấp tỉnh, Bí thư tỉnh Xiêm Riệp phải tự sát, gây ra vết rạn rất lớn trong mối quan hệ hai bên Việt Nam và Campuchia, tạo thuận lợi cho PonPot kéo dài chiến tranh và tổn hao xương máu quân đội Việt Nam (5).
Gian trá hại người tiếm quyền, cố vị
Những dữ liệu ấy đủ đánh giá Lê Đức Anh có phải là tướng giỏi hay không. Việc năm 1974, Lê Đức Anh được phong vượt cấp từ đại tá lên Trung tướng được nhiều người giải thích chỉ là việc lợi ích phe cánh khi Lê Đức Anh ăn cánh với Lê Duẩn và Lê Đức Thọ.
Nếu xem chính trị theo nghĩa vương đạo làm ích nước lợi nhà, đất nước thanh bình nhân dân yên ấm thì Lê Đức Anh quả là nhà chính trị tồi. Nếu xem chính trị là kỹ thuật tranh giành quyền lực thì từ anh cai đồn điền thành chủ tịch nước và tiếp tục làm thái thượng hoàng đến khi trút hơi thở cuối cùng thì Lê Đức Anh thật sự không tồi. Trong số những lãnh đạo cộng sản Việt Nam thì người bị chính đồng đội, đồng chí tố cáo, bêu diếu ngay từ lúc đang còn sống nhiều nhất chính là Lê Đức Anh. Năm 2005, các cán bộ lãnh đạo kỳ cựu của miền Nam như Phạm Văn Xô, Nguyễn Văn Thi, Đồng Văn Cống, … liên tục có đơn tố cáo Lê Đức Anh khai man lý lịch, là cai đồn điền nhân viên phòng nhì của Pháp, không được kết nạp đảng viên (6).
Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Trung tá Nguyễn Minh Ngọc và nhiều sĩ quan cao cấp khác kể cả đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tố cáo vụ án gián điệp siêu nghiệm trọng ở Tổng Cục 2. Lê Đức Anh đã nâng Cục Quân Báo từ một đơn vị tình báo quân sự trực thuộc Bộ Tổng tham mưu thành Tổng Cục II, là đơn vi tình báo chiến lược trực thuộc Bộ Quốc Phòng và nguyên thủ quốc gia. Tổng cục II đã dựng ra điệp viên Sáu Sứ báo cáo hàng loạt cán bộ cao cấp liên quan đến CIA. Lê Đức Anh và đồng mưu đã sử dụng nguồn tin giả này để không chế, thanh trừng cán bộ. Mục tiêu chính của âm mưu này là triệt tiêu vai trò của tướng Giáp và giành quyền lực trong tay mình.
Ông Võ Viết Thanh, thứ trưởng Bộ Công An đã trực tiếp điều tra bắt được Sáu Sứ và phá vỡ âm mưu này và bị trả giá là mất chức và quay về Thành phố Hồ Chí Minh làm Phó Chủ tịch.
Tiếp đó, Lê Đức Anh dựng Lê Khả Phiêu lên làm Tổng Bí Thư và giữ vai Cố Vấn để thao túng nhưng khi thấy Lê Khả Phiêu không thần phục còn lập ra tổ chức A 10 để theo dõi chính mình Lê Đức Anh đã lật đổ Phiêu (7).
Con đường hoạn lộ của Lê Đức Anh tắm đầy máu của đồng đội và cấp trên. Hậu quả việc rước voi giày mả tổ, mở đường cho Trung Quốc xâm chiếm, khống chế Việt Nam của Lê Đức Anh đối với dân tộc, đất nước sẽ còn kéo dài.
Đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam sẽ tổ chức quốc tang, báo chí lề phải đang sẽ rầm rộ tán tụng, điếu văn sẽ là lời xưng tụng có cánh công đức của Lê Đức Anh, nhưng sự thật lịch sử sẽ không bị che phủ. Ngôi đền rộng 4000 m2 mà chính quyền đang gấp rút trùng tu sẽ trở thành địa phủ của tội ác mà bia miệng người đời nguyền rủa.
Điều quan trọng là càng bưng bít những tội ác của lãnh đạo đời trước, lãnh đạo thế hệ sau của đảng cộng sản Việt Nam càng đào sâu hơn cái hố chôn vùi danh dự của mình.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 25/04/2019
***************
Người chết để tiếng…
Mặc Lâm, VOA, 25/04/2019
Trong lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam có lẽ người bị nghi ngờ về hành vi lẫn lý lịch không minh bạch lại leo lên tới chức vụ cao nhất (Chủ tịch nước) đang có rất nhiều nguồn dư luận tranh cãi là công hay tội so với bề dày hoạt động cách mạng của ông : Đại tướng Lê Đức Anh.
Ông Lê Đức Anh đọc bài diễn văn cuối cùng tại kỳ họp Quốc hội 1997.
Cuộc tranh luận bắt đầu từ một bài viết ngắn trên trang Facebook của Lê Mạnh Hà, con trai Lê Đức Anh : "44 năm trước đại tướng Lê Đức Anh chỉ huy một cánh quân trong đội quân huyền thoại tiến về Sài Gòn thống nhất đất nước, mang lại hòa bình cho dân tộc. Ông sẽ là người cuối cùng trong Bộ chỉ huy chiến dịch năm ấy ra đi mãi mãi".
Bài viết nhận được hàng ngàn phản hồi của người đọc và trong đó câu chuyện Gạc Ma được đem ra làm làm vũ khí chống lại Đại tướng Lê Đức Anh thay vì vinh danh những gì mà con trai ông cố gắng đánh bóng cho cha mình sau khi ông mất.
Trong khi giữ chức vụ Bộ trưởng Quốc Phòng, Ông Anh là người có công vận động, kết nối, tiếp xúc với các nhân vật trong Bộ chính trị Việt Nam làm cho cuộc gặp gỡ "Hội nghị Thành Đô" hình thành để từ đó lịch sử cận đại Việt Nam lắp thêm một trang bí ẩn về nội dung cuộc gặp gỡ này khiến cho đất nước ngày một dính chặt hơn với Trung Quốc, nơi có một chính phủ luôn muốn Việt Nam thành chư hầu qua nhiều cuộc chiến tranh trong suốt chiều dài lập quốc.
Nếu xét về công thì có lẽ Lê Đức Anh là người có công giữ vững đảng Cộng sản Việt Nam cho tới ngày nay. Ngay khi Liên xô sụp đổ Lê Đức Anh đã chủ động đưa Việt Nam vào gần hơn với Trung Quốc sau cuộc chiến tàn khốc 1979 làm cho hàng trăm ngàn dân quân Việt Nam thiệt mạng. Nhưng nếu xét về tội thì Lê Đức Anh có lẽ cũng không thiếu bằng chứng xác thực cho việc quá lo sợ sức mạnh của Trung Quốc mà ra lệnh cho bộ đội tại Gạc Ma phải nhịn nhục, không được nổ súng đối với người bạn đã giết dân mình tại sáu tỉnh biên giới phía bắc.
Câu chuyện "không được bắn" không phải bây giờ mới kể mà từ nhiều năm trước khi thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, từng giữ chức Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nói trước cuộc tọa đàm kỷ niệm cuộc chiến Gạc Ma do Trung tâm Minh triết tổ chức, Tướng Lê Mã Lương cho biết rằng : "Có đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh bộ đội ta không được nổ súng nếu như đánh chiếm đảo Gạc Ma hay bất kỳ đảo nào ở Trường Sa. Không được nổ súng ! Và sau này nó đã được ghi vào tài liệu mà ta đã rõ rồi là khi trong một cuộc họp của Bộ Chính Trị, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đập bàn và nói là ai ra lệnh cho bộ đội không được nổ súng ?"
Hơn mười năm sau, nhà văn Phan Trí Đỉnh đưa ra bài viết trong đó cho biết Tiến sĩ Lê Đăng Doanh là một trong nhiều người chứng kiến ông Nguyễn Cơ Thạch đập bàn vì cái lệnh phản quốc này do Lê Đức Anh ra lệnh.
Trong một bài phỏng vấn của tôi trên RFA, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải người tham dự buổi hội thảo có phát biểu của tướng Lê Mã Lương cho biết nhận xét của ông về việc tướng Lương công khai điều mà Bộ quốc phòng Quân đội Nhân dân Việt Nam giấu kín sau sự cố Gạc Ma : "Câu đó của Lê Mã Lương là hoàn toàn đúng bởi vì những năm 80 tôi là Tiến sĩ Thiếu tá và có anh họ là Lê Ngọc Hiền là Thứ trưởng Quốc phòng, Lê Trọng Tấn là Tổng Tham mưu trưởng quân đội cho nên những chuyện này chúng tôi biết cả".
Cùng lúc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một nhà ngoại giao kỳ cựu, am hiểu sâu sắc vấn đề Trung Quốc đánh giá quyết định không nổ súng của Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh : "Tôi cho rằng lúc bấy giờ ông Lê Đức Anh được đưa lên làm Bộ trưởng Quốc phòng mà làm cái việc như thế là một việc phản quốc. Ra lệnh không được bắn lại để cho Trung Quốc nó giết chiến sĩ của mình như là bia sống thì tôi cho đó là một hành động phản động, phản quốc. Ông Lê Đức Anh là cai đồn điền cao su của một người tình báo của Pháp chứ ông ta không phải tham gia cách mạng lâu dài gì đâu. Chẳng qua ông ấy khai man lý lịch rồi thì được lòng ông Lê Đức Thọ, ông Lê Đức Thọ cứ đưa ông ấy lên vù vù trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, sau này thành chủ tịch nước. Cái điều đó những người biết chuyện như tôi lấy làm đau lòng lắm và cho là một nỗi nhục của đất nước".
Không thể cho là Thiếu tướng Lê Mã Lương, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh hay Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải là người vu cáo cho một sự việc tày trời như vậy. Hơn nữa câu chuyện của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cũng không thể là một chuyện hư cấu khi các nhân vật chứng kiến câu chuyện này vẫn còn sống và làm nhân chứng cho một giai đoạn lịch sử thương tâm của đất nước.
Đại tướng Lê Đức Anh vừa qua đời hưởng thọ 99 tuổi trong khi ông từng bị đột quỵ nặng nhiều chục năm về trước. Đây là phép lạ mà một người bị tai biến như ông vượt qua được cái chết để tiếp tục tận hưởng thành quả mà ông đã tạo dựng trên đất nước này. Tuy nhiên thành quả ấy bị người dân oán thán hơn là ca tụng vì máu của những người lính Gạc Ma.
Cọp chết để da cho người đời làm thảm lót chân, trong khi người chết để lại tiếng thơm hay bốc mùi tùy vào hành vi lúc còn sống. Lịch sử rất công bằng không ai có thể thay đổi hay bóp méo nó để một kẻ phản quốc lại có thể trở thành anh hùng.
Công trạng của một Đại tướng thường được chính thể mà người ấy phục vụ đẩy lên tới trời, nhưng khi thể chế thay đổi thì hầu như ngay lập tức, tiếng xấu dành cho họ cũng sẽ nổi lên từ nhân dân, những người theo dõi lịch sử bằng đôi mắt không vướng bận lợi lộc hay bè phái.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 25/04/2019
***********************
Lê Đức Anh - Giang Trạch Dân và cuộc họp 'kiên định con đường xã hội chủ nghĩa'
BBC tiếng Việt, 26/04/2019
Báo Việt Nam vừa giới thiệu lại lời cố Đại tướng Lê Đức Anh và lãnh đạo Giang Trạch Dân của Trung Quốc hồi 1991 cùng đồng ý 'bảo vệ Chủ nghĩa Xã hội' và sự lãnh đạo của hai đảng cộng sản trong bối cảnh Liên Xô tan rã.
Tổng bí thư Giang Trạch Dân của Trung Quốc ký hiệp định biên giới với những lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô tại Moscow năm 1991. Sau đó, Liên Xô tan rã, gây choáng cho ban lãnh đạo Trung Quốc.
Trang VietnamNet (24/04/2019) có bài "Phút gặp riêng giữa Đại tướng Lê Đức Anh và ông Giang Trạch Dân" trích lại nhiều đoạn trao đổi giữa hai người mà ông Lê Đức Anh ghi lại trong hồi ký.
Tại cuộc họp ở Bắc Kinh vào tháng 7/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh với tư cách là đặc phái viên của Tổng bí thư Đỗ Mười, đã cùng ông Hồng Hà, trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, được các quan chức cao cấp Trung Quốc đón tiếp.
Cùng nhau vì chủ nghĩa xã hội
Đây là thời điểm mà như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân nói với khách Việt Nam, người Trung Quốc "giật mình" (xúc mục kim tâm) trước sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô.
Giới quan sát cho rằng đây là lý do khiến ai đảng cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam "tìm đến nhau" sau nhiều năm thù địch, kể từ Cuộc chiến Biên giới 1979.
Những gì đoàn Việt Nam và phía chủ nhà phát biểu xác nhận điều này.
Đại tướng Lê Đức Anh đã cảm ơn viện trợ của Bắc Kinh cho Hà Nội trong hai cuộc kháng chiến và ca ngợi Trung Quốc trong hoàn cảnh mới, làm chỗ dựa cho Việt Nam :
"Bây giờ Trung Quốc hơn một tỷ dân, đang tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đó là viện trợ to lớn nhất, không thể đánh giá hết được".
Đáp lời, Tổng bí thư Giang Trạch Dân nói :
"Tôi nghe thông báo về Đại hội 7, thấy các đồng chí kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, tự đáy lòng tôi thấy rất phấn khởi".
Ông Lê Đức Anh nói thêm, khẳng định "sự phấn khởi trước lập trường quan điểm" của lãnh đạo Trung Quốc, và "niềm tin ở tương lai xã hội chủ nghĩa".
Hai ông Lê Đức Anh và Giang Trạch Dân gặp nhau trong tình đồng chí hồi tháng 7/1991
"Trong thời điểm này, Trung Quốc đóng vai trò cực kỳ to lớn trước sự tồn vong, còn hay mất của chủ nghĩa xã hội, của phong trào độc lập dân tộc trên thế giới. Đó là nhận thức sâu sắc của chúng tôi.
"Về phía Việt Nam, chúng tôi kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên không cần lập mặt trận chống ai, nhưng Trung Quốc ổn định, vững, là niềm cổ vũ lớn cho phong trào cộng sản quốc tế".
Cũng tại cuộc gặp, ông Giang Trạch Dân nêu ra các nguy cơ và cho đoàn Việt Nam biết sự kiên định bảo vệ Đảng cộng sản và đường lối xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc là gì.
Đó là chống mọi âm mưu lật đổ, chống cách dùng chế độ đa đảng để lật đổ Đảng Cộng sản.
Ngoài ra là việc coi các nước phương Tây muốn dùng chiêu bài dân chủ, tự do, nhân quyền để thực hiện "diễn biến hòa bình".
Trung Quốc kiên quyết bác bỏ con đường nghị viện kiểu phương Tây, không cho phép có đảng đối lập, cảnh giá với tư tưởng luân phiên nắm chính quyền.
Thêm nữa, quân đội nhân dân phải tuyệt đối đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Và tuyên truyền quả thật phải không ngừng cải tiến, đi sâu vào lòng người...Về công tác tư tưởng, phải tính đến sự phát triển của khoa học kỹ thuật, dùng truyền thông hiện đại cho tuyên truyền.
Trung Quốc cũng nói họ chống cả tự do hóa tư sản nhưng học tập kỹ thuật tiên tiến, cách quản lý khoa học, văn hóa ưu tú của tư sản.
Cuối cùng là quan điểm chuyển hướng cải cách mở cửa, khuyến khích nước ngoài đầu tư nhưng phải tôn trọng pháp luật.
Một kết quả ngay lập tức của cuộc gặp Giang Trạch Dân - Lê Đức Anh là vào tháng 11/1991, Tổng bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt sang thăm chính thức TQ.
Hai bên đã ra bản thông cáo chung và ký hiệp định chính thức bình thường hóa quan hệ .
Cho đến nay, giống như Trung Quốc, Việt Nam vẫn kiên định theo con đường chủ nghĩa xã hội
Đặc biệt họ cũng ký kết "quan hệ bình thường giữa hai đảng sau hơn 10 năm trắc trở", theo báo Việt Nam.
Sau nhiều năm nhìn lại, hiện có hai dòng quan điểm về việc bình thường hóa quan hệ Trung - Việt những ngày cuối của Chiến tranh Lạnh.
Một quan điểm cho rằng đây là điều tích cực cho môi trường địa chính trị chung tại Đông Nam Á, sau nhiều 'cuộc chiến Đông Dương' liên tiếp và tạo cơ hội cho VN có hòa bình để đổi mới, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Một quan điểm khác, phổ biến trong một số giới ở Việt Nam và hải ngoại, cho rằng để đổi lấy bình thường hóa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nghiêng về phía Trung Quốc trong nhiều năm sau đó.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua đời ở Hà Nội hôm 22/04, hưởng thọ 99 tuổi.
Ông cũng từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong thời gian có các cuộc pháo kích xuyên biên giới Việt - Trung của cả hai bên, và khi xảy ra trận Gạc Ma 14/3/1988, với ít nhất 64 bộ đội Việt Nam bị Trung Quốc bắn chết hết và chiếm đảo.
Nguồn : BBC tiếng Việt, 26/04/2019