Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sau chỉ thị cụ thể và nghiêm cẩn này của Thủ tướng chính phủ, "các kiểu hành là chính" có đứng… nghiêm tại chỗ hay không ? Câu trả lời ở thực tế. Xin hãy chờ !

Có một sự kiện lớn nổi bật trong tuần, như một cột mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt của sự phát triển theo tinh thần một Chính phủ "kiến tạo, hành động" thu hút sự quan tâm của cả xã hội, nhất là giới doanh nghiệp (doanh nghiệp). Đó là Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 vừa diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Cuộc đối thoại với người đứng đầu Chính phủ, thu hút khoảng 2.000 đại biểu, đông gấp bốn lần hội nghị đối thoại đầu tiên được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó khối doanh nghiệp dân doanh tới 1.500 người, bên cạnh 200 đại biểu khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 100 đại biểu doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp đã cổ phần hóa.

Phi thương bất phú, nhưng…

Ở một quốc gia, lâu nay tư duy và nhận thức phát triển vẫn theo tinh thần doanh nghiệp Nhà nước là chủ đạo, thì hội nghị với lượng doanh nghiệp dân doanh lớn tại cuộc đối thoại của Chính phủ mang chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp", là phản chiếu sự đổi mới tư duy và nhận thức, phản chiếu sự nắm bắt quy luật vận động kinh tế thị trường trong thế giới hội nhập hiện đại. Điều này được ghi nhận trong phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ông dẫn lời của chí sĩ Lương Văn Can "việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy"…

lottay1

Thủ tướng công bố Chỉ thị số 20 về việc không thanh tra doanh nghiệp 1 năm quá 1 lần. Ảnh : VGP (VietNamNet)

Ông cha ta từ xa xưa đã tổng kết : Phi thương bất phú. Nhưng phải "thương" thế nào mới có thể "phú" ? Đó là câu trả lời không dễ. Nhất là trong hiện tại các "thương" dân doanh còn cô đơn cùng với tôi về (ca khúc Một mình của nhạc sĩ - doanh nhân Thanh Tùng). Rút cục "phú" cứ lúng túng không có đường về, và "phú" của người dân không thoát ra khỏi "bẫy" thu nhập trung bình ? Thậm chí, nợ công, nợ xấu vẫn tăng cao.

Chính vì thế, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, trong trả lời phỏng vấn của VnExpress ngày 16/5 mới đây đánh giá : Phát triển kinh tế tư nhân là cuộc cải cách khổng lồ, nó xác lập địa vị hoạt động kinh tế cho mỗi người dân và đổi mới cách nhìn nhận giá trị của các khu vực kinh tế khác nhau. Rằng, khôi phục và xây dựng các điều kiện để cho môi trường kinh doanh phát triển lành mạnh, là một trong những biểu hiện cơ bản nhất trong hoạt động kiến tạo của nhà nước.

Nhưng muốn vậy, cũng theo ông Nguyễn Trần Bạt, nhà nước cần xây dựng các tiêu chuẩn của thể chế kinh tế để lôi cuốn con người vào thực tế kinh doanh. Nghĩa là doanh nghiệp phải được đảm bảo các điều kiện và khẳng định về mặt chính trị. Mỗi lần đổi mới là thêm khó khăn cho các nhà quản lý, vì họ phải đối mặt với một xã hội khó quản lý hơn, đòi hỏi nhiều hơn về quyền. Chúng ta không có con đường nào khác.

Mặc dù một năm qua, nếu so với Hội nghị đối thoại với Thủ tướng năm 2016, báo cáo của Chính phủ nhận định, Chính phủ và các địa phương đã "gãi đúng chỗ" chứ không phải "ngứa trên đầu, gãi dưới chân". Cho thấy sự nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh là rất đáng ghi nhận ở 5 điểm : về cải thiện điều kiện kinh doanh, hợp tác quốc tế xúc tiến đầu tư, về thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp… đều là những nội dung căn cốt của một Chính phủ và của một nền kinh tế đang kiến tạo, đổi mới.

Đó là, 4.500 thủ tục đã xử lý và bãi bỏ. Trong 1.100 kiến nghị của doanh nghiệp, đã xử lý được 850 (77,5%). Năm 2016, đã thành lập trên 110.000 doanh nghiệp ; 4 tháng năm 2017, đã thành lập trên 40.000 doanh nghiệp. Theo JETRO (Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản), 66% số doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng mở rộng, 36% doanh nghiệp Mỹ dự định mở rộng kinh doanh, cao hơn ở Thái Lan (21%), Malaysia (19%). 75% các doanh nghiệp được khảo sát nói rằng kết quả cải cách đã tích cực, 25% nói chưa đạt yêu cầu. World Bank và Moody đều đánh giá Việt Nam tăng nhiều bậc về môi trường kinh doanh (VieNamNet, ngày 17/5).

Môi trường kinh doanh có bình đẳng, lành mạnh, chữ "phú" mới song hành cùng chữ "thương", như cặp đôi hoàn hảo.

"Khổ thì chịu, ai dám than" ?

Nhưng vẫn xin được mượn cái title bài của báo Đất Việt, ngày 17/5 như một lời than thân trách phận của các doanh nghiệp, trót duyên nợ với nghiệp kinh doanh, đã cực về mặt tính toán đầu tư, lỗ lãi, nhu cầu thị trường bấp bênh, cực hơn là sự hỏi thăm… không chính đáng của "các kiểu hành là chính". Hệt thân phận người đàn bà nông dân vất vả tứ bề : 

Đang khi lửa tắt cơm sôi

Lợn kêu con khóc chồng đòi... tòm tem.

Cái sự đòi "tòm tem" ở đây, thì chỉ thấy… khổ. Nhưng có lỗi cả hai phía.

lottay2

Doanh nghiệp ở điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước lắng nghe Thủ tướng phát biểu. Ảnh : Văn Bình (VietNamNet)

Phía "các kiểu hành là chính" : Không phải vô lý khi ông Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân đề nghị Chính phủ ra tay cùng cộng đồng doanh nghiệp trị nạn lót tay, bôi trơn, nếu không căn bệnh này sẽ làm hủy hoại đạo đức phát triển doanh nghiệp, ảnh hưởng tăng trưởng của nền kinh tế (VietNamNet, ngày 17/5). Theo ông, đó là vấn đề chi phí của doanh nghiệp, trong đó có cả chi phí chính thức và không chính thức.

Cái mà ông Thân nhắc "chi phí không chính thức", lâu nay báo chí gọi thẳng tên - "lót tay dưới gầm bàn".

"Lót tay dưới gầm bàn" là hiện tượng ăn không đàng hoàng mà các doanh nghiệp lớn bé đều phải chịu chấp nhận với các các cơ quan chức năng. Khổ mà không dám than, ngậm bồ hòn làm ngọt là vậy. Từ khâu hồ sơ, muốn nhanh hay chậm, là tùy ở sự biết điều hay không, đến cái sự "thanh cha (tra), thanh mẹ, thanh kiu". Điều đáng nói, chính những kiểu "lót tay dưới gầm bàn" như vậy, rút cục đổ hết lên đầu chất lượng sản phẩm và khách hàng - người tiêu dùng. Doanh nghiệp sẽ phải bằng mọi cách để chi phí đầu tư (nguyên liệu, công nghệ sản xuất) rẻ hơn, nhưng đẩy giá thành cao hơn. Và khách hàng phải mua với giá thì cao nhưng chất lượng mặt hàng thì thấp.

Trong hàng loạt những chi phí dưới gầm bàn đó, các doanh nghiệp sợ nhất là chuyện "thanh cha (tra), thanh mẹ, thanh kiu".

Cũng theo Đất Việt, ngày 17/5, mặc dù, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, một trong những nội dung đáng chú ý là quy định cơ quan quản lý nhà nước chỉ được phép thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không quá 01 lần/năm, nếu quá thì doanh nghiệp có quyền không tiếp. Nhưng trong thực tế, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VCCI, doanh nghiệp vẫn bị thanh tra, kiểm tra khá nhiều, có doanh nghiệp bị tới 6,7 lần/ năm, thậm chí còn nhiều hơn. Trong số các doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần, có một nửa nói rằng việc thanh tra, kiểm tra là chồng chéo.

Thử hỏi, thực tế, có doanh nghiệp nào dám từ chối không tiếp "các kiểu hành là chính" không, nếu muốn tồn tại, yên ổn làm ăn ?

Phía các doanh nghiệp cũng phải nói thẳng, không hề vô can. Trong thực tế, không loại trừ có không ít những doanh nghiệp rất rành tâm lý "các kiểu hành là chính", sản xuất, kinh doanh non kém nhưng muốn lọt qua cửa vũ môn từ hồ sơ, đến các sản phẩm, không gì tốt bằng chủ động "chìa tay… dưới gầm bàn"

Cũng chính vì thế, tại cuộc đối thoại với các doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng chính phủ đã có một thông báo quan trọng, thực chất là cụ thể hóa Nghị quyết 35 : "Bây giờ là 1 giờ 19 phút chiều, tôi muốn nói tới tinh thần chuyển lời nói thành hành động. Hôm nay, người ta nói rất nhiều về thanh tra, kiểm tra chồng chất. Tôi đã yêu cầu các cơ quan xây dựng ngay một chỉ thị là không được thanh tra, kiểm tra quá một lần, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Chỉ thị này đã được ký ngay lúc 13g chiều nay, mang số 20 và sẽ được công bố ngay sau đây" (VietNamNet, ngày 17/5).

Đáng chú ý, tại cuộc họp báo sau cuộc đối thoại, Bộ trưởng Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, nếu "thanh tra chồng chéo, chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm".

Liệu sau chỉ thị cụ thể và nghiêm cẩn này của Thủ tướng chính phủ, "các kiểu hành là chính" có đứng… nghiêm tại chỗ hay không ? Câu trả lời ở thực tế. Xin hãy chờ !

Cũng phải nói rằng, sự chuyển động tích cực đòi hỏi không chỉ có phía Nhà nước. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự vượt lên chính mình rất nhiều.

Trong sự phát đạt của các doanh nghiệp lâu nay, có không ít doanh nghiệp giàu nhanh, phát nhanh từ lĩnh vực buôn bán bất động sản, liên quan chuyện đất đai ? Không phải vô lý mà có nhiều ý kiến nhìn nhận cho rằng, đó là cách làm giàu theo kiểu đầu cơ, chụp giật, là những quan hệ "thân hữu" mờ ám - những thứ "tài năng" mang tính hai mặt.

Thế cho nên… "Cửa đã mở" - như tên một tập thơ của nhà thơ Việt Phương- nhưng cũng đòi hỏi những doanh nghiệp kinh doanh có tấm lòng với cộng đồng, với quốc gia, có bản lĩnh và biết tôn trọng pháp luật, như những doanh nhân lớn của đất nước trước đây, làm nên tên tuổi lừng lẫy và được nể trọng bởi tư cách và mục tiêu, biết gắn nghiệp kinh doanh làm giàu của mình với lợi ích dân tộc. Con hơn cha nhà có phúc. Liệu chữ phúc đó có không ?

Sự hưng vong của quốc gia, của dân tộc ở góc độ kinh tế, hiện tại và tương lai, nằm ở trong tay những doanh nhân có tâm, có tầm.

Liệu quốc gia, dân tộc có thể kỳ vọng ở họ ?

Kỳ Duyên

Nguồn : VietnamNet, 26/05/2017

Published in Diễn đàn