Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tại Canberra, ngày 15/03/2018, tức là hai ngày trước khi diễn ra Thượng đỉnh Úc-ASEAN ở Sydney, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và thủ tướng Malcom Turnbull đã ký hiệp định nâng quan hệ giữa Việt Nam và Úc lên mức Đối tác Chiến lược. Việc nâng cấp quan hệ song phương diễn ra trong bối cảnh Hà Nội và Canberra đều quan ngại trước những hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền ở Biển Đông.

doitac1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại Canberra ngày 15/03/2018.Reuters

Kể từ nay là đối tác chiến lược, quan hệ Việt – Úc sẽ thay đổi như thế nào, đặc biệt là về mặt quốc phòng. Từ Sydney, nhà báo Lưu Tường Quang trả lời RFI Việt Ngữ :

RFI : Thưa ông Lưu Tường Quang, trước hết, theo ông, việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Úc lên mức "đối tác chiến lược" có ý nghĩa như thế nào ?

Lưu Tường Quang : Tất nhiên đây là một biến chuyển có ý nghĩa quan trọng, sau một quá trình khá dài. Từ năm 2009, hai bên đã ký kết thỏa hiệp để tạo "quan hệ toàn diện", rồi đến tháng 03/2015, khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi thăm Canberra, hai nước đã đồng ý nâng quan hệ lên mức "toàn diện tăng cường", để chuẩn bị cho bước hiện nay là "đối tác chiến lược".

Sau 2 năm thương thuyết, từ năm 2015 đến 2017, thủ tướng Malcom Turnbull khi đi thăm Việt Nam và dự thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng tháng 11/2017, đã gặp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hai bên đã loan báo quan hệ song phương sẽ được nâng cấp lên quan hệ "đối tác chiến lược". Điều này phản ánh lòng tin cậy, sự chia sẻ về tầm nhìn trong vấn đề hòa bình và an ninh khu vực, và đặc biệt là Biển Đông, một vấn đề quan trọng đối với cả Việt Nam lẫn Úc.

Trong vấn đề này, quan điểm của Úc không khác gì quan điểm của Việt Nam. Do Úc là đồng minh của Hoa Kỳ, cho nên quan điểm của Úc cũng mạnh mẽ không khác gì quan điểm của Hoa Kỳ. Nói một cách tổng quát, khi đã có đối tác chiến lược rồi, thì tất nhiên sự liên hệ giữa hai bên được nâng lên cấp cao hơn.

RFI : Cụ thể hơn thì một khi đã là đối tác chiến lược thì quan hệ song phương Úc Việt sẽ như thế nào ?

Lưu Tường Quang : Chúng ta cần trở lại quá khứ một chút. Khi Việt Nam và Úc đã có quan hệ toàn diện vào năm 2009, thì đến năm 2012 đã có một thể thức họp ở cấp thứ trưởng quốc phòng và ngoại giao giữa hai bên. Ví dụ như vào năm 2012, phái đoàn Việt Nam gồm thứ trưởng ngoại giao Phạm Quang Vinh và thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã sang họp với hai người đương nhiệm của Úc.

Bây giờ, khi quan hệ đã được nâng lên cấp đối tác chiến lược rồi, theo như thường lệ của nước Úc đối với các nước khác, hội nghị gọi là "ngoại giao và chiến lược quốc phòng" sẽ được nâng cấp lên hàng bộ trưởng. Nước Úc hàng năm vẫn có hội nghị "2+2" này với Indonesia, Nhật Bản, Hoa Kỳ.

Đó chỉ là một phần thôi. Thật ra ngay từ trước khi nângcấp lên mức đối tác chiến lược và đặc biệt là sau khi nâng đối tác chiến lược, vấn đề quan trọng là nước Úc sẽ tiếp tục tham gia huấn luyện những đơn vị của Việt Nam, để Việt Nam có thể hội nhập cộng đồng quốc tế, trong vai trò lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Cụ thể là trong tương lai, Việt Nam sẽ tham gia duy trì hòa bình ở Sudan cho một đơn vị mà chính nước Úc đã huấn luyện về Anh ngữ và chuyên môn. Khi đến làm việc tại Nam Sudan, đơn vị này cũng đã được phi cơ vận tải của Không lực Hoàng gia Úc chuyên chở.

Tôi chỉ nêu ra hai ví dụ như vậy, nhưng trên thực tế, như thủ tướng Malcom Turnbull đã nói, quan hệ chiến lược giữa Việt Nam là quan trọng về tầm nhìn và sự hợp tác an ninh và quốc phòng. Đó cũng là quan điểm của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

RFI : Vào năm ngoái, khi công bố sách trắng về quốc phòng, Úc đã khẳng định Việt Nam là một đối tác quan trọng trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh khu vực trong số các nước ASEAN. Vì sao Việt Nam lại được xem là quan trọng như vậy ?

Lưu Tường Quang : Đúng vậy. Vào tháng 11/2017, Úc đã công bố sách trắng về chính sách ngoại giao và quốc phòng. Đặc biệt, tuy không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng sách trắng đã ám chỉ rất nhiều về chính sách cứng rắn, xác quyết chủ quyền một cách thô bạo bất hợp pháp : tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò 9 đoạn, biến đá thành đảo, thiết lập những cơ sở quân sự trên đó.

Gần đây nhất, trước thượng đỉnh ASEAN – Úc, bà Ngoại trưởng Julie Bishop trong một bài diễn văn đã nói rằng, thế giới này cần phải có một cách hành xử quy định bởi luật quốc tế, để các quốc gia lớn không thể ăn hiếp các quốc gia nhỏ. Bà không nói tên Trung Quốc, nhưng ai cũng hiểu là bà muốn nói đến nước này. Rõ ràng là nước Úc đang tích cực vận động với ASEAN, để ASEAN nhìn nhận Trung Quốc là nước phá rối, không tuân thủ luật lệ quốc tế, để củng cố vai trò của nước Úc trong vấn để Biển Đông. Vì lý do đó, tôi nghĩ rằng việc Việt Nam là Úc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược là rất quan trọng. Úc có quan hệ rất chặt chẽ và quan trọng với Indonesia, có chính sách rất gần gũi với Singapore. Việt Nam cũng quan trọng (đối với Úc), nhưng không quan trọng hơn, cũng như không kém quan trọng hơn các thành viên khác của ASEAN.

RFI : Với việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược này, thì Việt Nam có thể dựa nhiều hơn vào Úc để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông ?

Lưu Tường Quang : Chúng ta phải đặt trong hai bối cảnh khác nhau. Thứ nhất, trong vấn đề Biển Đông, nước Úc luôn hợp tác với Hoa Kỳ, Nhật và Ấn Độ, thường được gọi là "liên minh dân chủ kim cương", mà phần lớn là do sự đe dọa của Trung Quốc, mặc dù không nói ra. Tuy không có lập trường rõ rệt như vậy, nhưng trong thầm kín, Việt Nam vẫn muốn có sự ủng hộ của Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản để đối trọng với áp lực của Trung Quốc. Vì lý do đó, về mặt chính thức, Việt Nam giữ một thái độ im lặng hơn, hay là đánh đu giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng một cách trực tiếp hay gián tiếp, việc Úc có quan hệ chiến lược với Việt Nam sẽ phần nào giúp cho Việt Nam về phương diện ngoại giao.

Nên nhớ rằng trong các cuộc thảo luận giữa ông Malcom Turnbull với ông Nguyễn Xuân Phúc, cũng như trong khuôn khổ đối tác chiến lược, hai bên đã đồng ý sẽ hỗ trợ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, cũng như hỗ trợ lẫn nhau trong các công tác quan trọng trong việc bảo vệ hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Việt Nam hiện chưa thể có một quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ được, nên việc có được quan hệ chiến lược với Úc là một điều đáng kể.

RFI : Riêng về quan hệ quân sự và quốc phòng Việt Nam - Úc sẽ có những thay đổi như thế nào với việc nâng cấp lên đối tác chiến lược ?

Lưu Tường Quang : Về quốc phòng, Úc đã một có sáng kiến từ giữa thập niên 1990. Tôi biết điều này khá rõ là vì một trong những bộ trưởng Úc mà tôi từng có cơ hội làm việc là nghị sĩ Robert Ray mà sau này là bộ trưởng quốc phòng trong chính phủ Lao động. Trong nhiều lần phát biểu cũng như khi nói chuyện riêng với tôi, ông đều nghĩ đến chuyện cải thiện quan hệ quốc phòng với Việt Nam. Chính ông là người đã đề nghị trước hết là mở văn phòng tùy viên quân lực Úc tại đại sứ quán Úc tại Hà Nội vào năm 1999. Sau đó, Việt Nam đã cử tùy viên quân lực sang Úc vào năm 2000.

Cho nên, sự hợp tác về quốc phòng ngày càng tiến triển rất rõ rệt, nhất là sau khi Việt Nam có ý định tham gia lực lượng bảo vệ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Ngoài việc huấn luyện các sĩ quan Việt Nam tại trường võ bị quốc gia của Úc, nước Úc còn đã lập ra nhiều lớp Anh ngữ tại Việt Nam cũng như tại Úc để huấn luyện cho quân đội Việt Nam về phương diện kỹ thuật cũng như về ngôn ngữ.

Khoảng năm 2010, bộ trưởng quốc phòng Úc thời đó là ông Stephen Smith đã sang Việt Nam và nói chuyện với ông Phùng Quang Thanh để đưa ra một chương trình huấn luyện quân sự cho các đơn vị quân đội Việt Nam. Từ những tiến triển cụ thể như vậy, sự hợp tác trở nên chặt chẽ hơn.

Trong quan hệ đối tác chiến lược, có lòng tin, có sự chia sẻ về tầm nhìn về tương lai, về ổn định và an ninh khu vực, cho nên sự hợp tác về quốc phòng sẽ trở nên dễ dàng hơn và thường xuyên hơn. Ví dụ như các tàu chiến của Úc đã từng thăm viếng các cảng của Việt Nam (Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng). Sự hiện diện của tùy viên quân lực của hai bên làm cho liên lạc dễ dàng hơn và hợp tác quốc phòng sẽ tiếp tục phát triển cùng với sự hợp tác về chính trị, kinh tế và thương mại.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 19/03/2018

Published in Diễn đàn