Một nguồn tin nội bộ cho biết, ngày 11/09/2024 nhận lời mời của Đại tướng Sergey Shoigu, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an do Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an dẫn đầu đã thăm và dự Hội nghị Lãnh đạo cấp cao phụ trách an ninh các nước tổ chức tại thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga.
Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Shoigu Sergey Kuzhugetovich đón tiếp Bộ trưởng Lương Tam Quang
Trong thời gian thăm thú và làm việc tại Liên bang Nga, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang được thư ký Nguyễn Minh Phương (Phương trước làm công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất) dẫn đi ăn chân gấu và thịt hải cẩu.
Hôm đó có rất nhiều tướng lĩnh Công an và doanh nghiệp cùng tham gia đại tiệc "bất hợp pháp" vì trên bàn tiệc ngoài 5 chai rượu Macallan rất đắt tiền thì toàn các món ăn đặc sản thịt thú rừng thuộc loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.
Nguyễn Minh Phương có anh trai cả tên Thành là trùm lừa đạo từ Bắc ra Nam. Sau khi lừa đảo nhiều cá nhân và tập thể, Thành chạy trốn qua Pháp mua rất nhiều nhà đất cho thuê. Sau khi Bộ trưởng Lương Tam Quang đăng quang thì Thành lại tái xuất giang hồ khoác lên mình thương hiệu doanh nhân thành đạt kinh doanh nhà nghỉ và khách sạn.
Nguyễn Minh Phương và anh trai hiện nay nhận nhiều phi vụ chạy án, sắp xếp nhân sự cho Bộ công an từ địa phương cho đến trung ương. Ngoài ra, Nguyễn Minh Phương còn có mối quan hệ đặc biệt với Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, hiện là Thứ trưởng Bộ Công an. Thời Ngọc Lâm giữ chức Cục trưởng C03 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – Bộ Công an), Nguyễn Minh Phương được Ngọc Lâm ban cho suất chạy án tại Cục C03 và có quyền can thiệp sâu vào hồ sơ pháp lý của các bị can.
Nguyễn Minh Phương dùng bằng cấp giả vào ngành công an nhưng không một ai dám chất vấn và truy cứu. Trong khi ai cũng biết Phương xuất thân là một cán bộ công an cấp phòng đóng dấu hộ chiếu ở cửa khẩu Tân Sơn Nhất – không được đào tạo hay huấn luyện khoá học nào về điều tra, nhưng Phương lại có bằng điều tra viên trung cấp và ngang nhiên làm giúp việc cho Thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra, Bộ công an – lúc đó là Thượng tướng Lương Tam Quang.
Đây là nguyên nhân tạo ra bất công xã hội và cũng là câu trả lời cho vấn nạn tại sao người dân Việt Nam có học, có tài, có năng lực nhưng lại phải tháo chạy ra nước ngoài mưu sinh.
Sự việc trên nếu chỉ dừng lại ở bàn tiệc "bất hợp pháp" thì sẽ chìm vào bóng tối của dĩ vãng, nhưng nó lại tiếp tục tái hiện như muốn cho thế giới biết cuộc sống vương giả của tầng lớp tướng lĩnh Công an Việt Nam xa hoa đến mức độ nào. Nhiều cán bộ lãnh đạo vì cái ghế "đầy tớ của nhân dân" mà không từ một thủ đoạn nào như gài bẫy bắt đối thủ vào tù, âm mưu ám sát, tiêu diệt thanh danh…
Bộ trưởng Lương Tam Quang và đoàn đặt hoa tại tượng đài Hồ Chí Minh ở thành phố Saint Petersburg.
Sau những ngày làm việc "cực nhọc" và ăn chơi trên xứ Bạch Dương, Lương Tam Quang và đoàn tuỳ tùng ra sân bay trở về Việt Nam. Khi đến trạm kiểm tra an ninh sân bay, thì Lương Tam Quang cùng thư ký Nguyễn Minh Phương và đoàn tháp tùng bị câu lưu hơn 2 tiếng vì an ninh sân bay phát hiện 12 chân gấu Bắc cực đóng trong 3 thùng cấp đông và 2 con hổ Amur đã lột da – chúng được xếp vào cấp quý, hiếm nhóm IB (đang bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác, sử dụng). Sau khi lập biên bản và thu giữ các thùng hàng kể trên, cơ quan có thẩm quyền quyền của Nga đề nghị một cán bộ Công an trong đoàn ở lại giải quyết vụ việc.
Hiện nay Bộ trưởng Lương Tam Quang và thư ký Nguyễn Minh Phương đang gọi những Cục trưởng và Phó cục trưởng đi cùng đoàn nhận lô hàng đó là của mình – nhưng tất cả đều từ chối và đổ lỗi cho nhau, vì thế hiện nay Bộ Công an đang rối như "nồi canh hẹ".
Sự việc có thể sẽ "chìm xuồng" nhưng sự thật là đoàn Bộ Công an do Bộ trưởng Lương Tam Quang dẫn đoàn qua Liên bang Nga đã sử dụng và vận chuyển động vật quý, hiếm từ Nga về Việt Nam – nó có thể không là gì đối với cán bộ cấp cao của Việt Nam, nhưng việc làm đó ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và vị thế của Việt Nam trong mắt quốc tế.
Tin nội bộ
Nguồn : Thoibao.de, 07/10/2024
Bộ trưởng Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị có đúng quy định ?
BBC, 17/08/2024
Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, vừa được bổ sung vào Bộ Chính trị. Việc Trung ương Đảng bầu bổ sung là theo quy định nào ?
Ông Lương Tam Quang được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị
Văn phòng Trung ương Đảng hôm 16/8 cho biết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã bầu bổ sung Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, vào Bộ Chính trị.
Trước khi được bầu, ông Lương Tam Quang là trường hợp duy nhất từ sau năm 1975, khi làm bộ trưởng Công an mà chưa phải là ủy viên Bộ Chính trị.
Cùng ngày, một cựu thứ trưởng khác của Bộ Công an là Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, cũng được bầu bổ sung vào Ban Bí thư.
Tiêu chuẩn ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều quy định về công tác Đảng, đặc biệt là công tác nhân sự cấp cao của Đảng, đã được ban hành.
Quy định 214-QĐ/TW về "khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý" do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký vào ngày 2/1/2020 đã nêu rõ các tiêu chuẩn cho các chức danh chủ chốt trong Đảng và Nhà nước như : Tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, thường trực Ban Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Trung ương Đảng...
Các bộ tiêu chuẩn này kết hợp các yếu tố định tính (đạo đức, yêu nước, bản lĩnh chính trị...) với các yếu tố định lượng (thời gian công tác, các chức vụ đã đảm trách...).
Trong Quy định 214, tiêu chuẩn chức danh đối với ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Ban Bí thư được quy định chung trong một mục (2.2). Trong đó, bên cạnh các tiêu chuẩn mang tính định tính (bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ...) thì có các tiêu chuẩn có thể định lượng cụ thể như sau :
"Là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên ; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh ủy, thành ủy ; chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố) hoặc trưởng các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương. Trường hợp Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác trong quân đội thì phải kinh qua chức vụ chủ trì cấp quân khu".
Như vậy, để vào Ban Bí thư hoặc Bộ Chính trị, một cá nhân cần phải :
- Đã là ủy viên Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên
- Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh ủy, thành ủy ; chủ tịch UBND, HĐND của tỉnh, thành phố), trưởng các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương (bộ trưởng, chủ nhiệm các ủy ban trực thuộc Chính phủ, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, giám đốc Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh...).
Theo từ ngữ mà Quy định 214 thể hiện thì các tiêu chuẩn này là "tiêu chuẩn cứng", tức không có ngoại lệ, hay còn gọi là "trường hợp đặc biệt".
Cũng trong Quy định 214, có các tiêu chuẩn dành cho các vị trí khác (Tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, chủ tịch quốc hội, thường trực Ban bí thư) thì có nêu rõ "trường hợp đặc biệt". Theo đó, tùy theo chức danh cụ thể mà "trường hợp đặc biệt" sẽ do cấp cơ quan nào xem xét, quyết định, ví dụ trong trường hợp Tổng bí thư thì "trường hợp đặc biệt do Ban chấp hành trung ương quyết định".
Đối với tiêu chuẩn chức danh ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Ban Bí thư, Quy định 214 không nêu trường hợp đặc biệt, có nghĩa là các điều kiện (chẳng hạn : Đã là ủy viên Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên) là bắt buộc phải đáp ứng.
Trường hợp Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang
Bộ trưởng Lương Tam Quang, sinh năm 1965, đã trải qua quá trình công tác lâu năm trong Bộ Công an.
Ông trở thành ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng tại Đại hội 13 vào tháng 1/2021, theo hồ sơ chính thức trên trang Xây dựng Chính sách của Chính phủ Việt Nam.
Vị trí "trưởng các ban, bộ, ngành" đầu tiên mà ông nắm là bộ trưởng Bộ Công an, chức danh ông bắt đầu đảm trách vào ngày 6/6/2024, kế nhiệm ghế của ông Tô Lâm sau khi ông Tô Lâm trở thành chủ tịch nước.
Như vậy, xét theo thời gian làm ủy viên Trung ương Đảng thì Bộ trưởng Lương Tam Quang chưa làm trọn một nhiệm kỳ như yêu cầu của Quy định 214.
Thời gian ông làm "trưởng các ban, bộ, ngành" (ở đây là bộ trưởng) cũng mới được hơn hai tháng, không rõ liệu chừng đó đã đủ để có thể được đánh giá là "đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ" hay chưa.
Bên cạnh trường hợp ông Lương Tam Quang thì việc Thượng tướng, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, được bổ sung vào Ban Bí thư cũng tương tự.
Ông Nguyễn Duy Ngọc là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, tức đến nay chưa làm trọn một nhiệm kỳ trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Vị trí Chánh văn phòng Trung ương Đảng thì ông Nguyễn Duy Ngọc cũng mới nắm giữ từ ngày 3/6/2024, gần như tương đương với thời gian ông Lương Tam Quang làm bộ trưởng Công an.
Chiếu theo Quy định 241 thì ông Ngọc cũng chưa đủ tiêu chuẩn để vào Ban Bí thư, vì ít nhất thì ông chưa "là ủy viên Trung ương Đảng trọn một nhiệm kỳ trở lên".
Hai nhân vật còn lại được bổ sung vào Ban Bí thư cùng đợt với ông Nguyễn Duy Ngọc là ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, và Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong đó, ông Trí đã là ủy viên Trung ương Đảng các khóa 12 và 13, tức đáp ứng tiêu chuẩn "trọn một nhiệm kỳ trở lên", trong khi ông Quyết mới vào Trung ương Đảng từ Đại hội 13, cũng chưa làm đủ một nhiệm kỳ.
Nguồn : BBC, 17/08/2024
************************
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị
BBC, 16/08/2024
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam bầu bổ sung vào Bộ Chính trị khóa 13.
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, một nhân vật thân cận của Tổng bí thư Tô Lâm, đã trở thành ủy viên Bộ Chính trị
Văn phòng Trung ương Đảng hôm nay 16/8 cho biết Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa 13 đã họp để xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ.
Theo đó, cơ quan này đã quyết định giới thiệu nhân sự và cho ý kiến để Bộ Chính trị giới thiệu nhân sự kiện toàn lãnh đạo một số cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định.
Tại cuộc họp này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, vào Bộ Chính trị.
Như vậy, ông Lương Tam Quang đã chính thức gia nhập nhóm quyền lực nhất của Đảng cộng sản Việt Nam.
Với sự bổ sung ông Quang, Bộ Chính trị Việt Nam hiện có 15 ủy viên.
Cũng trong ngày 16/8, Ban Bí thư đã có sự bổ sung với ba gương mặt mới, trong đó có Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ Công an, Chánh văn phòng Trung ương Đảng.
Cả ông Quang và ông Ngọc đều từng là thứ trưởng Bộ Công an dưới thời ông Tô Lâm làm bộ trưởng bộ này và đều là đồng hương Hưng Yên của ông Tô Lâm.
Sự bổ sung ông Quang vào Bộ Chính trị và ông Ngọc vào Ban Bí thư được đánh giá là càng củng cố sức mạnh chính trị của ngành công an và quyền lực của Tổng bí thư Tô Lâm.
Tiền đồ chính trị của Thượng tướng Lương Tam Quang
Vào thời điểm trở thành bộ trưởng công an hồi tháng 6/2024, Thượng tướng Lương Tam Quang chưa có chân trong Bộ Chính trị.
Đây được coi là một trường hợp ngoại lệ.
Xét các đời bộ trưởng Bộ Công an từ sau 1975 tới nay, có một đặc thù là tất cả những nhân vật này đều được bầu vào Bộ Chính trị trước, sau đó mới lên làm bộ trưởng công an.
Bộ trưởng Bộ Công an là chức danh quyền lực, nếu không có chân trong Bộ Chính trị thì sẽ không được tham gia các cuộc họp quan trọng của nhóm lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Với những diễn biến vừa qua trên chính trường, đặc biệt là sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời và Đại tướng Tô Lâm lên làm Tổng bí thư, quyền lực của ông Lương Tam Quang đã càng được củng cố.
Việc được vào Bộ Chính trị sẽ giúp ông Lương Tam Quang gia tăng cơ hội thăng tiến trên chính trường.
Vào thời điểm Đại hội 14 vào đầu năm 2026, ông Quang sẽ 61 tuổi, mà độ tuổi tái cử đối với ủy viên Bộ Chính trị là "không quá 65", theo quy định hiện nay của Đảng. Do đó, cơ hội của ông được đánh giá là rất lớn, trong bối cảnh đội ngũ lãnh đạo cấp cao đang "neo người" sau khi hàng loạt ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng mất chức do vi phạm kỷ luật.
Ông Lương Tam Quang là ai ?
Thượng tướng Lương Tam Quang sinh năm 1965 tại xã Hiệp Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Ông là đồng hương của cựu Bộ trưởng Tô Lâm, người hiện đang là Tổng bí thư, chủ tịch nước.
Ông được kết nạp đảng vào năm 1998.
Ông hiện là ủy viên Trung ương Đảng khóa 13.
Trước khi được phê chuẩn chức bộ trưởng, ông là ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.
Ông có trình độ lý luận chính trị cao cấp, trình độ chuyên môn là cử nhân ngành điều tra tội phạm.
Sau thời gian công tác ở các vị trí cấp thấp trong ngành công an, ông Lương Tam Quang bắt đầu vươn lên các vị trí quyền lực hơn tại bộ này.
Năm 2012, ông trở thành trợ lý thứ trưởng Bộ Công an. Cùng năm, ông được bổ nhiệm phó chánh Văn phòng Bộ Công an.
Tới năm 2015, ông được thăng cấp bậc thiếu tướng.
Vào năm 2017, ông được bổ nhiệm chánh văn phòng Bộ Công an kiêm người phát ngôn của bộ này.
Năm 2019, ông Lương Tam Quang được phong cấp hàm trung tướng. Tới tháng 8 cùng năm, ông được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Công an.
Tháng 5/2020, ông được phân công kiêm nhiệm chức thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.
Tại Đại hội Đảng 13 vào tháng 1/2021, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021-2026.
Vào năm 2022, ông được thăng cấp hàm thượng tướng và tiếp tục cương vị thứ trưởng Bộ Công an.
Ngày 6/6/2024, ông được Quốc hội phê chuẩn chức danh bộ trưởng Bộ Công an.
Sau đó, Bộ Chính trị đã chỉ định ông giữ chức Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Vào ngày 16/8, ông được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.
Thêm tướng công an vào Ban Bí thư
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã bầu bổ sung ủy viên Ban Bí thư gồm các ông : Nguyễn Duy Ngọc, Lê Minh Trí và Trịnh Văn Quyết
Ngoài trường hợp ông Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị, ngành công an cũng đã được tăng cường lực lượng ở trong các nhóm quyền lực nhất của Đảng sau sự bổ sung các gương mặt mới vào Ban Bí thư.
Ngày 16/8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã bầu bổ sung ủy viên Ban Bí thư với ba cán bộ gồm :
- Ông Nguyễn Duy Ngọc - Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
- Thượng tướng Trịnh Văn Quyết - Ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Ông Lê Minh Trí - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Trong số các ủy viên Ban Bí thư được bổ sung nói trên, ông Nguyễn Duy Ngọc vốn là tướng công an.
Ông mang cấp hàm thượng tướng, từng giữ chức thứ trưởng Bộ Công an dưới thời Bộ trưởng Tô Lâm.
Vào ngày 3/6, Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc đã được Bộ Chính trị phân công giữ chức chánh văn phòng Trung ương Đảng thay cho ông Lê Minh Hưng sau khi ông Hưng trở thành trưởng Ban Tổ chức Trung ương thay bà Trương Thị Mai, người đã mất chức do "khuyết điểm".
Việc được phân công làm chánh văn phòng Trung ương Đảng, và giờ đây được bổ sung vào Ban Bí thư, có thể giúp củng cố triển vọng thăng tiến của ông Ngọc trong chính trường.
Nguồn : BBC, 16/08/2024
Ngày 10/07/2024, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin đầy bất thường về việc ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 613/QĐ-TTg "phân công" ông Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an thay mặt Chính phủ làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Nụ cười đắc thắng của Thượng tướng Lương Tam Quang, tân Bộ trưởng Bộ Công an - @người theo dõi
Cụ thể, ông Lương Tam Quang làm việc về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật, kỷ cương hành chính… và các vấn đề khác nổi lên trên địa bàn.
Đọc danh mục liệt kê những công việc thuộc thẩm quyền mới được giao cho ông Lương Tam Quang, công chúng không thể "tá hỏa" tự hỏi : Tại sao ông Lương Tam Quang lại có thể được giao vai trò như Thủ tướng Chính phủ và vai trò Bộ trưởng một loạt bộ, gồm : Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Công thương và Thanh tra Chính phủ ?
Vì lẽ :
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có thẩm quyền làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công.
- Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có thẩm quyền về xây dựng hạ tầng.
- Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có thẩm quyền về tháo gỡ khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản.
- Bộ Trưởng Bộ Công thương có thẩm quyền về tình hình xuất nhập khẩu.
- Thanh tra Chính phủ có thẩm quyền về kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Chưa đặt ra vấn đề năng lực của ông ấy liệu có khả năng kinh bang tế thế để đảm nhiệm vai trò lớn hơn cả một Thủ tướng hay không ? Mà chỉ cần đặt vấn đề về tương quan quyền lực chính trị, đã thấy ngay vị thế khuynh loát tuyệt đối của Bộ Công an trong giai đoạn hiện nay.
Về phương diện pháp lý, thì Bộ Công an vẫn chỉ là một trong các bộ thành viên thuộc Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng, người lãnh đạo cao nhất. Nhưng trong thực tế, công chúng đều hiểu rằng Bộ Công an có vị thế như là một "siêu bộ". Cho đến những ngày gần đây, thì "siêu bộ" này đã hoàn toàn khống chế toàn bộ hệ thống quyền lực chính trị, bao gồm cả Bộ Chính trị và các ban đảng trung ương.
Thế nên, để Bộ trưởng Bộ Công an chính thức điều hành trực tiếp Chính phủ cùng các bộ, thì vẫn cần Thủ tướng ký văn bản quyết định "phân công" để hợp thức hóa quyền hạn. Đó là lý do Phạm Minh Chính phải muối mặt ký phân công chia sẻ vai trò cho Lương Tam Quang. Trong đó, Lương Tam Quang nắm giữ quyền quản lý, điều hành 5 bộ quan trọng và sặc mùi lợi ích nhất trong Chính phủ.
Xét về khối lượng công việc, Thủ tướng vốn chỉ là người điều hành chung. Thế nhưng, nếu một người được giao thẩm quyền quản lý điều hành trực tiếp 5 bộ trong 5 lĩnh vực khác nhau như ông Lương Tam Quang, thì thật sự, ông ấy phải có khả năng thiên tài xuất chúng, ít nhất phải gấp 5 lần ông Thủ Tướng.
Tất nhiên, ông Lương Tam Quang không cần phải là thiên tài. Vì lẽ, cái ông ấy cần vẫn chỉ là quyền lực để chi phối Chính phủ và 5 bộ mà thôi. 5 Bộ trưởng vẫn làm công việc chuyên môn của mình và phải báo cáo công việc cho ông Lương Tam Quang là chính. Chính quyền các địa phương cũng vậy, trước đây chịu sự lãnh đạo và báo cáo Thủ tướng, nay Lương Tam Quang thay thế vai trò đó.
Tóm lại, sau Hội nghị Trung ương 9 họp vào trung tuần tháng 05/2024 với ý đồ phản công Bộ Công an bất thành của phe Nguyễn Phú Trọng và đồng đảng trung thành, dẫn đến sự khẳng định uy thế chính trị tuyệt đối của Bộ Công an, đến mức buộc Bộ Chính trị phải ra nghị quyết yêu cầu Quốc hội phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an, cho dù trước đó đã từng loại Lương Tam Quang ra khỏi Bộ Chính trị.
Chỉ một tháng sau đó, ông Lương Tam Quang đã sớm chìa những vòi bạch tuột nhớp nhúa vươn rộng ra ngoài phạm vi Bộ Công an, đích đến là các bộ "ngon ăn" trong Chính phủ.
Qua đó, mới thấy sự thâm trầm của các mưu sĩ Bộ Công an đối với cá nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính. Vì lẽ, sau những bản án xét xử khiếm diện bà trùm Nguyễn Thị Thanh Nhàn, được cho là "tiểu tam" của Thủ tướng, thì họ đã có thể hạ bệ Phạm Minh Chính dễ như trở bàn tay. Nhưng thay vì hạ bệ, họ khống chế và sai bảo như gia nô để phục vụ lợi ích cho Bộ Công an.
Còn Quốc hội, sau những quyết định khởi tố, bắt giữ các đại biểu trực tính, thường xuyên to mồm nhất như Lưu Bình Nhưỡng và mới đây là Lê Thanh Vân, thì số còn lại đều đã tự giác "khớp mõm" vì đã biết rõ thân phận nghị gật của mình. Đó cũng là lý do họ đã phải phê chuẩn tất cả những yêu sách được đưa ra từ Bộ Công an, cho dù, chúng vô lý như thế nào đi nữa, bao gồm cả yêu sách giữ lại đến 85% số tiền xử phạt giao thông, thì nay, đã chính thức trở thành luật...
Sau những cơn bão thoán đoạt quyền lực chính trị một cách vô pháp, càn quét từ đảng đến chính quyền, từ Quốc hội đến Chính phủ, từ trung ương đến địa phương. Lúc này, một cách công khai và chính thức, Bộ trưởng Bộ Công an đang trực tiếp điều hành Chính phủ. Dĩ nhiên, trong đó, Lương Tam Quang chỉ là kẻ được ủy nhiệm từ ông trùm họ Tô, người sắp hợp nhất 2 ghế Chủ tịch nước và Tổng bí thư. Không lâu đâu...
DC, ngày 13/07/2024
Đặng Đình Mạnh
Với trả lời ‘chưa có thông tin gì’ với báo Người Đưa Tin trước dư luận xôn xao về vụ bắt Trần Bắc Hà, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng và là người phát ngôn của Bộ Công an đã bị ‘hố’ ít nhất ba lần từ đầu năm 2018 đến nay.
Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng và là người phát ngôn của Bộ Công an
Nhưng đến buổi chiều cùng ngày 29/11, trang tin điện tử của Bộ Công an đã phải thông tin chính thức về vụ bắt Trần Bắc Hà.
Một lần nữa, người phát ngôn Bộ Công an lại khiến bộ ‘đàn áp nhân quyền’ này rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.
Vào ngày 31/12/2017, mạng xã hội bất chợt dậy sóng bởi thông tin Phan Văn Anh Vũ bị cơ quan cửa khẩu Singapore tạm giữ tại cửa khẩu Singapore – Malaysia. Sau đó, báo Straits Times của Singapore cũng đăng tin một nhân vật có tên ‘Phan Van Anh Vu’ bị chặn lại tại cửa khẩu Tuas của Singapore ngày 28/12.
Đến ngày 2/1/2018, website của Cơ quan Xuất nhập cảnh Singapore (ICA) có tên miền www.ica.gov.sg đã đăng tải thông tin, Cơ quan Xuất nhập cảnh Singapore (ICA) xác nhận đã tạm giữ người có tên ‘Phan Van Anh Vu’ từ ngày 28/12 vì "vi phạm quy định Luật Xuất nhập cảnh". Khi dó, câu chuyện về Phan Văn Anh Vũ bị bắt ở Singapore đã rất rõ.
Nhưng vào buổi sáng 3/1/2018, Thiếu tướng Lương Tam Quang – Chánh Văn phòng Bộ Công an lại cho báo chí nhà nước hay là vẫn chưa nhận được thông tin ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") đang bị tạm giữ tại Singapore.
Chỉ một ngày sau – ngày 4/1/2018, chính các nhân viên công an của Bộ Công an đã "dẫn độ" Phan Văn Anh Vũ từ Singapore về sân bay Nội Bài của Việt Nam.
Đến ngày 12/1/2018, một facebooker là Lê Nguyễn Hương Trà – được cho là khá thạo tin tức nội bộ – đã phát tin : "Gần tháng trước, trung tướng Phan Văn Vĩnh bị khám xét văn phòng, mở đầu cho nhiều lùm xùm rằng ngành công an sẽ trảm ít nhất 5 tướng của hai vụ, trong đó có Rikvip và Tip.Club".
Nhưng cùng ngày 12/1/2018, Thiếu tướng Lương Tam Quang lại "phản ứng nhanh" khi thông tin cho báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh : "Hiện chưa có thông tin gì về việc khởi tố này. Đây là thông tin không có căn cứ, cơ sở gì".
Sau tết nguyên đán 2018 ít ngày, cả hai viên Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa và Trung tướng Phan Văn Vĩnh đã phải tra tay vào còng.
Vẫn chưa hết.
"Thứ trưởng Bùi Văn Thành còn rất nhiều việc khác phải làm, tham gia vào rất nhiều công việc khác của Bộ Công an. Có nhiều việc anh Thành hiện nay được giao nhưng liên quan đến bí mật Nhà nước chúng tôi không thể nói được" – Thiếu tướng Lương Tam Quang trả lời báo Giao Thông, liên quan đến việc giải thích với báo chí về tại sao sao bộ này vừa phải đột ngột ‘điều chỉnh công tác của 2 thứ trưởng’ vào ngày 9/7/2018.
Trong thực tế, thật khó hình dung ‘đồng chí Trung tướng Bùi Văn Thành’ còn việc gì để làm sau khi toàn bộ chức trách nhiệm vụ về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ; hậu cần – kỹ thuật của viên thứ trưởng này đã được chuyển giao cho hai viên thứ trưởng khác là Thượng tướng Lê Quý Vương và Trung tướng Nguyễn Văn Sơn.
Chỉ 4 ngày sau khi ‘điều chỉnh công tác của 2 thứ trưởng’, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an đã có buổi làm việc với Tổng cục Hậu Cần – Kỹ thuật ‘về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tại phía Nam’, mà có thể hiểu là hoạt động ‘nhận bàn giao công tác’.
Thế còn "Có nhiều việc anh Thành hiện nay được giao nhưng liên quan đến bí mật Nhà nước chúng tôi không thể nói được" ?
Từ tháng Tư năm 2017, một bàn tay bí ẩn đã tung lên mạng xã hội hàng loạt văn bản đóng dấu ‘MẬT’ và kể cả ‘TUYỆT MẬT’, mang danh nghĩa Bộ Công an liên hệ với nhiều cơ quan và tổ chức, chủ yếu với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh để giới thiệu Công ty Nova 79 của Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ ‘Nhôm’) là ‘công ty bình phong’. Dựa vào những văn bản này, Vũ ‘Nhôm’ đã tiến hành các phi vụ làm ăn mua rẻ bán đắt liên quan đến bất động sản ở Đà Nẵng, Sài Gòn và một số tỉnh thành khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, Vũ ‘Nhôm’ đã được đồn đoán là một trong những quan chức giàu nhất Việt Nam với tài sản vừa bất động sản vừa cổ phiếu và tiền mặt có thể lên đến 50.000 tỷ đồng Việt (khoảng 2,3 tỷ USD), và đương nhiên phải chịu chung chi cho cấp trên không ít.
Theo các văn bản được công bố trên mạng xã hội, hai quan chức Bộ Công an ký tên nhiều nhất vào các văn bản của bộ này giới thiệu cho Vũ ‘Nhôm’ đi ‘quan hệ’ là Thượng tướng, thứ trưởng Trần Việt Tân và Trung tướng, thứ trưởng Bùi Văn Thành.
Sau đó, cả Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành đều bị kỷ luật, tuy chưa bị bắt…
Hoặc Bộ Công an luôn xem dư luận xã hội là ngu ngốc để muốn nói thế nào cũng được, hoặc chính bộ này thường rơi vào tâm thế ‘không nói ra thì người ta còn tưởng mình khôn…’.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 02/12/2018