Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đàn áp

Nhà cầm quyền Việt Nam sau đại hội đảng lần thứ 12 với quyền lực thống lĩnh gần tuyệt đối của nhóm ông Nguyễn Phú Trọng đã ngày càng mạnh tay đàn áp dân.

thdt1

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức trước tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.

Gần đây nhất, Nhà cầm quyền Việt Nam đã làm một việc mất thể diện mang tầm cỡ thế giới : trục xuất bà Debbie Stothard, Tổng thư ký Liên đoàn quốc tế về nhân quyền và không cấp visa nhập cảnh cho ông Minar Pimper, Giám đốc cấp cao của Tổ chức ân xá quốc tế.

Đó là hành vi rất "rừng rú", khi bà Tổng thư ký Liên đoàn quốc tế về Nhân quyền đã bị giữ một đêm tại sân bay Nội Bài và bị cấm cản quyền tiếp cận luật sư. Trong khi cách đó khoảng hơn 30km, Hà Nội đang nhộn nhịp Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN với hơn 1.000 người tham dự đến từ rất nhiều nước, có nhiều người thuộc hàng nguyên thủ quốc gia, nhà báo và doanh nhân.

Sự hành xử này rõ ràng là rất khiêu khích, một tuyên bố chà đạp công khai lên quyền con người và sẵn sàng trừng phạt những ai quan tâm đến nó.

Sự kiện này là một hành vi tự bêu riếu của Việt Nam. " Tìm kiếm thông tin tiếng Anh về sự kiện ngoại giao được coi là thuộc loại lớn nhất ở Việt Nam trong năm nay trên Google, tin về vụ cấm nhập cảnh đứng đầu sau đó mới tới các hoạt động chính quanh chủ đề "Cách mạng công nghiệp 4.0" tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới" (1).

Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN cũng diễn ra trong khi tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã và đang tuyệt thực để đấu tranh cho công lý, cho sự vô tội của ông và những người yêu nước khác.

Nhiều người Việt Nam và tổ chức, quốc gia đã đếm từng giờ, từng ngày tuyệt thực của ông, hồi hộp theo dõi, lên tiếng phản đối nhà cầm quyền, kêu gọi bảo vệ mạng sống của người tuyệt thực đáng kính này.

Hơn một tháng đã trôi qua, người tuyệt thực ấy vẫn bền gan dù phải thoi thóp trong kiệt sức. Ông sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình theo cách tự đày ải bản thân để thức tỉnh lương tri xã hội.

Không phải vô cớ mà các nhà tù trên thế giới, kể cả những nước văn minh hàng đầu như Mỹ, Đức nơi mà nhiều người Việt Nam vẫn ca tụng là "ở tù sướng như ở khách sạn", những nhà quản lý vẫn thiết kế theo kiểu đề phòng tù nhân tự sát. Nhiều người thà chết còn hơn là bị cầm tù. Người oan và các tù nhân lương tâm - những người nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất bởi những đòn tra tấn, thì nỗi khao khát tự do, kể cả tự do bằng cách giải thoát qua tự sát, còn lớn gấp nhiều lần.

Trong hoàn cảnh khủng bố tại các nhà tù Việt Nam, người tù thêm cô đơn và tuyệt vọng. Đặc biệt trước các động thái bất chấp công lý ngày càng trở nên khốc liệt của nhà cầm quyền, nỗi thống khổ của họ là không thể hình dung nổi và không thể mô tả bằng lời.

Tuyệt thực là hình thức đấu tranh xưa như trái đất, đem lại quá nhiều tổn thất và đau khổ cho chính mình, nhưng tại sao nhiều tù nhân Việt Nam vẫn phải thuyệt thực ?

Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam ghi nhận đến nay ít nhất có 16 trường hợp tuyệt thực của tù nhân lương tâm để phản đối sự tra tấn và đối xử bất công trong tù. Họ đơn độc, vô vọng, chỉ còn biết cách liều mạng sống để phản đối.

Cũng theo Hội này, số lượng tù nhân lương tâm tạm thống kê đến nay là 525 người, trong đó có ít nhất 98 người hiện đang bị giam cầm trong tù."Họ là nạn nhân của một nền pháp chế chỉ biết giới hạn, cấm cản , thậm chí triệt tiêu các nhân quyền và dân quyền, nhằm duy trì ách cai trị độc tài độc đảng..., chỉ biết hình sự sự hóa các hành vi đối kháng theo tiếng lương tâm và mang tính chính trị, nhằm bảo vệ tập đoàn chính trị (2).

Tượng đài

Được sự tiếp sức của nhà cầm quyền Trung Quốc, Nhà cầm quyền Việt Nam tự tin đủ lực tăng cường đàn áp tàn bạo.

Ngoài xã hội, trên đường phố, nhà cầm quyền còn bảo kê cho công an đội lốt côn đồ đánh đập dân. Ngay tại đồn công an, hàng trăm công dân đã bị bức cung, tra tấn đến chết trong khi giam giữ thì tại chốn lao tù, khi các tù nhân lương tâm bị tước quyền công dân, mạng sống của họ còn mong manh đến thế nào trước những bàn tay tàn bạo ?

Tù nhân lương tâm hoàn toàn không có một công cụ, một vũ khí nào để tự vệ, ngoài quyền đối với chính thân thể họ để đấu tranh mong đánh động lương tri.

Bởi vậy, tuyệt thực, đặc biệt là với những người bị tù oan hoặc những người trí thức can đảm theo đuổi lý tưởng của mình, dù không có gì mới qua các thời đại, vẫn là cách mà các tù nhân buộc phải lựa chọn, mặc dù biện pháp này trước hết gây tổn hại cho người thực hiện nó.

Tuyệt thực, gần như tự sát, cũng gần với tự thiêu. Dù người tù có thể sống sót sau khi tuyệt thực nhưng sự thống khổ luôn kéo dài, đòi hỏi bản lĩnh phi thường. Tự thiêu đau đớn nhưng sự đau đớn ấy sẽ chấm dứt sau một thời gian ngắn khi cái chết đến. Tuyệt thực, dưới chính thể độc tài toàn trị nhẫn tâm như Việt Nam hiện nay lại càng khiến người tuyệt thực phải kéo dài thống khổ. Nhà cầm quyền Việt Nam reo mừng qua các "vu cáo viên" trước mỗi mạng người tự thiêu hay mỗi cái chết vì tuyệt thực để đòi công lý.

Những người tự thiêu hay tuyệt thực không phải không hiểu điều đó. Điều họ nhằm tới là một sự đánh động lương tri xã hội. Xét về phương diện này, họ thành một tượng đài thống khổ vì công lý.

Nếu tự thiêu là cái chết quằn quại đớn đau điên dại trong lửa cháy, đem lại nỗi kinh hoàng và tác động trực tiếp đến cảm quan của những người chứng kiến, thì tuyệt thực, dù không chết ngay, nhưng là chọn cách hành xác, nhiều phần là cái chết mòn mỏi, đớn đau, gậm nhấm toàn bộ tinh thần và thể xác họ trong bóng tối phòng giam. Sự thống khổ ấy họ tự căng mình ra chịu đựng, như một cách vác thập giá và đóng đinh lên thân thể mình, nhằm mục đích tố cáo tội ác.

Những người tự thiêu hoặc tuyệt thực để phản đối bất công của nhà cầm quyền đều không vì bản thân họ. Họ hy sinh, chấp nhận hủy hoại thân xác trong đau đớn và trong niềm bi phẫn siêu phàm.

Họ gửi một thông điệp khác thường đến thế giới, mong muốn xã hội phải thức tỉnh, phải thay đổi để những đồng bào khác không phải oan khuất, không bị bất công như đối với bản thân họ.

Họ muốn qua sự hy sinh của họ -một cá nhân- sẽ góp phần chặn bàn tay vô lương của nhà cầm quyền.

Bổn phận lương tâm

Bởi thế, bổn phận của chúng sinh là không bao giờ được quên những người oan ấy cùng những đớn đau vượt tầm cỡ chịu đựng thông thường ấy của loài người.

Họ là những tượng đài bi phẫn, không phải để khuyến khích người ta đấu tranh cực đoan, mà là đấu tranh để không ai bị oan khuất, không ai phải tuyệt thực, không ai phải tự thiêu và không ai trên cõi Việt Nam này phải bị thiệt hại vì công lý bị chà đạp.

Chúng ta phải và sẽ nhắc về họ ngày ngày, dù có đồng ý với cách đấu tranh của họ hay không.

Chớ để tiếng hát ca của những con thú người đang ngày càng lấn át trong xã hội. Chớ để sự sự bất lương, hèn hạ và vô cảm được cài đặt tại Việt Nam theo mục đích của nhà cầm quyền làm khuất lấp những tiếng nói đích thực của giống người có lương tri còn chưa bị tuyệt chủng.

Nhắc để đừng ai quên tiếng rên xiết của hồn oan Tổ quốc, khi những con dân Việt sau mấy ngàn năm bỗng biến thành kẻ lạ, lưu vong ngay trên chính đất nước của mình, khi nhà cầm quyền nép bóng như "lũ gián ngày" trước ồ ạt hàng vạn, hàng triệu người Trung Quốc sang Việt Nam bằng những tour du lịch "0 đồng" rồi ở lại, chiếm cứ thành "căn cứ địa Trung Quốc".

Ai đã quỳ mọp thúc thủ trước đồng Nhân dân tệ được chính nhà cầm quyền Việt Nam đóng dấu chất lượng và dấu hợp pháp tung hoành chèn ép đồng tiền và nền kinh tế Việt Nam đi xuống "âm phủ", những con số tăng trưởng của Việt Nam thực tế chỉ là tăng trưởng kinh tế cho Trung Quốc mà thôi ? Ai mà chẳng biết việc hợp thức hóa lưu hành đồng nhân dân tệ tại Việt Nam là động thái cuối cùng của việc bàn giao đất nước Việt Nam cho nhà cầm quyền Trung Quốc ?!

Nhắc đến Trần Huỳnh Duy Thức cùng những tù nhân lương tâm và những người oan Việt Nam, để người Việt Nam đừng quên chúng ta đã bị xua đuổi như "lũ chuột nhắt" trước cái bóng kếch xù của những kẻ xâm lăng bòn rút Việt Nam và biến đất nước xinh đẹp này trở thành một nơi chứa rác thải, chỗ đặt nhà máy hạt nhân, thành tiền đồn cho Trung Quốc thoán đoạt quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không, thành "đường hầm phù thủy" để biến hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam nhằm trốn thuế xuất khẩu trước biện pháp trừng phạt của thế giới dưới chiêu bài "hợp tác quốc tế".

Khốn khổ thay và vinh quang thay, những kẻ biết nhìn thấy, biết dự báo, biết nói lên. Bi phẫn thay và vinh hạnh thay, những ai đã biết lắng nghei, quỳ xuống, cất lời gan ruột trước nỗi đau của người Việt và đồng loại.

Ta đã nói - ngày này - Ta đã báo trước

Lưỡi ta đã thổ máu từ tim

Lời thổ máu từ tim cho kẻ câm điếc...

Vẫn còn những người dấn thân như Trần Huỳnh Duy Thức và nhiều tù nhân lương tâm khác. Lớp trẻ hơn ông vẫn tiếp bước và vẫn giữ bản lĩnh ngoài xã hội hoặc trong lao tù.

Vì it ai bị câm điếc bẩm sinh, mà có nhiều người chỉ vờ câm điếc do sợ hãi hoặc do tham lam mà thôi.

Vì vờ câm điếc, nên họ vẫn nghe, vẫn thấy và không loại trừ một ngày họ không thể vờ câm điếc được nữa. Khi đó họ hoàn thiện quá trình tiến hóa và thực hiện bổn phận của lương tâm.

Võ Thị Hảo

Nguồn : RFA, 14/09/2048 (vothihao's blog)

(1) https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-nhan-quyen-len-tieng-sau-khi-bi-viet-nam-truc-xuat/4568235.html

(2) https://fvpoc.org/about-gioi-thieu/

Published in Diễn đàn