Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một cuộc đấu tranh về luật Internet ở Việt Nam khi chính phủ muốn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với một số công ty công nghệ của Mỹ trong khi các công ty này đang cố gắng chống lại những quy định mới, những quy định sẽ gây bất lợi nhiều nhất cho giới bất đồng chính kiến ở quốc gia này.

Dự thảo luật an ninh mạng, theo dự kiến, sẽ được quốc hội thảo luận và bỏ phiếu thông qua vào cuối tháng này. Với luật này, chính phủ Việt Nam nhằm mục đích áp đặt các yêu cầu pháp lý mới đối với các công ty Internet, và cứng rắn hơn trong việc kiểm duyệt sự bất đồng chính kiến ​​trực tuyến.

face1

Ảnh chụp màn hình trang kỹ thuật của công ty Google Hoa Kỳ ngày 20/11/2017 (AFP/Loic Venance)

Facebook, Google và nhiều công ty toàn cầu khác đang nỗ lực chống lại các điều khoản yêu cầu họ lưu trữ dữ liệu về người dùng Việt Nam tại quốc gia này và mở văn phòng trong nước. Nhưng các công ty này đã không đưa ra quan điểm cứng rắn tương tự về các phần của luật được đề xuất, những điều luật nhằm bóp nghẹt hoạt động chính trị trực tuyến. 

Việt Nam đưa ra một nghiên cứu điển hình về những áp lực mâu thuẫn khi Facebook và Google phải đối mặt ở những nước nơi chính phủ đàn áp tự do ngôn luận. Nó cũng cho thấy cách các chế độ độc tài cố gắng tăng cường kiểm soát thông tin trực tuyến và ngăn chặn hoạt động chính trị mà không làm tê liệt nền kinh tế kỹ thuật số.

Căng thẳng như vậy đang diễn ra trên khắp Đông Nam Á, nơi sự phổ biến rộng lớn của Facebook và Google đã tạo ra các cơ hội kinh doanh sinh lợi và là nền tảng giao tiếp của giới bất đồng chính trị và quảng bá tự do và dân chủ. Với Facebook và Google, giới bất đồng chính kiến phải vượt qua kiểm duyệt của chính phủ và tuyên truyền tự do dân chủ đối với công chúng.

Khu vực Đông Nam Á là đặc biệt quan trọng đối với Facebook và Google vì hầu hết người dùng Internet ở Trung Quốc đã bị chặn truy cập hai nền tảng này.

Một nhóm ngành công nghiệp được gọi là Liên minh Internet Châu Á (AIC) đang dẫn đầu các nỗ lực để khiến Việt Nam nới lỏng yêu cầu trong dự luật an ninh mạng. Jeff Paine, giám đốc điều hành của AIC, cho biết ông và những người khác đã trực tiếp nêu lên mối lo ngại về luật với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức chính phủ hàng đầu khác khi họ đến thăm Singapore vào tháng trước. 

Các cuộc thảo luận, với sự tham gia của nhiều học giả, quan chức ngành và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam, đã diễn ra như là một phần của một hội thảo về các vấn đề Internet, theo Paine. Ông nói rằng có "một cuộc đối thoại lành mạnh" tập trung chủ yếu vào cách Việt Nam có thể tận dụng các giai đoạn tiếp theo của cuộc cách mạng kỹ thuật số.

Nhưng ông nói không có thảo luận về các điều luật nhằm hạn chế về nội dung.

Chính phủ Việt Nam đã không trả lời một yêu cầu từ Reuters cho bình luận cho bài viết này.

Các nhà hoạt động chính trị ở Việt Nam dựa vào các phương tiện truyền thông xã hội để truyền bá, và phản đối dự luật bằng một thư kiến nghị trong tháng Tư từ hơn 50 nhóm và người hoạt động gửi tới Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg cáo buộc công ty này hợp tác quá chặt chẽ với chính phủ Việt Nam để bóp nghẹt tự do ngôn luận.

Facebook và Google nói rằng họ phải tuân thủ luật pháp địa phương ở các quốc gia nơi họ hoạt động.

"Báo cáo minh bạch" mới nhất của Facebook phát hành hôm thứ ba, cho thấy trong nửa cuối năm ngoái, lần đầu tiên công ty đã bắt đầu chặn nội dung ở Việt Nam vì vi phạm luật địa phương. Công ty đã báo cáo 22 trường hợp như vậy - mặc dù họ nói rằng họ được nhắc nhở bởi "báo cáo riêng về phỉ báng" thay vì yêu cầu trực tiếp của chính phủ.

Năm ngoái, Google cũng đã chặn nhiều video trên YouTube theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam. Số liệu cập nhật phát hành hôm thứ Sáu cho thấy công ty đã được yêu cầu xóa hơn 6500 video trong năm 2017, chủ yếu là vì chỉ trích chính phủ và công ty này tuân thủ phần lớn các yêu cầu từ phía Việt Nam.

Các báo cáo minh bạch cho thấy rằng các công ty không tự động thực hiện yêu cầu của chính phủ. Facebook cho biết họ đã nhận được 12 yêu cầu của chính phủ về dữ liệu tài khoản người dùng Facebook trong năm 2017 và chỉ tuân thủ 4 trong số đó, tất cả đều là yêu cầu "khẩn cấp." Công ty xác định tình trạng khẩn cấp liên quan đến "nguy cơ sắp xảy ra thương tích hoặc tử vong nghiêm trọng."

Trong trường hợp nội dung bị cáo buộc là vi phạm luật địa phương, cả hai công ty đều cho biết yêu cầu gỡ xuống sẽ bị xem xét pháp lý và khi chúng tuân thủ thì bài viết chỉ bị chặn cục bộ.

Các yêu cầu kiểm duyệt của chính phủ trực tiếp không hẳn là toàn bộ câu chuyện.

Facebook cũng loại bỏ nội dung và chặn các bài viết vi phạm "tiêu chuẩn cộng đồng" toàn cầu của riêng mình, điều này ngăn chặn các tài liệu và hành vi khác nhau, đăng tải nội dung khiêu dâm hay cổ suý căm thù và kích động bạo lực.

"Khi một chính phủ gửi yêu cầu cho chúng tôi về nội dung vi phạm pháp luật, điều đầu tiên chúng tôi làm là xem xét liệu bài viết đó có vi phạm các tiêu chuẩn của chúng tôi hay không," Monika Bickert, phó chủ tịch quản lý chính sách toàn cầu của Facebook cho biết. Công ty trong tuần này đã bắt đầu cung cấp dữ liệu về các vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng nhưng không quy định theo từng quốc gia.

"Tài khoản của tôi đã bị khóa trong 8 tháng," ông Lê Văn Dũng, một nhà báo độc lập ở Việt Nam, một trong số những người đã ký thư cho Zuckerberg. "Tôi đã gửi thư cho quản lý Facebook trong nhiều tháng nhưng chỉ có câu trả lời tự động cho biết họ đã tiếp nhận yêu cầu của tôi."

Tài khoản của anh đã được khôi phục hồi tháng trước, một ngày sau khi lời kêu gọi được gửi tới Zuckerberg, Dũng nói.

Facebook cho biết tài khoản của anh Dũng đã được xóa bỏ một cách chính xác vì vi phạm các quy định tiêu chuẩn cộng đồng ngăn chặn các hoạt động "spam" và đã được khôi phục do nhầm lẫn. Dũng nói rằng anh không spam. Tuy nhiên, anh đã có nhiều hơn một tài khoản. Việc một người có nhiều tài khoản là không được phép trên Facebook và nằm trong định nghĩa về hành vi spam của công ty.

Thắt chặt kiểm duyệt

Việt Nam đã có những quy định hà khắc về Internet từ năm 2013. Các điều luật này cấm mọi thông tin chống chính phủ, gây tổn hại đến an ninh quốc gia, gây ra "hận thù và xung đột" hoặc "làm tổn hại uy tín của các tổ chức và cá nhân."

Các quy tắc cũng cấm người dùng phương tiện truyền thông xã hội "phổ biến thông tin giả mạo hoặc không trung thực."

Các quy định mới được thực hiện trong năm 2017 đã thắt chặt thêm các quy định. Một bước ngoặt, theo Yee Chung Seck, một luật sư tại văn phòng luật sư quốc tế Baker McKenzie, là cuộc họp của chính phủ vào tháng 4 năm 2017 để thảo luận một loạt các vấn đề trên Internet bao gồm cả thông tin không chính xác, lời nói hận thù và bắt nạt.

Điều đó xảy ra ngay sau khi chính phủ kêu gọi tất cả các công ty kinh doanh trong nước ngừng quảng cáo trên YouTube, Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác cho đến khi họ tìm cách ngăn chặn việc đưa thông tin bị coi là "độc hại."

Tuy nhiên, một nghị định khác có hiệu lực vào tháng trước yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội phải loại bỏ nội dung bất hợp pháp trong vòng ba giờ sau khi được chính phủ báo cáo, mặc dù Paine nói quy tắc chỉ áp dụng cho các công ty trong nước.

Tuy nhiên, Facebook và Google dường như không chịu bất kỳ mối đe dọa nào. Cả hai đã thâm nhập sâu vào xã hội Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Simon Kemp, một nhà tư vấn truyền thông kỹ thuật số có trụ sở tại Singapore, khoảng 55 triệu trong số 96 triệu người Việt Nam là những người thường xuyên sử dụng truyền thông xã hội.

Facebook, YouTube và Google Search là những nền tảng Internet được ưa chuộng nhất ở Việt Nam, vượt ra nhiều nền tảng khác, theo dữ liệu của Kemp. Facebook cũng là nền tảng phổ biến nhất cho việc mua sắm trực tuyến tại Việt Nam.

Và chính phủ mong muốn nuôi dưỡng nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước : điện thoại thông minh và tất cả những gì họ cho phép, đặc biệt là thương mại điện tử và ngân hàng trực tuyến, đang biến đổi nền kinh tế trên khắp châu Á, và không ai muốn bị bỏ lại.

"Họ yêu phần đó của câu chuyện," Chung nói.

Nhưng chính phủ cũng muốn kiểm soát nhiều hơn, bao gồm lưu trữ dữ liệu và văn phòng công ty tại địa phương - một quan chức của một công ty tư nhân lo sợ rằng yêu cầu được thiết kế để cho phép chính phủ gây khó cho các công ty bằng cách bắt giữ cá nhân.

Cả Facebook và Google đều cung cấp dịch vụ cho Việt Nam từ trụ sở khu vực của họ tại Singapore.

Luật mới cũng mang lại nhiều quyền lực hơn cho Bộ Công an Việt Nam, được giao nhiệm vụ trấn áp giới bất đồng chính kiến.

Facebook cho biết họ nhìn thấy ​​các quy định mới sẽ yêu cầu công ty này hạn chế nhiều nội dung hơn. Google từ chối bình luận.

Án tù dài hạn

Đối với người hoạt động nhân quyền, dường như có rất ít hy vọng cứu trợ.

Ví dụ, chỉ trong tháng này, một người dùng Facebook ở Việt Nam đã bị kết án bốn năm rưỡi tù vì những bài viết "bóp méo tình hình chính trị," theo một tuyên bố được đăng trên trang web chính thức của Đảng Cộng sản. 

Tuy nhiên, Facebook vẫn là một công cụ quan trọng cho các nhà hoạt động tại Việt Nam - một đất nước mà sự chỉ trích của chính phủ hiếm khi được dung thứ và cuộc chiến giữa chính quyền và những người bất đồng chính kiến ​​là một trò chơi mèo và chuột.

"Đôi khi chúng tôi sử dụng Facebook để đánh lạc hướng các nhà chức trách, như chúng tôi giả vờ thảo luận một cuộc họp quan trọng, một cuộc họp không bao giờ xảy ra," nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nói. "Sau đó, chúng tôi xem từ xa và cười khi an ninh bao vây điểm gặp gỡ giả định của chúng tôi," Thắng nói thêm.

Mai Nguyen & Jonathan Weber

Nguyên tác : Vietnam set to tighten clamps on Facebook, Google, The Jakarta Post, 19/05/2018

Vũ Quốc Ngữ dịch

Nguồn : VNTB, 20/05/2018

Published in Diễn đàn