Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lần đầu tiên, kể từ năm 2011, một bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đích thân đến dự Diễn đàn An ninh Shangri-La tại Singapore, diễn ra từ ngày 31/05 đến 02/06/2019. Sự kiện này cho thấy Bắc Kinh đang "điều chỉnh lại"chiến lược đối ngoại quân sự và an ninh vào đúng thời điểm Mỹ tiếp tục điều chỉnh chiến lược tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.

hoaky1

Tầu sân bay USS Ronald Reagan của Hải Quân Mỹ phối hợp diễn tập với tầu chở trực thăng JS Izumo của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tại Biển Đông, ngày 11/06/2019.Courtesy JMSDF/U.S. Navy/Handout via REUTERS

Ngay tại Diễn đàn Shangri-La, quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Patrick Shanahan chỉ đích danh Trung Quốc "gặm nhấm chủ quyền" của các nước láng giềng, quân sự hóa nhiều đảo đá mà nước này kiểm soát ở vùng Biển Đông. Hoa Kỳ chỉ trích chủ tịch Tập Cận Bình đã nuốt lời hứa năm 2015 với tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama.

Trước Diễn đàn Shangri-La, Hoa Kỳ công bố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới, với Trung Quốc trong tầm ngắm. Trước đó vài ngày, một ủy ban hỗn hợp thượng nghị sĩ Dân Chủ và Cộng Hòa đã trình dự thảo luật trừng phạt Trung Quốc do các hành động ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trong khi đó, chính quyền tổng thống Donald Trump tiếp tục dồn dập gây sức ép đối với Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại và công nghệ.

Trên quy mô quốc tế, Mỹ đã vận động được nhiều đối tác, đồng minh, có lợi ích trong khu vực, gia nhập chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải và bảo đảm an ninh ở Biển Đông, biển Hoa Đông thuộc vùng Thái Bình Dương.

Phải chăng Mỹ đang dồn lực trên mọi mặt để đối phó và cô lập Trung Quốc ?

RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với chuyên gia Mathieu Duchâtel, giám đốc Chương trình Châu Á, Viện Montaigne, Paris.

RFI : Đầu tháng 06/2019, Hoa Kỳ thông báo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới, dường như trực tiếp nhắm vào Trung Quốc. Đâu là những điểm chính của chiến lược này ?

Mathieu Duchâtel : Trước hết, đó là cách định dạng lại điều mà mọi người hiện giờ đều biết, đó là cụm từ "Ấn Độ-Thái Bình Dương" và được chính quyền tổng thống Donald Trump sử dụng theo đúng nghĩa. Điều này đánh dấu sự khác biệt với chính quyền tiền nhiệm Obama. Theo quan điểm của tôi, có rất ít điểm thực sự mới trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương lần này, nhưng cũng có một số điểm nổi bật.

Trước hết, đó là tầm quan trọng của việc ủng hộ tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông. Tiếp theo, đó là vai trò quan trọng của các đối tác lớn của Mỹ ở trong vùng, trong đó có vai trò của Ấn Độ trong tầm nhìn chiến lược xoay trục sang Châu Á so với những chiến lược trước đây.

Điểm thứ ba, đó là một chiến lược, không chỉ liên quan đến vấn đề sức mạnh hải quân và an ninh hàng hải theo đúng nghĩa quân sự, mà còn là lời đáp trả của Mỹ trước những sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải của Trung Quốc ở những nước láng giềng dọc vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương thông qua con đường tơ lụa trên biển. Tại đây, Hoa Kỳ, cùng với các nước đối tác, đang tìm cách cưỡng lại sự cạnh tranh với Trung Quốc về mặt xây dựng cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng chính trị.

RFI Vài ngày trước khi thông báo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới, một ủy ban hỗn hợp thượng nghị sĩ Mỹ, Dân Chủ và Cộng Hòa, đã trình bày một dự thảo luật trừng phạt Trung Quốc vì những hành động ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Hai sự kiện này có mối quan hệ như thế nào ?

Mathieu Duchâtel : Phía Quốc Hội Mỹ khởi xướng nhiều dự án liên quan đến Trung Quốc và vấn đề ở Tân Cương. Mỹ hiện có một chính sách rất cứng rắn đối với Trung Quốc mà người ta vẫn nhắc đến sự "cạnh tranh chiến lược", theo cụm từ mới đang được dùng. Có rất nhiều yếu tố cho chính sách này, trong đó yếu tố dễ nhận thấy nhất, dĩ nhiên là thuế quan, sau đó là những gì liên quan đến cạnh tranh công nghệ.

Tiến tới trừng phạt Trung Quốc về những hành động ở Biển Đông, với tôi, điều này có vẻ khó. Nhưng trái lại, chúng ta thấy rõ là dưới chính quyền tổng thống Trump, điều mà được tổ chức chặt chẽ hơn so với thời Obama, đó chính là những chuyến tuần tra vì tự do hàng hải, hiện trở thành hoạt động thường kỳ trong chiến lược đáp trả của Washington đối với việc Bắc Kinh cho xây dựng và bồi đắp đảo nhân tạo, đặc biệt là ở quần đảo Trường Sa. Cần phải nhắc lại là những chuyến tuần tra này không chỉ giới hạn ở quần đảo Trường Sa, mà cũng thường xuyên được tiến hành ở quần đảo Hoàng Sa, quanh đảo Phú Lâm (Woody).

Phải nói là Hoa Kỳ hiện diện mạnh mẽ ở trong vùng. Tôi nghĩ rằng còn có một điểm mới phù hợp với lợi ích của Washington, đó là một số đối tác của Mỹ đã điều động đến hiện diện ở Biển Đông, như một số nước Châu Âu, Úc hay Nhật Bản.

Theo tôi, trừng phạt Bắc Kinh do các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo trong vùng biển xung quanh nước này, không phải là điểm nổi bật, quan trọng nhất. Điều thực sự quan trọng, trước hết đó là sự hiện diện hải quân, tiếp theo là sự huy động để hình thành được một kiểu liên minh quốc tế quanh sáng kiến cần có một lực lượng hải quân thường trực trong vùng biển này để ngăn cản xảy ra thêm một vụ "thay đổi nguyên trạng".

Chúng ta không thể buộc Trung Quốc lùi bước ở quần đảo Trường Sa hoặc Hoàng Sa vì đó là chủ đích "chuyện đã rồi" từ phía Trung Quốc. Ngược lại, việc hải quân hiện diện thường xuyên nhắm đến hai mục đích : Thứ nhất, bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế ; thứ hai, điều mà tôi cho là còn quan trọng hơn, đó là tạo điều kiện để không xảy ra thêm một kiểu "việc đã rồi" như trên.

RFI Song song với hành động quân sự, Washington không ngừng gia tăng sức ép tối đa đối với Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại. Khi tung ra cả hai kiểu đòn tấn công như vậy, Mỹ nhắm đến mục đích gì ?

Mathieu Duchâtel : Có một câu hỏi thực sự về tham vọng chiến lược lâu dài của chính quyền Donald Trump. Theo tôi, có thể diễn giải theo hai khả năng nhưng không biết đâu là chiến lược thực sự.

Khả năng thứ nhất : Buộc Trung Quốc chấp nhận một thỏa thuận lớn. Thỏa thuận này làm thay đổi bản chất mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc, với những điều khoản đáng tin cậy, đặc biệt liên quan đến vấn đề đánh cắp sở hữu trí tuệ. Đây liệu có phải là điều mà chính quyền Trump tìm kiếm không ? Và Hoa Vi là một bài trắc nghiệm. Tôi cho rằng khả năng này ít xảy ra.

Khả năng thứ hai : Đó chỉ đơn thuần là logic cạnh tranh chiến lược với mục tiêu, theo quan niệm của Mỹ, là thay đổi mạnh nhất cán cân lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc với một cuộc chiến đang diễn ra liên quan đến nền kinh tế kỹ thuật số tương lai và cuộc chạy đua về công nghệ. Vì thế, các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc bị nhắm đến. Và nếu trường hợp này là đúng, chúng ta sẽ kiểm chứng được điều này qua số phận được dành cho tập đoàn Hoa Vi.

Hẳn mọi người còn nhớ rằng công ty ZTE của Trung Quốc cũng từng là nạn nhân của các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến ZTE bị điêu đứng trước khi được chính quyền Trump rút khỏi danh sách cấm các doanh nghiệp Mỹ làm ăn với các doanh nghiệp nước ngoài.

Liệu Hoa Vi có thể được loại khỏi danh sách này trong vòng vài tháng nữa không ? Với tôi, đó là kịch bản ít có khả năng xảy ra nhất. Nhưng chính quyền Trump vẫn có thói quen gây bất ngờ. Có lẽ Hoa Vi phải tiếp tục nằm trên danh sách này vì đây sẽ là một dấu hiệu cho thấy mục tiêu thực sự của chính quyền Mỹ là không cần đạt được thỏa thuận, mà thực ra là gây thiệt hại nhiều nhất cho các doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc và giành chiến thắng trong cuộc đua này. Dù sao, phải nói rằng Hoa Kỳ có lợi thế hơn Trung Quốc.

RFI Vậy Trung Quốc có thể phản công như thế nào ?

Mathieu Duchâtel : Trung Quốc cũng có những giải pháp gây hại cho đối thủ. Nhưng tôi cho rằng nếu nói đến "leo thang" thì Hoa Kỳ vẫn có nhiều lựa chọn hơn để gây phương hại bởi vì vẫn còn hơn 100 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc vẫn chưa được liệt thêm vào danh sách thuế ở mức 20%.

Vấn đề hiện nay xoay quanh các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Giả sử nếu Trung Quốc muốn tiến xa hơn bằng cách sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối, đô la của nước này hoặc thao túng đồng nhân dân tệ hoặc thậm chí sử dụng những biện pháp phi thương mại, phi kinh tế, đơn cử một số trường hợp được nêu trong các báo cáo, theo đó các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc trở thành nạn nhân của các đợt tăng cường thanh tra thuế, khó tiếp cận với các nhà cung cấp… Tóm lại, Trung Quốc có rất nhiều thủ thuật khiến các doanh nghiệp Mỹ phải suy nghĩ. Nhưng để nói đến "leo thang" và ai làm chủ tình hình leo thang, tôi nghĩ rằng hiện vẫn là Mỹ.

RFI Trước sự cạnh tranh Mỹ-Trung, các quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt với những thách thức gì, vì có nhiều ý kiến cho rằng những nước này có nguy cơ phải chọn một trong hai ?

Mathieu Duchâtel : Đúng thế, rất khó để duy trì được một sự trung lập thực sự. Ở đây nảy sinh một câu hỏi theo nghĩa mở cửa và cơ hội. Người ta vẫn nhắc đến chiến lược của tổng thống Trump là nhằm thay đổi dây chuyền cung ứng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Cần phải nhớ rằng Hoa Kỳ có một đòn bẩy quan trọng, đó là thị trường nội địa khổng lồ của nước này. Nếu các doanh nghiệp rời Trung Quốc, họ có thể chuyển sang nơi khác, như vùng Đông Nam Á và Ấn Độ, vẫn thường được nhắc đến. Câu hỏi thực sự được đặt ra hiện nay : Liệu tình hình có đi xa hơn, theo kiểu logic đối đầu không ? Ai là người sẽ được hưởng lợi từ cuộc đối đầu này và từ thị trường nội địa Mỹ to lớn ? Tôi cho rằng các nước Đông Nam Á có cơ hội.

Tiếp theo, những nước này duy trì cân bằng thương mại với Mỹ và với Trung Quốc như thế nào ? Theo tôi, họ sẽ làm được. Vấn đề được đặt ra hiện nay thiên về chính trị, ví dụ về quốc phòng và an ninh, hoặc về xây dựng cơ sở hạ tầng 5G, như trường hợp ở Châu Âu hiện nay. Liệu có thể vừa chọn sử dụng thiết bị của Hoa Vi, vừa duy trì được mối quan hệ đồng minh. Tóm lại, có rất nhiều câu hỏi như vậy được nêu lên. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu nhìn vào tầm quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á, họ sẽ tìm cách để không hoàn toàn thiên về bên nào.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ông Mathieu Duchâtel, giám đốc Chương trình Châu Á, Viện Montaigne, Paris.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 04/07/2019

Published in Diễn đàn

Phương Tây sẽ chú trọng hơn đến việc bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông , thách thức yêu sách phi lý của Trung Quốc ? Năm 2018, Hải quân Mỹ thường xuyên tuần tra vì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và công khai yêu cầu Bắc Kinh phải rút hết hệ thống tên lửa khỏi các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở quần đảo Trường Sa.

haiquan1

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng, ngày 05/03/2018. Reuters/Kham

Không chỉ Hoa Kỳ, rất nhiều nước có lợi ích trong khu vực cũng tham gia vào việc bảo vệ tự do hàng hải, thách thức đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông. Lần đầu tiên kể từ sau Thế Chiến II, Nhật Bản điều tàu ngầm xuống Biển Đông vào giữa tháng 09/2018. Tokyo ký với các nước ASEAN chiến lược Vientiane Vision nhằm tăng cường quan hệ quân sự.

Pháp, Anh cũng điều tầu bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông, ghé thăm Việt Nam. Nhiệm vụ đầu tiên trong năm 2019 của tầu sân bay Pháp Charles de Gaulle, sau hơn 18 tháng nâng cấp, sẽ là vùng Ấn Độ Dương. Ngoài việc tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, Anh Quốc có thể mở căn cứ quân sự ở Đông Nam Á.

Vậy Trung Quốc phản ứng như thế nào trước những chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông của các nước phương Tây ? Việt Nam được lợi gì từ những chiến dịch đó ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với ông Mathieu Duchâtel, giám đốc Chương trình Châu Á, Viện Montaigne (Institut Montaigne, Paris).

***

RFI : Mỹ tiếp tục tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông với chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Pháp và Anh cũng lần lượt thông báo sẽ điều tầu sân bay và chiến hạm đến vùng Ấn Độ Dương trong năm 2019. Phải chăng đây là chiến lược được ba nước Anh, Pháp, Mỹ cùng phối hợp để ngăn đà bành trướng của Trung Quốc ?

Mathieu Duchâtel : Trước tiên, cần biết là Hoa Kỳ, Châu Âu và Pháp vẫn hiện diện thường xuyên ở Biển Đông để bảo vệ quyền tự do hàng hải. Nhưng ngoài ra cũng có nhiều nước khác đã điều tầu chiến đến khu vực này trong năm nay (2018), đó là trường hợp của Úc, Nhật Bản và Canada. Dĩ nhiên, chúng ta có thể nghĩ rằng có sự phối hợp nào đó giữa các quốc gia trên. Nhưng điều chắc chắn là các nước này có chung quan điểm về tự do hàng hải, luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Cũng cần chú ý đến sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác, kể cả Nhật Bản, về cách thực hiện kế hoạch hiện diện ở Biển Đông. Những gì mà phía Mỹ làm, đó là tiến hành tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển Đông, trong khi những nước khác chỉ hiện diện trong vùng biển này.

Ngoài ra, còn có sự khác biệt cơ bản, đó là Mỹ thách thức Trung Quốc trong vùng 12 hải lý quanh một số thực thể do Trung Quốc kiểm soát, đặc biệt là các đảo nhân tạo ở Trường Sa được bồi đắp và xây dựng dưới thời ông Tập Cận Bình. Trong khi đó, các nước khác không đi vào khu vực 12 hải lý này, mà chỉ hoạt động trong vùng biển quốc tế, dù không có định nghĩa pháp lý nào về khu vực 12 hải lý, vì những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc không phù hợp với luật biển.

Vì vậy, có chút khác biệt giữa cách tiếp cận của Mỹ, mang vẻ khiêu khích hơn, với cách tiếp cận của các nước khác là hiện diện để nhắn với Trung Quốc, cũng như các nước khác trong khu vực rằng họ có mặt ở đây để bảo vệ luật biển và tự do hàng hải.

RFI : Ông đánh giá thế nào về việc Pháp cũng xuất hiện thường xuyên hơn ở Biển Đông và vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương trong vài năm gần đây ?

Mathieu Duchâtel : Trong ba năm gần đây, Pháp đã cử tầu đến khu vực Biển Đông. Năm 2018, Paris quyết định điều tầu sân bay Charles de Gaulle thi hành nhiệm vụ ở Ấn Độ Dương, cho đến Singapore, có thể sẽ không đi qua Biển Đông. Tuy nhiên, điều chắc chắn là đã có một chiến hạm Pháp, như mọi năm, đã đi qua vùng Biển Đông. Như vậy, từ nhiều năm nay, Pháp đã có ý chí khá rõ ràng và nhất quán trong việc bảo vệ cách tiếp cận của mình về luật biển.

Pháp cũng muốn "Âu hóa" sự hiện diện tại vùng biển này. Người ta có thể thấy điều này qua việc một số nhà quan sát Châu Âu (Đan Mạch, Đức) có mặt trên tầu của Pháp và có thể sẽ có nhiều người khác trong tương lai.

Thêm một điểm cuối liên quan đến sự hiện diện của các nước Châu Âu ở Biển Đông, với tôi, một thất vọng lớn là liệu Đức, một ngày nào đó, cũng hiện diện, hoặc đồng hành với các nước Châu Âu, hoặc sát cánh với Mỹ để tăng cường thông điệp của phương Tây về Biển Đông hay không.

Đức hiện đang suy nghĩ về vấn đề này, nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra, dù đã có một cuộc thảo luận. Dĩ nhiên, nếu chính phủ Đức làm giống như Pháp và Anh, việc này sẽ củng cố thêm thông điệp của Châu Âu không chỉ về quan điểm chủ quyền, mà cả thông điệp về quyền tự do hàng hải.

RFI : Trung Quốc đối phó và phản ứng thế nào với sự hiện diện hải quân của nhiều cường quốc ở Biển Đông ?

Mathieu Duchâtel : Hiện nay, Trung Quốc đáp trả một cách rất đa dạng. Cách đáp trả hung hăng của Trung Quốc chỉ dành riêng cho Mỹ. Bắc Kinh lên án Mỹ qua đường ngoại giao. Hải quân Trung Quốc từng nhắm vào một tầu chiến của Mỹ và suýt gây ra sự cố để gây sức ép với Hoa Kỳ. Bắc Kinh cũng tấn công Mỹ trên báo chí, ví dụ để báo chí nói là Hải quân Trung Quốc đâm vào một tầu Mỹ để buộc con tầu đó rời khỏi khu vực.

Nước thứ hai bị nhắm đến, nhưng nhẹ hơn nhiều, đó là Anh Quốc. Luân Đôn cũng bị Bắc Kinh chỉ trích vì hiện diện ở Biển Đông, nhưng với những từ ngữ không gay gắt bằng những lời chỉ trích nhắm vào Mỹ.

Đối với những nước khác (Pháp, Úc, Nhật Bản và Canada), chính quyền Bắc Kinh ít nhiều chưa nhắc đến sự hiện diện của những nước này ở Biển Đông. Lý do là tránh để tất cả các nước này thành lập một mặt trận chung với Anh và Mỹ và cũng để tránh khả năng nhiều nước khác thay đổi lập trường và chuyển sang ủng hộ Hoa Kỳ.

Ngoài ra, còn phải chú ý đến một số yếu tố khác ngoài vấn đề Biển Đông, như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trung Quốc tìm cách để Nhật Bản, Pháp, Úc không đứng về phía Mỹ trên hồ sơ thương mại. Đây cũng chính là lý do mà Bắc Kinh tỏ ra rất chừng mực trong phát biểu về các quốc gia này liên quan đến Biển Đông.

RFI : Liệu Trung Quốc có tiếp tục xây dựng và bồi đắp, quân sự hóa các đảo nhân tạo trong vùng Biển Đông để đối phó ?

Mathieu Duchâtel : Dĩ nhiên là Trung Quốc lý giải rằng cơ sở hạ tầng quân sự của họ trên các đảo nhân tạo là để đối phó với sự hiện diện thường xuyên trong khu vực của Hải quân Mỹ và để bảo vệ các cơ sở hàng hải của Trung Quốc khỏi hoạt động theo dõi của Mỹ.

Điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố bẩy đảo nhân tạo mà nước này chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa bằng cách lập thêm thiết bị phòng thủ, khả năng theo dõi khu vực, khả năng chống tầu thủy và phòng không.

Điều mà Bắc Kinh chưa rõ : Liệu Trung Quốc có thật sự lựa chọn leo thang căng thẳng trong khu vực không ? Liệu Trung Quốc có thể quân sự hóa một số thực thể khác trong quần đảo Trường Sa không ? Trung Quốc hiện vẫn giữ lá bài này và tiếp tục quân sự hóa bẩy hòn đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp.

RFI : Việt Nam được lợi gì và bị bất lợi gì từ những chiến lược bảo vệ tự do hàng hải của các nước trên ?

Mathieu Duchâtel : Tôi nghĩ rằng một sự hiện diện thường xuyên của hải quân phương Tây trong khu vực có chủ đích ngăn Trung Quốc đi xa hơn trong hoạt động kiểm soát Biển Đông. Điều này có lợi cho quốc phòng của Việt Nam, vì Trung Quốc buộc phải tập trung nhiều hơn vào sự hiện của hải quân các nước nằm ngoài khu vực. Và điều này giảm bớt không gian mà Trung Quốc có thể chiếm để mở rộng sự hiện diện và kiểm soát các thực thể mà họ chưa chiếm được.

Tôi nghĩ rằng kịch bản tồi tệ nhất đối với tất cả các nước trong khu vực, không chỉ mỗi Việt Nam, Malaysia hay Philippines, mà kể cả các nước ngoài khu vực, đó là Trung Quốc quyết định, như trường hợp từng xảy ra năm 2014, khi Bắc Kinh đột ngột xây dựng một loạt đảo nhân tạo và điều này đã hoàn toàn thay đổi nguyên trạng. Năm 1995, Bắc Kinh quyết định chiếm Đá Vành Khăn (Mischief Reef), lúc đó do Philippines kiểm soát, tương tự như Đá Gạc Ma (South Johnson Reef) mà Trung Quốc chiếm từ Việt Nam trong một trận hải chiến đẫm máu năm 1988. Đến năm 2014, Trung Quốc tiến xa hơn trong các yêu sách kiểm soát khu vực.

Hiện nay, sự hiện diện trong khu vực của hải đội nhiều nước làm giảm phần nào khả năng Trung Quốc đi xa hơn. Vì vậy, theo tôi, có sự hội tụ giữa lợi ích quốc phòng của Việt Nam, cũng như của các nước khác trong khối ASEAN có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Dĩ nhiên, sự hiện diện thường xuyên của hải quân phương Tây ở Biển Đông không giúp được Việt Nam đòi lại chủ quyền, đặc biệt là đối với quần đảo Hoàng Sa. Điều này có nghĩa là Việt Nam không thể tận dụng cơ hội để lấy lại Hoàng Sa. Đúng là có sự quy tụ lợi ích, nhưng phần nào bị hạn chế.

Tôi cũng nghĩ rằng, đối với một nước như Việt Nam, đang bảo vệ lợi ích trước xung đột chủ quyền với Trung Quốc, sự hiện diện thường xuyên của hải quân phương Tây ở Biển Đông tạo ra cơ hội quan trọng hơn mà Việt Nam có thể tận dụng trong chiến lược hiện đại hóa quân đội của nước này. Chúng ta có thể thấy việc Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận cho phép Hà Nội đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, có nhiều cuộc trao đổi ngoại giao và quân sự hơn, mở rộng tiềm năng hợp tác với nhiều nước khác…

Tôi cho rằng việc này sẽ thay đổi một chút viễn cảnh, không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả các nước ASEAN có chanh chấp với Trung Quốc, trong khi tình hình trở nên căng thẳng hơn do hoạt động bồi đắp các đảo nhân tạo của Bắc Kinh.

RFI : Ban tiếng Việt đài RFI xin chân thành cảm ơn ông Mathieu Duchâtel, giám đốc Chương trình Châu Á, Viện Montaigne, Paris.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 07/01/2019

Published in Diễn đàn

Đảo Hải Nam có vị trí chiến lược đối với Trung Quốc trong vùng Biển Đông. Tại thành phố Tam Á, phía nam hòn đảo rộng 34.000 km2, Trung Quốc lập một căn cứ quân sự hùng hậu nhằm cân bằng với sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương, đặc biệt phải kể đến đội tầu ngầm (tấn công quy ước và hạt nhân) thuộc Hạm Đội Nam Hải. Đảo Hải Nam còn hỗ trợ về mặt hậu cần và quân sự cho các đảo và đá bị Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông, trong đó có 7 hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa, nằm cách Hải Nam hơn 1.000 km.

hainan1

Thủ phủ Hải Khẩu của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 06/05/2018. China Daily via Reuters

Ngoài vai trò chiến lược về mặt quân sự, tháng 04/2018, chủ tịch Trung Quốc nâng tầm của Hải Nam lên một bậc khi quyết định biến hòn đảo thành vùng tự do thương mại. Chưa đầy một tháng sau, chính quyền địa phương đã khởi công ba dự án công nghiệp lớn trong khu vực Hainan Resort Software Community và đưa ra chính sách đãi ngộ nhằm thu hút một triệu tài năng, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài. Theo chính sách mới, công dân 59 nước được miễn visa du lịch với thời hạn lưu trú tối đa là 30 ngày với điều kiện đặt tour qua các hãng lữ hành.

Nằm cách bờ biển Việt Nam khoảng 300 km, chiến lược thay đổi trên đảo Hải Nam có tác động như thế nào đối với Việt Nam và các nước trong khu vực, cũng như trong chiến lược đòi chủ quyền trên gần toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc ? Ban tiếng Việt đài RFI đã đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Mathieu Duchâtel, chuyên gia về Trung Quốc, trợ lý giám đốc chương trình châu Á của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Châu Âu (European Council on Foreign Relations).

RFI : Đảo Hải Nam có vị trí chiến lược như nào đối với miền bắc Việt Nam và trong vùng ?

Mathieu Duchâtel : Đảo Hải Nam dĩ nhiên là có một vị trí chiến lược theo hai hướng. Trước hết, bởi vì đảo là tiền đồn, vừa là của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc, đặc biệt là Hải Quân và Không Quân nhằm phô trương sức mạnh Trung Hoa ở Biển Đông, vừa là của lực lượng dân quân, đóng chủ yếu ở bên bờ đông của đảo, giúp Trung Quốc duy trì sự hiện diện quan trọng ở Biển Đông. Chính vì vậy, đảo Hải Nam là một tiền đồn thực sự quan trọng đối với Trung Quốc.

Tiếp theo, yếu tố quan trọng nhất khi chúng ta chú ý một chút đến cách tiếp cận của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp lãnh hải, chính là ý đồ răn đe hạt nhân của Trung Quốc vì tại căn cứ hải quân Du Lâm (Yulin), nằm ở phía nam đảo Hải Nam, có đội tầu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) đang tìm lối ra vùng biển sâu để có thể trú ẩn, xây dựng sức răn đe hạt nhân và khả năng tấn công của Trung Quốc.

Đây là một chi tiết thường ít được nhắc đến khi nói về vấn đề hàng hải ở Đông Nam Á, nhưng đây lại là yếu tố hoàn toàn mang tính quyết định để hiểu được cách tiếp cận của Trung Quốc và những gì mà nước này đang tiến hành, có nghĩa là các công trình xây dựng tiền đồn quân sự trên đảo Phú Lâm, ở quần đảo Hoàng Sa và trên các đá Chữ Thập, đá Xu Bi, đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, vừa để bảo vệ đội tầu ngầm vừa để đảm bảo sự hiện diện hải quân ở trong vùng.

RFI : Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam như thế nào ?

Mathieu Duchâtel : Điều quan trọng đối với tôi chính là đội tầu ngầm mang tên lửa đạn đạo vì đây là yếu tố vô cùng quan trọng đối với mọi chính sách quốc phòng của Trung Quốc. Điều cần chú ý là Trung Quốc đã đưa ra chương trình trong những năm 1960 và cố đóng được một tầu ngầm tấn công có năng lực đáng tin cậy. Để thực hiện được điều này, yếu tố đầu tiên là tầu phải có khả năng ra khỏi căn cứ mà không bị theo dõi, một cách kín đáo và có thể ẩn trong đại dương, mà không bị tầu ngầm, hoặc máy bay tuần tra hàng hải của Mỹ phát hiện.

Dù nếu không bị phát hiện, nhưng để có khả năng răn đe hạt nhân một cách tin cậy, tầu ngầm đó phải có khả năng bắn được các tên lửa liên lục địa. Tuy nhiên, về điểm này, Trung Quốc vẫn chưa phát triển được một cách khả quan, ví dụ theo những gì chúng tôi được biết, loại tên lửa JL-2 mà nước này đang phát triển chưa đạt hiệu quả. Còn tên lửa JL-3 thế hệ mới vẫn chưa hoạt động.

hainan2

Trung Quốc có căn cứ quân sự ở phía nam đảo Hải Nam, cùng với nhiều tầu ngầm tấn công

Điểm lý thú có thể nhận thấy trong sự năng động này, đó là Trung Quốc có căn cứ quân sự ở phía nam đảo Hải Nam, cùng với nhiều tầu ngầm tấn công, nhưng lại chưa có khả năng răn đe hạt nhân mà nước này vẫn tìm kiếm.

Vì thế, Trung Quốc đang trong giai đoạn tăng tốc hiện đại hóa. Đây cũng là một cách giải thích cho những hoạt động của Trung Quốc ở phía nam đảo Hải Nam, ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc cần bảo vệ căn cứ hải quân và đội tầu ngầm này để sớm trang bị được khả năng răn đe dưới đại dương, hiện vẫn còn thiếu. Đó là một yếu tố vô cùng quan trọng trong cách tiếp cận của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này giải thích một phần những công trình xây dựng quân sự mà chúng ta thấy được tiến hành với nhịp độ rất nhanh.

RFI : Sự kiện oanh tạc cơ Trung Quốc diễn tập hạ cánh ở đảo Phú Lâm có liên quan đến căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam hay không ?

Mathieu Duchâtel : Tôi cho rằng việc oanh tạc cơ chiến lược hạ cánh trên đảo Phú Lâm mang một ý nghĩa khác. Sự kiện đó mang ý nghĩa răn đe, không phải đối với Hoa Kỳ mà là với các nước trong khu vực đang có tranh chấp với Bắc Kinh, như Việt Nam, Philippines.

Loại oanh tạc cơ H-6K này được truyền thông giới thiệu rất nhiều là một loại oanh tạc cơ nguyên tử, điều này là đúng ! Và có khả năng tấn công đến tận đảo Guam, điều này cũng đúng ! Nhưng tôi không cho rằng Bắc Kinh muốn phô trương khả năng hạt nhân của loại oanh tạc cơ H-6K mà thực ra, muốn chứng tỏ với khu vực rằng Trung Quốc có khả năng tấn công quy ước, ví dụ đến những thực thể ở Trường Sa do các nước khác kiểm soát.

Ngược lại, những hoạt động mà Trung Quốc đang tiến hành ở các đá Xu Bi, Vành Khăn, Chữ Thập, như lập hệ thống phòng không, chống hạm, đúng là nhằm mục đích bảo vệ đội tầu ngầm hạt nhân và ngăn chặn điều cản trở nhất đối với Trung Quốc, có nghĩa là cách giám sát, chủ yếu là từ phía Mỹ, các hoạt động hàng hải và tầu ngầm mà Trung Quốc luôn tự cho mình là nạn nhân.

RFI : Đảo Hải Nam có vai trò như thế nào trong chiến lược đòi chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực ?

Mathieu Duchâtel : Trung Quốc có một logic là làm chuyện đã rồi về mặt hành chính trong khu vực. Có nghĩa là nói với các nước láng giềng trong khu vực và cộng đồng quốc tế, theo kiểu : "Hãy nhìn đây, tôi thực sự quản lý hành chính vùng này. Khu vực này nằm dưới quyền quản lý hành chính trực tiếp của chúng tôi !".

Thành phố Tam Á (Sanya) được hình thành theo kiểu đó và là hình ảnh phản chiếu cho cộng đồng quốc tế thấy rằng Trung Quốc đã quản lý vùng này. Vì vậy, Hải Nam đóng một vai trò quan trọng.

RFI : Khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết định biến đảo Hải Nam thành một khu vực tự do thương mại, ông muốn đưa ra chiến lược gì ?

Mathieu Duchâtel : Có một điểm rất quan trọng là tất cả những gì liên quan đến kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển, Hải Nam từng là một tỉnh đầu tầu trong chương trình cải cách của Đặng Tiểu Bình. Năm 2018, nhân dịp 30 năm thành lập tỉnh Hải Nam, ông Tập Cận Bình thông báo xây dựng một vùng tự do thương mại hướng đến lĩnh vực biển. Ông thậm chí còn nói là Hải Nam sẽ trở thành viên ngọc trai của Trung Quốc.

Như vậy, ông Tập biến Hải Nam thành biểu tượng của chính sách mở cửa của Trung Quốc và đặc biệt nhấn mạnh vào lĩnh vực du lịch. Hiện Hải Nam có cả một kế hoạch thu hút khách du lịch nước ngoài lưu lại lâu hơn trên đảo, như không cần visa, thời hạn lưu trú dài hơn so với những thành phố khác của Trung Quốc. Người ta nhận thấy có sự tăng tốc trong tiến trình mở cửa ở Hải Nam. Vì là một hòn đảo, Hải Nam không dính với phần còn lại của Trung Hoa lục địa nên có thể dễ dàng thử nghiệm hơn những chính sách theo hướng mở cửa.

Cũng cần chú ý là tất cả những gì liên quan đến kinh tế biển như vận tải hàng hải, chuyên chở container, du lịch biển, đánh bắt hải sản, tất cả những gì liên quan đến sinh vật biển, sử dụng sản vật biển để bào chế thuốc… đang phát triển rất mạnh. Đó là những lĩnh vực mà Trung Quốc chú trọng và đảo Hải Nam đóng một vai trò thực sự quan trọng.

Đây cũng là một thách thức chính trị, cạnh tranh giữa các tỉnh miền nam Trung Quốc, như Hải Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang… để trở thành tỉnh dẫn đầu về ngành kinh tế biển. Ở điểm này, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thật sự lựa chọn Hải Nam làm tiền đồn để phát triển một nền kinh tế hướng đến tự do trao đổi nhiều hơn, mở cửa hơn với những chính sách ưu đãi để phục vụ tiến trình quốc tế hóa của đảo. Những chính sách này rất có lợi cho sự phát triển của Hải Nam.

RFI : Du lịch Hải Nam phát triển mạnh có gây tác động đến Việt Nam và các nước khác trong vùng không ?

Mathieu Duchâtel : Có, tôi nghĩ là sẽ có tác động vì Trung Quốc đã phát triển du lịch ở quần đảo Hoàng Sa mà nước này chiếm từ Việt Nam và đang quản lý hành chính. Thông qua hình thức du lịch, Trung Quốc tìm cách củng cố quyền quản lý quần đảo Hoàng Sa.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 05/06/2018

Published in Diễn đàn