Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 17 décembre 2018 08:43

Ai sợ ảnh hưởng của Trung Quốc ?

Trên thực tế, điều đáng chú ý nhất không phải là thành công của những nỗ lực của Trung Quốc trong việc quảng bá ảnh hưởng ra nước ngoài, mà là những cố gắng này được thể hiện một cách dễ dàng. Miêu tả những cố gắng đó như mối đe dọa thực sự đối với các chế độ dân chủ thế giới, không chỉ là phản bội lại tình trạng bất an của chính phương Tây, mà còn mang lại cho Trung Quốc nhiều uy tín hơn mức họ đáng được hưởng.

so1

Khách du lịch tham quan Phố Đông, Thượng Hải - Ảnh minh họa

Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, phương Tây đã đầu tư một lượng lớn nguồn lực nhằm thúc đẩy quá trình tự do hóa chính trị ở Trung Quốc, trong đó có các chương trình nhằm thúc đẩy chế độ pháp quyền, xã hội dân sự, minh bạch và trách nhiệm của chính phủ. Kết quả thật đáng thất vọng. Chẳng những không trở nên dân chủ hơn, gần đây Trung Quốc đã đi thụt lùi để trở về với chế độ độc đoán cứng rắn. Và hiện nay, họ đang đầu tư nguồn lực nhằm đưa một số thiết chế chính trị của mình vào các chế độ dân chủ trên thế giới.

Quá trình thâm nhập từ từ ảnh hưởng của Trung Quốc vào phương Tây là chủ đề của các báo cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các công trình nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu (think-tank), và đã lôi kéo được sự quan tâm các chính trị gia cao cấp, như Phó Tổng thống Mĩ, Mike Pence, và cựu Thủ tướng Úc, Malcolm Turnbull. Họ khẳng định rằng "các chiến dịch tạo ảnh hưởng" của Trung Quốc bao gồm thiết lập các mối quan hệ với các chính trị gia phương Tây, thành lập Viện Khổng Tử trên khắp thế giới nhằm quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, bành trướng các mạng lưới tuyên truyền chính thức của Trung Quốc ra toàn thế giới, và tài trợ cho các cơ quan nghiên cứu và trao đổi các chương trình với những cơ quan này.

Các chế độ dân chủ tự do phương Tây phải làm sao trước việc Trung Quốc đang hành động tương tự như các nước phương Tây, trong khi tìm cách lợi dụng sự cởi mở của phương Tây nhằm thúc đẩy các mục tiêu về tư tưởng và địa chính trị của nước này ?

Trước hết, các nhà lãnh đạo và các tổ chức phương Tây nên phân biệt giữa các hoạt động do nhà nước tài trợ và việc trao đổi văn hóa, dân sự và giáo dục chính đáng, các bên cùng có lợi giữa các công dân và tổ chức tư nhân.

Chắc chắn là, chiến dịch phức tạp của Đảng Cộng sản Trung Quốc – chú tâm vào việc vô hiệu hóa những lời phản đối chính sách và quyền lực của họ, ở cả trong và ngoài Trung Quốc - thường dựa vào những công dân bình thường. Những người hoạt động riêng lẻ này cũng được khuyến khích, tuy không chính thức, trong việc ủng hộ nhà cầm quyền Trung Quốc bằng cách cư xử theo tinh thần của Đảng cộng sản Trung Quốc. Kết quả là, ngay cả những hoạt động dường như độc lập hoặc riêng tư cũng có thể mang lại những rủi ro về chính trị và uy tín cho các tổ chức phương Tây. Các tổ chức này có thể bị cáo buộc là "người ra bán ảnh hưởng" giúp Trung Quốc.

Nhưng như thế không có nghĩa là các tổ chức ở phương Tây phải từ chối thẳng thừng tất cả các cơ hội hợp tác với các tổ chức và người dân Trung Quốc. Cách tiếp cận như vậy không chỉ khiến các tổ chức và người dân phương Tây bỏ lỡ những cơ hội có giá trị ; và sẽ củng cố sức mạnh của Đảng cộng sản Trung Quốc trong việc kiểm soát luồng thông tin, thao túng dư luận và định hình những câu chuyện được lưu hành trong dân chúng.

Cho nên, trong khi phương Tây phải cảnh giác, thì cũng không nên phản ứng thái quá. Ví dụ, các tổ chức văn hóa hoặc nghiên cứu ở phương Tây phải rất thận trọng, nếu không nói là phải từ chối thẳng thừng, những khoản tài trợ từ các doanh nghiệp nhà nước, vì nó có thể làm tổn hại danh tiếng của người nhận hoặc hạn chế quyền tự do của tổ chức này. Nhưng món quà từ một doanh nhân giàu có người Trung Quốc thì phải được hoan nghênh, với điều kiện là phải minh bạch và không có những yêu cầu có ảnh hưởng xấu tới nhiệm vụ của người nhận.

Trên thực tế, minh bạch là một trong những cơ chế hiệu quả nhất trong việc bảo vệ các tiến trình dân chủ phương Tây trước những hoạt động nhằm tạo ảnh hưởng của Trung Quốc. Ví dụ, công khai hóa về nguồn gốc và điều kiện tài trợ cho các chính trị gia, các đảng chính trị, các tổ chức dân sự và nghiên cứu, cũng như tỉ lệ vốn sở hữu tài sản trong các phương tiện truyền thông đại chúng, sẽ làm tạo ra thêm khó khăn cho chính phủ Trung Quốc trong việc gây ảnh hưởng thông qua những người tưởng chừng như hoạt động độc lập. Một bộ quy tắc ứng xử chung trong giao dịch với Trung Quốc cũng sẽ giúp đảm bảo rằng các giá trị dân chủ luôn luôn được duy trì trong bất kì thỏa thuận hay hợp tác nào.

Nêu cao những giá trị này cũng có nghĩa là các chính phủ phương Tây phải cẩn thận nhằm tránh một kiểu phản ứng thái quá khác : coi Hoa kiều là mục tiêu. Do Trung Quốc đã lợi dụng cộng đồng Hoa kiều trong một thời gian dài nhằm giành cho bằng được các lợi ích kinh tế và chính trị, một số người ở phương Tây có xu hướng nghi ngờ tất cả Hoa kiều, biến họ thành đối tượng phân biệt đối xử và thậm chí coi họ là đối tương phải bị giám sát.

Nhưng, ví dụ, để cho Hoa kiều bị quấy rối, đe dọa hoặc trừng phạt vì họ thực thi các quyền dân sự và chính trị của mình - bằng những khoản tài trợ mang tính chính trị hoặc lên tiếng về những vấn đề quan trọng với họ, trong đó có những vấn đề liên quan đến Trung Quốc - sẽ là bất công nghiêm trọng. Đấy cũng là thất bại về mặt chiến lược : Sức mạnh mềm nhưng mãnh liệt của các giá trị dân chủ mà phương Tây tuyên bố bảo vệ là bức tường thành bảo vệ hiệu quả nhất trong cuộc đấu tranh chống lại các chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc.

Các thiết chế của phương Tây, nhờ nền tảng là các giá trị tự do dân chủ, có sức sống dẻo dai không gì so sánh được. Chế độ độc đoán khó mà có thể lật đổ được, dù có diễn ra bao nhiêu cuộc trao đổi văn hóa hoặc chế độ này có thiết lập bao nhiêu viện ngôn ngữ thì cũng thế mà thôi. Trên thực tế, điều đáng chú ý nhất không phải là thành công của những nỗ lực của Trung Quốc trong việc quảng bá ảnh hưởng ra nước ngoài, mà là những cố gắng này được thể hiện một cách dễ dàng. Miêu tả những cố gắng đó như mối đe dọa thực sự đối với các chế độ dân chủ thế giới, không chỉ là phản bội lại tình trạng bất an của chính phương Tây, mà còn mang lại cho Trung Quốc nhiều uy tín hơn mức họ đáng được hưởng.

Bùi Mẫn Hân là giáo sư về quản trị ở Claremont McKenna College và là tác giả cuốn Chủ nghĩa tư bản thân hữu Trung Quốc.

Minxin Pei

Nguyên tác : Who’s Afraid of China’s Influence ?, Project Syndicate, 12/12/2018

Phạm Nguyên Trường dịch

Nguồn : VNTB, 17/12/2018

Published in Diễn đàn

Cách đây 5 tháng, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định để Tập Cận Bình cầm quyền vĩnh viễn, những người bình thường cho rằng uy quyền trong nhà nước độc đảng Trung Quốc của ông ta mạnh đến mức không ai dám tấn công quyền lực của ông ta. Mọi thứ đã thay đổi như thế nào ?

tq1

Nhà lãnh đạo Trung Quốc - Tập Cận Bình. Ảnh : Project-syndicate

Chính trị có một thói quen rất khó chịu là làm cho chúng ta ngạc nhiên - đặc biệt là ở đất nước như Trung Quốc, nơi, minh bạch thì ít mà mưu đồ thì nhiều. Cách đây 5 tháng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước và thể hiện ý định phục vụ suốt đời – làm cho cả nước kinh hoàng. Nhưng cái làm người ta thực sự ngạc nhiên lại diễn ra sau đó.

Khi Tập [Cận Bình] tuyên bố như thế, người ta cho rằng uy quyền trong nhà nước độc đảng Trung Quốc của ông ta mạnh đến mức không ai dám tấn công quyền lực của ông ta. Hiện nay Tập [Cận Bình] đang đứng trước một mùa hè tồi tệ nhất kể từ ngày ông ta lên cầm quyến vào tháng 11 năm 2012 – những tin tức xấu thường xuyên xuất hiện làm cho nhiều người Trung Quốc, nhất là giới ăn trên ngồi trốc cảm thấy thất vọng, lo lắng, bực bội, bất lực và bất mãn với nhà lãnh đạo đầy quyền lực của mình.

Tin xấu mới nhất, lan ra hồi cuối tháng trước. Đấy là các nhà điều tra của chính phủ đã phát hiện ra một công ty dược phẩm đã sản xuất vaccines ngừa bệnh bạch hầu, bệnh uốn ván và ho gà không đủ tiêu chuẩn và đưa dữ liệu giả về vaccine ngừa bệnh dại. Hàng trăm ngàn trẻ em trên khắp Trung Quốc đã bị tiêm vaccine rởm.

Tất nhiên là, trước đây ở Trung Quốc cũng đã có nhiều vụ bê bối tương tự như thế - từ công thức sữa bẩn cho trẻ em đến thuốc làm loãng máu chứa tạp chất - các doanh nhân tham lam và các quan chức tham nhũng bị đưa ra tòa. Nhưng Tập [Cận Bình] đã đặt cược khá nhiều vốn liếng chính trị vào việc bài trừ tham nhũng và tăng cường những biện pháp kiểm soát. Sự kiện một công ty tư nhân có liên hệ với nhiều quan chức chop bu lại rơi vào trung tâm của vụ bê bối vaccine là bằng chứng cực kì khó chịu, chứng tỏ rằng công cuộc phòng chống tham nhũng từ trên xuống của Tập [Cận Bình] không hiệu quả như người ta tuyên bố. Hậu quả ngoài ý muốn của việc củng cố quyền lực của Tập [Cận Bình] là ông ta phải chịu trách nhiệm về vụ bê bối - ít nhất là trong mắt dân chúng Trung Quốc.

Nhưng, cuộc công kích nhắm vào Tập [Cận Bình] bắt đầu trước khi vụ rắc rối về vaccine bị phát giác. Lo lắng về tệ sùng bái cá nhân đã gia tăng một cách từ từ. Trong những tháng gần đây, những người trung thành với Tập [Cận Bình] đã làm hết sức mình để nâng uy tín của ông ta lên. Ngôi làng lẻ loi mà Tập [Cận Bình] sống như một người nông dân trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa đã được coi là cội nguồn của "kiến thức tuyệt vời" và trở thành điểm du lịch với rất đông người tham quan. Đối với một số người, chuyện này làm người ta nhớ lại hình ảnh gần như thánh thần mà người ta gán cho Mao Trạch Đông. Chính việc sùng bái như thế mà "Đại nhảy vọt" và "Cách mạng Văn hóa" đã làm hàng triệu người chết và phá hủy gần như toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.

tq2

Cuốn sách về "Tư bản thân hữu Trung Quốc" cho thấy các nhóm thân hữu đã chi phối quyền lực, thao túng quyền lực để cuối cùng lấy cắp tài sản quốc gia rồi chia chác cho nhau diễn ra ở Trung Quốc như thế nào. Ảnh : Doanh Nhan Plus

Và, trên thực tế, tin tức kinh tế của Trung Quốc hiện nay là đáng thất vọng ; giá cổ phiếu trong năm nay đã giảm tới 14%. Cách đây ba năm, đứng trước sự kiện là giá cổ phiếu giảm mạnh, Tập [Cận Bình] đã hạ lệnh cho các công ty quốc doanh mua cổ phần nhằm chống đỡ cho thị trường. Nhưng, ngay khi người ta không còn bị buộc phải mua cổ phiếu, thị trường lại sụt giảm một lần nữa, đấy là do dự trữ ngoại hối đã cạn kiệt. Lần này Tập [Cận Bình] không mắc lỗi ngu ngơ về kinh tế như trước, nhưng thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ ra sao vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.

Và có nhiều tin xấu hơn về kinh tế. Đồng nhân dân tệ đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 13 tháng, và trong khi tăng trưởng GDP dường như đang đi đúng hướng nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2018, nền kinh tế đang có dấu hiệu suy yếu. Đầu tư, mua bán bất động sản và tiêu dùng tư nhân đều đang chậm lại, buộc chính phủ không thể tiếp tực cắt giảm nợ công và cấp thêm tiền nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế tồi tệ nhất là cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Mặc dù người ta vẫn chưa cảm nhận được tác động kinh tế cuộc chiến này, cuộc xung đột thương mại mà Tổng thống Mỹ, Donald Trump, khởi xướng có thể là thách thức gay go nhất mà Tập [Cận Bình] phải đối mặt cho đến lúc này. Vì cuộc chiến này vượt ra khỏi lĩnh vực kinh tế.

Thứ nhất, Tập [Cận bình] thúc đẩy "Giấc mộng Trung Hoa", tức là đất nước phải trở lại thành siêu cường quốc tế. Nhưng, khi cuộc chiến thương mại nổ ra, Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường và công nghệ Mỹ. Không những không phải là nước bá chủ vừa được cải lão hoàn đồng, sẵn sàng tái định hình nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc của Tập [Cận Bình] cho người ta thấy đấy chỉ là gã khổng lồ chân đất sét mà thôi.

Ảnh hưởng địa chiến lược là rất lớn, khó có thể phóng đại thêm. Trong 40 năm qua, kể từ khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu đưa Trung Quốc ra khỏi thời đại tối tăm của Mao, đất nước này đã đạt được tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế chưa từng có. Nhưng tiến trình đó sẽ là không thể - hoặc, ít nhất, chậm hơn nhiều – nếu Trung Quốc không tiếp tục giữ vững chính sách hợp tác với Mỹ. Trong giai đoạn cầm quyền của mình, Tập [Cận Bình] đã chấm dứt chính sách đó, đặc biệt là những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Những sự kiện này cho ta kết luận đơn giản : Trung Quốc đang lạc đường. Điều này có ảnh hưởng lớn đối với giới ăn trên ngồi trốc ở Trung Quốc, có thể cảm nhận được thất vọng của họ - thất vọng lại đang gia tăng.

Tuy nhiên, mặc dù có những tin đồn về việc các nhà lãnh đạo già nua, đã về hưu, đang chống lại ông ta, dường như Tập [Cận Bình] sẽ không bị người ta hất cẳng. Ông ta vẫn nắm chắc bộ máy an ninh và quân đội của đất nước độc đảng này. Hơn nữa, ông ta không có đối thủ đủ can đảm hoặc có ảnh hưởng thực sự, có thể thách thức được quyền lực của mình, như Đặng Tiểu Bình và các nhà cách mạng kỳ cựu khác đã làm vào năm 1978, khi họ hạ bệ được Hoa Quốc phong - được Mao chỉ định trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuy nhiên, đối với Tập [Cận Bình] con đường phía trước vẫn đầy chông gai. Nếu tiếp tục theo đuổi đường lối hiện tại, thì sau mỗi lần vấp ngã, nhân dân Trung Quốc sẽ ngày càng có nhận thức tiêu cực về khả năng lãnh đạo của ông ta. Tuy nhiên, quá trình thay đổi cũng có thể làm làm hại uy tín của Tập [Cận Bình], vì nó buộc người ta phải công nhận rằng đã có những nhận định sai lầm – đấy là vấn đề đối với tất cả các nhà lãnh đạo, nhưng đặc biệt có hại đối với những người cứng rắn như Tập [Cận Bình]. Và Tập [Cận Bình] sẽ buộc phải chấp nhận một số chính sách mới, mặc dù chúng xung đột với khuynh hướng tự nhiên và những giá trị mà ông ta coi trọng.

Rủi ro là có thật. Nhưng có lẽ Tập không có nhiều lựa chọn, ngoài việc đương đầu với nó. Mùa hè đầu bất mãn ở Trung Quốc cho thấy một cách rõ ràng rằng, ông ta cần một chiến lược mới.

Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân)

Nguyên tác : China’s Summer of Discontent, Project Syndicate, 02/08/2018

Phạm Nguyên Trường dịch

Nguồn : VNTB, 06/08/2018

Bùi Mẫn Hân là Giáo sư về quản trị tại Claremont McKenna College và là tác giả cuốn Chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Trung Quốc.

Published in Diễn đàn