Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Thoát nghèo" ở miền Tây

Định Tường, VNTB, 15/07/2023

Chuyện người nghèo ở miền Tây vì "nhà hết gạo" nên phải mò cua, bắt cá ăn qua bữa là thường tình, dù nơi đây là vựa lúa số một Việt Nam.

mientay1

"Mấy gia đình có con lấy chồng Hàn Quốc xây nhà bự lắm."

 Bưng tô cơm nguội, ngả trái dừa tươi chặt chừng 3 nhát dao bén rồi chan trực tiếp nước dừa vào tô cơm, nạo thêm miếng cơm dừa non cũng xong bữa. Bến Tre xứ dừa, nhiều nhà nghèo khó đã chọn ăn như vậy.

Một khảo sát của Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long nhận định hiện tượng lao động nông thôn, đặc biệt lao động trẻ, lên các vùng đô thị, các khu công nghiệp ngày càng nhiều.

Biến đổi khí hậu hay cụ thể hơn là thời tiết bất thường là một trong các nguyên nhân của tình trạng trên. Yếu tố thay đổi tự nhiên như biến đổi khí hậu, cộng thêm tình trạng suy thoái môi trường và tài nguyên thiên nhiên, các chính sách còn bất cập, tâm lý xã hội, thất nghiệp, nghèo, thu nhập thấp, gia tăng dân số nông thôn, nhu cầu lao động tăng cao ở các vùng đất đang phát triển công nghiệp… là những nguyên nhân thúc đẩy tình trạng di dân.

Sự dịch chuyển lao động này có một số lợi ích nào đó cho người lao động nhưng cũng để lại nhiều tiêu cực. Có thể kể đến như làm cho các vùng nông thôn đìu hiu, vắng vẻ, nhiều nơi đồng ruộng bỏ hoang hoặc thiếu đầu tư canh tác.

Người trẻ lên thành phố thường phải bỏ con lại cho ông bà ở nhà chăm lo, thiếu quản lý, dạy dỗ dễ hư hỏng, thậm chí bị xâm hại. Một số thanh niên nam nữ lên các vùng đô thị lại nhiễm một số thói xấu chốn thị thành. Trong khi đó, việc gia tăng dân số cơ học thiếu kiểm soát vùng đô thị cũng góp phần phá vỡ nhiều quy hoạch cơ sở hạ tầng, tăng ô nhiễm, kẹt xe, rác thải, nước thải, tai nạn công nghiệp…

Đã có một dạo những nhà đạo đức lên án chuyện "bia ôm toàn con gái miền Tây". Đâu chỉ vậy, miền Tây còn có những xóm Đài Loan, xóm Hàn Quốc, đảo Việt kiều…

Nhiều người ngậm ngùi nói rằng xóa đói giảm nghèo thiết thực, hiệu quả có được ở miền Tây đó là nhờ Đảng và Nhà nước "cho phép" những cô gái hiếu thảo, tự nguyện làm những nghề gọi là "tệ nạn xã hội" hay mại dâm trên khắp vùng miền, những "khu đèn đỏ" nước lân cận hoặc chấp nhận lấy chồng các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Mã Lai… để có cơ hội, thu nhập cao hơn bình thường giúp đỡ gia đình.

Rất nhiều cô gái đi "hành nghề" giúp được bố mẹ già, tưởng chừng cả đời ở nhà lá, nay được ở nhà xây ấm áp, những đứa em trai có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, thành người có ích cho xã hội.

Cù lao Tân Lộc, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Cần Thơ nằm tách biệt với đất liền, bao quanh bởi dòng sông Hậu. Để đến đây phải đi qua đò. Hiện có 5 bến đò đặt ở các vị trí khác nhau, hoạt động ngày đêm để đưa người dân, khách du lịch… qua sông.

Đường đi khó, nhưng vào sâu trong làng, từng con đường được láng nhựa sạch sẽ. Những căn nhà cao tầng, xây theo phong cách biệt thự khang trang.

Một viên chức địa phương cho biết, cả phường Tân Lộc hơn 7 ngàn hộ dân, khoảng 29 ngàn nhân khẩu, nhưng có hơn một ngàn cô gái lấy chồng nước ngoài. Trung bình 10 nhà thì 8 nhà cho con gái lấy chồng ngoại quốc.

Gần chục năm qua, việc các cô gái lấy chồng Đài Loan ở Tân Lộc đã giảm hẳn. Nếu như trước đây 10 cô gái qua đó làm vợ thì giờ chỉ còn 2-3 người. Đổi lại, các gia đình định hướng cho con chuyển sang lấy chồng… Hàn Quốc.

Nguyên nhân được giải thích rằng : "Lương ở Đài Loan chỉ có mười mấy triệu một tháng, trong khi đó, ở Hàn Quốc mấy chục triệu. Mấy gia đình có con lấy chồng Hàn Quốc, xây nhà to và cao lắm".

"Đừng chỉ trích nữa, hãy làm cái gì đó, mình chưa cho họ bát cơm nào thì chỉ trích làm gì ?" – một ý kiến đầy chua chát trong bối cảnh người đứng đầu Đảng và Nhà nước luôn một mực tin rằng, "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay"…

Định Tường

Nguồn : VNTB, 15/07/2023

**************************

Để miền Tây… bớt nghèo

Hiền Vương, VNTB, 14/07/2023

Trong 10 năm đã có hơn 1,3 triệu người đồng bằng sông Cửu Long xuất cư.

mientay2

Miền Tây sẽ cơ bản duy trì mô hình sản xuất hiện nay tại các địa phương cho đến 2030

Trong Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 nêu ra "ba vòng xoáy đi xuống" của vùng đất giàu tiềm năng, nhiều thách thức này là : vòng xoáy ngân sách, vòng xoáy lao động và vòng xoáy cấu trúc kinh tế vùng.

Thứ nhất, vòng xoáy ngân sách : Chính là thiếu đầu tư tương xứng của Nhà nước thời gian dài cho các khâu then chốt trong phát triển vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, logistics.

Thứ hai, vòng xoáy lao động : Đây là tình trạng thiếu việc làm tại chỗ, người trẻ tuổi bị "đẩy" ra khỏi vùng, lên Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, dẫn đến sự suy giảm trầm trọng số lượng lẫn chất lượng lao động. Kết quả Tổng điều tra dân số, nhà ở năm 2019 chỉ ra, trong 10 năm đã có hơn 1,3 triệu người đồng bằng sông Cửu Long xuất cư.

Thứ ba, vòng xoáy cơ cấu kinh tế vùng : Vấn đề này được cho là sự "thiên lệch" trong việc thực thi "sứ mệnh an ninh lương thực". Cả ba vòng xoáy này đều liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực.

Điều đó đã và đang khiến cho đồng bằng sông Cửu Long từ một vùng đất giàu tiềm năng phát triển, bỗng trở nên ì ạch ; dù đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế nằm kế Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, song không được hưởng lợi để phát triển.

Dưới góc độ là một nhà nông học, người có nhiều tâm huyết với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho rằng, từ năm 1989 đến nay, suốt 32 năm, nông dân trồng lúa đã làm rạng rỡ nước nhà, đặt Việt Nam vào vị trí top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.

"Tuy nhiên, người trồng lúa vẫn chưa làm giàu được do chạy theo sản lượng bằng việc sử dụng quá nhiều hóa chất, giá thành cao, chất lượng thấp, vừa phí phạm nước tưới. Trong khi đó, một số ít nông dân đã làm giàu nhờ chuyển sang sản xuất những loại cây con khác không phải cây lúa.

Hiện nay, cây lúa Việt Nam phải sống chung với biến đổi khí hậu như nước lũ, hạn, mặn xâm nhập vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa làm nhiệm vụ chính trị để bảo đảm an ninh lương thực cho toàn xã hội, vừa làm nhiệm vụ kinh tế…" – Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân phát biểu từ góc nhìn… lý thuyết.

Sở dĩ gọi là lý thuyết, vì theo một nhìn nhận của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thì, "thay đổi nền sản xuất lúa gạo là vấn đề không dễ, thực hiện việc thay đổi đó càng khó khăn hơn. Nếu hệ thống canh tác lúa hiện tại không thay đổi, mà tiếp tục được duy trì thì thu nhập người nông dân sẽ không cải thiện, chưa kể gây nguy cơ suy giảm tài nguyên, lãng phí đầu vào và đặc biệt là gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như khiến cho quá trình biến đổi khí hậu xảy ra nhanh hơn".

Ý kiến trên của người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam được nêu tại hội thảo tham vấn Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long", tổ chức mới đây ở tỉnh Hậu Giang.

Trong một diễn biến liên quan chuyện cây lúa ở miền Tây, hôm 7/7/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 816/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, giai đoạn đến 2030, cơ bản duy trì mô hình sản xuất hiện nay tại các địa phương ; sau năm 2030, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo phân vùng sinh thái đã được xác định trong quy hoạch vùng, trong đó việc chuyển đổi chủ yếu diễn ra ở vùng sinh thái mặn-lợ và vùng chuyển tiếp ngọt-lợ.

Công việc hiện tại là tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi và nghiên cứu điều chỉnh quy chế vận hành hệ thống thủy lợi. Trong đó, tiến trình thực hiện theo hướng từ ngoài vào trong, từ vùng ven biển mặn-lợ đến vùng chuyển tiếp ở giữa đồng bằng. Tiến hành đồng thời với quá trình này là xây dựng và triển khai các chương trình, cơ chế chính sách hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi sản xuất, đặc biệt là hỗ trợ người dân trồng lúa 3 vụ chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị và hiệu quả kinh tế cao khác…

Xem ra những quyết sách mà Đảng và Nhà nước đang hoạch định cũng chỉ nhắm đến bước đầu để giúp miền Tây… bớt nghèo (!?)

Hiền Vương

Nguồn : VNTB, 14/07/2023

*************************

Chuyện đau lòng ở Kiên Giang : bé gái tử vong vì "nhà thiếu gạo"

Hồng Dân, VNTB, 13/07/2023

Ông Thạch Thuận, chú ruột của bé gái cho biết, T. thường mò cua, cá về nấu cho các em ăn trong những ngày nhà thiếu gạo.

mientay3

Bé gái T. thường mò cua, cá về nấu cho các em ăn trong những ngày nhà thiếu gạo.

Chuyện đau lòng xảy ra ở quê nhà của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Ngày 13/7/2023, bác sĩ Vũ Hoài Phương – Khoa Cấp cứu, bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang xác nhận, có 1 trường hợp được đưa đến Khoa Cấp cứu nhưng đã tử vong vào chiều 12-7. Bác sĩ Phương (trực cấp cứu ca bệnh) cho biết, bệnh nhân T.T là bé gái sinh năm 2010 ngụ xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành.

Bệnh án cho biết bệnh nhân nhập viện lúc 14g36 ngày 12-7 trong tình trạng ngừng thở, tím tái toàn thân, mạch bẹn cảnh không bắt được, tim không nghe, phổi lồng ngực mất di động. Các bác sĩ đã tiến hành kiểm tra, cấp cứu cho bệnh nhân như bóp bóng giúp thở, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, mắc monitor theo dõi… Chẩn đoán của bác sĩ là đột tử chưa rõ nguyên nhân.

Theo lời khai lúc vào viện của bà T.L (mẹ bệnh nhân), bé ăn cua, cá lau kiếng luộc cùng trứng cá kiếm được trong hang. Khoảng 1 tiếng sau, người thân phát hiện bé mê man, sùi bọt mép nên đưa đi cấp cứu.

Gia đình cháu bé cho biết, nạn nhân thường mò cua, cá về nấu cho các em ăn trong những ngày nhà thiếu gạo. Trứng cá lau kiếng không nằm trong bụng cá mà thường tìm thấy trong hang cá. Trứng có màu vàng, từng chùm. Khu vực ao bé gái bắt cá, cua đã bỏ hoang nhiều năm sau khi chủ ao nuôi cá thua lỗ.

Tham vấn ý kiến từ bác sĩ Bùi Ngọc Thành, Trưởng khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, thì ở bệnh viện nơi ông làm việc chưa từng tiếp nhận trường hợp ngộ độc do cá hay trứng cá lau kiếng.

Theo kinh nghiệm thực tiễn, ông ghi nhận trứng cá nóc và mật cá trắm có độc nhưng bệnh nhân không thể diễn tiến tử vong trong vài giờ. "Không loại trừ khả năng bé ăn phải trứng cá bị nhiễm độc từ môi trường bên ngoài", bác sĩ Thành nói.

Ông Thạch Thuận, chú ruột của nạn nhân nói rằng ông cùng nhiều người trong xóm từng ăn loại trứng cá này nhưng không xảy ra chuyện ngộ độc.

Vấn đề cần đặt ở đây không phải là chuyện "trứng cá" hay "cua" nhiễm độc ra sao, có phải từ chuyện "dư lượng thuốc trừ sâu" trên đồng ruộng, mà là ở lý do của việc phải ăn "trứng cá", đó là một bé gái 13 tuổi đã phải "thường mò cua, cá về nấu cho các em ăn trong những ngày nhà thiếu gạo".

Bé gái tuổi 13 này lại ở tại tỉnh Kiên Giang của xứ miền Tây nổi tiếng là vựa gạo không chỉ nuôi được cả nước, mà còn xuất khẩu đứng trong 3 quốc gia hàng đầu của thế giới.

Bé gái tuổi 13 ấy ở hôm nay không phải là cô bé tuổi 13 thuở nào của miền Nam mà thi sĩ Nguyên Sa đã phải :

"Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám ?

Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba…".

Trong một văn bản có tên "Quyết định phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo và hộ cận nghèo năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang" mà người viết bài này có được, thì tổng số hộ dân cư trên địa bàn tỉnh là 465.665 hộ ; trong đó hộ dân tộc thiểu số là 69.226 hộ.

Tổng số hộ nghèo của Kiên Giang hiện nay là 8.854 hộ, chiếm tỷ lệ 1,90% ; trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số 2.552 hộ ; tỷ lệ 3,68%. Hộ cận nghèo có 14.787 hộ, chiếm tỷ lệ 3,18% ; trong đó, hộ cận nghèo dân thiểu số 3.871 hộ, tỷ lệ 5,59%.

Ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, nhà chức trách nói rằng có 5954 hộ, nhưng số hộ nghèo chỉ có 85 hộ, cận nghèo là 99 hộ.

Như vậy, xem ra chuyện đau lòng ở trên khi phải "thường mò cua, cá về nấu cho các em ăn trong những ngày nhà thiếu gạo" chỉ chiếm tỷ lệ 1,43% ở huyện Châu Thành, mà lại còn nhằm vào "hộ nghèo dân tộc thiểu số". Tỷ lệ này, vì lẽ ấy, cho thấy một góc nhìn khác về phân hóa giàu – nghèo đến cùng cực của vấn đề sắc tộc ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hồng Dân

Nguồn : VNTB, 13/07/2023

Additional Info

  • Author Định Tường, Hiền Vương, Hồng Dân
Published in Diễn đàn