Thái độ chán học Mác và ngán nghe theo lời Bác dạy lan tràn trong sinh viên, học viên các trường đảng đã làm cho tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong Đảng tăng cao đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Vì vậy, vấn đề là làm sao "chữa được "bệnh" ngại học lý luận chính trị ở sinh viên : Bất ổn cách dạy và cách học".
"Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp" - Tiến sĩ Nguyễn Văn Ký của Học viện Hậu cần, Bộ Quốc phòng
Theo báo Quân đội Nhân dân ngày 22/02/2022, thì : "Thực tế cho thấy, một số lượng lớn đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy các môn lý luận chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, còn lúng túng trong quá trình cập nhật những kiến thức mới. Một bộ phận cán bộ giảng dạy không tích cực trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá sinh viên. Giảng dạy thuyết trình theo kiểu tiếp nhận một chiều còn khá phổ biến ; chưa phát huy hết tính sáng tạo và tư duy phản biện của người học dẫn tới tâm lý chán nản, không hứng thú ở người học, học chỉ là để thi qua môn, học đối phó chứ không phải "học để hành" như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Nguyên nhân, theo lời Tiến sĩ Vũ Thị Thu Lan, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Kiến thức cơ bản, Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ : "Trước đây, đội ngũ giảng viên dạy những môn học lý luận chính trị, nhất là Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học thường là những học viên rất giỏi, xuất sắc, được Nhà nước chọn lọc, cử đi học ở các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu. Được tiếp nhận kiến thức từ những chuyên gia hàng đầu nước bạn về những môn học này nên họ có kiến thức, kỹ năng, phương pháp, tầm nhìn xa và rộng hơn rất nhiều. Với nền tảng kiến thức như vậy, những giảng viên đó ngay ban đầu tạo ra sự hứng thú rất lớn cho người học. Còn hiện nay, thực tế ngành học này không mấy hấp dẫn thí sinh nên điểm tuyển sinh khá thấp. Bên cạnh số ít thí sinh đến với ngành học vì ham mê, những thí sinh khác đến với ngành học không đúng với nguyện vọng ban đầu. Khi bản thân người dạy không đủ niềm say mê, thiếu cả tâm lẫn tầm, họ khó lòng "truyền lửa" khi đứng trên bục giảng".
Hậu quả là : "Hiện nay, lớp học lý thuyết của các môn lý luận chính trị rất hiếm khi có dưới 40 sinh viên, mà thường hơn 100 sinh viên".
Như vậy : "Có phải sinh viên, cán bộ chán học Mác – Lênin không ?", Giáo sư Tiến sĩ Đàm Đức Vượng đặt câu hỏi trong một bài viết phổ biến trên mạng.
Ông Vượng thừa nhận rằng : "Trên các trang mạng gần đây đăng bài "Lý do sinh viên, cán bộ chán học Mác – Lênin". Bài viết nêu lý do sở dĩ sinh viên, cán bộ chán học Mác – Lênin vì "Lý thuyết của Mác khô khan, cứng nhắc". "Chủ nghĩa Mác sai ngay từ gốc". "Đem áp dụng Mác vào thực tế có thể mang lại một ít quyền lợi vật chất cho tầng lớp vô sản, lừa dối được những người nhẹ dạ cả tin vào tương lai tươi sáng của chủ nghĩa xã hội và cộng sản, nhưng mang lại nhiều tai họa và đổ nát cho nhân loại. Chủ nghĩa Mác phạm phải sai lầm từ các tiền đề, phương pháp luận nghiên cứu, chứa đựng nhiều dối trá, nhiều ngụy biện. Nó tạo nên một "giai cấp mới" với nhiều đặc quyền đặc lợi, nó là kẻ thù của nhân loại tiến bộ". "Tôi nghĩ rằng, đối với Mác, thì nên chọn con đường đánh đổ hơn là chọn cách bổ sung, sửa chữa, hoàn thiện. Không thể sửa chữa đã sai ngay từ gốc rễ".
Giáo sư Vượng không đồng ý. Ông nói : "Tôi phản đối toàn bộ những nhận định sai trái trên đây về chủ nghĩa Mác – Lênin. Việc nói rằng, lý do sinh viên, cán bộ chán học Mác – Lênin là không đúng, nhận định này là vơ quàng, vơ xiên".
Ông còn gay gắt : "Mọi luận điệu cho rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin sai ngay từ đầu, là luận điệu phản động, cần phải phê phán và bác bỏ".
Tuy nhiên, sau đó ông Vượng nhìn nhận môn học này không hấp dẫn với sinh viên là do : "Việc ngại học Mác – Lênin không phải do nội dung môn học Mác – Lênin, mà do người giảng thiếu kiến thức và tính hấp dẫn. Người giảng không nghiên cứu từ gốc lý luận Mác – Lênin, mà nghiên cứu từ ngọn, có nghĩa là nói theo giáo trình đơn thuần mà thiếu sự gắn lý luận với thực tiễn trong khi giảng dạy, ít có những dẫn chứng sinh động, gây khô khan, thiếu sự hiểu biết tường tận về chủ nghĩa Mác – Lênin".
Ngoài môn học Mác-Lênin, sinh viên còn phải học thêm hai môn "Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam" và " Tư tưởng Hồ Chí Minh" để đủ điều kiện ra trường.
Nhưng ngoài thiếu sót của đội ngũ giảng viên, ai cũng biết sinh viên chán học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vì những môn học này không giúp họ kiếm ra tiền.
Ai coi thường Bác ?
Thực tế là như vậy, nhưng Đảng lại cố tình không nhìn nhận giới trẻ đã chán Mác và ngán học Bác đên tận mang tai. Đảng đổ tội cho điều được gọi là "diễn biến hòa bình" của "các thế lực thù địch" đã ảnh hưởng đến sinh viên khiến họ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ; nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước".
Vì vậy, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ký của Học viện Hậu cần, Bộ Quốc phòng đã kêu gọi trên Tạp chí cộng sản ngày 11/06/2023, phải : "Tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin, luận điệu sai trái, những biểu hiện tiêu cực của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, nhất là trên các phương tiện truyền thông xã hội ; khắc phục tình trạng "nhạt Đảng", "khô đoàn", "xa rời chính trị".
Ông Ký chê trách : "Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp". Văn kiện Đại hội X, nhiệm kỳ 2018 - 2023, của Hội Sinh viên Việt Nam đánh giá : "Một số ít sinh viên còn thờ ơ về chính trị, sống thiếu lý tưởng, lệch lạc về quan điểm sống, dễ bị ảnh hưởng của những trào lưu không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không lành mạnh, mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Không ít sinh viên thiếu ý chí phấn đấu, không tích cực học tập, thiếu kỹ năng thực hành xã hội, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động sau khi ra trường.
Đặc biệt, còn có "một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp".
Bài viết của Tạp chí cộng sản, cơ quan báo chí hàng đầu của Hội đồng lý luận Trung ương, còn vạch cho thấy : "Ở một số trường, việc dạy và học các môn lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa được coi trọng đúng mức ; một số giảng viên, sinh viên, thậm chí cả các bậc phụ huynh coi đó là môn học phụ, việc dạy và học chưa tạo được hứng thú cho người học, chất lượng chưa cao. Nội dung, chương trình, phương thức giáo dục chậm đổi mới, chưa thật gắn kết, phù hợp, thiếu hấp dẫn, lôi cuốn sinh viên. Đội ngũ làm công tác giáo dục lý luận ở nhiều nơi còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Những tồn tại này gây ảnh hưởng đến ý thức chính trị của sinh viên. Một bộ phận sinh viên chưa có nhận thức chính trị đầy đủ, đúng đắn".
Do đó Tạp chí này kêu gọi : "Cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng. Đổi mới toàn diện việc dạy và học chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tại các trường đại học, cao đẳng… Các trường đại học, cao đẳng cần có biện pháp tổ chức giảng dạy, học tập phù hợp để việc học thực chất, hiệu quả, người học được trang bị những vấn đề cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó có nhận thức và niềm tin chính trị đúng đắn. Trước hết, xây dựng chương trình các môn lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay phải bảo đảm tính mở, thường xuyên bám sát sự phát triển của lý luận và thực tiễn, nhất là về sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta…".
Đảng viên không được phản bác, phủ nhận, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng
Nhưng đâu phải chỉ có thầy và trò đã coi thường việc học theo Mác và làm theo Bác. Ngay cả cán bộ đảng viên cũng thờ ơ với việc học "lý luận chính trị" từ năm 2017.
Một bài viết trên báo Quân đội Nhân dân thừa nhận tình trạng này : "Đáng buồn hơn, không ít cán bộ mặc nhiên sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, vô tư trò chuyện mà quên đi việc tập trung chú ý lắng nghe báo cáo viên, giảng viên truyền thụ kiến thức lý luận. Thậm chí, sau mỗi đợt học tập chính trị tập trung, nhiều cán bộ còn "bỏ quên" tài liệu, văn kiện tại giảng đường, dưới gầm bàn… Sau học tập, một số cán bộ "nói" như thể hiểu thấm thía nội hàm nghị quyết, "phán" chủ trương của Đảng một cách chủ quan, phương phưởng, theo lối "đúng thì không hẳn, mà sai thì chưa phải". Những vấn đề mới, hệ trọng trong nghị quyết vừa được ban hành không được cán bộ, đảng viên chú trọng, lưu tâm nghiên cứu, cập nhật…". (QĐND, ngày 18/05/2017) .
Hậu quả trước mắt là đã có "một bộ phận" cán bộ, đảng viên trí thức công khai bài bác chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng cộng sản Hồ Chí Minh. Họ đòi "dân chủ hóa chế độ" và "bầu cử tự do" để đoàn kết toàn dân xây dựng đất nước.
Ngược lại, đảng tiếp tục ra Nghị quyết "kiên định" và "tuyệt đối trung thành" với chủ nghĩa cộng sản ; duy trì một đảng cầm quyền và độc quyền báo chí.
Đó là lý do tại sao giới trẻ Việt Nam nói chung và sinh viên nói riêng đã thờ ơ với sinh hoạt đảng và không muốn học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Phạm Trần
(23/10/2023)