Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Người phụ nữ trẻ trong bức hình giờ hai tay ra sau gáy, trông như đầu hàng. Trán cô nhăn lại, cặp mắt tỏ vẻ mệt mỏi kiệt lực. 

"Rất tiếc, đó là tất cả những gì tôi tìm được", Ivana Dolezalova nói, vuốt cho phẳng tấm hình đen trắng trên bàn.

praha1

Ivana Dolezalova hồi 1968 và hiện nay

Bức hình chụp Ivana khi đó 19 tuổi, hồi 1968, khi xe tăng Liên Xô gầm rú tiến vào Tiệp Khắc trong đêm, tôi nghĩ. Tôi băn khoăn tự hỏi không rõ bức ảnh được chụp khi nào.

"À, nó không liên quan gì tới cuộc xâm chiếm", bà nói như thể đọc được ý nghĩ của tôi. "Tôi có một số ảnh chụp hồi 8/1968, nhưng có người mượn và chẳng bao giờ đem trả lại cả".

Chúng tôi ngồi tại Jungmannovo Namesti, một quảng trường nhỏ của Prague, được đặt tên theo nhà ngôn ngữ học hồi thế kỷ 19, người đã sáng tạo ra ngôn ngữ Czech.

Ivana, bản thân là một người phiên dịch, một học giả và là một phóng viên, vẫn nhớ một cách sống động những ký ức về sự kiện này.

"Trong ba ngày đầu tiên, tôi và các bạn học từ trường trung học và các giáo viên đã tới chỗ những chiếc xe tăng, nói chuyện với những người lính ngồi trên đó".

"Chúng tôi cảm thấy rằng đó hẳn phải là sai sót nào đó, và chúng tôi muốn giải thích với họ như thế. Tất nhiên như thế thật là quá ngây thơ, nhưng anh biết đấy, khi đó chúng tôi mới 19 tuổi, lại hoàn toàn đang bị sốc nữa", bà giải thích.

Những người lính ấy là một phần trong số 250 ngàn quân từ năm quốc gia ký Hiệp ước Warsaw tràn vào xâm chiếm Tiệp Khắc từ phía bắc, đông và nam.

Khi đó, họ được Moscow điều tới để đàn áp cái gọi là Mùa xuân Prague - phong trào cải cách tự do hóa của nhà lãnh đạo cộng sản Tiệp khi đó, Alexander Dubcek.

"Cho nên chúng tôi đi tới từng quảng trường và nói với họ 'hãy về nhà đi, không có phản cách mạng, chúng tôi rất ôn hòa, không ai muốn làm điều gì gây hại cả'", Ivana nói.

praha2

Xe tăng Liên Xô tiến vào đường phố Prague hôm 21/8/1968

"Họ có vẻ như lắng nghe trong những ngày đầu tiên đó. Cũng không lạ, bởi chúng tôi chỉ có tay không, không vũ khí", bà nói.

Những cuộc trao đổi của họ với binh lính Xô-viết kết thúc bất ngờ khi một trong những người lính tưởng lầm một chiếc máy ảnh là khẩu súng, và bắt đầu bắn chỉ thiên.

Đóng cửa biên giới

Các sử gia nói 108 dân thường người Czech và Slovakia bị giết chết trong bốn tháng xâm chiếm ; nhiều người trong số này bị xe tăng và xe tải Nga cán chết.

Đến 1969, khi các đoạn biên giới bị đóng, có chừng 100 ngàn người đã bỏ chạy khỏi đất nước, và nhiều người khác nữa đã ra đi cho tới khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, hồi 1989.

praha3

Một số người Czech ném bom xăng, nhưng lực lượng xâm chiếm vẫn áp đảo về sức mạnh

Những người ở lại phải có lựa chọn rõ ràng : hoặc là từ bỏ việc chống đối sự chiếm đóng của Liên Xô và chấp nhận "bình thường hóa" xã hội, hoặc sẽ bị mất việc, mất sự nghiệp, mất cơ hội cho con cái vào đại học.

Hàng ngàn số phận đã bị hủy hoại do việc ra những quyết định có tính đạo đức là điều khó khăn. Nhiều người chọn cách sống lưu vong ở ngay trong nước, chọn theo đuổi những thứ vô thưởng vô phạt như thể thao, đi bộ hay tìm đến các khu trang trại nông thôn dịp cuối tuần, nơi họ có thể tránh khỏi sự ngột ngạt đàn áp của xã hội sống theo kiểu xã hội chủ nghĩa thời thập niên 1970.

Dubcek - người bị còng tay đưa lên máy bay sang Moscow - trở về và trở thành một người 'đàn ông gục ngã'. Ông giữ chức đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ trong một thời gian ngắn, trước khi được trao vị trí quan chức nhỏ trong ngành lâm nghiệp của Slovakia.

praha4

Nhà làm phim Filip Remunda thấy ngạc nhiên về một số thái độ ứng xử của Nga ngày nay

Nhà làm phim người Czech Filip Remunda đã tới thăm lại những nơi xảy ra chuyện hồi mùa hạ năm đó để làm bộ phim tài liệu mới, Cuộc chiếm đóng 1968, là phim giới thiệu về các phim do năm nhà đạo diễn từ năm quốc gia từng tham gia Hiệp ước Warsaw có can dự vào "Chiến dịch Danube" thực hiện.

"Đây là lần đầu tiên từ trước tới nay chúng tôi có thể cho mọi người thấy cuộc chiếm đóng từ góc nhìn của những kẻ đi xâm chiếm", ông nói.

"Điều thực sự khiến tôi ngạc nhiên là một trong những người lính Nga, nay là một vị tướng, nói với tôi rằng ông vẫn tin đó là chiến dịch quân sự thành công nhất trong lịch sử", Remiunda nói với BBC.

"Ông ấy cũng tin rằng ông tới đó là bởi có phong trào phản cách mạng, rằng chúng tôi có những căn hầm chứa đầy vũ khí, rằng một sư đoàn Mỹ đã xâm nhập vào Tiệp Khắc và một sư đoàn Nga đã đẩy lui được họ. Họ tin rằng đó là khoảnh khắc mà họ đã chặn được sự bùng nổ của Đại chiến Thế giới thứ ba".

"Đây là cách nhìn nhận của các vị tướng trong quân đội Nga. Đã 50 năm trôi qua và họ vẫn nghĩ theo lối Xô-viết cũ", ông nói .

Quên đi lịch sử

Tiến sỹ Josef Skala, một thành viên có nhiều ảnh hưởng trong Đảng Cộng sản Czech thời hiện đại, nói rằng cuộc xâm chiếm cần phải được nhìn nhận trong bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn.

"Nó xảy ra trong giai đoạn thế giới lưỡng cực, cả hai siêu cường đều thúc đẩy cho quyền lợi của họ thông qua sức mạnh quân sự", ông nói với BBC.

praha5

Nhà lãnh đạo Tiệp Khắc Alexander Dubcek muốn có "chủ nghĩa với khuôn mặt con người"

"Khi Liên Xô xâm lược, không có bom napalm. Không có Chất Da cam. Phụ nữ Czech không bị buộc phải làm gái mại dâm phục vụ binh lính Liên Xô", ông nói, đưa ra so sánh với cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

"Hiển nhiên là không ai vui về việc cuộc khủng hoảng lại được xử lý theo cách đó. Nhưng nếu như quý vị hỏi về bối cảnh địa chính trị - thì nó là như vậy".

Quá nhẹ nhàng nếu so với cách diễn giải của người Nga. Một bộ phim tài liệu gần đây được phát trên kênh truyền hình Nga mô tả những cải cách của ông Dubcek như một cuộc đảo chính mang màu sắc phát xít, và nói rằng Nato đang lăm le xâm chiếm.

Ivana Dolezalova không quá lo lắng về việc Nga đưa ra thông tin mà quan tâm nhiều hơn tới nguy cơ lãng quên lịch sử của người Czech.

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy một nửa số người Séc trẻ tuổi không biết chuyện gì đã xảy ra vào năm 1968.

Bà cũng nhìn thấy những điểm tương đồng đáng lo ngại giữa việc "bình thường hóa" của cộng sản thời thập niên 1970 và nền chính trị Séc đương đại, vốn đã nghiêng về cánh hữu kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng di dân.

"Tất nhiên nó có hình dạng khác nhau, nhưng nó có thể trở thành một loại chế độ độc tài. Vấn đề mà tôi thấy ở đồng bào mình là rất nhiều người trong số họ không bận tâm về điều đó", bà nói với tôi.

"Nhiều người, đặc biệt là ở nông thôn, sẽ nói với bạn rằng nếu Putin nắm vai trò lãnh đạo thì ít nhất mọi thứ cũng còn diễn ra trong trật tự", Ivana nói.

"Biên giới sẽ bị đóng cửa. Và điều tồi tệ nhất là họ sẽ không bận tâm đến việc bị đóng cửa".

Published in Diễn đàn