Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, Lê Thanh Thản, dự kiến ra tòa trong tháng sáu
Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, ông Lê Thanh Thản, dự kiến sẽ bị đưa ra xét xử vào tháng sáu tới đây.
Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, ông Lê Thanh Thản - Người Lao Động
Thông tin được Phát ngôn nhân Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô, đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng tư tại Hà Nội. Theo lời ông Xô, đây cũng là một vụ án phức tạp phải điều tra bổ sung đến năm lần kể từ năm 2019 đến nay.
Vào ngày 5/7/2019, ông Lê Thanh Thản bị Công an Thành phố Hà Nội khởi tố nhưng không áp dụng biện pháp ngăn chặn.
Đến ngày 21/4/2023, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội thông báo ban hành quyết định truy tố ông về tội "Lừa dối khách hàng" liên quan đến một dự án xây dựng ở tỉnh Hà Tây (cũ) từ năm 2008. Ông Thản bị cáo buộc đã bán 488 căn hộ cho 488 khách hàng không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (Sổ đỏ) thu lợi bất chính tổng số tiền là 481 tỷ đồng.
Ông Thản bị truy tố theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015. Khung truy tố ở tội này, hành vi lừa dối khách hàng có thể bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Cùng bị truy tố với ông Thản còn có một loạt các quan chức khác của quận Hà Đông bao gồm : Đỗ Văn Hưng (nguyên Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) ; Nguyễn Duy Uyển (nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng) ; Bùi Văn Bằng (nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng) ; Nguyễn Văn Năm (nguyên Chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông) ; Vương Đăng Quân (nguyên Phó Chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông) và Mai Quang Bài (nguyên cán bộ Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông). Những người này bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", theo Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999.
Theo cáo trạng được báo Nhà nước trích đăng, Dự án xây dựng có tên CT6 Kiến Hưng được UBND tỉnh Hà Tây quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500. UBND Thành phố Hà Nội sau đó không quyết định điều chỉnh quy hoạch xây dựng và cho phép Công ty Bế do ông Thản Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc được chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án.
Theo cáo trạng, từ tháng 10/2010, ông Thản đã chỉ đạo việc tổ chức thi công xây dựng công trình CT6 Kiến Hưng vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 đã được UBND tỉnh Hà Tây (nay là UBND Thành phố Hà Nội) phê duyệt.
Đến tháng 11/2012, công trình hoàn thành, từ tháng 1/2013 bàn giao cho các hộ dân vào sinh sống.
Cơ quan truy tố kết luận ông Thản đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nguồn : RFA, 05/05/2023
Vì sao hơn 3 năm bị khởi tố, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh chưa bị truy tố, xét xử ?
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tại buổi họp báo
Bộ Công an đã tổ chức họp báo thông báo tình hình kết quả công tác công an năm 2022. Thượng tướng Trần Quốc Tỏ chủ trì buổi họp báo.
Vướng phần nhân sự do Thành ủy Hà Nội quản lý
Tại buổi họp báo, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, cho biết ngày 5-7-2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản – người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh về hành vi Lừa dối khách hàng.
Đối với hành vi vi phạm của ông Lê Thanh Thản, cơ quan điều tra đã làm xong, liên quan đến quy hoạch, xây dựng, trách nhiệm. Tuy nhiên, trong cùng vụ án này, có hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", đối với cán bộ phường, thanh tra xây dựng, lãnh đạo quận Hà Đông. Đối với nhóm hành vi "Thiếu trách nhiệm…", cơ quan điều tra đã kết luận điều tra song Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã trả điều tra bổ sung.
Do vụ án liên quan đến cán bộ đảng viên nên Công an thành phố Hà Nội đã báo cáo Thành uỷ đã đưa vào diện Thường vụ Thành uỷ Hà Nội theo dõi.
Ông chủ Tập đoàn Mường Thanh có thể chỉ bị phạt tiền
Theo kết luận điều tra hoàn tất vào quý 1-2021, thì năm 2011, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định cho phép Công ty Bemes chuyển mục đích sử dụng đất đang thuê để thực hiện dự án CT6 Kiến Hưng. Tuy nhiên trước đó, từ tháng 10-2010, ông Thản chỉ đạo tổ chức thi công dự án CT6 Kiến Hưng và đến tháng 1-2013 thì bàn giao cho các hộ dân vào sinh sống.
Hiện trạng khu nhà cao tầng gồm 3 tòa tháp (CT6A, CT6B và CT6C) là căn hộ để ở, cao 32 tầng, với tổng cộng 1.582 căn hộ. Ngoài ra, khu nhà thấp tầng gồm 2 dãy nhà liền kề, 38 căn hộ, cao 4 tầng. Tại vị trí 513m2 đất để xây dựng trường mẫu giáo không có khu nhà trẻ, mẫu giáo, hiện là khu nhà thấp tầng. Công ty Bemes đã chuyển khu nhà trẻ, mẫu giáo vào phần nhà chung cư.
Cơ quan chức năng xác định dự án CT6 Kiến Hưng đã xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, tăng chiều cao công trình từ 31 lên 32 tầng, giảm 1 tầng hầm ; thay đổi công năng sử dụng một số khu dịch vụ thương mại thành căn hộ ở, xây dựng tăng từ 231 căn hộ và 495 phòng khách sạn lên 1.582 căn hộ. Số nhà thấp tầng cũng tăng từ 15 lên 38 căn…
Kết quả điều tra xác định tổng số căn hộ tại dự án là 1.620 căn, trong đó 934 căn đã được cấp sổ đỏ, 520 căn không được cấp sổ đỏ, 160 căn khách mua chưa làm thủ tục cấp sổ và 6 căn hộ chưa được bán.
Cơ quan điều tra nhận định các căn hộ được ông Lê Thanh Thản tổ chức xây dựng bất hợp pháp, không đúng quy hoạch phê duyệt. Vi phạm nghiêm trọng tại dự án này đã phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng, xã hội, nhu cầu trường học, bệnh viện, công tác phòng cháy… khi phải chịu áp lực số lượng người dân tăng đột biến khi sinh sống tại dự án.
Ông Thản bị đề nghị truy tố theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật hình sự năm 2015, với khung phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, hoặc phạt tù 1-5 năm.
Sáu bị can còn lại cùng bị đề nghị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có ông Nguyễn Duy Uyển (cựu chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, quận Hà Đông), Vương Đăng Quân (cựu phó chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông)…
Chờ phối hợp điều tra liên tỉnh
Việc xây dựng được gọi là "bất hợp pháp, không đúng quy hoạch phê duyệt" của Tập đoàn Mường Thanh theo ghi nhận, còn xảy ra tương tự ở dự án tại quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Theo đó, khối nhà chung cư tại tổ hợp khách sạn Mường Thanh và chung cư cao cấp Sơn Trà tự ý chuyển đổi công năng từ tầng 2-5 (từ công trình công cộng sang 104 căn hộ để bán) nên bị chính quyền tuýt còi.
Đầu năm 2018, UBND quận Ngũ Hành Sơn ra thông báo mời các hộ dân đã chuyển vào ở ra ngoài. Đồng thời, quận này cũng gửi giấy mời chủ đầu tư vào Đà Nẵng làm việc về các sai phạm của dự án…
Liên quan đến vụ việc này, khá bất ngờ là phía Tập đoàn Mường Thanh đã có quyết định khởi kiện về 1 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, gồm : 1 quyết định xử phạt và 1 quyết định sửa đổi của Chánh thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng.
Ngoài ra còn có 2 quyết định còn lại của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhằm áp dụng các biện pháp thi hành quyết định xử phạt hành chính của UBND quận Ngũ Hành Sơn và Sở Xây dựng.
Tuy nhiên đến tháng 11-2020, đại diện theo ủy quyền của ông Lê Thanh Thản đã có đơn gửi Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xin rút lại toàn bộ yêu cầu khởi kiện các quyết định xử lý vi phạm tại công trình chung cư Mường Thanh của UBND thành phố và ngành chức năng Đà Nẵng.
Tiếp đó, phía chủ đầu tư chung cư Mường Thanh đề xuất UBND thành phố Đà Nẵng đứng ra làm trung gian để giải quyết cho Mường Thanh và cư dân ; cho phép đơn vị đứng ra thương lượng với người dân để mua lại toàn phần diện tích nhằm tránh việc cưỡng chế gây bất lợi cho các bên…
Một nguồn tin khả tín cho biết, từ ngày 30-12-2019, cơ quan điều tra Công an Đà Nẵng thụ lý giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với hành vi vi phạm của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (chủ đầu tư Mường Thanh Đà Nẵng) tại dự án theo kiến nghị khởi tố của Sở Xây dựng. Tuy nhiên sau đó cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ giải quyết vì Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên-Môi trường chưa trả lời, cung cấp thông tin. Chủ đầu tư dự án và nhà thầu xây dựng (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Đức Đạt) cũng chưa cung cấp tài liệu liên quan đến dự án.
Công an thành phố Đà Nẵng cho biết sẽ tiếp tục liên hệ các doanh nghiệp và đề nghị Công an tỉnh Nam Định, Công an thành phố Hà Nội hỗ trợ thực hiện.
Đông Đô
Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh. Ông Thản được tại ngoại trong quá trình điều tra.
4 câu thơ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông. Ảnh : Mường Thanh.
Theo quyết định phê chuẩn khởi tố bị can, ông Thản bị khởi tố về tội "Lừa dối khách hàng" theo quy định tại điều 198 bộ luật Hình sự 2015. Theo báo VietnamNet, đây là tội ít nghiêm trọng nên người phạm tội này sau khi nhận tống đạt quyết định khởi tố bị can thì không bị tiến hành tạm giam và được tại ngoại.
Quyết định khởi tố lần này gây bất ngờ, mặc dù là tội danh nhẹ, bởi ông chủ Mường Thanh từng được Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng 4 câu thơ trong lần lưu trú tại Mường Thanh Grand Phương Đông (Nghệ An).
Mường Thanh, nơi thường xuyên đón tiếp đoàn cán bộ cấp cao của Trung ương về thăm các tỉnh thành, và đây cũng là nơi chọn mặt gửi vàng khi tổ chức các hội nghị, hội thảo của Trung ương. Nhiều quan điểm và thuyết âm mưu đặt ra, Mường Thanh liệu là sân sau của một Ủy viên Bộ Chính trị ?
Quyết định khởi tố bị can mặc dù liên quan đến sai phạm kinh tế, nhưng liệu có chuyển biến thành một tội trạng nặng hơn, trong bối cảnh mới đây nhất, Tổng giám đốc Nhật Cường Mobile bị khởi tố thêm tội rửa tiền (trước đó là tội buôn lậu) ?
"Rửa tiền", hoạt động mà nhà báo Trương Châu Hữu Danh úp mở trên Facebook cá nhân, rằng, khi anh tiết lộ Nhật Cường rửa tiền cho ai, chắc chắn nhiều người sẽ ngất. Nhưng qua cách nói này, thì có vẻ như "rửa tiền" đi liền "sân sau".
Quay trở lại với sự kiện Mường Thanh, đã đặt lại câu hỏi không hề mới : đây là nỗ lực chống tham nhũng để tìm ra những hành vi sai trái, hay đó là một cuộc thanh trừng chính trị ?
Kể từ khi lên đến vị trí Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam vào cuối năm 2011, chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng đã được khởi động, và tăng tốc khi ông năm giữ chức vụ Chủ tịch nước vào tháng 10/2018.
Tham nhũng trong mắt ông Trọng là nguyên nhân sâu góp phần làm gia tăng bất bình đẳng xã hội và tổn hại tính hợp pháp Đảng cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, chủ nghĩa hoài nghi cũng gia tăng về bản chất thực sự của chiến dịch đốt lò.
Tại sao ông Trọng ưu tiên hàng đầu là chống tham nhũng ?
Nhìn vào danh sách "bị đốt" trong thời gian qua, có thể thấy ông Trọng không chỉ đánh vào cấp độ "hổ" (nơi quan chức cao cấp), và "ruồi" (quan chức cấp thấp) trong lĩnh vực chính trị. Mà ông Trọng còn tập trung vào những mối quan hệ thân hữu với chính trị, bao gồm các tập đoàn lớn trong lĩnh vực bất động sản, vốn được cho là nơi cung cấp nguồn tiền dồi dào để không ít cá nhân vận động chính trị và ngồi ghế quyền lực.
Khôi phục danh tiếng của Đảng cộng sản Việt Nam, thu hẹp khoảng cách niềm tin giữa đảng – nhà nước Việt Nam với người dân. Nhưng trên hết là chặn đứng suy yếu đảng bởi tham nhũng và kỷ luật lỏng lẻo.
"Đốt lò" cũng là tạo ra một sự ủng hộ cho cá nhân chính trị (ông Trọng) và dàn nhân sự mới của ông. Thúc đẩy nhanh "đốt lò" là để sớm ổn định chính trị mới trong 10 năm tiếp theo (2021 – 2031).
Chiến dịch này tạo ra ảnh hưởng như thế nào ?
Niềm tin trong đảng, và niềm tin người dân đối với đảng thông qua ông Nguyễn Phú Trọng có vẻ nhích lên. Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, người chỉ trích tham nhũng và luôn thể hiện bức xúc xã hội trên trang Facebook cá nhân của mình cũng là một người bày tỏ sự nhiệt thành của cô đối với chiến dịch ông Trọng và cá nhân ông. Tham nhũng bị chặn đứng, quan chức bị khởi tố đem lại một cảm xúc xã hội mới. Và trong thời gian qua, số lượng tán dương chiến dịch dường như cao hơn so với số lượng bày tỏ hoài nghi và phủ nhận tính chất chống tham nhũng của "đốt lò".
Nó không thuần túy là chiến dịch, mà còn là "uy tín chính trị" và sinh mạng chính trị của chính ông Nguyễn Phú Trọng.
Trước khi chiến dịch "đốt lò" diễn ra, tham nhũng ở Việt Nam là sự tồn tại phổ biến của các mạng lưới tham nhũng (các lãnh đạo quyền lực). Những mạng lưới này không chỉ đe dọa đến sự liêm chính trong tổ chức của Đảng cộng sản Việt Nam, mà còn có thể đặt ra những thách thức chính trị tiềm tàng cho lãnh đạo cao nhất.
Chiến dịch "đốt lò" làm gia tăng niềm tin là có thật, cam kết của ông Trọng đối với chiến dịch đã từng bước được hiện thực hóa. Mặc dù vậy, quan điểm trọng kỷ luật đảng với cơ chế tự giám sát, thay vì một cơ chế độc lập để giám sát đảng vẫn là điều đáng lo ngại. Chính quan điểm này làm cho chiến dịch được nhìn thấy một cách mơ hồ là sự nhất thời, thanh trừng, thể hiện sự chuyên quyền.
Chiến dịch chống tham nhũng có ảnh hưởng lâu dài không ?
Để giữ vững tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị và xả van nén xã hội, thì Việt Nam cần tiếp tục thực hiện chống tham nhũng với tần suất lớn, và giữ vững nguyên tắc "đánh trên đầu xuống".
Tuy nhiên, chiến dịch chỉ giải quyết tham nhũng ở một cấp độ, và ở một khía cạnh cụ thể, đó là tham nhũng chính thức, liên quan đến các quan chức chính phủ, hợp đồng chính phủ, đất đai,… Nhưng có nhiều hình thức tham nhũng khác còn tồn tại, gây bức xúc xã hội mà cơ chế kỷ luật đảng vẫn chưa thể bén mảng đến, đó là tham nhũng vặt.
Do vậy, để thoát khỏi tham nhũng trong nền kinh tế, cái cần thiết là "cơ chế giám sát quyền lực", thong qua tăng cường luật pháp, tinh giản chính quyền, và tự do hóa báo chí vạch trần tham nhũng.
Làm thế nào để đo lường sự thành công của chiến dịch ?
Sẽ khó có định nghĩa thành công cho chiến dịch "đốt lò" này. Các quan điểm phát biểu, chỉ đạo liên quan đến chiến dịch chỉ là ngôn ngữ chung chung, không nêu rõ những tiêu chí nào để đảm bảo đánh giá.Một sự tích hợp kỷ luật đảng vào thực thi pháp luật để tiếp tục thể chế hóa chiến dịch đốt lò là điều cần thiết. Theo đó, chiến dịch cần hướng tới thiết lập một cơ chế để đảm bảo hạn chế thấp nhất phát sinh tham nhũng từ gốc.
Một chương trình nghị sự định hướng cải cách hệ thống chính trị có thể được đặt ra, gồm cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách bổ nhiệm và miễn nhiệm quan chức, giám sát tham nhũng bằng chức năng xã hội thông qua tự do báo chí,… Nhưng có vẻ, với phát biểu gần đây của ông Trọng và sự cam kết của Hà Nội với UPR (Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền), nó khó có thể đạt được.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VNTB, 12/07/2019
Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất thân là một người học văn, nên cách nói chuyện của ông hay có sự dẫn dụ, ẩn ý, và thể hiện sự đặc sệt một nguyên tắc nhất định. Ngay cả cách ông đặt tiêu đề cuốn sách : Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn’ cũng không thoát khỏi cách thức đó.
Lưu bút của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân sự kiện 25 năm Mường Thanh ra đời
‘Đốt lò’, ‘củi tươi’, ‘ngứa ghẻ’,… cũng là những cụm từ bình dân hóa ngôn ngữ chính trị, nhưng bên trong nó cũng hàm chứa những ý nghĩa chính trị to lớn.
Ví dụ, ‘đốt lò’ là cách thức đưa những cán bộ mà ông Nguyễn Phú Trọng coi là tham nhũng vào lò, dù nó ‘tươi’ như Ủy viên bộ chính trị thì vẫn bị truy tố. Nhưng như đề cập phía trên, cách nói của ông Nguyễn Phú Trọng là ‘ẩn ý’, thành ra, củi tươi cũng có loại củi của ta, của địch…
Cuộc chiến đốt lò hiện tại, nhìn ở tầm khái quát có thể nhận diện những người bị truy tố đang nằm cùng một chuỗi phía 'địch'.
Nhưng dù sao đi chăng nữa, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn khơi dậy niềm tin trong nhân dân. Bằng chứng là tính tích cực và phấn khởi về việc truy tố người tham nhũng trên mạng xã hội Facebook dang được đẩy lên, tất nhiên, đôi khi nó cũng khó tránh khỏi sự tác động từ phía lực lượng dư luận viên.
Vai trò ông Nguyễn Phú Trọng càng lên cao trong Đảng bao nhiêu, thì hình ảnh/chỉ đạo/lời nói của ông lại càng trở thành vật bảo tín.
Vật bảo tín là gì ? Là cách thức sử dụng uy tín của một người hoặc một vật để bảo trợ. Nếu trong buôn bán nó được hiểu qua thương hiệu, thì trong chính trị Việt Nam nó lại được hiểu ‘ông là con cháu của đồng chí nào’ ?
Tại sao phải đề cập đến bảo tín ? Số là vào tháng 10/2017, trong dịp Giáng sinh và mừng 25 năm thành lập tập đoàn Mường Thanh ở Vinh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghé và tham dự cuộc vui. Trong đó, ông để lại 4 câu thơ lưu niệm :
Lần này lại đến "phương Đông"
Tình xưa nghĩa cũ, mặn nồng "Mường Thanh"
Cố lên các chị, các Anh
Quê hương vẫy gọi, sử xanh lưu truyền.
4 câu thơ trên là sự ngưỡng vọng, là khích lệ, là nói lên mối tình thâm giao bền bĩ giữa người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam với doanh nghiệp thuộc ‘đại gia điếu cày’ Lê Thanh Thản.
‘Đại gia Lê Thanh Thản’, người được nhắc với hàng loạt khu vực đắc địa tại các tỉnh thành. Người mà khi nhắc đến phải nghĩ đến việc : khu vực nào sẽ bị 'băm nát' tiếp theo. Bởi doanh nghiệp do ông Thản đứng đầu từng có công rất lớn trong phá nát cảnh quan tại Vịnh Nha Trang - như báo giới chỉ điểm từ năm 2013. Ông Thản cũng nổi tiếng thông qua việc chạy chính sách để xây quá số căn, số tầng cũng như cho ra những công trình kém chất lượng nhằm tối đa hóa lợi nhuận của mình [1].
Mường Thanh cũng từng được lên báo nhiều kỳ trên Tuổi Trẻ và được đại biểu Hoàng Huy Được (huyện Ba Vì - Hà Nội) chất vấn liệu Mường Thanh có phải ‘củi ướt’ hay không ? Bởi dù liên quan đến các sai phạm tại các dự án, công trình đồ sộ ở các đô thị, đặc biệt là tại thủ đô Hà Nội nhưng mãi vẫn không khởi tố được. Báo Tuổi Trẻ ngày 07/07 đã đặt tiêu đề chất vấn, có hay không việc Mường Thanh ‘che mắt công quyền từ Bắc đến Nam’.
"Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản trong năm 2017 từng bị đồn thổi là sắp bị khởi tố
Ngày 30/11, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội trong cuộc họp báo trước HĐND thủ đô cho biết, cơ quan này vẫn đang xin ý kiến ba ngành tư pháp Trung ương để quyết định khởi tố vụ án sai phạm của tập đoàn Mường Thanh (bao gồm cả trốn thuế Nhà ở). Kết quả là, chưa đến một tuần sau (06/12/2017), ông Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội tuyên bố : Chưa đủ cơ sở khởi tố vụ án tại tập đoàn Mường Thanh.
Những tiến trình liên quan đến tinh thần thượng tôn pháp luật trong xử lý sai phạm doanh nghiệp với câu đề bút ‘cổ vũ, khích lệ’ tinh thần mang tính bảo tín nêu trên là một nghịch lý đặc sệt thể chế. Rõ ràng, sẽ khó thể tin được cái gọi là tinh thần ‘thượng tôn pháp luật’ của ông Giám đốc Công an thành phố Hà Nội hay kết quả Thanh tra Chính phủ về sai phạm Mường Thanh khi mà doanh nghiệp này được bảo trợ bằng 4 câu thơ lục bát như vậy.
‘Xin ý kiến 3 ngành tư pháp Trung ương’ liệu có phải là cách nói tránh ? Và như thế, bản thân 'xin ý kiến' chính là chờ sự chỉ đạo và xem động thái của phía Trung ương thế nào để quyết. Nếu Trung ương lắc đầu, thì dù có chục ông Giám đốc Công an cũng phải bó tay, cho dù có đầy đủ cơ sở về hành vi vi phạm của doanh nghiệp này.
Đó có phải là lý do vì sao, từ tháng 11/2017 trở đi, báo chí dần dần ‘cạn tư liệu’ về sai phạm Mường Thanh, sau thời gian doanh nghiệp này bị mổ sẻ trên báo chí nước nhà.
Cần nhắc lại, ngày mà Mường Thanh đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ngày sinh nhật tuổi 25, thì còn có thêm Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Cũng vì thế nên Mường Thanh mới tiếp tục tung hoành, đại gia điếu cày Lê Thanh Thản trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí nhân Tết Mậu Tuất, đã chia sẻ, ông đang xin làm nhà ở xã hội giá 6 triệu đồng/m2 tại Thành phố Hà Nội. Như vậy bằng cách này, ông Thản sẽ gián tiếp cấp ‘hộ khẩu’ cho người thu nhập thấp, và đây là cách thức phá nát đô thị nhanh nhất bằng cách nông thôn hóa thành thị.
Ông Lê Thanh Thản từng chia sẻ : quan trọng là người làm chính sách có muốn làm không thôi, chứ doanh nghiệp kiến nghị đề xuất thì rất khó.
Đây là nỗi lo thừa, bởi ngày 30/10/2017 đã minh chứng thế và lực vận động chính sách của 'đại gia điếu cày' đến đâu. Khi ông đã có bảo trợ, thì hãy an tâm là ‘đề xuất’ của ông sẽ sớm được người làm chính sách ‘muốn làm’, dù nó xâm hại lợi ích cộng đồng đi chăng nữa !.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 22/02/2018