Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cũng như bộ "côm lê", gồm có áo vét, cà-vạt, áo sơ mi, cái quần, đôi giày đúng tông đúng điệu, thì cái nón cối phải đi với đôi dép râu. Không ai đội nón cối mà không mang dép râu. Cũng như không ai "đóng" bộ "com lê" áo vét, sơ mi, cà vạt mà phía dưới lại "chân không" bao giờ.

noncoi1

"Đôi dép râu dẫm nát đời son trẻ

Chiếc nón tai bèo phủ kín nẽo tương lai".

Cái "mốt" nón cối dép râu, một "thời trang" đại chúng, cực kỳ "thịnh hành" ở Việt Nam sau 75. Cái hay của "mốt" này là ai mặc cũng được. Ở Sài gòn thời đó, ai mà "chơi" bộ "côm lê" này, nếu không phải là "cán bộ" Bắc cờ thì chắc chắn phải là "cách mạng ba mươi". Thành phần Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thời đó ít khi đội nón cối. "Thương hiệu" của họ là "chiếc nón tai bèo".

Nón cối hay nón tai bèo, cùng với đôi dép râu, đã "viết nên trang sử", trên lý thuyết là đưa cả nước lên "xã hội chủ nghĩa". Mà thực tế là đưa tất cả "xuống hàng chó ngựa", như hai câu "thơ" thời thế : "Đôi dép râu dẫm nát đời son trẻ, Chiếc nón tai bèo phủ kín nẽo tương lai".

Với cái nón cối và đôi dép râu Việt Nam xém chút xíu trở thành Bắc Hàn. Phước đức nhờ có mấy ông lãnh đạo dám "xé rào", dân mới có gạo ăn (chớ không ăn cỏ như dân Bắc Hàn).

noncoi2

Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (áo đen) và chiếc nón cối. Nguồn : Báo Hà Tĩnh

Cái "mốt" đội nón cối xem chừng quay trở lại. Bộ sậu chính phủ "liêm chính kiến tạo" của ông Phúc niểng, ai đi đâu cũng thấy đội cái nón cối. Bà Ngân đù năm ngoái thấy bận áo bà ba đội nón cối, vén quần đi thăm dân tình bị lụt. Dĩ nhiên là để "diễn tuồng" cho báo chí chụp hình. Sáng nay cũng thấy phái đoàn của Phúc niểng đi "công tác khắc phục bão số 10", đầu ai cũng có cái nón cối.

Mới hôm tựu trường hồi đầu tháng, hình ảnh báo chí đưa lên cho thấy các em học sinh, nam cũng như nữ, mặc đồng phục đội nón cối ngồi kín sân trường. Không biết mấy em có nghe thuyết giảng về "chủ nghĩa mác lê nin bách chiến bách thắng" như tụi tôi hồi đó (sau 75) hay không ?

noncoi3

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (là người đội nón cối). Nguồn : Báo Quảng Ngãi.

Không thấy ai mang dép râu. Nhưng "dấu hiệu" của việc đổi lại "mốt" cũ đội nón cối là gì ?

Là thể hiện sự "liêm chính" ?

Tôi thấy là không. Thời đó "đôi dép râu dẫm nát đời son trẻ". Thời đó ai cũng đói vàng mặt như nhau.

Nhắc lại là nếu không có các vụ "xé rào" thì dân tình thời "mang dép râu" đôi lúc cũng bứt cỏ mà ăn (như Bắc Hàn có thời kỳ như vậy).

noncoi4

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo ứng phó bão số 10 ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An - Infonet, 14/09/2017

Bây giờ ai cũng nhìn nhận những cán bộ "xé rào" là "sáng suốt". Tức gián tiếp nhìn nhận những thứ "rào cản" gọi là "xã hội chủ nghĩa" đó là "ngu xuẩn, tối tăm".

"Liêm chính" đóng vai trò nào trong xã hội tối tăm như vậy ?

Là thể hiện sự "dũng cảm" ?

Cũng thử chấp nhận bộ đội ngày trước là dũng cảm. Nhưng xã hội bây giờ, thời bình, đất nước cần phát triển, đâu cần thanh niên xung phong ra trận.

Cái đất nước cần là "trí tuệ", là "nếp sống văn minh". Đó là "kiến tạo".

Hô hào "cách mạng kỹ nghệ bốn chấm không", tựu trường bắt học trò đội nón cối. Khác chi hô hào "mang dép lốp đi vào vũ trụ" ?

noncoi5

Toàn bộ học sinh của trường đều mặc áo trắng, đội mũ cối trong ngày khai giảng năm học mới để lại ấn tượng và đẹp mắt trong mọi người.

Không biết chính phủ "liêm chính kiến tạo" đội nón cối của Phúc niểng dẫn dân tộc này đi tới đâu.

Chỉ cái việc đội nón cối là đã thấy viễn ảnh "đời son trẻ" của bọn sinh viên học sinh kia là bỏ không.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 17/09/2017

Published in Diễn đàn