Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Một ngày không có người Mễ" (A Day Without a Mexican) là tên của một cuốn phim do nhà đạo diễn Sergio Arau thực hiện năm 2004. Đây là một cuốn phim khôi hài - giả tưởng nói lên vai trò của người Mexican trong nền kinh tế của nhiều tiểu bang tại đất nước này.

aday1

Ở Mỹ chúng ta tất cả đều là di dân

Và đây cũng là cái tên chúng tôi mượn để nói về những hậu quả khi Tổng thống Donald Trump hủy bỏ văn kiện do bà Janet Napolitano, Bộ trưởng nội an của Hoa Kỳ ban hành ngày 15/6/2012 ấn định chương trình "Thực hiện theo quyết định của Công tố viên đối với những cá nhân đã đến Hoa Kỳ khi còn nhỏ", nay được gọi là "Tạm hoãn thi hành đối với hhững người đến Mỹ khi còn nhỏ" (Deferred Action for Childhood Arrivals - DACA).

Như chúng tôi đã nói nhiều lần, từ ngày nhận chức cho đến nay, Donald Trump chỉ làm có một công việc duy nhất là phá bỏ "di sản của Obama" để trả thù việc Tổng thống Obama và EU đã áp dụng lệnh cấm vận Nga kể từ ngày 12/9/2014 khiến ExxonMobil và Donald Trump phải ngưng các hoạt động kinh doanh ở Nga. Việc hủy bỏ chương trình DACA cũng nằm trong chủ trương trả thù đó. Trong bài "Donald Trump, người cầm đầu phá hoại", báo Le Figaro của Pháp gọi Donald Trump là "thủ lãnh gây rối trong một thời kỳ rối loạn".

Khái lược về chương trình DACA

Vì chương trình DACA do Bộ trưởng nội an Hoa Kỳ ký và ban hành chứ không phải Tổng thống Obama nên khi hủy bỏ Tổng thống Trump cũng đã làm như vậy. Ông quyết định phải hủy bỏ chương trình DACA nhưng giao việc này cho Bộ trưởng tư pháp Jeff Sessions làm.

1. Chọc cho người ta chửi

Ngày 5/9/2017, Bộ trưởng Jeff Sessions họp báo, cho rằng chương trình DACA "vi hiến và khiến việc làm của hàng trăm nghìn người Mỹ rơi vào tay những người nhập cư bất hợp pháp" nên phải kết thúc nó "một cách có trật tự và hợp pháp". Ông nhấn mạnh : "Việc không tuân thủ luật pháp trong quá khứ đã đặt quốc gia của chúng ta vào nguy cơ tội phạm, bạo lực và thậm chí là khủng bố. Chính vì vậy, Bộ Tư pháp không thể bảo vệ vấn đề này quá mức".

Bị dư luận phản đối, Trump đã đưa ra một Tweet nhẹ nhàng hơn : "Quốc hội, hãy sẵn sàng để làm công việc của quý vị - DACA. Không có sự sai lầm, chúng tôi đang đặt quyền lợi của công dân Mỹ trên hết. Những người nam và nữ bị bỏ quên sẽ không còn bị bỏ quên nữa". Ông dành cho Quốc hội sáu tháng để đưa ra luật lệ nhằm thay thế chương trình DACA. Nhưng Thống đốc tiểu bang Washington là Jay Inslee nói : "Tổng thống không thể chỉ biết đặt chuyện này lên vai Quốc hội. Ông phải có trách nhiệm điều chỉnh nó".

Nhiều người tin rằng hành động này của Donald Trump cũng chỉ để chọc cho người ta chửi như những gì ông đa làm trong hơn 8 tháng qua, chớ chẳng đem lại lợi ích gì cho nước Mỹ cũng như cho chính cá nhân ông.

2. Con dường đưa tới DACA

Chúng ta nhớ lại, vào tháng 9 năm 2001, do sáng kiến của hai Thượng nghị sĩ Lorin Hatch (Cộng hòa - Utah) và Richard Durbin (Dân chủ - Illinois), một dự luật được gọi là DREAM Act đã được đệ trình Quốc hội để giải quyết vấn đề pháp lý của một số thiếu niên di dân bất hợp pháp nhưng đang có cuộc sống và những đóng góp như người Mỹ. Chữ DREAM Act là viết tắt của cụm từ "Development, Relief and Education for Alien Minors Act". Ngày 9/12/2010, dự luật này đã được Hạ Viện thông qua, nhưng khi đưa ra thảo luật tại Thượng viện ngày 28/10/2011 thì bị kẹt lại. Bà Janet Napolitano, Bộ trưởng Bộ nội an, nói với các nghị sĩ rằng "thật là vô lý nếu chúng ta cố trục xuất những thanh niên không gây một đe dọa nào cho an ninh xã hội, những người lớn lên trên đất Mỹ và là những người muốn đóng góp cho quốc gia của chúng ta trong quân đội hoặc vào đại học".

Trước tình trạng này, ngày 15/6/2012, bà Bộ trưởng nội an đã ban hành một văn kiện ấn định chương trình DACA. Chương trình đã đưa ra những quy định gì khiến Trump phải ra lệnh hủy bỏ ?

3. Khái lược về chương trình DACA

Chương trình DACA cho phép những người trẻ vị thành niên nhập cư tại Hoa Kỳ từ ngày 15/6/2007 mà không có giấy tờ hợp pháp, có thể được tạm hoãn trục xuất và được cấp giấy phép làm việc tạm thời trong 2 năm. Chương trình này có thể gia hạn sau 2 năm. Đại khái, để được hưởng chương trình DACA, phải hội đủ những điều kiện sau đây :

- Chưa tròn 31 tuổi tính đến ngày 15/6/2012 ;

- Đến Hoa Kỳ trước khi được 16 tuổi ;

- Cư trú tại Hoa Kỳ từ ngày 15/6/2007 cho đến nay.

- Hiện diện thực tế tại Hoa Kỳ vào ngày 15/6/2012, và lúc gởi đơn cho USCIS (Sở di trú) để xin hưỡng chương trình DACA.

- Không có tình trạng di trú hợp pháp, hoặc giấy tờ hết hạn vào ngày 15/6/2012.

- Đang đi học, đã tốt nghiệp hoặc có chứng chỉ hoàn tất trung học, hoặc đã có chứng chỉ hoàn tất chương trình GED ; là một cựu quân nhân danh dự của Quân đội hay Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ ; và

- Không có các tiền án về các tội đại hình, các tội tiểu hình nghiêm trọng, hoặc 3 hay nhiều lần các tội tiểu hình cộng lại, và không là mối đe dọa đến an ninh quốc gia và an toàn công cộng.

Hiện có khoảng 800.000 người nhập cư đến Mỹ từ khi còn nhỏ, đa số từ Mexico và các quốc gia Mỹ Latin khác, đang được hưởng chương trình DACA. Riêng Mexico đã có 650.000 người. Hơn 200.000 người đang sinh sống ở bang California và 100.000 người ở Texas. Phần còn lại ở các bang New York, Illinois và Florida và một số tiểu bang khác.

Chuyên viên di trú David Bier của Viện Cato cho biết, nếu chính quyền cho phép các đối tượng này ở lại làm việc cho đến khi hết hạn giấy phép thì vẫn có 110.652 người phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất trong năm 2017 ; 404.000 người vào năm 2018 và 275.500 người phải rời Mỹ trong 2 năm sau đó.

Phản ứng của giới luật gia và các tiêu bang

Trong tháng 8 vừa qua, đã có hơn 100 giáo sư và giảng viên luật ở Mỹ viết thư cho Donald Trump khẳng định DACA là hợp pháp. Lá thư viết : 

"Theo quan điểm của chúng tôi, không có nghi ngờ gì về việc DACA 2012 là sự thực hành hợp pháp thẩm quyền hành pháp. Kết luận của chúng tôi dựa trên nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này và nghiên cứu kỹ lưỡng Hiến pháp Hoa Kỳ, luật hành chính, những đạo luật di trú, những quy định của liên bang và án lệ".

Nhận xét này hoàn toàn đúng. Bản văn quy định (memorandum) về chương trình DACA không hề sửa đổi luật pháp về đi trú mà chỉ ấn định thể thức thi hành các luật lệ này mà thôi, đó là quyền được dành cho hành pháp, không thể bị coi là vi hiến được.

Đến nay đã có 20 tiểu bang nộp đơn kiện quyết định hủy bỏ chương trình DACA của chính quyền Trump với những lý do khác nhau : Có bang cho rằng chính quyền Trump đã phân biệt đối xử với người gốc Mexico, có bang cho rằng nền kinh tế của bang nguyên đơn sẽ bị tổn hại nếu trục xuất các cư dân này, v.v.

Bộ trương tư pháp New York Eric T. Schneiderman nói quyết định của Trump cho dừng DACA và buộc quốc hội có quyết định cuối cùng trong 6 tháng, là "tàn nhẫn, thiển cận và vô nhân đạo".

Phản ứng của các tập đoàn công nghiệp lớn

Trong một bài đăng trên Twitter, Sundar Pichai, Giám đốc điều hành của Google đã nói lên quan điểm của Google như sau : "Dreamers là những người hàng xóm của chúng tôi, bạn bè và đồng nghiệp của chúng tôi. Đây là nhà của họ. Quốc hội cần hành động ngay bây giờ để bảo vệ DACA".

Tổng giám đốc của tập đoàn Apple đã gởi một văn thư đến toàn bộ nhân viên của tập đoàn và nói : "Tôi thấy buồn lòng sâu sắc với ý nghĩ về việc 800.000 người Mỹ, trong đó có hơn 250 đồng nghiệp ở Apple, có thể sớm bị đuổi ra khỏi đất nước mà họ chưa từng bao giờ không xem là đất nước của mình".

Tập đoàn Microsoft cũng có 39 trường hợp có thể bị trục xuất khi DACA chấm dứt. Trong một văn thư công bố trên trang blog chính thức của mình, Microsoft viết : "Hợp pháp hóa cho chương trình DACA vừa là yêu cầu thiết yếu cho kinh tế vừa là chuyện cần làm về nhân đạo". Tập đoàn công nghệ này cho rằng đây là "một sự thụt lùi to lớn đối với toàn nước Mỹ".

Mark Zuckerberg - ông chủ của Facebook, nói rằng "đây là một ngày buồn của đất nước chúng ta". Ông cho rằng quyết định của chính quyền Trump "không chỉ tệ hại mà còn độc ác" và ông kêu gọi Quốc hội Mỹ phải hành động nhanh.

Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ phản ứng

Chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Jeff Sessions tuyên bố chính quyền Trump sẽ chấm dứt chương trình DACA, Hồng y Timothy Dolan thuộc Giáo phận New York đã cùng hợp lực với một liên minh đa dạng gồm các nhà lãnh đạo thành phố New York và các nhà hoạt động, đưa ra một thông điệp đơn giản : "Chúng tôi sẽ bảo vệ các anh chị em".

aday2

 Hồng Y Timothy Dolan

Hồng y Dolan đã mô tả quyết định về việc hủy bỏ DACA là một quyết định "bất công" và đồng thời bày tỏ tinh thần liên đới với những người hưởng lợi của chính sách DACA hiện đang sống trong một "cơn ác mộng". Ngài nói : "Là một Mục tử, tôi có thể nói với anh chị em rằng những ‘Dreamers’ này không phải là những kẻ tội phạm, những người ngoài hành tinh… những kẻ xâm phạm… họ chính là chúng ta, họ là những người dân của chúng ta". 

Ngài nhấn mạnh : "Việc khinh thường họ như những mối đe dọa hoặc những kẻ khủng bố hoàn toàn trái ngược với Kinh Thánh, với tinh thần của Hoa Kỳ, New York cũng như sự chính đáng chung".

Trong một tuyên bố chính thức được công bố vào hôm 12/9/2017, Hồng y Dolan nói :

"Chúng ta phải luôn nhớ rằng, như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, lề luật đã được tạo ra để phục vụ con người, chứ con người không phải được đem ra để phục vụ lề luật".

"Người ta không thể giấu đằng sau thuật ngữ ‘tính hợp pháp’ trong việc hủy bỏ DACA. Đó là một sự ruồng bỏ đối với nhân loại, và đồng thời ruồng bỏ những người trẻ tài năng và đầy hy vọng, những người cũng là những công dân Hoa Kỳ như anh chị em cũng như tôi đây".

"Ngày nay, Chính quyền không chỉ đóng cửa biên giới mà họ còn đóng cửa tâm hồn và tâm trí của họ nữa",

Hồng y cho biết thêm : "Có một tinh thần nhiệt huyết, có một sự thống nhất, và các Giám mục cảm thấy chúng ta cần phải trở thành những người tiên phong về vấn đề này".

We are all immigrants !

Cuốn phim "A Day Without a Mexican" của nhà đạo diễn Sergio Arau đang được phổ biến trở lại với mục tiêu dạy cho Donald Trump biết vai trò của người Mỹ Latin di dân bất hợp pháp trong nền kinh tế Mỹ như thế nào và sự vắng mặt của họ sẽ gây thiệt hại cho nước Mỹ ra sao. Họ thường được gọi chung chung là người Hispanic, Latino hay Mexican (Mễ). Cuốn phim mô tả :

"Chúng ta thử tưởng tượng, một buổi sáng thức dậy, 1/3 dân số California, tất cả người Mễ trên tiểu bang này đều biến mất thì sự việc gì xảy ra ? Biến cố này quá trọng đại đến đỗi chính phủ phải ban lệnh California đang ở trong tình trạng khẩn cấp (State of Emergency)...

"Hôm nay, California

– 3/4 hàng quán phải đóng cửa, vì không ai rửa chén bát, nhặt rau, lau bàn ghế, phụ việc ở trong bếp ;

– đường sá đầy rác bẩn, không ai quét dọn ;

– không có xe đổ rác hôm nay ;

– cỏ trong vườn nhà, ngoài công viên không người cắt ;

– cam, nho, dâu trên cánh đồng thối rữa không kịp hái ;

- một số lớp mẫu giáo trẻ em phải nghỉ học vì không có cô giáo ;

– những ngôi nhà đang xây, gạch cát ngổn ngang, những con đường đang sửa bị bỏ dở ;

- ông Thượng Nghị Sĩ tiểu bang hôm nay không còn cô người Mễ giúp việc, người thường ngày đã dọn bữa điểm tâm cho ông, sắp món ăn trưa trong cái lunch-box cho ông mang đến nơi làm việc…".

aday3

Những người di dân làm cho nước Mỹ vĩ đại

Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy nhiều phần đất của Mỹ hiện nay là lãnh thổ của Mexico trước đây. Trước tiên Tây Ban Nha chiếm sau đó trả lại cho Mexico. Năm 1845 Hoa Kỳ tuyên bố sáp nhập Texas vào Hoa Kỳ, mặc dầu Mexico phản đối. Năm 1846 Lục Quân Hoa Kỳ chiếm New Mexico. California là một lãnh thổ rộng lớn của Mexico do Đế Quốc Tây Ban Nha chiếm, nó bao gồm cả Nevada, Utah, Arizona, và Wyoming, được gọi là Alta California (Thượng California), về sau Mexico cũng phải nhượng lại cho Mỹ. Hiện nay dân số Hoa Kỳ là 321 triệu, trong đó Mỹ trắng chiếm 73,9%, người Mỹ Latin 14,8%, người gốc Phi Châu 12,4%. Người Việt tuy to tiếng hơn ai hết và một số người tuyên bố sẽ bảo vệ Trump đến giọt máu cuối cùng, nhưng dân số chỉ có 0,5%.

Ngày 16/2/2017 một cuộc biểu lớn được tổ chức tại Houston, Texas, có tên là : "Ngày không có di dân" với những biểu ngữ như "tất cả chúng ta đều là di dân" (We are all immigrants), hay "Những người di dân đã làm cho nước Mỹ vĩ đại (Immigrants make America Great) để phản đối chính sách về di dân của Donald Trump. Cuốn phim "A Day Without a Mexican" đã cho người Mỹ thấy một ngày không có Mễ, tình trạng của nhiều tiểu bang sẽ như thế nào.

Điều may mắm là có nhiều nhà lập pháp, các tổ chức chính trị, tôn giáo, công nghiệp lớn… đã không chấp nhận chủ trương lạc hậu của Donald Trump là "Make Amrrica White Again", nên nước Mỹ vẫn sinh hoạt bình thường và tiếp tục phát triển, không cần biết Trump muốn gì hay làm gì.

Ngày 21/9/2017

Lữ Giang

Published in Diễn đàn