Mỹ nghiên cứu bố trí tên lửa tại Nhật Bản trong trường hợp khủng hoảng Đài Loan
Minh Anh, RFI, 25/11/2024
Quân đội Hoa Kỳ sẽ thiết lập các căn cứ tạm thời dọc theo chuỗi đảo Nansei phía tây nam Nhật Bản và tại Philippines, để bố trí các đơn vị tên lửa trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp ở Đài Loan.
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) và tên lửa Hyunmoo II ngoài khơi vùng biển của Hàn Quốc, ngày 05/07/2017 © 8th United States Army/Handout via Reuters
Theo nhiều nguồn tin được hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo ngày 24/11/2024, dẫn lại, việc bố trí các đơn vị tên lửa sẽ được đưa vào kế hoạch tác chiến chung đầu tiên giữa Mỹ và Nhật Bản để ứng phó với nguy cơ xảy ra khủng hoảng với Trung Quốc. Kế hoạch này phải được triển khai trong tháng 12/2024.
Một trung đoàn Thủy quân Lục chiến, đơn vị sở hữu Hệ thống pháo phản lực đa nòng cơ động cao (HIMARS), sẽ được triển khai dọc theo chuỗi đảo trải dài từ các tỉnh Kagoshima và Okinawa của Nhật Bản về hướng Đài Loan.
Cũng theo nguồn tin trên, ngay từ giai đoạn đầu, khi tình hình ở Đài Loan trở nên cấp bách, các căn cứ tạm thời sẽ được thiết lập trên các đảo có người ở của quần đảo Nansei. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chủ yếu sẽ hỗ trợ hậu cần như cung cấp nhiên liệu và đạn dược.
Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng sẽ triển khai tại Philippines nhiều đơn vị tên lửa tầm xa, thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Đa miền, có thể hoạt động trong môi trường đa dạng, bao gồm không quân, lục quân, hải quân, không gian mạng và truyền tin.
AFP cho biết hiện bộ Quốc Phòng Nhật Bản và Philippines chưa đưa ra bình luận gì về những thông tin nói trên, trong khi đại sứ Trung Quốc ở Manila cho biết đã "ghi nhận" bản tin của Kyodo.
Hôm nay, bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết, một bóng bay Trung Quốc, chiếc đầu tiên tính từ tháng 04/2024, đã lại xuất hiện tối hôm qua, 24/11, ngoài khơi phía tây bắc đảo Đài Loan.
Minh Anh
***********************
Mỹ và Nhật lên kế hoạch bố trí tên lửa bảo vệ Đài Loan
BBC, 25/11/2024
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko nói với hãng thông tấn nhà nước TASS vào hôm 24/11 rằng Mỹ đang lợi dụng Đài Loan để kích động một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Châu Á. Cùng ngày, có thông tin Mỹ và Nhật đang lên kế hoạch chung nhằm bảo vệ Đài Loan.
"Chúng tôi thấy Washington đang vi phạm nguyên tắc 'Một Trung Quốc' mà họ công nhận qua việc tăng cường các mối tương tác quân sự-chính trị với Đài Bắc dưới chiêu bài duy trì ‘nguyên trạng' và gia tăng cung cấp vũ khí", ông Rudenko nói với hãng thông tấn Tass.
Theo ông, việc Mỹ "can thiệp rõ ràng" như vậy vào các vấn đề khu vực là nhằm khiêu khích Trung Quốc và tạo ra một cuộc khủng hoảng ở Châu Á để "phục vụ mục đích ích kỷ" của Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh sự ủng hộ của Nga đối với lập trường của Trung Quốc về Đài Loan. Tuy nhiên, Tass không đề cập cụ thể tới những "mối tương tác quân sự-chính trị" mà ông Rudenko nhắc tới.
Cũng vào ngày 24/11, hãng tin Kyodo đưa tin rằng Nhật Bản và Mỹ đang đặt mục tiêu lên một kế hoạch quân sự chung, bao gồm việc triển khai tên lửa trong trường hợp khẩn cấp tại Đài Loan. Kế hoạch này dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng sau. Theo đó, Mỹ sẽ thiết lập các căn cứ tạm thời dọc theo chuỗi đảo Nansei phía tây nam của Nhật Bản và ở Philippines để có thể triển khai các đơn vị tên lửa trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp ở Đài Loan, hãng tin Kyodo dẫn thông tin từ các nguồn tin quen thuộc với quan hệ Nhật-Mỹ.
Lực lượng Duyên hải (MLR) thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ, lực lượng sở hữu hỏa tiễn HIMARS và các vũ khí khác, sẽ được triển khai đến quần đảo Nansei. Trong khi đó, Mỹ sẽ triển khai Lực lượng Đa nhiệm (MDTF) tới Philippines. MDTF là lực lượng được huấn luyện để hoạt động trong nhiều môi trường khác nhau, bao gồm vũ trụ, trên không, trên mặt đất, trên biển, không gian mạng…
Vào tháng 9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt gói hỗ trợ quân sự trị giá 567 triệu USD cho Đài Loan. Thời điểm đó, Nga đã phản ứng bằng cách khẳng định đứng về phía Trung Quốc trong các vấn đề Châu Á, bao gồm việc chỉ trích động thái của Mỹ là nhằm mở rộng ảnh hưởng và là "nỗ lực có chủ đích" làm gia tăng căng thẳng xung quanh vấn đề Đài Loan.
Câu hỏi hiện tại là cách Tổng thống đắc cử Donald Trump, người nổi tiếng với chủ nghĩa cô lập và từng đòi Đài Loan trả tiền để được Mỹ bảo vệ, sẽ có cách tiếp cận như thế nào tới chủ quyền hòn đảo sau khi nhậm chức vào đầu năm sau.
Trump 2.0 trong tương quan Mỹ-Trung-Đài Loan
Các nhà phân tích tại Mỹ đang tìm kiếm dấu hiệu về cách mà chính quyền tương lai của ông Trump sẽ định hình chính sách đối với Đài Loan, với một số ý kiến trái chiều.
Trong khi một số người cho rằng ông Trump có thể sử dụng hòn đảo tự trị này như một lá bài để tìm kiếm những biện pháp nhượng bộ kinh tế từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, số khác đánh giá rằng một thỏa hiệp với Bắc Kinh về các vấn đề Đài Loan có thể tạo ra sự phản kháng chính trị mạnh mẽ mà ông Trump sẽ không muốn gặp phải.
Theo ông Chu Chí Quần, Giám đốc Viện Trung Quốc tại Đại học Bucknell ở Pennsylvania, vấn đề Đài Loan luôn vô cùng phức tạp và không bao giờ là một vấn đề đơn lẻ mà luôn là một phần trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.
"Rất khó, gần như không thể, tách biệt vấn đề Đài Loan ra khỏi những vấn đề chiến lược, quân sự và kinh tế khác", báo South China Morning Post dẫn lời ông Chu nói trong một sự kiện do Viện Nghiên cứu Quan hệ Mỹ - Trung có trụ sở ở Washington tổ chức.
Ông nhắc tới việc Bắc Kinh đã nhiều lần mô tả Đài Loan là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, còn Mỹ thì không làm như vậy. Do đó, ông Chu nhận định rằng Trung Quốc có thể khai thác điểm này.
"Nếu Trung Quốc có thể thỏa mãn những mối bận tâm lớn về kinh tế của ông ấy [Trump]… có thể họ sẽ kiếm được một thỏa thuận", ông nêu.
Dù vậy, có ý kiến cho rằng việc nhượng bộ vấn đề Đài Loan có thể khiến ông Trump phải đối mặt với những phản đối chính trị ngay tại Mỹ.
Cũng trong sự kiện nói trên, ông Robert Sutter từ Đại học George Washington tin rằng một thỏa thuận về Đài Loan sẽ khó xảy ra dưới thời chính quyền mới.
Theo ông, một thỏa thuận với Trung Quốc về Đài Loan khó có thể được coi là một chiến thắng cho ông Trump. Ông cho rằng một số nghị sĩ Cộng hòa sẽ phản đối ông Trump.
Nhân sự chính quyền mới do ông Trump lựa chọn, đặc biệt là ông Marco Rubio và ông Mike Waltz, được đánh giá là có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc và có thể tác động tới quan điểm chính sách của ông Trump trong vấn đề Đài Loan.
Một số người khác có thái độ cứng rắn với Trung Quốc và từng thuộc chính quyền ông Trump là ông Mike Pompeo (cựu ngoại trưởng ), ông Robert O’Brien (cự cố vấn an ninh quốc gia) và ông Elbridge Colby (cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng).
Đối với nhóm này, ưu tiên không phải là bảo vệ Đài Loan mà là đảm bảo rằng Mỹ duy trì vị thế "cửa trên" so với Trung Quốc, theo bài viết ngày 18/11 trên The Diplomat.
Phe này của MAGA (Phong trào Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) từ lâu đã nhắc tới sự cần thiết cho một "nỗ lực của cả một thế hệ" để chuẩn bị cho một cuộc chiến với Trung Quốc, nhằm ngăn chặn Bắc Kinh nắm thế bá vương ở Châu Á, bài viết này nêu.
Theo bài viết vào tháng 11/2023 trên The Guardian, tình báo Mỹ tin rằng ông Tập đã chỉ đạo cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa chuẩn bị "đạt trình độ sẵn sàng xâm lăng Đài Loan vào năm 2027" nhưng chưa có lịch trình cụ thể cho sự kiện giả định này. Hiện tại, Trung Quốc được cho là sẽ không có hành động thực chất để kích hoạt một cuộc xung đột lớn ở eo biển Đài Loan.
Yếu tố được đánh giá là sẽ khiến gia tăng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc là việc những lợi ích quân sự, dân tộc chủ nghĩa của phong trào MAGA có thể khơi mào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Đài Bắc và Bắc Kinh - có thể như một biện pháp cuối cùng - nhằm làm suy yếu Trung Quốc.
Những động thái gần đây - như việc ông Elon Musk, một đồng minh thân cận của Trump, kêu gọi các nhà cung cấp của mình ở Đài Loan rời nhà máy ra nước ngoài và việc Đài Loan thúc giục các doanh nghiệp của mình di dời nhà máy khỏi Trung Quốc – được đánh giá là những chỉ báo cho thấy hòn đảo đang ngày càng tách xa khỏi Trung Quốc.
Khi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giảm đi, bối cảnh địa chính trị đang thay đổi theo cách có thể nói là khiến việc bắt đầu một cuộc xung đột ít tốn kém hơn đối với cả Trung Quốc và Mỹ, theo The Diplomat. Trong bối cảnh này, Trung Quốc tin rằng Mỹ, bằng việc tìm cách di dời các doanh nghiệp của Mỹ và của đồng minh ra khỏi Trung Quốc, đang tìm cách thiết lập một viễn cảnh ít tốn kém hơn cho Mỹ khi một cuộc xung đột nổ ra.
Theo một bài viết trên Financial Times vào tháng 6/2024, ông Tập Cận Bình từng cáo buộc Mỹ đang cố gắng khiến Trung Quốc xâm lược Đài Loan khi ông Tập có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen vào tháng 4/2023. Ông Tập khẳng định mình sẽ không mắc mưu.
Nguồn : BBC, 25/11/2224
Ông Shigeru Ishiba, người được chọn làm thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản, có thể gây đau đầu về mặt ngoại giao cho Hoa Kỳ với các đề xuất cải tổ liên minh chặt chẽ nhất của Tokyo bằng cách đưa Washington vào một "NATO Châu Á" và đồn trú quân đội Nhật Bản trên đất Hoa Kỳ.
Ông Shigeru Ishiba nói "Việc không có hệ thống phòng thủ tập thể như NATO ở Châu Á có nghĩa là chiến tranh có khả năng bùng nổ vì không có nghĩa vụ phòng thủ chung".
Ông Ishiba, lãnh đạo được bầu của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền vào ngày 27/9, đã phác thảo kế hoạch của mình trong một bài báo gửi cho Viện Nghiên cứu Hudson vào tuần trước. Ông lập luận rằng những thay đổi này sẽ ngăn cản Trung Quốc sử dụng vũ lực quân sự ở Châu Á.
"Việc không có hệ thống phòng thủ tập thể như NATO ở Châu Á có nghĩa là chiến tranh có khả năng bùng nổ vì không có nghĩa vụ phòng thủ chung", ông viết. Ông Ishiba, giống như nhiều chính trị gia Nhật Bản khác, đã lên tiếng lo ngại về sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc xung quanh các đảo của Nhật Bản.
Tuy nhiên, ý tưởng về "NATO Châu Á" đã bị Washington bác bỏ, với ông Daniel Kritenbrink, phụ tá ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng ý tưởng này là vội vàng.
"Ông ấy rất có kỹ năng về các vấn đề quân sự nhưng về mặt ngoại giao an ninh quốc gia, ông ấy thực sự chưa thể hiện được nhiều", ông Joseph Kraft, một nhà phân tích chính trị tài chính tại Rorschach Advisory ở Tokyo nói.
Tuy nhiên, ông Ishiba đã nhấn mạnh lại ý tưởng của mình vào ngày 27/9, phát biểu tại một cuộc họp báo rằng "sự suy yếu tương đối của sức mạnh Hoa Kỳ" khiến một tổ chức hiệp ước Châu Á trở nên cần thiết.
Kể từ khi bại trận trong Thế chiến Thứ hai, Nhật Bản đã nằm trong vòng tay của Washington, nơi cung cấp sự bảo vệ bằng kho vũ khí hạt nhân và có một tàu sân bay, máy bay chiến đấu và khoảng 50.000 quân tại Nhật Bản.
Những thay đổi có khả năng gây xáo trộn của ông Ishiba có thể diễn ra khi Hoa Kỳ thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn, Tokyo tìm kiếm sự hợp tác quốc phòng với Hàn Quốc và Úc, và xây dựng quan hệ an ninh với các quốc gia Châu Âu, bao gồm Anh và Pháp, để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
NATO của ông Ishiba sẽ kết hợp một tập hợp các hiệp ước ngoại giao và an ninh hiện có, bao gồm nhóm Quad - Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ - thỏa thuận AUKUS của Canberra, Washington và London, và sự hợp tác an ninh sâu sắc hơn của Nhật Bản với nước láng giềng Hàn Quốc.
Ông Ishiba cho biết liên minh an ninh mới thậm chí có thể chia sẻ quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân của Washington như một biện pháp răn đe đối với các nước láng giềng có vũ khí hạt nhân của Nhật Bản.
Trong chiến dịch vận động trước cuộc bỏ phiếu vào ngày 27/9, ông Ishiba nói ông muốn cân bằng lại liên minh của Nhật Bản với Hoa Kỳ, bao gồm cả việc giám sát chặt chẽ hơn các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Nhật Bản - một vấn đề gây căng thẳng thường xuyên với người dân địa phương.
Trong bài viết gửi Viện Hudson, ông Ishiba cũng cho biết liên minh quân sự của Nhật Bản với Hoa Kỳ có thể được sửa đổi để cho phép Tokyo đồn trú quân đội ở Guam, một lãnh thổ của Hoa Kỳ, lần đầu tiên kể từ năm 1944.
"Tôi mạo hiểm đoán rằng điều đó sẽ không xảy ra", ông Rintaro Nishimura, cộng sự tại The Asia Group Japan, nói. "Có vẻ như ông ấy đang cố gắng thay đổi cơ bản mối quan hệ, nhưng không hoàn toàn theo cách tiêu cực".
Nguồn : VOA, 28/09/2024