Suốt một thập niên qua, việc Azerbaijan dần xây mạnh lực lượng vũ trang không phải là điều gì bí mật. Song không mấy chuyên gia đoán được trước chiến thắng quân sự tuyệt đối trong tháng này của Azerbaijan trước Armenia. Phần lớn chiến thắng được cho là xuất phát từ khía cạnh kỹ thuật và tài chính của cuộc chiến : Azerbaijan có khả năng chi nhiều hơn và có công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Israel tốt hơn hẳn trang bị của Armenia. Nhưng những bài học của cuộc chiến Nagorno-Karabakh 2020 sâu sắc và phức tạp hơn chuyện công nghệ, đồng thời mang lại những bài học đặc biệt cho quốc phòng Châu Âu.
Một người lính Azerbaijan đứng bên cạnh một văn phòng tuyển quân bị phá hủy ở Fuzuli, Azerbaijan. Liên minh / dpa / TASS | Gavriil Grigorov
Bài học thứ nhất : Chiến lược và Chính trị
Tiến trình của bất kỳ cuộc chiến nào đều bị tác động bởi hoàn cảnh chính trị cụ thể tạo ra nó – và cuộc chiến này cũng không ngoại lệ. Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ tự tin khi tổ chức tiến công, trong bối cảnh Nga từ đầu đã cho thấy không có ý định hỗ trợ Armenia bên ngoài biên giới được công nhận của nước này. Nga đồng thời cũng muốn lợi dụng áp lực quân sự từ Azerbaijan để làm suy yếu thủ tướng Armenia, Nikol Pashinyan, người lãnh đạo cuộc cách mạng năm 2018 lật đổ chế độ trước. Hơn nữa, hành động quân sự của Azerbaijan có khả năng khiến Armenia phải chấp nhận "các thỏa thuận hòa bình" được đàm phán từ trước mà theo đó sẽ củng cố vị thế địa chính trị của Nga. Tình thế chính trị ngặt nghèo này đã chuyển hóa thành bất lợi quân sự trên chiến trường cho Armenia.
Hiểu được thông điệp ngầm từ Moskva ủng hộ can thiệp quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp một vài chiếc F-16 đến Azerbaijan trong tháng 10 năm 2020 như một biện pháp răn đe tổng thể. Về sau chúng được dùng để quét sạch khỏi bầu trời mọi máy bay cường kích Armenia nào tìm cách tham chiến. Về phần mình, Armenia khi ấy vừa nhận 8 phi cơ đánh chặn Su-30 từ Nga trong mùa hè, nhưng không dám dùng chúng để chống lại máy bay không người lái và F-16 của Azerbaijan. Nguyên nhân chính là vì Nga yêu cầu Armenia không được dùng chúng để đối đầu trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ, và vì vậy nước này phải cho máy bay nằm bãi. Nga hoàn toàn đem tặng ưu thế bầu trời cho Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một nhân tố quyết định.
Bài học thứ hai : Máy tính và Hệ thống liên lạc
Như ở Syria và Libya, các hệ thống phòng không của Nga không mấy hiệu quả trước các máy bay không người lái nhỏ và chậm. Điều này đã tạo ra một cuộc tranh luận ở phương Tây rằng liệu các hệ thống phòng không của Nga có bị đánh giá quá cao không. Song sự thật chứng minh kết luận này là quá vội vàng.
Máy bay không người lái Bayraktar TB2 được chụp vào ngày 16 tháng 12 năm 2019 tại Sân bay Gecitkale ở Famagusta thuộc Cộng hòa Bắc Síp thuộc Thổ Nhĩ Kỳ (TRNC). [Birol Bebek / AFP qua Getty Images]
Các hệ thống phòng không ‘hiện đại’ nhất của Armenia, S-300PT và dòng PS cũng như 9K37M Buk-M1, đều là hàng cũ từ những năm 1980. Mặc dù tên lửa của chúng vẫn rất mạnh nhưng các bộ cảm biến được thiết kế để phát hiện, định vị và theo dõi các máy bay tốc độ cao, trong khi bộ hiển thị vật thể chuyển động của chúng bỏ qua các máy bay không người lái (drone) nhỏ và chậm. Cũng như nhiều hệ thống của thập niên 1980 khác, rất nhiều thuật toán được định sẵn bởi thiết kế phần cứng, và viết lại chúng đòi hỏi tân trang sâu rộng cả hệ thống, điều người Armenia chưa làm.
Các hệ thống này cũng không hiệu quả trong việc thu thập và kết hợp sóng âm từ các radar khác nhau thành một báo cáo tình huống tổng thể (plot-fusion). Đây là điều cần thiết để phát hiện các mục tiêu nhỏ và khó quan sát như drone tân tiến và phi cơ tàng hình. Trong các hệ thống phòng không Nga bán cho Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Triều Tiên, và Iran, không phiên bản nào có khả năng plot-fusion. (Đối với Bắc Triều Tiên và Iran, chúng được đổi tên thành các hệ thống "tự sản xuất" như Raad hay Bavar 373.) Do đó có khác biệt rất lớn giữa các hệ thống phòng không bảo vệ các căn cứ của Nga ở Armenia và Syria so với các hệ thống Nga xuất khẩu cho hai nước này.
Máy bay không người lái của Azerbaijan bay tự do vì Armenia không có công cụ phá sóng nào có thể cắt sóng liên lạc giữa các drone và trạm điều khiển chúng. Phải đến những ngày cuối cùng của cuộc chiến Nga mới dùng hệ thống tác chiến điện tử Krasukha đóng ở thành phố Gyumri của Armenia để ngăn Azerbaijan do thám sâu vào lãnh thổ Armenia. Người Azerbaijan còn dùng drone cảm tử Harop của Israel, thứ có thể hoạt động ở điều kiện khó khăn (mặc dù giảm tính hiệu quả) vì không yêu cầu liên lạc chỉ đường như các drone khác.
Vì vậy đối với các lực lượng đang chuẩn bị cho tình huống chiến tranh trong tương lai – không chỉ Mỹ, Trung Quốc, Nga mà cả các thế lực vùng như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, và Nam Phi – kinh nghiệm này chắc chắn sẽ thúc đẩy nghiên cứu sâu hơn vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và các hệ thống vũ khí sát thương tự hành. Thay vì cấm loại vũ khí này bằng một hiệp định kiểm soát vũ khí chung như Châu Âu đề xuất, họ sẽ thử nghiệm cách áp dụng các công nghệ mới và cách tốt nhất để tích hợp các hệ thống vũ khí sát thương tự hành vào các lực lượng hiệp đồng tác chiến, từ đó tăng tính hiệu quả và tốc độ chiến đấu.
Bài học thứ ba : Tránh điểm mạnh của đối phương
Trước cuộc chiến, ở tầm chiến thuật quân đội Armenia vượt trội hẳn : họ có các sĩ quan tốt hơn, binh sĩ nhuệ khí cao hơn, và dàn lãnh đạo sắc bén hơn. Trong tất cả các cuộc chiến trước đó với Azerbaijan, đây chính là nhân tố quyết định. Nhưng Azerbaijan đã tìm ra cách đi vòng qua điểm mạnh này của Armenia. Và đó chính là máy bay không người lái : chúng cho phép Azerbaijan do thám vị trí của người Armenia và sau đó là nơi đặt hậu cần. Sau đó các vị trí này sẽ bị dội pháo dữ dội, làm suy yếu khả năng phòng thủ của chúng. Kế tiếp các drone sẽ hướng mục tiêu về nơi đặt hậu cần của Armenia, theo sau là pháo kích, các hệ thống phản lực bắn đạn chùm, tên lửa của chính các drone, hoặc dùng tên lửa đạn đạo LORA của Israel để phá cầu đường nối hậu cần với mặt trận. Một khi Armenia không thể gửi nguồn lực lên chiến trường, quân đội Azerbaijan có thể tiến công với mọi quân số mong muốn để đè bẹp các vị trí bị cô lập của Armenia. Quy trình này diễn ra hàng ngày, bật từng chốt một của Armenia và phục hồi pháo kích vào ban đêm.
Sơ đồ tóm lược tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan trong vùng Nagorno Karabakh
Chiến thuật này cũng hoạt động tốt ở địa hình núi non mà người Armenia từng cho rằng dễ phòng thủ. Ở các vùng núi, chỉ có một con đường độc đạo kết nối tiền tuyến với hậu phương, khiến cho drone càng dễ bắt mục tiêu. Khi trận Shusha cho thấy người Armenia không thể có một cơ hội nào kể cả ở loại địa hình này, quân đội Armenia bắt đầu tan rã và Yerevan không còn cách nào khác ngoài đồng ý ngừng bắn với những điều kiện bất lợi.
Ở phương Tây, phần lớn các cuộc thảo luận về drone chỉ tập trung vào mặt kỹ thuật của tác chiến drone. Nhưng khía cạnh đó không ấn tượng lắm trong cuộc chiến này. Số lượng phương tiện bị phá hủy dường như chắc chắn là bị phóng đại – ví dụ, một bài báo trên tờ Sputnik của Azerbaijan viết rằng số lượng xe tăng bị phá hủy còn nhiều hơn số Armenia đang có trong tay. Chiến thuật dùng drone của Azerbaijan cũng như cách họ tích hợp chúng vào tác chiến đạn pháo thông thường để khắc chế sức mạnh của lực lượng đối phương là rất ấn tượng. Sáng tạo này có lẽ là nhờ các cố vấn quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, những người bằng cách cải tiến lối tác chiến của Azerbaijan đã góp công vào chiến thắng của Baku không kém so với việc tài trợ vũ khí.
Châu Âu nên xem xét cẩn thận các bài học quân sự của cuộc xung đột này, và không nên bỏ qua nó như một cuộc chiến nhỏ giữa các nước nghèo. Kể từ sau chiến tranh lạnh, hầu hết quân đội Châu Âu đã gạt bỏ các hệ thống phòng không dùng pháo tự đẩy. Các hệ thống phòng không cơ động (MANPADS) như Stinger và Igla – các hệ thống phòng không tầm ngắn chủ đạo ở Châu Âu – khó có thể theo được các mục tiêu nhỏ như drone cảm tử hay drone nhỏ tàng hình. Trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh, nhiều MANPADS đã bị hạ hơn so với số drone chúng tiêu diệt. Không quân đội Châu Âu nào có hệ thống phòng không tích hợp nhiều tín hiệu ra-đa độ phân giải cao để bảo vệ chính mình. Chỉ Pháp và Đức có các thiết bị phá sóng drone (tầm ngắn) và các khí tài bảo vệ mặt đất. Hầu hết quân đội Châu Âu – đặc biệt là các nước thành viên nhỏ và vừa – sẽ thảm hại như quân đội Armenia trong một cuộc chiến tranh hiện đại. Điều này nên khiến họ suy nghĩ – và lo lắng.
Gustav Gressel
Nguồn : "Military lessons from Nagorno-Karabakh : Reason for Europe to worry", European Council on Foreign Affairs, 24/11/2020.
Đỗ Đặng Nhật Huy dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 27/11/2020
Gustave Gressel là nghiên cứu viên chính sách cao cấp tại Hội đồng Nghiên cứu Đối ngoại Châu Âu (European Council on Foreign Affairs).