Nghiệp đoàn độc lập ra đời "chỉ vì quyền lợi người lao động Việt Nam"
Quốc Phương, BBC, 02/07/2020
Bà Nguyễn Nguyên Bình, nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam, bình luận về ý nghĩa nghiệp đoàn độc lập được thành lập ở Việt Nam hiện nay và cho rằng truyền thống công đoàn độc lập đã có từ thời Công hội đỏ ở nước này.
Truyền thống nghiệp đoàn độc lập đã có từ thời Công hội đỏ và thậm chí trước nữa, trong thời Pháp thuộc ở Việt Nam và ngày nay, các tổ chức nghiệp đoàn độc lập nếu được thành lập bảo vệ, bảo đảm quyền lợi của người lao động thì nên được phép nhà nước Việt Nam cho phép, một nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam nói với BBC News tiếng Việt hôm 01/7/2020 từ Hà Nội.
Trước hết, nhà hoạt động này, bà Nguyễn Nguyên Bình, cựu Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, bình luận với BBC về bối cảnh và ý nghĩa của việc nên cho phép tổ chức nghiệp đoàn độc lập thành lập và hoạt động ở Việt Nam, sau khi Quốc hội Việt Nam đã thông qua hai hiệp định thế hệ mới đã được ký kết gần đây với Liên minh Châu Âu là EVFTA và EVIPA :
"Tôi đã có lần nói với BBC là không giống một số người khác, tôi ủng hộ việc EU và Việt Nam đạt thỏa thuận và thông qua các hiệp định tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam".
"Tôi cho rằng và ủng hộ việc không nên trì hoãn ký các hiệp định trên giữa Việt Nam với Châu Âu, bởi vì nó rất cần thiết, mà nếu không có các hiệp định ấy thì Việt Nam càng sa lầy lệ thuộc vào Trung Quốc.
"Việc về nhân quyền không phải là Châu Âu cứ ép là được, nếu nói về hiệp định thì kinh tế là chính, còn có các vấn đề nhân quyền này nọ, trong đó có quyền của người lao động, việc cho phép công đoàn, nghiệp đoàn độc lập thành lập và hoạt động v.v…, thì trong quá trình làm việc với nhau, thì phải bàn bạc để có những sự ràng buộc ngay trong những hiệp ước và những hợp đồng, điều khoản cụ thể, chi tiết.
"Chứ không phải tổng thể là vì anh không tôn trọng nhân quyền cho nên tôi không ký hiệp định với anh, tôi không chơi với anh, đã có những vị ở Hội đồng Châu Âu, hay Liên mình Châu Âu đã có ý kiến như thế, nhưng có thể trên thực tế thì cứ ký kết với nhau một là để Việt Nam có thêm cửa làm ăn, nếu không thì nguy hiểm, hai nữa là trong quá trình hợp tác, sẽ có những sự ràng buộc cụ thể, mà nếu anh không muốn ràng buộc thì cũng không được".
'Song hành, bổ sung'
Hôm 01/7/2020, một tổ chức tự gọi tên là Nghiệp đoàn Lao động Độc lập Việt Nam tuyên bố thành lập ở trong nước, và cho hay trong diễn ngôn thành lập của mình rằng :
"Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam là một tổ chức gồm những người xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau, với mục tiêu thành lập các Nghiệp đoàn tự do. Chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động một cách hữu hiệu, nâng cao đời sống công nhân nhằm có được sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp đồng thời giúp cho người lao động Việt Nam được hưởng quyền lợi như ở các quốc gia khác trong CPTPP và EVFTA.
"Chúng tôi cũng kêu gọi các công nhân trong các doanh nghiệp, những người lao động tự do trong các ngành nghề lao động khác cũng như những lao động trí thức hãy gia nhập đội ngũ Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam. Từng bước, NĐ ĐL VN sẽ hướng dẫn các bạn thành lập những Nghiệp đoàn cho ngành nghề của các bạn tại các cơ sở để chung tay bảo vệ quyền lợi thiết thực của chính các bạn".
Tổ chức này giới thiệu trong Ban Điều hành có bà Nguyễn Nguyên Bình trong vai trò "cố vấn", khi được hỏi cụ thể vai trò này có ý nghĩa như thế nào, bà Nguyên Bình đáp :
"Trước tiên tôi muốn chia sẻ ý kiến của mình về vai trò của xã hội dân sự, đặc biệt của nghiệp đoàn độc lập, công đoàn độc lập như thế này.
"Trước đây tôi học tiếng Nga, tôi nhớ có một câu ngạn ngữ nội dung đại thể như thế này "Một trí tuệ đã tốt rồi, nhưng hai trí tuệ còn tốt hơn".
"Mà đây theo ý kiến của tôi, công đoàn độc lập không phải là đối lập với ai cả, mà công đoàn độc lập để mà đồng hành với công đoàn đã có (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), và cùng nhau giải quyết những vấn đề, có thể là bổ sung cho nhau, đấy tức là với tinh thần một trí tuệ đã tốt, hai trí tuệ còn tốt hơn".
"Còn về việc tôi được mời làm cố vấn, cái này thực ra tôi không muốn nhấn mạnh, nhưng nếu ai hay những người của nhà nước có đến hỏi, thì tôi chỉ nói là tôi là nhà văn cho nên là tôi có thể tư vấn về mặt nhân văn, nhân bản".
"Còn trước đây tôi có kinh nghiệm vận động binh vận, thì tôi có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong việc đàm phán với nhau, giải quyết xung đột sao cho được hiệu quả, thuận tình đạt lý, giúp giải quyết được những vấn đề khó khăn, đảm được bảo quyền của người lao động"
'Có truyền thống từ trước'
Theo bà Nguyễn Nguyên Bình, thực ra không phải đợi đến nay mà từ rất lâu trước đây, công đoàn, nghiệp đoàn độc lập đã có truyền thống bắt rễ trong xã hội Việt Nam, từ thời Công hội đỏ, thậm chí từ trước đó nữa, bà chia sẻ nhận thức này qua trải nghiệm của chính gia đình mình :
"Ông cụ tôi từng tham gia tổ chức gọi là 'Công ấn ái hữu', tức là tổ chức ái hữu của công nhân nhà máy in, công nhân ngành in, còn bà mẹ tôi bà tham gia hội của công nhân tư gia, vì bà là người đi làm công việc khâu đầm (may quần áo, váy áo), cho nên làm việc ở tư gia chứ không phải ở trong nhà máy.
"Ông bố tôi làm ở nhà máy in Minh Sang, cho nên là ông tham gia hội ái hữu của công nhân in ở đó.
"Tất nhiên là thời ấy, hội ái hữu công nhân in là đấu tranh với Thực dân Pháp, đấu tranh với giới chủ và lúc ấy mục tiêu theo sự lãnh đạo của Đảng là đấu tranh để giành những quyền có tính chất là đấu tranh giai cấp.
"Thì có thể là bước đầu có tính công đoàn thôi, tức là đấu tranh về dân sinh, nhưng mà sau đó thì tiến lên đấu tranh giành những quyền lợi khác và tiến tới đấu tranh giành độc lập cho nước Việt Nam.
"Lúc ấy có thể nói là rất tốt và công lao của các cụ bây giờ đem lại một đất nước Việt Nam độc lập và không có thể ai mà phủ nhận được.
"Thế còn bây giờ, có những người người ta tự nhiên cứ thấy có tổ chức nào ngoài quốc doanh thì người ta e ngại, nhưng mà đấy là một sự quá nhạy cảm thôi, chứ còn nghiệp đoàn này theo ý nghĩa là nó đồng hành với công đoàn có sẵn, Liên đoàn Lao động Việt Nam, thì chỉ để bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho những người lao động thôi, chứ có phản đối ai, có chống gì ai đâu".
Nhân dịp này, cùng hôm thứ Tư, BBC News tiếng Việt đã phỏng vấn với một thành viên của tổ chức Liên đoàn Lao động Độc lập Việt Nam nói trên và được một thành viên, ông Trần Giang, một người lao động trong doanh nghiệp ở miền Đông Nam Bộ cho biết một số chi tiết về tổ chức này :
"Chúng tôi là những người thật việc thật, không phải là tổ chức không tồn tại trên thực tế, thực ra chúng tôi đã hoạt động trên thực tế hỗ trợ, giúp đỡ người lao động từ lâu nay, chúng tôi hoạt động hoàn toàn dựa vào những hoạt động hợp pháp, phù hợp với hiến pháp và các công ước mà Việt Nam ký kết với quốc tế.
"Chúng tôi đã hoạt động từ lâu dưới hình thức các tổ nhóm lao động độc lập tự phát và đã phát huy hiệu quả".
Vì sao không đợi thêm ?
Khi được hỏi vì sao không đợi tới một thời hạn như đầu năm 2021, khi chính quyền và nhà nước cho phép chính thức các tổ chức đại diện cho người lao động có tư cách độc lập có thể đăng ký, hoạt động để chính thức hơn, ông Trần Giang đáp :
"Có thể nói là các hoạt động của chúng tôi phù hợp với hiến pháp, với luật pháp, công ước quốc tế, việc đến bây giờ vẫn chưa cho phép thành lập các nghiệp đoàn, công đoàn độc lập là quá muộn, trong khi nhiều người lao động ở khắp nơi đang chịu nhiều thiệt thòi, không thể chờ đợi.
"Đây cũng là thời điểm phù hợp và chín muồi sau khi Việt Nam đã có những ký kết với quốc tế, nhất là sau các Hiệp định thế hệ mới như là CPTPP, EVFTA hay là EVIPA, chúng tôi không cạnh tranh với ai để ra sớm hơn, hay muộn hơn, mà chính là đây là thời điểm đã chín muồi và dựa trên nhu cầu thực sự cần được hỗ trợ, giúp đỡ cấp bách không thể muộn hơn của nhiều người lao động, giới lao động ở nhiều nơi, nhiều ngành nghề, tổ chức lao động, doanh nghiệp mà qua quá trình hoạt động thực tế chúng tôi nắm rất rõ".
Đánh giá về viễn kiến tương lai của tổ chức của mình, ông Trần Giang nói :
"Tương lai thì chưa nói được gì, có nhiều sóng gió, khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng, miễn sao giúp đỡ được hiệu quả nhất cho người lao động, giới lao động.
"Chúng tôi không hoạt động chính trị, không nhận tiền để hoạt động chống phá, khủng bố của bất cứ ai, tới nay, chúng tôi đều hoạt động dựa trên chính túi tiền của mình để cống hiến, chi phí cho các hoạt động hỗ trợ người lao động.
"Chúng tôi không cạnh tranh với ai, kể cả với các tổ chức nghiệp đoàn thành lập trước, trong, hay sau mình, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các tổ chức nghiệp đoàn, công đoàn của nhà nước, chính quyền, sẵn sàng tìm tiếng nói chung với giới chủ để đạt mục tiêu cao nhất là hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động mà thôi", thành viên này nói với BBC News tiếng Việt hôm 01/7 từ Việt Nam.
Quốc Phương
Nguồn : BBC, 02/07/2020
********************
VIU – Thông cáo của Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam
Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam, 01/07/2020
Kính thưa quý vị,
Trong thời đại toàn cầu hóa, việc hội nhập vào nền kinh tế chung của thế giới đòi hỏi các quốc gia phải mở rộng thị trường và liên kết với các quốc gia phát triển khác. Trong chiều hướng đó, cho tới nay, Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó, đặc biệt có 2 FTA thế hệ mới :
– Ngày 8/3/2018, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
– Ngày 8/6/2020, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Liên Âu (EVFTA).
Một trong những yêu cầu quan trọng trong cả hai FTA này là Việt Nam phải tôn trọng quyền của người lao động, đặc biệt quyền được thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (Nghiệp đoàn). Tổ chức đại diện người lao động là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.
Thực tế cho thấy, chỉ những Nghiệp đoàn thật sự độc lập, không lệ thuộc bất cứ đảng phái nào, không bị doanh nghiệp nào chi phối mới dám đứng lên và tập trung vào việc đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Sự cạnh tranh giữa các tổ chức đại diện người lao động sẽ giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng.
Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, Chang-Hee Lee đã nhận định : "Quyền nghiệp đoàn là quyền của người lao động, và nghiệp đoàn là tổ chức của người lao động, không chịu sự can thiệp của người sử dụng lao động. Cần có những thay đổi để tuân thủ các yêu cầu của Hiệp định CPTPP và EVFTA, và hơn hết là hoàn thành nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên ILO".
Vì những nhu cầu cấp thiết kể trên, chúng tôi, Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam tuyên bố ra mắt cùng anh chị em công nhân, những người lao động cũng như những tổ chức nghiệp đoàn quốc tế.
Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam là một tổ chức gồm những người xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau, với mục tiêu thành lập các Nghiệp đoàn tự do. Chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động một cách hữu hiệu, nâng cao đời sống công nhân nhằm có được sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp đồng thời giúp cho người lao động Việt Nam được hưởng quyền lợi như ở các quốc gia khác trong CPTPP và EVFTA.
Chúng tôi cũng kêu gọi các công nhân trong các doanh nghiệp, những người lao động tự do trong các ngành nghề lao động khác cũng như những lao động trí thức hãy gia nhập đội ngũ Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam. Từng bước, Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam sẽ hướng dẫn các bạn thành lập những Nghiệp đoàn cho ngành nghề của các bạn tại các cơ sở để chung tay bảo vệ quyền lợi thiết thực của chính các bạn.
Làm tại Việt Nam, ngày 1/7/2020
Bà Nguyễn Nguyên Bình (thứ ba, trái qua), tới thăm bà Phạm Thị Lân (thứ hai, trái qua), vợ blogger Nguyễn Tường Thụy, người bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt hôm 23/5/2020. (Hình: Facebook Nguyễn Nguyên Bình)
Ban điều hành Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam :
Chủ tịch : Bùi Thiện Tri
Phó Chủ tịch : Trần Nghĩa Quân
Tổng Thư ký : Benn Đặng
Phụ trách tài chánh : Phùng Tuệ Tâm
Cố vấn : Nguyễn Nguyên Bình (*)
Hãy liên lạc với chúng tôi :
Website : https://nghiepdoandoclapvn.org/
Facebook : https://www.facebook.com/nghiepdoandoclapvn
Email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser. và Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.
(*) Bà Nguyễn Nguyên Bình từng là trung tá quân đội. Bà đã làm việc tại cơ quan tuyên truyền vận động binh sĩ địch, thuộc Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh tháng 2/1979 chống Trung Quốc xâm lược. Vì bất đồng chính kiến với đường lối và chính sách hiện hành của Nhà nước Việt Nam đối với Trung Quốc nên bà đã giải ngũ năm 1994. Bà Nguyễn Nguyên Bình là con của lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh.
******************
Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam ra mắt
RFA, 01/07/2020
Vào ngày 1 tháng 7, Ban điều hành Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam phát đi thông cáo báo chí ra mắt tổ chức có tên Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam.
Công nhân công ty Chí Hùng ở Bình Dương đình công hôm 28/5/2020 - Photo : RFA
Thông cáo báo chí nêu rõ ‘Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam là một tổ chức gồm những người xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau, với mục tiêu thành lập các Nghiệp đoàn tự do. Chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động một cách hữu hiệu, nâng cao đời sống công nhân nhằm có được sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp đồng thời giúp cho người lao động Việt Nam được hưởng quyền lợi như ở các quốc gia khác trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CPTPP và Hiệp định Thương mại Tự do Liên Hiệp Châu Âu-Việt Nam EVFTA’.
Thông cáo báo chí kêu gọi công nhân trong các doanh nghiệp, người lao động tự do thuộc các ngành nghề lao động khác cũng như những lao động trí thức hãy gia nhập đội ngũ Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam. Nghiệp đoàn này sẽ hướng dẫn thành lập những nghiệp đoàn cho ngành nghề của người lao động tại các cơ sở để cùng bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Thông cáo báo chí ra mắt Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam nhắc lại cho đến nay Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước khác trên thế giới ; trong đó có hai FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA. Một trong những điều khoản quan trọng trong cả hai hiệp định thương mại tự do này là Việt Nam phải tôn trọng quyền của người lao động, đặc biệt quyền được thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Tổ chức đại diện người lao động là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.
Thông cáo báo chí dẫn thực tế cho thấy chỉ những Nghiệp đoàn thật sự độc lập, không lệ thuộc bất cứ đảng phái nào, không bị doanh nghiệp nào chi phối mới dám đứng lên và tập trung vào việc đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Sự cạnh tranh giữa các tổ chức đại diện người lao động sẽ giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng.
Ban Điều hành Nghiệp Đoàn Độc lập Việt Nam có 5 thành viên gồm Chủ tịch Bùi Thiện Tri, Phó chủ tịch Trần Nghĩa Quân, Tổng thư ký Ben Đặng, người phụ trách tài chính Phùng Tuệ Tâm, và cố vấn Nguyễn Nguyên Bình.
*********************
"Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam hy vọng có cơ hội đăng ký và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam"
RFA, 01/07/2020
Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (VIU), do một nhóm người xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau, tuyên bố thành lập vào ngày 1/7/2020. Chủ tịch của VIU, ông Bùi Thiện Tri dành cho RFA một cuộc phỏng vấn xoay quanh tổ chức công đoàn độc lập vừa được thành lập này.
Website của Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (VIU) - Courtesy : nghiepdoandoclapvn.org
Trước hết, ông Bùi Thiện Tri cho biết về bối cảnh và mục đích ra đời của VIU :
Bùi Thiện Tri : Hiện nay, Việt Nam đã gia nhập hoặc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và gần đây là EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu-Việt Nam). Để được tham gia vào các hiệp định thương mại này thì Chính phủ Việt Nam phải chấp nhận những điều kiện về quyền của người lao động. Trong đó, có quyền thành lập nghiệp đoàn tự do. Và gần đây, Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Bộ luật Lao động mới. Trong đó, có quy định về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở ; tức là có thể hiểu đó là nghiệp đoàn.
Trong tình hình người lao động Việt Nam hiểu biết về pháp luật, về quyền của họ rất là hạn chế và những quy định này thì cũng rất là mới mẻ, cũng như sự tiếp cận với các quy định pháp luật chưa được rộng rãi. Chính vì thế, chúng tôi muốn ra mắt nhằm mục đích để phổ biến các quy định của pháp luật về quyền của người lao động, cũng như hỗ trợ người lao động trong việc thành lập các tổ chức đại diện của người lao động tại các doanh nghiệp. Đấy là mục đích chính của việc thành lập Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam.
RFA : Hiện tại, Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam được hoạt động chính thức dưới sự công nhận của Chính quyền Việt Nam hay chưa ?
Bùi Thiện Tri : Tại Việt Nam, hiện nay chúng tôi tổ chức ra mô hình này trên cơ sở Hiến pháp của Việt Nam về quyền lập hội công dân. Còn về hành lang pháp lý của việc thành lập tổ chức này thì hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có luật về hội hay nói đúng ra là luật này còn đang trong quá trình soạn thảo. Mặc dù Luật Lao động mới được thông qua, nhưng cũng chưa có hiệu lực. Và nghị định theo Luật này quy định là Chính phủ sẽ ban hành nghị định để hướng dẫn về việc tổ chức của người lao động ở cơ sở. Tuy nhiên đến nay, nghị định này cũng chưa được ban hành.
Trong khi đó, các quy định về lập hội ở Việt Nam hiện nay cũng rất là hạn chế. Và theo các quy định này thì mỗi lĩnh vực chỉ tổ chức được một hội để hoạt động thôi. Hiện nay, về tổ chức của người lao động thì đã có tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Chính vì thế, nếu các hội khác có cùng mục đích hoạt động và muốn xin thành lập thì sẽ rất khó khăn. Do đó, chúng tôi hiện nay vẫn chưa đăng ký với chính quyền. Chúng tôi hy vọng trong tương lai, khi có các quy định pháp luật về việc thành lập các tổ chức của người lao động thì chúng tôi sẽ có cơ hội đăng ký hoạt động với chính quyền.
RFA : Về tương tác với công nhân và giới lao động tại Việt Nam, VIU có định hướng cũng như có những cách thức nào để hỗ trợ hay phổ biến những thông tin về luật pháp cho người lao động ?
Bùi Thiện Tri : Hiện nay, chúng tôi đặt ra mục tiêu hoạt động trước mắt : Thứ nhất là phổ biến các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập liên quan đến quyền của người lao động, cũng như quyền thành lập nghiệp đoàn của người lao động. Thứ hai là tư vấn pháp luật cho người lao động về các vấn đề liên quan đến quyền của người lao động cũng như các vấn đề pháp lý khác. Thứ ba là hỗ trợ cho người lao động tại các doanh nghiệp về việc thành lập các tổ chức đại diện của mình theo Luật Lao động mới, nếu những người nào có nhu cầu cần tư vấn về các thủ tục để thành lập. Thêm vào đó, chúng tôi đưa các tin tức về tình hình công nhân, lao động cũng như việc làm ở trên mạng internet.
Hiện nay, chúng tôi đã có một website và một trang Facebook cùng một tên là ‘Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam". Và, chúng tôi cũng có mở trong đó một mục về tư vấn pháp luật cho người lao động.
Chúng tôi hy vọng rằng qua các kênh thông tin này thì chúng tôi sẽ tiếp cận được với người lao động và sẽ giúp họ trong các vấn đề về quyền của người lao động ở Việt Nam.
RFA : Bởi vì hiện tại với tư cách pháp nhân hợp pháp tại Việt Nam thì Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam chưa được Chính phủ Việt Nam công nhận chính thức. Như vậy, VIU tiên liệu về những hoạt động như vừa nêu sẽ gặp trở ngại nào từ phía Chính quyền hay không ?
Bùi Thiện Tri : Chúng tôi cũng có đặt ra những vấn đề cũng như khó khăn trước mắt, vì dù sao chăng nữa một tổ chức được thành lập ra mà chưa được sự công nhận của chính quyền thì cũng có những việc mà phía chính quyền không ủng hộ, nếu không muốn nói là có thể họ sẽ ngăn cản.
Như chúng tôi đã nói là chúng tôi căn cứ vào quyền lập hội của công dân được quy định trong Hiến pháp và xã hội dân sự nhằm mục đích vì lợi ích của cộng đồng, cũng như là trợ giúp cho công nhân và người lao động. Chính vì thế, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ hoạt động trong những khuôn khổ quy định của pháp luật Việt Nam. Và, những việc đó thì chúng tôi nghĩ là chỉ mang lại lợi ích cho xã hội mà không ảnh hưởng gì đến lợi ích của chính quyền.
Vì vậy, chúng tôi mong rằng các hoạt động của VIU sẽ được xã hội đón nhận và người lao động ở Việt Nam sẽ ủng hộ chúng tôi.
RFA : Trong bối cảnh Việt Nam ký kết các Hiệp định Thương mại thế hệ mới như EVFTA và CPTPP, VIU có dự định sẽ kết nối với các nghiệp đoàn khác ; đặc biệt là những nghiệp đoàn ở các nước thành viên của hai Hiệp định vừa nêu ; để học hỏi hay trao đổi những kinh nghiệm trong hoạt động nghiệp đoàn hay không ?
Bùi Thiện tri : Thứ nhất về phía trong nước, qua nghiên cứu Bộ luật Lao động 2019, chúng tôi thấy rằng về các quy định của nghiệp đoàn ở Việt Nam thì hiện nay pháp luật quy định về quyền thành lập nghiệp đoàn ở cơ sở. Tức là, chưa cho phép thành lập tổ chức liên kết giữa các nghiệp đoàn cơ sở với nhau. Tuy nhiên, trong luật cũng không có quy định nào cấm việc này. Nếu hiểu theo quy định của pháp luật thì những việc gì pháp luật không cấm, công dân có quyền làm. Chúng tôi hy vọng trong tương lai các nghiệp đoàn tại cơ sở ở Việt Nam được thành lập thì chúng tôi sẽ có cơ hội gắn kết với nhau để hỗ trợ nhau hoạt động cho có hiệu quả.
Về phía ngoài nước, chúng tôi cũng mong các tổ chức nghiệp đoàn của các nước cũng như các tổ chức quốc tế nếu có điều kiện thì cũng hỗ trợ và phối hợp cùng với chúng tôi để triển khai các công việc của nhau đạt hiệu quả và có tính liên kết.
Chúng tôi rất mong muốn các tổ chức nghiệp đoàn trong và ngoài nước liên hệ và hợp tác cùng chúng tôi để cùng nhau phát triển.
RFA : Chân thành cảm ơn thời gian của ông Bùi Thiện Tri chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do thông tin về Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam.
Nguồn : RFA, 01/07/2020