Chắc chắn đại diện Bộ Xây dựng và chính quyền thành phố Hà Nội không thể ngờ rằng, "Lễ công bố Quy hoạch chi tiết xây dựng, tỷ lệ 1/500, Nghĩa trang Yên Trung" do họ phối hợp tổ chức hôm 1 tháng 2, lại trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về thời điểm giới lãnh đạo cao cấp nên chết và chuyện chôn giới này...
Mô hình Nghĩa trang Yên Trung dự trù kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng dành cho các lãnh đạo cấp của Việt Nam. (Ảnh : VietnamFinance)
***
Dẫu đã hơn một tuần tính từ "buổi lễ" đó song cuộc bàn luận về ý tưởng trục xuất 105 gia đình đang sinh sống dưới chân núi Ba Vì thuộc huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội để dùng 120 héc ta đất xây dựng Nghĩa trang Yên Trung, không những chưa kết thúc mà càng ngày càng rôm rả.
Trên các diễn đàn điện tử và mạng xã hội, song song với sự thịnh nộ vì bất chấp thâm thủng ngân sách, nợ nần gia tăng, các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh (trường học, bệnh viện,…) vừa thiếu, vừa tồi tệ về chất lượng, số người nghèo khổ càng ngày càng đông, giới nào cũng ta thán về "sưu cao, thuế nặng", chính phủ Việt Nam vẫn phê duyệt dự án ngốn tới 1.400 tỉ này chỉ để chôn cất "từ 2.200 đến 2.500 cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và các anh hùng, danh nhân"- lần đầu tiên, dân chúng Việt Nam thi nhau bày tỏ suy nghĩ của họ về chuyện chết cũng như chôn những cá nhân thụ hưởng đặc quyền "an nghỉ cuối cùng" ở Nghĩa trang Yên Trung.
Cho dù Nghĩa trang Yên Trung được giới thiệu còn là nơi "an nghỉ cuối cùng" của "các anh hùng, danh nhân" song mũi dùi của dư luận chỉ chĩa trực tiếp vào "cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước".
Giống như nhiều người, Duong Thang nêu thắc mắc : Chắc gì các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa thích được chôn cùng chỗ với các quan chức cao cấp ? Đoàn Khắc Xuyên nhận định xếp "các anh hùng, danh nhân" vào cùng một nhóm với những "cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước" là "nhập nhèm, đánh đồng cái này với cái kia, bởi cái này không phải cái kia, cái kia chưa chắc đã là cái này". Theo ông Xuyên đó là một kiểu "đánh lận con đen" nhằm "né tránh dư luận".
Chẳng phải chỉ có Duong Thang và Đoàn Khắc Xuyên nhìn ra điều đó. Có hàng triệu người cùng thấy như vậy, thành ra…
- Những bình luận kiểu : Hết ý khi đến giờ này mà vẫn còn phân biệt chỗ chôn giới lãnh đạo cao cấp với thường dân. Hoặc Nghĩa trang Yên Trung cho thấy "tầm nhìn xa" của giới lãnh đạo cao cấp thành ra họ hối hả chuẩn bị hậu sự cho mình. Hay đừng tiếc 1.400 tỉ mà nên chấp nhận đóng góp thêm vài chục ngàn tỉ nữa để lập các nghĩa trang, chôn toàn bộ giới lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã một lần cho xong…
- Rồi những băn khoăn kiểu : Con cháu giới lãnh đạo cao cấp đã định cư ở ngoại quốc hết rồi. Bỏ ra 1.400 tỉ sẽ phí vì lấy ai thắp hương ?...
- Và những an ủi kiểu : Bởi khó mà chặn dự án Nghĩa trang Yên Trung thành ra cứ xem đó nhưchi phí cho việc gom hết vào một chỗ để sau này nhân dân dễ tìm…
…được người sử dụng Internet rải đầy trên mạng xã hội Việt ngữ. Chúng nhiều như lá…. mùa thu !
Điểm đặc biệt là tham gia luận bàn theo các hướng vừa kể không chỉ có thường dân. Dự án Nghĩa trang Yên Trung đã đẩy những người xưa nay vẫn không ngại bày tỏ sự tin yêu Đảng, Nhà nước, hoặc từng hay đang gắn bó mật thiết với hệ thống công quyền tại Việt Nam, cùng với đám đông đồng bào của mình nhìn về một hướng.
Hai tháng trước, facebooker Trần Đình Triển – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - nhận định : Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "vị hào kiệt của dân tộc", ngày mùng 2 tháng này, ông Triển chất vấn : Tại sao chết mà còn phân biệt nơi chôn ? Nói không đi đôi với làm, dân tin yêu sao được ?
Giữa trận bão dư luận ấy, có facebooker như Nguyễn Thiện nhắc mọi người, dự án Nghĩa trang Yên Trung do chủ trương của Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa trước đề ra, ông Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng đã rời chính trường để trở về "làm người tử tế" - phê duyệt, chứ không phải sản phẩm do ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng đương nhiệm tạo ra. Nguyễn Thiện dẫn một link cho thấy, người đứng đầu Ban Bí thư thời đó chính là "vị hào kiệt của dân tộc" hôm nay.
Facebooker Nguyễn Văn Thọ - người khẳng định là cùng thời, có số tuổi Đảng, tuổi cống hiến ngang với những "cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước", gọi họ là "đồng chí" – khuyến cáo, chi 1.400 tỉ thực hiện dự án Nghĩa trang Yên Trung là "tự đào huyệt chôn mình, chôn theo cả lòng tin mà cuộc chiến chống tham nhũng đang nhen nhóm lại, thậm chí chôn đi cả lòng biết ơn của nhân dân với sự nghiệp cách mạng mà các bậc tiền bối đã dành cho Đảng".
Đặng Huỳnh Lộc, cháu của một Bà mẹ Việt Nam anh hùng, huỵch toẹt : Thay vì xây nghĩa trang để củng cố lòng tin của nhân dân thì hãy tự sát để nhân dân tin là đã chết thật ! Võ Đắc Danh, con của một Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tán thưởng : Đó là cách tốt nhất để lấy lòng tin của nhân dân.
Đã có không ít người dẫn câu ca dao : Thương dân, dân lập đền thờ. Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương ! - như một cách răn đe. Hoàng Tư Giang cũng dẫn câu ca dao này kèm câu hỏi : Triết lý đơn giản như vậy, trải qua nhiều triều đại mà sao các anh không nhận ra từ lúc còn trên đỉnh cao quyền lực cho tới khi nhắm mắt xuôi tay ? 1.400 tỉ là máu và nước mắt của người dân đấy !
Theo khuynh hướng đó, Đỗ Minh Tuấn bỡn cợt rằng nên "đối xử bình đẳng" với tất cả các "dự án", khoan phản đối khi chưa xác định các "thông số khoa học". Giống như các dự án khác, dự án Nghĩa trang Yên Trung cần phải qua giai đoạn khảo sát, nghiên cứu "tiền khả thi", kèm "đánh giá tác động môi trường". Theo ông Tuấn, trước khi xài cho hết 1.400 tỉ để xây "bãi tha ma quan chức", chôn đồng loạt các xác chết thì nên… chôn thử. Ông hiến kế : Chôn thử thằng nghĩ ra dự án xem môi trường trong khu vực có bị ảnh hưởng do nước tiểu của dân không ? Sau đó "kiểm tra xem dư luận xã hội ra sao" ? Gia đình người được "chôn thử" có phát tài phát lộc hay không ? Ông Tuấn còn đề nghị nên khảo sát và dự báo cả yếu tố, trong tương lai, liệu con cháu của những người sử dụng "bãi tha ma quan chức" có bị tổn thương khi suốt ngày nghe chửi và ngửi mùi nước tiểu không ?.
***
Từ khi trở thành tổ chức chính trị duy nhất nắm giữ độc quyền lãnh đạo toàn diện tại Việt Nam, dù nhiều người, nhiều giới đề nghị nhiều lần nhưng chưa bao giờ Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức trưng cầu dân ý.
Dự án Nghĩa trang Yên Trung giống như giọt nước làm tràn ly, dẫu chẳng có ai, nơi nào đứng ra tổ chức nhưng nhiều người, nhiều giới đồng loạt bày tỏ tâm ý của họ. Sau lần dân chúng tự phát biểu thị tâm ý này, không rõ các "cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước" có đắn đo chút nào mỗi khi lập lại luận điểm "lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối là sứ mệnh mà nhân dân tin tưởng giao phó" hay không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 13/02/2018
Suốt 5 tuần lễ vừa qua, vô vàn Facebook và hàng trăm blog tự do bàn tán sôi nổi về quyết định của Bộ Chính Trị xây dựng một Nghĩa trang lớn tại huyện Thạch Thất, ở chân dãy núi Ba Vì, cách trung tâm thủ đô 40 km. Lý do là Nghĩa trang Mai Dịch giữa Hà Nội đã gần hết chỗ.
Mô hình Nghĩa trang Yên Trung dự trù kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng dành cho các lãnh đạo cấp của Việt Nam. (Ảnh : VietnamFinance)
Đây là Nghĩa trang lớn nhất nước, dành riêng cho cán bộ cấp cao, hầu hết là đảng viên cộng sản, và "những danh nhân". Cần nói ngay rằng thực tế chứng minh một tỷ lệ không nhỏ cán bộ cấp cao tham nhũng, quan liêu, lãng phí ghê gớm, phá nhiều hơn xây, phạm pháp, ra tòa, không xứng đáng được ưu đãi.
Một kế hoạch cụ thể đã được phác thảo, với mô hình thu nhỏ 1/1.500, tại xã Yên Trung, gồm có 2.200 đến 2.500 ngôi mộ, chiếm 120 héc ta đất, mỗi ngôi có diện tích chừng 35 mét vuông. Chi phí dự trù cho nghĩa trang này lên đến 1.400 tỷ đồng, bằng 61,5 triệu đôla.
Nhiều trí thức, đảng viên, nghệ sĩ, quần chúng lên tiếng công khai đòi hủy bỏ kế hoạch xây dựng nghĩa trang to lớn quá đắt này.
Những tiếng nói mạnh mẽ, rất đáng chú ý có sức thuyết phục là của blogger Huỳnh Ngọc Chênh, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện, Ts Nguyễn Văn Thọ và nữ nghệ sĩ điện ảnh Kim Chi, có chung một ý kiến rằng không nên phân chia đẳng cấp với người đã chết, chôn riêng cán bộ cao cấp, phân biệt với cán bộ trung, sơ cấp và dân thường, những người bị coi là thứ dân, khi mọi công dân về nguyên tắc, nhân phẩm là bình đẳng.
Ý kiến rất xác đáng là nước ta còn nghèo, chi tiêu cần hết sức tiết kiệm, phải lo cho những người dân còn sống, trước khi lo đến việc an táng người đã chết. Tại sao chế độ này quyết định xây vô số những tượng đài hàng nghìn tỷ một cách dễ dàng trong khi trường học vùng cao cho các em học sinh vẫn còn tường đất, mái gianh, bệnh viện nhiều nơi chật chội – 2 bệnh nhân nằm chung giường, rất nhiều nơi ở Sơn La, Lai Châu… các em đi học không có cầu bắc qua sông, phải bơi, bám giây cáp rất nguy hiểm, nhiều em phải bỏ học, có em bị chết đuối. Đây là những việc làm bức thiết, cấp bách phục vụ đời sống của công dân, phải là những ưu tiên của lãnh đạo, của Nhà nước của dân do dân và vì dân. Nghệ sĩ Kim Chi cho rằng quyết định xây nghĩa trang hơn nghìn tỷ riêng cho cán bộ cao cấp lúc này là một biểu hiện vô cảm trái đạo lý và đặt ra câu hỏi rất thích hợp : "đầu óc lãnh đạo có bị làm sao ? trái tim họ để ở đâu ?". Nợ quốc gia ngập đầu, ngân sách thiếu hụt, dân nghèo khổ còn đông, sao lại phung phí tìền của dân đến thế !
Tôi có thêm vài ý kiến như sau. Tôi đã quan sát ở các nước Pháp, Đức, Hoa Kỳ… không hề có nghĩa trang nào dành riêng cho cán bộ cấp cao. Tướng De Gaulle, tổng thống Mitterand đều an táng tại quê nhà. Điện Panthéon là mộ tập thể của những người con vĩ đại đã làm rạng danh nước Pháp. Trước Điện là dòng chữ "Tổ quốc ghi ơn những con người vĩ đại" – Aux grands hommes la Patrie reconnaissante. Qua 2 thế kỷ, hiện mới có 65 ngôi mộ trong ngôi Điện này. Phần lớn là các nhà tư tưởng, nhà văn, nhà khoa học có sáng tác phát minh nổi bật. Đó là Victor Hugo, Alexandre Dumas, Pierre Curie, André Malraux. Chỉ có Sadi Carnot là tổng thống duy nhất được an táng tại đây.
Tôi đã đến nghĩa trang Arlington ở Hoa Kỳ, mộ tổng thống J. Kennedy chiếm có 6 mét vuông tại đây, không khác gì các mộ khác, mộ các sĩ quan, chiến sỹ ở cạnh.
Tôi nhớ đến bản di chúc của ông Hồ Chí Minh, có ghi rõ mong muốn được hỏa táng và ước muốn hỏa táng sẽ được thực hiện rộng rãi, ít tốn kém lại hợp vệ sinh. Chính đây là điều trong di chúc mà lãnh đạo cần thực hiện trọn vẹn lúc này. Đây là điều ông Lê Duẩn tự ý dùng bút xóa bỏ, anh Vũ Kỳ và tôi đã thực hiện "âm mưu tiết lộ công khai" buộc lãnh đạo phải tòi ra toàn văn bản di chúc để trình quốc hội và sau đó in ra toàn bộ nguyên vẹn bản di chúc. Hỏa táng thi hài ông Hồ vẫn là một nhu cầu tinh thần, một món nợ đối với người đã khuất. Huống gì nhiều nhà duy tâm cho rằng chính vì không hỏa táng hay chôn cất toàn thân ông Hồ, mà đất nước không yên, oan hồn ông đè nặng khuấy động trên đất nước này !
Một chi tiết quan trọng là chính phủ từng ra văn bản kêu gọi nhân dân thực hiện hỏa thiêu một cách rộng rãi, phổ biến, sao lại làm cái việc ngược lại là xây dựng nghĩa trang Yên Trung. Nói một đằng làm một nẻo là thế.
Rõ ràng đây là ý riêng của Bộ Chính Trị, đi ngược lòng dân, đi ngược cả di chúc ông Hồ mà họ ra rả kêu gọi phải học tập và làm theo ! Không gì mỉa mai bằng.
Ban Tuyên huấn trung ương đảng hãy mở một cuộc điều tra dư luận hay trưng cầu dân ý để xem ý dân thực sự ra sao về vấn đề hệ trọng này.
Chắc chắn lòng dân sẽ bác bỏ ý định của tổng bí thư và Bộ Chính trị. Và có lẽ người bảo vệ mạnh mẽ nhất đề án nghĩa trang Yên Trung là ông tổng Trọng, khi ông đã 74 tuổi, già yếu, với hy vọng riêng tư được là một trong những nhân vật đầu tiên ứng cử việc sẽ được yên nghỉ tại đây.
Quốc Hội phiên tới ắt phải thảo luận về cái đề án 1.400 tỷ đồng này. Để xem khi ý định của tổng bí thư, của Bộ Chính trị đi ngược với lòng dân thì Quốc hội sẽ đứng về phía nào ? Đó là quốc hội của nhân dân hay chỉ là những ông bà nghị bù nhìn của đảng, chuyên xoay lưng lại với người dân, coi dân là rơm rác.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 12/02/2018