Nghị định 126/2024/NĐ-CP là nghị định ngăn cấm lập hội ?
Diễm Thi, RFA, 17/10/2024
Hôm 8/10/2024, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 126/2024/ND-CP Quy định về Tổ chức, Hoạt động và Quản lý Hội. Đây được cho là một động thái bất ngờ với những nhà hoạt động dân sự trong và ngoài nước, bởi Luật về hội từng nhiều lần không được Quốc hội thông qua.
Bức ảnh được chụp ngày 5/1/2021 cho thấy các nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng (phải), Nguyễn Tường Thụy (trái) và Lê Hữu Minh Tuấn (sau) thuộc Hội Nhà báo Độc lập trong phiên tòa xét xử tại tòa án ở Hồ Chí Minh thành phố. AFP
Cụ thể, sáng ngày 25/10/2016, tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội Việt Nam, nhiều đại biểu Quốc hội được cho là "nhất trí cao" với việc ban hành Luật về hội. Đây là điều được quy định từ Hiến pháp 1946 đến nay, nhằm thể chế hóa các quy định của Hiến pháp và pháp luật về hội của công dân Việt Nam. Tuy nhiên, phút chót luật này lại không thể thông qua với lý do được đa số đại biểu đưa ra là nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa thật phù hợp với thực tiễn của hoạt động hội, thậm chí có quy định còn hạn chế hơn so với pháp luật hiện hành, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, nặng về yêu cầu quản lý nhà nước.
Gần hai năm sau, tại hội thảo đóng góp ý kiến cho dự luật diễn ra hôm 1/3/2018, Luật về Hội lại không thể thông qua với lý do được nói là vẫn có nhiều nội dung không phù hợp.
Tại Hội nghị thứ nhất triển khai luật và nghị quyết của Quốc hội khóa 14 diễn ra hôm 6/9/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cho nhiệm kỳ quốc hội 2021-2026 không có Luật về hội.
Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông về Nghị định 126/2024/ND-CP về phương diện pháp lý :
"Nghị định 126/2024 dùng khái niệm "đăng ký" là chính xác, vì nó phù hợp với bản chấp pháp lý của một quyền tự do. Thế nhưng, bên cạnh đó, cũng Nghị định 126 lại quy định về các thủ tục phê duyệt điều lệ Hội, tham khảo ý kiến các ban ngành có liên quan, xem xét, cho phép, ra quyết định… đã phủ nhận hoàn toàn khái niệm "đăng ký". Mà thực chất, chính là sự "cho phép" trá hình theo cơ chế xin cho, chứ không còn là "đăng ký" như một quyền nữa. Thực tế tại Việt Nam cần có sự phân biệt về 2 phương diện, hiệu lực pháp lý và thực tế thực hiện.
Về phương diện hiệu lực pháp lý : Kể từ thời điểm bản Hiến pháp có hiệu lực pháp lý, thì quy định việc thành lập hội là một quyền tự do của công dân cũng sẽ có hiệu lực. Theo đó, về nguyên tắc, công dân có quyền thành lập hội. Việc chế độ chậm ban hành văn bản để thực hiện, đó là trách nhiệm của chế độ. Nó không phải là trách nhiệm của người dân. Chế độ không thể vin vào sự vô trách nhiệm của mình như là cơ sở để phủ nhận quy định của Hiến pháp, hoặc phủ nhận quyền tự do của người dân đã có hiệu lực pháp lý được.
Về phương diện thực tế : Trong thực tế thì chế độ cộng sản thường xuyên ngăn cản việc người dân thành lập hội. Họ cho rằng do chưa có văn bản luật pháp quy định về việc lập hội, cho nên, lập hội là bất hợp pháp".
Luật sư Mạnh nêu ví dụ, trong vụ án xét xử các thành viên Hội Nhà báo Độc lập gồm ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, tòa án nói công khai rằng Hội Nhà báo Độc lập là một tổ chức bất hợp pháp vì không xin phép chính quyền khi thành lập.
Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung thì cho rằng, Nghị định 126 thực chất là nghị định ngăn cản lập hội. Ông phân tích :
"Nghị định 126 theo tôi là nghị định ngăn cản lập hội bởi nó đặt ra rất nhiều rào cản. Trong đó, rào cản lớn nhất là muốn lập hội phải được Đảng cộng sản và Nhà nước cho phép. Nó rất kỳ lạ và không đúng với tự do lập hội với cơ chế xin-cho.
Một điểm buồn cười nữa trong nghị định là hội do người dân thành lập phải có nghĩa vụ thực hiện nhiệm vụ Đảng cộng sản giao cho ; phải thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng cộng sản theo chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Người dân và hội chỉ có nghĩa vụ làm đúng pháp luật chứ không thể có nghĩa vụ chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng cộng sản. Điều đó không thể ghi vào văn bản luật được. Do đó, theo tôi, Nghị định 126 là nghị định ngăn cấm lập hội !".
Liên quan tới việc giao nhiệm vụ cho hội, Điều 8 Nghị định nêu rõ : Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và cấp có thẩm quyền ở Trung ương giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh ; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp có thẩm quyền ở tỉnh giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện ; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp có thẩm quyền ở huyện giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã ; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp có thẩm quyền ở xã giao nhiệm vụ đối với hội hoạt động trong phạm vi xã.
Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung nói thêm, Nghị định 126 ban hành vào khi "các nhà hoạt động xã hội dân sự đã bị đàn áp, bắt bớ hoặc phải đi tị nạn. Như vậy trong nước không còn những lãnh đạo xã hội dân sự độc lập không thuộc nhà nước nữa".
Nhà hoạt động xã hội dân sự Trần Anh Quân cũng cùng ý kiến khi cho rằng :
"Việt Nam chỉ cho lập Hội trên văn bản thôi chứ thực tế sẽ không dễ dàng. Có chăng là những hội nhóm vui chơi giải trí, chứ lập hội để bảo vệ quyền con người, bảo vệ môi trường hay xây dựng chính sách thì sẽ là không. Họ chỉ cho lập Hội trên lý thuyết, hoặc nếu cho thành lập hội nhóm thì chính quyền sẽ để những đoàn viên, đảng viên, nói chung là "người nhà" của họ thành lập và quản lý. Mục đích là để báo cáo với thế giới rằng Việt Nam cho lập hội.
Về thẩm quyền giải quyết các thủ tục về hội, Điều 15 Nghị định 126/2024 quy định rõ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều lệ đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc có đảng đoàn ; Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác về thành lập, phê duyệt điều lệ hội ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội ; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội ; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã.
Thực tế, Quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 và tiếp tục được ghi nhận trong các bản Hiến pháp sau này. Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 quy định : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 17/10/2024
******************************
Ý kiến thêm về Nghị định 126 "tổ chức, hoạt động, quản lý hội"
RFA, 18/10/2024
Nghị định số 126 về Tổ chức, hoạt động và quản lý hội vừa được Chính phủ ban hành hôm 8/10 vừa qua được cho là gia tăng sự kiểm soát của nhà nước, hạn chế sự phát triển của các tổ chức xã hội độc lập và quyền tự do lập hội.
Câu lạc bộ bóng đá NoU Hà Nội, phản đối Đường lưỡi bò Trung Quốc - AFP
Cản trở Quyền lập hội
Theo nhà văn Hoàng Thụy Hưng, nghị định này mở ra khả năng cho cá nhân hoặc nhóm người có thể tự mình xin phép thành lập hội. Đây là một bước tiến so với trước kia, khi mà hầu hết các hội nhóm đều phải do nhà nước đứng ra thành lập và kiểm soát hoàn toàn.
Tuy nhiên, nghị định này yêu cầu những điều kiện gắt gao và mơ hồ khiến quyền thành lập hội bị hạn chế nghiêm trọng. Một trong những điều kiện để được thành lập hội trong nghị định này là hội không được vi phạm "thuần phong mỹ tục" và "truyền thống văn hóa dân tộc". Một luật sư hiện đang ở trong nước, yêu cầu giấu danh tính cho rằng đây là những khái niệm mơ hồ, khó xác định, và có thể bị sử dụng tùy tiện để loại bỏ bất kỳ hội nhóm nào mà nhà nước không ủng hộ :
"Hội còn chưa thành lập mà đã bị ràng buộc bởi những điều kiện chung chung như vậy. Điều này cho thấy rõ mục tiêu kiểm soát và loại bỏ các hội nhóm có tiềm năng hoạt động độc lập hoặc có ý kiến khác biệt với nhà nước".
Nghị định mới cũng không cho phép có nhiều hơn một hội hoạt động trong cùng một lĩnh vực. Điều này có nghĩa là nếu đã có một hội do nhà nước thành lập hoạt động trong một lĩnh vực nhất định thì sẽ không có hội nào khác được phép thành lập và hoạt động trong cùng lĩnh vực đó. Nhà văn Hoàng Thụy Hưng cho rằng điều này ngăn cản sự phát triển của các hội nhóm độc lập và làm giảm tính đa dạng của xã hội dân sự :
"Có quy định là nếu trong cái ngành đó mà đã có một hội của nhà nước được thành lập rồi thì không được có một cái mỗi thứ hai. Thí dụ như đã có hội nhà văn rồi thì không có một hội nào khác được thành lập hoạt động về văn học nữa".
Tăng cường kiểm soát hoạt động của hội
Ngoài ra, Nghị định này còn quy định một loạt các điều khoản cho thấy sự nhúng tay quá mức vào các hoạt động của các hội nhóm. Theo nhà văn Hoàng Thụy Hưng, một loạt các điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt đối với các hội nhóm ngoài nhà nước. Điều này là không đúng với bản chất của xã hội dân sự :
"Về căn bản và bản chất nó cũng có những thứ chưa thay đổi được. Có một điều khoản rõ ràng là tất cả những hội này dù có do cá nhân hay một nhóm đứng ra lập trong cái nghề nghiệp của mình nhưng mà vẫn có sự kiểm soát cực kỳ chặt chẽ của các cấp chính quyền. Ví dụ, chúng tôi muốn thành lập ra hội văn học thì phải do bộ văn hóa đứng ra cho phép và kiểm soát. Như vậy thì không đúng với bản chất của xã hội dân sự".
Một vài điều quy định thể hiện rõ sự kiểm soát này, bao gồm phải công khai báo cáo tài chính và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Nhà nước có thể can thiệp vào hoạt động của các hội nếu phát hiện ra bất kỳ vi phạm nào, bao gồm cả các vi phạm về tài chính và tổ chức sự kiện.
Hoặc như quy định phải chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Theo luật sư giấu tên, đây là yêu cầu bất hợp lý, bởi :
"Hội có phải là thành viên của Đảng, hội viên sinh hoạt trong hội chứ có phải là sinh hoạt trong Đảng đâu mà kêu họ phải chấp hành chủ trương đường lối của Đảng. Nghị định cũ không có quy định chấp hành chủ trương đường lối của Đảng nhưng của nghị định mới thì có".
Nghị định cũ số 45 về Tổ chức, hoạt động và quản lý hội được ban hành hôm hồi tháng 4/2010. Theo luật sư giấu tên, so với Nghị định số 45 thì nghị định vừa mới ban hành cho thấy nhà nước siết chặt và kiểm soát gắt gao hơn các hoạt động về hội.
Nghị định năm 2010 không đề cập đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hội. Nhưng Nghị định 2024 đưa ra quy định về việc xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về các hội. Điều này giúp nhà nước quản lý tập trung có hệ thống, cho phép theo dõi và giám sát các hội nhóm một cách chi tiết và toàn diện hơn.
Về nhận tài trợ quốc tế : Nghị định 2010 không nêu chi tiết, chỉ giới hạn trong việc yêu cầu các hội báo cáo khi nhận hỗ trợ tài chính từ nước ngoài. Trong khi đó, Nghị định 2024 đưa ra quy định cụ thể hơn về việc hợp tác quốc tế, yêu cầu các hội phải xin phép và báo cáo khi tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế hoặc nhận tài trợ từ nước ngoài.
Nghị định 2010 cho phép tổ chức sự kiện và hoạt động công cộng, chỉ cần thông báo cho cơ quan chức năng khi cần thiết. Nhưng Nghị định 2024 lại tăng cường kiểm soát việc tổ chức sự kiện và hoạt động công cộng. Các hội phải xin phép và được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền trước khi tổ chức các sự kiện lớn.
Nghị định số 126 đã được chính phủ ban hành từ ngày 8/10/2024. Đến nay, văn bản này chỉ được đăng tải trên trang web của các cơ quan nhà nước, chứ các trang báo trong nước hoàn toàn không nhắc thông tin này.
Cả Nhà văn Hoàng Thụy Hưng và luật sư giấu tên đều cho rằng có lẽ nhà nước Việt Nam đang chịu áp lực từ phía quốc tế về nhân quyền nên phải ra nghị định mới về hoạt động của hội nhưng không muốn công bố rộng rãi cho người dân được biết :
"Tôi ước đoán rằng cái Nghị định này ra đời nhằm đối phó với một áp lực quốc tế nào đó với nhu cầu quá gắt gao về chuyện phải có bước tiến trong vấn đề nhân quyền và xã hội dân sự. Có lẽ là để nhằm đối phó với bên ngoài là chính" - Nhà văn Hoàng Thụy Hưng kết luận.
Nguồn : RFA, 18/10/2024