Dư luận tại Việt Nam đang xôn xao về việc tấm bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2, Sài Gòn) tỉ lệ 1/5000 vẽ năm 1996 ; được coi là cấu trúc tổng thể quan trọng về dự án Thủ Thiêm đã "biến mất".
Nhà nguyện trong tu viện Mến Thánh giá Thủ Thiêm xây năm 1956. Nơi này đang có nguy cơ bị xóa sổ. (Hình : Nguyễn An Nam)
Thông tin trên được ông ông Võ Công Lực, giám đốc Trung Tâm Phát Triển Quỹ Đất thành phố Sài Gòn tiết lộ trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 2 tháng Năm vừa qua, trước sự chất vấn của báo giới về việc chính quyền thành phố sắp tổ chức bán đấu giá 9 khu đất vàng tại Thủ Thiêm.
Tuy tấm bản đồ tỉ lệ 1/5000 vẽ năm 1996 mang tính lịch sử, nhưng theo nó là quyết định của thủ tướng chính phủ mang tính pháp lý khi phê duyệt dự án này (các bản đồ còn lại, với tỉ lệ 1/2000 và 1/500 thường dùng tham chiếu chi tiết, cụ thể hóa về mức độ quy hoạch).
Được biết, năm 2005, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm có điều chỉnh lại quy hoạch và về sau, chính quyền cùng nhà đầu tư căn cứ trên các bản đồ của năm 2005 để làm các công việc từ giải tỏa, thu hồi đất của dân tại chỗ cho đến phóng chiếu việc xây dựng thực tế.
Một Thánh Lễ Chủ Nhật ở nhà thờ Thủ Thiêm vẫn diễn ra bình thường, nhưng giáo dân vẫn thường bàn tán bất an về số phận ngôi giáo đường thân yêu của họ. (Hình : Nguyễn An Nam)
Thế nhưng tấm bản đồ bị mất vẫn sẽ là một nguồn tư liệu vô cùng quan trọng để đối chiếu nếu muốn biết những sai sót của nhà đầu tư và quản lý nhà nước trong quá trình điều chỉnh quy hoạch và thực hiện xây dựng trên hiện trường.
Sở dĩ dư luận báo chí chú tâm đến vấn đề tấm bản đồ bị đánh mất, đó là bởi Thủ Thiêm trong suốt hơn 20 năm qua, luôn là vấn đề "nóng".
Ở một vị trí đất vàng, giáp trung tâm Quận 1, lại là nơi trước đây đa phần diện tích đầm lầy, tập trung cư dân lao động nghèo, trong quá trình nhà nước thu hồi đất đai bằng cách cưỡng chế không thuyết phục, đã có những nảy sinh bất đồng rất lớn trong dân. Trên giấy tờ, nhà chức trách thông tin rằng có 15,000 hộ dân đã phải di dời để dành đất xây khu đô thị mới Thủ Thiêm và chính quyền Sài Gòn đã chi 30.000 tỷ đồng cho bồi thường, tái định cư.
Nhưng trên thực tế, đã nhiều cuộc tụ tập phản ứng của người dân ở khu vực này nhanh chóng bị dập tắt và báo chí thành phố dù biết cũng không thể thông tin được do bị kiểm duyệt. Vấn đề Thủ Thiêm được xem là "nhạy cảm" đối với nhiều tờ báo trong nước, đặc biệt, các báo có tòa soạn đặt tại Sài Gòn.
Con đường vành đai sông ở Thủ Thiêm đã hoàn thành. (Hình : Nguyễn An Nam)
Trong rất nhiều năm, sâu trong vùng đầm lầy An Lợi Đông, Quận 2, có một khu tạm cư có con đường cấp phối bê tông độc đạo đi vào, đó là nơi hàng trăm người dân chưa được giải quyết thỏa đáng trong quá trình cưỡng chế, thu hồi và đền bù đất đai. Họ sống tạm bợ chờ đợi những khu tái định cư nhà nước hứa giải quyết. Cũng có những người bị liệt vào danh sách thiếu cơ sở pháp lý đất đai dù đã sống ở vùng Thủ Thiêm rất lâu năm, cũng ngồi chờ giải quyết. Trong số những cư dân này, cũng có những người đã được nhà đầu tư đền bù sau khi giải tỏa, nhưng đã tiêu xài hết tiền bạc, trở lại đất cũ sống trôi nổi. Cuộc đổi dời đã biến nhiều gia cảnh ở Thủ Thiêm trôi dạt vô hướng, thiếu bền vững.
Thất nghiệp, thất học, nghèo khó đã xảy ra ở trong cụm cư ở "khu tạm cư" gần như bị cô lập này. Dù cho cách đó không xa, những công trình to lớn của nhà đầu tư lớn có tên Đại Quang Minh đang rầm rộ xây dựng, lên nền, lên móng cho một dự án đô thị có quy mô 128,69 hecta, gồm biệt thự, căn hộ, nhà phố thương mại.
Một điều khiến dư luận chú ý nữa, đó chính là cuộc cưỡng chế chùa Liên Trì (ngày 8 tháng Sáu, năm 2016) và sắp tới, có thể chính quyền và nhà đầu tư sẽ có hành động tương tự với di sản nhà thờ Thủ Thiêm, nhà nguyện và khu Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.
Những trường học, tu viện thuộc dòng Mến Thánh giá ở đây được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 ; mang nhiều ký ức lịch sử một vùng cư dân ven đô, lịch sử đô thị Sài Gòn nói chung đã nhiều lần được các nhà nghiên cứu văn hóa, báo chí và cả cơ quan ngoại giao nước ngoài lên tiếng, song dường như nhà chức trách Sài Gòn đã đặt số phận của quần thể này vào "thế đã rồi" khi gần đây họ tuyên bố đấu giá 9 khu đất vàng và đánh tiếng rằng sẽ phải di dời, giải tỏa khu trường học, nhà thờ, tu viện còn lại để giao đất cho nhà đầu tư.
Khu vực bến đò Thủ Thiêm cũ nay là khu đất vàng trong dự án quy hoạch đô thị mới. (Hình : Nguyễn An Nam)
Cuộc giằng co bấy lâu nay có thể đi đến hồi kết bằng máy xúc mà chính quyền và các nhà đâu tư mạnh tiền đưa đến !
Tấm bản đồ quy hoạch tổng thể tỉ lệ 1/5000 đi kèm quyết định cấp phép dự án đã bị "mất" hay lạc đâu đó "chưa tìm thấy", và chuyện thanh tra chính phủ đột ngột tuyên bố ngừng thanh tra, xem những lộn xộn ở Thủ Thiêm là chuyện "nội bộ của Thành phố Hồ Chí Minh" có thể sẽ đẩy nhiều chuyện khuất tất ở Thủ Thiêm chìm vào bóng tối.
Một siêu dự án ảnh hưởng đến sinh kế, cuộc sống, số phận của hàng chục nghìn người dân diễn ra tại sát trung tâm Sài Gòn (nơi mà, theo các vị lãnh đạo hô hào là sẽ trở thành thành phố sáng tạo, thành phố thông minh và nghĩa tình) đã được giải quyết bằng máy xúc, máy ủi và bây giờ là cái cớ "mất bản đồ" !
Phải chăng, tấm bản đồ lớn nhất mà nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn đánh mất qua dự án Thủ Thiêm, cho đến lúc này, chính là bản đồ trách nhiệm và sự tử tế với người dân ? !
Nguyễn An Nam
Nguồn : Người Việt, 03/05/2018