Nếu hệ thống lại và so sánh những phát ngôn công khai trên mặt báo chí của Nguyễn Phú Trọng từ đầu năm 2016, bắt đầu bằng "tôi bất ngờ…" sau khi ông Trọng đột biến giành chiến thắng vang dội trước đối thủ chính trị Nguyễn Tấn Dũng, cho đến "từ thuở bé đến giờ mới được dự họp chính phủ" – một lối nói vui không cần giấu diếm khi ông Trọng "được mời dự" và như thể chủ trì luôn phiên họp kéo dài hai ngày của chính phủ vào tháng 12/2017, mới thấy thái độ tự tin của Tổng bí thư Trọng đã dâng cao đến thế nào.
Nguyễn Phú Trọng được mời và chủ trì luôn phiên họp kéo dài hai ngày của chính phủ ngày 28-29/12/2017
Trên khuôn ảnh được báo chí nhà nước đăng tải về phiên họp trên, người ta trông thấy ông Nguyễn Phú Trọng ngồi chính giữa hàng ghế chủ tọa đoàn. Bên phải của ông Trọng là Trần Đại Quang – chủ tịch nước, còn bên trái ông Trọng là Nguyễn Xuân Phúc – thủ tướng, và "cánh tay trái" của Thủ tướng Phúc là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Thành phần chủ tọa phiên họp trên có vẻ không còn đơn thuần là một cuộc họp nội bộ chính phủ, mà giống như một buổi họp của "Bộ Chính trị thu gọn".
Với hành động "chủ trì" phiên họp chính phủ vào tháng 12/2017, Tổng bí thư Trọng đang làm được và có thể sẽ làm thường xuyên một việc mà các đời tổng bí thư trước đó hiếm khi làm được, còn các đời chủ tịch nước như Trương Tấn Sang khóa 11 đã không làm được và Trần Đại Quang khóa 12 chưa thể làm được : "dự và chỉ đạo họp chính phủ".
Tháng Mười Hai năm 2017 lại là một mốc thời điểm vinh quang dành cho ông Trọng : đúng 5 năm sau Hội nghị trung ương 6 vào cuối năm 2012 phải rơi lệ vì không thể kỷ luật được "đồng chí 3X", Tổng bí thư Trọng đã phục hồi thể diện của mình khi tổ chức thành công chiến dịch khởi tố và tống giam người vừa bị thôi chức ủy viên bộ chính trị và cũng được dư luận đánh giá là một trong những thủ hạ thân cận của Nguyễn Tấn Dũng – Đinh La Thăng.
Vào đầu tháng Tám năm 2017 khi nổ ra vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh "theo cáo buộc của Chính phủ Đức, còn phía Việt Nam thì công bố trên truyền hình "Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về đầu thú", Tổng bí thư Trọng đã từng có một phát ngôn xuất thần và có thể đi vào lịch sử riêng tư của đảng cộng sản Việt Nam : "Lò đã đốt lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy".
Nhưng không bao lâu sau đó, trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị 6 vào tháng 10/2017, ông Trọng đã khiến nhiều cán bộ lão thành và đảng viên phải thất vọng bởi khẩu khí lúc này của ông Trọng đã xuống dốc ghê gớm : "Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa", và "Từ nay bất cứ ai vi phạm kỷ luật sẽ bị xử lý nghiêm".
Khi đó, đã rộ lên một luồng dư luận cho rằng Tổng bí thư Trọng "đập chuột sợ vỡ bình", "chống tham nhũng đầu voi đuôi chuột’, thậm chí "chống tham nhũng một bên" hay "chống tham nhũng một phe"…
"Từ thuở bé đến giờ mới được dự họp chính phủ" - Ảnh : VGP
Nhưng những sự việc dồn dập xảy ra sau đó lại cho thấy dư luận đã bị "hố". Bởi rõ ràng đã có một sự đổi thay chóng mặt, đổi khác thậm chí về bản chất của "bản lĩnh Nguyễn Phú Trọng" : sau Hội nghị thượng đỉnh APEC chưa đầy hai tuần, ông Trọng bất ngờ họp Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương và công bố cho báo chí biết sẽ đưa hai vụ án Trịnh Xuân Thanh và Hà Văn Thắm ra xét xử vào quý 1 năm 2017.
Và chưa đầy hai tuần sau công bố trên, Đinh La Thăng bị bắt…
Còn giờ đây, Tổng bí thư Trọng có vẻ đang hưng phấn cao độ tại phiên họp chính phủ với "cả nước phấn khởi" bằng cuộc chiến được xem là chống tham nhũng của ông.
Câu hỏi còn lại là với việc "dự và chỉ đạo họp chính phủ" mà có thể là dấu hiệu đầu tiên của "nhất thể hóa đảng và chính phủ", và nếu vai trò của tổng bí thư có thể sẽ "kiêm thủ tướng" theo một cách nào đó trong tương lai không xa – ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ "về" đâu ?
Cần nhắc lại, Hội nghị trung ương 6 vào tháng 10/2017 đã chủ trương nhất thể hóa và được hỗ trợ đắc lực bởi một quy định về "luân chuyển cán bộ" do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành vào ngày 7/10/2017.
Nếu trước đây đảng chỉ "lãnh đạo đường lối" thì trong thời gian tới, hàng loạt nhân sự của đảng sẽ được cho kiêm chức bên chính quyền địa phương và cả chính quyền trung ương, lấy đó làm cơ sở để "người của đảng" kiêm việc điều hành chính quyền, và từ đó sẽ xuất hiện một cơ chế "chính ủy trong chính quyền".
Trong khi đó, "đảng tràn sang chính quyền" là một cụm từ mà dân gian ví von với chiến dịch "nhất thể hóa".
Có thể xem Hội nghị trung ương 6 là cuộc họp mở màn chính thức cho chiến dịch "nhất thể hóa" cùng những xáo trộn chưa từng có về nhân sự đầu tỉnh và kể cả nhân sự "tứ trụ" trong ít nhất 2 năm tới.
Nếu đà nhất thể hóa thuận lợi, lẽ đương nhiên bên đảng và do đó tổng bí thư sẽ "nắm" hết. Mô hình "đảng quản lý" thay cho "đảng lãnh đạo" sẽ ứng với hai chức danh chính là tổng bí thư và thủ tướng mà không quá cần thiết vai trò chủ tịch nước.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 30/12/2017