Ngạc nhiên khi Nguyễn Phú Trọng tham gia nghi lễ Phật giáo
Một số hình ảnh buổi lễ với các nghi thức của Phật giáo mà trong đó, Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam là đối tượng và Thích Thanh Quyết là chủ sự của buổi lễ.
Những bức ảnh không được chú thích là của một nghi lễ nào, là quy y hay một nghi thức nào đó khác của Phật giáo.
Hẳn nhiên là hình ảnh này không được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng như thường có mỗi lần Nguyễn Phú Trọng đi đâu lại đâu, gặp gỡ người nọ người kia. Những bức ảnh này được thực hiện trong một nghi lễ không công khai của Nguyễn Phú Trọng.
Tuy nhiên, ở cái thời buổi mà Smartphone và Internet có ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi lúc thì cũng khó có thể giấu hết thiên hạ mọi điều.
Có thể khẳng định rằng, đây là chuyện hoàn toàn có thực, không phải là một chiêu "trá hàng" theo kiểu "Ốc mượn hồn" để tiêu diệt tôn giáo theo nguyên tắc, chiến lược lâu dài của một đảng cộng sản. Bởi hình thức hoạt động kiểu "Ốc mượn hồn" mà Hồ Chí Minh đã sử dụng để đội lốt tôn giáo thời kỳ ở Thái Lan, ngày nay không còn phù hợp với Nguyễn Phú Trọng.
Và cũng bởi, nếu là hành vi "trá hàng", "động tác giả" thì chắc chắn hệ thống tuyên truyền đảng đã rùm beng thời gian qua chứ không giấu diếm kỹ càng như thế.
Đảng thay đổi ?
Ngày nay, dù Đảng cộng sản Việt Nam vẫn là đảng vô thần, dù đảng vẫn tuyên bố là kiên định tư tưởng lấy chủ nghĩa Mác – Lenin là nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho hành động của đảng. Nhưng, kim chỉ nam cũng đến ngày quay bát nháo, nền tảng của đảng cũng có ngày lung lay, nguyên tắc, quy định hay điều lệ của đảng cũng đến ngày bị vứt xó.
Và vì thế, chuyện đảng viên của "Đảng của Giai cấp vô sản" trở thành tư bản đỏ, chuyển thành giai cấp bóc lột là chuyện thường. Điều đó cũng giống như sự đổi ngôi giữa con mồi và người đi săn vậy.
Những sự thay đổi đó, thật ra, là kết quả của "kinh tế thị trường" đã chiến đấu trực tiếp và tác động vào "sự kiên định" cũng như "nguyên tắc bất di bất dịch"của đảng cộng sản mà đảng vẫn thường xuyên nói đến, vẫn phổ biến cho các đảng viên cảnh giác trong cuộc chiến "Ai thắng ai" giữa Tư bản và Cộng sản.
Đến đây, thì đảng đã chính thức thua trắng tay trên thực tế của mặt trận bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Chủ nghĩa Mác – Lenin và đảng luôn hô hào lẫn nhau phải cảnh giác, phải kiên quyết…
Và thế là kệ cho đảng vô thần, đảng viên vẫn cứ lao theo các trò mê tín quái dị, xem xăm xin thẻ, ngày tốt ngày xấu, xô nhau rút lộc, lên đồng, bói tướng… đủ cách mà nếu chỉ mấy chục năm trước, thì có thách kẹo các đảng viên cũng chẳng dám bén mảng đến.
Bởi đó là những điều cấm tuyệt đối của không chỉ đảng viên mà thậm chí cả quần chúng.
Bởi điều đó thể hiện tư tưởng chống lại Chủ nghĩa Mác – Lenin vô thần.
Trước đây, bất cứ một lời nói, hành động nào liên quan đến việc đi ngược lại tư tưởng vô thần, duy vật của Chủ nghĩa Mác – Lenin, đều là những điều cấm kỵ của người cộng sản. Mọi biểu hiện đi theo tôn giáo, bất cứ là tôn giáo nào, đều là những "tội trọng" của các đảng viên, đều được ghép vào tội mê tín, dị đoan, lạc hậu và không được chấp nhận.
Thế nhưng, ngày nay những nguyên tắc, quy định của đảng đã khác hơn.
Các đảng viên không còn bị xét nét khắt khe như trước, những quan niệm, những quy định của đảng có tính nguyên tắc sống còn, cốt lõi của đảng như : Đảng viên không được bóc lột, nghĩa là không được "bóc lột người" bằng thuê mướn nhân công vì như vậy là bóc lột "giá trị thặng dư"… Hay cả việc đảng viên theo tôn giáo là đi ngược lại đường lối tư tưởng của đảng… Những tội ấy, trước đây được xếp vào loại tội đương nhiên bị "Vạ tuyệt thông" của đảng.
Thế nhưng, sau khi hệ thống cộng sản thế giới sụp đổ, cộng sản Việt Nam đã vào thời kỳ khủng hoảng sâu sắc khi mà chiếc ghế độc tài cũng bị lung lay, đe dọa theo trào lưu sụp đổ của khối cộng sản Châu Âu những năm cuối 80, đầu 90 của thế kỷ trước, thì đảng cộng sản đã "nới lỏng" các quy định, nhiều khi là kiểu vơ bèo vạt tép" một cách sống sượng nhằm lôi kéo số đảng viên bằng mọi cách. Do đó, không còn nhiều những cái gọi là "Tiêu chuẩn" để được kết nạp đảng như trước.
Và như thế là một đám hỗn quân hỗn quan nháo nhào vào đảng kể cả những đối tượng mà trước đây, khi đảng còn chắc chân cai trị thì đừng có mơ mộng như con cái cháu chắt địa chủ phong kiến, tôn giáo, tư hữu tư sản…
Thậm chí mấy đứa thất học, trộm cắp hoặc mấy đứa ngu muội thiếu nhận thức, đều được đảng kêu mời vào đảng để "phấn đấu cho lý tưởng và xây dựng Chủ nghĩa xã hội" nhưng thực chất là vào đó còn có cơi hội mà kiếm chút cháo.
Đảng chấp tất, miễn là đầy mâm.
Đơn giản, chỉ là đảng cần số đảng viên đông đúc, mà ở đó, nếu cứ khắt khe theo tiêu chuẩn trước đây, thì có lẽ trong đó chỉ còn mỗi Tổng bí thư.
Và người ta tin rằng, dù đảng ra sao, dù quần chúng đảng như thế nào, thì ít nhất trong đảng vẫn phải có một người kiên định với nền tảng tư tưởng của đảng, ít nhất là Tổng bí thư.
Với người cộng sản, tôn giáo là gì ?
Theo nguyên lý của Chủ nghĩa Mác – Lenin, thì tôn giáo là hiện tượng xã hội phản khoa học và đi ngược lại quy luật tự nhiên, xã hội mà Chủ nghĩa Mác – Lenin bằng mọi cách, dù trước mắt hay lâu dài đều phải loại bỏ.
Theo Lenin, trong tác phẩm "chủ nghĩa xã hội và tôn giáo", Lênin cho rằng : "Sự bất lực của những người dã man trong cuộc đấu tranh chống thiên nhiên đẻ ra lòng tin vào thần thánh, ma quỷ, vào những phép mầu nhiệm". Nghĩa là lòng tin vào thần thánh, ma quỷ và những phép mầu nhiệm chỉ dành cho những kẻ dã man, man rợ chứ thực tế không hề có thần thánh hay ma quỷ hoặc bất cứ một sự mầu nhiệm nào.
Chủ nghĩa Mác – Lenin quan niệm rằng : Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, "tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo - vào trong đầu óc của con người – của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế".
Tôn giáo là sản phẩm của con người, gắn với những điều kiện tự nhiên và lịch sử cụ thể, xác định, về bản chất, tôn giáo là một hiện tượng xã hội phản ánh sự bế tắc, bất lực của con người trước tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, trong ý thức tôn giáo cũng chứa đựng nhiều giá trị phù hợp với đạo đức, đạo lý con người.
Khi trình độ con người thấp kém, bất lực trước sức mạnh của tự nhiên, của xã hội con người đặt hy vọng vào những lực lượng siêu nhiên. Khi những hiện tượng tự nhiên, xã hội không thể giải thích được, thay vào đó người ta giải thích bằng tôn giáo. Tôn giáo góp phần bù đắp những hụt hẫng trong cuộc sống, nỗi trống vắng trong tâm hồn, xoa dịu nỗi đau của con người".
Và những người cộng sản có Chủ nghĩa Mác – Lenin là "Khoa học của mọi khoa học" thì chuyện tin vào thần thánh ma quỷ và tâm linh là đi ngược lại quy luật và trái ngược nguyên tắc của mình.
Chủ nghĩa Mác – Lenin lấy cơ sở triết học là Chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sử. Theo đó, mọi vật đều phát triển và tuân theo định luật "vật chất có trước, tinh thần có sau", và "vật chất quyết định ý thức". Do vậy, hiện tượng tâm linh chỉ là chuyện hoang đường thuộc phạm trù lịch sử mà thôi. Còn với Chủ nghĩa Mác – Lenin, thì tôn giáo là điều không thể chấp nhận được khi xã hội cộng sản đã thành công qua quá trình xây dựng.
Thế nên, dù cho tình hình có thay đổi, thực tế có đập vào hệ thống Cộng sản những trận cuồng phong và vùi dập nó tan rã rồi đổ vào sọt rác lịch sử đi nữa, thì khi mà đảng còn mang danh Cộng sản, vẫn hô lào lấy Chủ nghĩa Mác – Lenin làm nền tảng tư tưởng, làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hành động, thì ít nhất là vẫn phải giữ cái gốc, cái nguyên tắc này.
Mà thậm chí, dù cho đến khi, đảng sa đọa đến mức các đảng viên đua nhau bỏ cả những điều cơ bản đó, thì ít nhất trong đảng vẫn phải còn lại một người là Tổng bí thư phải giữ những nguyên tắc này.
Thế nhưng !
Đến lượt Tổng bí thư cũng bỏ mặc Mác – Lenin
Như trên đã nói, rất có thể khi vào thế yếu, đảng buộc phải vơ bèo, vạt tép cho đủ số, đủ lượng. Những nguyên tắc được gọi là cốt lõi, cơ bản nếu giữ khư khư như trước, đảng sẽ cô đơn, trơ trọi để rồi mục rữa theo quy luật của xã hội loài người.
Thế nhưng, là một đảng tự nhận là "vận động sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lenin vào hoàn cảnh thực tế", trước những nguy cơ của đảng vào khủng hoảng trầm trọng, đảng đã dần dần "Quay xe".
Những nguyên tắc, quy định nào, dù chặt chẽ đến đâu mà ảnh hưởng đến sự thực dụng, đến quyền lợi và có nguy cơ mất đảng viên, mất quyền lợi thì đảng xé tất, không thương tiếc dù bằng cách này hay cách khác.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là Tiến sĩ về ngành Xây dựng đảng, đã từng là Trưởng ban Lý luận trung ương, đã từng làm hết chức nọ quyền kia thuộc diện cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam. Ở Việt Nam có 4 chức gọi là Tứ trụ, thì Nguyễn Phú Trọng ít nhất cũng đã chiếm 3 chân ấy.
Như vậy, điều hiển nhiên, là Nguyễn Phú Trọng phải là người gương mẫu nhất, trung thành nhất với đảng và nhất là hệ tư tưởng Mác – Lenin mà đảng đang lấy làm cơ sở nền tảng tư tưởng.
Thế nhưng, đến bây giờ, bằng việc tham gia nghi thức tôn giáo, thì chính thức là Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã "Quay xe" với Chủ nghĩa Mác – Lenin.
Việc làm như thế của Nguyễn Phú Trọng cũng giúp khẳng định rằng đến nay, cái gọi là Chủ nghĩa Mác – Lenin là thứ rác rưởi xứng đáng với vị trí của nó mà cả thế giới đã vứt vào sọt rác lịch sử từ lâu. Thế nên, ngay cả người đứng đầu đảng, cũng không chấp nhận nó và âm thầm từ bỏ nó.
Việc Nguyễn Phú Trọng đi theo tôn giáo, nhưng không công khai, điều đó chỉ khẳng định lại một điều thuộc về nguyên tắc : Người cộng sản chỉ biết dối trá, nói xuôi làm ngược và lừa đảo thiên hạ.
Và câu nói của cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu rằng : "Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm" lại được chứng minh là đúng đắn.
Với việc tham gia nghi thức tôn giáo, một lần nữa, Nguyễn Phú Trọng đã vi phạm điều lệ đảng.
Điều 55 Quy định 69-QĐ/TW năm 2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm do Ban chấp hành trung ương ban hành, hành vi đảng viên tự ý theo tôn giáo có thể bị kỷ luật. Cụ thể :
Đảng viên tự ý theo tôn giáo mà không báo cáo, xin ý kiến chi bộ và tổ chức đảng quản lý trực tiếp mình hoặc đã báo cáo nhưng chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản thì có thể bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ).
Trường hợp Đảng viên tự ý theo tôn giáo gây hậu quả rất nghiêm trọng thì có thể bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ.
Nhưng có sao. Với Nguyễn Phú Trọng thì Điều lệ đảng còn là mớ giấy lộn sẵn sàng xé toạc để ngồi lỳ thêm một khóa nữa, thì ba cái quy định này nhằm nhò gì. Cả mấy triệu đảng viên kia, chỉ là những con cừu chứ làm được gì nên chuyện mà phải ngại.
Ở đây, chỉ có một điều còn lại.
Đó là Nguyễn Phú Trọng đã tham gia nghi thức tôn giáo được cử hành bởi ma tăng Thích Thanh Quyết, người mà ai ai cũng biết rằng đó là một nhân vật nằm trong thứ tôn giáo hổ lốn mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam – một tổ chức băng hoại mang danh Phật giáo nhưng đã bị đảng khuynh loát và làm cho biến dạng đến thảm hại.
Điều này cũng có nghĩa là khi người ta lừa đảo thiên hạ đến một mức nào đó, thì cái sự lừa đảo đó quay lại vận vào chính mình.
Nhưng, chuyện đó để nói sau.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 31/12/2022