Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Máu Đồng Tâm đêm ngày 09/01/2020 đã lôi ra ánh sáng bản chất gian dối, buộc sợ hãi vào người dân của một nhà nước chỉ muốn được sùng bái không khác gì thời của thảm kịch Cải cách Ruộng đất 1953-1956.

lldk0

Ảnh ông Lê Đình Kình năm 2017 trước khi bị hành quyết tại nhà ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm ngày 9/1/2020

Gian dối Đồng Tâm do báo, đài công an chủ đạo bịa đặt tất cả, từ bị tấn công nên phải phản công để bảo vệ lực lượng, bảo vệ chính quyền nhân dân nhưng thực chất là tiêu diệt cụ Lê Đình Kình, người lãnh đạo công cuộc chống tham nhũng, cường quyền để bảo vệ 59 mẫu đất nông nghiệp của dân.

Cụ Kình, 84 tuổi, 58 tuổi đảng, không còn đi đứng bình thường sau lần bị Công an đánh gẫy chân năm 2017, nhưng được dân làng tín nhiệm và kính trọng. Hương linh cụ đã bị bôi nhọ sau khi bị hành quyết dã man bằng 4 phát đạn ngay tại nhà. Thủ phạm công an không nói một câu về cái chết của cụ Kình, nhưng lại bịa chuyện phản khoa học rằng khi chết trên tay cụ vẫn còn cầm qủa lựu đạn.

Công an cũng lờ đi không giải thích tại sao lại tự động mổ bụng cụ Kình để làm gì, và ai đã cho phép làm chuyện bất nhân này ?

Công an còn bịa đặt không hổ thẹn rằng :

"Cơ quan điều tra thu giữ được các tài liệu chứng minh rằng, ông Lê Đình Kình giữ vai trò "đầu tàu", tập hợp những người khác, trong đó có các thành phần bất hảo, nghiện ngập tụ tập về Đồng Tâm, phân chia ra các bè mảng để "thề ăn đủ" ! Số này đã kêu gọi việc đóng góp từ nhiều nơi, trong đó có nguồn tài trợ từ tổ chức phản động hải ngoại, biến việc đòi đất ở Đồng Tâm thành cái cớ để gây sức ép với chính quyền, chống phá Nhà nước".

(Công an Nhân dân, ngày 10/01/2020)

Vậy bằng chứng đâu mà đến nay chưa dám trưng ra ?

Báo này viết tiếp với giọng lưỡi hổ mang rằng :

"Có chống phá là có tiền từ bên ngoài rót về, vì thế những đối tượng này đã kiếm sống bằng nguồn tiền phi pháp dựa trên vỏ bọc khiếu kiện đất đai. Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm, chỉ vì động cơ vụ lợi thấp hèn, kiếm những đồng tiền nhơ bẩn mà chà đạp lên pháp lý, đạo lý, biến mình thành con rối trong tay kẻ địch để phản dân, hại nước. Do đó, chúng ta không thể gọi từ nhân dân Đồng Tâm nói chung mà phải tách biệt nhân dân với những kẻ phạm tội, gây tội ác. Mượn cớ đòi đất để gây sức ép với chính quyền, rồi thực hiện các hành vi phạm tội, đặc biệt là gây trọng tội giết người là hành vi đặc biệt nguy hiểm. Không thể bao biện, không thể ngụy trang dưới hình thức đòi đất, khiếu kiện để gây tội ác như vậy. Nhẫn tâm ra tay với cán bộ, với công an, cái đó phải thấy rõ để lên án và nghiêm trị trước luật pháp".

Nhưng ai giết ai ? Công an nói cả 3 công an chết vì cùng "rơi xuống hố kỹ thuật" sâu 4 mét, hay còn gọi là "giếng trời" giữa hai căn nhà, cạnh nhà cụ Kình, rồi bị con cháu cụ Kình đổ xăng xuống, ném bom xăng đốt chết. Thế nhưng tại sao các bức tường của cái hố này lại không có vết cháy và khói đen bám vào ? Xác cháy đen đâu ?

Đã có nghi vấn cả 3 chết vì đạn cháy đeo theo người phát nổ, hoặc trúng đạn phe mình.

Tại sao công an chết ?

Nên nhớ, kể từ khi lối 3.000 công an và quân đội đột phá thôn Hoành, chưa có cuộc điều tra công khai, minh bạch và độc lập nào của báo chí nước ngoài, của các tòa đại sứ nước ngoài, hoặc các cơ quan quốc tế có đại diện ở Hà Nội về biến cố Đồng Tâm.

Về cái chết của 3 công an, Facbooker Lã Minh Luận tiết lộ trong bài viết "Tôi đã đến được thôn Hoành, xã Đồng Tâm", ngày 28/1/2020, trong cuộc đối thoại với cụ bà Dư Thị Thành (quả phụ Lê Đình Kình) :

"Tôi hỏi tiếp : Thế hôm ấy, mấy anh công an đã chết như thế nào, cụ và gia đình có biết không ? Có phải mấy anh em nhà mình ném bom xăng xuống cái giếng trời làm họ bị chết cháy không ?". Cụ Thành lại vật ra kêu giời ơi… !

Đúng lúc ấy, mấy người hàng xóm và hai người con gái của cụ Thành bước vào, mọi người đồng thanh đáp : "Cả làng không ai nhìn thấy, không ai biết họ chết thế nào, không ai biết họ chết lúc nào, khi nào, sau này chỉ nghe công an nói…" (mấy người quả quyết)…

Tôi hỏi tiếp : "Vậy, vì sao mấy anh em, chú cháu lại nhận là ném bom xăng xuống giếng trời đốt cháy họ ?" Cụ Thành và mấy người nói : "Cũng chả biết, chắc họ đánh đau quá, bắt phải nhận thôi, chứ thằng Uy vừa ló mặt ra sân thượng đã bị người ta bắn gãy tay, còn thả chó ra đuổi cắn… thì ai có thể chạy sang tận sân nhà bên để ném bom xăng… ?".

Vậy mà báo Công an Nhân dân ngày 10/01/2020 đã cảng cổ ra vu khống rằng : "Chúng ta thấy rõ tính chất hung hãn, mất nhân tính, giết hại cán bộ của những đối tượng chống đối, các đối tượng phải trả giá cho hành vi tội ác của mình và dư luận cần nhận diện rõ điều đó để lên án, không thể ngụy biện với bất cứ lý do gì".

Nhớ về bà Nguyễn Thị Năm

Lời cáo buộc "ngậm máu phun người" của Công an trong vụ thảm sát cụ Lê Đình Kình đã nhắc ta nhớ về vụ án bà
Cát Hanh Long (tên hiệu buôn của bà ở Hải Phòng), tức Nguyễn Thị Năm, trong giai đoạn đầu gọi là "tiêu diệt địa chủ cường hào ác bá" ở Thái Nguyên (miền Bắc Việt Nam) giữa năm 1953, trước khi phong trào Cải cách ruộng đất lan rộng đến năm 1956.

cathanhlong2

Ảnh bà Cát Hanh Long, tức Nguyễn Thị Năm, và các con chụp năm 1953 trước khi bị xử bắn tại Thái Nguyên

Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam, 18/09/2017, thì trước tháng 8/1945: "Bà Năm đã ủng hộ Việt Minh 20.000 đồng tiền Đông Dương (giá trị bằng 700 lượng vàng) không kể vải vóc, lương thực. Tại "Tuần lễ vàng" ở Hải Phòng, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 9/1945, bà Năm cũng đã ủng hộ 100 lạng vàng nữa. Bà được cử làm Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thái Nguyên ba năm liền. Các ngôi biệt thự của bà ở Hà Nội, Hải Phòng, ở đồn điền Đồng Bẩm đều là nơi qua lại, ăn ở, địa điểm liên lạc của cán bộ Việt Minh cao cấp. Hai con trai bà là Nguyễn Văn Hanh, Nguyễn Văn Cát đều theo Việt Minh đi bộ đội. Nguyễn Hanh từng tháp tùng đoàn đại biểu Chính phủ do các ông Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận... vào Huế nhận ấn kiếm khi vua Bảo Đại thoái vị".

Tài liệu khác còn cho biết bà Nguyễn Thị Năm từng là ân nhân của nhiều cán bộ cấp cao cộng sản như Lê Đức Thọ, Hoàng Hữu Nhân (Bí thư Thành ủy Hải Phòng), Hoàng Tùng, Vũ Quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh v.v…

Thế mà, bất nhẫn thay, tài liệu viết tiếp :

"Bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long), 47 tuổi, đã bị quy là "địa chủ cường hào ác bá" và đã bị đem ra xử bắn ở Đồng Bẩm, tỉnh Thái Nguyên vào 29 tháng 5 âm lịch (tức 9 tháng 7) năm 1953 và được báo chí đương thời coi là phát súng hiệu cho một cuộc vận động "long trời lở đất".

Khi mẹ phạm tội ác tày trời, bị xử tử hình ở quê hương, hai người con trai là Nguyễn Văn Hanh, đang học tập ở Nam Ninh (Trung Quốc) bị điệu về nước, đưa ngay vào trại cải tạo ; Nguyễn Văn Cát - chỉ huy bộ đội của Đại đoàn 308 đang chỉnh huấn ở nước bạn cũng bị bắt giải về giam ở Việt Bắc, không có bản án rõ ràng. Vợ ông Cát là Đỗ Ngọc Diệp đang hoạt động ở vùng địch hậu Bắc Ninh nên không bị bắt, nhưng lại được người ta khuyên cắt đứt quan hệ với con trai một địa chủ cường hào ác bá ; bà Diệp không chịu, khi sửa sai sau này vợ chồng ông Cát - bà Diệp mới được đoàn tụ.

Ai giết bà Năm ?

Nhưng ai muốn giết bà Năm và ông Hồ Chí Minh có trách nhiệm gì ?

Theo Hoàng Tùng, nguyên Bí thư trung ương đảng khóa V, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân viết trong hồi ký "Những kỷ niệm về Bác Hồ" :

"Thấy cố vấn Trung Quốc bảo phải xử tử Nguyễn Thị Năm, thì Hoàng Quốc Việt, ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên ban lãnh đạo Cải cách Ruộng đất trung ương, phụ trách Cải cách ở Thái Nguyên đến báo cáo với Hồ Chí Minh ý kiến của cố vấn. Hồ Chí Minh hứa với Hoàng Quốc Việt sẽ nói với Trường Chinh, Trưởng ban chỉ đạo trong cải cách ruộng đất nhưng ông không làm. Hơn nữa, Hồ Chí Minh đã giữ im lặng vì sợ gây mâu thuẫn với cố vấn Trung Quốc. Hồ Chí Minh nói : "Không ổn ! Không thể mở đầu chiến dịch bằng cách nổ súng vào một phụ nữ, mà người phụ nữ ấy lại là người từng nuôi cán bộ cộng sản, là mẹ một trung đoàn trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đang tại chức !".

Cũng theo hồi ký của Hoàng Tùng thì :

"Chọn địa chủ Nguyễn Thị Năm để làm trước là do có người mách cho cố vấn Trung Quốc". Họp Bộ Chính trị Hồ Chí Minh nói : "Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà, mà người ấy lại giúp đỡ cho cách mạng". "Người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa". Sau cố vấn Trung Quốc là La Quý Ba đề nghị mãi, Hồ Chí Minh nói : "Thôi, tôi theo đa số chứ tôi vẫn cứ cho là không phải", và họ cứ thế làm".

Mặt khác, trong hồi ký "Làm người là khó", Đoàn Duy Thành, Phó Thủ tướng giai đoạn 1982-1990 viết :

"Khi chuẩn bị bắn Nguyễn Thị Năm, Bác Hồ đã can thiệp, Bác nói đại ý "Chẳng lẽ Cải cách Ruộng đất không tìm được một tên địa chủ cường hào gian ác là nam giới mà mở đầu đã phải bắn một phụ nữ địa chủ hay sao ?". Nhưng cán bộ thừa hành báo cáo là đã hỏi cố vấn Trung Quốc và được trả lời "Hổ đực hay hổ cái đều ăn thịt người cả !". Thế là đem hành hình Nguyễn Thị Năm".

Ăn cháo đá bát

Nhưng câu hỏi của lịch sử là, tại sao khi ấy, trong cương vị lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước mà ông Hồ Chí Minh không dám ra lệnh "ngưng hành quyết bà Nguyễn Thị Năm". Và tại sao ông Hồ lại nghe theo ý phải giết bà Năm của cố vấn Tầu La Quý Ba ?

Chẳng nhẽ ông Hồ khi ấy cũng chỉ là bù nhìn của Tầu hay sao ?

Nhưng chuyện đảng "ăn cháo đá bát" bà Nguyễn Thị Năm vẫn kéo dài cho đến bây giờ , 67 năm sau ngày bà bị xử bắn.

Tài liệu về vụ án bà Năm trên Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) viết :

"Trong nhiều năm, ông Nguyễn Hanh cùng bà Diệp vẫn đứng đơn đề nghị các cá nhân và cơ quan có trách nhiệm thực hiện Nghị định số 28/CP của Chính phủ ban hành ngày 29 tháng 04 năm 1995, theo đó đề nghị của gia đình ông Hanh nhiều năm nay là nên xét thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp và truy tặng danh hiệu Liệt sĩ cho bà Nguyễn Thị Năm. Dù đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu từ năm 1995 đến năm 2014 qua những lá thư gửi lên địa phương và trung ương đòi phục hồi danh dự cho mẹ nhưng gia đình hoàn toàn không được hồi âm".

Duy nhất, chỉ có Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cho biết : "từ tháng 3 năm 1987, Ban Tổ chức Trung ương đã chỉ đạo tỉnh Bắc Thái để ra văn bản (ngày 11/6/1987), nhưng cũng chỉ làm cái việc duy nhất là xác định lại thành phần giai cấp của bà Nguyễn Thị Năm là "tư sản địa chủ kháng chiến" (Lao Động), 22/07/2012).

Vậy tại sao lại có sự cố tình lảng tránh ghi công bà Nguyễn Thị Năm, mặc dù từ ông Hồ Chí Minh trở xuống đểu biết bà là ân nhân của đảng, là người đã đóng góp tài sản và nuôi ăn bộ đội trong nhiều năm ?

Phải chăng, với thái độ kiêu ngạo cộng sản gốc bần cố nông, lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam chỉ biết lợi dụng lòng tốt của dân để củng cố quyền lực khi còn phải chiến đấu gian khổ. Nhưng sau khi thành công thì kết quả là của riêng mình như đảng đã trở mặt với các thành viên của Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến (tên ban đầu là Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ) ở miền Nam, trong đó có các đảng viên kỳ cựu như Trần Văn GiàuTrần Bạch ĐằngTrần Nam Trung.

Câu lạc bộ này, chính thức ra đời ngày 23/09/1986, nhưng bị Tổng bí thư đảng Nguyễn Văn Linh ra lệnh đình chỉ hoạt động tứ tháng 03/1989 vì đảng cho rằng "các hoạt động đòi cởi mở của Câu lạc bộ đã đi quá đà".

Nên biết lệnh giải tán Câu lạc bộ của ông Nguyễn Văn Linh được thi hành sau khi có Phong trào sinh viên xuống đường đòi tự do ở Bắc Kinh, và các biến động chính trị làm tan rã Thế giới Cộng sản ở Đông Âu và khối Liên Xô.

Vì vậy, nếu vụ Đồng Tâm đã quy tụ được một khối quần chúng đứng sau cụ Lê Đình Kình để đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất, biến cụ thành một nông dân anh hùng ngay giữa Thủ đô Hà Nội thì không khỏi khiến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, khó chịu. Do đó mà dư luận nhân dân có tư duy văn hóa đã không loại bỏ nghi ngờ là chính ông Trọng đã ra lệnh hạ sát cụ Kình để tiêu diệt uy tín và ngăn chặn ảnh hưởng của cuộc tranh đấu ở Đồng Tâm đến những vùng dân cư khác.

Cũng như bà Nguyễn Thị Năm bị đảng phản bội, nhưng vẫn được lịch sử ghi công thì cụ Lê Đình Kình, dù bị mạ lỵ và vu khống nhưng con tim của dư luận người Việt trong và ngoài nước đã đứng về phía Cụ trong vụ Đồng Tâm.

Phạm Trần

(30/01/2020)

Additional Info

  • Author Phạm Trần
Published in Diễn đàn