Chúng ta cần chăm lo cho hậu dịch covid-19 ngay trong khi còn đang chống dịch
(Bài tiếp theo bài "Sức mạnh của chúng ta là dám đối mặt với sự thật" ngày 12/03/2020)
Sau tuyên bố ngày 11/03/2020 của WHO về tình trạng đại dịch toàn cầu covid-19 (pandemic), cho đến nay trên thế giới chưa có dự báo nào về sự kết thúc của đại dịch này. Tính đến ngày 16/03/2020, dịch bệnh đã lan ra trên 160 nước, với 173.462 người nhiễm bệnh và 6.678 trường hợp tử vong - nghĩa là đại dịch này trên toàn thế giới đang đi vào thời kỳ bùng phát với tốc độ rất cao. Số người nhiễm bệnh và số ca tử vong bên ngoài Trung Quốc đều lớn hơn số trong nội địa Trung Quốc, Châu Âu trở thành tâm điểm mới của đại dịch, trầm trọng nhất là tại Ý - với 24.747 bệnh nhân và 1809 ca tử vong (bằng một nửa số ca tử vong ở Trung Quốc, mặc dù dân số Ý chỉ bằng khoảng 1/22 của Trung Quốc). Trong khi ở Trung Quốc dịch bệnh bắt đầu thời kỳ suy giảm, tại Mỹ và các nước Châu Âu dịch bệnh đang thời kỳ lây lan nhanh chưa kiềm tỏa được.
Tính đến ngày 16/03/2020, dịch bệnh đã lan ra trên 160 nước, với 173.462 người nhiễm bệnh và 6.678 trường hợp tử vong
Dựa vào diễn biến của dịch bệnh ở Trung Quốc, tôi suy đoán có lẽ phải tới tháng 5 hoặc tháng 6/2020 (có thể quá lạc quan ?) thế giới mới có thể vượt qua được đại dịch covid-19, để quay trở lại cuộc sống bình thường - với nghĩa là không còn dịch, nhưng kinh tế và toàn bộ đời sống nói chung trên thế giới đã bị đại dịch xáo trộn còn lâu mới có thể trở lại bình thường, thậm chí đại dịch có thể để lại hàng loạt hậu quả chưa thấy ở đâu có giải pháp thỏa đáng !...
Dự đoán như vậy, tôi nghĩ nước ta trên mặt trận chống dịch đã đành - bây giờ là giai đoạn 2 rất căng thẳng, song trên mặt trận kinh tế cả nước ta còn phải chống chọi quyết liệt với vài ba tháng cực kỳ bất thường nữa phía trước, rồi mới có thể đi vào thời kỳ phát triển không còn dịch [với điều kiện y học của loài người loại trừ được dịch bệnh covid-19 này, không có hiện tượng tái phát, và không có làn sóng thứ 2 của đại dịch này vào mùa đông 2020 như một số dự báo đầy lo lắng ! Và trước hết, với điều kiện Việt Nam tiếp tục kiểm soát có hiệu quả và giành được thắng lợi cuối cùng đối với đại dịch covid-19 !].
Có lẽ mỗi người chủ gia đình, mỗi người đang đứng mũi chịu sào của một doanh nghiệp hay đơn vị kinh doanh dù nhỏ hoặc lớn, một đơn vị công tác, nghiên cứu, giảng dậy, vân vân, vân vân, cho đến từng thành viên trong nội các Chính phủ đang còng lưng gánh vác trên vai mình những trách nhiệm đối với cả một lãnh vực công tác được giao.., sẽ là những người thấm thía hơn ai hết thế nào là chống chọi với vài ba tháng cực kỳ quyết liệt nữa sắp tới ! Vâng, có thể nói thấm thía đến mức không thở được ! [Đương nhiên ở đây tôi không nói đến những con người hay hành vi "týp Nguyễn Quang Thuấn" !].
Những số liệu có được trong tay thật hãi hùng. Ví dụ sản lượng toàn cầu đến nay có thể tổn thất tới 2.700 tỷ USD vì covid-19, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 khi chưa có dịch dự báo là 3,1%, nay có dịch sẽ chỉ còn là 2,2% (kịch bản A), hoặc là 1,2% (kịch bản B), và kịch bản xấu nhất sẽ là tăng trưởng 0% nếu tất cả các nền kinh tế lớn đều suy giảm ; kinh tế Trung Quốc dự kiến trước khi có dịch tăng 6,8%, nay sau dịch có thể sẽ chỉ còn 3,5% (Trung Quốc dự báo là 5 - 6%) ; kinh tế Mỹ, Nhật, Đức… hiện đều đi vào suy thoái - theo Bloomberg. Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Steven Mnuchin ngày 17/03/2020 cho rằng nạn dịch có thể sẽ làm cho 20% lao động Mỹ thất nghiệp và yêu cầu các thượng nghị sĩ Cộng hòa phải tính đến kế hoạch huy động khoảng 1.000 tỷ USD để chống dịch và kích thích kinh tế Mỹ [1].
Sản lượng toàn cầu đến nay có thể tổn thất tới 2.700 tỷ USD vì covid-19, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 trong kịch bản xấu nhất sẽ là tăng trưởng 0% nếu tất cả các nền kinh tế lớn đều suy giảm
Tạp chí Foreign Affairs số 16/03/2020 đặt câu hỏi liệu đại dịch có thể chấm dứt mô hình toàn cầu hóa kinh tế hiện nay hay không ? (không phải vì toàn cầu hóa là sai, mà vì đại dịch đã phá vỡ cấu trúc phụ thuộc lẫn nhau như một tất yếu của toàn cầu hóa, và kinh tế học hiện nay chưa đề ra được giải pháp khắc phục !). Đã có lúc xảy ra trong vòng một ngày của tháng 3/2020 thị trường chứng khoán thế giới bốc hơi hàng nghìn tỷ USD, ngành du lịch và hàng không thế giới có quy mô khoảng 9 nghìn tỷ Euro, năm nay sẽ thiệt hại vài chục phần trăm ; nguồn cung và nguồn cầu của toàn bộ kinh tế thế giới đều đổ vỡ do tác dụng của đại dịch ; ở Châu Âu và nhiều quốc gia khác riêng việc phong tỏa toàn bộ biên giới trên bộ, trên biển và trên không để ngăn chặn lây lan của đai dịch sẽ kéo dài đến giữa tháng 4/2020, kéo theo cơ man sự đình đốn mọi kiểu khác nhau như gián đoạn, đứt gãy, đổ vỡ trong kinh tế và rối loạn trong đời sống, v.v…
Những con số như thế trong nền kinh tế nước ta hiện nay quyết liệt cũng không kém. Trong tháng 3/2020 đã có ngày thị trường chứng khoán nước ta bốc hơi khoảng 10 tỷ USD, vốn ngành hàng không trên thị trường chứng khoán bốc hơi khoảng 1/3 giá trị (37%), doanh thu ngành hàng không Việt Nam trải qua đại dịch sẽ mất khoảng 30.000 tỷ VNĐ ; hiện nay nhiều doanh nghiệp chỉ có nguyên liệu sản xuất cho vài chục ngày tới, đang phải tìm cách thay đổi nguồn đầu vào hoặc thay đổi sản xuất ; nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tiền trả lương cho công nhân vì phải ngừng sản xuất - cả nước và xã hội buộc phải tìm các biện pháp khác bất thường cứu công nhân, ngành du lịch và hàng không điêu đứng vì tác động của đại dịch, các trường học phải đóng cửa kéo theo không biết bao nhiêu hệ lụy… Khảo sát 1.200 doanh nghiệp nhỏ và vừa các loại, có tới 74% có thể sẽ phá sản nếu nạn dịch kéo dài tới 6 tháng vì doanh thu không đủ bù chi phí hoạt động… [2].
Chính phủ sẵn sàng chịu những tổn hại trong kinh tế để chống dịch và cứu các doanh nghiệp ; đang phải tìm mọi cách giãn thuế, hạ lãi xuất điều hành và lãi xuất cho vay của các ngân hàng, tăng cường đầu tư khu vực công để kích cầu, vận động sự tương thân tương ái giữa các doanh nghiệp… và thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ khác ; đồng thời phải phòng ngừa lạm phát, vừa phải huy động mọi nguồn để thúc đẩy sản xuất... ; phải chăm lo cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng và tránh đầu cơ tích trữ, vừa phải đáp ứng mọi đòi hỏi của nhiệm vụ chống dịch, v.v… Vì tất cả những vấn đề và gánh nặng như vậy, khiến cho tất cả những người trong cuộc đang thấm thía những thách thức phải đối mặt đúng là tới mức không thở được !
Tuy nhiên, sau đại dịch này trên thế giới có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng khác chưa dự đoán được, tác động sâu sắc vào mọi quốc gia.
Đó là những vấn đề địa chính trị, rồi đến những vấn đề địa kinh tế xuất hiện đồng thời, rồi đến sự tác động qua lại ngay tức khắc của 2 loại vấn đề này gây ra các xáo trộn khu vực và dội vào mọi quốc gia hữu quan.
*
Nổi lên hàng đầu trong những vấn đề địa chính trị vẫn là sự tranh chấp giữa 3 thế lực lớn nhất là Mỹ (và đồng minh), Trung Quốc và Nga. Xen vào đó là sự tranh chấp giữa 3 thế lực này là các khu vực nóng bỏng nhất, đó là Trung Đông - trong đó có vấn đề Syria, liên quan đến Thổ và Nga, vấn đề Iran, vai trò của Mỹ ; tiếp đến là mối quan hệ căng thẳng Nga - NATO liên quan đến toàn Châu Âu và vấn đề Ukraine - Crimea ; tiếp đến là vấn đề Biển Đông liên quan đến Mỹ (và đồng minh) và Trung Quốc. Trong những vấn đề địa chính trị đầy căng thẳng và vô cùng phức tạp này, mối nguy lớn nhất là các đối thủ tham gia (the players) - trước hết là 3 đối thủ chính Mỹ, Trung, Nga - đều có những tính toán quyết liệt có thể dẫn tới những biến động lớn khó lường trước.
Trong những vấn đề địa chính trị đầy căng thẳng và vô cùng phức tạp hiện nay, 3 đối thủ chính Mỹ, Trung, Nga - đều có những tính toán quyết liệt có thể dẫn tới những biến động lớn khó lường trước.
Trung Quốc sau khi hứng chịu đòn kép là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch covid-19, nay đã bắt đầu phản đòn, tập trung nhằm vào Mỹ. Về đối nội, Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch củng cố hơn nữa vai trò của Tập Cận Bình nói riêng và vị thế của Trung Quốc nói chung. Nhằm lấy lại lòng tin trong nhân dân để vượt qua mọi hậu quả của đại dịch, Trung Quốc đề cao chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc đã chiến thắng vẻ vang đại dịch covid-19. Về đối ngoại những nỗ lực của chiến dịch này trực tiếp nhằm vào Mỹ, với luận điệu tố cáo Mỹ là thủ phạm của đại dịch và đề cao vai trò Trung Quốc đi đầu trong chống dịch trên toàn thế giới (thậm chí còn nói : Trung Quốc chịu trận thay cho cả thế giới, và thế giới nợ Trung Quốc lời cảm ơn…).
Trung Quốc đang tìm mọi cách khoét sâu vào 3 chỗ yếu của nhất của chính quyền Trump là :
(a) Mỹ đang có nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế,
(b) nội bộ Mỹ chia rẽ sâu sắc nhất kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, và
(c) đang rất lúng túng trong việc chống dịch [Mỹ hiện chưa kiểm soát có hiệu quả đối với đại dịch, thua Hàn Quốc và Nhật trong vấn đề này].
Trung Quốc đang chuẩn bị những bước đi mới, kể cả xét lại việc hưu chiến trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hiện nay Trung Quốc tập trung củng cố đối nội, trước hết tăng cường vai trò của Tập vốn bị thách thức nặng nề trong đại dịch ; mặt khác giương cao ngọn cờ bảo vệ toàn cầu hóa và hội nhập (đối nghịch với "America first !" của Trump) để cải thiện vị thế của Trung Quốc trong bàn cờ lớn - đặc biệt chú trọng vấn đề Biển Đông, Đài Loan và Hongkong.
Lợi dụng lợi thế trước mắt giành được qua vấn đề Syria, Putin tăng cường vị thế của Nga trong quan hệ với Mỹ và EU, cứng rắn hơn trong quan hệ với NATO và Mỹ - kể cả trong vấn đề chạy đua vũ trang (với lý do phản đối Mỹ/Trump đã rút khỏi những thỏa thuận đã kí trong hiệp định INF), đồng thời quyết không giảm sản xuất dầu, chấp nhận chịu thiệt để cho giá dầu sụt nữa trong đại dịch nhằm tăng áp lực với các nước ả-rập, đánh vào kinh tế dầu lửa của Mỹ (hiện nay giá sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cao hơn giá dầu trên thị trường quốc tế), và đồng thời muốn làm OPEC lụn bại để đánh vào đồng Dollar... Chuẩn bị lâu dài cho chiến lược lấy lại vị thế siêu cường của Nga, Putin đang tiến hành cải tổ hiến pháp với mục đích sẽ ở lại cầm quyền cho đến năm 2036.
Trump vừa mới thoát khỏi nguy cơ bị phế truất (impeachment), lại rơi ngay vào tình trạng : đại dịch covid-19 xảy ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ đẩy Mỹ vào suy thoái kinh tế (hiện nay đã xuất hiện những biểu hiện đầu tiên). Cả 2 vấn đề này (đại dịch và kinh tế suy thoái) đều áp lực mạnh lên khả năng tranh cử sắp tới của Trump. Đồng thời Trump lúc đầu chủ quan và bây giờ khá lúng túng trong chống covid-19. Thêm vào đó những bước đi của Trump trong vấn đề Bắc Triều Tiên không đạt kết quả, quan hệ với Iran rất căng thẳng với nguy cơ nổ ra chiến tranh (sau khi Mỹ hạ sát tướng Qasem Soleimani trên đất Iraq), mặt khác qua quyết định về công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel (để củng cố vị thế của Mỹ ở Trung Đông) càng làm cho tình hình Trung Đông căng thẳng thêm ; thỏa thuận hòa bình đạt được với Taliban ở Afghanistan rất mong manh...
Khả năng Trump có nhiệm kỳ 2 vẫn còn, song vì các lý do đối nội và đối ngoại, vì tác động của đại dịch, vị thế Mỹ so với các đối thủ chính đã giảm đi phần nào so với đầu nhiệm kỳ của Trump. Cụ thể là do suy yếu trong nội bộ Mỹ, do phương pháp thực hiện, và do nhiều lý do bất khả kháng khác.., nhiều bước đi chiến lược của Trump tuy đúng cho lợi ích nước Mỹ về phương hướng, nhưng lại gây ra phản tác dụng : rút khỏi Syria để lôi kéo Nga biến thành sự nhượng bộ do yếu đuối với Nga - với nghĩa Mỹ bỏ rơi mặt trận này ; tranh thủ Kim Jong-un trở thành Mỹ thất thế với Trung Quốc và Nga trong khu vực này ; gây sức ép "America First !" với đồng minh - trước hết là EU - để bớt gánh nặng cho Mỹ biến thành chia rẽ với đồng minh ; tăng sức ép với Iran trong tình hình Mỹ không có hậu thuẫn của đồng minh biến thành nguy cơ Mỹ lâm chiến với Iran mà Trump hoàn toàn không muốn, hệ quả là mọi rối rắm ở Trung Đông từ thời Bush (con) hầu như còn nguyên vẹn đối với Mỹ hôm nay (mặc dù đã phải trả giá bằng cuộc chiến tranh Iraq tốn kém và đẫm máu kéo dài 6 năm !) ; nguy cơ suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến khả năng Trump có nhiệm kỳ 2, nên trong ký kết hưu chiến thương mại Mỹ - Trung Trump đã phải nhượng bộ Trung Quốc phần nào (cả về nội dung và thể thức ký kết) ; phải chăng việc lấy cớ Covid-19 hủy bỏ cuộc gặp cấp cao Mỹ-ASEAN tại Las Vegas dự kiến vào 14/03/2020 là thêm một bước lùi mới của Trump ?... [3] Trong khi đó mọi hoạt động của hải quân Mỹ ở Biển Đông cho đến nay tuy được tăng cường hơn so với trước Trump, song về cơ bản vẫn chưa vượt ra ngoài khuôn khổ FONOPs của chính sách yếu đuối đối với Trung Quốc có từ thời Obama. Trong khi đó chủ trương của Trump tập hợp liên minh Châu Á-Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương nhằm chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc (còn gọi là tứ giác kim cương) chưa tạo ra được sự hưởng ứng phải có từ các nước hữu quan, nhất là từ phía Ấn Độ, v.v.
Đáng chú ý là trong tranh cử để ra ứng cử tổng thống của đảng Dân chủ, 2 nhân vật có triển vọng của đảng này là Biden và Sanders chỉ tập trung vào những vấn đề đối nội và chĩa mũi nhọn vào Trump, hầu như không nói gì về đối ngoại - trong đó có vấn đề Trung Quốc. Giới chức nắm được thực chất và có những quan điểm đúng và chiến lược đúng đối với những vấn đề kinh tế, đối nội và đối ngoại phục vụ cao nhất lợi ích của Mỹ trong thế giới hôm nay chủ yếu là giới chuyên gia và giới nghiên cứu, song cả 2 giới này đều không được Trump trọng dụng, thậm chí nhiều khi bị sa thải nếu không chịu phục tùng tính cách thô lỗ, háo thắng và sự thất thường của Trump - và đây là thiệt thòi hay là mối nguy lớn cho nước Mỹ !
Có lẽ phải chờ đến nhiệm kỳ 2 của Trump (nếu có), hoặc chờ triều đại chính quyền mới của Mỹ của đảng Dân chủ, mọi chuyện mới rõ ràng. Tuy nhiên, dù thế nào, với Trump - hoặc với một nhân vật nào khác từ đảng Dân chủ - nước Mỹ có thể thay đổi những biện pháp thực hiện, song trước sau Mỹ vẫn phải trụ lại trong chiến lược bảo vệ vị thế số 1 thế giới của Mỹ hiện nay, và Mỹ vẫn có khả năng lớn thực hiện được chiến lược này.
*
Về những vấn đề địa kinh tế.
Đập vào mắt mọi người trước hết là câu chuyện toàn cầu hóa kinh tế thế giới là một sự vận động tất yếu khách quan của phát triển ; song covid-19 đã phá vỡ trên thực tế hầu như toàn bộ cấu trúc của toàn cầu hóa kinh tế hiện nay. Hiện tượng chủ yếu là nguồn cung và nguồn cầu, và đồng thời là phương thức vận động của kinh tế trong quá trình toàn cầu hóa dựa trên phát huy tối đa lợi thế sự phụ thuộc lẫn nhau để làm ra của cải nhiều hơn nữa đang bị dịch bệnh covid-19 làm đổ vỡ, rối loạn, đứt gãy… không cưỡng lại được. Kinh tế học của loài người chưa phát minh ra được cấu trúc toàn cầu hóa nào khác cho kinh tế thế giới có thể bền vững trước một thế lực hủy hoại như covid-19.
Mấy tháng vừa qua trong quá trình diễn tiến của đại dịch covid-19, trên mọi diễn đàn của các nước phát triển, lúc đầu - khi nạn dịch còn bó khung trong lãnh thổ Trung Quốc, được bàn cãi sôi nổi nhất là vấn đề làm thế nào thoát Trung, với nghĩa thoát mọi sự lệ thuộc vào Trung Quốc như là một nguồn cung khổng lồ nhiều thứ cho kinh tế thế giới, và đồng thời là một thị trường tiêu thụ còn lớn hơn cả thị trường tiêu thụ của Mỹ rất cần thiết cho kinh tế thế giới. Đơn giản vì Trung Quốc là công xưởng của thế giới, kinh tế chiếm 17% GDP thế giới và đóng góp khoảng 33% tăng trưởng của kinh tế thế giới !
Trong khi câu hỏi thoát Trung là thoát cái gì cụ thể và thoát thế nào chưa có lời giải, nạn dịch từ tháng 2/2020 lan ra khắp thế giới, gây ra mọi đổ vỡ, gián đoạn, đứt gẫy… ở các mức độ khác nhau ngay trong lòng mọi nền kinh tế và đời sống của tất cả các nước phát triển. Nguy hiểm hơn nữa giữa lúc này hầu hết những nền kinh tế của các nước phát triển đang có nhiều khó khăn lớn, như nợ lớn và thâm hụt ngân sách ngày càng cao, tăng trưởng kinh tế thấp hoặc thậm chí đang trong tình trạng suy thoái, nội trị phát sinh nhiều vấn đề mới (Đức, Pháp, Anh…) - đúng với tình trạng họa vô đơn chí !
Cho đến nay, ngoài những biện pháp mọi dạng đã thực hiện (chủ yếu là bơm tiền ra để "cấp cứu" trong chống dịch, và đồng thời để phòng ngừa kinh có thể tế đổ vỡ không cứu vãn được), chưa một nước phát triển nào, kể cả Mỹ, có quốc sách khả thi đối mặt có hiệu quả với sự phá hoại mọi mặt của covid-19, nhất là trong kinh tế.
Trong bàn cãi này, hầu như có sự thừa nhận chung : Coi sự hủy hoại của covid-19 và những vấn đề nó đặt ra là hiện tượng nghiêm trọng chưa từng có trong thế hệ đương đại hiện nay cho kinh tế mỗi quốc gia nói riêng và cho kinh tế thế giới nói chung, xáo trộn hầu như mọi mặt toàn bộ cuộc sống con người - kể cả phải thay đổi từ cái bắt tay ! Và hầu như chưa đâu tìm ra được lời giải cụ thể, chỉ còn cách phải bắt đầu từ suy nghĩ khác, tìm cách sống khác...
Tuy nhiên, toàn cầu hóa - nhất là trong kinh tế - là tất yếu khách quan không thể tránh né. Sự hủy hoại của covid-19 không phủ nhận toàn cầu hóa và thật ra không thể phủ nhận được. Đại dịch covid-19 chỉ đặt ra vấn đề phải tìm ra mô hình và phương thức mới phù hợp của toàn cầu hóa cho thế giới đương đại hôm nay - bao gồm cả vấn đề cả thế giới chỉ có cách hữu hiệu nhất là cùng chung tay chống đại dịch [4].
Thực ra lịch sử của homo sapiens là lịch sử đối phó liên tiếp với những quá trình hủy hoại như thế đã luôn luôn xảy ra trong từng thời kỳ của thế giới tự nhiên (bao gồm cả dịch bệnh) và trong quá trình phát triển của chính bản thân xã hội loài người : Đó chính là quá trình loài người phải tìm cách thích nghi để sống sót và khai phá con đường phát triển tiếp cho một phạm vi không gian và thời gian (a space and time range) nào đó phía trước. Số phận của mỗi cộng đồng dân cư tùy thuộc vào khả năng chịu đựng sự sàng lọc và thích nghi như vậy của nó.
Vậy hôm nay, câu trả lời đầu tiên (nguyên thủy) mang tính phương pháp luận của mọi quốc gia bước vào thời kỳ hậu covid-19 sẽ có thể là phải thay đổi tất cả để thích nghi mà sống trong một quá trình toàn cầu hóa mới, với những suy nghĩ, nhận thức và hành động mới ! Đặt vấn đề như vậy có nghĩa mọi quốc gia, mọi nền kinh tế và từng cá nhân con người - nói cho đến cùng và thực ngắn, đó là từng sản phẩm - đều phải chịu sự sàng lọc trong quá trình thích nghi mới này. Hiểu như vậy, ngay tức khắc chúng ta thấy được cách mạng công nghiệp 4.0 trong bối cảnh mới này sẽ giữ vai trò vô cùng quan trọng của nó như là một trong những nhân tố quyết định tham gia vào quá trình sàng lọc và thích nghi này ! Đến đây phải chăng có thể kết luận : Sống trong hậu đại dịch covid-19 đòi hỏi thấu hiểu quá trình sàng lọc và thích nghi mới này !?
*
Chưa nói đến nguy cơ chiến tranh thế giới III vốn dĩ đã tiềm tàng trước khi có đại dịch covid-19, nhất là tại khu vực Biển Đông và trong quan hệ Mỹ - Trung ; tại những nơi khác có lẽ khó hơn. Thời hậu dịch sẽ đẻ thêm ra nhiều rối ren mới nguy hiểm, hầu như chắc chắn cuộc giành giật nhau giữa 3 đối thủ chính này sẽ ngày càng quyết liệt thêm. Như là quy luật của trò chơi vương quyền, trận địa chính của họ vẫn là các nước bên thứ ba. Nghĩa là ngay sau khi đại dịch covid-19 kết thúc, không thể hay rất khó có khả năng có ngay hòa bình cho các nước bên thứ ba. Thay vào đấy sẽ là một thế giới được bổ sung thêm đầy những bất định mới khó lường - trước hết là đối với các nước bên thứ ba, trước khi thế giới có thể đi tới được một nền hòa bình của một trật tự quốc tế mới - với sự loại bỏ hay thay đổi được chí ít một đối thủ chính nào đó [5].
Ngay từ bây giờ, giữa lúc thế giới đang cao điểm của đại dịch, Trung Quốc và Nga đã và đang triển khai những bước đi quyết liệt đầu tiên để tranh thủ cơ hội. Những mặt yếu kém hiện hữu của Mỹ và sự rối ren của một thế giới thời hậu dịch là những hấp dẫn lợi hại đối với Trung Quốc và Nga [6], có thể dẫn tới những toan tính nguy hiểm (N P Walsh, CNN 17 và 18/03/2020). Cả 2 đối thủ chính này đang quyết tâm sống còn giành lấy cơ hội này để cải thiện vị thế quốc tế của họ so với Mỹ. Phải thừa nhận là với hệ thống chính trị và quyền lực băng nhóm của mình, Tập Cận Bình và Vladimir Vladimirovich Putin là 2 nhân vật thích hợp cho những mưu tính toàn cầu của 2 quốc gia đối thủ này. [Giới quyền lực Trung Quốc hiện nay đánh giá Tập còn cao hơn Mao. Còn Putin được giới quyền lực Nga ca ngợi là vốn quý của nước Nga !].
Tuy không có phép miễn trừ nào được dành riêng cho kinh tế Trung Quốc và kinh tế Nga, song phải thừa nhận, để theo đuổi những mục đích toàn cầu, ngoài đặc thù của Nga có lợi thế rất lớn về địa lý và tài nguyên và sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, Trung Quốc có lợi thế rất lớn vế kinh tế quy mô (economics of scale), chế độ toàn trị của 2 quốc gia này cho phép thực hiện những biện pháp cực đoan ở phạm vi nhất định mà nhân dân 2 nước này phải trả giá, và đồng thời có thể thực hiện nhiều biện pháp bất chính khác - ví dụ như chúng ta đã thấy trong quá trình phát triển 70 năm qua của nền kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó các nước phát triển không thể làm như vậy được. Tuy nhiên tiềm lực kinh tế của Nga rất hạn chế là trở lực chính cho tham vọng của Nga. Kinh tế Trung Quốc ngày càng chồng chất những vấn đề nan giải sau đại dịch, ngoài chú trọng đẩy mặt phát triển theo hướng nội, song Trung Quốc sẽ vẫn ráo riết phản công trên 2 mặt :
(a) tiếp tục khai thác khả năng cung ứng của công xưởng thế giới, và
(b) tận dụng sức hấp dẫn của thị trường tiêu thụ khổng lồ - do đó Trung Quốc vẫn là đối thủ đáng gờm nhất của Mỹ - đặc biệt là trên phương diện phân hóa đồng minh của Mỹ, tập trung sức nặng vào các sân sau của Mỹ, và đồng thời tìm cách phát huy những ưu thế tại chỗ mà Trung Quốc đang nắm trong tay - trước hết là trong khu vực Đông Nam Á.
Tóm lại, sự xuất hiện của đại dịch covid-19 làm nảy sinh thêm những vấn đề địa chính trị và địa kinh tế hoàn toàn mới, đẩy thế giới vào tình trạng bất định hơn nữa chưa lường hết được, chưa đâu tìm ra được giải pháp ứng phó có thể tin cậy... Đấy sẽ là một thế giới mới, đòi hỏi Việt Nam nhất thiết phải có đủ năng lực tạo ra cho mình khả năng có thể vượt qua được quá trình sàng lọc và thích nghi mới này của giai đoạn toàn cầu hóa mới trong thế giới đương đại…
*
Trong bài "Sức mạnh của chúng ta là dám đối mặt với sự thật", tôi đã trình bầy sơ bộ những vấn đề nghiêm trọng và quan trọng nhất của đất nước và của Đảng cộng sản Việt Nam, khuyến cáo Đại hội XIII nên trực tiếp bắt tay vào giải quyết. Tuy nhiên đấy mới chỉ là những vấn đề cố hữu từ nhiều thập kỷ nay.
Trong bài này tôi muốn lưu ý ngay từ lúc còn đang phải chống dịch, chúng ta - trước hết là Đảng cộng sản Việt Nam - rất cần phải chú trọng đối mặt với những vấn đề sống còn của đất nước thời sau đại dịch. Đơn giản vì tình hình quá khẩn trương, mà thời gian không có nhiều.
Thực tiễn quá trình chống dịch vừa qua đã làm nảy sinh nhiều gương lao động mới, nhiều sáng kiến mới rất quý báu. Theo dõi trên TV hàng ngày, tôi thấy rất nhiều ví dụ làm ấm lòng người. Đó là những nỗ lực từ thay đổi quy trình sản xuất hay cách làm việc hàng ngày, đến tìm ra sản phẩm mới dựa vào nguồn cung ứng mới hay đa dạng hóa nguồn cung ứng, sắp xếp lại và liên kết với nhau giữa những doanh nghiệp cùng chuỗi sản phẩm để cải thiện vấn đề logistic nhằm hạ giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh và đồng thời mở rộng ra thị trường thế giới, ứng dụng công nghệ mới - nhất là công nghệ tin học cho nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành, đặc biệt là mở rộng thế mạnh mới trong phát triển nông nghiệp sinh học để làm ra những thực phẩm cao cấp cho các thị trường khó tính, vân vân và vân vân, không sao kể hết được. Có thể nói qua những sự việc cụ thể này, cách mạng công nghiệp 4.0 đã bắt đầu ló mặt, nhất là ở khá nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của giới trẻ, vân vân…
Tôi đi tới kết luận :
Từng sáng kiến và thành quả riêng lẻ như vậy đang gợi ý khá cụ thể cho chúng ta con đường thu hẹp dần nền kinh tế gia công và lắp ráp, để từng bước ngày càng chuyển vào sâu hơn nền kinh tế có công nghệ riêng, công nghệ nguồn của chính chúng ta - đòi hỏi then chốt để chuyển dần vào nền kinh tế của thời kỳ một nước phát triển. Và đây sẽ là con đường đưa nước ta dần dần thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình, đồng thời cũng sẽ là con đường từng bước tự giải phóng mình thoát khỏi thân phận người làm thuê và thân phận là đất nước cho thuê. Đó cũng sẽ là con đường dần dần hình thành những tập đoàn Việt Nam có tên tuổi của nền kinh tế quốc dân do nội lực của chính mình là động lực chủ đạo và dẫn dắt, qua đó độc lập tự chủ của quốc gia sẽ có thực chất đúng với tên gọi của nó.
Con đường chúng đang tìm này đang hiện hình dần dần hàng giờ, hàng ngày ngay trước mắt chúng ta, ngay trong thực tiễn quyết liệt hàng ngày ở nước ta, chẳng phải đi tìm ở đâu xa lạ ! Miễn là chúng ta có cái tâm, có trí tuệ và có ý chí nhìn nhận ra nó ! Phải đủ trí tuệ và sự dũng cảm gạt bỏ mọi yếu kém tiêu cực của đất nước, để khai phá bằng được con đường phát triển đã hé lộ ra này ! Hay là cam chịu tha hóa tiếp để sẽ bị đào thải ?
Trong quá trình đầy hy vọng đang manh nha và rất sinh động được nói tới trên đây, tôi cảm nhận được chung quy là phải thực sự giải phóng con người, để tạo ra cuộc sống và lao động của con người tự do, vì con người và chỉ vì con người mà thôi ! Muốn thế, đất nước bằng mọi giá phải tạo ra cho được 3 yếu tố cơ bản : Nền giáo dục tiên tiến, phát triển và vận dụng công nghệ (theo tinh thần phát triển khoa học và công nghệ hiện đại), một nhà nước của thể chế kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa của tinh thần dân tộc và dân chủ ! 3 yếu tố cơ bản này là cái bất biến phải có mãi mãi, đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để mang lại cho đất nước ta khả năng vượt qua được sự sàng lọc và thích nghi phải có trong thế giới hôm nay.
Sự thật là duy nhất chỉ có ý thức hệ của tư duy nô dịch và lợi ích ích kỷ của quyền lực đang tìm mọi cách làm mù và uy hiếp chúng ta mà thôi !
Cái đang cần nhất của nước ta bây giờ là Đảng cộng sản Việt Nam phải làm mọi việc để tạo ra cho được sự hội tụ ý chí toàn dân tộc và sự giác ngộ cao nhất của từng công dân và của toàn dân tộc về lợi ích quốc gia trong thế giới khắc nghiệt hôm nay, và cái thiếu nữa là thời gian (với nghĩa là không bao giờ đủ) - chứ không phải là tiền bạc, của cải.. ! Để muộn, sẽ có thể mất tất cả !
*
Đại hội XIII được chuẩn bị trong cục diện thế giới đã sang trang. Trong nhiều bài viết, tôi đã bày tỏ nỗi lo không biết sự chuẩn bị cho Đại hội XIII có đáp ứng được những đòi hỏi của tình hình quốc tế mới này hay không ? Sự chuẩn bị này bắt đầu từ khi chưa có đại dịch covid-19. Đại hội XIII sẽ phải giải quyết những vấn đề của đất nước thời kỳ hậu đại dịch covid-19 như tôi trình bầy trong các phần trên của bài viết này. Tôi đoán sự chuẩn bị của toàn Đảng cho Đại hội XIII cho tới thời điểm này chưa thể đề cập được những vấn đề của đất nước vào thời kỳ hậu đại dịch covid-19. Như thế tôi lại có thêm nỗi lo mới.
Nỗi lo kép trên đây khiến tôi đề nghị nên chuẩn bị lại cho Đại hội XIII, thảo luận công khai minh bạch để huy động trí tuệ và phát huy ý chí của cả nước - đơn giản vì có việc nào của Đại hội XIII không phải là việc của quốc gia ?
Hà Nội - Võng Thị, ngày 18/03/2020
Nguyễn Trung
Nguồn : viet-studies, 19/03/2020
[1] Xem CNN, USA Today, WP… 18/03/2020.
[2] Hiếu Công, "Doanh nghiệp Việt lo dịch Covid-19 kéo dài, trông đợi gói kích cầu"
[3] Nguyễn Mạnh Hùng, "Việt Nam, Hoa Kỳ và Thượng đỉnh bất thành Mỹ-ASEAN
[4] Tham khảo thêm : Yuval Harari "Trong cuộc chiến chống Corona, loài người tìm đâu một thống soái ?", dịch giả : Nhã Nhi
[5] Xin lưu ý : Lịch sử thế giới đã chứng mình sự xuất hiện và tiêu vong của một đế chế thường vô cùng quyết liệt cho thế giới chung quanh và kéo dài có khi cả thế kỷ ; trong lịch sử đương đại đế chế của Hitler là 3 thập kỷ, của Liên Xô là 7 thập kỷ…
[6] Trong quá khứ thường xảy ra tình huống khi gặp những khó khăn lớn - nhất là trong đối nội - Nga và Trung Quốc thường theo cách ứng xử dấn tới về đối ngoại để hướng khó khăn trong nước ra bên ngoài. Cuộc chiến tranh của Trung Quốc đánh Việt Nam 17/02/1979 là một trong những ví dụ điển hình.
Đấy là kết luận quan trọng nhất tôi rút ra được từ cuộc chiến gần ba tháng nay nhân dân ta gồng mình lên chống dịch bệnh covid-19 và cứu kinh tế, cứu chính mình, tất cả với tinh thần "Chống dịch như chống giặc !".
Gần ba tháng nay, 24/24 giờ, chúng ta như thế trong cả nước đã vào trận, quyết chống dịch với tất cả ý chí và nghị lực có thể
"Chúng ta" ở đây tôi hiểu là cả nước không phân biệt một ai - từ người dân bình thường hưởng ứng kêu gọi của Chính phủ, đang thực hiện mọi cố gắng quyết liệt nhất có thể trong tình hình khẩn cấp hiện nay, vừa chống dịch vừa cứu kinh tế, tự bảo vệ mình…, cho đến toàn thể các chiến binh đang trực tiếp ở tuyến đầu chống dịch - từ các nhà khoa học, những thầy thuốc và đội ngũ y tế, đến các quân nhân và các đơn vị quân đội, toàn bộ các cán bộ công nhân viên chức đang trực tiếp tham trận… từ những nông dân trên đồng ruộng và công nhân trong mọi xí nghiệp, cho đến những người làm khoa học kỹ thuật, những người điều hành các đơn vị kinh tế, những thành viên thuộc giới chủ mọi tập đoàn kinh tế tư nhân hoặc quốc doanh, những cán bộ viên chức nhả nước..., cho đến các thành viên Chính phủ mà người đứng đầu là Thủ tướng !
Sẽ không phải là đại ngôn, nếu nói rằng : Gần ba tháng nay, 24/24 giờ, chúng ta như thế trong cả nước đã vào trận, quyết chống dịch với tất cả ý chí và nghị lực có thể, và đã thu được thắng lợi bước đầu :
Cho đến nay nước ta cơ bản vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh covid-19 với kết quả cao nhất có thể, hạn chế được thiệt hại ở mức thấp nhất, và cũng là nước đang thành công nhất so với hơn 100 nước đang phải cùng nhau chống đại dịch toàn cầu (pandemic) hiện nay !
Thắng lợi bước đầu này cho chúng ta niềm tin và củng cố hơn nữa ý chí của chúng ta tiếp tục quyết chống đại dịch, cứu kinh tế, gìn giữ đất nước, bảo vệ bản thân mình trong cơn chấn động toàn cầu này ! Quan trọng hơn thế nhiều lần, thắng lợi bước đầu này gặt hái cho chúng ta bài học sống còn của chính mình :
Có được thắng lợi này, nguyên nhân hàng đầu là chúng ta có ý chí dám đối mặt với sự thật, bởi vì đại dịch là thực tế khách quan, để sống sót chúng ta chỉ có sự lựa chọn duy nhất phải dám đối mặt với nó, quyết chống lại nó !
Sẽ không khó khăn lắm để hình dung : Nước ta sẽ ra sao, nếu chúng ta làm theo kiểu Trung Quốc đối mặt với đại dịch này,… vì những lý do bất minh đã bắt đầu từ bưng bít và trấn áp thông tin đầu tiên về dịch bệnh, bỏ phí mất gần 3 tuần lễ đầu tiên - được coi là thời gian vàng để kiềm chế và kiểm soát dịch bệnh - rồi đến lúc bắt buộc phải vào cuộc, cô lập hàng chục triệu dân ở Hồ Bắc, rồi tiếp theo là phải cô lập hàng trăm triệu dân ở hàng chục tỉnh Trung Quốc khác.., để cho dịch bệnh lan ra khắp Trung Quốc và đổ ra toàn thế giới - với biết bao nhiêu tai họa toàn cầu như chúng ta đang chứng kiến hiện nay !..
Vâng, sẽ không khó khăn lắm để hình dung : Nếu ta làm theo kiểu Trung Quốc - trong tình hình tiềm lực kinh tế của nước ta chỉ bằng khoảng 1/50 của Trung Quốc… - sự tàn hại của dịch bệnh, kéo theo mọi hệ quả hoảng loạn, rối ren, phá hoại, cướp bóc… chỉ trong vòng năm, sáu tuần lễ - khoảng thời gian đủ để dịch bệnh lan ra khắp cả nước - hầu như chắc chắn sẽ đủ sức làm đổ sập và tiêu tan Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, và hầu như chắc chắn sẽ đẩy cả nước ta vào cảnh bể dâu chưa từng có không biết đến bao giờ mới hồi phục được !..
Cần phải đủ hiểu biết và có ý chí lạnh lùng, để hình dung được hệ lụy mất còn như phác họa như trên đây nếu để xảy ra, để nhờ đó thấu hiểu tầm vóc bài học của chính chúng ta trong đại dịch này :
Chúng ta đã thắng được bước đầu vì dám đối mặt với sự thật, và phải tiếp tục như thế cho đến khi hoàn toàn xóa bỏ được dịch bệnh !
Thiết nghĩ, bài học này thật dễ hình dung và dễ hiểu, ví dụ - do những lý do nhất định nào đấy - khi xuất hiện bệnh nhân covid-19 thứ 17, ngay lập tức nơi này nơi khác đã xảy ra tâm lý và hiện tượng hoảng loạn ban đầu rất nguy hiểm, nhất là dịch bệnh đang trong quá trình xuất hiện bệnh nhân thứ 44 !
Lạy trời và hồn thiêng sông núi xui khiến, Chính phủ đã kịp thời quyết liệt đối mặt với mọi diễn biến mới này của dịch bệnh và những hệ quả đi kèm, công khai minh bạch mọi diễn biến khác và mọi biện pháp đối phó, công khai minh bạch mọi lỗ hổng còn sót hay sơ xuất và những biện pháp khắc phục, ráo riết sát cánh hơn nữa với mọi tầng lớp nhân dân khác nhau với mọi nhiệm vụ và công việc khác nhau trong kiểm soát dịch và tháo gỡ những khó khăn mới trong nhiều lĩnh vực do đại dịch gây ra… Thử tưởng tượng xem, giữa cuộc chiến mất còn này, chỉ cần một thông tin về sự thật của dịch bệnh bị che giấu, một quyết định sai lầm được lựa chọn, một lỗ hỏng nào đó còn bỏ sót, một giây phút sơ xuất vì ý chí chùng xuống.., ngay tức khắc sẽ có thể làm phá sản toàn bộ công cuộc chống dịch đã thực hiện được cho đến nay, đẩy đất nước vào khủng hoảng khó bề cứu vãn ! Đại dịch còn nguyên vẹn tính nguy hiểm của nó, xin đừng bao giờ để cho mối nguy hay sơ xuất này xẩy ra !
Dù còn một số tồn tại đòi hỏi phải nỗ lực khắc phục tiếp, nhưng đến giờ phút này có thể nói Chính phủ và nhân dân cả nước ta vẫn cùng nhau làm chủ được tình hình. Một lần nữa giữa chiến trường chống đại dịch, cuộc sống chỉ ra : Chống đại dịch này chẳng khác gì chống thần chết, chúng ta chỉ có con đường phải dám đối mặt với sự thật để sống còn !
*
Bài học nêu trên, thiết nghĩ cũng là bài học quyết định nhất đối với Đại hội XIII sắp tới của Đảng cộng sản Việt Nam, vì lẽ Đại hội này đang phải đối mặt với những vấn đề mất/còn quyết định vận mệnh của quốc gia và của chính bản thân Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay và sắp tới[i].
Người đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, từ đảng viên thường cho đến Tổng bí thư, nếu còn lương tri quan tâm đến vận mệnh của đất nước và của Đảng, chắc chắn sẽ hình dung được những vấn đề mất/còn đất nước đang phải đối mặt là những vấn đề gì, khỏi phải kể lể dài dòng ở đây. Chỉ xin điểm ra ở đây một vài nét nghiêm trọng nhất.
- Sau hơn 3 thập kỷ công nghiệp hóa kể từ đổi mới 1986, Việt Nam với nguồn lực bỏ ra tính theo đầu người lớn gấp đôi hoặc gấp ba so với Hàn Quốc hay Đài Loan, song về cơ bản chỉ hình thành được nền kinh tế gia công và lắp ráp, người dân chủ yếu trở thành người đi làm thuê, đất nước trở thành đất nước cho thuê, nền kinh tế quốc dân hôm nay chủ yếu do ngoại lực dẫn dắt và chi phối, với sự lệ thuộc và phụ thuộc ngày càng nghiêm trọng. Thực tế của đất nước và những đòi hỏi mới của quá trình toàn cầu hóa hôm nay đặt ra thách thức Việt Nam phải sớm chấm dứt thực trạng này để tìm đường đi vào thời kỳ trở thành một nước phát triển, để có thực lực bảo vệ độc lập tự chủ, chủ quyền quốc gia và mọi lợi ích chính đáng của mình.
- Con đường xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa bị chệch hướng dẫn tới sự phát triển hoang dã của chủ nghĩa tư bản thân hữu, tiêu cực và tham nhũng hoành hành chưa từng có và làm khuynh bại sơn hà xã tắc, chiến lược hoàn thành công nghiệp hóa vào năm 2020 vì thế thất bại. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng nguy hiểm này là Đảng cộng sản Việt Nam không xây dựng được một thể chế chính trị mang tính dân tộc và dân chủ mà giai đoạn CNH-HĐH của đất nước đòi hỏi. Vì vậy nhà nước của dân do dân vì dân bị chủ nghĩa tư bản thân hữu chiếm thế thượng phong biến tướng thành nhà nước toàn trị[ii]. Thậm chí hiện nay, người đứng đầu đất nước và toàn Đảng, với tính cách là cấp cao nhất hầu như ngày đêm phải giành ưu tiên gần như duy nhất cho giải pháp "lò & củi" suốt khóa Đại hội XII cho đến nay mà vẫn không xuể...
- Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị lớn nhất và duy nhất nắm tuyệt đối mọi quyền lực của đất nước, vì lẽ này Đảng cộng sản Việt Nam chịu trách nhiệm ràng buộc trước cả nước phải tiến hành cải cách chính trị đổi đời đất nước, mở đầu từ xây dựng lại Đảng thành đảng của dân tộc và dân chủ, để đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới trong một thế giới đang chuyển đoạn sang trang trật tự quốc tế mới với những thách thức mới đối với mọi quốc gia. Đảng cộng sản Việt Nam hôm nay có dám đối mặt với sự thật này không ? Trong khi đó những ý kiến tâm huyết của những trí thức yêu nước - là đảng viên hay không phải đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam - đã chứng minh thuyết phục có một con đường phải đi như thế : Giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ, Đảng sẽ được toàn dân khoan dung và ủng hộ, sức mạnh của nhân dân được giải phóng sẽ không gì có thể khuất phục được, đất nước sẽ trụ vững trong thế giới quyết liệt đang chuyển đoạn, mở ra thời kỳ quốc gia thực sự có độc lập, tự do, dân chủ, hạnh phúc !
- Hậu đại dịch covid-19, sẽ là thời kỳ Mỹ, Trung Quốc và Nga dù mạnh yếu khác nhau thế nào, song hầu như chắc chắn đều giống nhau ở một điểm : Với tất cả nỗ lực gần như là quyết tử (có thể hiểu là ván bài cuối cùng), mỗi địch thủ này sẽ dùng mọi thủ đoạn giành lấy địa vị thống xoái thế giới cho riêng mình, để khuất phục mọi đối phương - hòng mong từ đó sẽ dẫn tới cho chính mình khả năng lần lượt khuất phục được từng đối thủ chính của mình. Có thể nhìn thấy trước và nói thẳng ở đây : Nước ta trong tình thế này sẽ phải đối mặt với một Trung Quốc hậu đại dịch covid-19, trong đó "Bãi tư Chính thuộc chủ quyền của Trung Quốc !" và những hành động tương tự khác sẽ không còn chỉ là lời nói của Cảnh Sảng, mà sẽ là những hành động cụ thể và toàn diện về kinh tế, chính trị và quân sự ! Cuộc sống trong một trật tự quốc tế như vậy sẽ chỉ dành cho Việt Nam con đường duy nhất : Quốc gia phải phát huy tối đa sức mạnh của dân tộc và dân chủ để có thực lực bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, và đồng thời để qua đó có được những giá trị cho phép tập hợp được cả thế giới tiến bộ hậu thuẫn cho sự xây dựng và bảo vệ tổ quốc của mình !
- Phải nói, vấn đề nhân sự luôn luôn được coi là vấn đề trọng đại và quyết định của mỗi Đại hội Đảng cho đến nay, thế nhưng trước thềm Đại hội XIII lần đầu tiên ông Trần Quốc Vượng, người thứ hai trong Đảng, đã phải cảnh báo công khai trước cả nước sự thật nghiêm trọng : "Thành trì xã hội chủ nghĩa cả hệ thống Đông Âu như vậy ai cũng tưởng rằng không bao giờ đổ mà cơ đồ đổ xuống biển sâu, có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là nguyên nhân công tác cán bộ, là người đứng đầu. Nên ta phải hết sức chú ý, phải làm sao để Đảng ta không bao giờ vướng vào chuyện như vậy... ... ... Đây là vấn đề quan trọng vì cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do mình thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu, chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta".
- vân vân…
Câu hỏi đặt ra là :
Từ bài học chống đại dịch covid-19 của chính nước ta như đang diễn ra, Đại hội XIII có dám chấp nhận đối mặt với sự thật như sơ bộ trình bầy trên, để tìm đường sống cho đất nước và cho sự tồn tại của chính mình hay không ?
Nhân đây xin nói thêm, Tổng bí thư - Chủ tịch nước đòi hỏi văn kiện của Đại hội XIII phải trở thành văn bia cho hậu thế ! Một khát vọng, một tham vọng cao siêu !..
Cho đến nay chưa một Đại hội nào dám có mong muốn này. Tuy nhiên, có một Đại hội VI, cho dù văn kiện của nó không thể coi là văn bia cho hậu thế, vì nội dung văn bản vẫn còn nhiều hạt sạn lớn, thậm chí rất lớn - vấn đề tránh né cải cách chính trị; song tinh thần Đại hội VI 1986 và việc thực hiện nghị quyết xóa bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa và bao cấp - được coi là xương sống của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội thời đó - đã dựng lên trong sử đất nước một tấm bia để đời, đánh dấu một bước ngoặt của quốc gia : Từ bên bờ sự sụp đổ của nền kinh tế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp, chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế thị trường (lúc này cũng chưa có khái niệm định hướng xã hội chủ nghĩa), cứu nguy đất nước, thay da đổi thịt bộ mặt quốc gia, và mở ra con đường phát triển cho đến hôm nay.
Vậy văn bia của Đại hội XIII sẽ phải nên như thế nào ?
Không ai có thể đoán được, vì đến giờ phút này Dự thảo văn kiện Đại hội hoặc là chưa xong, hoặc là chưa được công bố !
Điều chắc chắn hơn - có lẽ tương tự như Đại hội VI - Đại hội XIII sẽ có văn bia; nói chuẩn xác hơn : Đại hội XIII trong tình thế đất nước phải chuyển sang giai đoạn phát triển mới trong một thế giới đang sang trang, chắc chắn sẽ để lại cho hậu thế một tấm bia - hoặc là vinh quang như Đại hội VI, nếu nó mở ra cho đất nước một thời kỳ đổi đời… Hoặc là tấm bia của Đại hội XIII sẽ chỉ là một cột mốc mới trên con đường tha hóa tiếp của một đảng toàn trị - nếu Đảng cộng sản Việt Nam hôm nay nhân danh kiên định định hướng xã hội chủ nghĩa đi tiếp trên con đường đã dẫn tới sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản thân hữu hoang dã, với biết bao nhiêu tai ương mà mọi nỗ lực của "lò & củi" 3 năm nay vẫn chưa sao xử lý xuể, đã gây ra những sự kiện ô nhục và đau lòng như các vụ Đồng Tâm, Thủ Thiêm…
Không một người Việt Nam nào thương sót giống nòi mong muốn đất nước gần như phải oằn lên sau chống đại dịch lần này, sẽ lại phải đối mặt tiếp với mọi tai ương mới do sự tha hóa tiếp của Đảng cộng sản Việt Nam hôm nay đang cai trị đất nước sẽ gây ra trong bối cảnh một thế giới khốc liệt phía trước !
Hầu như chắc chắn mọi người Việt Nam thương yêu tổ quốc mình đều sẵn lòng bao dung và mong muốn hòa giải trong cải cách chính trị đổi đời đất nước, vừa đòi hỏi, vừa sẵn lòng chờ đợi ở Đảng cộng sản Việt Nam hôm nay một quyết định như thế, sẽ hết lòng ủng hộ một quyết định như thế, mặc dù sau vụ Đồng Tâm rất, rất nhiều người thiện chí này đã tuyệt vọng ! Niềm hy vọng còn lại bây giờ vô cùng leo lét ! Nhưng chính niềm hy vọng còn đang leo lét này dựa vào lý trí cảnh báo tiếp :
Phải bẳng mọi giá tránh bằng được cho đất nước một cuộc bể dâu mới !
Cũng chính niềm hy vọng còn lại vô cùng mong manh này đang lên tiếng cảnh báo :
Một dân tộc một khi đã vượt qua được đại dịch lần này, hẳn sẽ không còn là một dân tộc có thể đóng nó trong cũi như trước nữa ! Trong một thế giới quyết liệt, dân tộc này sẽ càng không để cho ai đóng cũi mình ! Hãy chờ xem !
Mong rằng, Đảng cộng sản Việt Nam hôm nay - nhất là qua Đại hội XIII này, sẽ tìm ra sức mạnh được nuôi dưỡng từ lòng yêu nước một khi dám đối mặt với sự thật !
*
Dân tộc Việt Nam ta hiện cũng đang đứng trước một sự thật vô cùng phũ phàng :
Đất nước có độc lập, nhưng nhân dân ta chưa có tự do !
Có nhiều nguyên nhân. Nhưng ở đây chúng ta đang nói về chính mình với tính cách là một dân tộc. Nhìn nhận như thế, nguyên nhân đầu tiên của tình trạng chưa có tự do trước hết là do chúng ta - với nghĩa tự do không bao giờ là một quà biếu hay là một ân sủng, mà phải tự giành lấy ! Chỉ có con đường duy nhất :
Cả dân tộc ta phải dám đối mặt với sự thật quyết liệt này, bằng cách vượt lên nỗi sợ trong riêng mình, vượt lên mọi yếu kém của chính bản thân mình, phải hòa giải với chính mình và với mọi thành viên trong cộng đồng dân tộc mình, với ý thức cùng nhau phục hồi lại danh dự và lòng tự trọng một dân tộc nào cũng phải có, từng người phải tự học hỏi và rèn luyện để cùng nhau thực hiện bằng được. Đấy chính là con đường dân tộc ta đi tới tự do !
Một dân tộc còn bị nô dịch dưới bất kỳ hình thức nào - từ quyền lực trong nước hay quyền lực bên ngoài, đều như nhau cả thôi ! Trên khắp thế giới này không dân tộc nào có tự do nào khác ngoài tự do do chính mình tự giành lấy và bồi đắp nên. Chúng ta, với tính cách là một dân tộc như thế, đang, nên, và phải dám đối mặt với sự thật nghiêm trọng này ! Đây chính là thách thực trực tiếp đối với mỗi cá nhân chúng ta ! Phải dám đối mặt, vì đây là lẽ sống của chúng ta ! Và vì nó, nên phải sống !
Hà Nội - Võng Thị, ngày 12/03/2020
Nguyễn Trung
Nguồn : viet-studies, 13/03/2020
[i] Tham khảo thêm : Nguyễn Trung, Cùng với thời hậu đại dịch COVID-19 sẽ còn là thời hậu sự thật của nó, 28/02/2020
[ii] Tham khảo Thư ngỏ của 61 đảng viên ngày 27-04-2014 trước thềm Đại hội XII Đảng cộng sản Việt Nam
Nếu Việt Nam không tự cứu mình, sẽ không một ai cứu được Việt Nam – kể cả chúa trời !
Nếu Việt Nam quyết tự cứu mình, cả thế giới sẽ xúm lại bênh vực và giúp Việt Nam bảo vệ được tổ quốc mình !
Bình luận của Tuổi trẻ ngày 22/09/2019 về phát ngôn của Cảnh Sảng – Bộ Ngoại giao Trung Quốc – đã nói lên sự thật : Trung Quốc vừa ăn cướp vừa la làng !
Qua những hành động tại bãi Tư Chính, phía Trung Quốc đã vi phạm toàn bộ những thỏa thuận cấp cao song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc
Thật không còn gì trắng trợn hơn khi người phát ngôn Cảnh Sảng ngày 18/09/2019 nhân danh Bộ Ngoại giao Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nói rằng :
"Kể từ tháng 5 năm nay, phía Việt Nam đã đơn phương thực hiện việc khoan tìm khí đốt ở vùng nước ở Wan'an Tan (Bãi Tư Chính) của Trung Quốc, điều này đã vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Trung Quốc. Nó cũng vi phạm thỏa thuận song phương về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, điều 5 của Tuyên bố chung của các bên ở Biển Đông (DOC), và các điều khoản liên quan trong UNCLOS (Công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc). Việt Nam nên ngay lập tức dừng các hoạt động vi phạm đơn phương để lập lại sự yên tĩnh tại vùng nước liên quan…".
Trong khi đó qua những hành động tại bãi Tư Chính, phía Trung Quốc đã vi phạm toàn bộ những thỏa thuận cấp cao song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, những cam kết của Trung Quốc trong khung khổ hợp tác ASEAN-Trung Quốc, đồng thời chà đạp thô bạo luật pháp quốc tế về gìn giữ hòa bình và các mối quan hệ giữa các quốc gia trong cộng đồng quốc tế - trong đó đặc biệt là Trung Quốc đã xâm phạm trắng trợn UNCLOS 1982.
Sự thật hiển nhiên là vùng biển ở bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa và nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, không mảy may liên quan đến bất kỳ một vùng tranh chấp nào – kể cả so với các vùng của 7 đảo và bãi của vùng đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã xâm lược và hiện nay đang chiếm đóng trái phép kể từ năm 1988.
Liên tục 3 tháng nay (kể từ 03/07/2019), Trung Quốc cho tầu hải dương địa chấn 8 và tầu cần cẩu khủng Lam Kình vào quậy phá và hoạt động trái phép tại vùng bãi Tư Chính, huy động cả lực lượng hải quân – bao gồm cả không quân – cảnh sát biển và cái gọi là lực lượng dân quân biển hộ tống cho những hoạt động phi pháp này ! Đây là những hành động leo thang xâm lược mới, rất trắng trợn, rồi lại còn giao cho Cảnh Sảng phát ngôn đòi Việt Nam phải từ bỏ chủ quyền của mình tại đây – thật là vô cùng ngỗ ngược !
Bước xâm lược mới nói trên cho thấy Trung Quốc một mặt nhằm mục tiêu lợi dụng tình hình quốc tế đang có nhiều biến động rối ren hiện nay đẩy tiếp chiến lược độc chiếm Biển Đông, mặt khác muốn lợi dụng thế mạnh áp đảo tại chỗ đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ ở đây trong lúc Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn trong đối kháng thế kỷ Mỹ - Trung mà giai đoạn đầu là thể hiện qua chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay.
Lựa chọn mục tiêu bãi Tư Chính lúc này, Trung Quốc coi đây là hướng duy nhất có thể giành thế chủ động trong đối kháng Mỹ - Trung hiện nay, trong khi Trung Quốc gặp khó khăn lớn trên 4 mặt trận chính :
1) chiến tranh thương mại Mỹ - Trung,
2) những hệ lụy kinh tế và chính trị đối với nội trị Trung Quốc do tác động của chiến tranh thương mại và của đối kháng giữa 2 siêu cường này,
3) vấn đề Hongkong đang rất nóng hiện nay,
4) vấn đề Đài Loan đang ngày càng muốn thoát hẳn cái thể chế "một Trung Quốc hai chế độ" [tại Hongkong cũng đang manh nha xu thế này].
Nhìn tổng thể đây là sự lựa chọn trên thế yếu của Trung Quốc so với Mỹ, song lại nhằm vào nơi Trung Quốc có lợi thế sức mạnh áp đảo tại chỗ và cũng là nơi Mỹ có ảnh hưởng yếu nhất trong khu vực này.
Từ nhiều tháng trước khi xảy ra sự kiện bãi Tư Chính, báo chí và giới nghiên cứu quân sự trên thế giới đã vạch ra ý đồ của Trung Quốc muốn lựa chọn Việt Nam là nơi tiến hành cuộc chiến khởi động (the warm up fight) để chuẩn bị cho chiến tranh lớn – (có thể cho vấn đề giải phóng Đài Loan…), đồng thời qua đó tìm cách ngăn chặn càng sớm càng tốt khả năng Mỹ mở rộng ảnh hưởng trong khu vực này. Báo chí thế giới còn nói đến ý đồ của Trung Quốc muốn cản trở bằng được mọi hợp tác khai thác dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông (ngay trước mắt là dự án "cá voi xanh" của Việt Nam hợp tác với Exxon Mobil – Mỹ), nhằm cắt đứt nguồn năng lượng từ biển có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của Việt Nam hiện nay [1]. Chưa nói đến một Việt Nam sẽ như thế nào nếu rồi đây sẽ không còn đường ra biển nữa !
Cây muốn lặng, nhưng gió chẳng đừng ! Song con đường cứu nước của chúng ta chắc chắn sẽ không thể là con đường như tổng thống Duterte ngày 29/08/2019 đã thỏa thuận với chủ tịch Tập Cận Bình [2]. Lẽ đơn giản là – xin nhắc lại :
Bãi Tư Chính nằm trên thềm lục địa và nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, không mảy may liên quan đến bất kỳ một vùng tranh chấp nào – kể cả so với các vùng của 7 đảo và bãi của vùng đảo Trường Sa của ViệtNam mà Trung Quốc đã xâm lược và hiện nay đang chiếm đóng trái phép kể từ 1988.
Cần nói ngay, thỏa hiệp ngày 29/08/2019 của tổng thống Duterte còn làm cho cam kết phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines (Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ - MDT - ký năm 1951) cũng khó lòng – nếu chưa muốn nói là không thể - cứu được Philippines trước sự bành trướng của Trung Quốc, vì 2 lẽ : (a) ký là một việc, thực hiện ký kết là việc khác, mọi sự còn tùy thuộc vào khả năng và lợi ích của Mỹ, và còn tùy thuộc vào nhiều tình thế khác nữa trên thế giới này có liên quan đến Mỹ..: và (b) quan trọng hơn nữa hầu như hôm nay không thể có khả năng Mỹ trở thành lính đánh thuê giữ nhà hộ cho một Philippines đang có nhiều vấn nạn tham nhũng và ma túy đến mức tổng thống Duterte cho phép bắn không cần xét xử… nhưng lại không quyết tâm bảo vệ đến cùng vùng biển của mình : chưa nói đến bài học của chính bản thân nước Mỹ trong chiến tranh Iraq và chiến tranh Afgahnistan vừa qua.
Việt Nam hôm nay chỉ có một con đường là phải bảo vệ đến cùng tổ quốc của mình. Muốn giữ được hòa bình và các mối quan hệ láng giềng bình thường với Trung Quốc, thì phải như vậy, bởi vì hôm nay không còn đường còn đất mà lùi tiếp được nữa ! Việt Nam muốn trở thành láng giềng được tôn trọng, có hòa bình thật và hữu nghĩ thật với Trung Quốc lại càng phải như vậy, và tự thân nước ta phải sớm trở nên giầu mạnh !
- Nhưng nếu Trung Quốc quyết đánh nước ta, quyết đè bẹp nước ta với mọi sức mạnh Trung Quốc hiện có, dưới mọi hình thức và bằng mọi phương tiện có thể - kể cả bao vây, cấm vận kinh tế, can thiệp quyền lực mềm… thì làm sao bây giờ ?
- Hỏi như thế, và giả thử nước ta cam tâm nhẫn nhục tiếp để giữ đại cục đến cùng đi nữa, cũng không thể ngăn cản nổi, mà chỉ khuyến khích Trung Quốc tiếp tục lấn tới mà thôi. Sự thật là bốn thập kỷ nay nước ta càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới.
- Đành rằng nước ta không bao giờ khiêu khích hay mù quáng chống Trung Quốc, rất mong muốn có hòa bình, hợp tác và hữu nghị: bốn thập kỷ nay là nhất quán như thế ! Song Trung Quốc vẫn quyết tiếp tục lấn tới, thậm chí có thể còn cho chúng ta bài học mới nữa thì làm sao bây giờ ?
- Bây giờ nước ta cũng đang nhất quán như thế. Song nước ta chỉ có một con đường : Phải quyết tâm bảo vệ tổ quốc. Có nhân dân cả nước là một, có chế độ chính trị và nhân dân cả nước là một, thì sẽ bảo vệ được tổ quốc, sẽ giữ được tất cả, sẽ có hòa bình, và trên hết cả đây là con đường chắc chắn nhất chủ động ngăn cản chiến tranh. Thử hỏi, có sự đầu hàng nào của phía ta có thể đảo ngược được xu thế hiện nay của Trung Quốc đối với nước ta ? Trong khi đó mọi yếu đuối của phía nước ta chỉ làm cho nội tình đất nước chia rẽ, bè bạn nản lòng và xa lánh, nước ta hiện đã đơn độc càng thêm cô độc !
- Nếu Trung Quốc vẫn quyết thách thức nước ta thì sao ?
- Chỉ có một con đường : Quyết tâm bảo vệ tổ quốc bằng mọi giá ! Lịch sử đã chỉ ra và đã rèn luyện cho nước ta quyết tâm này. Bản thân Trung Quốc cũng có đủ kinh nghiệm này đối với nước ta. Một nghìn năm Bắc thuộc mà không mất nước thì hôm nay lại càng không thể mất nước ! Nước ta đã chịu được 4 cuộc chiến tranh lớn để có đất nước độc lập thống nhất như hôm nay. Nước ta hôm nay phải giữ bản lĩnh này trước mọi thách thức mới. Hơn nữa, đụng vào một Việt Nam có bản lĩnh như vậy, sẽ đồng nghĩa với thách thức đạo lý và trật tự phải có của cả thế giới này, cả thế giới này sẽ không thể khoanh tay ngồi yên.
Có nhân dân cả nước là một, có thể chế chính trị và nhân dân cả nước là một, sẽ có một Việt Nam giầu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh – nền tảng bất khả xâm phạm của hòa bình, độc lập thống nhất, của sự toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ của quốc gia, của hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển với mọi quốc gia – kể cả với láng giềng khổng lồ Trung Quốc !
Có nhân dân cả nước là một, và thể chế chính trị và nhân dân cả nước là một như vậy là cái đích chính trị sống còn, quyết liệt nhất, thời sự nhất, từng người dân trong cả nước – không phân biệt địa vị xã hội, chính kiến, tôn giáo, dù là đảng viên Đcộng sản Việt Nam hay không là đảng viên Đcộng sản Việt Nam – tất cả phải đồng lòng giác ngộ và cùng nhau chủ động giành lấy trong thời gian sớm nhất. Cái đích chính trị thiêng liêng này là thách thức lớn nhất đối với Đại hội XIII sắp tới của Đảng cộng sản Việt Nam, chứ không phải khát vọng bá quyền của Trung Quốc !
Hà Nội – Võng Thị, ngày 26/09/2019
Nguyễn Trung
Nguồn : viet-studies, 24/09/2019
[1]Gần đây những bài nghiên cứu và những bài báo loại này khá nhiều (National Interest, Foreign Affairs, Foreign Policy, Financial Times, The Diplomat, Bloomberg, Washington Post, v.v.)
Mới đây nhất là :
(1) Vietnam power crunch threatens future economy, Financial Times, 20/09/2019
(2) China : Why Taiwan is unfinished business for Xi Jinping, Financial Times, 22/09/2019
- Hãy làm cho cả nước là một chiến tuyến thống nhất bảo vệ tổ quốc !
- Hãy làm cho cả nước dốc lòng xây dựng đất nước sớm giầu mạnh !
Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 29/08/2019 đã bác bỏ thẳng thừng ý kiến của tổng thống Duterte về bãi Sacarborough của Philippines, và còn nói TQ sẽ rộng lượng để cho phía Philippines hưởng tỷ lệ ăn chia là 60% trong khai thác dầu tại đây. Ông Duterte nhận lời, nhưng phó tổng thống Philippines - bà Leni Robredo – và cả nước Philippines phản đối, gọi đấy là bán tương lai Philippines cho Trung Quốc… Còn giới nghiên cứu nước ngoài – trong đó có Bill Hayton… - cho rẳng bất cứ một thỏa hiệp nào kiểu như thế này sẽ làm cho hệ thống pháp lý ở Biển Đông và ở những nơi khác sụp đổ !
(Bình luận bài "Trung Quốc là kẻ thù hay là bạn của ta ?" của Nguyễn Trung)
Lửa thử vàng
Chu Hảo, viet-studies, 10/09/2019
Tôi ngưỡng mộ tác giả Nguyễn Trung vì sự kiên trì không biết mệt viết những Kiến nghị thống thiết gửi lãnh đạo đảng cầm quyền, mà theo ông là lực lượng duy nhất hiện nay có thể xoay chuyển được tình thế, nếu (???) "vượt qua được chính mình". Bài viết này của ông cũng theo mạch đó : rất tâm huyết, rất logic, rất cặn kẽ… Giá như không phải đặt ba dấu chấm hỏi sau chữ "nếu" trên đây thì phúc đức cho Dân tộc biết mấy !
Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay đặt quyền lợi sống còn của Dân tộc lên trên hết, hay coi việc trung thành với Ý thức hệ tư tưởng tương đồng với Đảng cộng sản Trung Quốc là quan trọng hơn ? Ảnh minh họa : Tập Cận Bình (phải) và Nguyễn Phú Trọng (trái)
Ở đây tôi chỉ xin tham gia một vài ý kiến ngắn ngõ hầu làm rõ thêm ý của ông Nguyễn Trung ở câu kết luận :
"Toàn bộ những việc cần phải làm này trước hết là hòn đá thử vàng đối với Đại hội XIII tới của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay".
1. Dân ta thường nói "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", bởi dùng lửa nóng trên 1000 độ C để thử độ thật giả của vàng là thông dụng nhất. Ngoài ra còn nhiều cách khác, nhưng hoặc quá phức tạp (như phân kim…) hoặc không đáng tin cậy (như dùng răng cắn thử…). Dùng đá thử vàng nghe có vẻ hơi lạ, và được định nghĩa khá mung lung trong các từ điển thông dụng (bạn đọc thử hỏi "cụ" Google mà xem !). Nhưng chắc chắn ý của tác giả ở đây phải là lửa.
2. Vậy ở đây "lửa" có thể hiểu là các việc cấp bách mà lãnh đạo đảng cầm quyền phải làm ngay một cách rốt ráo ? Thế còn "vàng" là cái gi ? Đảng cộng sản Việt Nam hay cái Đại hội XIII của họ là "vàng" ? Nếu những thứ ấy là "vàng" thì " lửa" không phải chỉ là những việc phải làm ngay đã được ông Nguyễn Trung chỉ ra không phải một lần, mà đã rất nhiều lần ! Những thứ ấy phải được thử bằng một cuộc trưng cầu dân ý (hay là bỏ phiếu tín nhiệm toàn dân) được thực hiện một cách nghiêm chỉnh theo Hiến pháp hiện hành với các câu hỏi dễ hiểu, dễ trả lời. Chẳng hạn :
a) Trên thực tế, Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay đặt quyền lợi sống còn của Dân tộc lên trên hết, hay coi việc trung thành với Ý thức hệ tư tưởng tương đồng với Đảng cộng sản Trung Quốc là quan trọng hơn ?
b) Đảng cộng sản Việt Nam đang hoạt động theo Luật hiện hành nào ? (Các đảng cầm quyền ở các nước văn minh đều phải hoạt động theo Luật về các đảng phái chính trị. Còn ở ta : chưa có Luật Biểu tình nên dân không được biểu tình, chưa có Luật về Hội nên dân chưa được tự do thành lập Hôi ; thế mà đảng cầm quyền vẫn "hồn nhiên" hoạt động không theo Luật nào cả ? Chi lạ vậy ?).
Thế còn Đại hội XIII sắp tới thì không cần "thử" ta cũng đã biết rồi. Nếu không có gì đột biến thì sẽ vẫn như xưa (trừ Đại hội VI). Trong quá trình chuẩn bị Đại hội này các cấp đã được chỉ đạo nghiêm ngặt : "Không thay đổi Cương lĩnh" và "Cương lĩnh [của đảng cầm quyền] quan trọng hơn Hiến pháp [của quốc gia]. Tức là bàn gì thì bàn chứ không được đụng đến hai cái lỗi hệ thống quan trọng nhất là Cương lĩnh và Hiến pháp, nhưng thường được nhắc đến một cách "ít nhậy cảm" như là "thể chế chính trị" hay "cơ chế hiện hành"…Thế thì còn hy vọng gì ở cái sự "vượt qua được chính mình" ?
Còn muốn có đột biến để mở ra công cuộc Đổi mới lần II, như nguyện ước từ lâu của nhiều người, thì ít nhất phải xuất hiện ba điều kiện :
1) Một phong trào tương tự như "Phá rào" từ các địa phương (Võ Văn Kiệt ở Sài Gòn, Chín Cần ở Long An, Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc…) ;
2) Một Tổng bí thư biết lắng nghe và quyết đoán (như Trường Chinh) ;
3) Một nhóm "quân sư" tài ba và dũng cảm (như Hà Nghiệp [đã mất], Trần Nhâm [đã mất] , Phan Diễn…)
Những nhân sự tài năng và quyết đoán như thế trong cả hệ thống chính trị hiện nay chưa thấy bóng dáng đâu, nhưng chẳng lẽ họ lại bị "tuyệt chủng"cả rồi sao ? Nghe có vẻ như vô lý !
Chu Hảo
Nguồn : viet-studies, 09/09/2019
*********************
Trung Quốc là kẻ thù hay là bạn của ta ?
Nguyễn Trung, 08/09/2019
Câu hỏi ngàn xưa này hiện đang nóng lên.
Song trong bối cảnh đối kháng thế kỷ Mỹ - Trung hiện nay, những sự kiện trên Biển Đông từ đầu tháng bẩy 2019 khiến cho mỗi chúng ta có cảm giác như đang nắm cục lửa trong tay !
Trung Quốc là kẻ thù hay là bạn của ta ?
Có hàng trăm lý do để nói ngay : Trung Quốc là thù !
Nhiều lắm, lịch sử chẳng quên bất cứ cái gì, không thể kể hết được !
…Ví dụ, việc đánh ta trong chiến tranh 17/02/1979 với bao nhiêu tội ác tày trời, ta có thể coi đấy là quốc hận.
Việc đánh chiếm các đảo và vùng biển của ta phải gọi là xâm lược.
Sách của học sinh trước đây vẫn nói …nước ta một dải từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mâu [1], nhưng bây giờ làm gì còn mục Nam Quan, làm gì còn thác Bản Dốc (phần chính) !…
Có đủ các lý lẽ để coi hội nghị Thành Đô là quốc sỉ về mặt ngoại giao (không phải vô lý cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã coi sự kiện này là mở đầu thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai).
Đường sắt trên cao ở Hà Nội phải được coi là tượng đài của sự ươn hèn đối với thủ đô của chúng ta !
Nào là bô-xít Tây Nguyên và hàng trăm công trình kinh tế tầm quốc gia (thuộc công nghiệp trung ương) rởm về chất lượng, đang làm điêu đứng kinh tế và gây ô nhiễm môi trường nước ta…
Nào là sự thâm nhập của hàng lậu chẳng những xói mòn nền kinh tế mà còn đem vào nước ta bao nhiêu độc hại chết người và bệnh tật mới.
Nào là sự can thiệp của quyền lực mềm Trung Quốc mà tướng Trương Giang Long đã thẳng thắn cảnh báo nhân dân cả nước, sự lệ thuộc trầm kha trên phương diện kinh tế, những lệ thuộc chính trị khác do những yếu kém của thể chế chính trị nước ta !... Có thể nói chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam độc lập thống nhất đã lũng đoạn và góp phần quan trọng vào làm thui chột hẳn một giai đoạn phát triển của nước ta trong thế giới hôm nay. Tuy nhiên cũng phải nói rõ, nguyên nhân của thực trạng này của đất nước trước hết và chủ yếu là do hệ quả chế độ toàn trị của nước ta, không thể một chiều đổ hết mọi lỗi cho phía Trung Quốc.
Và hiện nay, những hành động xâm lược vùng biển nước ta tại khu vực bãi Tư Chính đang làm cho quan hệ Việt – Trung trở nên vô cùng căng thẳng.
Vân vân và vân vân…
- Trung quốc có những điểm gì để Việt Nam coi là bạn ?
- Cũng nhiều đấy, nhiều điểm quan trọng là khác, song nhìn tổng thể danh mục bạn ngắn hơn danh mục thù. Có thể nói nhân dân ta không bao giờ quên những giúp đỡ to lớn của Trung Quốc trong 2 cuộc kháng chiến lớn của nước ta, những thành quả nước ta được thụ hưởng trong những hợp tác song phương thành công giữa hai nước…
- Họ giúp ta vì ta đánh Mỹ cho họ, đâu có vô tư !
- Có chuyện ấy, nhưng vì là vấn đề khác, nên dẹp sang một bên lúc nào đó tính sau. Ta nên sòng phẳng, coi giúp là giúp, không vô ơn.
- Nhưng với khát vọng phục hưng đế chế Trung Hoa, muốn chia đôi thế giới để sẽ giành quyền lãnh đạo thế giới, rồi còn bao nhiêu hành động can thiệp khác.., vậy làm sao có thể coi Trung Quốc là bạn được ? Thâm chí Việt Nam có xin làm bạn cũng không được ! Có phải thế không ?
- Đúng như vậy, song nói thế vẫn chưa đủ…
Chẳng ai thay đổi được bản chất của đế chế Trung Hoa. Trung Quốc hôm nay là vấn đề của cả thế giới chứ không phải chỉ riêng Việt Nam.
Nhìn toàn bộ, trong thực hiện giấc mộng Trung Hoa, những mưu chước và hành động trên những lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao, quân sự… mà Trung Quốc đang vận dụng đối với cả thế giới – trong đó có Việt Nam –
Xin đặc biệt lưu ý : Tất cả những mưu chước và hành động này có xuất xứ và bề dày kinh nghiệm từ thời Chiến Quốc (500 năm trước công nguyên), và tuy được vận dụng trong thời hiện đại, nhưng về cơ bản vẫn nằm trong khung khổ của tư duy và chiến lược thời Chiến Quốc, cho dù quy mô thâm độc, tàn ác và tàn phá có thể lớn hơn, hiện đại hơn (ví dụ như chiến lược vành đai - con đường là chùm lên cả thế giới), song vẫn không vượt qua được bản chất "zero sum game" và "mục tiêu biện minh cho biện pháp" trong tư duy và chiến lược thời Chiến Quốc. Nên hiểu rõ điều này để thấy được bản chất của vấn đề Trung Quốc hôm nay. Tuy vậy, Mỹ và phương Tây đến hôm nay vẫn còn không ít mơ hồ về thực tế Trung Quốc này ! Dẫn chứng sờ sờ là họ để cho Trung Quốc trỗi dậy như hiện tại rồi mới thức tỉnh, và hiện vẫn còn không ít những điểm mơ hồ tiếp !
- Vậy Trung Quốc chỉ có thể là thù, không bao giờ có thể là bạn của Việt Nam được ! Mấy chục năm nay những lời tốt đẹp của họ đối với nước ta đều là dối trá !
- Việt Nam vĩnh viễn là láng giềng của Trung Quốc. Nghĩ như vậy có nghĩa Việt Nam muốn coi Trung Quốc là kẻ thù vĩnh viễn hay sao ?
- Nhưng Việt Nam bé teo thế này làm sao thay đổi được bản chất Trung Quốc !? Đương nhiên cả, thế giới và chính bản thân Trung Quốc đều biết tỏng : Việt Nam không bao giờ và càng không dại gì lại tự mình đi gây thù địch với Trung Quốc ! Có hòa bình để sống là nước độc lập, tự chủ, bình đẳng bên cạnh Trung Quốc thì còn gì bằng !..
- Đúng thế. Nhưng coi Trung Quốc là thù, hay là bạn, đều không thể thay đổi được Việt Nam vĩnh viễn là láng giềng của Trung Quốc…
Sự thật là từ hàng nghìn năm nay Việt Nam vẫn là láng giềng của Trung Quốc. Từ hàng nghìn năm cho đến hôm nay sự thật cho thấy, Trung Quốc không thể chiếm đóng vĩnh viễn, không thể độ hộ, và không thể đồng hóa được Việt Nam.., chỉ vì Trung Quốc đã làm mọi cách nhưng không thể mà thôi, chứ không phải do Trung Quốc không muốn ! Cũng từ hàng nghìn năm cho đến hôm nay, sự thật cho thấy Việt Nam có những khoảng thời gian nhất định có hòa bình để sống bên cạnh Trung Quốc, mà nguyên nhân cũng chỉ là Việt Nam có những thứ mà khiến Trung Quốc không thể đối xử khác đối với Việt Nam, chứ không phải do lòng tốt nào ; và họ tự bào chữa theo kiểu đại Hán : Thôi, ta tha cho làm phúc !...
Đại thể bức tranh toàn cảnh quan hệ Việt – Trung hiện nay là như vậy.
*
Biển Đông hiện nay càng nóng hơn bao giờ hết, nhất là Trung Quốc đang có những bước đi nhằm vào Việt Nam để tăng cường thế mạnh áp đảo tại chỗ trong đối kháng thế kỷ với Mỹ.
Đơn thuần trả lời câu hỏi Trung Quốc là thù, hay là bạn ? không phải là giải pháp cho Việt Nam. Thậm chí về lâu dài còn phải tìm cách làm cho Trung Quốc dù họ muốn hay không cũng phải chấp nhận Việt Nam là nước láng giềng có độc lập chủ quyền, phải chấp nhận có hòa bình và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam. Nói mong muốn hữu nghị với Trung Quốc là phải hiểu hữu nghị theo nội dung này, với nghĩa là nước ta phải có bản lĩnh và sức mạnh để giành lấy và gìn giữ đời này qua đời khác. Hữu nghị như thế là tiết kiệm xương máu cho cả hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời phục vụ sự phát triển thịnh vượng của hai nước. Mong muốn đòi thoát Trung là hiểu được và chính đáng, nhưng chưa đủ, và ít nhiều vẫn là tâm lý cảm tính, chạy trốn. Trong khi đó sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc đòi hỏi mỗi chúng ta hôm nay phải đứng vững vàng ngay tại chỗ trên mảnh đất địa đầu của tổ quốc mình, chứ không chạy đi đâu hoặc theo ai, và phải thoát bằng được mọi yếu kém của chính chúng ta ! Mặt khác, mọi kích động sự thù hận giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ làm hại đất nước ta, càng làm cho phía ta dễ mắc mưu Trung Quốc mà thôi.
Đặt vấn đề như vậy, giải pháp cho vấn đề Trung Quốc của Việt Nam trong thế giới hôm nay nằm trong toàn bộ những bài học rút ra từ thực tiễn lịch sử quan hệ Việt - Trung kể từ ngày lập quốc cho đến hôm nay. Không một chủ nghĩa hay ý thức hệ, hay tình đồng chí nào có thể thay thế những bài học này.
Trong kiến nghị (tháng 5/2019) về Đại hội XIII sắp tới của Đảng cộng sản Việt Nam [2], tôi đã trình bầy với lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam : Thất bại của Đảng cộng sản Việt Nam trong xây dựng và xúc tiến quan hệ Việt – Trung là thất bại ngoại giao lớn nhất của đất nước độc lập thống nhất. Nguyên nhân chủ yếu là phía ta đã bỏ qua toàn bộ những bài học xương máu vô cùng quan trọng trong thực tiễn quan hệ Việt – Trung kể từ ngày lập quốc đến nay – nghĩa là không đứng trên lập trường dân tộc và dân chủ vì đất nước, mà lại đi lấy ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng cho thiết lập và xúc tiến mối quan hệ ngoại giao quan trọng bậc nhất này của quốc gia ! Thậm chí còn mơ hồ đến mức coi "sự phát triển của nước này là cơ hội của nước kia" [3]. Cả nước và dân tộc ta cho đến hôm nay đã phải trả giá đắt ! Rất đắt !
Rất đau lòng, trên đây cũng là bản quyết toán đầy tổn thất mọi mặt của mối quan hệ Việt – Trung 4 thập kỷ độc lập thống nhất của nước ta, dựa trên quan điểm "giữ đại cục", để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc theo lập trường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội và kiên định với chủ nghĩa Mác – Lênin. Cũng không phải là quá lời, nếu nói "vì giữ đại cục" nên đất nước ta mới bị kìm hãm và có quá nhiều chuyện khốn khó như hôm nay. Để làm rõ kết luận này, xin thử hình dung, sau 30 năm công nghiệp hóa với nguồn lực và cơ hội rất lớn (lớn hơn của Hàn Quốc 30 năm đầu tiên công nghiệp hóa rất nhiều !), nếu Việt Nam hôm nay có một nền kinh tế và một thể chế chính trị như của Hàn Quốc, mối quan hệ Việt - Trung và tình hình trên Biển Đông hôm nay sẽ ra sao ?!
Trong Kiến nghị tháng 5/2019 tôi đề nghị phải thay đổi hoàn toàn mối quan hệ Việt – Trung, để giành lấy mối quan hệ hữu nghị đúng đắn như đã trình bày trên, lấy phát huy sức mạnh của dân tộc và dân chủ giải phóng mọi tiềm lực của đất nước và tranh thủ được sự hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ để thực hiện [4] ; trong khi đó ngoại giao đu dây, ngoại giao "3 không" chỉ tự trói tay mình. Có dân với tính cách là một dân tộc tự do, có sự hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ như thế, nước ta mới chấm dứt được thân phận con tốt, mới có thể chủ động tạo ra con đường và cùng đi được với Trung Quốc cho hòa bình, hợp tác và phát triển. Mặt khác có dân như vậy và cùng đi với cả thế giới như vậy, nước ta mới có thể làm tất cả mọi việc phải làm mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay đòi hỏi. Và một khi đất nước bị xâm lược, sức mạnh tự vệ của đất nước chúng ta sẽ là bất khả kháng.
Sẽ không có mấy ý nghĩa và mối nguy Trung Quốc đối với nước ta chắc chắn sẽ vẫn là nguyên vẹn, nếu như chúng ta chỉ đắm mình vào câu hỏi "Trung Quốc là thù hay là bạn ?" Hơn bao giờ hết trong thế giới sang trang quyết liệt hôm nay, Việt Nam phải bằng mọi nỗ lực cao nhất sớm tạo ra cho mình khả năng chủ động như vừa trình bầy bên trên – gọi đấy là khả năng chủ động tạo ra cho Trung Quốc cái không thể trong đối xử với nước ta cũng là cùng một nghĩa !
Chưa nói đến, để tập hợp được sự hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của mình, ngoại giao Việt Nam còn phải phát triển và phát huy quyền lực mềm của mình – đó là lấy các giá trị của dân tộc, dân chủ, quyền con người và bảo vệ môi trường để phát triển toàn diện chính quốc gia mình theo tinh thần : Xây dựng một nhà nước mạnh của một dân tộc tự do ; đồng thời nhờ đó có tiếng nói chính danh và có thực lực dấn thân cho những giá trị này trên thế giới, để góp phần mình cho tiến bộ kinh tế - xã hội cũng như sự phát triển của cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Nghĩa là Việt Nam vừa phải dấn thân hết mình cho lợi ích sống còn của chính quốc gia mình, vừa phải hợp tác trung thực, hết lòng và tin cậy, quyết giữ chữ tín làm đầu với tất cả các đối tác của mình cũng như với mọi hợp tác đã cam kết ! Chỉ có mình vì mọi người, mọi người mới vì mình như thế, chúng ta mới thành công, hơn nữa chúng ta lại có chính nghĩa ! Kiến nghị tháng 5-2019 nhấn mạnh : Đây chính là thế mạnh tự nhiên rất lớn của Việt Nam trong thế giới quyết liệt hôm nay, rất cần phát huy, nhất là Việt Nam hôm nay không có một lợi ích chiến lược nào thù nghịch với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Việt Nam có quan hệ kinh tế - chính trị tốt với tất cả 5 Châu lục, hầu hết các nước trên thế giới đều ủng hộ Việt Nam – chỉ có Trung Quốc là ngoại lệ !
*
Hiển nhiên sự sống còn và yêu cầu phát triển của đất nước ta trong thế giới quyết liệt hôm nay đòi hỏi phải có một thể chế chính trị quốc gia và những bộ não lãnh đạo đủ sức thiết kế và thực hiện thành công một đường lối đối ngoại như thế ! Đòi hỏi này đồng thời có nghĩa, muốn thay đổi mối quan hệ đối ngoại Việt Nam – Trung Quốc hiện nay, chúng ta nhất thiết phải thay đổi toàn diện và triệt để con đường phát triển hiện tại của đất nước theo các yếu tố dân tộc và dân chủ - đơn giản vì ngoại giao phải dựa trên sức mạnh của kinh tế và nội trị theo quy luật muôn đời : Có thực mới vực được đạo ! Toàn bộ những việc phải làm được nói tới tại đây chính là hòn đá thử vàng đối với ý chí phấn đấu, lòng yêu nước và bản lĩnh của mỗi người Việt Nam chúng ta.
Toàn bộ những việc phải làm này trước hết là hòn đá thử vàng đối với Đại hội XIII sắp tới của Đảng cộng sản Việt Nam hôm nay./.
Hà Nội – Võng Thị, 08/09/2019
Nguyễn Trung
Nguồn : viet-studies, 08/09/2019
[1]Mọi người Việt Nam đều nghĩ và nói như vậy, ngày 06/09/2019 VTV1 cho thấy tại cuộc họp bàn về chuẩn bị văn kiện Đại hội XIII Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nói như vậy.
[2]cf. http://www.viet- studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_KienNghiDaiHoiXIII.pdf.
[3]Tuyên bố chung cấp cao Việt nam – Trung Quốc, Hà Nội 13/11/2017 https://vnexpress.net/the-gioi/toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-3669742.html
[4]Xem toàn văn phần nói về xây dựng lại mối quan hệ Việt – Trung trong Kiến nghị : chương II.4., từ trang 26 đến trang 29. Tìm trên : http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_KienNghiDaiHoiXIII.pdf
Trong lúc tâm trạng tôi còn luẩn quẩn chưa ra khỏi Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam [1], qua VTV1 tôi được biết tại Hội nghị Trung ương 8 Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng công bố thành lập các tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời gian trôi đi mới khoảng trên 2 năm thôi, nhưng thế giới biến chuyển nhanh quá.
Tổng Bí thư yêu cầu quyết tâm khắc phục chậm trễ về tiến độ, những hạn chế về chất lượng của một số báo cáo tổng kết thực tiễn
Đại hội XII bế mạc (01/2016) giữa lúc tranh cử ở Mỹ đang diễn ra sôi động, tôi mới chỉ kịp đánh giá là "Thế giới đã sang trang – và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam…" (06/12/2016) [2] – trong đó nhận định: "…Với tính cách là cường quốc số 1 đang giữ vai trò dẫn dắt sự vận động và phát triển của thế giới, hiện tượng Trump tự nó mang sẵn trong mình (built in) những tác động toàn cầu ảnh hưởng đến sự vận động của thế giới và các mối quan hệ quốc tế hiện tại". Sau đó ít lâu – ngày 20/01/2017, Trump nhậm chức tổng thống Mỹ thứ 45.
Nhưng hôm nay, vào lúc họp Hội nghị trung ương 8, với những sự kiện nổi bật như chiến tranh tại Syria (đã kéo dài 7 năm), sự kiện Nga chiếm Crimea (2014), hàng loạt các cuộc chiến tranh nhỏ khác do các nguyên nhân phi truyền thống ở Châu Phi và một số nơi khác..., và bây giờ là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, cuộc tập trận Vostock 2018 lớn nhất với 300.000 quân mọi binh chủng kể từ chiến tranh thế giới II của Nga có mời Trung Quốc tham gia (30.000 quân)…, tất cả đã cho thấy : Chiến tranh lạnh II của thế giới đang "nóng" lên ! Thế giới bị đẩy vào cục diện tranh giành hỗn loạn mới, để sẽ đi tới một trật tự hay khung khổ quốc tế khác…
Trước những diễn biến chóng mặt, xin nêu lên những suy nghĩ sau đây để cùng nhau mổ xẻ.
1. Hồi đó, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trứng nước ra đời ngày 02/09/1945, thân cô thế cô, muốn đi với Mỹ để có một điểm tựa đầu tiên trong cái thế giới cực kỳ nguy hiểm hồi ấy, nước Mỹ phớt lờ. Chỉ 3 tuần lễ sau, ngày 23/09/1945, tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp đã nổ tại Nam Bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chèo chống mãi mới kí được tạm ước Fontainebleau (06/07/1946) để tìm cho Việt Nam một chỗ đứng trong Liên hiệp Pháp, qua đó muốn kết thúc nhanh quá trình đẩy Tầu Tưởng về nước, đồng thời mong trì hoãn được cuộc xâm lăng mới của thực dân Pháp để có thời gian chuẩn bị kháng chiến. Nhưng 5 tháng sau, ngày 19/12/1946 tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp đã nổ ra trên toàn nước ta !... Đất nước chúng ta bất khả kháng bị đẩy vào con đường lận đận trong chiến tranh lạnh của thế giới thời sau năm 1945, trong tôi cho đến hôm nay vẫn còn nguyên vẹn những điều đau lòng [3].
2. Với vị trí địa lý tự nhiên, vị trí địa kinh tế và vị trí địa chính trị của nước ta như vậy tại khu vực này, trời đất oái oăm cứ tự tay tạc thù nên cái vị trí quốc gia địa đầu cho Việt Nam. Chúng ta chẳng có cách gì bê được nước mình ra khỏi cái vị trí định mệnh này để đặt vào một nơi nào khác trên trái đất !
Sự giống nhau giữa cái thời sau năm 1945 hôm xưa và cái thời năm 2018 hôm nay là ở chỗ : Rơi vào vị trí quốc gia địa đầu của khu vực Đông Nam Á – cùng với áp lực thường trực do sự tiếp giáp với Trung Quốc, nước ta trước kia và hôm nay tự nó và khách quan luôn luôn là một trọng điểm, một cái rốn bão của sự tranh giành đối kháng giữa 2 thế lực lớn nhất thế giới.
Thời sau năm 1945 nước ta trở thành trận địa tiền tiêu, cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của nước ta vì thế trên thực tế mau chóng trở thành cuộc chiến tranh nóng cục bộ giữa phe đế quốc và phe xã hội chủ nghĩa [4]. Đấy là cuộc chiến tranh ác liệt nhất của Mỹ sau chiến tranh thế giới II.
Thời 2018 hôm nay, Việt Nam lại rơi vào trận tuyến giữa hai lực lượng đối kháng lớn nhất, quyết liệt nhất trên thế giới. Thực tế này sẽ chi phối quyết định sự vận động của thế giới hôm nay – thậm chí có thể nhiều thập kỉ tới : Đó là đấu tranh giữa một bên là siêu cường Mỹ quyết bảo vệ vai trò dẫn đầu thế giới, và một bên là đế chế Trung Hoa trên đường phục hưng - quyết giành lấy vai trò làm vua thế giới. Trọng điểm nóng bỏng nhất của trận tuyến này là Biển Đông.
3. Như vậy, chúng ta đang chứng kiến : Bảy thập kỉ sau chiến tranh thế giới II, nền kinh tế toàn cầu hóa của thế giới kết thúc một chu trình phát triển lớn, những mâu thuẫn mới tích tụ trong quá trình này đang từng bước vô hiệu hóa những khung khổ, hoặc đe dọa phá vỡ những thể chế quy định sự vận động của những mối quan hệ hiện nay trên thế giới.
Hôm nay đã xuất hiện trên thế giới những vấn đề và những xung đột nóng bỏng như đã từng dẫn đến chiến tranh thế giới II, nhưng ở mức độ phức tạp và với tính chất quyết liệt cao hơn rất nhiều, đồng thời xuất hiện hàng loạt vấn đề toàn cầu hoặc khu vực, truyền thống hoặc phi truyền thống… Cuộc chiến tranh lạnh II đặt nhân loại trước mối đe dọa nóng bỏng của chiến tranh thế giới thứ III.
Sự vận động khách quan của thế giới hôm nay là như vậy. Đất nước chúng ta hôm nay hiển nhiên phải đối mặt với một cục diện quốc tế khác đang hình thành, rất quyết liệt. Điều này có nghĩa cuộc sống đòi hỏi phải vứt bỏ mọi sự mù quáng ý thức hệ và những tư duy giáo điều về các chủ nghĩa, để nhận chân được sự vận động của cái thế giới thực mà chúng ta đang sống! Đòi hỏi này vừa làm tôi nhớ lại quá khứ còn nóng bỏng những đau thương mất mát của đất nước, vừa dấy lên trong tôi nỗi lo sâu thẳm :
Liệu có thể xảy ra hay không, một lần nữa đất nước chúng ta hôm nay sẽ lại bất khả kháng bị đẩy vào một trật tự quốc tế mới – như trước đây khoảng 7 thập kỉ, cuộc chiến tranh lạnh lần thứ nhất một mất một còn giữa phe đế quốc và phe xã hội chủ nghĩa đã từng bất khả kháng đẩy nước ta vào cái "cối xay thịt người" của cái trật tự quốc tế "2 phe 4 mâu thuẫn" thời chiến tranh lạnh I ngay sau khi chiến tranh thế giới II kết thúc ?
4. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang lây lan sang lĩnh vực tiền tệ, công nghệ, và các lĩnh vực chính trị, làm xáo động cả thế giới, với mọi tác động và triển vọng nguy hiểm nhất có thể - bao gồm cả nguy cơ chiến tranh nóng mọi loại hình.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là khúc dạo đầu của một đối kháng toàn diện hôm nay giữa hai thế lực lớn nhất thế giới, có thể có hoặc không có súng đạn, trực tiếp hoặc gián tiếp, lúc quyết liệt, lúc đấu dịu, với Trump hoặc sau Trump...., với Tập hay sau Tập… Nhưng sự đối kháng này sẽ là xu thế vận động chủ đạo trên thế giới – cho đến khi hai bên ngã ngũ tạm thời hay dài hạn trong những dạng thỏa hiệp mới nào đó. Thực tế này chi phối quyết định toàn bộ sự vận động của thế giới hôm nay, cho đến khi một bộ mặt khác của thế giới định hình.
Xin miễn cho trong bài này những phê phán ai đúng, ai sai...., ai phi nghĩa, ai chính nghĩa, v.v… trong trò chơi tranh giành quyền lực này. Đơn giản vì đến nay chưa có ai trên thế giới ủy nhiệm cho chúng ta sắm vai tòa án lương tâm hay trọng tài quốc tế để làm việc phán xét này. Nhưng quan trọng hơn nhiều là chúng ta nên cùng nhau nhìn cho rõ những gì đang diễn ra trên thế giới hiện nay để lo liệu mọi bề cho đất nước của chính mình.
5. Từ kinh nghiệm thực tiễn của thời chiến tranh lạnh I suy ra, khả năng ba siêu cường Mỹ, Trung, Nga trực tiếp đụng độ và hủy diệt nhau hầu như khó hoặc sẽ không xảy ra – đơn giản vì xác xuất hủy diệt lẫn nhau hôm nay lớn quá – lớn gấp bội so với thời chiến tranh lạnh I ; trong khi đó trên thế giới vẫn khá dồi dào :
1) những trận địa khác là một nước hoặc các nước bên thứ ba,
2) những vấn đề khu vực hoặc toàn cầu khác nhau,
3) những khả năng khác nhau cho tập hợp lực lượng..., để cho 3 siêu cường này tỉ thí với nhau dưới mọi dạng và ở mọi nơi, mọi lúc – từ các "proxy wars" (các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, các cuộc chiến tranh qua tay người khác…), đến đấu tranh kinh tế, đấu tranh chính trị, các hình thức tranh chấp tổng hợp khác, để giải quyết các vấn đề giữa họ với nhau - tay đôi từng cặp, hoặc tay ba, hoặc trong các liên minh khác nhau. Nghĩa là chúng ta đang có một thế giới rất phức tạp, hỗn loạn, và rất khó lường. Chưa nói đến thời cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra nhiều "môn võ" mới – kể cả trong những lĩnh vực kinh tế, công nghệ, chính trị, văn hóa...
Từ thực tiễn quốc tế 73 năm qua, có thể dự đoán trước: Trò chơi tranh giành quyền lực tay đôi từng cặp hoặc tay ba hỗn hợp giữa bộ ba Mỹ – Nga – Trung đến lúc nào đó rồi sẽ ngã ngũ trong những dạng thỏa hiệp nào đó – ngắn hạn hay dài hạn, thua thiệt hoặc nhiều hoặc ít cho một bên nào đó, qua đó vị thế của mỗi bên trong bộ 3 này sẽ thay đổi tương ứng ; bao hàm cả những tình huống kẻ thắng trở thành người bại, hoặc thắng / bại đan xen và luôn luôn đổi chỗ cho nhau – cục diện hay toàn cục, lúc chiến lúc hòa, lúc đối đầu xen lẫn đối thoại... Song hầu như chắc chắn, trong một khoảng thời gian nhất định, sẽ không có một bên nào trong bộ ba này bị loại khỏi bản đồ thế giới để trở thành một hoặc những quốc gia mới.
Bởi vì thứ nhất đế chế Nga xưa hôm nay đã tái sinh từ sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 cho phép dự đoán như vậy ; sự sụp đổ của Liên Xô chẳng khác gì việc đế chế Nga xưa vứt bỏ cái áo khoác ngoài cộng sản, để trở lại nguyên hình là nó. Thứ hai, thực tiễn hôm nay cho thấy đế chế Trung Hoa với cái vỏ bên ngoài là Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vẫn đang tồn tại. Thứ ba, Mỹ tuy không tạo ra được Pax Americana và tuy trên đà suy yếu do khoảng cách vượt trội và tầm ảnh hưởng ngày một hẹp đi trong cái thế giới ngày càng "lớn lên", song vẫn đang giữ vai trò dẫn đầu thế giới, có thể tiếp tục như thế trong vài thập kỉ tới…
Nêu lên dự báo trên, chủ yếu để lưu ý các nước bên thứ ba : Trong chiến tranh lạnh II hôm nay dang diễn ra một trò chơi quyền lực mới, rất quyết liệt, vô cùng phức tạp và dài hạn giữa bộ 3 này. Về nhiều mặt thế giới hôm nay còn phức tạp hơn tình hình quốc tế đã từng dẫn tới thế chiến II ; – cũng có nghĩa là các nước bên thứ ba cũng sẽ bị cuốn hút quyết liệt hơn, phức tạp hơn và dài hạn vào trò chơi quyền lực mới này của các "ông lớn" !
Thực tế này trước hết đòi hỏi các nước bên thứ ba nhất thiết phải tạo ra cho mình khả năng có cái nhìn toàn diện và đúng tầm trong lựa chọn chiến lược và đối sách, để có thể thích nghi, tồn tại và phát triển. Việt Nam đã từng bị cuốn hút vào trò chơi quyền lực này của chiến tranh lạnh I suốt từ sau 1945 cho đến khi chiến tranh lạnh I kết thúc, với nhiều hệ quả kéo dài và bị động cho đến tận hôm nay (2018) – đấy là bằng chứng nóng bỏng đối với nước ta.
Trên thế giới suốt thời kỳ chiến tranh lạnh I này có hàng chục nạn nhân là các nước bên thứ ba như vậy – trong đó Việt Nam và một số nước khác cho đến hôm nay (2018) trên phương diện nhất định vẫn đang tiếp tục là nạn nhân !
6. Phía Mỹ đã tuyên bố rõ ràng không chịu để Trung Quốc tước bỏ vị thế quốc tế hiện nay của mình, coi Trung Quốc là kẻ thù nguy hiểm nhất phải tập trung sức lực đối phó, quyết không để Trung Quốc lấn tới! Phía Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đánh bại hàng Mỹ và công nghệ Mỹ (vào năm 2025 với sản phẩm "made in China" và vào năm 2031 với sản phẩm "created in China"), với đội quân lớn nhất thế giới, với chiến lược kinh tế - chính trị "vành đai – con đường"… để loại bỏ vị thế của Mỹ hiện nay, và quyết hoàn thành mục tiêu vào năm 2049 sẽ trở thành người dẫn dắt cả thế giới đi theo con đường Trung Quốc ! Những tuyên bố rõ ràng của mỗi bên như vậy, kèm theo những bước đi thực tế đầu tiên mỗi bên đã và đang tiến hành, có thể nói một dạng "tuyên chiến với nhau" trên thực tế (de facto) đã xảy ra.
Những nguyên nhân và nội dung dẫn tới việc "tuyên chiến" de facto nêu trên chứa đựng những vấn đề mang tính xét lại, để tổ chức lại cơ cấu kinh tế và cơ cấu chính trị, cũng như để thay đổi sự vận động của các mối quan hệ trong thế giới hiện tại – nghĩa là nó bao hàm nhiều vấn đề trọng đại của toàn cầu và liên quan sống còn đến mọi quốc gia, vượt lên trên và ra ngoài nội hàm quan hệ song phương Mỹ – Trung :
- Phía Mỹ thời Trump cho rằng không còn lý do để Mỹ phải nai lưng cõng mọi tốn phí và gánh nặng làm vai trò "cảnh sát thế giới" cho thiên hạ, chỉ để duy trì cấu trúc và sự vận động các mối quan hệ kinh tế - chính trị hiện nay trên thế giới đã trở nên lỗi thời (Trump nói thẳng cái trật tự thế giới hiện hành là "the corrupt world" ! – cái trật tự thế giới đã tha hóa). Quốc sách này chỉ đem lại mối nguy số 1 ngày càng lớn cho chính nước Mỹ và cho cả thế giới còn lại, đấy là vấn đề Trung Quốc. Vì vậy Mỹ quyết vứt bỏ chiến lược "World Police" để chuyển sang chiến lược "America first", vừa để bảo vệ lợi ích của Mỹ, vừa để tiếp tục vai trò dẫn dắt thế giới, tạo ra một trật tự quốc tế mới theo tinh thần các quốc gia phải có nghĩa vụ công bằng hơn trong trách nhiệm chung đối với thế giới.
- Phía Trung Quốc thời Tập cho rằng trong xu thế đi xuống hiện nay của Mỹ, trong khủng hoảng kinh tế - chính trị mang tính cơ cấu của hầu hết các nước phát triển, trong tình hình Trung Quốc đã lũng đoạn được đáng kể mọi thế chế kinh tế và chính trị toàn cầu, quyền lực mềm Trung Quốc đã chui sâu ở cả 5 châu với mọi tác động thâm nhập chưa từng có, và trong sự bế tắc hiện nay của nhiều nước đang phát triển..., tất cả những yếu tố này đã làm xuất hiện thời cơ có một không hai cho Trung Quốc phải nắm lấy : Để thực hiện "giấc mộng Trung Hoa", phục hưng đế chế Trung Quốc làm chủ thiên hạ, xây dựng một trật tự thế giới theo hình ảnh của Trung Quốc [5].
- Trước chính quyền Mỹ, giới quốc phòng và nghiên cứu Mỹ chính thức nhận định : Trung Quốc trên thực tế (de facto) từ nhiều năm nay đã chiếm và quân sự hóa xong Biển Đông, những hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng gia tăng về tần suất, cường độ và tính nguy hiểm, trực tiếp uy hiếp các nước chung quanh và khu vực, đẩy lùi tại đây vị thế và ảnh hưởng của Mỹ...., thực tế này chỉ có thể giải quyết được bằng chiến tranh.
ạo luật ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2018 (NDAA, 716 tỉ USD) lần đầu tiên bao gồm cả việc xử lý những vấn đề liên quan đến việc Trung Quốc chiếm đóng trái phép Biển Đông – vì thế nó được Trung Quốc xem là lời "tuyên chiến" của phía Mỹ. Đáp lại ngay tức khắc, Tập Cận Bình tuyên bố : Trung Quốc quyết bảo vệ từng tấc đất tổ tiên để lại – mặc dù theo lịch sử Trung Quốc và theo UNCLOS 1982, cũng như theo phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng tài quốc tế, tất cả đều xác định rõ ràng Trung Quốc không có lãnh thổ và lãnh hải là Biển Đông.
Hành xử của Trung Quốc đang đặt ra những thách thức rất nghiêm trọng cho toàn khu vực cũng như đối với chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và quốc phòng của nước ta. Trong diễn văn ngày 25/09/2018 tại kì họp thứ 73 Đại hội đồng Liên hiệp quốc Trump lên án gay gắt toàn diện các chính sách của Trung Quốc.
7. Như vậy rõ ràng trong khung cảnh hỗn loạn của trật tự đa cực hiện nay, đang dần dần xuất hiện trên thế giới một quá trình đụng độ trực tiếp giữa hai thế lực lớn nhất thế giới, có thể dẫn tới nhiều thay đổi triệt để và toàn diện, mang tính chất hình thành một cục diện thế giới mới. Tính đa cực của cục diện thế giới hôm nay chỉ làm cho tranh chấp Mỹ – Trung (dù là dưới dạng đụng độ trực tiếp, hay dưới dạng những hình thức tranh giành gián tiếp) trở nên phức tạp thêm đối với toàn thế giới mà thôi. Trước sau tranh chấp Mỹ – Trung vẫn chi phối quyết định sự vận động của thế giới đa cực của thế kỉ 21 này.
Trong quá trình vận động này có quá nhiều vấn đề nghiêm trọng chưa thể dự đoán được :
Kịch bản 1 : Nếu Trung Quốc Tập Cận Bình quyết thách thức Mỹ đến cùng, sẽ có thể dẫn tới một tập hợp Mỹ – Nga – phương Tây chống Trung Quốc ? Trump từ khi chưa lên nắm quyền đã nỗ lực theo đuổi kế sách này, nhưng chưa thành.
Kịch bản 2 : Mỹ – phương Tây thất bại trong hòa hoãn với Nga, đang dẫn tới liên minh nhất thời Trung – Nga chống Mỹ…
Kịch bản 3 : Mọi xung đột trong chiến tranh lạnh 2 hiện nay dẫn đến những căng thẳng không kiểm soát được, hình thành những tập hợp lực lượng hoặc liên minh mới nhất thời chống lẫn nhau khắp nơi ; nổ ra một hay những chiến tranh nóng ở quy mô cục bộ, hoặc thậm chí ở quy mô khu vực… ; nguy cơ chiến tranh thế giới III tiềm tàng hơn bao giờ hết – tuy nhiên, như đã nói trên, điều này vẫn khó xảy ra - vì thế giới hôm nay vẫn dồi dào các trận địa là nước hoặc các nước bên thứ ba, hoặc những vấn đề khu vực cũng như toàn cầu khác để bộ 3 này tỉ thí với nhau, vân vân…).
Chưa bao giờ thế giới cùng một lúc hay nối tiếp nhau liên tục có quá nhiều vấn đề bất định đan xen nhau như bây giờ, trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, khủng hoảng nhân loại, thiên tai…
8. Trong khi đó vì có những lợi ích khác nhau và phải đối mặt với những thách thức / đòi hỏi phát triển khác nhau, đang nảy sinh nhiều mâu thuẫn mới trong nội bộ các nước phương Tây. Ngoài vấn đề Brexit (Anh) đang đẻ số những mâu thuẫn mới, nội bộ các nước EU đang có bất đồng lớn chung quanh vấn đề người nhập cư từ Châu Phi…
Đồng thời bàn cờ thế giới có khá nhiều sự kiện "ngược dòng" : Pháp và Đức không tán thành chính sách "đơn phương" của Trump trong đối xử với Nga, Trung Quốc và Iran...., vì thế vẫn để ngỏ một số vấn đề đối với thị trường những quốc gia này… Nhật và Ấn Độ một mặt khẳng định gắn bó và ủng hộ chiến lược Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương của Trump, song vẫn có những bước đi riêng – ví dụ Ấn Độ vẫn tính đến việc mua tên lửa S400 của Nga và mua dầu của Iran trái với cấm vận của Mỹ, chính quyền Abe vẫn có những tiếp xúc riêng với Trung Quốc liên quan đến vấn đề vũ khí A của Bắc Triều Tiên…
Những hiện tượng "ngược dòng" này cho thấy bên cạnh dựa vào những mối quan hệ chiến lược và đối tác chiến lược (Mỹ), những quốc gia này vẫn phải chăm lo xử lí những vấn đề riêng của nước mình, do vị trí, vị thế và lợi ích riêng của từng nước đòi hỏi. Trong khi đó Mỹ và NATO đang thực hiện những đối phó chung chống lại Nga – Iran tại mặt trận Ilib ở Syrie, từng nước thành viên NATO và Nhật có những hoạt động tương tự như của Mỹ và phối hợp với Mỹ trên Biển Đông để đáp trả Trung Quốc…
Vân vân…
9. Điểm lại những diễn biến cho đến nay :
Phía Trung Quốc :
1) Chiến lược "vành đai – con đường" dự trù đến năm 2020 sẽ triển khai được ở 70 nước với tổng vốn khoảng 1 nghìn tỷ USD, được công bố năm 2013 và được ráo riết triển khai bắt đầu từ 2014, song đến 2018 mới thực hiện được khoảng trên một chục nước và đang bị ngày càng nhiều nước tham gia phản đối. Lý do : Họ sập bẫy nợ Trung Quốc và không chịu nổi sự thao túng của Trung Quốc… Các dự án Trung Quốc đã thực hiện nhìn chung kém hiệu quả, đồng thời không thể huy động đủ vốn (dự trù là 1 nghìn tỷ USD, song làm đúng như dự kiến của chiến lược sẽ có thể vống lên tới 8 nghìn tỷ USD)… Toàn bộ chiến lược "vành đai – con đường" có quá nhiều lỗ hổng với nguy cơ trở thành ảo tưởng [6].
2) Trung Quốc gặp nhiều bất ngờ trong chiến tranh thương mại quyết liệt của Mỹ, tỷ giá đồng nhân dân tệ sụt 8%, thị trường chứng khoán suy giảm và sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
3) hầu hết các nước phát triển và một số nước đang phát triển không tán thành cách làm ăn trục lợi và việc lợi dụng những quan hệ kinh tế để bành trướng quyền lực mềm của Trung Quốc.
4) Trung Quốc vấp phải sự phản đối ngày càng mạnh của Mỹ và phương Tây chống lại việc quân sự hóa Biển Đông.
5) Nội bộ Trung Quốc ngày càng có nhiều bất đồng ý kiến với tập trung quyền lực tuyệt đối và với chiến lược đầy tham vọng của Tập Cận Bình.
6) "Vấn đề Trung Quốc" ngày càng trở thành mối lo của nhiều nước phương Tây và các nước đang phát triển. Thực tế này cho thấy trong khoảng thời gian nhất định, với tiềm lực hiện nay Trung Quốc có thể còn gia tăng được ở mức độ nào đó sự thao túng của mình trong một số khu vực và trên một số vấn đề nhất định (ví dụ: hợp tác với Nga trong vấn đề Syria, vấn đề vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên…).
Nhưng do tiềm lực "R&D" (Research and Development) của bản thân còn thua xa Mỹ, và do văn hóa bá quyền Đại Hán, nên có thể dự báo : Trung Quốc không thể khuất phục được thế giới chấp nhận sự dẫn dắt của mình (hiện nay đã thất bại trong lôi kéo EU chống Mỹ) – không loại trừ khả năng "giấc mộng Trung Hoa" lúc nào đó sẽ vỡ mộng.
Phía Nga :
Ngoài ưu thế về tài nguyên và công nghiệp quân sự, tiềm năng và quy mô kinh tế xếp thứ 13 trên thế giới – sau Hàn Quốc, kinh tế Nga dễ bị tổn thương vì chủ yếu chỉ dựa vào xuất khẩu dầu và vũ khí.
Nga gặp nhiều khó khăn trong quan hệ nội bộ "Cộng đồng các quốc gia độc lập" (SNG) gồm 10 nước trong Liên Xô cũ (trong đó có sự lũng đoạn ngày càng sâu của Trung Quốc vào những nước này trong Cộng đồng).
Nga đang có nguy cơ sa lầy ở Syria, hợp tác Nga – Trung chỉ là một liên minh nhất thời và bất đắc dĩ, trong khi đó uy hiếp của Trung Quốc đối vùng Viễn Đông của Nga ngày càng gia tăng.
Do hạn chế về tiềm lực kinh tế, nên những nỗ lực của Nga tạo lập cho mình những liên minh ở Trung Đông cũng như ở những nơi khác rất hạn chế. Vốn liếng hay phương tiện duy nhất Nga có được để mặc cả với các đối tác và đối thủ của mình (trước hết là với Mỹ) là kho vũ khí hạt nhân hiện đại và bán dầu. Đến nay Nga vẫn là đối thủ yếu nhất trong bộ 3 Mỹ – Trung – Nga, ảnh hưởng đối với thế giới rất hạn chế.
Nga và Trung Quốc gặp nhau trong những nỗ lực tập hợp lực lượng theo kiểu "ngưu tầm ngưu – mã tầm mã" như Syria của Bashar al-Assad, Iran, Thổ-nhĩ-kì..., các chế độ toàn trị trên thế giới, và các xu thế tương tự ở mọi khu vực, với hi vọng hình thành một phe trục chống Mỹ và phương Tây – nghĩa là đi ngược lại xu thế phát triển hiện nay của thế giới. Song văn hóa Nga có nhiều giá trị liên quan với phương Tây, đến lúc nào đó tình hình có thể xoay chuyển Nga quay về đi với phương Tây.
Phía Mỹ :
Với "America first !" thời Trump, quan hệ Mỹ – Trung và Mỹ – Nga nói riêng, cũng như quan hệ Mỹ với cả thế giới còn lại đi vào bước ngoặt mới, mang tính xét lại trật tự quốc tế hiện hành.
Điểm nổi bật tạo ra bước ngoặt này là : Sau những thập kỉ ảo tưởng và sai lầm, Mỹ đã nhìn thấy Trung Quốc là vấn đề của cả thế giới, nhận ra Trung Quốc là đối thủ nguy hiểm nhất trực tiếp thách thức Mỹ.
Thực tế này suy cho cùng là hệ quả tất yếu của một quá trình vận động của những mâu thuẫn lớn trong trật tự quốc tế thời chiến tranh lạnh I :
- Tranh chấp Xô – Mỹ giữ vai trò chủ đạo, bắt đầu từ sau chiến tranh thế giới II, và trật tự này kết thúc vào lúc Liên Xô sụp đổ năm 1991 (các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ trước đó, vào năm 1989).
- Sau giai đoạn chuyển tiếp, hôm nay sự vận động nêu trên đã chuyển hướng, đang manh nha tạo ra một quá trình vận động khác: Thế giới đi vào thời kì mâu thuẫn Mỹ – Trung giữ vai trò chủ đạo trên thế giới. Đây là thời kì vận động của những mâu thuẫn mới thuộc hai xu thế phát triển ngược nhau giữa hai thế lực kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Như đã nói, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chỉ là khúc dạo đầu. Sự chuyển hướng này được đánh dấu và gắn liền với 2 nhân vật lịch sử là Donald Trump và Tập Cận Bình. Đây chính là sự vận động khách quan của thế giới đương đại, do sự phát triển kinh tế thế giới và các mối quan hệ quốc tế đã sang trang mới [7].
Thích hay ghét Trump là một chuyện, song về cơ bản Trump đã thực hiện được từng bước những gì đã hứa hẹn trong tranh cử theo tinh thần America first ! Những gì Trump đã làm được trong gần 2 năm đương chức đầu tiên mang lại kết quả làm nước Mỹ mạnh thêm lên. Hiệp định thương mại USMCA thay thế NAFTA giữa Mỹ, Mexico và Canada, cũng như Hiệp định thương mại Mỹ – Hàn Quốc vừa được kí là một thắng lợi lớn của Trump. Trong những hiệp định này có những quy định chặt chẽ liên quan đến siết Trung Quốc, bác bỏ ách toàn trị của chủ nghĩa xã hội và những vi phạm nhân quyền ở mọi quốc gia theo tinh thần Trump đã nêu ra trong diễn văn khai mạc phiên họp thứ 73 vừa qua của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc [8].
Đồng thời Trump cũng kí được hiệp định thương mại với EU, "hạ nhiệt" trong căng thẳng thương mại với Nhật, tích cực thúc đẩy giải pháp vấn đề vũ khí A của Bắc Triều Tiên, cùng với đồng minh tăng cường xuất hiện về quân sự trên Biển Đông nhằm răn đe sự bành trướng tại đây của Trung Quốc…
Có thể nói, toàn bộ những bước đi nêu trên đã và đang giúp Mỹ tập trung mũi chọn chĩa vào Trung Quốc. Sự thật cho đến nay là: Trung Quốc bị bất ngờ - do ảo tưởng quá lớn so với thực lực và do đánh giá thấp chính quyền Trump, sớm rơi vào thế đối phó bị động, đang có những lúng túng đầu tiên. Chính quyền Trump dấn bước tiếp, đang vận động sửa đổi hoặc thay đổi các định chế của WTO (với lập luận có quá nhiều qui định đã trở nên lỗi thời) và của Liên hiệp quốc (với lập luận Mỹ đóng góp 25% ngân sách Liên Hiệp Quốc – nghĩa là gấp 5 lần so với Trung Quốc, và cũng gấp nhiều lần so với Nga, song cả 2 đều có quyền veto như Mỹ là bất công và không dân chủ...).
Vân vân…
10. Sự khác biệt quan trọng nhất đối với nước ta giữa hai thời này là ở chỗ :
- Thời 1945 khi trước, Việt Nam phải dựa vào phe xã hội chủ nghĩa và sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cả thế giới tiến bộ để tiến hành thắng lợi kháng chiến chống xâm lược, giành lại độc lập thống nhất đất nước.
- Thời 2018 hôm nay Việt Nam độc lập thống nhất đã được 43 năm, không phải là một nước nhỏ, tuy còn nhiều yếu kém song là một quốc gia độc lập có chủ quyền, đã tích tụ được cho mình một tiềm lực đáng kể, đã giành được một vị thế quan trọng trong khu vực, hiện đang giao lưu và có nhiều mối liên kết với cả thế giới.
Khách quan rơi vào vị trí quốc gia địa đầu nóng bỏng như vậy trong tranh chấp Mỹ - Trung hôm nay – nhất là tại trận địa Biển Đông đang tiềm tàng chiến tranh nóng cục bộ lớn, Việt Nam đứng trước 2 phương án :
(i) Hoặc là một lần nữa cam chịu thân phận trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết như đã từng 4 thập kỉ với 4 cuộc chiến tranh đẫm máu phải trải qua, và đến hôm nay chưa hết lận đận của thân phận quốc gia leo dây ?
(ii) Hay là trong cái thời kỳ quyết liệt, vô cùng phức tap và kéo dài này của chiến tranh lạnh II hôm nay, dứt khoát Việt Nam không cam chịu một lần nữa thân phận "ruồi muỗi chết", quyết đứng lên tự khẳng định chính mình, đồng thời cùng với ASEAN và tranh thủ hậu thuẫn từ cả cộng đồng quốc tế, vận động sự hợp tác của các đối tác trong và ngoài khu vực, để cùng nhau tạo dựng nên một ốc đảo Đông Nam Á của "hòa bình – hợp tác – phát triển" giữa cái sa mạc nóng bỏng tranh chấp Mỹ – Trung ? Đây là phương án Việt Nam quyết dấn thân cùng với cả thế giới tiến bộ, để phục vụ mục đích bảo vệ độc lập chủ quyền và sự phát triển của chính mình, cũng như cho thực hiện nghĩa vụ phải có của mình đối với cộng đồng quốc tế.
Xin nói rõ : Đây sẽ không phải là phương án trung lập, không phải là phương án "đi với một bên chống một bên", cũng không phải là phương án "3 không" (không tham gia các liên minh quân sự và không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam, không dựa vào nước nào để chống nước khác) của quốc phòng và ngoại giao Việt Nam hiện nay.
Khỏi phải giải thích : Phương án (ii) còn là phương án duy nhất cho phép nước ta cùng đi với cả thế giới tiến bộ, qua đó tạo ra thực lực và vị thế để đạt tới mục tiêu chiến lược là thực hiện được quan hệ hữu nghị thật, hợp tác thật và cùng phát triển bên cạnh Trung Quốc. Thực tế phát triển 43 năm qua của đất nước ta khẳng định như đinh đóng cột : Một Việt Nam lạc hậu và bị kìm kẹp trong chế độ toàn trị hoàn toàn không có nội lực và ảnh hưởng cần thiết đối với bên ngoài để lựa chọn phương án II này.
Thiết nghĩ chúng ta trong cả nước phải cùng nhau suy nghĩ, cùng nhau tìm câu trả lời! – nhất là trong bối cảnh Trung Quốc trên thực tế đã hoàn thành việc chiếm và quân sự hóa Biển Đông, lũng đoạn nghiêm trọng nội bộ nước ta, chi phối nhiều mặt toàn khu vực Đông Nam Á !
11. Quan trọng hơn thế gấp bội, hôm nay nước ta là một quốc gia độc lập có chủ quyền, không phải là một nước nhỏ, dù còn nhiều yếu kém song không phải là tay không! Với thực lực và tiềm năng hiện có, nếu có sự giác ngộ sâu sắc về chính thân phận mình, nước ta hôm nay hoàn toàn có khả năng tự giác đứng lên giải phóng chính mình để lựa chọn phương án II.
Có nhân cách, có lý trí và ý chí, nhân dân ta phải lựa chọn cho tổ quốc mình con đường như thế! Song điều kiện tiên quyết cho phương án II là phải tiến hành cải cách chính trị đổi đời dân tộc, đổi đời đất nước.
Nhưng ngay từ khi tiến hành đổi mới năm 1986 cho đến hôm nay, cải cách chính trị luôn luôn được xem là điều húy kị không được nói tới, bị coi là trật định hướng xã hội chủ nghĩa, là trực tiếp uy hiếp tước bỏ vai trò độc nhất nắm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự thật là như vậy, sự thật này đối kháng với sự sống còn và tiền đồ phát triển của quốc gia. Và cũng chính sự thật này chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam từ một đảng cách mạng đã làm nên sự nghiệp Cách mạng Tháng Tám, giành lại độc lập thống nhất đất nước, hôm nay đã tha hóa thành đảng của chế độ toàn trị. Nguy hiểm hơn nữa, bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay cũng bị tham nhũng quyền lực trong đảng biến tướng thành công cụ của nhóm quyền lực trong đảng.
Đã nhiều lần tôi đặt câu hỏi : Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay có nên cam chịu số phận của mình cũng chỉ là một thứ công cụ chuyên chính cho quyền lực đang ngự trị trong đảng mà thôi? Người đảng viên có lương tri nào và có ý thức công dân lại không tự hỏi mình như vậy !
Còn như Đảng Cộng sản Việt Nam muốn giành giữ quyền lãnh đạo của mình như đã ghi trong Điều 4 của Hiến Pháp, nhất thiết đảng phải gột bỏ quá trình tha hóa của mình, để thực hiện tròn nhiệm vụ là đảng lãnh đạo! Giành quyền lãnh đạo mà không thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, có nghĩa là tiếm quyền, là vi hiến và phi pháp, và xứng đáng bị loại bỏ ! Chỉ có điều, con đường loại bỏ đảng như thế nhân dân chưa đủ điều kiện thực hiện… Và giả thử một khi nhân dân có đủ điều kiện làm như thế, thì đất nước lại một lần nữa thịt nát xương tan, tay trái chém tay phải ! Và hơn nữa, chưa thể nói trước diễn biến tiếp theo sẽ là gì ! Như vậy có nên không ?
Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay tự mình không đủ sức làm nhiệm vụ lãnh đạo, thì phải thay đổi chính mình và dựa vào nhân dân để vươn lên tạo ra khả năng làm tròn nhiệm vụ này.
Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay nên nói thật, và thật lòng hỏi dân đi, xem dân có đứng về phía đảng trong nỗ lực thật của đảng thông qua cải cách chính trị đổi đời đảng và đất nước hay không ?
Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay thừa phương tiện để làm một cuộc thăm dò thật lòng như thế để tự quyết định. Đảng thừa phương tiện và cách làm để chứng minh với dân đảng chấp nhận cải cách chính trị thật để tự cứu chính mình và cứu nước !
Chẳng lẽ trong Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay không còn trí tuệ để hiểu những việc hàng ngày đang thực hiện, ví dụ như dự luật 3 đặc khu kinh tế, thông tư 19 về sử dụng diền nhân dân tệ ở 7 tỉnh biên giới, sự trấn áp các quyền tự do dân chủ của nhân dân, vân vân... và vân vân… sớm muộn sẽ dẫn tới dân lật thuyền như Nguyễn Trãi đã từng cảnh báo ?
Sự thật đất nước hôm nay chỉ có vấn đề : Đảng Cộng sản Việt Nam tha hóa như hôm nay có tự cải tạo được để trở thành người phục vụ đất nước hay không ?
Đất nước hôm nay không có vấn đề : Nhân dân sẽ không đứng về phía một Đảng Cộng sản Việt Nam tự cải tạo trở thành một đảng mới của dân tộc và dân chủ, phấn đấu đưa đất nước vào một thời kì phát triển mới.
Xin lưu ý cho cả thế giới không ai muốn Việt Nam rơi vào tay Trung Quốc – mà nếu điều này xảy ra nhân dân Việt Nam sẽ là người đầu tiên chống lại. Mỹ cũng không cần Việt Nam là một chư hầu chống Trung Quốc, đơn giản vì Mỹ quá hiểu điều này. Những nước thành viên ASEAN không có biển có thể nhìn vấn đề Biển Đông theo cách riêng của họ trong quan hệ với Trung Quốc ; song một Việt Nam là thành viên quan trọng của hòa bình, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á chắc chắn toàn ASEAN và cả thế giới còn lại sẽ hoan nghênh, sẽ góp sức.
Sự thật Việt Nam hiện nay đang là một điểm đến rất hứa hẹn của trào lưu chung trên thế giới vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát trển. Có một ASEAN như thế và qua đó Trung Quốc tránh né được đụng độ trực tiếp tại đây với Mỹ, sẽ không phải là không có lợi cho Trung Quốc ! Thế giới và khu vực đang cần một sự cân bằng như thế, Việt Nam cần phải chủ động cùng với cộng đồng khu vực và cả thế giới kiến tạo nên một sự cân bằng như thế, không thể ăn sẵn - nghĩa là Việt Nam phải chủ động dấn thân cho mục tiêu chiến lược này !
Nhưng nếu Việt Nam nội trị hiện nay vẫn cứ bê bết như một con nghiện, sẽ chỉ vô cùng thuận lợi cho sự thao túng tiếp của Trung Quốc, Việt Nam sẽ rơi sâu tiếp vào tình trạng ốc không tha nổi mình ốc, làm sao có thể dấn thân ? Và một Việt Nam nội trị bê bết như thế, chính là Việt Nam đang tự tay góp phần gây ra sự mất cân bằng lẽ ra phải tránh bằng được này !
Xin cả nước tỉnh táo đánh giá thực trạng vô cùng nguy hiểm này! Dứt khoát phải thông qua cải cách chính trị đưa đất nước ra khỏi mối nguy hiểm này !
Tôi đã viết ra nhiều lần, nhất là trong khi bàn đến những chuyển biến nội tại động trời ở Myanmar từ năm 2014 cơ bản đã kết thúc được chế độ quân phiệt, hôm nay xin nhắc lại : So với tất cả các nước trên thế giới đang đứng trước đòi hỏi sống còn phải tiến hành cải cách chính trị để đổi đời thân phận của mình để sống và phát triển được trong thế giới hôm nay, Việt Nam là nước số một ! – Với nghĩa Việt Nam có đầy đủ nhất những điều kiện mà những quốc gia này vô cùng mong ước có được để tiến hành cải cách chính trị ! Việt Nam chỉ còn thiếu duy nhất ý chí và tầm nhìn của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam !
Hôm nay tôi xin bổ sung thêm : Nếu Việt Nam hôm nay dấn thân trở thành một trụ cột của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của cộng đồng ASEAN, sẽ mở ra được con đường đưa Việt Nam sớm trở thành một nước phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuy còn nhiều vấn đề về chất lượng của tăng trưởng và nhiều vấn đề trong phát triển bền vững, song có thể nói : Nhờ nỗ lực rất lớn của cả nước – trước hết là của giới doanh nhân, nước ta trong những năm gần đây đã liên tục giành được sự phát triển kinh tế năng động. Đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam hiện nay đang tìm đường đi vào một thời kì phát triển đột phá với nhiều triển vọng đáng mong muốn, thị trường thế giới và khu vực đang xuất hiện những cơ hội để khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam bứt lên trở thành động lực quyết định của một Việt Nam phát triển.
Tình hình nói trên cho thấy : Nếu có một cuộc cải cách chính trị đổi đời đất nước, giải phóng và phát huy được nội lực, chúng ta sẽ sớm kết thúc được giai đoạn sự phát triển của đất nước do FDI dẫn dắt, chấm dứt tình trạng Việt Nam chỉ là nước nhân dân đi làm thuê và đất nước trở thành nước cho thuê, để chuyển sang giai đoạn sự phát triển của đất nước do nội lực năng động của đất nước ta là động lực chính và dẫn dắt. Làm được như thế, trên tổ quốc của mình, nhân dân ta sẽ có những điều kiện tốt nhất để thực hiện quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, như đã ghi trong Tuyên Ngôn Độc Lập. Khái niệm người dân là chủ của đất nước mang nội dung và ý nghĩa như vậy!
Lãnh đạo có nghĩa là phải giúp dân thực hiện được ước vọng nói trên, và bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay phải thay đổi tận gốc chính mình, để vươn lên thực hiện sứ mệnh này.
Nói Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay phải thay đổi tận gốc có nghĩa :
- Tại chỗ đứng hôm nay, trên thực tế Đảng Cộng sản Việt Nam đã biến chất tới mức chỉ còn lại là lực lượng chính trị lớn nhất và duy nhất độc quyền cai trị đất nước.
- Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay phải tự thay đổi thành một đảng mới của dân tộc và dân chủ, để có khả năng và bản lĩnh dẫn dắt cả nước khai phá thành công con đường phát triển, đưa đất nước ta trở thành một trụ cột vững chắc của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trong ASEAN.
- Chỉ có một đảng mới như thế, mới có thể thực hiện được đoàn kết hòa giải dân tộc, giải phóng nội lực Việt Nam để thành đạt mục tiêu chiến lược này.
Trong thế giới đương đại quyết liệt hôm nay, tồn tại có nghĩa là phải dấn thân tiến lên phía trước !
*
Năm 1990, nghĩa là cách đây gần 3 thập kỉ, Đảng Cộng sản Việt Nam [9] đã bẻ ghi con tầu đất nước đi vào con đường Thành Đô. Đây là cả một giai đoạn phát triển lận đận, đầy thua thiệt đau lòng, và sự lũng đoạn của quyền lực mềm Trung Quốc hôm nay là toàn diện và trở nên cực kỳ nguy hiểm. Nắm quyền tuyệt đối cai trị đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay có trách nhiệm tuyệt đối trước đất nước phải khắc phục sai lầm nghiêm trọng này bằng cách thông qua cải cách chính trị mở ra cho đất nước con đường phát triển mới.
Khác vời thời trứng nước sau năm 1945, hôm nay thông tin về sự vận động của thế giới đã sang trang đi vào một giai đoạn khác là đầy đủ, những cảnh báo và kiến nghị của những người Việt Nam yêu nước và có lí trí đối với Đảng Cộng sản Việt Nam là rất rõ ràng, đất nước và lòng dân khao khát phải mở ra một thời kì phát triển mới, tiềm lực quốc gia tích lũy được vừa cho phép vừa đòi hỏi đất nước phải sớm trở thành quốc gia giầu mạnh và văn minh để sống được trong thế giới này.
Thế giới đã sang trang đang manh nha một trật tự quốc tế khác, chiến tranh lạnh II đang "nóng lên" với những thách thức quyết liệt. Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay và toàn thể tầng lớp trí thức đương thời của đất nước có trách nhiệm lịch sử không được phép để cho đất nước ta một lần nữa lại rơi vào con đường lận đận của thân phận trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết như trong cục diện thế giới 2 phe 4 mâu thuẫn của những thập kỉ thời chiến tranh lạnh I vừa qua.
Đây sẽ là thách thức chưa từng có đặt ra cho Đảng Cộng sản Việt Nam tại đại hội XIII.
Hay là đại hội XIII sẽ chỉ là một phiên bản mới của đại hội XII ?
Hà Nội - Võng Thị, 07/10/2018
Nguyễn Trung
Nguồn : vietstudies, 07/10/2018
[1] Tìm xem : Nguyễn Trung "Đại hội XII – một thất bại chung của Việt Nam" – cho rằng Đại hội XII chỉ quan tâm đến việc ai ở ai đi, bỏ qua đòi hỏi cấp thiết và sống còn của quốc gia là thông qua cải cách chính trị để có được một Việt Nam vững mạnh trụ vững được trong một thế giới đầy thách thức mới hôm nay -
http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_DaiHoiThatBai.htm
[2] Nguyễn Trung, "Thế giới đã sang trang – Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam" -
htmhttp://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_TheGioiDaSangTrang.htm
[3] Có không ít ý kiến cho rằng tại Việt Nam đi theo con đường của chủ nghĩa cộng sản, nên đất nước mới phải gánh chịu nông nỗi này; nếu đi theo con đường dân tộc và dân chủ, mọi chuyện sẽ khác…
ong theo tôi, trước hết phải nói lịch sử không làm lại được : Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành, do đó việc phải dựa vào phe xã hội chủ nghĩa để tiến hành kháng chiến chống xâm lược là lẽ tất yếu. Việc đơn thuần chỉ dựa vào chữ "nếu" để phán xét sự việc sẽ là thoát li bối cảnh lịch sử, tuy nhiên bài học từ lịch sử phải được rút ra. Vấn đề dân tộc và dân chủ vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự đối với đất nước ta hôm nay, vượt ra ngoài khuôn khổ của bài viết này, rất mong được bàn luận thấu đáo khi có dịp.
[4] Trong tiểu thuyết Dòng đời, xuất bản 2006, trong một số bài viết khác những năm qua, và gần đây nhất là trong "Kể chuyện tôi làm chính trị" (hồi kí), tôi đã nhiều lần trình bầy với bạn đọc :
Cuộc kháng chiến của nước ta chống Mỹ xâm lược còn chứa trong lòng nó 6 cuộc chiến tranh khác :
1) cuộc chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc chống chủ nghĩa xã hội trên đất Việt Nam,
2) cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Liên Xô trên đất Việt Nam,
3) cuộc chiến tranh chống Mỹ của Trung Quốc với quan điểm chiến lược "tọa sơn quan hổ đấu… và quyết chống Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng !" – với mục tiêu chiến lược để cho Xô – Mỹ thỏa sức đánh nhau trên đất Việt Nam và đẩy Mỹ ra xa khỏi biên giới Trung Quốc,
4) cuộc chiến tranh Xô - Trung trên đất Việt Nam để tranh giành ảnh hưởng trên thế giới và trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế,
5) cuộc chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc chống phong trào độc lập dân tộc – trong đó Việt Nam là một trận địa quan trọng nhất,
6) và vô cùng đau đớn là trong lòng cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược còn có một cuộc nội chiến Bắc - Nam đẫm máu.
Toàn bộ những cuộc chiến tranh này phản ánh đầy đủ nhất vóc dáng, nội dung phức tạp và tính chất khốc liệt của cái trật tự thế giới 2 phe 4 mâu thuẫn cũng như toàn bộ gánh nặng của cái trật tự quốc tế khốn nạn này dồn lên vai tổ quốc và nhân dân ta suốt 3 thập kỉ liên tiếp vừa qua (1945 – 1975) ! Xin khắc cốt ghi xương giai đoạn lịch sử đầy máu và nước mắt này của đất nước để suy nghĩ cho hôm nay !
Nhưng..., trong khi chúng ta đến hôm nay vẫn chưa sao bước ra khỏi những hệ lụy nghiêm trọng của quá khứ đau khổ này, thậm chí đến giờ này vẫn đang còn u mê ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, vẫn chưa ý thức được chuẩn xác và toàn diện giai đoạn lịch sử đầy máu và nước mắt này..., thì một trật tự quốc tế mới đang hình thành của thời chiến tranh lạnh II hôm nay, lại đang lăm le nuốt chửng nước ta một lần nữa !
[5] Tìm xem Martin Jacques "When China rules the World", 2nd edition, USA 2012.
[6] Tìm xem nghiên cứu của CSIS, 04/09/2018, "China’s belt and road is full of holes" -
https://www.csis.org/analysis/chinas-belt-and-road-full-holes
[7] Tham khảo : Nguyễn Trung, "Thế giới đã sang trang và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam"
http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_TheGioiDaSangTrang.htm
[8] Tham khảo :
1) Read the the full transcript of Donald Trump's UN speech - https://nationalpost.com/news/world/trump-un-speech ;
2) Donald Trump's explosive UN speech : Read it in full
Trong diễn văn này Trump lên án toàn diện các chính sách của Trung Quốc, Iran, các chế độ toàn trị, bác bỏ chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản ; trong đó có đoạn : "…Virtually everywhere socialism or communism has been tried, it has produced suffering, corruption, and decay. Socialism’s thirst for power leads to expansion, incursion, and oppression. All nations of the world should resist socialism and the misery that it brings to everyone".
[9] Nói chuẩn xác là một số thành viên lãnh đạo đảng bẻ ghi, toàn đảng cam chịu và chấp nhận.
Cựu Đại sứ Nguyễn Trung nói với BBC rằng thông điệp chính của cuốn hồi ký mới công bố là "thế giới đã sang trật tự mới, Việt Nam có cơ hội mới cần nắm lấy".
Ông Nguyễn Trung, cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan và Cộng hòa liên bang Đức, từng là trợ lý cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Ông Nguyễn Trung, cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan và Cộng hòa liên bang Đức, từng là trợ lý cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, vừa cho công bố cuốn hồi ký Tôi Làm 'Chính Trị' trên trang Viet-studies.
Hồi cuối năm 2015, ông Nguyễn Trung và một số người khác ký tên trong thư gửi Bộ Chính trị yêu cầu "đổi tên đảng, tên nước, từ bỏ chủ thuyết Mác - Lênin và thay đổi triệt để vì tương lai dân tộc".
Đến tháng 10/2017, trước Hội nghị Trung ương 6, ông Nguyễn Trung cho phổ biến kiến nghị kêu gọi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "thực hiện cải cách chính trị để thành lập một thể chế mới đa đảng".
Trang bìa cuốn "Tôi làm "chính trị"
Trong cuốn hồi ký, ông Nguyễn Trung tự nhận mình là "kẻ thất bại toàn diện", là người "hữu trí vô mưu", và đưa nhiều bình luận về các nhà lãnh đạo qua các thời kỳ.
Về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Nguyễn Trung viết trong hồi ký : "Xin nói thật, không phải cái chức thủ tướng hay là ủy viên Bộ Chính trị, mà là cái chất giàu tình người của Võ Văn Kiệt khiến tôi yêu mến con người này".
"Về tất cả những ai có mối liên quan nào đó với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nói về họ - tôi dám tóm tắt trong một câu : Họ thích anh Sáu, họ yêu anh Sáu !".
333333333333333
Cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trong ảnh chụp tại Hà Nội hồi tháng 5/1984
Về cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, ông viết : "Trong đổi mới năm 1986, thành công nhất của Bộ Ngoại giao là những đóng góp do nhạc trưởng Nguyễn Cơ Thạch trực tiếp chỉ huy vào những vấn đề : Vai trò của thị trường trong kinh tế, vấn đề giá cả (xóa bao cấp), những tư duy sai lầm về giá trị thặng dư và vấn đề bóc lột, vấn đề tiền tệ nói chung, mối quan hệ tiền - hàng trong kinh tế vỹ mô, vấn đề lạm phát, vấn đề tỷ giá hối đoái, cách đánh giá một nền kinh tế, vai trò kinh tế đối ngoại…".
Về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Trung nhận xét : "Nếu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vì nước dám lựa chọn con đường Diên Hồng, chắc chắn lực lượng các đảng viên yêu nước trong đảng cùng với sự hậu thuẫn của toàn dân, sẽ quyết liệt chung tay với Tổng bí thư khai phá thành công con đường chuyển đổi Đcộng sản Việt Nam hôm nay thành đảng của dân tộc. Cả nước sẽ bảo vệ tổng bí thư thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử này !"
'Tôi ghét chính trị'
Trả lời BBC hôm 29/8, ông Nguyễn Trung nói : "Tôi viết đến đâu thì công bố đến đấy. Bản sách đăng trên trang Viet-studies là bản thứ hai trong lúc tôi đang viết, chỉnh sửa, viết thêm chi tiết cho bản thứ tư rồi sau khi xong hết thì mới tính in ở đâu".
"Sở dĩ tôi muốn công bố cuốn hồi ký dịp này là nhân 10 năm ngày giỗ ông Võ Văn Kiệt [qua đời năm 2008], người mà tôi có kỷ niệm riêng, nên xem cuốn này như một món quà tưởng nhớ người bạn vong niên, đồng thời chia sẻ với những người quan tâm đến hiện tình đất nước".
"Về tựa đề Tôi làm "chính trị" nghĩa là tôi chẳng bao giờ muốn làm việc này cả, nhưng rồi tôi phải làm vì cuộc sống đặt tôi vào".
"Ban đầu tôi muốn làm nghề gì khác, chứ không phải ngành ngoại giao".
'Thật sự là tôi ghét chính trị nhưng mà cuộc sống tự nhiên buộc mình vào công việc liên quan đến chính trị".
"Thông điệp chính của cuốn hồi ký là thế giới đã sang trật tự mới, Việt Nam có cơ hội mới cần nắm lấy".
Ông Nguyễn Trung có trên 40 năm làm việc trong ngành ngoại giao của Việt Nam và có 52 năm tuổi đảng
"Tôi muốn nói rõ rằng trách nhiệm của đảng cộng sản Việt Nam bây giờ là phải đoàn kết cả dân tộc, đưa đất nước đi lên chặng đường mới trong bối cảnh thế giới đã thay đổi rất nhiều".
"Ông Trọng gánh vác trách nhiệm phải làm điều đó".
"Về nội dung của sách liên quan đến ngành ngoại giao Việt Nam, những gì cần nói thì tôi nói, không bao giờ né tránh. Còn những gì tôi không nói thì có nghĩa là tôi không muốn nói".
"Khi đưa ra các ý kiến góp ý cho đảng cộng sản Việt Nam, tôi thấy đến bây giờ thì người ta nghe. Vậy thôi !"
Trong cuộc phỏng vấn với BBC, ông Nguyễn Trung nói thêm : "Tôi thấy mình chỉ là một người bình thường, chưa làm được điều gì lớn lao, chưa có đóng góp gì đáng kể cho đất nước mình".
"Trong quãng thời gian còn làm đại sứ, tôi có mong muốn lớn nhất là góp phần đưa Việt Nam không thua nước nào cả".
"Để đạt mục tiêu đó thì con đường trước mắt còn vô cùng dài".
"Tôi muốn làm một sử gia mà đến năm nay đã 84 tuổi vẫn chưa làm được, vì "lực bất tòng tâm".
Trong một bài trên BBC trước đây, ông Nguyễn Quang Duy viết : "Vì suốt đời phục vụ Đảng cộng sản nên cách nhìn của ông Trung về đa đảng chính trị còn rất nhiều giới hạn cần được góp ý. Theo ông Nguyễn Trung thì đảng cộng sản Việt Nam đã sai lầm trong nhận thức giữa hai nhiệm vụ chính trị là cách mạng và phát triển đất nước. "
"Ông Nguyễn Trung quên hẳn vai trò của Quốc hội Lập Hiến, khi ông giao cho đảng cộng sản soạn một hiến pháp mới cho Việt Nam".
"Ông Trung là người hết sức lý tưởng, vẫn tin vào đảng cộng sản và lạc quan đến phi thực tế".
Nguồn : BBC, 29/08/2018
Cùng nhau mở con đường cải cách, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới
Một kiến nghị tâm huyết
Mục lục
I. Đòi hỏi sinh tử : Cải cách đổi đời đất nước
II. Cải cách phải là sự nghiệp của toàn dân
III. Cái đích phải tới
***
Phụ lục I
Về con đường cải cách đi qua Đảng cộng sản Việt Nam đã chuyển đổi trở thành đảng của dân tộc (Nguyễn Trung)
Phụ lục II
Về chủ nghĩa Marx – Lenin (Nguyễn Trung)
Phụ lục III
Về Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam (Nguyễn Trung)
Phụ lục IV
Về sự hình thành và phát triển xã hội dân sự ở Việt Nam (Phạm Khiêm Ích)
*********************
Nội dung
Cải cách thường phải do một lực lượng chính trị có ảnh hưởng và quyền lực chi phối quốc gia tiến hành – ví dụ như đảng nắm quyền, chính phủ, một lực lượng chính trị mạnh áp đảo… Nhưng tôi vẫn đặt vấn đề cả nước cùng tham gia cải cách vì các lý do sau đây :
I. Cải cách đã trở thành đòi hỏi sinh tử của đất nước.
II. Vì là cải cách đổi đời đất nước, nên phải là sự nghiệp của toàn dân.
III. Cái đích cải cách phải tới là hình thành một thể chế chính trị - nhà nước dân chủ dựa trên kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự.
Xin trình bầy lần lượt như sau.
*****************
I. Đòi hỏi sinh tử : Cải cách đổi đời đất nước
Cục diện thế giới hiện nay đặt nước ta vào tính thế nguy hiểm chưa từng có kể từ khi giành được độc lập thống nhất 30/04/1975 :
- Tranh chấp Mỹ - Nga – Trung rất phức tạp nói riêng và những vấn đề kinh tế, chính trị và an ninh nóng bỏng ở phạm vi toàn cầu trong cục diện thế giới đa cực hiện nay nói chung đặt ra cùng một lúc nhiều vấn đề lớn chưa có lời giải. Chiến tranh lạnh II ngày càng quyết liệt trên các mặt trận kinh tế, chính trị, quân sự. Đang tiềm tàng cùng một lúc các nguy cơ xung đột lớn ở Châu Á, Châu Âu và Trung Đông có thể dẫn tới chiến tranh thế giới III.
Giới chiến lược Mỹ cho rằng cả Trung Quốc và Nga vì lợi ích riêng đều muốn khai thác sự lúng túng của Mỹ trong vấn đề tên lửa và vũ khí A của Bắc Triều Tiên. Vì thế cho đến nay hai nước này vẫn không đi đến cùng với Mỹ (trên thực tế gần như bỏ mặc cho Mỹ) trong việc gây sức ép phải có đối với Bắc Triều Tiên. Sự nghi ngờ của Mỹ đi xa tới mức cho rằng : Bắc Triều Tiên được sự giúp đỡ nào đấy về kỹ thuật, vật chất... ; có người nói tiềm tàng những vụ đổi chác lớn – ví dụ đổi vấn đề tên lửa và vũ khí A của Bắc Triều Tiên lấy "cái lưỡi bò" ở Biển Đông… (chẳng lẽ lịch sử có thể lập lại chuyện "Kissinger – Chu Ân Lai 1972" ?).
Trong cuộc đấu tay ba Mỹ - Nga - Trung mỗi bên đều có cái mạnh và cái yếu riêng với sự tập hợp lực lượng và phe cánh riêng rất phức tạp, có nhiều mặt trận đối kháng chính/phụ, nóng/lạnh khác nhau, cục diện thay đổi từng giờ.
Cái mạnh nổi bật của Trung Quốc là sự phát triển năng động của kinh tế thế giới cần thị trường rộng lớn của Trung Quốc, sự nổi trội sức mạnh tại chỗ so với các nước láng giềng, có tiềm lực thực hiện chiến lược thâm nhập, câu giờ và phân hóa đối phương, chuẩn bị sẵn mọi trận địa khác nhau tại nhiều châu lục và lấn từng bước, kết hợp với các thủ đoạn : gặm dần (thái xúc-xích salami), lấy thịt đè người, phản ứng nhanh, mục tiêu biện minh cho biện pháp (vô luật và vô đạo đức)… Chỗ yếu lớn nhất của Trung Quốc là tình hình nội trị Trung Quốc có nhiều vấn đề lớn (đồng thời rất nguy hiểm cho bên ngoài), kinh tế đang trong thời kỳ phải chuyển đổi mô hình phát triển do kinh tế thế giới đã thay đổi. Hiện nay Trung Quốc đang trở nên nguy hiểm nhất đối với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á - trong đó dặc biệt là Việt Nam, đã thao túng được đáng kể ASEAN.
Thời Tập Cận Bình, đặc biệt là trong những năm gần đây và hiện tại, Trung Quốc đã có những bước leo thang cao nhất đến nay, quyết thực hiện "đường lưỡi bò" tại Biển Đông, hoàn tất việc xây các căn cứ quân sự trên các đảo đã chiếm, tiến hành nhiều hoạt động gây căng thẳng phía Bắc là Biển Hoa Đông, kết hợp chặt chẽ với những bước đi kinh tế, chính trị của Trung Quốc ở phạm vi toàn cầu.
Cục diện thế giới hiện tai có nhiều hệ lụy toàn cầu rất sâu sắc, trong đó đã làm xuất hiện một trong những hệ quả rất nhạy cảm và trực tiếp tác động vào nước ta : Vì nhiều lý do toàn cầu và khu vực tại những nơi khác nhau trên thế giới, Biển Đông nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung đang dần dần trở thành một khu vực trống có lợi cho Trung Quốc, hoặc trong tình huống nhất định có thể đột biến trở thành vùng trống – dù chỉ trong khoảnh khắc, và Trung Quốc đã sẵn sàng. Tình hình này còn có nguyên nhân : Vì nhiều lý do trên thực tế ảnh hưởng và sự có mặt của Mỹ tại khu vực này từ thời Obama và nhất là hiện nay không đủ mạnh để kiểm soát có hiệu quả sự bành trướng tại chỗ quyền lực của Trung Quốc, giữa lúc thế giới có nhiều cơ hội "đục nước béo cò" khác với những hệ lụy có thể liên quan đến Biển Đông.
Việt Nam hiện nay đứng trước thách thức quyết liệt chưa từng có kể từ sau chiến tranh 17/02/1979. Điều gì sẽ xảy ra và Trung Quốc có thể đi xa tới đâu, nếu xu thế nói trên ở Biển Đông diễn tiến tiếp tục, hoặc khi xảy ra đột biến lớn tại bất kỳ một điểm nóng nào đó trong cục diện thế giới hiện nay ? Trong khi đó Trung Quốc đã tạo ra được ở Việt Nam ở mức cao nhất đến nay sự phụ thuộc về kinh tế, sự lệ thuộc về chính trị, sự uy hiếp nghiêm trọng về an ninh quốc phòng, và triển khai tiếp sự can thiệp sâu hơn nữa vào nội bộ nước ta.
- Trong cục diện quốc tế và khu vực rất nguy hiểm và nhạy cảm hiện nay, Việt Nam đang bước vào thời kỳ trầm trọng của cuộc khủng hoảng toàn diện bắt đầu từ Đại VII (1991). Nghĩa là Viêt Nam đang ở trong tình thế bị uy hiếp nghiêm trọng nhất trên cả hai phương diện đối nội và đối ngoại. Đặc biêt là : Kinh tế tuy đạt mức thu nhập trung bình thấp, song không bền vững, đang ở thời kỳ khó khăn nhất sau 30 năm đổi mới với nhiều vấn đề cơ bản, ách tắc, nóng chưa có lời giải (vốn, nợ, tham nhũng, kết cấu hạ tầng, quy hoạch phát triển, môi trường, năng lượng, nước, năng lực quản trị quốc gia, giáo dục, biến đổi khí hậu…), nội trị rối ren, an ninh quốc phòng bị uy hiếp quyết liệt nhất trong tình thế phải đối mặt với nguy cơ bị cô lập rất cao.
- Và 30 năm đổi mới cho thấy ý thức hệ, con đường Đảng cộng sản Việt Nam ; từ Đại hội VII đất nước đi vào thời kỳ khủng hoảng toàn diện, từ mấy năm gần đây là thời kỳ trầm trọng nhất chưa từng có kể từ sau 30/04/1975. Đấy cũng là những nguyên nhân gốc gây ra lãng phí, tham nhũng và bất công xã hội vô cùng nặng nề, cướp đi của đất nước nội lực phải có để có thể đương đầu với mọi thách thức sống còn trong cục diện quốc tế ngày càng nóng bỏng hôm nay. Đồng thời đã áp dụng quá nhiều chủ trương chính sách sai lầm, bưng bít sự thật và ngu dân, kèm theo những hành động trấn áp khắc nghiệt, tất cả khiến cho khối đại đoàn kết dân tộc bị phân hóa sâu sắc, trí tuệ và ý chí phấn đấu vươn lên của đất nước bị tê liệt, làm tổn thương nghiêm trọng tinh thần tự trọng dân tộc và thể diện quốc gia, lòng dân phân tán và mất lòng tin vào sự lãnh đạo của đảng.
Từ Hội nghị Thành Đô (1990) đến nay cho thấy đường lối ngoại giao leo dây để giữ "đại cục", nhưng không có nội lực vững mạnh của quốc gia làm nền tảng, lại thêm những yếu kém của đội ngũ lãnh đạo, nên đã thất bại nghiêm trọng. Mỗi ngày ta phải nhân nhượng một tý để giữ "đại cục" như thế, để hôm nay là cả một cái thòng lọng không gỡ ra nổi siết trên cổ đất nước, uy tín quốc tế giảm sút nặng nề, biên cương bờ cõi tổ quốc bị xâm phạm, đất nước lâm vào thế vừa lệ thuộc và phụ thuộc, vừa đơn độc một cách nguy hiểm.
Toàn bộ tình hình nêu trên còn cho thấy đường lối đối nội và đối ngoại của đảng chẳng những đem lại cho đất nước những tổn thất lớn, mà còn đẩy đất nước vào con đường phát triển vừa lạc hậu, vừa lạc lõng trong xu thế phát triển chung của thế giới ngày nay. Xem xét kỹ thực chất, quan sát trên thế giới sẽ thấy Việt Nam hiện nay là nước duy nhất còn lại đang cố tìm cách níu kéo ý thức hệ có cỗi rễ là chủ nghĩa Marx-Lenin và chủ nghĩa cộng sản để duy trì chế độ toàn trị và quyền lực của đảng trong điều hành đất nước – mặc dù lãnh đạo đảng cũng thừa nhận chưa biết cuối thế kỷ này liệu sẽ có chủ nghĩa xã hội hay không ! Nghĩa là trên thực tế về nhiều mặt sâu sắc bên trong, nước ta vẫn đang một mình một đường đi trong thế giới hôm nay.
Sau ba thập kỷ hội nhập quốc tế, nền kinh tế đất nước vẫn gia công là chủ yếu và chưa xác lập được vị trí phải có trong nền kinh tế toàn cầu (ngôn ngữ chuyên môn thường nói về các chuỗi cung / ứng). Chế độ toàn trị nặng về trấn áp các quyền tự do dân chủ, cùng với nền kinh tế yếu kém đày rẫy bất công và tham nhũng đã dựng nên một nền nội trị vừa không có khả năng vừa không cho phép thực hiện đường lối đối ngoại dấn thân. Cho nên trên thực tế nước ta chỉ giành được vai trò quốc tế thấp, không đúng với tầm vóc và vị trí chiến lược của quốc gia, chưa đáp ứng được những đòi hỏi quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc ; đất nước bị thua thiệt nhiều mặt, thậm chí bị xâm phạm, mặc dù trên danh nghĩa đã thiết lập được mối quan hệ đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện trên mọi Châu lục.
Một mình một đường đi như vậy, nước ta càng đuổi theo thiên hạ, nhưng hôm nay càng tụt hậu xa hơn và yếu đi – ngay cả so với tất cả các nước láng giềng, tiếp tục lạc lõng.
Trong khi đó địa kinh tế và địa chính trị của cục diện quốc tế hôm nay khách quan đặt ra đòi hỏi phải có một Việt Nam là một quốc gia độc lập tự chủ, vững mạnh và phát triển, để có thể đóng góp tích cực vào lợi ích của hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực ĐNÁ và trên thế giới. Lợi ích sống còn của Việt Nam cũng đòi hỏi phải tận dụng được yếu tố mới này để tạo cho mình một tập hợp lực lượng rộng khắp hậu thuẫn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đảng hôm nay quên mất bài học việc tạo ra được một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước – kể cả ngay trong lòng nước Mỹ - là một trong những yếu tố quyết định giành thắng lợi.
Có thể kết luận :
Thất bại của 42 năm đầu tiên độc lập thống nhất đất nước phải hứng chịu về nhiều mặt chính là thất bại của việc lấy chủ nghĩa trà đạp trí tuệ và các giá trị của tự do – dân chủ - quyền con người, là do người nắm quyền giành được một số lợi ích phe nhóm nhưng phải hủy hoại nhiều lợi ích quốc gia và lợi ích của dân tộc, là thất bại của xây dựng chủ nghĩa xã hội - với kết quả gặt hái được là để mọc lên trên đất nước ta hôm nay một chế độ toàn trị khắc nghiệt, nhưng đối với bên ngoài độc lập 42 năm mà vẫn chưa độc lập !
Thất bại của 42 năm trước hết là do để cho tha hóa của chế độ một đảng biến đảng thành đảng cai trị hôm nay cướp đi mất tiền thân của nó là một đảng cách mạng đã từ thế hệ này sang thế hệ khác hy sinh chiến đấu vì nước và đã làm nên sự nghiệp giành lại độc lập thống nhất, là thất bại của sự hiểu biết mơ hồ cái thế giới khắc nghiệt chúng ta đang sống, là thất bại của sự giác ngộ kém cỏi – hay là không giác ngộ được – lợi ích quốc gia của ta nằm ở chỗ nào trong cái thế giới quyết liệt này – điển hình là đường lối ngoại giao bắt đầu từ Thành Đô, mới đây lại xảy thêm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Khái quát lại :
Bốn cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại và 42 năm độc lập thống nhất, công sức tiền của đổ ra cho công nghiệp hóa như núi biển, song tất cả chỉ để đạt được nền kinh tế gia công, lãng phí và tham nhũng làm cạn kiệt mọi nguồn lực và tài nguyên quốc gia, đã đạt mức có thu nhập trung bình (thấp) song kinh tế không bền vững, năng suất lao động rất thấp, môi trường tự nhiên bị hủy hoại nặng nề, chế độ toàn trị đầy rẫy bất công và trấn áp, vị thế quốc gia èo uột… Trong khi đó từ sau chiến tranh 17/02/1979 đến nay không một lúc nào Trung Quốc ngừng nghỉ thực hiện dã tâm bành trướng "đường lưỡi bò" ; ngay trong những tuần vừa qua Trung Quốc ép ta phải rút việc khai thác dầu khí khỏi lô 136.03 với lời đe dọa trực diện trắng trợn sẽ chiếm nốt tất cả các đảo còn lại ở Trường Sa, tiến hành tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông ở quy mô lớn nhất, nằm sâu vào vùng biển nước ta 11.000 km2 và cách Đà Nẵng 75 hải lý !
Đau quá ! Nhục quá ! Có lời lẽ nào nói hết được hiểm nguy phía trước đang chờ đợi đất nước !
Toàn bộ sự vận động nói trên của đất nước trong xu thế phát triển hiện nay của chế độ toàn trị với ý thức hệ như vậy phải được chấm dứt, để tìm đường hòa bình cải cách chuyển đất nước đi lên con đường : Giải phóng nội lực và xây dựng cho đất nước vị thế quốc gia mới. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong cục diện quốc tế ngày nay đòi hỏi phải có đủ sức mạnh nội lực để phát triển và đồng thời để tập hợp được sự [1] hợp tác và hậu thuẫn rộng rãi trên thế giới. Một sự nghiệp như vậy đòi hỏi phải có một thế chế chính trị quốc gia mới phù hợp. Cải cách để đổi đời đất nước trở thành đòi hỏi sinh tử, cả nước phải đứng lên thực hiện.
II. Cải cách phải là sự nghiệp của toàn dân
- Đổi mới từ 1986 bắt nguồn từ phong trào "phá rào" của nhân dân, trong tình thế đất nước vô cùng hiểm nghèo. Khi trở thành chủ trương của đảng, đổi mới giành thành tựu ngoạn mục, vì nó giải phóng sức mạnh của toàn dân – nguyên nhân cốt lõi là thực hiện dân chủ và thừa nhận kinh tế thị trường.
Qua đổi mới 1986, bộ mặt đất nước bắt đầu có da có thịt, bè bạn ngạc nhiên và vui mừng, còn mọi kế hoạch thù địch và bao vây cấm vận hiển nhiên đã thất bại. Sức mạnh và nghị lực sáng tạo của nhân dân là như vậy. Trong 30 năm sau đổi mới 1986, có thể nói sức mạnh và tiềm năng của nhân dân - ở đây tôi muốn nhấn mạnh trước hết là vai trò của nông dân nói riêng và của toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân nói chung – luôn luôn là chỗ dựa vững chắc, thậm chí không hiếm lúc gian nan là chiếc phao cứu sinh, hoặc là bệ đỡ cho những bước phát triển mới… của nền kinh tế. Lùi nữa về quá khứ, sức mạnh toàn dân tộc là yếu tố quyết định làm nên thắng lợi vẻ vang của 4 cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại.
Truyền thống và sức mạnh nêu trên vừa là yếu tố quyết định thắng lợi, vừa là đòi hỏi như một điều kiện tiên quyết : Cuộc cải cách vĩ đại đổi đời đất nước cần phải được tiến hành với tính chất là sự nghiệp của toàn dân, do toàn dân, và vì toàn dân. Bởi vì đây là cuộc cải cách sâu rộng làm thay đổi triệt để mọi lĩnh vực của cuộc sống đất nước để trở thành một quốc gia phát triển, trước hết là thay đổi chính từng người dân từ đây thành người chủ của đất nước.
Xin nhấn mạnh như một nguyên lý : Không bao giờ có thể có một nước giầu mạnh của một nhân dân bị nô lệ !
Một đất nước giầu mạnh chỉ có thể được kiến tạo nên bởi một nhân dân tự do và là người chủ của quốc gia mình. Mục tiêu chiến lược này lẽ ra đã phải được thực hiện ngay sau 30/04/1975, bây giờ không thể trì hoãn được nữa. Mục tiêu chiến lược này khi trở thành khát vọng của nhân dân, đất nước hôm nay sẽ có nguồn lực sáng tạo và sức mạnh bất khả kháng để phát triển.
- Trong chế độ toàn trị, cái gì nhà nước không quản được thì cấm, thần dân của nó phải chấp nhận và buộc phải quen sống trong cái lồng quản/cấm này ; mấy chục năm quản và cấm như thế chế độ toàn trị đã tạo ra cho thần dân của nó những tập quán và một văn hóa sống lạc hậu.
Trong chế độ dân chủ của nhà nước pháp quyền, công dân chẳng những phải tự giác ngộ tất cả về quyền và nghĩa vụ để vươn lên làm người trưởng thành, để tự quản chính mình, và còn phải làm nhiệm vụ chủ động tham gia vào đời sống mọi mặt của đất nước với tính cách là chủ nhân của quốc gia. Hơn thế nữa, mỗi công dân như vậy còn vừa là đối tác của nhau, vừa là đối tác của cả thế giới, để có khả năng tạo ra cho mình khả năng hợp tác theo tinh thần đồng đội (teamwork skill), đồng thời cũng phải có bản lĩnh và khả năng chịu đựng hoặc xử lý được mọi tác động từ thế giới bên ngoài, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế của đất nước vừa là với tính chất công dân Việt Nam, vừa với tính cách là công dân thế giới…
Như vậy về tính chất, khả năng và quyền năng của một bên là thần dân của chế độ toàn trị, và một bên là công dân của chính thể dân chủ pháp quyền có sự khác nhau một trời một vực. Đây là lý do cơ bản nhất khiến sự nghiệp cải cách đổi đời con người và đổi đời đất nước sẽ phải bặt đầu từ học.
Toàn dân, bao gồm cả các đảng viên, không phân biệt bất kể một thứ bậc nào trong xã hội, đều phải học, học lại, giúp nhau học – để trở thành một công dân tự do của trưởng thành, có trí tuệ, ý chí, bản lĩnh và khả năng/quyền năng làm chủ chính mình và làm tròn trách nhiệm người chủ một quốc gia trưởng thành. Sự trưởng thành như thế của từng công dân trong chính thể mới được phát huy đến đâu, đất nước sẽ phát triển đi xa tới đấy !
Công dân của chính thể mới nhất thiết phải học để tự tay mình chủ động và cùng nhau xây dựng nên xã hội dân sự cho chính mình như là một trường học rèn luyện và phấn đấu để tự khẳng định mình, là môi trường thực thi trực tiếp quyền và trách nhiệm của mình đối với chính thể và nghĩa vụ đối với quốc gia, là môi trường quảng bá và vun đắp các giá trị và truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thụ những giá trị của văn minh nhân loại. Vì chính mình và vì đất nước này, cần phải học văn hóa sống "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người", "sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của mọi người !", không để cho dối trá, mỵ dân, cám dỗ lường gạt, quyết đối mặt với cái ác và bênh vực lẽ phải, làm cho tổ quốc của chúng ta là nơi đáng sống với tất cả niềm tự hào chính đáng của mình.
Công dân của chính thể mới cần đặc biệt quan tâm học hỏi và thay đổi chính mình, để thấu hiểu nỗi đau của đất nước, hiểu những bài học cay đắng trên chẳng đường đầy máu và nước mắt để đi tới được độc lập thống nhất hôm nay, qua đó xây dựng cho bản thân mình chính kiến về đường đi nước bước của đất nước trong thế giới đã thay đổi này. Phải học để hiểu nỗi nhục của đất nước phải chịu đựng những chén ép và tổn thất do tình trạng chậm phát triển của quốc gia mình, nên không thể mở mày mở mặt với thiên hạ, đến mức tổ quốc của chúng ta được thiên hạ tặng cho biệt danh : quốc gia không chịu phát triển ! Nghĩa là mỗi người phải học để nhìn nhận công việc của quốc gia cũng là công việc của chính mình, không thể phó mặc cho ai khác tùy tiện.
Cần phải học nhiều nữa để thấm thía nỗi hèn kém và cả những hư hỏng của chính bản thân mình và của đất nước, do cái dốt, cái lạc hướng, và cái khiếp nhược trước quyền uy sinh ra – trong đó cần phải thấy sự hèn kém này chính là một trong các thành tố tạo nên dinh lũy kiên cố của chế độ toàn trị hiện nay, những bước bị khuất phục đã xảy ra trước sự bành trướng và thâm nhập các mặt của Trung Quốc, cũng như thói tự ti và sính phương Tây, sính theo cái này hay theo cái khác và quên mất chính mình là ai. Đã xảy ra không hiếm trường hợp hèn kém đến mức đánh mất hoặc để bị cướp mất tinh thần tự trọng dân tộc và thể diện quốc gia…
Cần phải học bằng được hòa giải dân tộc, để hàn gắn vết thương tay trái chém tay phải đến hôm nay vẫn còn rỉ máu. Cần phải học bằng được điều này để làm cho quốc gia đủ mạnh và vững vàng, không để cho bất kể tình huống nào các mưu đồ hoặc quyền lực đen tối dù từ đâu tới lại có thể một lần nữa xô đẩy đất nước vào thảm họa nội chiến này. Và trên hết cả, cần thông qua hòa giải dân tộc, để có được sự cố kết dân tộc làm nên một quốc gia chẳng những có sức mạnh bất khả kháng với mọi thách thức từ bên ngoài, mà còn là môi trường nẩy nở các giá trị cao đẹp, là nơi nuôi dưỡng, làm bệ đỡ, và đồng thời là thành lũy bảo hộ cho mọi nỗ lực tinh hoa của từng công dân của nó…
Xem như thế, công dân của thể chế chính trị mới phải học rất nhiều, học tất cả, để phát huy lợi thế nước đi sau qua sự nghiệp cải cách này xây dựng thành công một thể chế chính trị dân chủ của nhà nước pháp quyền của Việt Nam, phù hợp cho Việt Nam, nhằm vào mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam độc lập của tự do - dân chủ - hạnh phúc, trên nền tảng một quốc gia giầu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh, như đã thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập 02/09/1945 và Hiến pháp 1946.
Có thể nói đây là cải cách của học tập. Học như thế là nội dung chiều sâu phải thực hiện được trong quá trình cải cách. Vì có con người như thế, đất nước sẽ có tất cả. Học như thế để dứt khoát không học đòi. Học để từng công dân trực tiếp tham gia cải cách vì chính mình và vì đất nước. Vì thế, cải cách như vậy phải là sự nghiệp của toàn dân, với tính chất là toàn dân giác ngộ trực tiếp tiến hành cuộc cải cách trong đại này, được khai thông con đường thực hiện đi qua Đảng cộng sản Việt Nam như đang là đã chuyển đổi thành đảng của dân tộc.
III. Cái đích phải tới
Nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại này của đất nước hôm nay đặt lên vai Đảng cộng sản Việt Nam và đội ngũ lãnh đạo không phải là đập vỡ "bình" hay sửa "bình". Cả hai việc này đều không thể, không cần thiết, và đều không phải là giải pháp, thậm chí có thể nguy hiểm cho đất nước.
Nhiệm vụ lịch sử không được phép tránh né của đảng hôm nay là phải cất cái "bình" hiện nay vào nơi trang trọng nhất có thể trong bảo tàng – phần lịch sử Việt Nam cận đại, để đánh dấu sự kết thúc con đường đất nước đã đi từ năm 1930 đến hôm nay, để từ đây thông qua cải cách thể chế chính trị mở ra một thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam độc lập thống nhất trong thế giới đã sang trang.
Song Đảng cộng sản Việt Nam hôm nay như đang là không có trí tuệ, phẩm chất và khả năng thực hiện nhiệm vụ lịch sử nó phải làm nói trên. Và nếu cố tình vẽ ra một nhiệm vụ như thế cho đất nước thì nó cũng không thực hiện được, nhân dân cũng không tin. 42 năm độc lập thống nhất đã chứng minh thuyết phục : Ngoài đổi mới 1986 là nỗ lực của cả nước, Đảng cộng sản Việt Nam như đang là cho đến nay chỉ có thất bại trong mọi nỗ lực cải cách, dù đấy chỉ là những cải cách ở quy mô các vấn đề từng phần hay cục bộ (ví dụ : cải cách giáo dục, cải cách hành chính, tinh giảm biên chế…). Đơn giản vì bản chất và lợi ích của Đảng cộng sản Việt Nam hôm nay đối kháng với cải cách, do đó nó coi những ý tưởng cải cách là suy thoái đạo đức chính trị tư tưởng, là tự diễn biến, đặc biệt đố kỵ trong các vấn đề như xóa bỏ "Điều 4", hòa giải dân tộc, xã hội dân sự…
Xin lưu ý : Cải cách đổi đời đất nước mang tầm vóc và nội dung quan trọng, bao quát toàn bộ đời sống mọi mặt của đất nước, làm nhiệm vụ thay đổi triệt để toàn bộ hệ thống chính trị - nhà nước của quốc gia hiện có. Nhưng không được phép để xảy ra tình huống xuất hiện khoảng trống quyền lực trong khi tiến hành cải cách. Vì lẽ cốt tử này, cải cách phải được một lực lượng chính trị có ảnh hưởng chi phối quốc gia thực hiện. So sánh tương quan các lực lượng chính trị - kinh tế - xã hội ở nước ta trong tình thế cấp bách hiện nay, một lực lượng chính trị đủ mạnh và có sẵn như thế chỉ có thể là Đảng cộng sản Việt Nam đã chuyển đổi thành đảng của dân tộc. Đây cũng là điều lý tưởng nhất có thể lúc này để tiến hành cải cách trong hòa bình theo tinh thần khép lại quá khứ và không hồi tố, vì thời gian và nguy cơ không chờ đợi !
Vậy chỉ còn con đường sống duy nhất : Đảng cộng sản Việt Nam như đang là phải lột bỏ ý thức hệ và tình trạng thoán quyền, chỉ giữ lại cho mình trách nhiệm ràng buộc với đất nước, tự thay đổi mình trước thành đảng của dân tộc với tinh thần "sống hay là chết", để có phẩm chất và khả năng mới của sự giác ngộ Tổ quốc trên hết, để từ đó mới có thể đề xướng được cải cách, và vận động được cả nước đứng lên thực hiện.
Muốn thế, Đảng cộng sản Việt Nam như đang là phải làm được 2 việc :
1. Phải nhận thức được đòi hỏi sống còn đưa quốc gia bước sang thời kỳ phát triển mới trong một thế giới đã hoàn toàn thay đổi là trách nhiệm ràng buộc của đảng ; nếu Đảng cộng sản Việt Nam hôm nay từ chối không làm, chống lại, hoặc làm hỏng… đều sẽ đồng nghĩa với phạm trọng tội chống lại quốc gia, đảng không còn chính danh để tồn tại ; nếu để xảy ra như thế, cái trước sau phải đến không thể tránh được sẽ là : Chế độ toàn trị sẽ dẫn tới "dân lật thuyền", hoặc bị tha hóa làm cho sụp đổ, đất nước lâm vào đại họa, chôn vùi theo toàn bộ sự nghiệp của đảng ;
2. Đảng phải quyết tâm thay đổi chính mình trước, phải tin vào nhân dân, và tự tin chính mình, quyết đi cùng với nhân dân mở ra trang sử mới đổi đời này của đất nước. Làm được như thế, ngoài cái tha hóa và tham nhũng thối nát ra, đảng không có gì để mất ! Nắm mọi quyền lực trong tay, đảng đã dẫn dắt đất nước đi vào tình thế đau lòng và hiểm nghèo hôm nay, đảng phải có trách nhiệm ràng buộc tự lột xác mở lối ra cho đất nước ! Đảng ra đời từ yêu nước, hy sinh cứu nước đã làm nên sự nghiệp của đảng. Giữ được truyền thống này và có nhân dân, đảng sẽ thực hiện được sứ mệnh lịch sử mới này.
Như thế, Đảng cộng sản Việt Nam như đang là cần tự thay đổi mình trước thành đảng của dân tộc – như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cách đây 22 năm đã chính thức nêu ra với đảng (thư 09/08/1995). Đây là điều kiện tiên quyết tất yếu. Chỉ trên cơ sở đó, đảng mới có thể đề xướng, có khả năng và có chính danh để tiến hành cải cách, động viên được sự tham gia của toàn dân.
Con đường đảng đã thay đổi thành đảng của dân tộc để cùng với toàn dân tiến hành cải cách đổi đời đất nước, sẽ là con đường tất cả cùng thắng rất lớn, và không gì có thể ngăn cản được. Tất cả chỉ còn phụ thuộc duy nhất vào việc Đảng cộng sản Việt Nam như đang là dám vứt bỏ mọi tha hóa và tham nhũng thối nát của mình, dám chặn đứng mọi sự can thiệp vào nội bộ ta từ bên ngoài.
Làm được như thế, đảng sẽ tránh được mắc phải trọng tội phản dân phản nước trước bước ngoặt của lịch sử, trở thành đảng của dân, của nước và xác lập được cho mình con đường vì dân, vì nước trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, kế thừa được truyền thống cách mạng vẻ vang cứu nước của các thế hệ đi trước.
Đảng cần nuôi cho mình khát vọng làm được như thế, vì còn gì đáng sống hơn cho một con người, cho một đảng viên và cho một đảng là trở thành người đề xướng và chung tay với cả dân tộc mở ra một thời kỳ phát triển mới của tổ quốc ! ? Đảng phải làm như thế để không phản bội các bậc tiền bối của mình !
Đảng cộng sản Việt Nam như đang là quyết tự thay đổi mình trước để làm được như thế, có thể nói sự nghiệp cải cách có ý nghĩa sinh tử này của đất nước triển vọng thành công mười phần đã đạt được tới tám, chín phần ! Làm được như thế, Việt Nam bước lên con đường phát triển mới trong thế giới mới hôm nay sẽ là lẽ tự nhiên, tất yếu, và bất khả kháng.
Vẫn cứ phải xin nhắc lại : Nếu đảng quyết không làm như thế, thậm chí chống lại làm như thế, hoặc sợ không dám làm như thế, sẽ có nghĩa đảng tự tay xóa bỏ toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đảng và chống lại đất nước. Trong tình hình nghiêm trọng hiện nay, nếu bây giờ lãnh đạo đảng vẫn quyết như thế, thì nên tuyên bố công khai trước toàn dân, toàn thể các đảng viên phải bầy tỏ thái độ rõ ràng của mình, các tầng lớp nhân nên dân huy động trí tuệ của mình để quyết định. Cho đến nay đảng đã thực hiện nhiều biện pháp chống lại cải cách : Điều 4 Hiến pháp, 19 điều cấm, nghị quyết 244, NQ TƯ 4 (30-10-2016) với 27 "biểu hiện" phải chống (đặc biệt là nhóm 3 – biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ)… Bây giờ đứng trước bước ngoặt của lịch sử đất nước, lãnh đạo đảng nhất thiết phải xem lại. Hôm nay phải lột xác cứu đảng để mở đường cải cách cứu nước còn hơn cả cứu hỏa ! Bây giờ vẫn còn kịp !
Nội dung cải cách có thể phác họa một cách tóm lược như sau :
Thứ nhất : Mục đích cuối cùng và cũng là cao nhất cải cách chính trị ở nước ta hôm nay phải đạt được nên là : Từ hòa giải, đoàn kết và đồng thuận dân tộc quật khởi nên một quốc gia Việt Nam phát triển của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam chúng ta – đúng với tinh thần đã nêu từ Cách Mạng Tháng Tám : "Nước Việt Nam là của người Việt Nam !", với các tiêu chí Dân chủ, Cộng hòa, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.
Thứ hai : Kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự là 3 trụ cột làm nên quốc gia vững bền, phải được xây dựng và phát triển từng bước thích hợp trong tổng lộ trình hình thành nên một nước Việt Nam phát triển, với các tiêu chí như đã nêu trong điểm thứ nhất.
Thứ ba : Thể chế chính trị cần phải xây dựng là một nhà nước pháp quyền dân chủ, có phân định rạch ròi các quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, hoạt động ràng buộc nhau và kiểm soát lẫn nhau trong khung khổ chung của một Hiến pháp mới ; nhà nước này được xây dựng và hình thành trên những nguyên tắc của bầu cử dân chủ. Kinh tế thị trường và xã hội dân sự là 2 yếu tố căn bản tạo dựng nên nhà nước pháp quyền này, vì lẽ này nhà nước pháp quyền dân chủ tất yếu phải được xây dựng trên nền tảng của thể chế chính trị dân chủ đa nguyên, được thiết kế theo một hiến pháp mới đúng với tinh thần nhà nước do dân, của dân, vì dân. Đây phải là cái đích cuối cùng và cao nhất của toàn bộ quá trình cải cách chính trị lần này, được thực hiện dần từng bước dựa trên mọi thành quả kinh tế - chính trị - xã hội và tiến bộ của quốc gia đạt được trong suốt quá trình tiến hành cải cách này.
Học hỏi là động lực trí tuệ xuyên suốt quá trình này – vì thế tôi gọi đó là thể chế chính trị đa nguyên của học hỏi, của giác ngộ, của phát triển, bởi vì nó được xây dựng từng bước và thường xuyên nâng cao theo tiến trình của giác ngộ và phát triển ; nó khác hẳn với đa nguyên của bầy đàn, vô minh và hỗn loạn. Nói đơn giản : Đó là lấy mở rộng tự do dân chủ tạo ra giác ngộ của trí tuệ và đồng thuận xã hội làm động lực cho việc tiến hành cải cách, để từng bước xây dựng nên một thể chế chính trị mới. Vì thế có thể nói : Cải cách chính trị lần này là tiến hành những cuộc vận động chính trị lớn và sâu rộng trong toàn xã hội như đã từng làm thời Cách Mạng Tháng Tám nhằm thay đổi sâu sắc toàn diện đời sống đất nước.
Thứ tư : Các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền sở hữu cá nhân, và các quyền con người phải được thể hiện đầy đủ và được bảo đảm trong Hiến pháp, đồng thời được phản ánh trong mọi bộ luật của quốc gia. Những quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội, quyền biểu tình, quyền tự do báo chí phải được xem và thiết kế là những quyền trực tiếp bảo đảm việc thực hiện các quyền công dân và quyền con người, đồng thời những quyền này làm nhiệm vụ tạo nền móng cho sự hình thành và hoạt động của xã hội dân sự, mang lại động lực cho tiến hành cải cách. Quân đội, công an và các lực lượng chuyên chính khác là công cụ bảo vệ đất nước và giữ gìn an ninh quốc gia, được xây dựng và hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp quốc gia, chỉ trung thành với quốc gia, với nhân dân.
Thứ năm : Toàn bộ các đảng phái chính trị, các loại hình hiệp hội cùng các thành viên của nó chỉ được hoạt động trong khuôn khổ của xã hội dân sự, trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật – bao gồm cả luật/các luật về các đảng phái chính trị, hiệp, hội, các tổ chức dân sự khác… Tất đều bình đẳng trước pháp luật, tự túc về tài chính và không được sử dụng tiền thuế của dân.
Một khi những cá nhân của những tổ chức này thông qua bầu cứ dân chủ theo luật định được cử vào tham gia bộ máy nhà nước thì trở thành đại diện của các cử tri bầu cho họ, hoạt động theo Hiến pháp, chứ không đại diện cho các đảng phái hay các tổ chức chính trị xã hội xuất thân của họ. Khái niệm đảng cầm quyền chỉ thuần túy là tên gọi không hơn không kém cho đảng phái có nhiều thành viên (thường là chiếm đa số hoặc thông qua liên minh) tham gia chính quyền. Nghĩa là : Không có các đảng phái hay các tổ chức chính trị xã hội với tính chất là chính nó trong bộ máy và hệ thống pháp quyền của nhà nước, đây là đặc chưng cốt lõi "nhà nước do dân, của dân, vì dân".
…
Trên đây chỉ là một gợi ý sơ bộ để tham khảo. Tôi tin rằng nếu lãnh đạo đảng huy động trí tuệ cả nước xây dựng chiến lược cải cách đưa đất nước đi vào thời kỳ phát triển mới, chắc chắn đất nước sẽ có được một chiến lược cải cách của toàn dân và nhất định thành công.
Tới đây tôi trân trọng đề nghị :
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, với trách nhiệm là người giữ cương vị cao nhất trong đảng, yêu cầu Bộ Chính trị ra quyết định khép lại quá khứ, đoàn kết toàn Bộ Chính trị và toàn đảng, huy động toàn đảng và dựa vào trí tuệ của nhân dân cả nước quyết tiến hành cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn này. Đảng phải thay đổi thành đảng của dân tộc để có thể dấy lên cuộc cải cách của toàn dân cứu nước và đổi đời đất nước ! Đây cũng là con đường cứu đảng thành đảng của dân tộc, mãi mãi đi với dân tộc. Thời gian không chờ đợi. Mọi thách thức trong/ngoài đang uy hiếp đất nước không biết chờ đợi !
Trước những thách thức nghiêm trọng của quốc gia, tôi cầu mong cả nước – đặc biệt là những đảng viên muốn cứu đảng để cứu nước – hãy lên tiếng về vận mệnh đất nước, cùng nhau làm tất cả mọi việc vì đất nước với sự giác ngộ cao nhất về cuộc cải cách phải tiến hành này !
Nguyễn Trung
Xin đọc tiếp 3 phục lục đính kèm
**************
Phụ lục I
Về con đường cải cách đi qua Đảng cộng sản Việt Nam đã thay đổi trở thành đảng của dân tộc
Thực trạng hiện nay là :
- Đảng như đang là ngày càng không có dân đi với mình và ngày càng bất cập do tha hóa và do nhiệm vụ đất nước đặt ra cho đảng ngày càng vượt tầm, khiến đảng ngày càng bị thách thức, càng phải trấn áp để giữ chế độ toàn trị ;
- Trong xã hội dân sự hiện nay dân tình ngày càng bức xúc và không có đường lùi ; dân hiện nay tuy chưa đủ sức lật thuyền xóa bỏ đảng, nhưng tình hình ngày càng đến gần tức nước vỡ bờ, cùng tắc biến ;
- Tình hình từ hai, ba khóa đại hội nay cho thấy mâu thuẫn giữa một bên đảng một bên dân nói trên gây ra nhiều xung đột ngày càng lớn và quyết liệt, hoặc ngầm ngầm, hoặc bùng nổ công khai. Tình trạng bế tắc này tự nó đang hấp dẫn ngày càng mạnh mẽ những bi kịch tồi tệ nhất đến với đất nước, với mọi kết cục thê thảm có thể.
Trong những bi kịch có thể xảy ra này, bạo loạn lật đổ, hoặc chế độ tự sụp đổ là nguy hiểm nhất, sẽ có thể mang lại cho đất nước đau khổ và tổn thất lớn nhất. Bởi vì sự phá hủy này nếu xảy ra sẽ chỉ đem lại điêu tàn cho đất nước. Trong cái bầu không khí chiến tranh lạnh muốn ăn thịt người trên thế giới hiện nay, nhất là Việt Nam lại nằm ở vị trị địa đầu trong khu vực, sẽ không sao đoán trước được cái gì sẽ xảy ra cho nước ta tiếp theo sự phá hủy này !
Điều chắc chắn : Quốc gia bạo loạn, nạn "đục nước béo cò" dù là cò "nội" hay cò "ngoại" sẽ tìm đến như kền kền tìm xác thối ! Mong đừng ai mù quáng tưởng rằng đấy sẽ là "sự phá hủy sáng tạo" của Schumpeter ! Chỉ cần xem ai là người khích cho nước ta phải rối ren hơn nữa, sẽ thấy ngay sự phá hủy này có thể mang lại cho đất nước những gì. Song giữ nguyên trạng chế độ toàn trị ngày càng ruỗng nát thế này, trước sau cũng tất yếu dẫn tới bạo loạn !
Hai năm khóa Đại hội XII cho thấy : Mọi nỗ lực rất quyết liệt và chật vật nhằm cứu vãn tình hình cho đến nay của đảng và của chế độ toàn trị trong mọi lĩnh vực cuộc sống đất nước chỉ là "bịt lỗ hà, ra lỗ hổng", hoặc là "giật gấu vá vai". Hệ thống kinh tế và hệ thống chính trị - xã hội của đất nước dù có vắng bớt được đôi ba bộ mặt tham nhũng xấu xí ; song chồng chéo, manh mún, ăn bám, tham nhũng, và mục ruỗng của hệ thống trước sau vẫn nguyên vẹn. Nghĩa là : (a) cỗ máy sản sinh ra mọi tội lỗi của chế độ toàn trị, và (b) hiện trạng nguy hiểm của đất nước đều còn nguyên vẹn, và tình hình mọi mặt đang ngày càng rối thêm. Đất nước đang èo uột tiếp để chịu bó tay làm mồi cho mọi ý đồ xấu xa phía trước. Trong khi đó thời gian và mọi thách thức trong / ngoài không biết chờ đợi. Khoanh tay bất lực ngồi yên, hay cứ loay hoay mãi ngứa đâu gãi đấy, cháy đâu chữa đấy như đang làm, đều đồng nghĩa với tự sát. Phải nhìn thẳng vào sự thật này để không lạc hướng trong lúc tìm lối ra cho đất nước : Lột xác cứu đảng để cải cách mở đường cứu nước – lẽ ra đây phải là nội dung duy nhất của Đại hội XII !
Chỉ có con đường sống : Đảng phải thay đổi chính mình thành đảng của dân tộc, còn dân quyết đi cùng với đảng đã thay đổi, để cùng sống, sống được, trên hết là để có thể cùng nhau thực hiện cải cách cứu mình và cứu nước, và mở ra cho đất nước thời kỳ phát triển mới.
Lý tưởng nhất, con đường này sẽ là : Bộ Chính trị huy động trí tuệ cả nước và trong Đảng, vận dụng những kinh nghiệm thành/bại trên con đường phát triển của chính nước ta và các nước khác trên thế giới xây dựng nên chiến lược cải cách của ta, sau đó làm cho chiến lược cải cách trở thành nghị quyết của toàn Đảng – bắt đầu là của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Sau cùng là việc thay đổi đảng thành đảng của dân tộc và thực hiện cải cách trở thành nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc.
Thực hiện nghị quyết đại hội, đảng – thông qua đảng viên và các tổ chức cơ sở của mình – làm nhiệm vụ hạt nhân lãnh đạo và đồng thời là lực lượng nòng cốt vận động nhân dân cả nước tiến hành cuộc cải cách này theo kế hoạch và các bước đã thiết kế được, với tổng lộ trình gồm 2 phần trước sau dưới đây :
A. Đảng tiến hành thay đổi chính mình trước trở thành một đảng mới : đảng của dân tộc ; sau đó
B. Triển khai trong cả nước chiến lược cải cách của đảng mới.
Đại thể cải cách có thể chia thành 3 giai đoạn sau đây :
Giai đoạn I :
Hoàn thành phần A của tổng lộ trình, làm xong việc chuyển đổi thành đảng mới với cương lĩnh mới, điều lệ mới, tiến hành tổ chức lai đảng theo tinh thần lấy xã hội dân sự làm môi trưởng rèn luyện, phấn đấu và hoạt động của đảng, với mục tiêu trở thành lực lượng chính trị mạnh nhất và có tính tiền phong chiến đấu cao trong xã hội dân sự. Đảng mới sẽ tiến hành mọi hoạt đông thực hiện các nhiệm vụ của mình theo tinh thần "Điều 4" của Hiến pháp hiện hành không còn tồn tại nữa trong thực tế (vì lúc này chưa có Hiến pháp mới). Có những điểm nổi bật sau đấy :
1. Cương lĩnh mới của Đảng cộng sản Việt Nam đã chuyển hóa thành đảng yêu nước của dân tộc và dân chủ - nên lấy lại tên cũ là Đảng Lao động Việt Nam, gồm 3 phần chính :
(a) khẳng định mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam phát triển theo con đường dân tộc và dân chủ, hòa nhập cộng đồng thế giới vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, phấn đấu giành vị thế xứng đáng trong kinh tế thế giới toàn câu hóa ở giai đoạn hiên nay ;
(b) xây dựng một thể chế chính trị / nhà nước dân tộc và dân chủ của hòa giải và đoàn kết dân tộc dựa trên kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ đất nước của nhân dân ;
(c) chuyển đổi và xây dựng Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay thành đảng yêu nước của dân tộc và dân chủ trên cơ sở gìn gữ và phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước, sự nghiệp giành độc lập thống nhất, các giá trị của dân tộc và của văn minh nhân loại, nguyện phấn đấu đi tiên phong trong hàng ngũ dân tộc vì sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hòa bình, dân chủ, giầu mạnh, công bằng, văn minh.
2. Điều lệ đảng mới bảo đảm cho đảng viên và toàn đảng được tổ chức và xây dựng phù hợp tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước, đòi hỏi đảng viên thông qua học tập :
- nâng cao kiến thức và giác ngộ chính trị để có năng lực và phẩm chất lấy xã hội dân sự làm môi trường phấn đấu ;
- gương mẫu mọi mặt để có thể trở thành hạt nhân lãnh đạo trong mọi hoạt động của xã hội dân sự, qua đó phát huy ý chí, nội lực và sự sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cải cách đòi hỏi ;
- khơi dậy mọi sáng kiến và phong trào của nhân dân trong xã hội dân sự, đi tiên phong xây dựng những phong trào vận động lớn của toàn quốc hoặc từng vùng miền, từng lĩnh vực để giải quyết những vấn đề trọng đại trong kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ;
- đẩy mạnh cải cách giáo dục, xây dựng nếp sống mới tôn trọng luật pháp và các quyền của công dân, quyền con người ;
- tạo ra những chuyển biến mới mọi mặt của đất nước, thực hiện những kế hoạch phát triển, tạo công ăn việc làm mới, tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam, gìn giữ môi trường tự nhiên, tranh thủ đầu tư nước ngoài và hợp tác quốc tế.
- xây dựng mới phù hợp với hiến pháp và pháp luật mới (sẽ phải có) những tiêu chuẩn của đảng viên và tổ chức đảng các cấp phù hợp với thể chế chính trị dân chủ pháp quyền và khả năng hoạt động của đảng / các tổ chức cơ sở đảng trong xã hội dân sự để trở thành lực lượng chính trị có khả năng đi tiên phong trong mọi tiến bộ của đất nước ;
- lấy thúc đẩy những thành quả đạt được trong vận động xã hội dân sự thành những động lực bên cạnh những động lực kinh tế - chính trị - xã hội khác góp phần thúc đẩy sự phát triển và những tiến bộ mới của đất nước ;
- cho ra khỏi đảng những đảng viên không muốn hoặc không đủ điều kiện là đảng viên của đảng mới, đẩy mạnh kết nạp đảng viên mới – trước hết là trong đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức, doanh nhân giỏi… nhằm mang lại cho đảng năng lực và sức sống mới, dứt khoát vứt bỏ chủ nghĩa lý lịch và chủ nghĩa thành phần và hậu duệ.
- qua thực tiễn phấn đấu này rèn luyện đảng trở thành lực lượng chính trị nòng cốt và đội ngũ tiên phong của một nước Việt Nam mới : Đảng theo đuổi những giá trị của dân tộc và dân chủ, những tiến bộ mới của trí tuệ và văn minh nhân loại.
Xin đặc biệt lưu ý về đảng : Đối tượng vận động của đảng chính trị luôn luôn là nhân dân. Quan điểm đúng đắn này đã được nhấn mạnh : Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng (nói đúng hơn : Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân). Trung thành với quan điểm này, đảng đã làm nên thắng lợi của 4 cuộc kháng chiến vĩ đại.
Ngày nay, cải cách là để xây dựng quốc gia độc lập có chủ quyền của thể chế chính trị pháp quyền dân chủ, trong đó nhân dân là chủ đất nước với tính cách là công dân trong xã hội dân sự. Vì thế trong cải cách đổi đời đất nước, Cương lĩnh và Điều lệ mới của đảng (đã thay đổi trở thành đảng của dân tộc) cần làm rõ nhiệm vụ của đảng và đảng viên là phải có phẩm chất, năng lực, xác định mục tiêu phấn đấu là lấy xây dựng và phát triển xã hội dân sự làm môi trường nuôi dưỡng và phát huy sự trưởng thành, quyền năng và sức mạnh của công dân, coi đây là mặt trận chính trị số một của đảng để thực hiện hòa giải, đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân tộc cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thế giới hôm nay. Đây là nhiệm vụ cơ bản hàng đầu của một đảng lãnh đạo trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, khác hẳn với thời kỳ làm nhiệm vụ cách mạng giành độc lập và kháng chiến cứu nước !
Đặc điểm mới này quyết định bản chất hoàn toàn mới của đảng, đồng thời đòi hỏi phải có đường lối mới và tổ chức mới của đảng mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đề cập tới (thư 09/08/1995). Nhiệm vụ đổi mới Đảng cộng sản Việt Nam như đang là thành đảng của dân tộc trước hết là hiểu theo tinh thần này. Chủ động xây dựng và phát triển xã hội dân sự như thế là môi trường rèn luyện phẩm chất của tính chiến đấu và tính tiền phong của đảng, đồng thời là bí quyết để phấn đấu giành về cho đảng vai trò lãnh đạo trong thể chế chính trị dân chủ đa nguyên.
Đây là những đòi hỏi rất cao về trí tuệ, bản lĩnh và các phẩm chất thuộc các phạm trù đạo đức và giá trị. Tất cả nói lên Đảng cộng sản Việt Nam như đang là phải thay đổi hoàn toàn về bản chất, đúng với quy luật : nhiệm vụ mới của đất nước đòi hỏi phải có đảng chất lượng mới, nếu không muốn bị loại bỏ.
Có thể tổng kết : Trước 30/04/1975 là giai đoạn làm nhiệm vụ cách mạng để giành độc lập thống nhất, sau 30/04/1975 là làm nhiệm vụ phát triển để xây dựng và bảo vệ tổ quốc ; vì không nhận thức được sự khác nhau của 2 nhiệm vụ chính trị là cách mạng và phát triển như thế để thay đổi, nên 42 năm qua từ đảng lãnh đạo đảng đã biến chất thành đảng cai trị, không oan uổng !
3. Ra Tuyên bố của Đảng cộng sản Việt Nam chuyển đổi thành đảng yêu nước của dân tộc và dân chủ (nên đổi tên là Đảng Lao Động Việt Nam), tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới quyết định đổi mới thành đảng yêu nước của dân tộc và dân chủ (Đảng Lao Động Việt Nam), làm rõ đất nước đã hoàn thành một giai đoạn phát triển, ngày nay phải chuyển sang một giai đoạn mới để trở thành một nước phát triển trong một thế giới đã sang trang đi vào thời kỳ của một cục diện quốc tế mới.
Khẳng định mục tiêu chiến lược của đảng mới là kế tục mọi thành tựu đất nước đã giành được đến nay để đưa đất nước lên con đường trở thành nước phát triển của một thể chế chính trị / nhà nước dân tộc và dân chủ dựa tên kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự, nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập thống nhất, dân chủ và giầu mạnh ; lấy hòa giải đoàn kết dân tộc và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc và của văn minh nhân loại làm động lực thực hiện mục tiêu trọng đại này ; kêu gọi toàn dân nỗ lực chung vai sát cánh với đảng thực hiện, đảng nguyện trung thành với lợi ich của nhân dân và của đất nước, phấn đấu trở thành chỗ dựa tin cậy và là lực lượng nòng cốt của cả nước trong thực hiện cuôc cải cách đổi đời đất nước cũng như trên con đường đưa đất nước trở thành nước phát triển theo kịp tiến bộ của nhân loại.
Đảng ra tuyên bố trước toàn thế giới về quyết định thực hiện cuộc cải cách trọng đại này :
- khẳng định xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập thống nhất, dân chủ và giầu mạnh, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trong quan hệ với moi quốc gia và với các tổ chức quốc tế và khu vực ;
- lấy phát huy hòa giải đoàn kết dân tộc, các giá trị của dân tộc, tự do, dân chủ, bảo vệ và phát huy các quyền con người và bảo vệ môi trường làm động lực xây dựng và bảo vệ đất nước ;
- Việt Nam khẳng định theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, tôn trọng luật pháp quốc tế, làm tròn trách nhiệm của thành viên Liên hiệp quốc ;
- Việt Nam kêu gọi mọi quốc gia và mọi tổ chức quốc tế và khu vực chủ động góp phần mình gìn giữ hòa bình, bảo vệ tự do lưu thông hàng hải, và giải quyết hòa bình mọi tranh chấp có liên quan đến vấn đề chủ quyền trên trong Biển Đông theo tinh thần UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế, cùng chung sức phát huy vai trò của ASEAN xây dựng Đông Nam Á thành khu vực của hòa bình, hợp tác và phát triển, qua đó góp phần vào hòa bình và sự thịnh vượng chung của thế giới ;
- trong trường hợp Việt Nam bị xâm lược, Việt Nam quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình, đồng thời giành cho mình quyền kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng thế giới.
Nói thì ngắn gọn như vậy, song nội dung là quyết xây dựng đối nội và theo đuổi một đường lối đối ngoại dấn thân, để tạo ra vị thế quốc gia mới cho đất nước.
Ngay sau khi ra 2 tuyên bố nói trên, trả lại tự do cho tất cả những người bị tù vì bất đồng chính kiến với chế độ chinh trị, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho họ đem hết sức mình tham gia cuộc cải cách vĩ đại của đất nước ; đồng thời tiến hành cuộc vận động lớn trong cả nước thực hiện hòa giải và đoàn kết dân tộc, tạo ra sự đồng thuận của toàn dân tộc tiến hành thắng lợi cuộc cải cách đổi đời đất nước.
Trong Giai đoạn I này, như một khởi động đầu tiên của toàn hệ thống chính trị - xã hội cả nước, đảng tiến hành ngay cuộc vận động lớn trong cả nước thực hiện tiết kiệm triệt để chi tiêu – trước hết gương mẫu cắt giảm mọi chi tiêu có thể cho đảng và trong đảng, để cứu nguy thâm hụt ngân sách quốc gia, dồn mọi nguồn lực cho yêu cầu phát triển của kinh tế.
Qua cuộc vận động này xây dựng và hình thành một phong cách làm ăn trung thực, hiệu quả, tiết kiệm trong cả nước. Từ đó xây dựng những chuẩn mực đạo đức và chính trị đầu tiên của quốc gia cần xác lập cho toàn bộ sự nghiệp đưa đất nước trở thành nước phát triển. Tạo dựng được phong trào mở đầu nhưng rất quan trọng này, hy vọng những giá trị tốt đẹp sẽ được củng cố và có sức sống mới, đồng thời đất nước sẽ nảy nở những tinh hoa và trí tuệ mới. Đây có thể là cái đà đầu tiên vận động toàn bộ quá trình cải cách và xây dựng đất nước.
Tóm lại, Giai đoạn I thực hiện xong nhiệm vụ đảng tự thay đổi và cải cách đảng trước về đường lối, về tổ chức và về phương thức hoạt động, để có khả năng xây dựng xong và triển khai chiến lược cải cách và phương thức / kế hoạch thực thi trong cả nước. Trên cơ sở tự cải cách chính mình trước như vậy, đảng chủ xướng và dẫn dắt cả nước thực hiện cuộc cải cách trọng đại này.
Ngay lập tức (nghĩa là trong khi chưa có Hiến pháp mới) đảng chuyển sang hoạt động theo phương thức của đảng cầm quyền trong một thể chế chính trị pháp quyền dân chủ (trước hết với tinh thần trên thực tế coi như không còn "Điều 4"), lấy xã hội dân sự làm địa bàn hoạt động chủ yếu, thực hiện những sửa đổi / cải cách bước đầu cần thiết hệ thống hành chính quốc gia để bảo đảm yêu cầu xúc tiến cải cách, duy trì đươc sự vận hành liên tục của mọi lĩnh vực trong cuộc sống trong suốt thời gian tiến hành cải cách, không để xảy ra khoảng trống quyền lực.
Giai đoạn II :
- Thực hiện tiếp những bước cải cách cụ thể đã đề ra trên cơ sở về cơ bản giữ bộ khung cũ của toàn bộ hệ thống hành chính sự nghiệp với những thay đổi cần thiết về tổ chức, cơ chế hoạt động, nhân sự, song song với thi hành những chính sách mới hoặc những quy định mới đúng với tinh thần và nội dung của cải cách. Đặc biệt chú trọng xây dựng và thực hiện ngay những luật cơ bản (có thể là những Luật tạm thời trước khi có Hiến pháp mới) về tự do báo chí, tự do thành lập hiệp hội, về quyền biểu tình, về quyền thể hiện ý chí của nhân dân, về quyền con người, bảo đảm thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình.., qua đó tạo ra động lực quyết định xúc tiến cải cách. Tất cả những hoạt động này dựa trên nền tảng nâng cao dân trí và tinh thần thượng tôn pháp luật, hòa giải và đoàn kết của nhân dân cũng như của hệ thống chính trị / nhà nước… Tất cả những bước đi mới này nhằm phát huy mọi động lực toàn xã hội thúc đẩy tiến trình cải cách diễn ra năng động và hiệu quả, giảm thiểu ở mức có thể nhất mọi xung đột hay tổn thất không đáng có, kết hợp với xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, gìn giữ và phát huy những giá trị đạo đức xã hội.
- Xây dựng những chính sách và chủ trương thực hiện mới để thực hiện song song các nhiệm vụ phát triển kinh tế, giải quyết những nhiệm vụ chính trị / văn hóa / xã hội phải tiến hành, thực hiện những bước cải cách giáo dục ở giai đoạn này phù hợp với tiến trình của cải cách. Đây vừa là những nhiệm vụ phát triển cụ thể phải thực hiện song song với tiến trình cải cách, đồng thời tạo tiền đề tiến hành thay đổi / xây dựng các bộ luật mới.
- Bàn hành dự thảo hiến pháp mới huy động toàn dân tham gia xây dựng.
- Ban hành dự thảo và thông qua Luật về các đảng phái chính trị và các tổ chức đoàn thể xã hội để xây dựng thành bộ luật chính thức sau này làm cơ sở pháp lý cho hoạt động của mọi đảng phái chính trị và đoàn thể xã hội. Bộ Luật này bảo đảm các đàng phái chính trị và đoàn thể xã hội bình đẳng trước pháp luật, tự chủ về tài chính, không được sử dụng thuế và ngân sách của nhà nước, lấy xã hội dân sự làm môi trường phát triển và hoạt động của mình, đồng thời góp phần bảo đảm trong hệ thống chính trị / nhà nước và bộ máy vận hành của quốc gia chỉ có Hiến pháp và luật pháp quyết định tất cả.
Giai đoạn III :
Thông qua Hiến pháp mới, đồng thời thực hiện tiếp mọi bước đi của cải cách trong giai đoạn này, xây dựng / hoàn thiện những luật pháp và thể chế kinh tế theo Hiến pháp và hệ thống pháp luật mới. Thành tựu phát triển kinh tế và sự ra đời của thể chế chính trị / nhà nước mới theo Hiến pháp mới là thước đo nội dung và quá trình tiến triển của cải cách ở giai đoạn này.
Nên tham khảo mô hình thế chế chính trị / nhà nước và bộ máy hành chính sự nghiệp của Singapore, Nhật và Hàn Quốc để vận dụng vào nước ta theo tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập 02/09/1945, Hiến pháp 1946 và cách tổ chức quốc hội 1946, được bổ sung những nét cập nhật phù hợp với đòi hỏi của đất nước và bối cảnh quốc tế hiện tại. Nét đặc trưng chung của 3 mô hình này (Singapore, Nhật, Hàn Quốc) là tính tập trung để tạo ra khả năng quyết đoán cao, đồng thời bảo đảm được dân chủ, tính công khai minh bách và trách nhiệm giải trình.
Trên cơ sở những bước tiến mới nói trên, tiến hành xây dựng một thể chế chính trị / nhà nước đa nguyên, hình thành một số đảng chính trị mới theo Hiến pháp mới và Luật về đảng phái chính trị và các tổ chức xã hội dân sự như đã được thông qua ở giai đoạn II.
Nên xây dựng các lý lẽ thuyết phục, và được bảo đảm bằng bộ luật về các đảng phái chính trị và đoàn thể nói trên được thiết kế phù hợp, để hình thành thêm các đảng chính trị mới có thể tham chính thông qua Luật bầu cử dân chủ tự do và theo quy định của Hiến pháp.
Ở nước ta, hợp lý nhất có lẽ chỉ nên hình thành thêm 2 đảng tham chính mới như đã từng có trong thời đầu của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – đó là đảng Dân Chủ và Đảng Xã hội – song phải là 2 đảng có thực quyền và bình đẳng trước pháp luật như mọi đảng khác theo Luật. Nếu có nhiều đảng nữa sẽ rối và không cần thiết. Hiến pháp và các bộ Luật liên quan cần được thiết kế sao cho bảo đảm nghiêm túc yêu cầu : thực hiện đa nguyên, nhưng bảo đảm không quá 3 đảng tham chính trong tranh cử và bầu cử ; thủ lĩnh của đảng có đa số ghế lớn nhất trong Quốc hội sẽ là tổng thống với chức năng là người đại diện quốc gia cao nhất và có quyền lực cao nhất cả nước ; thủ tướng là người trực tiếp điều hành nội các (chính phủ) do tổng thống bổ nhiệm và được quốc hội chấp thuận ; với điều kiện của nước ta, nên thực hiện chế độ 1 viện duy nhất là quốc hội ; tuy nhiên nên thực hiện chế độ bầu cử từng phần so le để bảo đảm sự hoạt động liên tục của quốc hội (không bị gián đoạn qua mỗi kỳ bầu cử). Tiến hành bầu cử thành lập hệ thống nhà nước theo Hiến pháp mới, nên mời sự giám sát quốc tế cuộc bầu cử để nâng cao uy tín của chính thể mới, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ / hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế.
Nên chuẩn bị sớm một chiến lược cải cách như trên để được thông qua sớm nhất có thể tại một đại hội đảng toàn quốc bất thường, sau đó triển khai thực hiện. Nhưng ngay sau khi Bộ Chính trị đã đi tới được quyết định phải tiến hành cải cách, Bộ Chính trị nên có ngay một tuyên bố trình bầy rõ quyết định chiến lược này, kêu gọi cả nước và toàn đảng đoàn kết và phát huy tinh thần yêu nước đem hết tâm huyết tham gia sự nghiệp cách bằng mọi hành động và việc làm thiết thực, dấy lên trong cả nước một hào khí mới, làm cho nhân dân và từng đảng viên ngay từ ngày đầu tiên cảm nhận được sự nghiệp cải cách này là trách nhiệm của chính mình, chủ động làm mọi việc có thể góp phần tham gia của mình.
Trong quá trình chuẩn bị Đại hội XII tôi đã kiến nghị thành lập nhóm ad hoc gồm các đồng chí Bùi Quang Vinh, Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh giúp đảng xây dựng nội dung Đại hội theo hướng xúc tiến cải cách nói trên. Nay tôi xin đề nghị một lần nữa : Bộ Chính trị nên quyết định lập sớm một nhóm như thế giúp đảng bắt tay ngay vào việc chuẩn bị và xây dựng chiến lược cải cách.
Trên đây chỉ là những gợi ý thô sơ ban đầu để tham khảo.
Nguyễn Trung
*******************
Phụ lục II
Về chủ nghĩa Marx – Lenin
Muốn tiến hành cải cách chính trị, đảng phải chủ động loại bỏ "chủ nghĩa Marx – Lenin" và ý thức hệ đi kèm. Bởi các lẽ :
a. Đảng phải từ bỏ ý thức hệ lỗi thời để thay đổi chính mình thành đảng yêu nước của dân tộc và dân chủ.
b. Giai đoạn phát triển mới của đất nước đòi hỏi đảng phải có một thế giới quan mới xác lập được con đường phát triển theo các giá trị của dân tộc và dân chủ, giành được vị thế quốc gia mới trong thế giới hôm nay.
c. Chứng minh trước nhân dân và tranh thủ được lòng tin của nhân dân là đảng đã trở thành một đảng mới của dân tộc và dân chủ mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thế giới hôm nay đòi hỏi.
Nên có những công trình nghiên cứu khoa học và nghiêm túc giải quyết thấu đáo, thuyết phục nhiệm vụ khó khăn này để giải phóng tư duy theo tinh thần loại bỏ những cái sai và lỗi thời, gìn giữ những giá trị đúng đắn, hướng về những giá trị mới mà thực tế khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước đòi hỏi.
Trong khuôn khổ tâm sự và trao đổi, chỉ xin nêu ra một số suy nghĩ ban đầu dưới đây.
Trước hết xin nói ngay : Cả Marx và Lenin đều không sáng lập ra chủ nghĩa này – nó không tồn tại.
Chính bản thân Marx – và cả Ăng-ghen – đều cho tác phẩm trí tuệ của mình là lý luận mang tính giải thích và thúc đẩy sự phát triển của cuộc sống. Marx và Engels suốt cuộc đời mình đã nhiều lần tiếp tục điều chỉnh những chỗ sai, có nhiều sửa đổi quan trọng, bám vào thực tiễn và sự vận động của lịch sử để tiếp tục phát triển lý luận của mình. Tới nay đã có thể lọc ra khoảng 9 – 10 lần Marx và Engels đã có những thay đổi như thế. Cả Marx và Engels đều coi lý luận của mình là mở, đòi hỏi vận dụng sáng tạo bám sát cuộc sống chứ không giáo điều, không bao giờ coi nó là học thuyết hay chủ nghĩa mang tính khuôn sáo, áp đặt.
Còn Lenin cũng chưa từng đưa lý luận Marx lên thành một thứ chủ nghĩa, cũng chưa hình thành được chủ nghĩa riêng của Lenin, vì bản thân Lenin còn đang viết NEP (New Economy Policy – Chính sách kinh tế mới, 1924) dở dang thì qua đời. Trước khi soạn thảo NEP, điều bổ xung của Lenin vào học thuyết Marx là quan điểm "chuyên chính vô sản". Song trong quá trình viết NEP chính Lenin không nhắc tới hoặc đã thay đổi quan điểm này. Thực tế cũng đã chứng minh chuyên chính vô sản là sai lầm.
Chủ nghĩa Marx - Lenin như được nói tới, được hiểu và dạy, được thực hành trong Đảng cộng sản Việt Nam và ở nước ta cho đến hôm nay được lấy ra từ các phiên bản "Liên Xô" và "Trung Quốc" (nghĩa là không phải từ gốc), có đôi chút biến báo vì lý do phiên dịch hoặc vì theo cách hiểu của Việt Nam, vừa có nhiều cái sai so với những điều Marx viết ra, vừa đã tự chứng minh là sai trong thực tiễn Việt Nam 42 năm nay.
Sự thật là chủ nghĩa Marx - Lenin được các lãnh tụ của phong trào cộng sản (Stalin, khoảng năm 1927, một số nhân vật khác…) chắt lọc chủ yếu từ Tuyên ngôn cộng sản, rồi dựng lên thành một chủ nghĩa, một học thuyết nhằm xác lập vai trò độc tôn lãnh đạo cách mạng (trước hết lúc đó là của Liên Xô) và sự tồn tại của Đảng cộng sản với tính cách là một đảng độc tôn như thế, và để chi phối mọi tư duy và hành động của toàn xã hội theo quan điểm của Đảng cộng sản. Nội dung cốt lõi là xóa bỏ tư hữu tư liệu sản xuất, thiết lập chuyên chính vô sản, coi đấu tranh giai cấp là động lực của phát triển.
Marx viết Tuyên ngôn cộng sản năm 30 tuổi (1848), và hầu như đây là tác phẩm duy nhất Marx đề cập đến chủ nghĩa cộng sản một cách đầy đủ nhất với tính cách là một hình thái xã hội mới tất yếu sau chủ nghĩa tư bản. Song trong toàn bộ cuộc đời còn lại sau đó, Marx hầu như bỏ không theo cách tiếp cận như vậy nữa, mà đi sâu vào bản chất sự vận động và phát triển của chủ nghĩa tư bản đương thời. Dù không kiên định, song đã có lúc Marx thừa nhận không thể làm thầy bói cho lịch sử như các dự báo của mình, cho rằng lịch sử chỉ chấp nhận may đo, chứ không thể ốp may sẵn (Việt Phương). Marx đã hoàn thành "Tư bản" tập I, sau đó Engels từ những phần việc dở dang của Marx hoàn thành tiếp "Tư bản" II và III, trong đó hầu như không nói tới chủ nghĩa cộng sản nữa.
Đáng chú ý là : sau này Marx, song rõ nhất là Engels nhân dịp 25 năm Tuyên ngôn cộng sản, đều coi Tuyên ngôn cộng sản chỉ có giá trị lịch sử, cuộc sống hoàn toàn không diễn ra như đã viết trong Tuyên ngôn cộng sản. Một số quan điểm quan trọng khác của Marx về đấu tranh giai cấp, về quy luật bóc lột giá trị thặng dư, về quy luật tiến hóa của lịch sử… cũng cho thấy nhiều chỗ không đúng và càng không theo kịp cuộc sống ngày nay… Trong khi đó những phân tích của Marx về chủ nghĩa tư bản cho đến hôm nay vẫn có nhiều giá trị thời sự [1].
Một vấn đề vô cùng hệ trọng liên quan đến vấn đề đang bàn : Từ 6 - 7 thập kỷ nay nhiều công trình nghiên cứu khoa học và nhiều học giả có uy tín trên thế giới đánh giá thống nhất : chế độ của Hítle, Stalin và Mao có 3 đặc điểm giống nhau :
1. thực hiện chủ nghĩa tư bản nhà nước - dù tên gọi của nó là gì,
2. tẩy não (chỉnh huấn, học tập, cải tạo...) để mọi người phải trung thành với chế độ,
3. biến con người thành công cụ với đòi hỏi phải phục vụ tuyệt đối chế độ (thông qua hiến pháp, luật pháp, chính sách...).
Chủ nghĩa xã hội quốc gia của Hitler (Đức quốc xã) muốn dựng lên một đế chế của giống người Aryan thượng đẳng, song hiện thân của nó là chủ nghĩa phát-xít Đức, và nó là thủ phạm số 1 gây ra chiến tranh thế giới II.
Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô lúc đầu là cái nôi và là thành trì của cách mạng vô sản thế giới, song tha hóa dần hướng về một đế chế trong quan hệ giữa Nga và các nước trong Liên bang xô viết, cũng như giữa Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu với nhiều rạn nứt, để cuối cùng là tan vỡ.
Ngay từ lúc quy mô nền kinh tế Trung Quốc còn đứng rất xa ngoài tốp 50 nước đứng đầu thế giới, chủ nghĩa xã hội/chủ nghĩa cộng sản của Mao với quan điểm "gió Đông thổi bạt gió Tây" đã mang màu sắc bá quyền. (Trung Quốc không theo chủ nghĩa Marx - Lenin vì chống Liên Xô, mà chỉ một thời nêu là "chủ nghĩa Marx").
Cả 3 chế độ toàn trị nói trên đều có những thảm sát đẫm máu lịch sử sẽ không thể quên, những tội ác hủy hoại đến tận cùng quyền con người.
Trong khi đó những khát vọng thể hiện đặc trưng hay thuộc tính của chủ nghĩa xã hội hiện thực hôm nay xuất phát từ những khát vọng xa xưa của loài người, sớm nhất là từ thời Plato và Aristotle thuộc nền văn minh Hy Lạp. Rồi những giá trị này trở thành những quan điểm chính trị rõ rệt ở thế kỷ thứ 16, nổi bật là Thomas More (The Utopia), và ngày nay vẫn là hoài bão của loài người về các giá trị của tự do, hạnh phúc...
Chủ nghĩa xã hội hiện thực – có thể nói như vậy – hôm nay được thấy trước hết ở các nước Bắc Âu, thuộc phong trào dân chủ xã hội – nghĩa là hoàn toàn không phải là sản phẩm của chủ nghĩa Marx - Lenin. Tiền thân của phong trào dân chủ xã hội ngày nay là Quốc tế II mà Marx và Engels lúc sinh thời đã phê phán rất quyết liệt, cho là cải lương và thủ tiêu đấu tranh giai cấp. Song sang thế kỷ 21 phong trào dân chủ xã hội trên thế giới cũng đang đi vào thời kỳ thoái trào, xã hội loài người đứng trước nhiều vấn đề mới truyền thống và phi truyền thống, những bất công mới, những đòi hỏi mới trong quá trình toàn cầu hóa ngày nay ; đồng thời – như 2 mặt của một đồng xu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức mới…
Vậy chủ nghĩa Marx - Lenin với tính cách là nền tảng lý luận của những gì được gọi là xã hội chủ nghĩa hay định hướng xã hội chủ nghĩa được giảng dạy và thực hiện ở nước ta thực chất là gì ? Lãnh đạo đảng đang đòi hỏi phải bảo vệ, phải trung thành với chủ nghĩa Marx - Lenin nào, nó là những nội dung cụ thể gì ? Nó có thể soi sáng con đường nào cho đảng, dẫn đất nước đi tới đâu ?
Mọi câu trả lời tìm được trong cuộc sống đều dẫn tới kết luận : Đó là một tập hợp lý luận đầy khiên cưỡng, duy ý chí và mâu thuẫn, xong lại có nhiệm vụ xác lập và biện minh cho vai trò độc tôn của Đảng cộng sản, là nền tảng lý luận, là lá cờ giương lên để gò đất nước vào sự lãnh đạo của đảng, v v… đồng thời là nguồn gốc và mầm mống của chế độ toàn trị ở nước ta hôm nay.
Đáng lưu ý là nội dung của chủ nghĩa Marx - Lenin về xây dựng chủ nghĩa xã hội được xác định tập trung trong Tuyên bố Mạc-tư-khoa 1957 của các Đảng cộng sản và CN quốc tế đã có nhiều điểm khiên cưỡng trái hẳn với lý luận của Marx [2]. Cho đến nay chưa một lần nào và bất kỳ ở đâu có thể thực hiện được nội dung xây dựng chủ nghĩa xã hội như đã ghi trong tuyên bố Mạc-tư-khoa. Đơn giản vì những điều đã được xác định này không hiện thực, duy ý chí, nên thất bại [3]. Vì lẽ này các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô – Đông Âu cũ sụp đổ. Cũng vì lẽ này Việt Nam đã phải tiến hành đổi mới 1986, và hiện nay đang bâng khuâng không biết đến hết thế kỷ này sẽ có chủ nghĩa xã hội hay không ?
Bi kịch kép của lý luận Marx là ngoài sự sụp đổ của các nước Liên Xô - Đông Âu cũ, đến nay cũng chưa có một cuộc cách mạng nào thắng lợi đã xảy ra theo lý luận của Marx. Trước khi mất 2 năm, Marx đọc cho con rể mình viết góp ý với đường lối của Đảng công nhân Pháp : cách mạng có thể giành thắng lợi bằng con đường hòa bình, nghĩa là không phải bạo lực, cụ thể là thông qua bầu cử ; 1895 Engels cũng góp ý như vậy với Đảng công nhân Đức, song Lenin không biết những điều này…
Sau khi Marx mất, Engels tập hợp tiếp các tác phẩm của Marx và đã có lúc thô thiển hóa những ý tưởng của Marx thành "chủ nghĩa"… (Việt Phương và một số học giả nước ngoài khác). Việt Phương còn dẫn ra những chỗ sai khác của Marx trong kinh tế chính trị học. Đúng là dù vĩ đại đến mấy, con người bao giờ cũng vẫn là nhân vô thập toàn : Marx là một trong những triết gia và nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất – tích cực cũng như tiêu cực – đối với nhân loại trong thế kỷ 20.
Có một điều cần suy nghĩ : Nếu đồng nhất (1) tư tưởng – lý luận Marx và (2) phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, và (3) chủ nghĩa cộng sản diễn ra dưới dạng các chế độ toàn trị ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa làm một, e rằng sẽ không đúng. Dù tác động qua lại với nhau sâu sắc thế nào, song đây vẫn là 3 thực thể khác nhau. Nên có nghiên cứu khách quan giải đáp thỏa đáng. Với cách đặt vấn đề như vậy, tôi cho rằng :
- Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là một cuộc đấu tranh cách mạng, là một phản ứng tất yếu và rất đáng trân trọng của nhân loại trước thực tế phát triển đẫm máu và mồ hôi người lao động trong chủ nghĩa tư bản cho đến những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, chính phong trào đấu tranh cách mạng này đã góp phần quan trọng làm nên những tiến bộ xã hội của nhân loại trong thế giới hôm nay.
- Chủ nghĩa tư bản nói chung hay là các nước tư bản – cũng có lúc với những đối tượng nào đó ngôn ngữ ta gọi là các nước đế quốc – một phần do đòi hỏi tự thân, một phần do tác động của các trào lưu tiến bộ, trong đó có phong trào cộng sản và công nhân quốc tế - đã có rất nhiều điều chỉnh, nhất là kể từ sau chiến tranh thế giới II đến nay, trên thực tế đã và đang dẫn đầu thế giới trong thực hiện một số giá trị quan trọng.
- Chủ nghĩa cộng sản như đã xuất hiện ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa thuở ban đầu là kim chỉ nam của phát triển, và sau đó một mặt do duy tâm và duy ý chí, mặt khác do tha hóa, dần dần biến thành chế độ toàn trị. Nhìn chung, đó chính là sự diễn biến của một quá trình tha hóa.
- Khi quyền lực của chế độ toàn trị là tuyệt đối với nhiều tội ác đẫm máu, chủ nghĩa Marx - Lenin ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa chỉ còn lại là cái tên (cái bình phong) tuyệt đối, đã dẫn tới sự sụp đổ ở các nước Liên Xô - Đông Âu, và hiện vẫn đang tiếp diễn ở các nước gọi là xã hội chủ nghĩa còn lại.
- Chủ nghĩa cộng sản của phong trào cánh tả bắt đầu từ thời Mao-ít rộ lên một thời ở một số nước đang phát triển song cũng tàn lụi rất nhanh, để lại dĩ vãng đau buồn ở những nơi nó xuất hiện. Phong trào này không có mối liên quan nào đó với chủ nghĩa Marx - Lenin với nghĩa đang được hiểu.
- Chủ nghĩa Marx - Lenin lúc đầu được hiểu và vận dụng như một học thuyết cách mạng dẫn dắt sự phát triển của nước ta – dưới dạng xây dựng chủ nghĩa xã hội, rất tả khuynh, song dần dần bị quyền lực biến tướng thành ý thức hệ bảo vệ chế độ toàn trị. Quyền lực càng được củng cố bao nhiêu thì chủ nghĩa Marx - Lenin càng bị tước bỏ về nội dung bấy nhiêu. Hôm nay chỉ còn lại chức năng là cái mộc và cái khiên của chế độ toàn trị.
- Tất cả những thứ nêu trên đều không phải là hiện thân của lý luận Marx.
- vân… vân…
Nhân kỷ niêm 100 năm Tuyên ngôn cộng sản, hội thảo quốc tế ở Paris đánh giá : Trong toàn bộ tác phẩm của Marx, kể cả trong các thư riêng, đỉnh cao của tư tưởng Marx thể hiện trong quan điểm được nói ra rành rọt, nguyên văn là "Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của mọi người !" - một lần duy nhất được viết ra trong Tuyên Ngôn Cộng Sản. Nhưng tư tưởng này không hề được thực hiện trong bất kỳ một nhà nước cộng sản nào cho đến nay, thậm chí bị vứt bỏ hoàn toàn ! (Xem bản ghi của Việt Phương).
Hơn nữa, trên đời này ngoài kinh thánh được các tín đồ của mình phong tặng sự vĩnh cửu, không có lý luận khoa học nào là vạn năng, bất di bất dịch và trường tồn – trong lĩnh vực khoa học xã hội càng không, vì con người luôn luôn hướng về sự giải phóng chính mình ; mọi thứ "chủ nghĩa" đều phải áp đặt tư duy của chính nó. Chỉ có các giá trị mà con người xây dựng nên được trong quá trình phát triển của chính mình là trường tồn. Song các giá trị này cũng phải thường xuyên phát triển theo sự vận động của thời gian, thời đại…
Đến đây có thể kết luận :
- Cchủ nghĩa Marx - Lenin như đang được hiểu và vận dụng ở nước ta là tam sao thất bản (từ Liên Xô, Trung Quốc), lại được tuyên giáo ta qua các thời kỳ "chế biến thêm" và "chốt lại"... Một thứ chủ nghĩa Marx - Lenin như thế hầu như chỉ còn lại là một bình phong, một nhãn mác, hay là một căn cứ mơ hồ, chỉ để mang lại cái chính danh cho "định hướng xã hội chủ nghĩa" mà Đảng muốn ốp cho đất nước.
- Chủ nghĩa Marx - Lenin như hiện nay ở nước ta chỉ còn làm được chức năng trang trí tư tưởng, một thứ bùa hộ mệnh, một kiểu ngọn cờ… để biện minh cho vai trò độc tôn và quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam hôm nay trong xã hội Việt Nam. Nói trung thành với chủ nghĩa Marx - Lenin dịch ra đúng nghĩa là áp đặt sự thừa nhận trạng thái hoàn toàn bế tắc về lý luận của một đảng chính trị, và tính hư vô của lý tưởng mà đảng theo đuổi.
Tất cả chỉ với mục đích duy nhất : củng cố quyền lực của Đảng, loại bỏ phản kháng, trấn áp bất đồng.
Trong cuộc sống thực của đất nước ta hôm nay, ngoại trừ một số quan điểm sai lầm như chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp, tập trung dân chủ.., rất khó tìm được bất kể một quyết định, hay hành động hoặc một kết quả thực tiễn nào của Đảng cộng sản Việt Nam hôm nay mang nội dung chủ nghĩa Marx - Lenin như đã được xác định trong Tuyên bố Moskva 1957 nói trên, hoặc theo chính các giáo lý giảng dạy. Đơn giản vì những thứ này đều không khả thi. Song lại ngụy biện là vận dụng sáng tạo vào nước ta !
Thực tế này giải thích hiện tượng : xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta do thất bại, nên từ vài thập kỷ nay buộc phải hạ thấp xuống thành "định hướng xã hội chủ nghĩa". Tuy thế đến bây giờ vẫn không xác định rõ được định hướng xã hội chủ nghĩa là cái gì. Đơn giản vì "định hướng" như thế không có thực. Tất cả những gì tốt đẹp định làm và cố tìm cách gói ghém chúng vào khái niệm định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta – ví dụ như công bằng, dân chủ, văn minh, phúc lợi xã hội, chống bóc lột, trách nhiệm của nhà nước… - trên thực tế chỉ là những bánh vẽ, hoặc giả có điểm nào cố sức làm (ví dụ trong y tế, trong giáo dục, trong thực hiện qua loa một số quyền tự do dân chủ nào đó…) kết quả nếu đạt được thường ở mức độ rất thấp và kém rất xa tất cả các nước cùng ở mức thu nhập trung bình (thấp) như nước ta, kém hẳn các nước phát triển.
Sự thật là nước ta hiện nay bị xếp vào nhóm "top" các quốc gia có chế độ chính trị mất tự do dân chủ, vi phạm nhân quyền và bất công nhất trên thế giới. Cho nên càng bàn mãi về định hướng xã hội chủ nghĩa càng bí. Vì vậy tuyên giáo của Đảng đã "chốt" lại hộ để khỏi phân vân mãi chưa ra : Cốt lõi của "định hướng xã hội chủ nghĩa" là bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, giữ vững kinh tế nhà nước là chủ đạo ! Song oái oăm thay chính cái được "chốt" lại này lại là nguồn gốc của chủ nghĩa tư bản thân hữu và tư bản hoang dã đạt tới đỉnh cao ở nước ta 10 năm qua, bây giờ Đảng phải kêu gọi chống. Trong khi đó Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII lại quy kết mầm mống của chủ nghĩa tư bản thân hữu ở nước ta là kinh tế tư nhân ! Phi lý đến thế là cùng. Song chính cái "chốt" lại này khiến nước ta xin mãi hàng chục năm nay sự công nhận là "kinh tế thị trường" mà vẫn không được !
Cuộc sống luôn luôn đòi hỏi giải phóng tư duy khỏi sự kìm kẹp của ý thức hệ, để mở mang trí tuệ phấn đấu cho những giá trị đã được văn minh của nhân loại xác lập.
Nguyễn Trung
*****************
Phụ lục III
Về Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam
Một trong những cái lầm chết người từ Thành Đô đến nay là ta bị "16 chữ và 4 tốt" mê hoặc, cứ tưởng ta giống Trung Quốc, nên có thể đi với nhau, dựa vào nhau, học nhau, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.., mà quên mất ta không hề, không bao giờ, và không thể giống Trung Quốc về bất kỳ phương diện nào, nhất là quên khuấy đi mất trước sau ta chỉ là cái đích của Trụng Quốc !
Xin nhắc lại :
Đảng cộng sản Việt Nam không bao giờ giống Đảng cộng sản Trung Quốc, nên không thể và không được làm theo Trung Quốc ! Đừng bao giờ quên điều chết người này !
Hữu nghị, hợp tác, vân vân… là những chuyện hoàn toàn khác và chỉ thuộc lĩnh vực đối ngoại.
Sự thật đơn giản thế này :
- Trung Quốc của một đế chế hồi sinh luôn luôn cần một đảng độc tài toàn trị cực mạnh để giữ cho Trung Quốc khỏi tan rã thành những nước nhỏ, và để tạo lực chiếm ngôi bá chủ trên thế giới. Mao Trạch Đông đã nhiều lần khẳng định công khai : Đảng cộng sản Trung Quốc là vô thiên vô pháp, trời cũng không so được !
Cứ nhìn những gì đẫm máu đã xảy ra ở Trung Quốc và những hành vi của Trung Quốc trên thế giới từ thời Mao cho đến hôm nay, sẽ thấy quan điểm "vô thiên, vô pháp, mục tiêu biện minh cho biện pháp" của Mao là xuyên xuốt toàn bộ hệ thống chính trị Trung Quốc về đối nội cũng như đối ngoại.
- Nhưng Việt Nam là một láng giềng sát nách lại cần một đảng cầm quyền xây dựng cho quốc gia mình một thể chế chính trị dân chủ lành mạnh, để phát huy hết mức sức mạnh dân tộc và tranh thủ dược cả thế giới hậu thuẫn, qua đó mới có thể tồn tại và trở thành một láng giềng được tôn trong của Trung Quốc ! Việt Nam không làm được như thế thì chắc chắn sẽ chỉ là cái đích Trung Quốc đã bỏ túi.
Hiển nhiên như ban ngày : Xem vậy nhiệm vụ chính trị đối với quốc gia của 2 đảng Trung Quốc và Việt Nam đối nghịch nhau như giữa đen và trắng vậy. Đừng giây phút nào mơ hồ điều này ! Đừng để cho lăng kính ý thức hệ nhìn lệch sự thật này.
Cho nên "16 chữ và 4 tốt" chỉ là ngoại giao Trung Quốc đưa ra mà thôi, phải luôn luôn đối chiếu giữa nói và làm như thế nào. Rất tiếc rẳng "16 chữ và 4 tốt" khi ra đời Trung Quốc lúc ấy mới chỉ làm xong việc chiếm các đảo của ta, hôm nay làm xong việc hình thành một hệ thống căn cứ quân sự trên các đảo này.
Nếu Đảng cộng sản Việt Nam hôm nay nghĩ mình giống Trung Quốc, chọn nhiệm vụ chính trị của mình là học và làm theo Trung Quốc, làm giống Trung Quốc… thì vô lý quá. Ví dụ, Trung Quốc làm Thiên An Môn, chẳng lẽ ta cũng làm Thiên An Môn ? Trung Quốc khủng bố Lưu Hiểu Ba, ta cũng phải bắt chước ? Lại còn học Trung Quốc nhiều thứ chính trị khác, nhờ Trung Quốc đào tạo cán bộ, lại cả cán bộ cao cấp nữa… Làm như thế sẽ chỉ hàm nghĩa là làm cho nước mình sớm trở thành cái đích đạt được của Trung Quốc mà thôi !
Cho phép tôi nói bỗ bã thế này :
- Đảng của Trung Quốc cần bạo quyền để giữ bá quyền trong nước và đối với thế giới, nhiệm vụ chính trị đối với quốc gia của nó là thế.
- Đảng của Việt Nam cần dân chủ phát huy nội lực của nhân dân và giành được vị thế tranh thủ được hậu thuẫn của cả thế giới để làm cho nước mạnh có thể sống được bên cạnh Trung Quốc.
Nghĩa là mỗi đảng này có nhiệm vụ chính trị đối với quốc gia của nó khác nhau như giữa đêm và ngày, giữa nước và lửa vậy !
Nếu đảng của Việt Nam cũng bắt chước đảng Trung Quốc làm bạo quyền, thì giỏi lắm cũng chỉ có thể bạo quyền với chính nhân dân nước mình mà thôi. Nhưng làm như thế, sẽ giúp Trung Quốc bá quyền được nước mình sớm hơn ! Nếu làm như thế, đảng của Việt nam sẽ là đảng gì ? Dân có để cho đảng yên không ? Đảng của Việt Nam có nên như thế không ? Phải nghĩ lại !
Hai đảng này không giống nhau chút nào cả.
Nhất thiết phải tạo dựng được quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu dài với Trung Quốc. Song nếu ta muốn đạt được điều này, nhất thiết phải có nhân cách, bản lĩnh và thực lực ; còn nếu chỉ là kẻ dặt dẹo, là con nghiện, thì hữu nghị và hợp tác chỉ có thân phận kẻ ăn mày và chứ hầu mà thôi !
Nói đến hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc là phải nói đến hữu nghị thật, hợp tác thật, trước sau phải làm bằng được.
Có thể sẽ không phải quá lời : Không ai cần mối quan hệ hữu nghị láng giềng tốt với Trung Quốc bằng Việt Nam ! Cũng chưa nước nào bỏ ra nhiều công sức như thế cho mục tiêu này. Song cũng chưa nước nào phải trả giá đắt như Việt Nam. Đấy là sự thật trần trụi.
Nếu hiện nay hữu nghị - hợp tác với Trung Quốc chưa được là thật, thì ta phải tìm cách tạo ra lực đứng trên đôi chân của ta, để khẳng định được là chính ta, nhờ đó để có thể làm cho hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc trở nên thật.
Còn hữu nghị cửa miệng, hợp tác cửa miệng, sẽ chỉ là lừa nhau mà thôi. Nhìn lại, lừa nhau như thế, cho đến nay hầu như chỉ có ta bị lừa. Làm ngoại giao cả đời, tôi chưa thấy ta lừa nổi Trung Quốc một lần nào, vì nước này lớn quá và xảo quyệt quá để có thể lừa. Vậy chỉ còn con đường tạo ra thực lực và bản lĩnh để có được hữu nghị thật, hợp tác thật với Trung Quốc thì mới sống được ! Thứ này không xin được.
Hay là chọn con đường làm chư hầu ? Xin đừng quên lịch sử quan hệ Việt – Trung hơn một nghìn năm nay !
Không có con đường giả vờ nào khác mà đi cả.
Tất cả cho thấy chỉ còn cách phải đổi đời để sống thật !
Mất nước 80 năm vào tay thực dân Pháp, chỉ vì triều Nguyễn hồi ấy chưa nghĩ đến đổi đời để bước vào cái thế giới đã thay đổi mà sống. Bây giờ có lại được độc lập thống nhất, nhưng trong một thế giới lại thay đổi tiếp. Bài học rút ra từ 80 năm thuộc địa "phải đổi đời để sống" chẳng lẽ hôm nay vô nghĩa đối với Đảng cộng sản Việt Nam hay sao ? Nguy cơ tái diễn cái quán tính lịch sử tệ hại của những thế kỷ đất nước ta đã sống trong cái bóng Trung Quốc chính là ở chỗ này !
Xin nhấn mạnh một lần nữa : Nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm đối với quốc gia của Đảng cộng sản Việt Nam chẳng có một nét mảy may nào giống đảng của Trung Quốc – và đây chính là chỗ lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam hôm nay mơ hồ nhất, mất cảnh giác nhất ! Cứ nghĩ cùng là xã hội chủ nghĩa thì giống nhau và đi được với nhau ! Với những thất bại nghiêm trọng cho đất nước và những hệ quả lâu dài đến hôm nay vẫn chưa tỉnh và chưa sao gỡ ra được !
Mong suy nghĩ kỹ điều này.
Xin nhắc lại tại đây, lãnh đạo đảng thời hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã từng tổng kết : Mọi thắng lợi đạt được, trước hết là nhờ độc lập tự chủ trong tư duy và đường lối, mọi thất bại vấp phải là do mất độc lập tự chủ trong tư duy và rập khuôn Trung Quốc ! Lãnh đạo hồi ấy đã kiểm điểm sâu sắc những bài học đau đớn như cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, chỉnh huấn, rèn cán chỉnh cơ, để cho ý thức hệ mao-it ảnh hưởng đến một số đường lối chính sách… Thậm chí hồi đó đã có người còn muốn nhập khẩu cả cách mạng văn hóa vào Việt Nam, nhưng đã bị bác bỏ quyết liệt… Bộ chính trị hồi đó luôn luôn nhắc nhở phải độc lập tự chủ trong tư duy và cảnh giác với mọi thâm nhập từ bên ngoài và giáo điều, quyết không để cho bên ngoài – dù là ai – can thiệp vào đường lối cách mạng của mình.
Nghị quyết 15 về đẩy mạnh kháng chiến cứu nước của ta và Nghị quyết 9 về đối ngoại là những vị dụ tiêu biểu về kiên định độc lập tự chủ trong tư duy chiến lược và trong hành động, quyết gạt bỏ mọi ảnh hưởng, tác động, áp lực từ bên ngoài, để thực hiện đến cùng mục tiêu chiến lược giành lại độc lập thống nhất đất nước.
Xin kể lại như vậy với các thế hệ lãnh đạo hôm nay để tham khảo.
Muốn hay không, Trung Quốc hôm nay đã trở thành vấn đề của cả thế giới. Thực tế khách quan này đối với Việt Nam còn nghiêm trọng hơn, sát phạt hơn nhiều. Nước ta không lựa chọn được thế giới, nên chỉ còn cách làm sao lựa chọn được vị thế quốc gia phải có để sống được trong thế giới này – trong đó có đòi hỏi không thể thiếu là phải xác lập bằng được quan hệ lâu dài láng giềng tốt với Trung Quốc, có được hữu nghị thật, hợp tác thật. Nhìn rõ và quyết nắm lấy bằng được cái đích này, mỗi người Việt chúng ta – và trước hết là đảng nắm quyền, sẽ biết được và xác định được con đường phải đi và phải làm gì. Trời đất không cho chúng ta thoát khỏi nhiệm vụ này, địa kinh tế và địa chính trị của thế giới hôm nay đặt lên vị trí địa đầu của nước ta số phận như vậy. Nên chi còn cách xác lập lòng tự trọng, thay đổi chính bản thân mình, để bắt tay thực hiện cái quy luật muôn đời : "Có lực mới vực được đạo !".
Người Nhật, người Hàn Quốc, người Israel cho chúng ta nhiều bài học thành công của quốc gia họ xuất phát từ trân quý lòng tự trọng này. Xin cùng nhau suy nghĩ về điều này. Nước ta trước sau rất muốn, rất cần hữu nghị – hợp tác với Trung Quốc, nhưng phải gian khổ tìm cách tạo lập nên, thứ này không thể xin được.
Nói đất nước đã sang trang trong một thế giới đã sang trang, trước hết nên bắt đầu từ suy nghĩ như trên./.
Hà Nội – Võng Thị, 20/09/2017
Nguyễn Trung
*******************
Phụ lục IV
Vê sự hình thành và phát triển xã hội dân sự Việt Nam
Xã hội dân sự ở Việt Nam có quá trình hình thành và phát triển khá đặc biệt, gặp nhiều khó khăn, trắc trở, khi nở rộ, khi lụi tàn. Vai trò của nó đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay rất mờ nhạt.
Xã hội dân sự đã hình thành cùng với sự hình thành nhà nước pháp quyền dân chủ, từ sau Cách mạng tháng Tám. Đây là điều được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Ngay sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 3/9/1945 trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ việc tổ chức sớm Tổng tuyển cử, xây dựng một Hiến pháp dân chủ, đảm bảo cho nhân dân thực hiện quyền tự do dân chủ là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách nhất. Ngay sau đó ngày 8/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 14/SL mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội.
Sau bốn tháng chuẩn bị trong những điều kiện vô cùng khó khăn, ngày 6/1/1946 cuộc Tổng tuyển cử đã được tiến hành trên phạm vi cả nước, trong một bầu không khí dân chủ thật sự. Trong bản báo cáo ngắn gọn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất ngày 2/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định : "Trong cuộc toàn quốc đại hội đại biểu này, các đảng phái đều có đại biểu mà đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu. Vì thế cho nên các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quân dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng lực lượng của toàn dân Việt Nam đã kết thành một khối".
Một thành tựu có tính lịch sử mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại là bản Hiến pháp đầu tiên của nuớc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Nguời là Truởng Ban Dự thảo. Hiến pháp ấy xác định nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là : "bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ". Bản Hiến pháp dân chủ này ghi ngay trong trong Điều 1 : "Nuớc Việt Nam là một nuớc dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nuớc là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt giống nòi, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo".
Đặc biệt Hiến pháp đầu tiên đã khẳng định những quyền cơ bản của công dân Việt Nam : Quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức hội họp, tự do tín nguỡng, tự do cu trú, đi lại trong nuớc và ra nuớc ngoài (Điều 10). Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín... (Điều 11). Quyền tư hữu tài sản được đảm bảo (Điều 12).
Những điều trên đây chứng tỏ rằng giữa xã hội dân sự với nhà nuớc pháp quyền và chế độ dân chủ có quan hệ mật thiết, bổ sung cho nhau. Không thể có cái này mà không có cái kia.
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chỉ công nhận và tôn trọng những quyền cơ bản của công dân, mà còn tạo điều kiện cho mọi công dân thực thi những quyền ấy. Tôi muốn nói đến những Sắc lệnh và những Nghị định của Chính phủ tạo điều kiện cho công dân thực thi quyền tự do lập hội và tự do ngôn luận.
Ngày 22/4/1946 Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến ký Sắc lệnh số 52 quy định việc lập hội. Sắc lệnh này, ngoài chữ ký của chủ tịch Hồ Chí Minh còn có chữ ký của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe và Bộ trưởng Bộ Tài Chính Lê Văn Hiến. Lúc này chưa có Hiến pháp, Sắc lệnh này là hình thức pháp lý cao nhất. Sắc lệnh xác định : "Hội là một đoàn thể có tính cách vĩnh cửu gồm hai hoặc nhiều người giao ước hiệp lực mà hành động để đạt mục đích chung ; mục đích ấy không phải là để chia lợi tức" (Điều l). Định nghĩa trên đây xác nhận "hội" không phải là tổ chức kinh tế để chia lợi tức, cũng không phải là cơ quan Nhà nước, đó chính là tổ chức xã hội dân sự. Sắc lệnh quy định : "Cấm không được lập những hội có mục đích và hoạt động làm đồi bại phong tục, hại đến trật tự chung, hoặc đến sự an toàn của quốc gia" (Điều 2).
Thủ tục thành lập hội rất đơn giản và dễ dàng. Người sáng lập hội phải đủ 21 tuổi, là người xưa nay không có can án thường phạm. Những người sáng lập ra hội phải làm Giấy khai, kèm theo hai bản Điều lệ gửi cho Uỷ ban hành chính Kỳ (tức là Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ), hoặc Bộ Nội vụ. 15 ngày sau khi nhận được Giấy khai và Điều lệ, Ủy ban hành chính Kỳ sẽ phải chuyển cả hồ sơ và phát biểu ý kiến lên Bộ Nội vụ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ xét hồ sơ và nếu cho phép hội thành lập sẽ ký Nghị định cho phép. Sau hạn 45 ngày kể từ hôm phát biên lai, nếu Bộ Nội vụ không trả lời ngăn cấm hội thành lập và hoạt động, thì hội sẽ coi như được thành lập (Điều 3, Điều 4).
Nguyên tắc bắt buộc là phải tôn trọng sự tự nguyện của hội viên : "Không hội viên nào có thể bị cưỡng bách ở trong hội. Tuỳ ý hội viên muốn xin ra bao giờ cũng được, dù hội lập ra có thời hạn nhất định mặc lòng, miễn là hội viên xin ra hội đã thanh toán các trái khoán đối với hội và đã báo trước một tuần lễ" (Điều 7).
Chỉ 2 tuần sau khi công bố sắc lệnh, ngày 6/5/1946 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký Nghị định cho phépNghiệp đoàn khách sạn Việt Nam được thành lập. Đó là hiệp hội sớm nhất được thành lập theo quy định của sắc lệnh số 52 ngày 22/4/1946. Từ đó đến cuối năm 1946, trong vòng 6 tháng có tới 65 hội được thành lập, tính trung bình cứ 3 ngày có thêm 1 hội mới. Các hội tiêu biểu là : hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Nghị định thành lập ngày 5/7/1946, về sau đổi tên thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), đảng Xã hội Việt Nam (30/7/1946), Liên đoàn Công giáo Việt Nam (6/8/1946), Liên đoàn Lao động trí thức thành phổ Đà Nằng (26/8/1946), Hội Công chức Bình Định (11/10/1946), hội Cựu đệ tứ Cứu thế Ái hữu ở Hàm Nghi, Thuận Hóa (được tiếp tục hoạt động), hội Kiến thiện Kiến An ở Hải Phòng (11/10/1946), hội Việt Nam học xá Nhân viên Ái hữu ở Hà Nội (30/8/1946), hội Từ Liêm Văn học Ái hữu làng Phú Mỹ, huyện Từ Liêm (11/10/1946), hội Văn miếu văn học hiệp hội ở Hà Nội (3/7/1946), hội Phụ nữ ca vũ tương tế có trụ sở ở biệt thự Thanh Hà làng Thổ Quan, Ô Chợ Dừa, Hà Nội (3/7/1946), đoàn Nữ hướng đạo Việt Nam trụ sở ở Hà Nội (11/10/1946), hội Hợp thiện ở 125 Phùng Hưng, Hà Nội (5/6/1946 được phép tiếp tục hoạt động), hội Việt - Mỹ thân hữu (5/6/1946 được phép tiếp tục hoạt động).
Quả thật các hội rất đa dạng, từ các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức quần chúng, các tổ chức tôn giáo, văn học nghệ thuật, các tổ chức chính trị, các NGO và phần lớn là các tổ chức Ái hữu. Đây chính là các tổ chức xã hội dân sự, hình thành ở rất nhiều tỉnh thành trong cả nước. Cần nhấn mạnh rằng Đảng Xã hội VIệt Nam được thành lập theo Sắc lệnh số 52 quy định việc thành lập Hội (đảng dân chủ Việt Nam được thành lập từ năm 1944, trước sắc lệnh số 52). Như vậy Đảng cũng chỉ là một thứ hội mà thôi, không phải là một thứ gì thần thánh hóa cả. Suốt trong 6 tháng chỉ có một trường hợp Bộ Nội vụ bác đơn xin thành lập hội của "Quốc gia thanh niên đoàn" ngày 23/5/1946. Bác đơn như vậy cũng có Nghị định đàng hoàng, công khai. Trong tình thế rất khó khăn hiểm nghèo phải có lòng tin tuyệt đối vào nhân dân thì Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mới có thể mạnh dạn phát huy tinh thần dân chủ của mọi tầng lớp nhân dân như vậy.
Trong khi đó hơn 10 năm nay Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thông qua được Luật lập hội, nghe nói đã có đến bản dự thảo lần thứ 14 ! Chẳng lẽ lại sợ xã hội dân sự, sợ dân đến như vậy sao ? Thật vô lý, thật đáng buồn !
Cùng với việc tạo hành lang pháp lý cho nhân dân thực hiện quyền tự do lập hội, Chính phủ đầu tiên cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Ngay từ tháng 9 năm 1945 Chính phủ đã công bố thể lệ mới về việc cho phép xuất bản báo chí. Chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm 1945, Bộ Nội vụ do ông Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng đã ký hàng loạt Nghị định cho phép xuất bản 87 tờ báo (hầu hết là báo tư nhân), báo hàng ngày và hàng tuần bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Hoa. Như vậy trung bình cứ một ngày lại có thêm một tờ báo mới.
Có thể kể ra một số tờ báo tiêu biểu :
- Nhật báo Tự do của ông Trần Khánh Dư xuất bản tại Hà Nội theo Nghị định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày 8/10/1945.
- Tuần báo Văn mới của ông Trương Tửu (8/10/1945), Việt Nam hồn của ông Lê Văn Trương. Báo Dân quyền của ông Lê Văn Thanh.
- Tuần báo Ý Dân của ông Nguyễn Quang Cận (12/10/1945), Tuần báo Nói thẳng của ông Đoàn Phú Tứ (7/12/1945). Nhật báo Nói thật của ông Trịnh Văn Hoàng tại Nam Định (7/12/1945). Tuần báo Văn Hóa của ông Từ Giấy. Tuần báo Bạn gái của bà Nguyễn Thị Lý. Tuần báo Tòa sen của ông Trịnh Giai Ngân. Tờ Đa Minh bán nguyệt san của Nhà chung Bùi Chu, Nam Định (24/11/1945). Đội Cấn tuần báo của ông Nguyễn Nhật Thăng tại Thái Nguyên (22/10/1945). Quyết chiến tuần báo của ông Dương Thế Châu tại Phủ Lý (22/10/1945). Tuần báo Bạn quê của ông Hoàng Tiến Lộc tại Hải Dương (24/10/1945). Báo Dân chủ nhật báo của ông Đỗ Trọng Giang tại Hải Phòng (24/10/1945). Việt Mỹ tạp chí của bán nguyệt san tại Hà Nội (31/10/1945). Hanoi Tribune báo hàng ngày bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp của ông E.de Pollak (17/11/1945). Tờ La République và The Republic của ông Nguyễn Đình Thi (28/9/1945). Tờ L'Entente báo hàng ngày của ông Jean Saumont. Báo Nam Hoa báo hàng ngày bằng tiếng Việt và tiếng Hoa của ông Hồ Dzếnh.
Những số liệu trên đây chứng tỏ xã hội dân sự đã hình thành rõ rệt, tất nhiên dưới dạng sơ khai, chưa hoàn thiện, nhưng đã đóng vai trò thiết yếu trong buổi đầu xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, tự do. Không có xã hội dân sự làm sao có dân chủ, tự do được ?
Cuối năm 1946 kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Từ đó đến năm 1979 nước ta trải qua 3 cuộc chiến tranh ác liệt, chiến tranh chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và chống bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh năm 1979. Chiến tranh kéo dài làm đảo lộn cuộc sống xã hội, hạn chế rất nhiều tự do, dân chủ của người dân. Năm 1950 Việt Nam mở cửa biên giới với Trung Quốc, chúng ta có thêm súng đạn, lương thực để chống thực dân, đồng thời cũng có cả chủ nghĩa Mao nữa. Các sách Bàn về mâu thuẫn, Bàn về thực tiễn là sách gối đầu giường của nhiều nhà lý luận triết học ở ta. Năm 1953 ta tiến hành cải cách ruộng đất, rồi hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo tư sản... Sau đó là các vụ Nhân văn giai phẩm, Chống xét lại, đã gây hận thù sâu sắc trong lòng dân tộc tại Việt Nam. Xã hội dân sự cứ lịm dần, lịm dần...
Đặc biệt sau chiến tranh, chuyên chính vô sản được xác lập trên phạm vi toàn quốc. Hiến pháp năm 1980 long trọng xác nhận điều đó, cùng với việc xác nhận vai trò độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Mô hình Xô Viết được xác lập. Điều 6 Hiến pháp Liên Xô được sửa đổi thành Điều 4 Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Giờ đây khái niệm "Chuyên chính vô sản" ghê sợ không được sử dụng nữa mà thay bằng "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa". Nhưng điều đó không thay đổi gì về bản chất, cơ chế chung "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" được Tổng bí thư Lê Duẩn định nghĩa là "chuyên chính vô sản ở Việt Nam" vẫn giữ nguyên trong Hiến pháp 1992 và Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Do vậy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ là biến thái của chuyên chính vô sản mà thôi. Trong quá trình phát triển đó xã hội dân sự bị xóa bỏ, để nhường chỗ cho xã hội toàn trị (totalitarian society).
Từ đầu thập niên 90, cùng với quá trình dân chủ hóa đất nước, xã hội dân sự từng bước được phục hồi. Nhiều nhà nghiên cứu phân tích quá trình dân chủ hóa trên thế giới đã rút ra kết luận là : quá trình dân chủ hóa ở tất cả các nước đều gắn liền với sự hình thành và phát triển của xã hội dân sự. Không như vậy, quá trình dân chủ hóa sẽ không có nội dung xác thực. Dân chủ hóa về thực chất là chuyển quyền lực chính trị trong tay Nhà nước sang tay nhân dân. Nhân dân phải trở thành chủ thể của quyền lực Nhà nước. Đấy chính là Nhà nước pháp quyền đích thực, Nhà nước của dân, do dân và vì dân, hay như Hiến pháp dân chủ năm 1946 ghi rõ : "tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam". Chính vì vậy chúng tôi nhiều lần khẳng định : "xã hội dân sự, nhà nước pháp quyền và dân chủ là không thể tách rời". Điều đó đòi hỏi phải cải cách chính trị, chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa.
Xã hội toàn trị là đối lập với xã hội dân sự. Khái niệm này chỉ những xã hội thực hiện một sự kiểm soát hoàn toàn đối với toàn bộ đời sống xã hội nói chung và đời sống mỗi con người nói riêng. Hannah Arendt dùng khái niệm này để khái quát các chế độ có bản chất và đặc trưng giống nhau, dựa trên sự thống trị tuyệt đối của Nhà nước đối với các công dân trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Những nét chủ yếu của xã hội toàn trị là :
- Lấy một hệ tư tưởng đặc biệt làm nền tảng cho sự tồn tại của chế độ và hợp pháp hóa quyền tồn tại của nó, toàn thể nhân dân bắt buộc phải coi hệ tư tưởng đó là hệ tư tưởng thống trị toàn xã hội.
- Đặt lợi ích và các quyền tự do của cá nhân phục tùng tuyệt đối lợi ích xã hội, do Nhà nước đại diện.
- Quyền lực chính trị nằm trong tay một đảng duy nhất, đảng cầm quyền và Nhà nước hòa thành một thể thống nhất.
- Xã hội bị Nhà nước hóa triệt để, xã hội dân sự bị xóa bỏ, đặc biệt là cấm các đảng chính trị khác và tất cả các tổ chức xã hội không thuộc quyền lãnh đạo của Đảng cầm quyền.
- Vai trò của pháp luật bị giảm sút, Nhà nước có quyền quyết định mọi cái mà không bị kiểm soát,hoặc hạn chế bởi luật pháp, không có tam quyền phân lập để hạn chế sự lạm quyền, nhà nước pháp quyền bị xóa bỏ.
- Thực hiện độc quyền ngôn luận và thông tin ; mọi phương tiện thông tin và báo chí đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bộ máy Đảng và Nhà nước.
- Lấy bạo lực làm phương tiện hàng đầu của sự thống trị ; sử dụng khủng bố chính trị như một công cụ chính trị đối nội.
Trái ngược với xã hội toàn trị là xã hội dân sự. Có vô vàn định nghĩa khác nhau về xã hội dân sự. Nhưng theo tôi, định nghĩa của học giả Nguyễn Khắc Viện và Nguyễn Kiến Giang trong cuốn Từ điển Xã hội học năm 1994 đã làm nổi bật được cái cốt lõi của xã hội dân sự (được gọi là xã hội công dân). Đó là xã hội trong đó người dân là chủ thể của xã hội và do đó cũng là chủ thể của nhà nước, Nhà nước phục tùng lợi ích của công dân, mà không phải ngược lại.
Định nghĩa này quán triệt được quan niệm mà K. Marx đã nêu ra trong Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel về mối quan hệ giữa xã hội dân sự với Nhà nước : "Nhà nước chính trị không thể tồn tại nếu không có cơ sở tự nhiên là gia đình và cơ sở nhân tạo là xã hội dân sự. Chúng là conditio since qua non (điều kiện cần thiết) của Nhà nước. Nhưng (ở Hegel) điều kiện biến thành cái chịu điều kiện, cái quy định biến thành cái bị quy định, cái sản sinh biến thành sản phẩm của sản phẩm của nó". Như vậy "Mối quan hệ thật sự ở đây đã đặt lộn ngược. Ở đây điều giản đơn nhất được miêu tả thành rối rắm nhất ; còn điều rối rắm nhất lại được miêu tả thành điều giản đơn nhất, cái phải là điểm xuất phát thì trở thành kết quả thần bí, còn cái lẽ ra phải có tư cách là kết quả hợp lý thì lại trở thành điểm xuất phát thần bí".
Trên đây là K.Marx phê phán quan điểm của Hegel. Rất tiếc rằng, ngày nay một số người tự nhận là theo chủ nghĩa Marx, nhưng lại tuyệt đối hóa vai trò của Nhà nước, biến Nhà nước thành chủ thể, còn công dân chỉ biết phục tùng Nhà nước chuyên chế. Thật ta, trong mọi xã hội đều có hai cực : Công dân và Nhà nước. Ngay cả trong xã hội dân sự, cũng không thể không có Nhà nước đứng ra điều khiển và quản lý các công việc xã hội, nhưng tất cả những điều đó đều nhằm thực hiện đầy đủ các quyền của công dân, các quyền của con người, trong khi đòi hỏi các công dân thực hiện những nghĩa vụ của mình với nhà nước, cũng tức là đối với toàn xã hội. Vai trò của Nhà nước trong xã hội dân sự khác về nguyên tắc trong xã hội cực quyền, ở đó lợi ích và quyền của con người bị đặt xuống dưới và hy sinh cho lợi ích và các quyền của nhà nước chuyên chính.
Xã hội dân sự là một thành tựu to lớn của sự phát triển lịch sử của loài người. Xã hội dân sự là một cơ thể phát triển không ngừng và hoàn thiện không ngừng. Những yếu tố cấu thành của xã hội ấy là : Sở hữu của các công dân với tư cách cá nhân, các quyền tự nhiên của con người và các quyền tự do cá nhân của công dân, chế độ dân chủ về mặt chính trị và nhà nước pháp quyền. Bản thân các yếu tố ấy cũng không ngừng phát triển và hoàn thiện, cùng với sự phát triển và hoàn thiện của toàn bộ hệ thống xã hội dân sự.
Ngày nay, trong quá trình dân chủ hóa, ngày càng nhiều người nhận thức sâu sắc rằng chỉ có thể xây dựng chế độ dân chủ trên cơ sở xã hội dân sự. Chừng nào xã hội dân sự chưa vững vàng thì chừng đó dân chủ vẫn chưa được bảo đảm. Ngược lại, dân chủ hóa là một trong những động lực chính để xây dựng xã hội dân sự.
Việc chuyển từ xã hội cực quyền sang xã hội dân sự ở nước ta gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Nhưng đây là quá trình tất yếu không thể đảo ngược được.
Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 2017
Phạm Khiêm Ích
[1] Tham khảo thêm : Nguyễn Trung, "Dòng đời", quyển một, chương 5, tr. 226 – 246.
[2]Tham khảo : Declaration of communist and workers' Parties of the socialist countries meeting in Moscow, USSR, 1957
https://www.marxists.org/history/international/comintern/sino-soviet-split/other/1957declaration.htm
[3] Xin lưu ý : Do chống Liên Xô từ đầu, nên Đảng cộng sản Trung Quốc không có chủ nghĩa Marx - Lenin, mà chỉ có "Chủ nghĩa Marx", chủ yếu chỉ để biện minh cho những chuyên chinh của Đảng cộng sản Trung Quốc thời kỳ đầu. Ngay sau khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập, Trung Quốc hầu như chỉ có chủ nghĩa Mao. Và ngày nay ai không hiểu "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" là gì ?
Nguồn : viet-studies, 27/09/2017
Trong một bức thư ngỏ đề ngày 09/12/2015, gửi Bộ Chính trị, cựu Đại sứ Nguyễn Trung và 126 người khác đã yêu cầu đổi tên đảng, tên nước, từ bỏ chủ thuyết Mác - Lênin và thay đổi triệt để vì tương lai dân tộc.
Bầu cử ở Việt Nam
Lần này, trước Hội nghị trung ương 6, ông Nguyễn Trung lại cho phổ biến kiến nghị tâm huyết kêu gọi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện cải cách chính trị để thành lập một thể chế mới đa đảng.
Vì suốt đời phục vụ Đảng cộng sản nên cách nhìn của ông Trung về đa đảng chính trị còn rất nhiều giới hạn cần được góp ý.
Về nội dung kiến nghị
Theo ông Nguyễn Trung thì Đảng cộng sản Việt Nam đã sai lầm trong nhận thức giữa hai nhiệm vụ chính trị là cách mạng và phát triển đất nước.
Cho nên 42 năm qua từ một đảng cách mạng, đảng đã biến chất trở thành đảng cai trị gây bao tai ương cho đất nước. Nay đảng phải cải cách, phải trở thành một đảng chính trị với Cương lĩnh và Điều lệ mới, trở thành đảng của dân tộc.
Muốn thế đảng cần thực hiện ba bước :
- Thứ nhất, đảng tự thay đổi, tự cải cách về đường lối, về tổ chức và về phương thức hoạt động, để có khả năng xây dựng và triển khai chiến lược cùng phương thức và kế hoạch thực thi cải cách trong cả nước ;
- Thứ hai, sửa sọan một hiến pháp đa đảng cho Việt Nam ;
- Thứ ba, thông qua hiến pháp và xây dựng một thể chế chính trị mới đa đảng.
Đầu tiên là về hai khái niệm 'đảng' và 'hội'
Khái niệm đảng của dân tộc mang màu sắc đảng của toàn dân, như đảng cộng sản xưa nay vẫn cố tình ngộ nhận, rồi dẫn tới chỗ cho giới bất đồng chính kiến là phản lại đất nước, lại dân tộc.
Thực ra, đảng chính trị chỉ là tập hợp của những người có cùng chung chính kiến, đồng thuận với nhau về chiến lược, đường lối, chính sách nhằm thực hiện mục tiêu nhất định.
Bởi thế mới có đảng của người cộng sản, người cộng hòa, người xã hội, người công nhân,… đảng chính trị cũng bảo vệ lý tưởng và quyền lợi của những nhóm người mà đảng đó đại diện.
Các đảng chính trị thuyết phục cử tri tin và trao quyền lực cho đảng thực hiện các chính sách quốc gia.
Các đảng chính trị vì dân, sẽ do dân chọn lựa, và như thế họ sẽ là của dân.
Còn hội là tổ chức phi chính trị.
Khái niệm đảng cũng chỉ là "một thứ hội trong xã hội dân sự" mà ông Phạm Khiêm Ích trong Phụ lục IV đưa ra và ông Nguyễn Trung dùng trong kiến nghị cũng là khái niệm của cộng sản.
Hội chỉ là tập hợp của những người có cùng chung mục đích dân sự nhất định, các thành viên trong một hội có thể có nhiều chính kiến khác nhau, thậm chí đối chọi nhau.
Hội phải là tổ chức phi chính trị. Hội không có vai trò cạnh tranh quyền lực chính trị. Vì thế hầu hết các hội đều độc lập và trung lập với các đảng chính trị.
Câu hỏi về thể chế được đặt ra tại Việt Nam cùng quan hệ giữa xã hội và bộ máy chính trị
Một số hội có ít nhiều liên hệ với các đảng chính trị, như công đoàn thường ủng hộ các đảng chính trị có khuynh hướng bảo vệ cho người công nhân.
Luật hội đoàn khác hẳn với luật đảng chính trị, như ở Úc chỉ cần ba người có thể lập hội, còn đảng chính trị phải có ít nhất 500 đảng viên.
Đa đảng hình thức
Từ sai lầm về khái niệm ông Nguyễn Trung đề nghị : "chỉ nên hình thành thêm hai đảng tham chính mới như đã từng có trong thời đầu của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đó là đảng Dân Chủ và Đảng Xã hội... Nếu có nhiều đảng nữa sẽ rối và không cần thiết."
Đa đảng theo khái niệm ông Nguyễn Trung là đa đảng hình thức.
Còn đa đảng chính trị, các đảng phải thực sự bình đẳng cạnh tranh và cử tri sẽ sử dụng lá phiếu để chọn lựa đảng nào thích hợp nhất với lý tưởng và quyền lợi của mình.
Về Quốc hội lập hiến
Từ những sai lầm bên trên ông Nguyễn Trung quên hẳn vai trò của Quốc Hội Lập Hiến, khi ông giao cho đảng cộng sản sọan một hiến pháp mới cho Việt Nam.
Quốc kỳ Việt Nam tại Hà Nội
Quốc Hội Lập Hiến là thủ tục rất cần thiết trong quá trình xây dựng nền tảng dân chủ. Tốt nhất Quốc Hội Lập Hiến phải qua một cuộc bầu cử tự do.
Đó là nơi các dân biểu đại diện cho nhiều thành phần khác nhau trong xã hội một cách chính danh ngồi lại để soạn ra một bộ luật mẹ áp dụng cho tương lai Việt Nam.
Để có giá trị thực sự Quốc Hội Lập Hiến cho tương lai Việt Nam cần có tiếng nói đại diện của người Việt khắp năm châu.
Và để tránh việc lạm quyền Quốc Hội này sẽ giải tán ngay sau khi hiến pháp mới đã được thông qua.
Vai trò cải cách của Đảng cộng sản
Mâu thuẫn lớn nhất là kiến nghị ông Nguyễn Trung giao cho đảng cộng sản vai trò chủ động trong việc cải cách, nhưng chính ông đã nhận ra :
"Đảng cộng sản Việt Nam cho đến nay chỉ có thất bại trong mọi nỗ lực cải cách, dù đấy chỉ là những cải cách ở quy mô các vấn đề từng phần hay cục bộ, ví dụ : cải cách giáo dục, cải cách hành chính, tinh giảm biên chế…"
Ông viết rất rõ : "…cho đến nay đảng đã thực hiện nhiều biện pháp chống lại cải cách : Điều 4 Hiến pháp, 19 điều cấm, nghị quyết 244, NQ TƯ 4 (30-10-2016) với 27 "biểu hiện" phải chống (đặc biệt là nhóm ba - biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ)"
Mâu thuẫn cho thấy ông Trung là người hết sức lý tưởng, vẫn tin vào Đảng cộng sản và lạc quan đến phi thực tế.
Sức ép quần chúng
Năm 2006 trước khi Việt Nam gia nhập WTO cựu Đại sứ Nguyễn Trung cũng đã lạc quan xem đó là "cơ hội vàng, vận hội mới cho dân tộc".
Trên thực tế chỉ thiểu số cầm quyền tạo các nhóm lợi ích tước đoạt mọi "cơ hội vàng" mà lẽ ra cần được chia sẻ đồng đều cho người dân.
Khi "cơ hội vàng" đã hết các nhóm lợi ích trong đảng quay ra đánh nhau giành quyền lực và quyền lợi bè nhóm.
Thực tế cho thấy các bè nhóm lợi ích trong Đảng cộng sản sẽ không bao giờ từ bỏ độc quyền chính trị nếu không có một sức ép đủ mạnh từ phía người dân.
Sức ép này sẽ tác động lên thành phần muốn thay đổi bên trong và bên trên của đảng. Đây chính là thành phần mà tuyên giáo lên án là tự diễn biến, tự chuyển hóa, trong diễn biến hòa bình.
Khi sức quần chúng đủ mạnh và xác suất cách mạng thành công cao thì thành phần này sẽ công khai xuất hiện.
Trong hoàn cảnh nhà nước nợ ngập đầu, vay không được, chi nhiều thu ít, tận thu bị dân chúng phản kháng, như vụ chống phí BOT, vụ chống tăng thuế trị giá gia tăng VAT,…cuộc cách mạng Diễn biến hòa bình có thể sẽ xảy ra bất cứ lúc nào...
Nguyễn Quang Duy (Melbourne, Úc)
Nguồn : BBC, 06/10/2017
Một cựu Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Đức và nguyên cộng tác viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa công bố một 'kiến nghị tâm huyết' trong đó kêu gọi đích danh Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng ra quyết định 'khép lại quá khứ', 'huy động toàn đảng' và 'dựa vào trí tuệ nhân dân cả nước' tiến hành 'một cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn'.
Kiến nghị của cựu Đại sứ Nguyễn Trung kêu gọi đích danh Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ra quyết định tiến hành một cuộc cải cách chính trị 'không thể trì hoãn'.
Kiến nghị do ông Nguyễn Trung, nguyên tổng thư ký Hội đồng Kinh tế đối ngoại của Chính phủ, cựu trợ lý của Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, đề ngày 24/9 và công bố trên truyền thông hôm 27/9/2017 đề nghị đảng đang cầm quyền duy nhất ở Việt Nam hiện nay 'lấy lại tên cũ' là đảng Lao động và tuyên bố 'trước quốc dân, đồng bào và quốc tế' quyết định đổi mới thành một 'đảng yêu nước của dân độc và dân chủ'.
Người từng là thành viên Tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Phan Văn Khải, cộng tác viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng chính phủ Việt Nam, bên cạnh nhiều nội dung quan trọng trong văn bản gồm 42 trang với ba phần lới và bốn phụ lục, cũng đề nghị Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam ngay sau khi có các tuyên bố cải tổ 'trả lại tự do' cho tất cả tù chính trị 'bị tù vì bất đồng chính kiến với chế độ chính trị'.
Đồng thời kiến nghị đề nghị Đảng tiến hành cuộc vận động lớn trong cả nước nhằm thực hiện 'hòa giải và đoàn kết dân tộc', tạo ra 'đồng thuận' toàn dân tộc nhằm tiến hành 'thắng lợi cuộc cải cách đổi đời đất nước'.
Theo bản kiến nghị có tựa đề "Cùng nhau mở con đường cải cách, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới. Một kiến nghị tâm huyết', cuộc cải tổ đảng và cải cách chính trị có ba giai đoạn. Giai đoạn một là đảng tự thay đổi, 'cải cách trước về đường lối, tổ chức và phương thức hoạt động', mà trong đó đảng chuyển sang hoạt động theo phương thức 'đảng cầm quyền' trong thể chế chính trị 'pháp quyền dân chủ' (coi như không còn 'điều 4' trên thực tế), lấy xã hội dân sự làm 'địa bàn hoạt động chủ yếu' v.v... duy trì cải cách nhưng lưu ý không để tạo ra 'khoảng trống quyền lực'.
Giai đoạn hai theo kiến nghị là lúc 'thực hiện tiếp' những bước cải cách cụ thể 'đã đề ra trên cơ sở 'giữ bộ khung cũ' của toàn hệ thống hành chính sự nghiệp với 'những thay đổi cần thiết' về tổ chức, cơ chế hoạt động, nhân sự' v.v... và đặc biệt là 'ban hành dự thảo Hiến pháp mới' huy động 'toàn dân tham gia xây dựng', ban hành dự thảo và thông qua luật về 'các đảng phải chính trị và các tổ chức đoàn thể xã hội' nhằm xây dựng thành 'bộ luật chính' về sau làm 'cơ sở pháp lý' cho hoạt động của 'mọi đảng phái chính trị và đoàn thể xã hội'.
Ông Nguyễn Trung có trên 40 năm làm việc trong ngành ngoại giao của Việt Nam và có 52 năm tuổi đảng.
Giai đoạn cuối cùng, theo tác giả kiến nghị Nguyễn Trung là 'thông qua Hiến pháp mới', đồng thời thực hiện tiếp 'mọi bước đi của cải cách' xây dựng hay hoàn thiện 'những luật pháp và thể chế kinh tế' theo Hiến pháp và hệ thông pháp luật mới, trong đó nhấn mạnh 'thước đo nội dung và tiến triển' của cải cách ở giai đoạn này là 'thành tựu phát triển kinh tế' và 'sự ra đời của thể chế chính trị'.
Tham khảo mô hình và đội ngũ chuẩn bị
Theo ông Nguyễn Trung, để tiến hành cuộc cải tổ, cải cách chính trị quan trọng này, Đảng Cộng sản Việt Nam nên tham khảo một số mô hình, tác giả viết :
"Nên tham khảo mô hình thế chế chính trị hay nhà nước và bộ máy hành chính sự nghiệp của Singapore, Nhật và Hàn Quốc để vận dụng vào nước ta theo tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập 02-09-1945, Hiến pháp 1946 và cách tổ chức quốc hội 1946, được bổ sung những nét cập nhật phù hợp với đòi hỏi của đất nước và bối cảnh quốc tế hiện tại. Nét đặc trưng chung của 3 mô hình này (Singapore, Nhật, Hàn Quốc) là tính tập trung để tạo ra khả năng quyết đoán cao, đồng thời bảo đảm được dân chủ, tính công khai minh bách và trách nhiệm giải trình.
"Trên cơ sở những bước tiến mới nói trên, tiến hành xây dựng một thể chế chính trị hay nhà nước đa nguyên, hình thành một số đảng chính trị mới theo Hiến pháp mới và Luật về đảng phái chính trị và các tổ chức xã hội dân sự như đã được thông qua ở giai đoạn II.
"Nên xây dựng các lý lẽ thuyết phục, và được bảo đảm bằng bộ luật về các đảng phái chính trị và đoàn thể nói trên được thiết kế phù hợp, để hình thành thêm các đảng chính trị mới có thể tham chính thông qua Luật bầu cử dân chủ tự do và theo quy định của Hiến pháp".
Kiến nghị cho rằng cần 'chuẩn bị sớm' một chiến lược cải cách để được 'thông qua sớm nhất có thể' tại một đại hội đảng 'toàn quốc bất thường' để sau đó 'triển khai thực hiện', tác giả viết :
"Nhưng ngay sau khi Bộ Chính trị đã đi tới được quyết định phải tiến hành cải cách, Bộ Chính trị nên có ngay một tuyên bố trình bày rõ quyết định chiến lược này, kêu gọi cả nước và toàn đảng đoàn kết và phát huy tinh thần yêu nước đem hết tâm huyết tham gia sự nghiệp cách bằng mọi hành động và việc làm thiết thực, dấy lên trong cả nước một hào khí mới, làm cho nhân dân và từng đảng viên ngay từ ngày đầu tiên cảm nhận được sự nghiệp cải cách này là trách nhiệm của chính mình, chủ động làm mọi việc có thể góp phần tham gia của mình".
Về hạt nhân nhóm được gọi là 'adhoc' có nhiệm vụ giúp đảng cộng sản 'xây dựng nội dung chiến lược' cải tổ, cải cách, người từng có trên 40 năm hoạt động trong ngành ngoại giao và có 52 năm tuổi đảng, cho hay và đề nghị :
"Trong quá trình chuẩn bị Đại hội XII tôi đã kiến nghị thành lập nhóm ad hoc gồm các đồng chí Bùi Quang Vinh [cựu Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, nguyên Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng], Vũ Đức Đam [Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng Phó Thủ tướng Chính phủ] và Phạm Bình Minh [Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao] giúp đảng xây dựng nội dung Đại hội theo hướng xúc tiến cải cách nói trên. Nay tôi xin đề nghị một lần nữa : Bộ Chính trị nên quyết định lập sớm một nhóm như thế giúp đảng bắt tay ngay vào việc chuẩn bị và xây dựng chiến lược cải cách".
Lãnh đạo đổi mới và cải tổ đa đảng
Trong một văn bản được trình bày công phu 'không kém gì' một báo cáo chính trị, bản kiến nghị gồm 42 trang của tác giả Nguyễn Trung đề cập rất nhiều vấn đề, ý tưởng, được xắp sếp khá dày đặc, có luồng lạch, lôgíc, mang tính hệ thống, đặc biệt trong đó, ông dành một thời lượng nhất định đề cập hai nội dung giúp trả lời câu hỏi ai sẽ là hạt nhân, lãnh đạo cuộc đổi mới được gọi là 'cuộc đổi đời của đất nước' và nên cải tổ chính trị, đặc biệt là tái cấu trúc nền chính trị đảng phái mà hiện nay là 'độc đảng, toàn trị' cụ thể như thế nào.
Nhưng trước hết, về 'cái đích phải tới' của cải tổ, cải cách, bản kiến nghị có đoạn viết : "Nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại này của đất nước hôm nay đặt lên vai Đảng Cộng sản Việt Nam và đội ngũ lãnh đạo không phải là đập vỡ "bình" hay sửa "bình". Cả hai việc này đều không thể, không cần thiết, và đều không phải là giải pháp, thậm chí có thể nguy hiểm cho đất nước.
"Nhiệm vụ lịch sử không được phép tránh né của đảng hôm nay là phải cất cái "bình" hiện nay vào nơi trang trọng nhất có thể trong bảo tàng - phần lịch sử Việt Nam cận đại, để đánh dấu sự kết thúc con đường đất nước đã đi từ năm 1930 đến hôm nay, để từ đây thông qua cải cách thể chế chính trị mở ra một thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam độc lập thống nhất trong thế giới đã sang trang".
Theo kiến nghị, cuộc 'cải cách đổi đời đất nước' mang tầm vóc và nội dung quan trọng, 'bao quát toàn bộ đời sống mọi mặt của đất nước', làm nhiệm vụ 'thay đổi triệt để toàn bộ' hệ thống chính trị - nhà nước của quốc gia hiện có.
Về vai trò của chủ thể hay hạt nhân lãnh đạo cuộc cải tổ, cải cách quan trọng ấy, trong khi và mặc dù viết rằng 'cải cách phải là sự nghiệp của toàn dân' với một nhấn mạnh 'trước hết là thay đổi chính từng người dân từ đây thành người chủ của đất nước', tác giả bản kiến nghị nêu rõ quan điểm của mình :
"So sánh tương quan các lực lượng chính trị - kinh tế - xã hội ở nước ta trong tình thế cấp bách hiện nay, một lực lượng chính trị đủ mạnh và có sẵn như thế chỉ có thể là Đảng Cộng sản Việt Nam đã chuyển đổi thành đảng của dân tộc. Đây cũng là điều lý tưởng nhất có thể lúc này để tiến hành cải cách trong hòa bình theo tinh thần khép lại quá khứ và không hồi tố, vì thời gian và nguy cơ không chờ đợi !".
Về tái cấu trúc, cải tổ hệ thống chính trị trong đó có hệ thống đảng phái từ độc đảng cầm quyền sang 'đa đảng tham chính', Nguyễn Trung nhấn mạnh và lưu ý : "Ở nước ta, hợp lý nhất có lẽ chỉ nên hình thành thêm hai đảng tham chính mới như đã từng có trong thời đầu của nước Việt NamDCCH - đó là đảng Dân Chủ và Đảng Xã hội - song phải là hai đảng có thực quyền và bình đẳng trước pháp luật như mọi đảng khác theo Luật. Nếu có nhiều đảng nữa sẽ rối và không cần thiết.
"Hiến pháp và các bộ Luật liên quan cần được thiết kế sao cho bảo đảm nghiêm túc yêu cầu : thực hiện đa nguyên, nhưng bảo đảm không quá ba đảng tham chính trong tranh cử và bầu cử ; thủ lĩnh của đảng có đa số ghế lớn nhất trong Quốc hội sẽ là tổng thống với chức năng là người đại diện quốc gia cao nhất và có quyền lực cao nhất cả nước ; thủ tướng là người trực tiếp điều hành nội các (chính phủ) do tổng thống bổ nhiệm và được quốc hội chấp thuận ; với điều kiện của nước ta, nên thực hiện chế độ một viện duy nhất là quốc hội ; tuy nhiên nên thực hiện chế độ bầu cử từng phần so le để bảo đảm sự hoạt động liên tục của quốc hội (không bị gián đoạn qua mỗi kỳ bầu cử).
"Tiến hành bầu cử thành lập hệ thống nhà nước theo Hiến pháp mới, nên mời sự giám sát quốc tế cuộc bầu cử để nâng cao uy tín của chính thể mới, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ hay hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế".
Trân trọng đề nghị Tổng bí thư
Sau khi tóm lược nét chính yếu của cải cách được cho là gồm năm nội dung lớn, gồm thứ nhất cải cách chính trị sao cho nước Việt Nam là của người Việt Nam, theo đúng tinh thần cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 với các tiêu chí được nhấn mạnh là dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc, thứ hai lấy kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự làm ba trụ cột, thứ ba xây dựng thể chế chính trị là một nhà nước pháp quyền dân chủ, rạch ròi tam quyền phân định, thứ tư là bảo đảm các quyền công dân, quyền con người phổ quát giúp mang lại 'động lực cải cách' và thứ năm là nhấn mạnh toàn bộ đảng phái chính trị, hiệp hội phải hoạt đ trong khuôn khổ xã hội dân sự, hiến pháp và pháp luật, tác giả Nguyễn Trung viết trong phần kết luận kiến nghị :
"Trên đây chỉ là một gợi ý sơ bộ để tham khảo. Tôi tin rằng nếu lãnh đạo đảng huy động trí tuệ cả nước xây dựng chiến lược cải cách đưa đất nước đi vào thời kỳ phát triển mới, chắc chắn đất nước sẽ có được một chiến lược cải cách của toàn dân và nhất định thành công.
"Tới đây tôi trân trọng đề nghị : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, với trách nhiệm là người giữ cương vị cao nhất trong đảng, yêu cầu Bộ Chính trị ra quyết định khép lại quá khứ, đoàn kết toàn Bộ Chính trị và toàn đảng, huy động toàn đảng và dựa vào trí tuệ của nhân dân cả nước quyết tiến hành cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn này. Đảng phải thay đổi thành đảng của dân tộc để có thể dấy lên cuộc cải cách của toàn dân cứu nước và đổi đời đất nước !
Tác giả kiến nghị, ông Nguyễn Trung (thứ hai từ trái sang) đã tham gia nhiều nhóm kiến nghị của nhân sỹ, trí thức cao cấpở Việt Nam kêu gọi Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam cải tổ, thay đổi.
"Đây cũng là con đường cứu đảng thành đảng của dân tộc, mãi mãi đi với dân tộc. Thời gian không chờ đợi. Mọi thách thức trong hay ngoài đang uy hiếp đất nước không biết chờ đợi !
"Trước những thách thức nghiêm trọng của quốc gia, tôi cầu mong cả nước - đặc biệt là những đảng viên muốn cứu đảng để cứu nước - hãy lên tiếng về vận mệnh đất nước, cùng nhau làm tất cả mọi việc vì đất nước với sự giác ngộ cao nhất về cuộc cải cách phải tiến hành này !"
Bản kiến nghị của tác giả Nguyễn Trung được công bố chỉ vài tuần trước Hội nghị Trung ương 6 của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được dự kiến diễn ra trong tháng 10/2017.
Trước đó, cũng có một sự kiện khác đáng lưu ý là việc một Đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản, giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, cựu thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, đã tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản và tuyên bố muốn đi tìm một "phương thức đấu tranh mới".
Trong tuyên bố hôm 02/9/2017, giáo sư Tương Lai viết "Những gì đã cũ kỹ, hư hỏng trong bộ máy quyền lực duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ sẽ bị lật nhào" và rằng "vấn đề chỉ còn là thời gian".
Ông Tương Lai không phải là trường hợp đảng viên cao cấp rời bỏ hàng ngũ của đảng Cộng sản, một trong các trường hợp khác là ông Lê Hiếu Đằng, cố Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã tuyên bố ra khỏi đảng ngày 04/12/2013, một thời gian trước khi qua đời.
Liên quan bản kiến nghị hôm 24/9/2017 của Nguyễn Trung, được biết vài năm trước đây, tác giả kiến nghị cũng đã có tên trong một bức Thư ngỏ đề ngày 09/12/2015 gửi Bộ Chính trị, trong đó những người chấp bút và ký tên đã kêu gọi Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam 'đổi tên đảng và tên nước'.
Quốc Phương
Nguồn : BBC, 01/10/2017