Nguyễn Văn Vĩnh dịch "Bệnh tưởng" của Molière
Năm 2022, đại văn hào Pháp Molière tròn 400 tuổi và cũng đánh dấu 102 năm vở kịch nói đầu tiên được diễn tại Việt Nam. Vở hài kịch Bệnh tưởng (Le Malade imaginaire) của Molière, được ông Nguyễn Văn Vĩnh (15/06/1882 - 02/05/1936) dịch trước đó, đã được diễn tại Hà Nội ngày 25/04/1920, mở đường hình thành nghệ thuật kịch nói ở Việt Nam.
Diễn viên đóng vở kịch Bệnh tưởng (Le Malade imaginaire) của đại văn hào Pháp Molière ngày 25/04/1920 nhân kỉ niệm một năm thành lập Hội Khai-trí tiến-đức (AFIMA), tại Nhà hát thành phố (nay là Nhà hát lớn), Hà Nội, Việt Nam. Ảnh in trong bài viết "Molière chez les Annamites", La Revue Indochinoise, số 5-6, tháng 05-06/1920. © BNF / RetroNews.fr
Trong những thập niên đầu thế kỷ XX, chữ quốc ngữ trở thành công cụ nhanh nhất và hiệu quả nhất để du nhập những kiến thức mới vào Việt Nam và Nguyễn Văn Vĩnh ý thức rõ được điều này. Cùng với nhiều học giả đương thời (Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố trong "Tứ Hổ Tràng An"), Nguyễn Văn Vĩnh tìm thấy trong văn học Pháp nguồn khai thác vô hạn để làm giầu văn học Việt Nam, cũng như để khuyến khích người dân học quốc ngữ, mà ông từng khẳng định : "Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ quốc ngữ !"
Chọn hài kịch để dễ phổ biến chữ quốc ngữ
Sau thời gian đầu chọn những tác phẩm kinh điển của Pháp để dịch sang tiếng Việt, như những tiểu luận của Rousseau (Du contrat social - Bàn về khế-ước xã-hội), Montesquieu (L’Esprit des Lois - Vạn-pháp tinh-lý) hoặc Helvétius (Le Traité de l’esprit), Nguyễn Văn Vĩnh hiểu ra rằng những tác phẩm đó quá cao siêu, vượt trình độ của phần đông dân chúng. Ông chuyển hướng dịch những tác phẩm văn học bình dân, dễ hiểu hơn. Và táo bạo hơn, Nguyễn Văn Vĩnh đưa ra ý tưởng "diễn kịch", một cách để khẳng định khả năng diễn tả của chữ quốc ngữ trong những loại hình nghệ thuật mới.
Bệnh tưởng, do Nguyễn Văn Vĩnh dịch, đã được trình diễn ngày 25/04/1920 tại Nhà hát thành phố (Nhà hát lớn Hà Nội), nhân kỷ niệm một năm ngày thành lập Hội Khai-trí tiến-đức (AFIMA). Phó giáo sư Nguyễn Phương Ngọc (1), giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á (IrAsia), đại học Aix-Marseille, phân tích ý nghĩa sự kiện này :
"Vở kịch đó có cái hay ở điểm đây là lần đầu tiên một vở kịch, gọi là "thoại kịch", có nghĩa là kịch nói, chứ không phải hát, được trình diễn. Người diễn mặc trang phục theo kiểu Châu Âu, đi lại, nói năng như người bình thường. Ngoài ra, những người diễn không phải là diễn viên chuyên nghiệp, vì lúc đó đâu có diễn viên chuyên nghiệp, cho nên các vai nam đều do các hành viên của Hội Khai-trí tiến-đức diễn. Còn hai vai nữ là mời hai diễn viên ở một đoàn tuồng ở Hà Nội tham gia. Bản thân Nguyễn Văn Vĩnh là người đóng vai ông lang ế, tức là ông bác sĩ ở trong vở kịch đó".
Bệnh tưởng (Le Malade imaginaire) là một trong bốn tác phẩm của Molière được Nguyễn Văn Vĩnh dịch, cùng với Trưởng giả học làm sang (Le Bourgeois gentilhomme), Người biển lận (L’Avare), Giả đạo đức (Tartuffe) và được đăng trên Đông-Dương tạp-chí. Sau đó, bốn tác phẩm này được in trong "Série A" của bộ sưu tập Phổ-thông giáo-khoa-thư xã, xuất bản tại Sài Gòn từ năm 1916, dưới sự chỉ đạo của François-Henri Schneider để cổ vũ giáo dục (2) và sau này, trong bộ sưu tập Danh văn nước Pháp dịch nôm, phụ bản của báo Trung-Bắc tân-văn trong những năm 1920-1921 tại Hà Nội.
Bìa cuốn Le Malade imaginaire (Bệnh tưởng) của Molière do Nguyễn Văn Vĩnh dịch và in trong bộ sưu tập Danh văn nước Pháp dịch nôm, phát hành năm 1920 nhân dịp vở kịch nói đầu tiên được trình diễn tại Hà Nội. © © Openedition.org
Là một người đam mê kịch Pháp, Nguyễn Văn Vĩnh đã bị những tác phẩm của Molière lôi cuốn vì chúng vừa hài hước vừa mang ý nghĩa dạy dỗ. Lời thoại dễ hiểu, dễ nghe là phương tiện hiệu quả để truyền bá chữ quốc ngữ, khác với lựa chọn lúc đó của học giả Phạm Quỳnh. Phó giáo sư Phương Ngọc giải thích tiếp :
"Nguyễn Văn Vĩnh lựa chọn hài kịch, nhất là những vở của Molière là những vở nói về xã hội một cách phê phán, có cái nhìn phê phán, tức là dùng tiếng cười để nói lên những cái xấu, những cái cần phải sửa đổi của xã hội. Còn Phạm Quỳnh không dịch hài kịch. Ông dịch bi kịch, như Le Cid (Lôi-xích) của Corneille chẳng hạn. Theo Phạm Quỳnh, dịch kịch hoặc tiểu thuyết nói chung là phải dịch những tác phẩm có những ý tưởng cao đẹp về Tổ quốc, về yêu nước.
Nguyễn Văn Vĩnh thì rất là khác. Ông có tinh thần phê phán xã hội và dùng cái cười để giúp người xem tự phân tích được những cái xấu trong xã hội. Có lẽ hai lựa chọn đó cũng liên quan đến hai cá tính khác nhau bởi vì Nguyễn Văn Vĩnh có rất nhiều bài báo phê phán xã hội Việt Nam thời đó, những cái gọi là "hủ tục". Về mặt đó, Nguyễn Văn Vĩnh là người rất gần với tư tưởng duy tân. Trong khi đó, Phạm Quỳnh là người hay nói tới "tồn cổ", tới "quốc hồn, quốc túy".
Kể cả trong cách ăn mặc chẳng hạn, Nguyễn Văn Vĩnh phải nói là người rất là trẻ, rất hiện đại, rất là tân học, mặc com-lê, thắt cà vạt. Còn Phạm Quỳnh mặc áo dài theo kiểu truyền thống. Có thể đó là một cách giải thích. Còn các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về kịch nói có thể đưa ra những phân tích, những giải thích khác, thì ý đó tôi không được biết rõ lắm".
Đưa cái mới để đập tan cổ hủ
Nguyễn Văn Vĩnh đã được tiếp xúc với nghệ thuật kịch nói ngày từ năm 1906, trong chuyến sang Marseille, miền nam Pháp, dự Triển lãm Thuộc địa (Exposition coloniale de Marseille). Trong thư đề ngày 27/06/1906 gửi cho người bạn Phạm Duy Tốn, ông viết : "Đêm qua, Đ. T. Kim và tôi đi xem diễn kịch Le Cid ở nhà hát lớn, đi xem không mất tiền, vì có ông Vierge mời. Sướng quá, nhất là tại lần đầu tôi được đi xem diễn một tích hát cổ điển mà chúng ta chỉ mới được đọc thôi. Cách họ ngâm thơ làm cho ta hiểu thêm cái hay của văn chương, cái cao thượng của tình cảm thường thường người ta không được thấy rõ lắm trong khi đọc sách…" (3).
Thất vọng vì hai người bạn đồng hành Đ. T. uể oải, thờ ơ trong buổi diễn nhưng vẫn vờ tán dương, Nguyễn Văn Vĩnh phải thốt lên trong thư : "Người mình bướng quá. Muốn làm cho họ thấy sự tiến bộ, thật là khó quá. Chúng ta không bao giờ chịu nhận chúng ta thua kém các dân tộc khác. Vả lại, nhận tội lỗi của mình, có phải là một sự nhục nhã gì cho cam ! Trong cõi đời này, ai lại chẳng có tính xấu ?... Đối với họ, đem giấu những nết xấu của mình đi, rồi lấy đó làm tính tốt, thế là yêu nước, thế là làm vẻ vang cho nòi giống đó !...
Muốn có một lớp người khá, muốn có một lớp người hướng dẫn quốc dân vào con đường khoa học, ta phải mong ở lớp người đến sau, ở những bọn thiếu niên bây giờ. Óc họ chưa bị những thành kiến cổ hủ đồi bại ăn sâu đục thủng. Ngồi mà nghĩ rằng tôi sẽ là người đầu tiên để làm cái công việc đó để mà gây lấy một tương lai tốt đẹp đó, tôi sung sướng vô cùng. Cha mẹ, anh em, vợ con, tất cả đều phải nhòa trước tư tưởng đó để nhường chỗ cho một lòng vui thích êm ái nhất…".
Quảng cáo biểu diễn vở kịch "Bệnh tưởng" (Le Malade imaginaire), "Kẻ hà tiện"(L'Avare) của Molière, Tạp chí Nam Phong và vở kịch "Chén thuốc độc" của Vũ Đình Long
Sau 14 năm trăn trở, Nguyễn Văn Vĩnh đã thực hiện được mong muốn. Ông đưa kịch nói vào Việt Nam. Theo ông, đây là một "loại hình nghệ thuật mượn nhiều nghệ thuật khác", như sử dụng văn học để đối thoại, cần âm nhạc và múa để diễn tả những cấp độ khác nhau và hội họa, điêu khắc để trang trí. Nhưng điều lớn hơn cả, đó là "mục tiêu của nghệ thuật này là cho thấy vẻ đẹp của bản chất con người và thái độ của họ trong cộng đồng" (4). Phó giáo sư Phương Ngọc phân tích tiếp ý nghĩa của buổi diễn kịch nói đầu tiên :
"Cần phải nói là vở kịch đó được diễn ở Nhà hát thành phố, tức là địa điểm văn hóa quan trọng nhất, đẹp nhất tại Hà Nội và tại xứ Đông Dương. Vở kịch Bệnh tưởng, khi được biểu diễn ngày 25/04/1920 là vào dịp, cũng rất đặc biệt, là để kỉ niệm một năm ngày thành lập Hội Khai-trí tiến-đức (AFIMA), tức là hội gồm những người có tên có tuổi trong xã hội thời đó, do Phạm Quỳnh, lúc đó là chủ nhiệm báo Nam Phong, đứng ra làm chủ tịch hội.
Vì thế, sự kiện biểu diễn một vở kịch nước ngoài, dưới một hình thức rất mới, tức là nói chứ không phải là hát, do những người không chuyên biểu diễn, thì đó là một sự kiện văn hóa rất có tiếng vang và rất là mới".
Những lời bình luận tích cực nhanh chóng xuất hiện trên báo chí. Trong bài "Molière chez les Annamites" trên tạp chí La Revue Indochinoise số 5-6 ra tháng 05-06/1920, tác giả M. G. Dufresne "cảm thấy một sức hấp dẫn mới, không có được trong nguyên bản tiếng Pháp - có lẽ không lớn hơn, nhưng với một chất lượng mới" và hoan nghênh sự lựa chọn xác đáng của ông Nguyễn Văn Vĩnh : "Dịch giả hiểu rằng Molière là nguồn kịch Pháp thực thụ, và đối với các nghệ sĩ, hài kịch có nhiều khả năng thành công hơn bị kịch".
Cụ Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) và phái đoàn người Việt chụp tại Hội chợ thuộc địa Marseillse năm 1906 (Nguyễn Văn Vĩnh đội mũ trắng và mặc đồ Âu)
Mở đường phát triển cho kịch nói Việt Nam
Ông Phạm Quỳnh, chủ bút Nam-Phong tạp-chí, coi ngày 25/04/1920 là một ngày không thể quên trong lịch sử của Hội Khai-trí tiến-đức (AFIMA), trong lịch sử sân khấu và văn học Việt Nam. Sau buổi biểu diễn, Thượng Chi (bút danh của Phạm Quỳnh) đã dành 19 trang trong số 35 của Nam-Phong tạp-chí để giới thiệu "Lịch sử nghề diễn-kịch ở nước Pháp - Bàn về hí-kịch của ông Molière". Trong lời nói đầu, Phạm Quỳnh viết : "Vả nước ta bây giờ đương giữa lúc muốn sửa-đổi nghề tuồng trong nước, cần phải nên biết lịch-sử và sự-nghiệp các bậc soạn kịch đại-danh như ông Molière".
Nghệ thuật kịch Việt Nam bước vào một giai đoạn mới, theo phó giáo sư Nguyễn Phương Ngọc :
"Buổi trình diễn vở kịch Bệnh tưởng đó có ảnh hưởng rất tới đời sống văn hóa, văn học, cũng như là nghệ thuật sân khấu Việt Nam nói chung. Tại như này : Rõ ràng là phải có vở kịch được biểu diễn tại Nhà hát thành phố, hiện giờ là Nhà hát lớn, năm 1920 thì sau đó, hơn một năm rưỡi sau, vào ngày 22/10/1921, mới có vở kịch Chén thuốc độc do một tác giả người Việt Nam, Vũ Đình Long, viết bằng tiếng Việt, về một đề tài xã hội lúc đó.
Chén thuốc độc, trước khi được trình diễn, đã được đăng trên tạp chí Hữu-Thanh, là tạp chí của Hội Bắc-Kỳ Công-Nông-Thương đồng-hội, lúc đó do nhà thơ, nhà văn Tản Đà làm chủ nhiệm. Vở kịch Chén thuốc độc được dàn dựng và trình diễn cũng tại Nhà hát thành phố. Sự kiện sân khấu đó cũng là để kỉ niệm một năm ngày thành lập hội Bắc-Kỳ Công-Nông-Thương đồng-hội. Cũng như trước đó năm 1920, vở kịch Chén thuốc độc có tiếng vang rất lớn và sau đó, có thể nói là kịch nói ở Việt Nam đã được chính thức khai sinh.
Có thể nói ngày khai sinh là năm 1920 khi diễn vở kịch Bệnh tưởng hoặc cũng có thể nói là chính thức khai sinh năm 1921 với vở kịch Việt Nam. Theo tôi, cả hai sự kiện đó đều là sự kiện khai sinh ra nghệ thuật sân khấu kịch nói ở Việt Nam".
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 01/12/2023
(1) Phó giáo sư Nguyễn Phương Ngọc là dịch giả hai tác phẩm La Belle d'Occident của Huỳnh Thị Bảo Hòa và Le Petit Rêve của Tản Đà, do Nhà xuất bản Decrescenzo phát hành tại Pháp.
(2) Corinne Flicker và Nguyễn Phương Ngọc (chủ biên), Théâtres français et vietnamien - Un siècle d’échange (1900-2008) (Kịch Pháp và Việt Nam, một thế kỷ giao lưu (1900-2008), Nhà xuất bản Presses universitaires de Provence, 2014.
Nhiều bản dịch khác của Nguyễn Văn Vĩnh ban đầu được đăng trên Đông-Dương tạp-chí, sau đó được xuất bản trong bộ sưu tập này, như Thơ ngụ ngôn La Fontaine diễn nôm (Les Fables de La Fontaine, 44 truyện), Truyện trẻ con của Perrault tiên-sanh diễn nôm (Les Contes de Perrault), Chàng Gil Blas ở xứ Xăngtizan (Gil Blas de Santillane của Lesage), Qui-li-ve du ký (Les Voyages de Gulliver, J. Swift), Tê-lê-mặc phiêu lưu ký (Les Avantures de Télémaque của Fénelon).
Ngoài ra, Nguyễn Văn Vĩnh còn dịch nhiều tác phẩm khác : Ba người lính ngự lâm (Les Trois Mousquetaires, Alenxandre Dumas), Mai-nương Lệ-cốt (Manon Lescaut của cha Antoine-François Prévost), Tấm da lừa (La Peau de chagrin, Balzac), Những người khốn khổ (Les Misérables, Victor Hugo), Rabelais (Emile Vayrac), Le Parfum des humanités (Emile Vayrac)… Truyện các danh nhân Hi Lạp La Mã dồi nhau (Les Vies parallèles des hommes illustres de la Grèce et de Rome của Plutarque), Tục-Ca-Lệ (Turcaret, Alain-René Lesage)
(3) Vũ Bằng, "Tưởng nhớ một bực thầy : Quan-Thành Nguyễn Văn Vĩnh", Tạp chí Văn học, số 111, Saigon, 8-31 (tra cứu ngày 06/02/2022).
(4) Nguyễn Văn Vĩnh, "Nghề diễn-kịch bên Đại Pháp", Đông-Dương tạp-chí, số 18 (bản mới). (Tạp chí phát lần đầu ngày 06/12/2022).
Trẻ bị người giúp việc bạo hành liên quan gì năng suất làm việc của công chức Việt Nam ?
Cách đây vài hôm, báo chí Việt Nam đăng tin một em bé 14 tháng tuổi ở Nghệ An bị người giúp việc cầm chân dốc ngược xuống, ném chăn vào người khi ba mẹ đi vắng.
Người giúp việc cầm chân bé 14 tháng tuổi dốc ngược lắc lấy lắc để ở Nghệ An
Báo chí có thể chưa thống kê hết, nhưng theo báo điện tử Zing thì trên một diễn đàn dành cho chị em ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng hơn 10 bài viết của các bà mẹ về chủ đề trẻ em bị người giúp việc bạo hành. Các câu chuyện đều na ná nhau : đột nhiên thấy con quấy khóc, ngủ không ngon, người có nhiều vết xước hoặc bầm tím, sợ người giúp việc… Cha mẹ lắp camera theo dõi thì ghi được cảnh các em bé bị người giúp việc bạo hành đủ mọi cách.
Đã có ai liên hệ những sự việc này với thực trạng năng suất làm việc của người Việt Nam chỉ bằng 1/14 người Singapore chưa (con số mới nhất) ?
Tôi cho rằng một trong những lý do khiến công chức Việt Nam không thể toàn tâm toàn ý với công việc là thiếu một hệ thống xã hội phụ trợ hiệu quả.
Những ôsin "giỏi việc nước, đảm việc nhà"
Những gia đình trẻ Việt Nam, cũng giống như ở các đô thị khác trên thế giới, thường lập nghiệp ở xa quê, không có họ hàng giúp đỡ. Một ngày của họ bắt đầu bằng việc dậy cho con ăn sáng và đưa con đi học.
Cái đáng nói là chỗ này :
- Thực phẩm bẩn và không an toàn -> không dám ăn ở ngoài phố dù hàng quán nhiều và rẻ. Cha mẹ phải tự nấu nướng cho con ăn, thậm chí phải mua thực phẩm riêng, hoặc tự trồng, tự nuôi… để được tin là nó an toàn.
- Quãng đường quá xa : Do giá nhà ở đô thị quá đắt đỏ, nhiều người chọn cách thuê hoặc mua nhà ở xa trung tâm cho vừa túi tiền -> cha mẹ đưa con đến trường sau đó di chuyển đến chỗ làm. Thường phải đi rất xa.
- Chiều, mới 4g chưa hết giờ làm nhưng con cái đã tan trường hết, nên cha mẹ phải phân công nhau đi đón con. Đón về công sở, tranh thủ cho con ăn và nghỉ ngơi, cha mẹ tiếp tục làm việc. Chờ hết giờ làm cũng đến giờ học thêm của con. Lại chất con lên xe lao ra đường chở đến chỗ học thêm. Con học 1 tiếng bên trong, mẹ ngồi chờ bên ngoài, ngồi ngay trên xe nhắm mắt gà gật cho đỡ mệt. Trung bình 7g30 hay 8 giờ tối con học xong, mới tất tưởi lao về nhà, cuống cuồng nấu nướng tắm rửa.
Vì thế, bữa cơm của một gia đình công chức điển hình Việt Nam ở các thành phố lớn thường bắt đầu vào 9g tối. Ăn xong dọn dẹp, nấu nướng vài món bỏ tủ lạnh cho ngày mai thì mắt đã rũ xuống. Nếu đứa con phải học thêm cho kỳ thi thì đúng là ác mộng. Cả gia đình sẽ phải chiến đấu chống lại cơn buồn ngủ và mệt nhọc sau một ngày quần quật để con thì học tiếp đến khuya, cha mẹ thì khảo bài.
Học sinh từ một trường cấp hai ở Hà Nội hôm 5/9/2016 AFP
Guồng quay của một ngày lấy mất quá nhiều thời gian và công sức của những người làm cha mẹ.
Bạn bè tôi không ai chưa từng phải đón con về công ty hoặc cơ quan buổi chiều để làm việc tiếp. Nơi nào rộng rãi, sếp dễ tính thì mẹ trải một tấm trải nhẹ ra góc kín đáo, con lăn ra ngủ hoặc chơi. Mẹ cố làm nốt việc trong ngày. Ngày nào cũng thế, ít nhất giờ làm việc bị cắt xén nửa tiếng mỗi ngày cho riêng việc đón con.
Thế nhưng cũng chẳng mấy người làm việc hiệu quả trong cái giờ cuối đó. Người phụ nữ Việt Nam còn phải tính toán đủ thứ : Cho con ăn nhẹ trước khi đi học thêm, thậm chí ở những cơ quan nhà nước dễ tính thì còn có thể tắm cho con một cái để sạch bụi ; lát nữa chạy xe tuyến đường nào để đỡ kẹt ; lúc con học có tranh thủ tạt qua siêu thị được không ; tối nay ăn món gì cho nhanh mà vẫn ngon để thỏa mãn các đức ông chồng vừa lười vừa thích đòi hỏi… Tập trung được vào mắt ! Chẳng qua cố ngồi trước cái máy tính cho ra vẻ kỷ luật, chứ có lẽ chỉ đọc báo, lướt "phây" là chính.
Vậy tại sao họ không dùng các dịch vụ đưa đón con đi học và đưa về, cũng như các dịch vụ mua hàng giao tận nơi… để đỡ tốn thời gian ?
Nếu bạn hỏi câu này, chứng tỏ bạn đã sống lâu ở nước ngoài và đã không còn nắm được thực tế Việt Nam.
Cha mẹ Việt sợ đủ thứ
Cha mẹ Việt không tin tưởng ở các dịch vụ đưa đón học sinh, nhất là sau vụ trường tiểu học Gate Way bỏ quên em bé lớp 1 trên xe khiến bé tử vong. Hay gần đây nhất, ở Đồng Nai xe chở học sinh làm văng mấy bé xuống đường.
Giao cho bác xe ôm gần nhà, hay nhờ chú hàng xóm nhân tiện chở con chú ấy về thì chở luôn con mình như ngày xưa ông bà vẫn làm ? Càng không thể yên tâm. Biết đâu bị chính những người này bắt cóc hay cưỡng hiếp ? Những chuyện này trên báo chí nhan nhản, khiến cha mẹ lo âu không kể xiết.
Một anh tài xế chạy xe du lịch đường dài kể tôi nghe, mấy tháng nay anh chưa gặp mặt con vì đi xa suốt, về tới nhà thì con đã ngủ. Sáng con dậy đi học thì ba còn ngủ bù. Mình anh đi làm nuôi cả vợ và 2 con nên phải vất vả vậy. Hỏi sao không để vợ đi làm ? Anh nói vợ phải đưa đón 2 con đi học và lo cơm nước cho tụi nó hết thời gian rồi, không đi làm được. "Tụi nhỏ nhà này tui canh kỹ lắm, đi đâu là mẹ đưa đón hết, chớ thời này thả ra là chết".
Nhiều cha mẹ phải cố cày để thuê anh xe ôm gần nhà chở bà ngoại/ông ngoại đi đón con về hàng ngày, mất thêm mấy triệu/tháng, gần bằng tiền lương của một công chức mới ra trường.
Học thêm quần quật
Công chức Việt Nam được nghỉ 1 ngày rưỡi, hoặc 2 ngày trong tuần, chính phủ nói để phục hồi sức lao động. Nhưng với nhiều gia đình, cuối tuần chạy show còn hơn ngày thường. Vì các lớp dạy bơi, dạy đàn, dạy vẽ, tiếng Anh giao tiếp… thường chỉ tập trung vào thứ bảy chủ nhật… Nên, show dày đặc khoảng 2-3 phiên/ngày. Không học thì lo con không được phát triển đầy đủ, sau này thua kém chúng bạn.
Tại sao không học trong nhà trường ? Vì trường công không dạy đủ.
Học sinh trung học tại một triển lãm du học ở Hà Nội hôm 4/10/2016 - AFP - Ảnh minh họa
Học đủ thứ còn là để làm hồ sơ tốt cho con ngay từ bé, sau này nó dễ xin học bổng du học.
Tại sao phải du học ? Để hy vọng được ở lại trời Tây giàu có và văn minh, sau này có thể bảo lãnh gia đình qua, hoặc có về nước cũng kiếm được chỗ làm nhiều tiền hơn. Đó là lý do thiết thân và chính đáng không thể chối cãi.
Với văn hóa Việt Nam, đứa con là nguồn yêu thương hy sinh lớn lao nhất của cha mẹ, cũng được mặc định làm chỗ dựa cho cha mẹ sau này, nên cha mẹ sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho con trong khả năng.
Thế là cha mẹ cứ xà quần cả ngày với con.
Thời gian, sức lực cạn kiệt, làm việc nhấp nhoáng cho xong ở mức không bị đuổi, tâm trí đâu học hành, nâng cao tay nghề nữa ?
Mà cũng chẳng dại gì làm thật giỏi
Một nguyên nhân nữa là tiền lương công chức quá thấp nên ai cũng phải làm thêm đủ cách. Vừa ngồi văn phòng vừa bán hàng online, thời gian và trí óc dành cho việc ấy ít nhất cũng phải 3 phần.
Đã thế, số tiền ít ỏi kiếm được còn phải dành dụm để lâu lâu mời sếp đi nhậu, nhằm "thắt chặt tình cảm". Lễ, tết, đám giỗ, nhà mới, đám cưới con sếp, đám tang cha sếp, vợ sếp sinh nhật, con sếp vào đại học… đều là dịp để cấp dưới tặng quà. Không chu đáo tận tình, nhỡ bị sếp ghét thì đời thúi hẻo. Việc khó về tay, xương xẩu thằng khác nhả ra bắt mình gặm.
Trong khi đó, thăng tiến hay không lại là nhờ được "nâng đỡ trong sáng", hay là kết quả của quá trình làm ô sin hầu hạ nhà sếp tận tâm còn hơn nhà mình chứ không phải do năng lực, chuyên môn, khả năng làm việc. Lại còn phải ủ mưu tính kế, giật chân thằng khác xuống đẩy mình lên. Thế, nên phải chọn cửa đầu tư cho trúng. Chỉ thằng tồ hay nhà đổ tiền xuống sông không hết, đốc chứng đi làm cho vui thì mới bóp não nghiên cứu, học hành, làm việc. Rồi, làm lắm thì lại sai nhiều. Chẳng may bị cánh khác bới ra, đổ trách nhiệm cho thì chết toi. Giỏi chuyên môn cũng chỉ làm tớ cho thằng khác, hoặc bị thằng khác bóc lột, vậy thì giỏi làm gì ? Kiếm cách đứng lên đầu thằng khác mới là chân lý.
Ấy thế cho nên năng suất thấp của công chức Việt Nam là có thật. Nhưng sâu xa, không phải do họ tạo ra điều đó. Phần lớn do chính thể chế khuyến khích và dung dưỡng tham nhũng, dối trá, cấu kết bè cánh trục lợi đã tạo ra những thứ mục đích và động cơ méo mó, tạo thành một thứ dung môi hòa tan tất cả kỷ luật, nỗ lực và sáng tạo.
Nguyễn Văn Vinh
Nguồn : RFA, 11/12/2019