Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 09 juin 2019 12:18

Chúng ta sẽ hồi sinh

Tôi đã nhìn thấy cái khái niệm"black friday" của người dân Việt Nam ở những trạm BOT. Tôi cũng nhìn thấy qua thái độ của thầy giáo trẻ Nguyễn Năng Tĩnh trước những ánh mắt hướng lên thầy. Họ đang vất bỏ cái cũ kỹ, vất bỏ cái lỗi thời, vất bỏ những năm tháng cam chịu bằng sự có mặt của chính mình. Khi chúng ta đã quyết, chính chúng ta sẽ hồi sinh.

hoisinh1

Chưa biết cuộc cách mạng Algeria sẽ ra sao, nhưng những khẩu hiệu của họ nói với chúng ta rằng ngày hôm nay họ xuống đường vì nhân phẩm của chính họ.

Tôi thích cái khái niệm "black friday" với ý niệm "vất bỏ cái cũ" trong các cuộc tổng biểu tình vào ngày thứ sáu của người dân Algeria. Tại Hoa Kỳ, "black friday" là tên gọi của ngày thứ Sáu theo ngay sau ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving). Đây là dịp đại hạ giá lớn nhất trong năm của các cửa hàng ở Hoa Kỳ, nhằm để bán tống, bán tháo một loạt những hàng hóa cũ. Với cái khái niệm vất bỏ cái cũ, cái già cỗi, cái lỗi thời, người dân Algeria đã chống lại cái quyết định tiếp tục ra tranh cử của vị Tổng Thống 82 tuổi của họ, người đã bị tê liệt vì đột quỵ từ năm 2013. 

Bắt đầu từ thứ sáu ngày 22/2/2019, tuổi trẻ và người dân Algeria đã ùa xuống đường. Con số người tham gia các cuộc biểu tình không chỉ hàng trăm, hàng ngàn, mà đã lên đến hàng triệu người. Có những khẩu hiệu của người dân Algeria mà người Việt Nam nào khi đọc, cũng thấy chạm vào nỗi xốn xang của riêng mình : "Bọn họ là lũ cướp, chúng cướp đất nước này", "Chúng tôi thức tỉnh rồi, các ông phải trả giá", "Chúng tôi đã quyết, Algeria sẽ hồi sinh", … Và cùng với khẩu hiệu "Hãy cút đi" trên tay, dân Algeria nói với đám lãnh đạo già nua rằng họ muốn thay đổi. Hãy cút đi những tập đoàn mafia, hãy cút đi những kẻ tham nhũng, bất tài, tham quyền cố vị.

Hòa trong đoàn biểu tình là tuổi trẻ Algeria - lớp người vẫn bị xem thường là những kẻ đứng dựa tường, vô tích sự, thờ ơ và vô cảm. Có nhìn thấy khí thế của cuộc biểu tình, người ta mới cảm nhận hết được sức mạnh của mỗi cá nhân. Vâng ! ngày hôm nay tuổi trẻ Algeria không im lặng nữa, họ đã xuống đường, họ đang góp mặt. Nhìn nét rạng rỡ của họ, tôi chạnh nhớ đến tuổi trẻ Nhân Văn Giai Phẩm ; tôi nhớ những Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang và nỗi khát khao trong những câu thơ của Lê Đạt :

Tôi đã sống rất nhiều ngày thảm hại

khôn ngoan không dám làm người

Chưa biết cuộc cách mạng Algeria sẽ ra sao, nhưng những khẩu hiệu của họ nói với chúng ta rằng ngày hôm nay họ xuống đường vì nhân phẩm của chính họ. Và với tôi, như thế đã đủ cho chúng ta nhìn thấy tương lai của Algeria.

Sự vĩ đại của một dân tộc không chỉ được đánh giá bằng những mặt nổi của thành công về kinh tế hay những chiến thắng lẫy lừng về quân sự. Tôi muốn nói đến cái thâm trầm, sâu lắng, vĩ đại của người dân Hàn Quốc. Mặc dù có mối thù với Nhật bản vì bị quân phiệt Nhật xâm lược và chiếm đóng ; sau thế chiến thứ hai, lãnh đạo Hàn Quốc đã quyết định lấy sách giáo khoa của kẻ thù làm kim chỉ nam về giáo dục cho dân mình. Người Hàn Quốc muốn nền kinh tế của họ phải dựa trên lòng tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức như người Nhật. 

Và rồi, chỉ sau 4 thập niên, từ những đổ nát của chiến tranh, Hàn Quốc đã vươn mình trở thành một trong hàng những quốc gia thịnh vượng nhất thế giới.

Nếu Nhật và Đại Hàn đặt trọng tâm vào đạo đức con người để phát triển thì Việt Nam ngược lại. Do sự kiêu ngạo và yếu kém của hàng ngũ lãnh đạo ; bốn thập niên sau chiến tranh, điều đau đớn và đáng tiếc nhất cho đất nước chúng ta, là sự hủy hoại hoàn toàn các giá trị nền tảng của con người. Và sức tàn phá của nó thật kinh khủng !

Có thể nói quá trình dẫn đến một Việt Nam tụt hậu, suy đồi của ngày hôm nay là do sự suy sụp nhân cách của con người. Đã từ lâu, đa số người Việt Nam đã tự nguyện từ bỏ các giá trị cá nhân, lòng tự trọng và quyền lực của bản thân. Thái độ ấy cũng đã tạo nên một tầng lớp thanh niên bơ vơ, thui chột niềm tin, què quặt lý tưởng. Con em chúng ta ngày nay phấn khích vì những giá trị kiểu Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Phúc XO ; đi bão, nhảy múa, reo hò, tự hào quá mức cho những thành công còn rất giới hạn so với thế giới. 

Sự thiếu vắng trách nhiệm của người lớn trong một thời gian dài đã góp phần vào tương lai đen tối của các em. Hãy nói riêng về vụ tham ô trong ngành giáo dục, vụ nâng khống điểm thi cho con cái cán bộ đã biến những em học sinh từ học lực yếu kém trở thành thủ khoa các trường đào tạo Sỹ Quan ; biến những kẻ vô đạo đức, năng lực tầm thường thành lãnh đạo. Và mặc nhiên, các bậc phụ huynh đã cho chúng cái đặc quyền được lãnh đạo đất nước và các thế hệ con em mình. 

Theo thông tin trên báo chí (xin được tránh nêu tên các em ở đây) năm 2018, chỉ riêng tại ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, vụ gian lận điểm thi đã đem các em từ học lực cuối lớp trở thành thủ khoa các trường : Sỹ quan Lục Quân 1, trường Sỹ quan phòng Hóa, trường Học viện Kỹ thuật quân sự. Tiếp theo là thủ khoa trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội. Về Y khoa, có em còn lọt hẳn vào 1 trong 3 thí sinh có điểm số cao nhất trúng tuyển vào trường Đại học Y Hà Nội. Sự tha hóa, lũng đoạn đâu chỉ dừng ở cửa công quyền, nó ảnh hưởng trực tiếp đến giáo dục học đường. Rốt cuộc, chính con người, chính chúng ta mới là vấn đề của mọi vấn đề. Khi nào chúng ta thật sự thay đổi, đất nước mới có thể đổi thay.

Gần nửa thế kỷ sống trong "thảm hại" (chữ của Lê Đạt) người Việt Nam mới nhận ra rằng sống cam chịu không phải là "khôn ngoan". Đất nước này cần những con người có trách nhiệm và có tiếng nói. Đã có rất nhiều trí thức Việt Nam lên tiếng,kiến nghị đòi chấn hưng về văn hóa và nhân cách con người. Đặc biệt trong phiên thảo luận của quốc hội ngày 21/5 vừa qua, một số đại biểu đã nhắc đến yêu cầu là Việt Nam cần có triết lý giáo dục.

Tôi tin với lòng thành tâm và quyết tâm, ở vị trí nào, người ta cũng có thể góp phần vào việc thay đổi xã hội. Hãy nói về người tù Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Chỉ trong năm 2017, anh Vinh đã gửi đi tổng cộng 21 kiến nghị, 16 trong số đó đã được giải quyết. Anh đã giúp các tù nhân biết được các quyền chính đáng của họ như : quyền được tiếp xúc với văn bản pháp luật, quyền được có tủ sách, quyền được mua văn phòng phẩm bằng tiền lưu trú,… Những người như Nguyễn Hữu Vinh, Trần Huỳnh Duy Thức, … trong mọi hoàn cảnh, chưa bao giờ họ buông rơi nhân cách và trách nhiệm của mình. Đó chính là văn hóa, là triết lý giáo dục Việt Nam.

Ngày trước khi chế độ đang cực thịnh, khi bạo lực Cộng sản ở vào giai đoạn hà khắc, tàn bạo nhất, đất nước vẫn có những thanh niên dũng cảm như Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt,…Tiếc rằng chỉ kịp đến khi con cái chúng ta phát cuồng theo các "anh hùng" xăm trỗ Khá Bảnh, Phúc XO, ta mới nhận ra tuổi trẻ Nhân Văn Giai Phẩm đã không phí hoài. Một thời tuổi trẻ của họ đã sống qua những thời điểm khắc nghiệt nhất của trù dập và bôi xóa. Tiếc rằng phải đợi đến khi đạo đức xã hội chạm đáy, chúng ta mới nhớ tiếc cái văn hóa "không thành công cũng thành nhân" của cha ông mình.

Thế nên, đừng tìm xem cách mạng Venezuela hay Algeria sẽ đi về đâu mà hãy hỏi xem mình đang đứng ở đâu trước thực trạng của xã hội và đất nước ? chúng ta sẽ làm gì trước cái tương lai đầy bóng đêm của con em mình ?… Từ một góc độ giới hạn, người tù Ba Sàm còn có thể tạo đổi thay. Liệu chúng ta có sẵn sàng, để từ chỗ đứng của mình, ngănchận những cái xấu, cái ác, cho điều thiện lương được nở rộng ?

Tôi đã nhìn thấy cái khái niệm"black friday" của người dân Việt Nam ở những trạm BOT. Tôi cũng nhìn thấy qua thái độ của thầy giáo trẻ Nguyễn Năng Tĩnh trước những ánh mắt hướng lên thầy. Họ đang vất bỏ cái cũ kỹ, vất bỏ cái lỗi thời, vất bỏ những năm tháng cam chịu bằng sự có mặt của chính mình. Khi chúng ta đã quyết, chính chúng ta sẽ hồi sinh.

Tôi nghĩ đến những trận đòn và các vết bầm trên người của Nguyễn Văn Hóa trong những ngày bị biệt giam ở trại giam An Điềm. Hình như Hóa bị đánh nhiều lắm. Tôi nghĩ đến Trần Hoàng Phúc, Phan Kim Khánh, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Oai… tôi nghĩ đến những tiếp nối và sự mạnh mẽ của họ mà xúc động. Bất chợt thấy thấm thía những câu thơ của Rudyard Kipling :

Nếu con có thể bình tâm khi mà tất cả

Hết thảy kinh hoàng và đổ lỗi cho con

Thì thế giới này sẽ là của con, cùng tất cả những gì trong đấy

Và – quan trọng hơn – con trai, con là một con người.

(IF - Rudyard Kipling)

Nguyệt Quỳnh

Nguồn : VNTB, 09/06/2019

Published in Diễn đàn

Cuộc xuống đường ở Venezuela như những cánh én báo mùa xuân đã làm khơi dậy một cách mãnh liệt cái khát vọng tự do trong lòng người dân Việt Nam - một đất nước cách xa nó đến hàng chục ngàn cây số. Ở đây, như Venezuela, đa số dân nghèo cũng tuyệt vọng cùng cực ; giới trí thức thì nhìn thấy tương lai đang dẫn dắt mình và các thế hệ mai sau đi dần vào con đường nô lệ.

canhen1

Tôi tin vào lịch sử nước mình. Tôi tin rằng có một ngày Việt Nam sẽ là một Venezuela.

Trong nôn nao, nhiều người đã thầm hỏi khi nào thì chúng ta có được Số Đông đồng lòng như Venezuela. Câu hỏi làm tôi liên tưởng đến những người dân Venezuela đã ngã xuống trong những cuộc biểu tình. Ở bất cứ đất nước nào cũng vậy, hạt giống tự do phải được gieo trồng, tưới tẩm bằng chính công sức và mồ hôi của người dân nước ấy. Lẽ ra câu hỏi phải nên là : "người Việt Nam đã làm gì cho những khao khát của chính mình ?"

Từ câu hỏi này, ít ra tôi tìm được câu trả lời. Tôi nhìn thấy những cánh én đơn độc đã bay về từ rất lâu, bạn có nhìn thấy như tôi không ? Qua giông bão, những cánh én ấy xác xơ, những cánh én đang nhỏ máu từng ngày, nhưng tôi nhìn thấy cả mùa xuân trên những đôi cánh ấy. Xin cám ơn Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Trần Thị Nga, Lê Đình Lượng, Phan Kim Khánh, Trần Hoàng Phúc,… Con đường dẫn đến tự do còn nhiều gian nan nhưng tôi cảm nhận được niềm tin và tình yêu của họ. Tôi chạnh nhớ đến những cánh én dập dìu trên những phím đàn giá lạnh của Văn Cao năm nào.

Đầu xuân năm 1976, nhạc sĩ Văn Cao sáng tác ca khúc "Mùa Xuân Đầu Tiên" sau nhiều năm dài vắng bóng. Bài hát với ca từ đầy ắp yêu thương "từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người". Bài hát làm gai mắt lãnh đạo và bị cấm hát ở VN. Bốn mươi năm đã trôi qua, thế giới đã đổi thay từ mùa thu năm 1989, nhưng lãnh đạo cộng sản không thay đổi ; vẫn khinh thị dân, vẫn tự mãn cho mình cái quyền được chỉ đạo ngay cả những tình cảm rất thiêng liêng và riêng tư của con người. Ngày tưởng niệm chiến tranh biên giới, tưởng niệm 45 năm Hoàng sa chỉ có báo chí, dàn đồng ca của ban tuyên giáo là được quyền ca hát. Cửa ngõ các nhà hoạt động vẫn được canh gác cẩn thận để bảo đảm không có một cuộc tụ tập hay một nén nhang nào được thắp lên cho những người lính đã ngã xuống !

Đất nước độc lập mà như một quốc gia bị chiếm đóng, mọi nỗ lực bảo vệ tổ quốc đều dẫn đến những đàn áp khốc liệt. Tư duy trí thức, cán bộ thì lệ thuộc, đến nỗi một giáo sư sử học "danh tiếng", ông Phạm Hồng Tung, người chủ biên chương trình lịch sử tại đại học Hà Nội đã dám đề nghị rằng nên chờ hội ý với Trung Quốc để viết về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (sic).

Lãnh đạo như thế, cán bộ như thế, bất chấp nguyện vọng của người dân ; thế nên, dù cho những trấn áp hung bạo đang trên đà gia tăng, người ta vẫn nhìn thấy cả một sự đổi thay từ hành động cho đến nếp nghĩ của đa số người dân Việt Nam. Đây là một thực tế mà lãnh đạo cộng sản khó chấp nhận. Thật vậy, cho dù chế độ công an trị có khắc nghiệt đến đâu thì cái thời mà người ta giao trọn phần hồn của mình trong bàn tay sinh sát của lãnh đạo cũng đã qua. Hình ảnh đơn độc của những cánh én là biểu tượng mạnh mẽ nhất cho niềm khao khát tự do và đổi thay.

***

Viktor Frankl, một chuyên gia tâm lý người Áo, kẻ đã sống sót qua các trại tập trung Đức quốc xã bảo rằng : "mọi thứ đều có thể bị lấy mất khỏi con người… nhưng cái cuối cùng của tự do con người chính là sự lựa chọn thái độ trong bất kỳ hoàn cảnh nào". Dẫn lời của Frankl, tôi muốn nhắc đến chị Võ Như Huỳnh, một bạn trẻ vừa mãn hạn 8 tháng tù. Sự chân thành, vững vàng của Huỳnh chắc chắn đã khiến gia đình và người chung quanh chị thêm mạnh mẽ. Tôi tin rằng niềm tin có sức mạnh lan tỏa. Một khi con người có niềm tin và chấp nhận trả giá cho một điều gì đó, thì dù chỉ một mình, một người vẫn làm được rất nhiều…

Chị Huỳnh là cư dân ở Đồng Nai, đi biểu tình ngày 10/6/18 để chống Luật Đặc Khu, chị cùng 20 bạn trẻ khác bị khởi tố và tống giam. Trong tù, chị Huỳnh nhìn thấy nhiều bạn trẻ khác bị nhục hình, và dù nói rằng rất khổ, nhưng Huỳnh cho biết chị không hề thay đổi quan niệm "tuy việc làm không lớn lao nhưng tôi rất tự hào và cảm thấy hạnh phúc".

"Tự hào", "hạnh phúc" là hai điều hiếm quý trong xã hội VN, mà chúng ta chỉ tìm thấy ở những tâm hồn tự do. Một con người tự do khác, nhà văn Nhã Thuyên - người đã chọn một chủ đề "nhạy cảm" đưa vào luận văn thạc sĩ của mình cho dù biết có thể sẽ gặp rắc rối, hoặc tệ hơn có thể mất bằng. Năm 2010, Nhã Thuyên đệ trình luận văn thạc sĩ về một tập thể thơ của nhóm "Mở Miệng" do hai nhà văn Lý Đợi và Bùi Chát chủ trương. Một số tác phẩm trước đó của "Mở Miệng" đã bị coi là công khai chống chế độ, vì thế Bộ công an đã vào cuộc. 

Luận án của nhà văn Nhã Thuyên bị quy kết là "phản động", "phản văn hóa", thậm chí bị gọi là "rác rưởi". Nhã Thuyên bị rút bằng vào tháng Ba năm 2014. Tuy nhiên, thái độ của chị đã kêu gọi được sự hỗ trợ của hơn 100 nhân vật trong giới học thuật. Và cuối cùng, với sự lên tiếng của họ, nhà văn Nhã Thuyên đã lại được cấp bằng thạc sĩ hai tháng sau đó.

Chỉ với thái độ riêng lẻ của hai người phụ nữ trên, tôi có cảm tưởng như những gì Viktor Frankl đã thực chứng qua các trại tập trung sẽ được người dân Việt Nam viết tiếp bằng những trải nghiệm của chính mình "trong bất cứ hoàn cảnh nào lựa chọn Tự Do là điều kiện tất yếu của Hạnh Phúc". Dù chưa là đám đông, nhưng cá nhân mỗi người đã tạo nên những thay đổi tích cực cho xã hội. Và họ thực sự đã là mùa xuân rồi, mùa xuân cho chính họ và mùa xuân cho cuộc đời.

***

Tôi lại nghĩ đến hình ảnh đơn độc của Văn Cao. Một mình ông, giữa một Hà Nội ồn ào tiếng loa phóng thanh và cờ hoa. Khi cả nước cùng rộn ràng yêu tổ quốc là "yêu xã hội chủ nghĩa" thì Văn Cao vẫn yêu theo cái cách riêng của mình. Là một họa sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ, nhưng ít ai biết ông còn là một võ sĩ, người đã từng đặc trách huấn luyện đội đặc nhiệm chuyên ám sát của Việt Minh. Tuy ca khúc của người cựu chiến binh cô độc này bị cấm hát ở quê nhà, nhưng nó lại được cất lên đầu tiên ở nước Nga lạnh giá.

Trái tim có lý lẽ của nó, làm sao giải thích được vì sao sau hơn 40 năm, khi người trong nước tìm mọi cách để lìa bỏ quê hương thì người Việt tha hương vẫn thiết tha từng tấc đất, tấc biển đã cách xa hàng nửa vòng trái đất ; vẫn xót xa với từng bất công, đau thương ở quê nhà. Làm sao giải thích được vì sao người cựu chiến binh hải quân Châu Văn Khảm, ở tuổi đời 70 lại trở về, dù phải đối mặt với tù tội. Cũng khó mà giải thích về chị Huỳnh hay nhà văn Nhã Thuyên, chỉ biết rằng khi một người dám sống với niềm tin và chọn lựa của mình, họ làm cuộc sống chung quanh thay đổi. 

Tôi tin vào lịch sử nước mình. Tôi tin rằng có một ngày Việt Nam sẽ là một Venezuela. Khi ấy, không chỉ những con đường ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng… tràn ngập bước chân người xuống đường, mà sẽ ở khắp mọi nơi trên thế giới. Từ khắp những nẻo đường ở Hoa Kỳ, từ Úc Châu, Âu Châu… nơi có người Việt Nam hiện diện.

Nguyệt Quỳnh

Nguồn : VNTB, 11/03/2019

Published in Diễn đàn
vendredi, 12 octobre 2018 17:42

Quốc tang và sự ra đi của con muỗi

Lễ Quốc Tang của Chủ tịch nước Trần Đại Quang dù được tổ chức trọng thể tại cả ba nơi Sài Gòn, Hà Nội, Ninh Bình ; và mặc dù nghĩa trang của ông rất lớn, nó chiếm một diện tích lên đến gần 30.000 m2, chúng ta vẫn thấy sự ra đi của ông rất mờ nhạt. Cái chết của một chủ tịch nước đương nhiệm mà lại không hề có chút gì ảnh hưởng đến 90 triệu dân của ông, sự ra đi đó không lay động chút gì trong lòng họ khiến tôi chạnh nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn vẫn kể cho con trai nghe ngày cháu còn bé. Chuyện "Con muỗi và con bò mộng".

quoctang1

Học sinh chui túi nylon vượt sông đi học ở Điện Biên. (Hình : VOV)

Câu chuyện như sau xin kể hầu bạn đọc :

Một con muỗi vẫn thường bay vo ve trên cánh đồng cỏ rồi đậu lại nghỉ ngơi trên đỉnh sừng một con bò mộng. Một ngày, muỗi quyết định dời đi nơi khác. Nó gọi bò mộng và chia sẻ về quyết định này. Chẳng ngờ, bò mộng thản nhiên trả lời : "Ồ ! Chẳng sao cả. Tôi thậm chí còn không biết rằng anh đã ở đó".

Sự ra đi của ông Trần Đại Quang có cái gì giông giống như thế, chẳng ai buồn tiếc nuối ! 

quoctang2

Chuyện "Con muỗi và con bò mộng".

Giá trước khi mất, thay vì cúng chùa Vĩnh Nghiêm cặp đèn trị giá 19 tỷ, ông dùng số tiền ấy xây cầu cho các em học sinh ở Mường Chà đi học, có lẽ còn có người tiếc nhớ đến ông. 

Người Việt Nam bản tính vốn bao dung, xem "nghĩa tử là nghĩa tận". Thế mà ngày nay người ta lại hỉ hả vui mừng trước cái chết của các lãnh đạo cộng sản, từ vụ thanh toán lẫn nhau của ba cán bộ lãnh đạo Yên Bái cho đến cái chết đột ngột của ông Trần Đại Quang ! Có nghe những chia sẻ bức xúc của một số bạn trẻ mới hiểu vì sao lại có câu vè truyền miệng về Quốc tang của ông. Người ta bảo "hùm chết để da, người ta chết để tiếng" ; cái chết của lãnh đạo cộng sản đã tặng thêm một câu vè cho kho tàng dân gian Việt Nam :

Dân ta bản tính ngang tàng

Không mừng quốc khánh lại mừng quốc tang.

Với cái đà gia tăng trấn áp các nhà hoạt động, bỏ tù vô lối nhiều năm những người dân hiền lương. Giới lãnh đạo cộng sản nếu không ý thức được sự căm ghét đến tận cùng của dân chúng đối với họ thì sự sụp đổ tất yếu của chế độ này có thể sẽ không diễn ra yên thắm như khối cộng sản ở Đông Âu. Biết đâu nó lại rơi vào trường hợp đáng tiếc của Romania, nơi mà lãnh tụ Ceausescu cuối cùng bị lật đổ và giết chết.

Nhưng hãy trở lại với sự hiện hữu của con muỗi. Nếu đem sức vóc con muỗi mà so với con bò mộng thì con muỗi chẳng là gì cả. Nếu so tiềm lực về quân sự giữa Việt Nam với Trung Quốc, Việt Nam với Hoa Kỳ thì chúng ta đúng là một con muỗi. Nhưng nếu đem lịch sử dựng nước của dân tộc ta so với các dân tộc khác trên thế giới thì hình vóc chúng ta khác hẳn. Ta từng đánh bại đội quân hùng mạnh của Hốt Tất Liệt (không phải một mà đến ba lần) kẻ đã chiếm lĩnh Trung Quốc và từng làm cỏ một nửa thế giới.

Nhà sử học người Pháp Alain Rusco, chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Đông Dương cũng viết rằng chiến thắng 30/4/1975 của quân đội Bắc Việt đã "gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù" (sic) ; và rằng đây là một cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của người dân Việt Nam. 

Thế nhưng, không quá lâu sau cái ngày gọi là "vinh quang" ấy, dân tộc Việt Nam tuột dốc một cách thảm hại. Nay trước mắt thế giới, chúng ta chỉ còn lại một gương mặt nhem nhuốc, yếu kém một cách lạ lùng ! 

Thế thì đi đâu mất rồi tinh thần và những con người ái quốc ? 

Tôi tin là không hiếm những đảng viên cộng sản đã hối tiếc, đớn đau vì đã dự phần vào chiến thắng dẫn đến sự tàn lụi và thảm họa cho cả hàng bao nhiêu thế hệ sau này. Nhưng họ ở đâu ? Họ đã không còn có mặt cho đất nước hay cho chính những giá trị mà họ tin vào. Sự hiện hữu của mỗi con người chỉ đáng kể khi chúng ta có mặt ít nhất là cho phẩm giá của chính mình. Nếu không, sự tồn tại ấy không có ý nghĩa và nó có nguy cơ bị bóp chết dưới chế độ độc tài.

Như trường hợp của tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy, một phụ nữ bị cướp đất, trở thành dân oan rồi trở thành nhà hoạt động dân quyền. Như bao nhiêu dân oan khác, chị Thúy có đủ các yếu tố để dễ dàng bị hủy diệt bởi bạo lực. Chị nghèo, cô thế, thiếu kiến thức về luật pháp… chị chỉ có một niềm tin duy nhất : làm điều đúng và đấu tranh chống lại những kẻ đã cướp đất. Dù bị cán bộ trại giam đánh đập tàn nhẫn, ngược đãi, bỏ đói… Sống với niềm tin đó chị cương quyết không nhận tội.

Để bóp chết ý chí sắt đá của chị, Phó công an tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Thành Long đã đe dọa rằng sẽ cho y tá chích thuốc cho chết nếu chị tiếp tục phản kháng. Bị tù suốt 8 năm, thì hết 7 năm dài người phụ nữ này đã không hề được gặp mặt gia đình. Sống mỗi ngày với nỗi ám ảnh của cái chết chị vẫn không khuất phục. Nghe giọng nói miền Nam chơn chất của chị "tui thà chết ‘dzinh’ hơn sống nhục" mà phải thầm cảm phục sự bất khuất của người phụ nữ này. Chị mộc mạc đơn sơ nhưng vững chắc như cây Mắm, cây Bần giữ đất ven bờ phù sa quê hương của chị.

quoctang3

Nghe giọng nói miền Nam chơn chất của chị "tui thà chết ‘dzinh’ hơn sống nhục" mà phải thầm cảm phục sự bất khuất của người phụ nữ này.

Năm 2017 tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã báo động về tình trạng ngược đãi tù nhân xuyên qua trường hợp tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy. Sự kiên cường của người phụ nữ này đã khiến từ một dân oan vô danh, chị đã có thể cảnh báo thế giới về tình trạng nhân quyền tồi tệ mà đồng bào chị đang gánh chịu. 

Tôi luôn tin tưởng vào sức mạnh của từng cá nhân và sự lan tỏa của nó. Khi chúng ta có một Luật sư Phạm Công Út tự nhận mình là "hiệp sĩ", giới luật sư sẽ có thêm nhiều hiệp sĩ khác. Khi chúng ta có 15 Đại biểu quốc hội không tán thành bấm nút thông qua Luật Đặc Khu, tương lai con số 15 này sẽ nở lớn. Tôi còn nhớ cái không khí tưng bừng của một biển người cùng xuống đường ăn mừng U23 bóng đá Việt Nam chiến thắng U23 Qatar. Nếu cái đám đông hỗ trợ U23 đó, một hôm bỗng bá vai nhau hô lớn "chúng ta phải làm sạch môi trường" thì tự khắc sáng hôm sau đường phố sẽ sạch rác và khi cầm miếng ăn lên chúng ta sẽ không còn lo ngại bị nhiễm độc.

Nhân nhắc đến chị Trần Thị Thúy tôi lại nhớ đến hàng bần ven bờ con sông Bến Tre ; chẳng biết vì sao sông nước miền Nam lại nhiều bần như vậy. Người ta còn kể lại rằng đêm 5/7 năm Đinh Mão 1867, khi cụ Phan Thanh Giản tuẫn tiết theo thành, những hàng bần ở vùng ngã ba sông Vàm Cỏ và sông Tra đã đồng loạt quỳ xuống chịu tang người trung liệt. Từ đó, dân gian ở đây gọi ngã ba này là Ngã ba Bần Quỳ.

Thiết nghĩ những cây bần ven sông kia còn có thể gợi niềm rung cảm về sự trung hiếu của con người, thì không có gì là không thể đóng góp được cho quê hương và tha nhân về sự có mặt của chúng ta trên cuộc đời này.

Nguyệt Quỳnh

Nguồn : VNTB, 12/10/2018

Published in Diễn đàn

 Trước kia, nơi đây là những mảnh vườn xanh tốt, là mái nhà, là của cải của những hộ dân. Tất cả đã đổi thay, đã là dấu chấm hết với họ vào một buổi sớm mai cùng với lệnh cưỡng chế đất, tiếng máy xúc, lựu đạn cay, và tiếng gào khóc trong tuyệt vọng của nông dân Dương Nội.

duongnoi1

Trang facebook "Chuyện của Thịnh" (1) có một bộ ảnh về dân làng Dương Nội và những ngôi biệt thự bỏ hoang mà tác giả dẫn dắt bằng câu : "Ừ, họ vẫn ở đây".

"Chúng tôi vẫn ở đây" là bộ ảnh chụp một nhóm người trong số 200 hộ dân đã từ chối nhận tiền thu hồi đất để tiếp tục bám trụ trên mảnh đất của mình. Nhìn hình ảnh một gia đình người nông dân Dương Nội nằm ngủ say sưa giữa bức tường của hai ngôi biệt thự bỏ hoang, trên lá cỏ, giữa đất trời mà như đang nằm chính trong ngôi nhà của mình ; tôi hiểu vì sao suốt một thập kỷ đăng đẵng giữa bạo lực và trấn áp, Dương Nội vẫn mãi mãi là mái nhà của họ. Những nhóm lợi ích như đám ruồi xanh kia rồi sẽ biến mất khi đất không còn cho mật ; nhưng đất quê hương, máu thịt bao đời của cha ông mình sẽ mãi mãi vẫn là đất quê hương !

Xin cùng bạn chia sẻ một thập kỷ gian nan của nông dân Dương Nội qua cuộc trò chuyện với anh Trịnh Bá Phương - một trong những người có mặt từ đầu - đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực xây dựng sự đoàn kết đấu tranh dai dẳng của bà con. Mong rằng chúng ta sẽ học được nhiều điều từ họ, những người mà nhà thơ Hồng Nguyên gọi là "Áo vải chân không đi lùng giặc đánh".

duongnoi2

Hình ảnh ngày 25/07/2015 bà con dân oan, bạn bè đón mẹ tôi kết thúc 15 tháng tù oan. Nhà tù đã từng không khuất phục được chúng tôi. Nay cộng sản Hà Nội lại tiếp tục dùng bản án 20 tháng tù với mẹ tôi để khủng bố gia đình tôi và bà con dân oan, nhưng chúng tôi không chùn bước, bởi chúng tôi tin rằng công lý sẽ được thực thi nếu kiên quyết đấu tranh.

Luôn luôn tuân thủ luật pháp, nhưng hiểu rất rõ về quyền hạn của mình

Hỏi : Ý nguyện của bà con là gì ? Tại sao không làm riêng từng gia đình mà đấu tranh chung cả làng với nhau ? 

Đáp : Mục đích ý nguyện của nhóm dân oan chúng tôi là đấu tranh đòi lại tư liệu sản xuất là đất đai của chúng tôi. Nguyên nhân chính là khi không còn đất đai thì chúng tôi rơi vào cảnh thất nghiệp và nghèo đói. Từ đó con cái chúng tôi không được cắp sách đến trường, lâm bệnh ốm đau không có tiền đi viện…

Theo quy định cụ thể của nhà nước trong "Nghị định số 75/2012/NĐ-CP" (2) ngày 03 tháng 10 năm 2012, chúng tôi khiếu kiện tập thể thông qua hình thức cử 20 người đại diện là hoàn toàn đúng luật khiếu nại tố cáo. Việc khiếu nại chung đã giúp chúng tôi có sức mạnh tập thể, các phe nhóm lợi ích khó khăn hơn trong việc trấn áp số đông chúng tôi. Tuy nhiên thời gian qua chính quyền đã dùng rất nhiều thủ đoạn hòng tách chúng tôi làm đơn riêng từng hộ để dễ bề đàn áp, dập tắt phong trào. Không ít lần chính quyền Hà Nội đã thuyết phục gia đình tôi làm đơn riêng để dễ giải quyết, nhưng quan điểm của gia đình tôi không phản bội lại bà con và kiên quyết sát cánh với bà con đấu tranh đến cùng.

Mỗi người dân chia sẻ trách nhiệm của mình

Hỏi : Có sợ bị dán nhãn lập tổ chức phản động chống nhà nước không ?

Đáp : Chúng tôi thực hiện theo luật pháp nên chính quyền không dễ quy chụp cả nhóm chúng tôi là tổ chức. Tuy nhiên truyền thông nhà nước và đám gọi là 'Dư luận viên' vẫn thường quy chụp là nhóm chúng tôi bị các thế lực phản động xúi dục, kích động và chúng quy chụp cho tôi và mẹ tôi Cấn Thị Thêu là tham gia tổ chức phản động, hòng chia rẽ gây hoang mang trong nhóm. Trong khi các thành viên trong gia đình tôi đến thời điểm hiện tại không thuộc một tổ chức, hay đảng phái chính trị nào.

Chúng tôi tổ chức nhiều cuộc họp hàng tuần để bà con cảnh giác các âm mưu chia rẽ ; từ đó, đã khiến nhà cầm quyền Hà Nội đi từ thất bại này đến thất bại khác. Nhóm chúng tôi bầu ra mẹ tôi là người đại diện soạn thảo đơn thư, tổng hợp ý kiến nhân dân. Tôi cùng 18 người nữa là đại diện cho nhóm, ngoài ra mỗi tổ dân phố có 1 tổ trưởng chịu trách nhiệm nắm bắt tình hình, nếu có an ninh xâm nhập, đánh phá, gây chia rẽ thì đến nay chúng tôi đã lật tẩy toàn bộ âm mưu của họ. Hiện chúng tôi đang là một khối đoàn kết, không một ai có thể đánh phá, triệt hạ tinh thần đấu tranh của chúng tôi.

Sông Côn khi cạn khi đầy, khí thiêng đất nước nơi này vẫn thiêng !

Hỏi : Nhờ yếu tố nào hay sinh hoạt nào mà bà con sống chết với nhau như vậy ?

Đáp : Từ khi đấu tranh chúng tôi đã lên đình làng thắp hương, làm lễ ăn thề. "...Có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu. Cùng bắt chặt tay nhau tranh đấu giữ lại tư liệu sản xuất. Nếu ai phản bội lại nhân dân sẽ phải chịu những thảm họa, dù có chết thì muôn đời con cháu không rửa được tội..". Lời thề được viết thành sớ. Photo mỗi người giữ một bản. Thực tế đã có vài cá nhân phản bội lại nhóm chúng tôi và đã gặp những bi kịch, người bị tai nạn, người bò húc tấn công dẫn đến bị liệt, người đang buôn bán bỗng dưng bị cấm khẩu…

Về sự chia sẻ đến từ cộng đồng, với sự ủng hộ trên 150 tấn gạo chúng tôi minh bạch sổ sách và phân phát đều cho bà con. Cá nhân tôi khi bố mẹ tôi trong tù mọi người đã chia sẻ cho gia đình tôi khoảng 15,000 Úc kim tương đương 300 triệu đồng, toàn bộ số tiền này tôi đã mua gạo phát cho bà con. Tuy nhiên vì việc này mà loa phường Dương Nội liên lục phát thanh là tôi phát gạo để lấy uy tín với bà con, để kích động bà con...

Chúng tôi cùng là nạn nhân nên đồng cảm yêu thương nhau như người một nhà. Chúng tôi nhận thức rõ chỉ có sự đoàn kết mới có thể đương đầu với tổ chức Mafia đội lốt chính quyền, chính quyền càng đàn áp, bắt giam chỉ càng khiến bộ mặt thối nát của họ phơi bày, bạo lực và nhà tù không thể dập tắt tinh thần đấu tranh của chúng tôi mà điều đó chỉ khiến chúng tôi thêm gắn kết.

Đối diện với trấn áp, bạo lực, tổn thất, … biết rõ mình không đơn độc.

Hỏi : Khi bị trấn áp, cụ thể như nhiều người đại diện bị bắt giam, bà con đã làm gì để vượt qua lo sợ ?

Đáp : Việc bố mẹ tôi bị kết án 50 tháng tù, 5 người trong nhóm bị bắt và kết án 66 tháng tù tổng cộng nhóm chúng tôi bị kết án 116 tháng tù giam đã gây tổn thất khá nặng nề đối với chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi đã biến đau thương thành hành động, không chùn bước trước bạo quyền, chúng tôi đã tổ chức hàng trăm cuộc biểu tình nhằm lên án, tố cáo tội ác của nhà cầm quyền Hà Nội. Trong những lúc khó khăn ấy, chúng tôi không đơn độc, hàng nghìn người từ khắp nơi trên thế giới đã đồng hành cùng chúng tôi, chia sẻ tinh thần và cả vật chất. Hơn 150 tấn gạo đã chuyển về Dương Nội, có người lượm ve chai tích cóp lại để gửi những kg gạo về, chúng tôi coi đó là động lực tinh thần giúp chúng tôi vượt qua tháng ngày gian khó. Cơ quan ngoại giao các nước, tổ chức nhân quyền và các cơ quan báo chí quốc tế đã không ngừng nỗ lực giúp chúng tôi, điều đó khiến dân làng tôi vững tâm hơn.

Có thể nói nhà cầm quyền đã sử dụng trăm mưu ngàn kế với chúng tôi, từ sử dụng côn đồ đến nhà tôi đe doạ giết, cho đến sử dụng bạo lực và nhà tù, các thành viên gia đình tôi và dân làng nhiều lần bị đánh đập rất tàn bạo và khủng bố tinh thần. Cùng với đó là các cơ quan báo chí viết sai lệch vu cáo, quy chụp chúng tôi là bị kích động chống phá chính quyền. Nhưng thực tế, chính đảng cộng sản mới là kẻ kích động chúng tôi phải vùng lên đấu tranh chống áp bức, bóc lột. 

Việc một vài cá nhân phản bội lại nhóm thì chúng tôi đã lật tẩy âm mưu và khai trừ khỏi nhóm.

Dân chủ để hạn chế mâu thuẫn, chia sẻ khó khăn để ngăn ngừa rạn nứt

Hỏi : Các đụng chạm trong nội bộ - nếu có thường là gì và những người trụ cột của Dương Nội đã làm gì để giải tỏa ?

Đáp : Nhóm chúng tôi có rất ít mâu thuẫn ; nếu có, thường là nhỏ giữa các thành viên. Nếu có mâu thuẫn chúng tôi tổ chức họp dân và khuyên giải, góp ý.

Về phương pháp đấu tranh cũng như soạn thảo nội dung đơn thư khiếu nại chúng tôi đều biểu quyết lấy ý kiến của tập thể nên hầu như không có mẫu thuẫn trong lĩnh vực này.

Bất kỳ thành viên nào trong nhóm ốm đau hay nhà có việc nhóm chúng tôi đều đến chia sẻ với gia đình, ngoài ra chúng tôi thường xuyên tổ chức gặp gỡ chia sẻ nhằm thắt chặt tình đoàn kết từ đó ngăn ngừa những sự việc có thể gây rạn nứt tình cảm.

Chúng tôi luôn nhắc cho nhau về kẻ thù của chúng tôi là kẻ đã mang danh chính quyền đến đàn áp và cướp đất của chúng tôi chứ không phải là những thành viên trong nhóm. Tất cả các thành viên phải gạt đi hết những bất đồng, những mẫu thuẫn nhỏ nhặt mới có thể tạo được sức mạnh tập thể để đi đến thắng lợi cuối cùng. 

duongnoi2

Trịnh Bá Phương đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực xây dựng sự đoàn kết đấu tranh dai dẳng của bà con.

Đồng hành với Tổ quốc - Yêu thương, chung thủy, vững tin vào công lý

Hỏi : Điều khác muốn chia sẻ thêm ?

Đáp : Trong cuộc đấu tranh giữ đất, nhóm chúng tôi đã tham gia các phong trào khác như bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường, tham gia biểu tình đòi tự do cho các nhà yêu nước, tham gia các phiên toà xét xử người yêu nước bị nhà nước cộng sản bắt giam tuỳ tiện. Và hướng về biển đông, chống sự bành trướng của Bắc Kinh khi đã cướp Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam ! Và mới đây là phản đối bè lũ bán nước đã đưa ra dự luật đặc khu và dự luật an ninh mạng.

Ngày 22/09/2016, khi bị bắt vào đồn công an Nghĩa Đô, mấy an ninh quận Hà Đông thuyết phục gia đình tôi làm đơn riêng để họ dễ giải quyết. Tôi từ chối, vì cuộc đấu tranh giữ đất của 356 hộ dân phường Dương Nội đã trải qua gần một thập kỷ (bắt đầu từ năm 2008). Trong quãng thời gian dài ấy, chúng tôi đã dựa vào nhau vượt qua những hình thức đàn áp đê hèn của cộng sản Hà Nội, bà con dân oan Dương Nội đã dành cho gia đình tôi những ân tình, và gia đình tôi sẽ không bao giờ phản bội lại bà con đi đêm với cộng sản để mưu lợi cho riêng mình.

Xin được gửi lời cảm ơn đến các tổ chức nhân quyền, các tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ, Úc... và những cá nhân yêu công lý đã ủng hộ và giúp đỡ chúng tôi trên hành trình đòi Công Lý.

***

Câu chuyện của dân làng Dương Nội cho tôi liên tưởng đến hình ảnh những nông dân ở Yên Thế, Thái Nguyên vào thế kỷ thứ 19 ; đó là những con dân Việt Nam đã gìn giữ đất mẹ suốt hàng nghìn năm. Hiểu về họ, chúng ta chợt thấy yêu Dương Nội như yêu một trang sử vừa sống lại giữa đời này.

Nguyệt Quỳnh

Nguồn : VNTB, 17/09/2018

Phụ chú :

(1) Trang facebook "Chuyện của Thịnh" : https://hanoigrapevine.com/vi/2018/03/photo-series-we-are-still-here-duong-noi-village/

(2) Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được quy định cụ thể tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012.

Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2013, quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ; trong đó đối với trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (Điểm đ Khoản 2 Điều 7).

Published in Diễn đàn

Có thể nói Luật Đặc Khu và cuộc trấn áp ngày 17/6 đã biến những người dân Việt Nam bình thường trở thành những nhà hoạt động. Và đó là khởi đầu một “cuộc chiến” mới. Trong cuộc chiến này, nhà cầm quyền Hà Nội sẽ phải đương đầu với một sức mạnh mà họ thầm hiểu rằng với nó ; quân đội, súng ống, xe tăng,… hỏa lực dù mạnh thế nào cũng chỉ là bùn đất !

nhan1

Hãy bắt đầu từ cuộc biểu tình ngày 10/06. Có hai điều cần ghi nhớ trong cuộc tổng biểu tình này :

– Thứ nhất là số người tham gia. Cuộc biểu tình hôm ấy không chỉ vài trăm, không chỉ ở một vài nơi, nó là một biển người !

– Thứ hai là động lực của cuộc biểu tình. Nhiều video còn ghi lại những khuôn mặt đầy cảm xúc, những nụ cười hạnh phúc của người nhập cuộc.

Hàng ngàn người đã xuống đường ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Khánh Hòa, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Nghệ An,… Và cái làn sóng biểu tình dữ dội ấy đã cho lãnh đạo cộng sản nhìn thấy họ đã chạm vào thứ quý giá nhất của dân tộc Việt Nam : “lòng ái quốc”. Khi lòng ái quốc thức dậy cái hình ảnh của giòng người xuống đường hôm ấy đã là “Những làn sóng khủng khiếp” như lời của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ai cũng biết điều mà dân tộc Việt Nam luôn tự hào là lòng ái quốc và truyền thống chống ngoại xâm. Trong cái hiện thực nhục nhã và thấp kém vì sự nhu nhược của lãnh đạo Việt Nam trước Trung Quốc, giữa dòng người biểu tình hôm ấy – việc nói KHÔNG với Luật Đặc khu và An Ninh Mạng không chỉ biểu hiện cái quyết tâm bảo vệ đất nước ; mà người dân Việt Nam như đã tự giải thoát, đã tìm lại được tự do và nhân phẩm của chính mình.

Khoảnh khắc ấy, cái khoảnh khắc vô giá thể hiện trách nhiệm và quyền tự quyết của mình ; người dân Việt Nam như chuyền cho nhau hơi ấm của đồng đội, niềm tự hào và cái cảm xúc thiêng liêng của thứ tình yêu tưởng rằng đã khô cạn trong một xã hội vô cảm. Nhà báo Trương Duy Nhất gọi ngày ấy là ngày của “một Sài Gòn cháy bỏng”. Anh đi giữa biển người mênh mông, thầm cảm ơn Sài Gòn đã cho anh được cháy, được thét gào đến khản cả giọng giữa hàng ngàn tiếng hô đáp trả : “Vì độc lập, phản đối đặc khu ! – Vì tự do, phản đối luật an ninh mạng !”

Và rồi một cuộc trấn áp hung bạo nhắm vào người dân đã diễn ra sau đó vào ngày 17/6 tại công viên Tao Đàn. Nếu gọi cuộc tổng biểu tình ngày 10/6 là “Phép thử của lòng yêu nước” thì chúng ta gọi tên cuộc trấn áp hung bạo này là gì ? “Một cảnh thuần hóa động vật ?”

Trong cái nóng và sự im ắng của một nồi áp suất vừa được đẩy thêm củi, dù không thích bạo lực, tôi vẫn muốn gọi một cái tên gần với sự thật nhất bằng hai câu thơ của facebooker Đặng Ngữ :

Chẳng còn giấc mơ nào
Trong mơ chỉ toàn gậy và đá !

Hai câu thơ trên Đặng Ngữ viết về cuộc phản kháng của người dân ở Bình Thuận. Rõ ràng lãnh đạo cộng sản mới là kẻ kích động bạo lực khi cho huy động lực lượng công an, an ninh vây bắt, tập trung hơn 300 thường dân ở công viên Tao Đàn. Hình ảnh những viên an ninh thi hành công vụ hôm đó được mô tả lại như những kẻ tàn bạo, máu lạnh, thô lỗ, mất nhân tính… Họ “mày-tao” với bất cứ ai, bạt tai, lên gối, đánh đổ máu … giữa thanh thiên bạch nhật bất cứ người dân nào, bất chấp kẻ bị đánh là phụ nữ hay người lớn tuổi. Mạng xã hội và thế giới được một phen mục kích cảnh thuần hóa động vật trên những con người Việt Nam !
Thời khắc ấy, cả người bị đánh lẫn người phải mục kích cảnh đồng bào mình bị tra tấn tàn nhẫn ; cái đau thấm vào da thịt, khắc vào tâm hồn, thấm sâu trên từng dây thần kinh não bộ của mọi người. Facebooker Bùi Văn Thuấn, dù là người ngoại cuộc, anh không bị tập trung ở công viên Tao Đàn cũng không bị đánh, nhưng anh chia sẻ : “Sự đau đớn trong tôi lớn đến mức, tôi chỉ ước ao : Giá như đây chỉ là giấc mơ, rằng tôi đang ngủ mà gặp ác mộng.”

Quả thật, cuộc trấn áp ngày 17/06 đã làm rất nhiều người dân Việt Nam bừng tỉnh. Cái thế giới mà họ đang cố sống yên lành đó chẳng còn yên lành. Tổ quốc, nơi duy nhất, điều thiêng liêng duy nhất, niềm mong muốn cuối cùng đã không còn thuộc quyền của họ. Một thông điệp đầy bạo lực từ chính quyền đã được trực tiếp gởi thẳng đến mỗi công dân Việt Nam.

Tôi muốn mở ngoặc ở đây để nhắc về tác giả Vikto Frankl, người đã giúp tôi vượt qua nỗi đau. Khi lắng nghe tiếng khóc của các chị Lụa, chị Loan…nạn nhân của cuộc trấn áp ngày 17/6, tôi cũng như bạn, tiếng khóc của họ làm đau những trái tim Việt Nam ; làm lây lan cả sự thống khổ khi chúng ta bất lực nhìn người dân vô tội dưới bàn tay hung bạo của cường quyền. Frankl là một chuyên gia tâm lý người Do Thái. Ông là người đã sống sót trải qua các trại tập trung tàn bạo nhất của Đức Quốc Xã để trở thành một trong những tác giả làm thay đổi thế giới. Ông sống sót nhờ luôn trung thành với quan niệm : “Điều gì không đánh gục được ta sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn”. Nếu những suy tư của Frank có thể làm thay đổi thế giới thì tôi tin rằng thái độ của anh Toàn, chị Loan, chị Lụa, cô sinh viên Trương thị Hà,… cái cách mà những người dân bình thường này ứng xử với bạo lực sẽ làm thay đổi vận mệnh của đất nước mình.

Nhưng khoan hãy đặt cho nó những mỹ từ to tát như bản lĩnh dân tộc hay sức mạnh của lòng ái quốc. Như bao quốc gia cộng sản khác, sau gần một thể kỷ bị tàn phá bởi độc tài và bạo lực, những tố chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam gần như cạn kiệt. Những gì người Việt Nam cần ngày hôm nay là một cuộc đấu tranh cho chính bản thân họ, cuộc đấu tranh vì nhân phẩm. Đấu tranh để giành lại các quyền và giá trị phổ quát của một con người.

Đó là thái độ của sinh viên Trần Hoàng Phúc trong phiên tòa phúc thẩm của anh ngày 10/7/2018. Khác với phiên tòa sơ thẩm, lần này Trần Hoàng Phúc tuyên bố anh sẽ giữ quyền im lặng ; tuyệt đối không trả lời bất cứ câu hỏi nào của viện kiểm sát và hội đồng xét xử. Và anh đã làm như thế.

Đó là thái độ không sợ hãi của nhà hoạt động Trần Văn Chúc ở Lâm Đồng. Anh bị công an giả dạng côn đồ xông vào rẫy hành hung đến gãy tay chỉ vì tham gia cuộc biểu tình ngày 10/6.

Đó là thái độ của anh Toàn, người bị đánh trong đồn công an đến hôn mê, đến nỗi phải nhập viện. Khi được phỏng vấn, dù vẫn chưa ngồi dậy được, anh nói bằng một giọng run run, xúc động nhưng quả quyết : “tuy tôi bị đánh nhưng tôi sẽ không sợ”.

Và facebooker Đinh thị Thu Thủy, người trải nghiệm những trận đòn của công an ở công viên Tao Đàn đã gởi một thông điệp mạnh mẽ nhất đến đồng bào của chị : “Hơn 20 giờ đồng hồ tại nơi đây sẽ cho bạn một thế giới khác, khác đến nỗi bạn sẽ quyết định dành cả cuộc đời kể cả hy sinh tính mạng cho việc chống lại những gì bạn đã trải qua…”

Cái đường ranh của phẩm giá đang được người dân Việt Nam phân định một cách rõ ràng. Và tôi tin rằng họ hạnh phúc với cái chọn lựa khó khăn nhưng mạnh mẽ này. Đối với tôi một ngày mới đang bắt đầu và cuộc đời thật đẹp khi những con người cùng khổ này quyết định khoác cho cái thập tự trên vai họ một ý nghĩa thực sự.

Nguyệt Quỳnh

Nguồn CaliToday, 16/07/2018

Published in Diễn đàn
vendredi, 09 février 2018 20:08

Hãy chấm dứt đổ lỗi cho cơ chế !

Người Hy Lạp có một câu danh ngôn nổi tiếng "phẩm cách là vị thần bảo vệ của con người". Do đó, trong lịch sử từng có những vị tướng hay cả những người lính vô danh, đứng trước quân thù đã chọn cái chết để giữ tròn khí tiết, giữ cho được phẩm cách của chính mình và phẩm giá của quốc gia. 

coche1

Cả nước trào dâng khí thế sục sôi cổ vũ U23 Việt Nam vào chung kết U23 Châu Á

Phiên tòa xử các cán bộ cao cấp cộng sản xảy ra vào ngày 18 tháng giêng thì chỉ năm ngày sau đó, cả đất nước trào dâng khí thế sục sôi cổ vũ U23 Việt Nam vào chung kết U23 Châu Á. Hai sự kiện tuy khác xa nhau nhưng có liên hệ đến những vấn đề lớn của người dân Việt Nam. 

Đội tuyển bóng đá Việt Nam vào chung kết U23 Châu Á là một kỳ tích gây chấn động ! Bởi từ trước đến nay, đội Việt Nam được biết đến như là một trong những đội banh yếu nhất Châu lục. Đây là thành quả mà những cầu thủ trẻ U23 Việt Nam xứng đáng được nhận lãnh do sự cố gắng vượt bực của họ. Chính họ chứ không ai khác, đã tạo nên phép màu này. Sau chiến thắng, người dân cả nước đã ùa ra đường hò reo trong hạnh phúc. 

Nhìn làn sóng người tràn ngập các nẻo đường thành phố với nụ cười rạng rỡ, chúng ta có thể nói Việt Nam là một đất nước trẻ đầy năng lực. Ký giả người Anh, cây bút kỳ cựu về bóng đá, ông Duerden đã diễn tả trận bán kết diễn ra giữa một U23 Việt Nam non trẻ, quả cảm và U23 Iraq tiếng tăm, mạnh mẽ là "120 phút của một cuộc rượt đuổi tỷ số quá kinh hoàng cho những người yếu tim". Riêng tôi, nhìn khuôn mặt điềm tĩnh của thủ môn Bùi Tiến Dũng trước những cú sút trực tiếp, sấm sét từ các tuyển thủ hàng đầu của Qatar tôi không khỏi thầm hãnh diện về anh. 

Giữa dòng người, trong niềm vui vỡ òa của đêm chiến thắng, tôi nghe được cả nỗi khát khao từ những lồng ngực trẻ trong tiếng la lớn, đầy cảm xúc : "Tự hào quá Việt Nam ơi !". Từ sâu thẳm trong lòng mỗi người Việt Nam, ai cũng muốn được tự hào về phẩm cách của mình, bạn bè mình, dân tộc mình. 

Nhưng ở đất nước ta, qua phiên xử các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh,… chúng ta thấy rõ cái cơ chế chuyên chính đang muốn hủy diệt, tước đoạt đi điều cao quý nhất đó của con người. Thử hỏi nếu các thế hệ Việt Nam nối tiếp cứ phải tiếp tục sống trong cái thể chế đầy dối trá và bạo lực này, tương lai của những khao khát, những ước mơ trong sáng ấy sẽ đi về đâu ? 

Hãy nói về sự bất nhẫn của chúng ta khi chứng kiến những diễn tiến của phiên tòa. Tước đoạt đi lòng tự trọng của con người là một tội ác. Ai ? Điều gì xui khiến ? 

Những kẻ nào trong Ban tuyên giáo đã đạo diễn cho cái mà tác giả Bùi Hải gọi là "Màn trình diễn tập thể của lời cầu xin và nước mắt". Toàn thể các cán bộ, ngay cả cựu Bí thư thành ủy Sài Gòn, ông Đinh La Thăng, tất cả đều không thoát ra khỏi các màn thiểu não : "kể lể hoàn cảnh gia đình, hối hận, xin lỗi, khóc, rồi xin khoan hồng ; …cám ơn cán bộ trại giam, hối hận, xin lỗi, khóc, và xin khoan hồng ; …kể lể, hối hận, xin lỗi, khóc hơn 1 phút, lại xin khoan hồng ; …". 

coche2

Bị cáo hối hận, cám ơn cán bộ trại giam, hối hận, xin lỗi, khóc, và xin khoan hồng (Ảnh: TTXVN)

Những cán bộ thuộc hàng cao cấp của đất nước đã tự đánh mất tư cách của chính họ trước đồng bào mình. Và nó khiến một số đông quần chúng hụt hẫng, ngơ ngác. Hụt hẫng trước thái độ của lãnh đạo và ngơ ngác cho chính thân phận mình. Tôi chợt nhận ra rằng, với cái cơ chế này thì dù Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng,… hay gì gì đi nữa, rồi thái độ của họ cũng sẽ như Thăng, như Thanh mà thôi ! 

Con người, ai cũng muốn được an toàn, được sống trong một đất nước thượng tôn luật pháp. Trong những xã hội dân chủ tây phương, luật pháp là để bảo vệ người dân cả về thể lý và tâm lý. Đứng trước tòa án, không người dân nào thấy là họ cần phải quỵ lụy, khóc lóc cầu xin quan tòa hay ông Donald Trump cả. Nhưng với xã hội cộng sản, lãnh đạo tuy nhận mình là tôi tớ của dân nhưng lại có nhu cầu được nhìn thấy người dân tuân phục ; hung bạo với dân, nhưng lúc nào cũng muốn được nhìn như là anh minh, cao cả, rộng lượng, khoan hồng. Phiên tòa vừa qua, nó nhắc chúng ta một điều cần nhớ - không riêng gì Việt Nam, cái cơ chế tàn bạo của các nước cộng sản có thể khiến cho con người trở nên tráo trở, hèn kém, đê tiện. 

Văn hóa làng xã truyền đời của ông bà ta rất coi trọng tình bằng hữu, nghĩa tương tri. Cứ nhìn hoàn cảnh bể dâu của ông Đinh La Thăng để thấy cái thể chế này không thể được tồn tại. Mới ngày nào, mỗi bước đi của ông, từ thăm góc bếp "Mẹ Việt Nam Anh Hùng" cho đến lội ao vớt bèo trong ngày Chủ Nhật Xanh đều có hàng chục nhà báo chạy theo chụp hình từng góc cạnh ; nức nở tung hô không thiếu một lời hoa mỹ nào. Đến khi ông bị kỷ luật, báo chí lạnh lùng quay mặt. Khi ông bị còng tay như tội phạm giết người, các đồng chí của ông chẳng một lời phản đối ! Người cộng sản khi sa cơ cô độc nhất thế giới. Tình đồng chí của họ nhạt như nước ốc ; bạc bẽo ; lạnh lùng ; hoang vắng như đám ma của mẹ cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. 

coche3

Người cộng sản khi sa cơ cô độc nhất thế giới.

Khi người cộng sản xuống tay với đồng chí, họ xuống tay cũng rất lạnh lùng. Những cuộc Đại thanh trừng ở Nga hay ở Trung Quốc là những điển hình rất rõ nét của sự tàn nhẫn ấy. Có thể nói mà không sợ quá lời – sống trong xã hội cộng sản là sống chung với giống sài lang, dù anh ở tầng lớp nào cuộc sống cũng dẫy đầy bất trắc. Trong thế giới này, chỉ có hai giống được quyền tồn tại ; hoặc là anh trở thành chúng, hoặc anh chấp nhận sống như loài sâu bọ. Chúng dùng bạo lực để gây sợ ; sử dụng côn đồ ; dung dưỡng cái xấu, cái ác ; sẵn sàng tống giam người vô tội như Hoàng Đức Bình hàng mười bốn năm trời ; sẵn sàng cướp đi sáu, bảy năm thanh xuân của những tinh hoa đất nước như Phan Kim Khánh, Trần Hoàng Phúc,… 

Nhưng cũng chính vì những hy sinh của họ, của Khánh, của Phúc, của Hoàng Bình, Nam Phong, Nguyễn văn Oai,… đã khiến tôi luôn vững tin vào những giá trị cốt lõi của dân tộc, và cái tiếng reo đầy cảm xúc của đêm chiến thắng ấy cứ lập lại mãi trong trí nhớ tôi. Tôi tin rằng người Việt Nam muốn được tôn trọng. Người Việt Nam muốn được sống trong cái văn hóa hiền hòa ngàn đời của cha ông : thủy chung với bạn bè ; tách bạch với điều xấu tốt ; yêu thương đất nước và quan tâm đến tất cả mọi người quanh mình. Tôi tin rằng chúng ta không muốn nhìn thấy một thế hệ trong sáng của Quang Hải, Bùi Tiến Dũng,… mai kia vì một lý do nào đó phải đánh mất nhân cách của chính mình. 

Trông chờ cộng sản thay đổi ư ? đó là một điều không thực tế. Nhưng với sức mạnh của tập thể, người dân Việt Nam có thể thay đổi được vận mạng của chính mình. 

Đâu chỉ có bóng đá, những thành tựu về khoa học, toán học, y học của người Việt đã được biết đến khắp nơi trên thế giới. Hãy vực dậy chính mình, để chúng ta luôn xứng đáng là người Việt Nam. Tướng Lương Xuân Việt, một tướng trẻ, ưu tú của quân lực Hoa Kỳ, đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn : " …tôi cũng rất may có dòng máu dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến, và trong máu tôi có dòng máu của Quang Trung, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền". 

Hãy thôi lật trang sử để đi tìm chân dung Nguyễn Thái Học. Dòng máu đang luân lưu trong Lương Xuân Việt cũng đang chảy trong huyết quản những người trẻ Việt Nam hôm nay. Ngày 31 tháng 1 vừa qua, đứng trước hệ thống tòa án đã biến các cán bộ cao cấp thành trò hề cho cả nước, sinh viên Trần Hoàng Phúc 23 tuổi, đã dõng dạc nói với lãnh đạo cộng sản : "Các ông có thể xét xử tôi 10 năm, 20 năm, nhưng nó chứng tỏ rằng chế độ này có thể tồn tại đến mức đó không ? Và tôi sẽ tiếp tục chống lại đến khi nào xã hội có dân chủ thì thôi". 

Hãy chấm dứt ngay cảnh phơi vi cá trên nóc tòa nhà Đại sứ bằng cách đặt đúng những người tài đức vào vị trí lãnh đạo. Ngay từ thời khắc này, hãy chấm dứt đổ lỗi cho cơ chế. Hãy dùng sức mạnh của tập thể để đặt trạm BOT vào đúng tuyến đường của nó. Khi người dân Việt Nam không chấp nhận làm đàn cừu, cái cơ chế đó tự khắc sẽ tan đi. 

Nguyệt Quỳnh

Nguồn : VNTB, 09/02/2018

Published in Diễn đàn