Tôi rất ấn tượng cái cách ông cựu chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị hay tự giới thiệu trình độ văn hóa của ông là "tiểu học". Cho dù kể từ khi "tham gia cách mạng" ông được cho bổ túc rất nhiều, có đủ bằng cấp, nhưng theo ông phần tiểu học của ông là thực học ; các bằng cấp kia là ráng học để làm. Ông Võ Văn Kiệt cũng chỉ khai trong lý lịch là biết đọc, biết viết.
Ông Nguyễn Minh Nhị, cựu chủ tịch tỉnh An Giang nói : ""Tôi rất không hài lòng giáo dục phổ thông và "Bổ túc văn hóa" (mà tôi có học sau 1975)"…
Đành rằng, thời bình mà lãnh đạo không được học hành đầy đủ là bi kịch của dân tộc ; nhưng dân tộc ấy còn bi kịch hơn khi có các nhà lãnh đạo vì mặc cảm thất học mà cố khoác cho mình bao nhiêu bằng cấp cho dù chẳng thực học được mấy ngày.
Cái tư duy chính sách đưa ra chỉ tiêu đào tạo hàng chục nghìn tiến sĩ rồi chi hàng chục nghìn tỷ đồng nếu không phải vì mưu đồ "% dự án" thì cũng thật là bệnh hoạn. Khoa học kỹ thuật của nước nhà thua kém phải chăng là vì tỷ lệ tiến sĩ của Ta thấp hơn. Tại sao mấy ông "chính trị gia" lại cần phải giáo sư tiến sĩ ; tại sao các tỉnh lại phải thu hút người có bằng cấp ; trong khi, những loại bằng cấp đó chỉ thực sự cần cho người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu mà thôi.
Nên giải tán cái gọi là các "Viện hàn lâm" của Việt Nam, đưa nó về các trường đại học theo đúng chuyên ngành. Để cho các trường đại học đào tạo tiến sĩ theo chuẩn chất lượng của mình và chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ. Cái mà các trường, các trung tâm nghiên cứu cần ở nhà nước là bảo hộ được quyền sở hữu trí tuệ ; cho tự do sáng tạo chứ không phải chi bao nhiêu ngân sách để sản xuất ra bao nhiêu tiến sĩ.
Huy Đức
Nguồn : fb.osinhuyduc, 15/11/2017
PS : Đọc các luận văn Tiến sĩ của quan chức, nhớ câu chuyện một ông chủ tịch hội đồng Tiến sĩ nhận xét, "luận văn của anh rất giống báo cáo uỷ ban" ; vị nghiên cứu sinh thành thât trả lời, "Dạ, thầy để tôi về kêu thư ký viết lại" (đã hỏi thầy Đào Công Tiến về "riu-mơ" này, thầy cười).