Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngô Văn Khánh là cái tên chẳng còn lạ lẫm gì trong giới tư pháp.

Cách đây vài ba năm, Ngô Văn Khánh đã là cái tên nổi tiếng với gia tài đồ sộ bị báo chí lôi ra.

Chỉ mới vào tháng Ba năm 2018, Ngô Văn Khánh mới rơi bỏ cái ghế Phó tổng thanh tra chính phủ để về hưu.

Nhưng liệu có ‘hạ cánh an toàn’ ?

nvk1

Trong số những quan chức liên quan và rất có thể phải chịu trách nhiệm hình sự một khi vụ Thủ Thiêm được khởi tố điều tra, cựu phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh là một cái tên không thể bỏ qua. Ảnh : suckhoedoisong

Chỉ ít lâu sau khi Ngô Văn Khánh về hưu, đã nổ ra vụ "Mobifone mua AVG". Cũng là Thanh tra chính phủ nhưng là một người khác, đã công bố bản kết luận thanh tra mà trước đó bị giấu biến.

Trong toàn bộ cái sàn diễn tối như mực của vụ "Mobifone mua AVG", Ngô Văn Khánh bị tố cáo đã cố ý chây ì không báo cáo sự thật về con số chênh lệch khủng khiếp đến 7.000 – 8.000 tỷ đồng và cố tình chậm công bố kết luận thanh tra đến hơn một năm đối với vụ việc này.

Dấu hỏi rất lớn là vì sao Ngô Văn Khánh lại ‘thoát’ vụ việc trên, cho dù Nguyễn Bắc Son – Bộ trưởng thông tin và truyền thông vào thời đó – đã có rất nhiều dấu hiệu nhận ‘lại quả’ – có thể đến 10 – 15% của giá trị chênh lệch, tức có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Vậy thì Ngô Văn Khánh có thể ‘nuốt’ bao nhiêu ?

Còn bây giờ, hai tháng sau khi Ngô Văn Khánh về hưu, là một vụ cộm cán khác – Thủ Thiêm.

Cho tới nay, vẫn chẳng ai thấy mặt mũi kết luận thanh tra mà Phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh đã thực hiện tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào năm 2015.

Vào thời gian đó, có những dấu hiệu khuất tất khiến nhiều người dân Thủ Thiêm nghi ngờ rằng đã có một sự móc ngoặc giữa đoàn thanh tra chính phủ của Ngô Văn Khánh với giới quan chức nhiều tiền lắm của ở Thành phố Hồ Chí Minh. Rốt cuộc, hàng núi hồ sơ khiếu kiện và tố cáo của dân oan Thủ Thiêm đã bị quẳng vào một xó xỉnh nào đó, nước mắt dân oan vẫn tiếp tục tuôn ra, máu của dân oan vẫn tiếp tục đổ, còn Ngô Văn Khánh trở về Hà nội, để từ đó báo chí càng bất ngờ khi phát hiện những tài sản ngồn ngộn mới cứng của nhân vật này.

Vào cuối tuần đầu của vụ Thủ Thiêm mà đang khiến cả Thành ủy lẫn Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh như lên cơn sốt bạc tóc, đã có những tờ báo chỉ mặt điểm tên các quan chức đứng đầu bảng về liên đới trách nhiệm phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm trong quá khứ : Nguyễn Văn Đua – Phó chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải – Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Văn Đua bị ‘tố’ là đã ký một quyết định về quy hoạch Thủ Thiêm mà đã vượt quyền khi phủ nhận cả quyết định trước đó của Thủ tướng chính phủ.

Nguyễn Văn Đua, mà trong giới quan chức thường gọi là ‘Anh Ba Đua’, là người ‘trưởng thành’ từ đoàn thanh niên cộng sản, từng được kỳ vọng là một chính khách trong sáng và tâm huyết. Nhưng sau khi từ Phó chủ tịch thành phố trở thành Phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vào thời Lê Thanh Hải làm bí thư, ‘Anh Ba Đua’ đã nắm khối an ninh nội chính và mau chóng trở thành một ‘sát thủ’ đối với giới hoạt động dân chủ nhân quyền ở Sài Gòn.

Nhiều trận đàn áp, bắt bớ người hoạt động nhân quyền đều in đậm dấu ấn của ‘Anh Ba Đua’. Vào ngày Nhân quyền quốc tế 10/12 năm 2013, trong khi các nhà hoạt động nhân quyền đang tụ tập ở công viên Quách Thị Trang tại trung tâm quận Nhất để tổ chức kỷ niệm trong vòng vây của hàng trăm nhân viên công an, thì hàng chục bịch mắm tôm từ tứ phía ào ạt ném vào đám đông kỷ niệm. Rất nhiều người đã bị dính mắm tôm, bốc mùi kinh khủng. Ngay sau đó, một số nhà hoạt động nhân quyền nhìn thấy từ một góc công viên, Nguyễn Văn Đua hiện ra giữa một đám công an. ‘Anh Ba Đua’ hỏi gấp ‘Bọn nó đâu ?’, và đám công an chỉ thẳng vào những nhà hoạt động nhân quyền đang bị phủ từ đầu xuống chân bởi mắm tôm…

Một số tờ báo nhà nước cũng đã bắt đầu chỉ đích danh Lê Thanh Hải – vào thời còn là chủ tịch thành phố, đã ‘dọn đường’ cho việc thay đổi quy hoạch Thủ Thiêm giải tỏa lố sang 160 ha đất mà trước đó dùng làm khu vực tái định cư cho dân, đẩy đuổi thêm nhiều ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi nơi ở và cũng là chỗ sinh nhai duy nhất của họ.

Còn Tất Thành Cang – Phó bí thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh – sẽ chắc chắn mất chức vì chỉ đạo vụ công ty Tân Thuận của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bán trái phép 32 ha đất Nhà Bè cho tư nhân. Khi con bài này bị ‘cháy’, Lê Thanh Hải sẽ mất đi một lá chắn mạnh nhất trong Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, và do vậy ông Hải sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn hơn hẳn khi bị kiểm tra, thanh tra và điều tra trong thời gian tới.

Nhưng vẫn chưa thấy báo chí nhà nước đề cập đến trách nhiệm của những quan chức bộ ngành trung ương liên quan đến dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, đặc biệt liên quan trách nhiệm về sự biến mất kỳ lạ của tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm.

Trong số những quan chức liên quan và rất có thể phải chịu trách nhiệm hình sự một khi vụ Thủ Thiêm được khởi tố điều tra, cựu phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh là một cái tên không thể bỏ qua.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 11/05/2018

Published in Diễn đàn