Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngư dân bị bắn chết ở Biển Đông

"‘Tàu lạ’ cứ bắn ngư dân

Đảng thì ‘quan ngại’ dần dần vậy thôi !

Hải Quân đâu hết cả rồi ?

Thương ngư dân quá riết rồi ra sao...

Bám biển cuộc sống gian lao

Lại bị ‘tàu lạ’ bắn vào chết toi

Ôi ngược đời đất nước tôi

Ngẫm mà đau xót ngậm ngùi bạn ơi !"

"Tàu lạ giết ngư dân. 

Người lạ tràn biên giới. 

Chính phủ im lặng lạ. 

Ôi...  nước tôi lạ quá"

otu1

Tàu đánh cá neo ở bãi biển Qui Nhơn ngày 4 tháng 8 năm 201 AFP photo

Lại thêm một ngư dân Quảng Ngãi bị "tàu lạ" bắn chết tại ngư trường Biển Đông, thuộc chủ quyền của Việt Nam và đến ngày mùng 4 tháng Tư năm 2017 thông tin mới được loan đi.

Nỗi mất mát của gia đình ngư dân xấu số Trương Đình Bảy bị "tàu lạ" bắn chết ở Trường Sa, hồi cuối tháng 11 năm 2015 chưa nguôi ngoai thì nay thêm một người con của Quảng Ngãi, tên Trần Văn Định ra đi vĩnh viễn trong một chuyến ra khơi định mệnh mà dường như bất cứ ngư dân Việt Nam nào đánh bắt xa bờ cũng có thể dự cảm được cho số phần bất an của họ.

Trước cái chết của ngư dân Trần Văn Định, rất nhiều khán thính giả cùng độc giả RFA bày tỏ nỗi tiếc thương sâu xa đến gia đình nạn nhân cũng như sự phẫn nộ đối với Chính phủ Hà Nội. Câu hỏi không chỉ của các gia đình ngư dân mà của hầu hết người dân Việt Nam rằng "Tại sao ngư dân cứ chết trên vùng biển thuộc chủ quyền nước nhà mà nhà nước không bao giờ làm điều gì khác hơn là cứ lên tiếng ‘quan ngại và quan ngại’ mà thôi ?"

Trong khi đó, không ít thính giả nêu lên thắc mắc là "Lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, bộ đội biên phòng và hải quân Việt Nam ở đâu mà cứ để tàu lạ tràn vào vùng biển của mình ? Tại sao không bao giờ nghe thấy tin tức nào nói về ngư dân các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bị tàu lạ bắn chết vậy ?"

Tuy nhiên, Hòa Ái ghi nhận thính giả Trang Nguyễn nhắc nhớ đã bao nhiêu năm rồi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo không thể xác nhận "tàu lạ" là của ai và cái chết của các ngư dân Việt dường như chưa bao giờ được điều tra. Và vị thính giả Trang Nguyễn tự hỏi rằng "Có phải nguyên nhân là do Chính phủ Hà Nội đã biết gốc gác của những chiếc "tàu lạ" thuộc về người bạn láng giềng ‘4 tốt-16 chữ vàng’ rất đỗi thân quen ?". Và nếu đúng như thế thì thính giả Duchung Nguyen chua xót với câu hỏi cũng là câu trả lời cho chính mình rằng "Sẽ còn bao nhiêu xác đồng bào bị chết dưới họng súng của tàu Trung Quốc ?"

"Tình hình bà con bây giờ ngoài đó là sau một năm là dự trữ trong dân đã cạn hẳn rồi. Tức là bây giờ họ không biết sống bằng gì nữa. Thế thì chỉ cần kéo dài thêm một thời gian ngắn nữa thôi thì họ sẽ đói. Trong khi đó không thể hiểu nỗi chính quyền làm trò gì ? Chỉ có chừng đó tiền thôi, cấp cho dân thôi mà cũng không làm. Không biết số tiền đó đi đâu ? Có mỗi một việc rằng sau khi tham nhũng tất cả mọi thứ, giờ chỉ còn số tiền bồi thường nhỏ nhoi, còm cõi đó để cho dân thôi mà cũng giấu giếm".

otu2

Cảng cá tỉnh Bình Thuận im ắng hôm 22/3/2017. AFP photo

Vừa rồi là chia sẻ của Nhà báo độc lập-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng với Hòa Ái về nhận định của cá nhân ông trước những cuộc biểu tình của ngư dân và bà con ở bốn tỉnh Bắc miền Trung, nơi gánh chịu thiệt hại nặng nề bởi thảm họa môi trường biển do nhà máy thép Formosa gây nên hồi đầu tháng 4 năm ngoái. Trao đổi với Tiến sĩ Phạm Chí Dũng xoay quanh một vài ý kiến của quý thính giả gửi về Đài Á Châu Tự Do cho rằng các linh mục và những giáo dân bị xúi giục, kích động để gây rối như lập luận của thính giả Hung Bui "Linh mục dẫn đầu giáo dân đi đòi nhà nước đền bù thì rõ ràng chỉ có Công giáo gây rối còn gì, sao các tôn giáo khác không làm như vậy ?" ; Tiến sĩ cho rằng với thực tiễn xã hội và nhận định của ông sẽ chứng minh tính thực hư của những cáo buộc như thế. Tiếp theo trong chương trình, Hòa Ái trích đăng các ý kiến liên quan :

"Không phải tôi là người Công giáo nên tôi có những lời nói thiếu công bình mà bênh vực cho người Công giáo. Cho dù tôi không và chưa biết cụ thể tình hình những người anh em của tôi ở miền Trung chịu ảnh hưởng môi trường biển do Fomorsa gây ra nhưng qua nhận biết rất đơn giản là chính quyền đang thiếu đi sự khách quan, thiếu đi sự trung thực cần thiết làm cho tình hình càng thêm phần rắc rối. Ai mà tin được khi đầu tiên xây dựng nhà máy, lãnh đạo nói lên bao nhiêu lời có cánh cho sự phát triển kinh tế, đời sống cho người dân.

Khi biển bị ô nhiễm thay vì lãnh đạo thăm hỏi, thành thật nhìn nhận lỗi và cố gắng khắc phục thì đằng này động thái duy nhất mà chính quyền làm là đánh lạc hướng dư luận và công kích những người khác trong khi chưa đủ chứng cứ. Ô nhiễm quá nhiều, thiệt hại quá nhiều, ai là người nhận lỗi trước dân ? Là lãnh đạo, là người phục vụ nhân dân đừng hèn nhát, không dối trá mà hãy vì lượng tâm đối thoại với những người dân đang rất khó nghèo trong thực tế đang diễn ra !"

"Mình bên lương thấy cảnh này vô cùng cảm kích, xin gửi tới các quý Cha cùng bà con xứ đạo lời cám ơn chân thành. Kính chúc các quý Cha cùng bà con giáo dân và lương dân miền Trung luôn bình an và đoàn kết, quyết đuổi ‘lũ giặc phá hoại môi trường’ Formosa ra khỏi Việt Nam. Cả nước huớng về khúc ruột miền Trung với đầy nắng, gió và những nhân tai dịch họa. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm nay cũng là ngày giỗ đầu của biển miền Trung, cho tôi gửi tới nén huơng lòng. Kính các quý Cha và thuơng cảm cùng đồng bào".

"Muốn an lòng dân, Chính phủ Việt Nam hãy làm những gì có thể như làm sạch trầm tích độc hại dưới đáy biển, khi đó biển sạch người dân có thể an tâm sinh sống. Còn dân chúng 4 tỉnh miền Trung không thể chờ vào tiền hỗ trợ đền bù ấy mà sống được. Mong chính phủ hãy cân nhắc kỹ lưỡng để dân an tâm, không lẽ tất cả bỏ xứ ra đi ? Chuyện đó là không thể. Vì vậy chính phủ để họ biểu tình, bị bắt thì không giải quyết được vấn đề".

Chính phủ trấn áp, bắt bớ người dân xuống đường hay lên tiếng phản đối Formosa vì một môi trường sống trong lành không giải quyết được vấn đề như ý kiến của thính giả Hà Trần, nhưng cộng đồng thế giới vẫn nhìn thấy những hình ảnh dân chúng bị đánh đập đến đổ máu chỉ vì đi khiếu kiện để được bồi thường thỏa đáng kể từ khi Chính phủ thông báo nhanh chóng bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân của thảm họa Formosa.

Mới đây nhất, chàng thanh niên Nguyễn Văn Hóa, ở Hà Tĩnh, nơi xảy ra biến cố thảm họa môi trường chính thức bị khởi tố theo Điều 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam mà truyền thông trong nước dẫn lời Cơ quan An Ninh điều tra, Công an Hà Tĩnh là có ký hợp đồng với các đài, trang mạng nước ngoài cũng như lập nhiều tài khoản mạng xã hội để đưa thông tin về sự cố môi trường, lũ lụt ở miền Trung "gây phức tạp tình hình an ninh trật tự trên địa bàn". Thính giả RFA tỏ ra ngao ngán trước thông tin này. Thính giả Thanh Tùng nói rằng "Đất nước lúc nào cũng hô hào chống tham nhũng. Nhưng tố giác tội phạm thì phạm tội". Thính giả Nguyễn Thế Minh buông lời "Ở cái chế độ này yêu nước là tội ác. Thật là khổ cho dân Việt rồi !" Và sau đây là chia sẻ của thính giả Phạm Minh Vũ, là một cựu tù nhân lương tâm, cũng bị tuyên án tù theo Điều 258 khi anh đến Đồng Nai quan sát sự kiện công nhân biểu tình chống Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép HD 981 ở khu vực Biển Đông hồi năm 2014 :

"Điều 258, tội ‘lợi dụng các quyền dân chủ’ thì các tổ chức xã hội dân sự và nhiều cá nhân lên tiếng về việc nhà cầm quyền lên tiếng về việc nhà cầm quyền áp dụng các điều luật không phải mơ hồ nữa mà là phi nhân tính khi nó đặt các quyền phổ quát của nhân loại được công nhận, mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã ký, dưới sự bao che của Đảng. Như thế là vô pháp luật. Sống trong một môi trường xã hội Việt Nam bị kềm chế khi chính bản thân của em và của đồng bào cũng như thế thì những người có lương tâm đều lên tiếng nhà cầm quyền phải thay đổi những chính sách này để phục vụ nhân dân, chứ không phải để phục vụ lợi ích nhóm hay một cá nhân nào trong Đảng Cộng sản cầm quyền".

Hòa Ái xin được kết thúc chương trình hôm nay qua tâm tình của một thính giả :

"Biển ô nhiễm nặng, dân đánh bắt xa bờ thì bị tàu bắn hay đâm bể tàu. Dân đòi hỏi đền bù thì bị đàn áp. Dân lên tiếng thì bị cho là phản động. Hay cùng nhau bất tuân dân sự, cùng nhau ở tù hết thì lúc đó nhà nước lo, người dân không cần lo nơi ăn chốn ở nữa làm gì ?"

Hòa Ái, phóng viên RFA

**************************

Ngư dân được gì sau thương thảo ? (RFA, 10/024/2017)

otu3

Nhiều thuyền chài vẫn nằm bờ sau sự cố Formosa xả độc ra biển miền Trung. RFA photo

Cuộc biểu tình có tính chất đồng loạt ở Hà Tĩnh vào các ngày 2 và 3 tháng 4 năm 2017 mà đỉnh điểm là người dân của hai xã Thạch Bằng và Thạch Kim bao vây trụ sở huyện Lộc Hà yêu cầu nhà cầm quyền giải trình về vụ việc công an bắn người đêm trước đó. Một công an chìm cố tình lẫn vào đoàn người biểu tình để ném đá, sách động và bị người dân bao vây, khống chế. Kết quả là các quan chức tỉnh Hà Tĩnh phải đứng ra cam kết với đoàn biểu tình nhiều vấn đề và hứa sẽ thương thảo với người dân vào sáng ngày 4 tháng 4 năm 2017.

Mọi thứ vẫn còn mơ hồ

Một người dân xã Thạch Kim, tên Hưng, chia sẻ : "Bên phía cầm quyền hứa là 15 tháng 4 sẽ giải quyết nhưng đó là lời hứa, nói vậy thôi chứ không biết họ sẽ làm thế nào. Đó chẳng qua là họ nói vậy để giải quyết tạm thời thôi chứ nếu họ có lòng thật thì đã giải quyết mấy tháng này rồi, làm sao đến nổi nhân dân phải này nọ. Đó chỉ là nói vậy để giải quyết tạm thời thôi".

Theo ông Hưng, vấn đề thương thảo vẫn chưa đưa đến kết quả nào cụ thể. Bởi mọi lời hứa chỉ đóng vai trò làm xoa dịu bầu không khí bất bình đang nóng lên trong nhân dân và cuộc thương thảo này có vẻ như mang tính chiến thuật nhiều hơn là sự trải lòng, thông cảm của nhà nước với nỗi khốn khổ của nhân dân.

Bởi khi mà mọi thứ đều được ghi vào biên bản cùng với lời hứa "chúng tôi sẽ xem xét cụ thể, chi tiết và có quyết định" thì ai cũng nói được. Luận điệu này vốn dĩ rất quen thuộc với giới quan chức Việt Nam hiện tại. Mục đích của họ là để ngư dân trông đợi vào một lời hứa mơ hồ mà khỏi tiếp tục biểu tình, tránh đụng chạm với nhân dân.

Trong khi đó, mọi thứ bất công đã lộ rõ, sự gian lận của nhà cầm quyền trong vấn đề xử lý sự cố nhiễm độc, điều tra và đền bù cũng đã lộ rõ. Nhân dân đã quá mệt mỏi với nhà cầm quyền và ước nguyện giản dị là có một môi trường sạch để làm ăn, sinh sống ngày càng rời xa họ. Chính vì vậy, nhân dân có thể nổi dậy bất kì giờ nào. Và cái lỗi ở đây nằm ở chỗ chính quyền vừa lơ là thiếu trách nhiệm vừa bất hợp tác với nhân dân của họ.

Sự hợp tác, cam kết trong cuộc biểu tình ngày 3 tháng 4 tại ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh cũng như cuộc thương thảo với người dân vào ngày 4 tháng 4 dù sao đi nữa cũng cho thấy nhà cầm quyền Hà Tĩnh chọn đúng qui trình trong vấn đề quản lý và phục vụ nhân dân. Và nếu như câu chuyện chỉ dừng ở những lời hứa suông để thay đổi chiến thuật, bắt nóng, bắt nguội những người tham gia và tổ chức biểu tình hoặc kéo dài thời gian để mọi chuyện trở nên nguội lạnh và dùng những điều khoản luật hình sự để qui chụp người dân tội "quấy rối trật tự công cộng" thì chắc chắn câu chuyện lại bùng phát một lần nữa.

Ông Hưng nói rằng giả sử như nhà cầm quyền sử dụng chiến thuật kéo dài thời gian, bắt nguội, bắt nóng và hù dọa hoặc làm thật để biến các cuộc biểu tình tại Việt Nam thành những Thiên An Môn Việt Nam thì e rằng câu chuyện sẽ rất xấu. Bởi lẽ, một khi sinh kế đã mất và hơn nữa, mọi thứ quyền lợi bị mất trắng, người đứng đầu gia đình, tộc họ, giáo xứ đã lên tiếng thì câu chuyện hoàn toàn khác. Và mỗi địa phương gồm cả nhà cửa, số phận của người dân gắn nhiều đời, nhiều dòng ở đó chứ không phải là cái quảng trường đề người ta muốn làm gì thì làm.

Nhưng ông Hưng cũng bày tỏ ước nguyện nhà cầm quyền thực hiện đúng lời hứa của họ, trục xuất Formosa ra khỏi Việt Nam để bảo vệ biển, bảo vệ nhân dân của mình.

Bao giờ cho hết tiếng kêu ?

Điều này cũng trùng với ý kiến của một người phụ nữ tên Hồng ở Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chị chia sẻ : "Họ đền bù giống như đợt một được một số người, đợt hai thì chưa có gì, tiền gì cũng không có. Như buôn bán thì cả dãy biển vắng khách, có ai đâu, bể nợ rồi. Chờ đền bù, chờ đọa luôn mà có gì đâu, đang căng thẳng lắm. Chứ biển chết gần năm nay rồi, buôn bán khó khăn lắm, khách không có, người ta vay mượn tùm lum nhưng giờ thì có gì đâu".

Chị Hồng cho biết, hiện tại, nếu như nói về chuyện đền bù và nhận đền bù do Formosa gây ra thì người bị thiệt hại chỉ nhận được chừng 30% trên tổng số người thiệt hại. Nghĩa là 10 người thiệt hại thì có ba người được nhận đền bù. Và ba người nhận đền bù đó cũng chỉ nhận mang tính tượng trưng chứ chẳng giải quyết được bất kỳ việc gì.

Điều chị Hồng nói hoàn toàn chính xác bởi qua quá trình đi tác nghiệp, làm phóng sự viề biển ở khắp các tỉnh Bắc miền Trung, hầu như đi đâu cũng nghe ngư dân nói đúng một chuyện, đó là : ‘Đền bù kiểu nhỏ giọt như vậy thì mua gạo cũng không thấm vào đâu chứ đừng nói đền chuyện chuyển đởi nghề nghiệp. Mà chuyển đổi thì chuyển đổi như thế nào ?’. Cái câu hỏi chuyển đổi nghề nghiệp như thế nào cùa các ngư dân vốn quen bám biển, sống chết với biển và đùng một cái đi tìm việc khác làm, phải bỏ biển. Trong khi đó tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm đang tràn lan trên cả nước cứ như một nan đề xã hội.

Và chị Hồng cũng tỏ ra lo lắng bởi trong cuộc họp dân vừa qua, vấn đề phía nhà cầm quyền nêu ra hoàn toàn có tính chất lấp liếm chứ ít tính thực tiễn. Bởi lẽ họ chỉ để một số người đại diện đứng lên hỏi. Và cậu hỏi cũng chỉ xoay quanh các thiệt hại của một vài cá nhân như là điển hình chứ không hề hứa hẹn về một chính sách đền bù có tính đồng bộ cho nhiều gia đình bị thiệt hại.

Và chị Hồng cũng tỏ ra bức xúc khi giới chức cấp xã xử sự không sòng phẵng với gia đình chị và nhiều gia đình khác. Hầu hết các gia đình bị thiệt hại muốn được nhận đền bù thì phải xuống giọng, thiếu điều năn nỉ ỉ ôi cán bộ xã trong quá trình xác nhận thiệt hại để đền bù. Và có vẻ như khi cầm gói tiền đền bù, cán bộ tự thấy họ là những người ban ân, người dân thiệt hại là những kẻ ăn xin của họ. Chính vì kiểu từ thấy như vậy nên hầu hết các gói đền bù đều bị tùng xẻo một cách tùy tiện và người dân bị thiệt như chị Hồng càng thêm bất bình.

Như để kết thúc câu chuyện, chị Hồng nói rằng bao giờ Formosa đi khỏi Việt Nam và biển Việt Nam được hồi sinh, ngư dân được đền bù thỏa đáng thì tiếng kêu than từ các làng chài mới thôi rền rĩ thảm thiết và cuồng nộ !

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

Published in Diễn đàn