Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung bình giai đoạn năm năm 2016-2020 mỗi năm có hơn 700 nghìn người lao động rời hệ thống bảo hiểm xã hội một lần, riêng ba tháng đầu năm 2021 có hơn 225 nghìn "ồ ạt rút sổ". Bài viết làm rõ động cơ nào thúc đẩy người lao động ứng xử trước rủi ro để đề xuất sửa đổi chính sách nhằm tránh thất bại.

bhxh1

Nhiều người lao động cho biết không thể chờ đợi được lâu vì khó khăn tài chính đang cấp bách. Lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần là giải pháp cứu cánh cho họ lúc khốn khó.

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là một chính sách công mà chính phủ can thiệp vào thị trường bảo hiểm để đảm bảo rằng người lao động được bảo hiểm hoặc bảo vệ trước rủi ro kinh tế. Họ được trả quyền lợi trong tương lai thông qua các quy tắc và yêu cầu bồi thường phụ thuộc một phần vào sự đóng góp của họ - phí bảo hiểm để tạo ra một quỹ bảo hiểm. Ở Việt Nam chính sách này được luật hóa năm 2014, trong đó tại điều 60 quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được nhận "quyền lợi" một lần sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội…

"Rất đáng lo ngại"

Thời gian gần đây, đặc biệt từ đầu năm 2020 thời gian đại dịch Covid-19, thực trạng người lao động ồ ạt rút sổ bảo hiểm xã hội 1 lần là "rất đáng lo ngại". Theo thống kê của Cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, chỉ tính riêng ba tháng đầu năm 2021 số lượng người lao động rút bảo hiểm xã hội tăng 20,5% so với cùng kì năm 2020. Riêng trong năm 2020, có 1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội nhưng có tới 880.000 người nhận bảo hiểm xã hội một lần. Cũng theo nguồn số liệu trên, số người thất nghiệp có quyết định nhận trợ cấp thất nghiệp khoảng 1,03 triệu người, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguyên nhân trực tiếp được chỉ ra là do đại dịch đã tác động tiêu cực trên diện rộng lên toàn bộ hoạt động doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát tại Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 mới được công bố, có hơn 87% doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp tư nhân trong nước và FDI, cho biết họ gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trong năm 2020. Trong bốn tháng đầu năm 2021 vẫn tiếp tục tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính bình quân mỗi ngày có 429 doanh nghiệp đóng cửa, rời khỏi thị trường. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chiếm đến 55,1%, ở tất cả 17 lĩnh vực như sản xuất phân phối, điện, nước, gas, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, giáo dục và đào tạo, khai khoáng và kinh doanh bất động sản…

Dường như các nhà quản lý "rất lo ngại" về sự an toàn của quỹ và chỉ tiêu kế hoạch bảo hiểm xã hội, và cho rằng sự "lỏng lẻo" của Luật bảo hiểm xã hội đã dẫn tới hiện tượng trên. Tuy nhiên, theo tôi, cần có cách nhìn đầy đủ để có giải pháp chính sách "trúng và đúng", mà trước hết cần làm rõ động cơ nào thúc đẩy người lao động ứng xử như trên.

Điều gì thực sự đang diễn ra ?

Các nhà quản lý cảnh báo rằng nhận bảo hiểm xã hội một lần có nghĩa là người lao động từ bỏ cơ hội được bảo vệ trước rủi ro phía trước và sau khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp họ đều cho rằng có thể "bị thiệt thòi" về lâu dài, nhưng do khó khăn cấp bách tài chính nên họ đã lựa chọn "cứu cánh" tức thời trước rủi ro… Người lao động cũng được khuyến cáo rằng họ có thể bảo lưu (luật cho phép), đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề ; đăng ký nhận chế độ hỗ trợ từ "Gói hỗ trợ" của Chính phủ… để tăng cơ hội trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này…

Động lực vô hình nào dẫn dắt người lao động ?

Hiện tượng rút sổ bảo hiểm một lần, theo tôi, là kiểu hành vi "phi lý trí" và "thực dụng". Sự so sánh tương đối thiệt hơn giữa hiện tại và tương lai là động cơ thúc đẩy. Bức tranh hiện tại là hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, đời sống đắt đỏ hơn do đồng tiền mất giá, sự trục lợi bảo hiểm, chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế theo bảo hiểm xã hội và phiền hà khi làm các thủ tục thanh toán, "Gói an sinh" của Chính phủ liệu có đến tới họ… Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra điều kiện sống vật chất và tinh thần của công nhân trong các khu công nghiệp tập trung là rất thiếu thốn, không đảm bảo để họ duy trì công việc lâu dài. Đó là những yếu tố tâm lý tác động mạnh đến hành vi của họ. Trước mặt họ là những tiêu cực trong xã hội, nạn quan tham nhũng nặng nề, hành chính quan liêu, bất công xã hội, phân biệt đối xử và khoảng cách giàu nghèo, cá nhân không được bảo vệ, lương hưu không đủ cho cuộc sống… Những yếu tố này báo hiệu một tương lai bấp bênh. Những tính toán "rất người" đã ăn sâu vào tiềm thức người lao động. Ngoài ra, thị trường lao động "huấn luyện" họ dần quyết đoán hơn, thực dụng hơn với tình hình, và họ đã biết cách tối đa hóa tiền bạc trong bối cảnh dịch Covid-19 còn đe doạ còn dài…

bhxh2

Một tấm biển kêu gọi phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở Hà Nội. AFP

Hơn thế, khi những hành vi "phi lý trí" có hệ thống, sự phi lý trí được lặp đi lặp lại có thể cung cấp rất nhiều điều cho quá trình thiết kế hay sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội và các chính sách trợ cấp khác cải thiện cuộc sống người lao động. Hiện tượng rút sổ bảo hiểm một lần đã có từ nhiều năm nay, có xu hướng năm sau cao hơn năm trước và chưa có dấu hiệu dừng lại, sự bùng phát hiện nay xảy ra đồng thời với đại dịch Covid-19. Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần bình quân năm trong 5 năm (2016-2020) khoảng 750.000 người, nghĩa là cứ 2 người tham gia bảo hiểm xã hội có 1 người "rời khỏi hệ thống".

Thất bại chính sách ?

Quan niệm rằng chính sách bảo hiểm xã hội là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường là đúng, nhưng sẽ là phiến diện nếu xem đây là vấn đề "chính trị của giai cấp công nhân lao động" để làm hay sửa đổi chính sách.

Trước hiện tượng rút sổ bảo hiểm xã hội một lần đã có ý kiến rằng Nghị quyết số 93/2015/QH13 năm 2015 của Quốc hội về việc "thực hiện trở lại" bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người lao động sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội… trước "sự kiện" đình công của công nhân tại một số công ty ngành da giày, dệt may… đang đặt ra những thách thức. Từ đó, đề xuất rằng rà soát và sửa Luật bảo hiểm xã hội 2014 theo hướng "siết chặt" quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần ; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, có thể từ 20 năm xuống 15 năm, để được hưởng lương hưu, giúp người lao động dễ dàng được hưởng lương hưu, hạn chế nhận bảo hiểm xã hội một lần…

Theo tôi, cần nghiên cứu "sự phản ứng của bộ phận công nhân" nêu trên như một bài học về thái độ ứng xử của chính quyền đối với người lao động vẫn có giá trị cho sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội sắp tới. Bài học này phải được bổ sung các nghiên cứu sâu và toàn diện hơn về hiện tượng "ồ ạt" rút sổ bảo hiểm xã hội một lần gần đây. Như vậy, nhiều chính sách có liên quan tới việc cải thiện cuộc sống người lao động như tiền lương tối thiểu, lương hưu, trợ cấp… đồng thời với chính sách phát triển thị trường lao động. Nguyên tắc xây dựng bất kỳ chính sách công nào cần tìm ra các giải pháp sao cho vị trí đối tượng thụ hưởng chính sách được đặt ở trung tâm, tăng lợi ích kinh tế và sự lựa chọn của người lao động, nghĩa là cần cân nhắc các giải pháp kinh tế gắn với mở rộng việc làm và chất lượng tăng trưởng, thay vì nhấn mạnh tính chất "bắt buộc".

Nếu "tính chuyên chế" được đặt ưu tiên trên tình cảnh của người lao động thì sự "thất bại" chính sách đã được cảnh báo. Tính bền vững của chính sách bảo hiểm xã hội chỉ có được khi có giải pháp cải thiện điều kiện sống hiện tại của người lao động và cơ sở cho niềm tin vào tương lai của chính họ và chế độ.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 10/05/2021

Additional Info

  • Author Phạm Quý Thọ
Published in Diễn đàn
dimanche, 24 septembre 2017 13:59

Đường dây lao động "khổ sai" ở Nga

Thâm nhập đường dây lao động 'khổ sai' ở Nga

Uất nghẹn, tủi nhục, tán gia bại sản, cầu cứu… là những gì phóng viên báo Người Lao Động thấy và cảm được khi gặp nạn nhân và thâm nhập đường dây đưa lao động sang Nga

Một ngày đầu tháng 8, với ngồn ngộn tin tức nóng hổi về trạm thu phí BOT Cai Lậy được gửi về tòa soạn thì xuất hiện một thư điện tử với tựa đề "Hãy cứu những lao động chui ở Nga". Càng đọc càng không tin, bởi theo nội dung thư kể thì người Việt đi lao động ở Nga chẳng khác gì đi vào địa ngục. Không chần chừ, một nhóm phóng viên, cộng tác viên được huy động với kế hoạch điều tra tỉ mỉ, hòng cảnh báo, lật tẩy đường dây này !

Kêu cứu trong tuyệt vọng

Lần theo địa chỉ email gửi đến, nhóm phóng viên báo Người Lao Động đã tiếp xúc được với người gửi. Đó là chị H.P (ngụ huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) - người bị lừa đi xuất khẩu lao động đến Liên bang Nga và vừa phải tiêu tốn gần như cả gia tài để được trở về nước. Theo chị P., lá thư kêu cứu mà chị chuyển thể nội dung dưới email gửi Bbáo Người Lao Động là của anh T.V. C (SN 1988, ngụ ấp Hòa Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng). Anh C. và chị P. đã lén lút nhét trong hộp bánh để qua mắt ông chủ xưởng may trước khi chị P. mang về Việt Nam.

Theo chị P., trước khi phóng viên muốn hiểu hết nỗi đọa đày của anh C. thì hãy nghe câu chuyện thật từ chính bản thân chị. Với giọng buồn và uất nghẹn, chị P. kể rằng cách đây hơn 4 tháng, nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của người môi giới, chị đã gom gần hết số tiền tích cóp trong hơn chục năm để được xuất khẩu sang Nga với mong muốn được đổi đời.

Thế nhưng, khi mới đặt chân đến "miền đất hứa" hai ngày thì mọi thứ đều là dối trá. Bị giam cầm, làm quần quật nhưng cả ngày chỉ được ngủ vài giờ. Sức người có hạn, chị P. đổ bệnh. Ấy vậy mà, nhiều lần van xin, ông chủ xưởng may ở Nga vẫn bắt làm, bất chấp bệnh tật. Đến khi chị P. đứng không nổi thì ông chủ nói muốn về nước chị P. phải có giấy chứng nhận của bác sĩ (chị P. vốn bị bệnh tim) chuyển từ Việt Nam sang mới được xem xét. Khi gia đình chị P. chuyển giấy chứng nhận bệnh sang thì ông chủ lại đưa ra yêu cầu gia đình chị phải chuyển 2.300 USD cho một người tên T.M.Q, ngụ ở Hà Nội thì mới được cho về, còn không thì đừng mơ ! Biết ở lại sẽ cầm chắc cái chết trong tay bởi thời tiết khắc nghiệt và lao động khổ nhọc nên chị P. đã khóc hết nước mắt và cầu cứu người thân gửi tiền cho ông chủ để được trở về, để giữ lại mạng sống và tố cáo những kẻ lừa đảo mình và nhiều người khác.

laodong1

Lá thư tố cáo từ Nga đã lần dỡ những chiêu trò, thủ đoạn biến người lao động thành… khổ sai !

Trở lại câu chuyện của anh C., trong thư anh C. kể rằng mình làm thợ may ở Sóc Trăng, thông qua một người ở tỉnh này có tên là Nguyễn Thị Phấn, anh C. tìm đến hai người ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang vì nghe nói họ có khả năng đưa người ra nước ngoài làm việc. Hai người này khẳng định : "Muốn sang Nga làm việc thì chi phí 1.900 USD, chỉ lấy trước 15 triệu đồng, khi nào sang Nga làm việc trừ dần vào lương số tiền còn lại. Lương mỗi tháng là 10 đến 20 triệu đồng. Cơm, nước chỗ nghỉ,… chủ xưởng may lo hết". Nghe vậy anh C. đã vay mượn đủ số tiền trên giao cho bà Phấn và được bà Phấn viết biên nhận và đưa 1 hộ chiếu. Khoảng gần 2 tháng sau, hai người này điện thoại kêu anh C. chuẩn bị sang Nga làm việc. Ngày 29/7, anh C. cùng 2 người khác có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất để sang Nga.

Trước khi đi, 2 người trên còn đưa 1 chiếc sim điện thoại nói rằng "khi xuống sân bay thì gắn vào có người liên lạc". Đúng như lời nói, khi xuống sân bay Nga thì có người điện thoại đón và đưa anh C. lên một ô tô 7 chỗ chạy thẳng về xưởng may. Mọi chuyện không như mơ, dù là đàn ông nhưng theo anh C., chỉ qua 3 ngày làm việc ở xưởng may, anh C. hoàn toàn kiệt sức nhưng vẫn bị bắt ép làm việc, bất chấp khả năng có thể ngã quỵ lúc nào. "Tôi có thể chết bất cứ lúc nào. Hãy cứu tôi bởi má tôi không thể moi đâu ra tiền để chuộc tôi" - anh C. kêu cứu trong tuyệt vọng ở cuối bức thư.

Chỉ có thể gọi là… "khổ sai" !

Quyết tâm làm rõ sự thật cũng như quá ám ảnh với lời kêu cứu cuối thư của anh C., Báo Người Lao Động đã kết nối với một cộng tác viên, trong vai người lao động muốn sang Nga làm thợ may. Đó là những ngày giữa tháng 8 vừa qua. Và đúng như những gì chị P. và anh C. kể cũng như kêu cứu, vừa sang Nga, chúng tôi lập tức được đối xử như những lao động "khổ sai".

Khi vừa xuống sân bay ở Nga, chúng tôi được chiếc xe 7 chỗ chở đến nơi làm việc cách sân bay khoảng 170 km. Toàn bộ giấy tờ đều bị ông Nguyễn Việt Tuấn (người quê Hà Nội), là ông chủ giữ hết.

laodong2

Với tần suất lao động ngày hơn 16 giờ liên tục thì đến nam lao động cũng không thể "gồng" được huống chi là nữ

Nghỉ được 1 ngày, sau đó người của công ty đưa cho chúng tôi ký một bản "Hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài". Theo đó, ngày làm việc 8 giờ nhưng kèm theo "Có định mức sản phẩm trong thời gian làm việc". Định mức mỗi ngày một người phải may 20 chiếc áo khoác. Nếu không xong thì làm đến khi nào xong mới được đi nghỉ. Đặc biệt là bản hợp đồng này dù ký ở Liên bang Nga nhưng ghi "Chi trả lương : Tại Việt Nam" và nếu có tranh chấp hợp đồng thì "Giải quyết theo pháp luật Việt Nam". Người đại diện ký hợp đồng với người lao động là ông Lê Tiến Trọng. Thắc mắc cũng không được, đã qua đến đây ai cũng phải ký, vì không ký là bít đường về.

Khi đặt bút ký hợp đồng cũng là lúc người lao động biến thành người… lệ thuộc. Bởi định mức mỗi ngày một người phải may 20 chiếc áo khoác từ công đoạn cắt cho đến thành phẩm thì chỉ có "thánh" mới làm được. Bằng chứng mà người của chúng tôi ghi nhận được có không ít công nhân nữ vốn là thợ may chuyên nghiệp ở Việt Nam, cũng chỉ có thể làm được vài chiếc một ngày.

Khi mới đến xưởng, người của chúng tôi được 2 người tên Tân và Thanh chỉ lên lầu nghỉ. Đúng 7 giờ (khoảng 11 giờ trưa Việt Nam), tất cả phải ngồi vào bàn máy may, cữ ăn sáng chỉ được chừng 10 phút là mì tôm tự nấu. Đến 12 giờ, công nhân được đưa lên lầu 1 để ăn trưa, bàn 5 người nhưng chỉ có 2 con cá và một tô bắp cải xào, còn nước thì lấy làm canh và chỉ được ăn trong 30 phút, sau đó phải làm việc trở lại đến tận 19 giờ mới được ăn chiều. Xong cữ chiều công nhân tiếp tục làm việc tới 23 giờ 30 phút mới được nghỉ. Mỗi ngày công nhân chỉ được tắm rửa, vệ sinh 15 phút. Khi tất cả công nhân làm việc xong lên lầu thì cánh cửa sắt giữa cầu thang và tầng trên được khóa chặt. Trong thời gian công nhân làm việc, lúc nào cũng có 2 người là Tân và Thanh theo dõi.

Ở nơi xứ lạnh cộng với ăn uống thiếu thốn, làm việc quần quật cả ngày khiến đa phần công nhân trong xưởng may kiệt sức. Có ngày, khi đến cữ ăn cơm, nhiều công nhân nữ không ăn mà lăn ra ngủ rồi khi đến giờ may thì ăn mì sống để cầm chừng. Có ngày, có đến 5 công nhân đổ bệnh vì không còn sức, quá túng quẫn, nhiều người có ý định bỏ trốn nhưng không thể thoát ra được 4 lớp cửa nên đành cắn răng chịu đựng… Và tê tái hơn là có những nữ đồng nghiệp dù tới "ngày của phụ nữ" vẫn không có thời gian để đi "giải quyết".

Đau đớn nhất là chuyện sau 1 tháng làm việc đến kiệt sức, ông chủ cho biết số tiền lương của tôi là 7.500 rúp (tương đương 2,4 triệu đồng tiền Việt Nam) chưa tính chi phí điện, nước và lương thực gửi mua từ Việt Nam sang. Quá vất vả lại bị lật lọng một cách trắng trợn, tôi xin chủ cho về thì họ nói rằng : "Muốn về phải đền hợp đồng 3 năm là 120 triệu đồng". Tình cảnh này cũng là tình cảnh của khoảng 30 lao động đang làm việc ở xưởng may này.

Cách biệt thế giới bên ngoài

Xưởng may mà chúng tôi làm việc được xây tường rất kín, muốn vào đến xưởng phải qua 3 lớp cửa lúc nào cũng khóa kín không thể nào thoát ra ngoài.

Sau khi được đưa vào xưởng may thì từ đó trở đi, chúng tôi không được bước ra ngoài công ty, mọi sinh hoạt như muốn mua thứ gì đều phải nhờ hai người của công ty đi mua. Cánh cổng chính lúc nào cũng đóng kín. Chẳng thế mà các công nhân "ma cũ" ở đây nói với tôi rằng : "Chúng mình đã dại khi tự đâm đầu vào đây. Khả năng mất mạng vì bệnh tật, vì kiệt sức có thể xảy ra bất cứ lúc nào".

Nhóm phóng viên (19/09/2017)

***********************

Đối mặt những kẻ lừa lọc

Vì đồng tiền mà những kẻ môi giới đã bất chấp thủ đoạn hòng dụ được nhiều người sang Nga

Muốn sang Liên bang Nga làm việc, chỉ cần hộ chiếu, 3 ảnh chân dung, 2 CMND photocopy, không cần công chứng và chỉ ứng trước 15 triệu đồng cho "trùm" là chờ ngày bay với lời hứa hấp dẫn về lương bổng…

Những lời xảo trá

Thông qua một người quen từ trước, trong vai người cần ra nước ngoài làm việc, phóng viên đã tìm đến nhà bà Ngô Thị Thu và chồng là Trần Quốc Đậm (ngụ ấp 7, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Bà Thu là người miền Bắc còn chồng là người miền Nam. Mới gặp mặt, vợ chồng bà Thu - ông Đậm giới thiệu cùng làm việc tại một công ty may ở huyện Cai Lậy. Tuy công ty không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng bà có thể đưa lao động đi Nga thông qua người đàn ông tên Tuấn. "Đi theo "dây" của anh Tuấn thì chỉ cần gửi hộ chiếu ra Hà Nội. Mức lương bên đó từ 10/20 triệu đồng/tháng, gấp mấy lần làm việc ở đây mà chi phí chẳng là bao" - bà Thu nói chắc.

laodong3

Ông Trần Quốc Đậm (giữa) ra tận sân bay Tân Sơn Nhất giúp làm thủ tục và thu thêm mỗi người 600.000 đồng Ảnh : CHÂU MINH

Bà Thu còn nói thêm rằng cần phải ứng trước 15 triệu đồng. Sợ khách nghi mình lừa, bà Thu giải thích : "Nếu như qua đó không làm thì còn có cái để tính. Chi phí đi qua đó tới 1.900 USD lận. Đây là tiền anh Tuấn nói đặt cọc nên em thay mặt truyền đạt lại. Anh Tuấn là người quen của em. Anh ấy rất uy tín. Tin em đi, anh Tuấn đã về ghé thăm nhà em rồi".

laodong4

Chân dung người đàn bà môi giới Ngô Thị Thu

Để củng cố lòng tin của chúng tôi, bà Thu khoe : "Chị Xuân, chị Ánh mới nhờ em chuyển hộ chiếu kìa !". Chưa hết, lúc đang trò chuyện, điện thoại cắt ngang, bà Thu nói với người gọi và cũng hàm ý nói với chúng tôi : "Làm việc ngày 8 giờ, cơm, nước, ăn nghỉ, chủ lo hết".

Không chỉ hoạt động ở địa bàn tỉnh Tiền Giang, cặp vợ chồng môi giới này còn "vươn vòi" về tận Sóc Trăng bằng cách tuyển thêm nhiều chân rết để tìm người cho xưởng may của ông Tuấn ở bên Nga. Cụ thể là trường hợp của anh T.V.C ở Sóc Trăng. Nắm được hoàn cảnh anh C. đang cần tiền giúp mẹ trả nợ, người hàng xóm tên Nguyễn Thị Phấn (chân rết của vợ chồng Thu - Đậm) liền tiếp cận. Khi anh C. đồng ý sang Nga làm thợ may thì bà Phấn liền giới thiệu đến gặp bà Thu. Chiêu cũ lặp lại, bà Thu luôn miệng cam kết nào là làm việc ngày chỉ 8 giờ, cơm, nước, nghỉ ngơi chủ lo. Rồi chi phí ông chủ Tuấn bỏ ra để lo qua Nga đến 1.900 USD, trong khi người đi chỉ đặt cọc 15 triệu đồng là quá sướng. Không đâu rẻ bằng !

Khi con mồi bị "gây tê" bằng những lời xảo trá, bà Thu liền chỉ đạo cho chân rết về tận quê yêu cầu anh C. "ứng" 15 triệu đồng và viết ngay biên nhận với nội dung "Tôi Nguyễn Thị Phấn có nhận số tiền của em T.V.C 15 triệu. Lý do : nhận tiền đi nước Nga".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tính đến thời điểm hiện tại, những người môi giới nêu trên đã dụ được khoảng 17 người sang Nga lao động "khổ sai", trong đó có 7 người chúng tôi xác định được danh tính và quê quán cụ thể. Mỗi trường hợp môi giới thành công, vợ chồng Thu - Đậm được trả công 500 USD.

Khốn cùng

Trở lại với lá đơn kêu cứu của anh C., khi xe vừa đưa anh đến xưởng may ở bên Nga thì ngay hôm đó, anh bị chủ bắt ký hợp đồng làm việc 3 năm. Mỗi ngày anh C. phải làm việc từ 7 giờ đến 23 giờ ; chỉ nghỉ được 30 phút ăn cơm. Qua 1 tháng làm việc, anh C. kiệt sức vì thiếu ngủ, ăn uống kham khổ. Muốn trở về Việt Nam thì anh bị ông chủ xưởng buộc đền hợp đồng.

Theo địa chỉ trên lá thư, chúng tôi tìm về nhà anh C. ở ấp Hòa Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nhưng trống hoác, gần như không có vật gì giá trị ngoài cái tủ thờ. Tại đây, bà Nhung - mẹ anh C. - cho hay do thiếu nợ ngân hàng khoảng 30 triệu đồng nên anh C. xin gia đình sang Nga làm việc để kiếm tiền trả nợ. Khi sang Nga được vài ngày, anh C. gọi điện về than rằng làm việc vất vả, không đúng với cam kết. "Từ đó đến nay đã vài tháng, thằng C. nó không nói gì thêm, chắc vì sợ tôi lo rồi bệnh thêm" - bà Nhung lo lắng khi hay tin anh C. đang kêu cứu từ Nga.

Từ lo lắng, bà Nhung chuyển sang lo sợ khi nghe chúng tôi nói đã có nhiều người phải tốn vài ngàn USD mới được quay về, vì phải bồi thường hợp đồng. "Vậy thì khốn khổ cho gia đình tôi quá. Nếu vậy chỉ có nước bán nhà chứ moi đâu ra số tiền lớn như vậy" - bà Nhung nói như muốn khóc.

Ông Trần Văn Khem, Trưởng ấp Hòa Hưng, xác nhận gia đình bà Nhung trước đây thuộc diện hộ nghèo. Gia đình bà vừa thoát nghèo nhưng vẫn còn rất khó khăn. Việc anh C. đi lao động ở Nga, ông Khem cũng mới nghe qua. Nếu tình cảnh như vậy thì đúng là mấy kẻ môi giới quá bất nhân khi gạt người nghèo.

Qua tìm hiểu, ngoài lá đơn của anh C. gửi về kêu cứu thì một người khác là chị N.N.L vừa trở về từ xưởng may của ông Tuấn, lập tức trốn nợ vì khoản tiền vay mượn hơn 60 triệu đồng không còn khả năng chi trả. "Cuối tháng 8, cha mất, chị cũng không về thọ tang vì sợ người đến đòi nợ" - một người quen của L. nói khi chúng tôi tìm đến nhà chị L…

Những ngày giữa tháng 9, theo ghi nhận ở xưởng may của ông Tuấn, trong lúc nhiều người đang quần quật "cày cả ngày lẫn đêm" để mong trả đủ số nợ khi sang Nga làm việc thì có nhiều công nhân đòi được về nước vì không chịu đựng được sự "khổ sai".

Chị Đ., một trong những người sang sau người của chúng tôi, một mực xin về nước thì ông chủ xưởng may nói rằng "phải đền hợp đồng vì chi phí bỏ ra để xin quota quá nhiều". Khi chị Đ. điện thoại cho người nhà cầu cứu bà Thu thì bà này phán rằng "muốn về Việt Nam thì cầm lên đây cho dì 120 triệu đồng đền hợp đồng 3 năm". Trong khi đó, chân chị Đ. mỗi ngày mỗi nhức vì từng bị tai nạn lại gặp thời tiết lạnh nên gần như không thể đi lại. Đến lúc này, ông Tuấn đồng ý và yêu cầu chuyển 2.300 USD cho người nhà ông ta ở Việt Nam, kèm theo cam kết "không được thưa kiện".

Sau khi chuyển đủ số tiền trên, chị Đ. mới được người của xưởng may mua giùm vé máy bay và đưa ra sân bay, đợi đến khi chị Đ. vào phòng cách ly, họ mới trả lại giấy tờ cá nhân. 

Lộ diện công ty mời nhập cảnh

Sau khi người của báo Người Lao Động cùng nhiều người khác nộp hộ chiếu cho bà Ngô Thị Thu thì khoảng 1 tuần sau, bà Thu thông báo chuẩn bị sang Nga. Đúng hẹn, chúng tôi có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất, người "giúp" chúng tôi làm thủ tục là ông Trần Quốc Đậm. Sau khi chuẩn bị vào phòng cách ly, ông Đậm yêu cầu mỗi người nộp thêm 600.000 đồng.

Khi đến nước bạn, chúng tôi mới biết thủ tục sang Nga của đường dây này là sau khi gửi hộ chiếu cùng 15 triệu đồng cho người môi giới thì tại Liên bang Nga, một người đại diện cho Công ty trách nhiệm hữu hạn TOM MODA có trụ sở số 141081, vùng Moscow, Thành phố Dmitrov, đường Industrial, nhà 3, có giấy mời nhập cảnh vào Liên bang Nga với mục đích là "Lao động làm thuê" và được cấp hộ chiếu phổ thông một lần. Thời gian được nhập cảnh trong vòng 90 ngày.

Nhóm phóng viên (20/09/2017)

*********************

Đại sứ quán cùng vào cuộc

Một đường dây nóng đúng nghĩa đã được thiết lập giữa bo Người Lao Động với đại sứ Việt Nam tại Nga

Sau khi thu thập đầy đủ thông tin về xưởng may ở Nga khiến các lao động Việt Nam kêu cứu vì kiệt sức, thông qua cơ quan chức năng Bộ Ngoại giao, báo Người Lao Động đã chuyển hồ sơ vụ việc tới Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga. Từ đây, một "đường dây nóng" đã được thiết lập giữa Tòa soạn báo Người Lao Động và Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn để "giải cứu" lao động.

18 ngày gay cấn

Cụ thể, ngày 30/8, chúng tôi đã cung cấp cho Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn thông tin : Có nhiều người ở Việt Nam bị lừa đi lao động bên Nga (cụ thể là xưởng may của người đàn ông tên Tuấn) kêu cứu. Họ bị nhốt, không cho ra ngoài, làm việc ngày 16 giờ nhưng lương chỉ 3 triệu đồng.

Đại sứ yêu cầu cho ông địa chỉ cụ thể để xử lý. Báo Người Lao Động liền cung cấp thông tin và cho biết thêm khoảng 20 lao động bị nhốt trong đó, người môi giới đã thừa nhận lấy tiền 15 triệu đồng mỗi người đi lao động bằng đường du lịch. "Cho tôi dữ liệu người môi giới, để xem có trong danh sách đang theo dõi không" - Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn đề nghị.

laodong5

Làm việc cật lực nhưng lương quá thấp nên nhiều công nhân ở xưởng may của ông Tuấn kêu cứu và đòi về nước Ảnh : MINH CHÂU

Sau đó, chúng tôi đã gửi dữ liệu người môi giới, chuyển hợp đồng lao động, các hình ảnh xưởng may, đường vào xưởng cũng như người môi giới và được Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn phúc đáp là sẽ xử lý sớm. Thời điểm này, người của chúng tôi ở trong xưởng may của ông Tuấn gửi thông tin cho biết có thêm nhiều lao động kêu cứu, đòi về chứ không riêng gì anh C. ở Sóc Trăng. Trong các ngày 1, 2, 3 và 4/9, chúng tôi liên tục liên lạc với đại sứ để nắm thông tin thì được ông cho biết đang tiến hành làm.

Đến ngày 5/9, người của chúng tôi báo về cho hay đã có hơn 10 người ở xưởng may cầu cứu. Dù biết công việc của đại sứ nhiều nhưng không thể không nóng lòng, chúng tôi tiếp tục hối thúc ông. Đến trưa 14/9, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn nhắn : "Chuyển toàn bộ dữ liệu vào máy Trưởng phòng lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Nga theo số… Tôi đã giao hôm nay phối hợp với công an nước bạn kiểm tra".

Đáp ứng yêu cầu của đại sứ, chúng tôi chuyển toàn bộ thông tin liên quan đến chủ xưởng may và những thông tin hữu ích khác phục vụ công tác giải cứu cho ông Hoàng Anh, Trưởng Phòng Lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Nga.

Tối 14/9, ông Hoàng Anh cho biết : "Vừa gọi C., là người viết đơn. Tôi xem nội tình thế nào, xử lý hai bên. Khỏi phải nhờ công an bắt cả hai bên. C. đưa số điện thoại ông chủ mà chưa liên lạc được, chúng tôi sẽ gọi tiếp. Dĩ nhiên là làm sao cho hài hòa vì chủ cầm hết giấy tờ nên chưa biết hợp pháp hay không. Đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của Đại sứ quán".

Ngày 17/9, ông Hoàng Anh cho biết đã liên hệ và làm việc với chủ xưởng may. Trong buổi làm việc, ông đã đề nghị chủ xưởng nếu ai không muốn làm thì nên cho họ về. Riêng việc giữ hộ chiếu của người lao động thì được chủ xưởng giải thích là sợ công nhân bỏ trốn sang xưởng khác.

"Tóm lại, chúng tôi đã đề nghị với chủ xưởng ai muốn về thì cho về. Trong vòng 1 tuần nữa, chúng tôi sẽ có kết quả để hài hòa lợi ích giữa những người lao động và chủ xưởng" - ông Hoàng Anh khẳng định.

Lời hứa của ông Hoàng Anh đưa ra đã phần nào giúp chúng tôi bớt lo lắng cho người lao động đã gửi đơn cầu cứu đến báo Người Lao Động. Hơn nữa, theo người của chúng tôi ở xưởng may, sau cuộc làm việc của ông Hoàng Anh thì tình trạng công nhân đã dễ thở hơn. Dù vậy, không ít lao động Việt Nam vẫn mong chủ xưởng thực hiện theo đề nghị của ông Hoàng Anh là ai muốn về thì cho về.

Công an, chính quyền đồng loạt vào cuộc

Theo Trưởng phòng lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc trên xuất phát từ chuyện người môi giới thu tiền người lao động và tìm người sai, tay nghề kém. Vì thế, lỗi là của người môi giới. Chủ xưởng cần người có tay nghề mà môi giới thì tìm người không đúng. Chủ xưởng cũng bỏ tiền mua hạn ngạch mới đưa được người qua nên Đại sứ quán đang làm mọi cách để hài hòa lợi ích đôi bên.

Ở một diễn biến khác, ngày 19/9, một lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang cho hay công an đã vào cuộc làm rõ theo đơn tố cáo của một số công nhân từ xưởng may của ông Tuấn trở về. Theo đó, công an đã tiếp nhận đơn và làm việc với nhiều người liên quan. Công an cũng xác định 2 người là bà Thu và ông Đậm có liên quan đến vụ việc.

Nguồn tin nêu trên cho hay những công nhân này khai với công an là đều thông qua bà Thu và ông Đậm, họ mới đi sang Nga lao động. Ngoài ra, tất cả đều khai rõ là mỗi người phải trả cho bà Thu 15 triệu đồng mới được đưa sang Nga.

Đặc biệt, ngày 20/9, nguồn tin riêng của báo Người Lao Động cho biết sau khi loạt bài "Đường dây lao động "khổ sai" ở Nga" đăng tải trên báo Người Lao Động, sáng 19/9, Cục Cảnh sát hình sự (C45, Bộ Công an) đã vào cuộc cùng với Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Sóc Trăng và PC45 Công an tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, tại Sóc Trăng, cán bộ điều tra của PC45 đã tiếp cận gia đình anh T.V.C (ngụ ấp Hòa Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú). Tuy nhiên, do bà Ung Thị Hồng Nh. (mẹ anh C.) già yếu nên cán bộ điều tra đã hướng dẫn người thân của bà làm các thủ tục cần thiết để củng cố hồ sơ vụ việc.

Liên quan đến chân rết của vợ chồng Thu - Đậm, PC45 cũng triệu tập bà Nguyễn Thị Phấn, Phó Bí thư ấp Hòa Hưng, lên làm việc. Bởi lẽ, bà Phấn được xác định là người môi giới anh C. cho bà Thu. 

Ông Lê Hoàng Điện, Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Sóc Trăng, cho biết đã chỉ đạo các bộ phận của sở tiếp cận gia đình bà Nh. (mẹ anh C., người viết đơn kêu cứu) để tìm hiểu, từ đó có hướng hỗ trợ anh.

Phải chặn từ trong nước

Theo Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn, việc đưa người kiểu như trên sang Nga lao động đã diễn ra hàng chục năm nay. Mấy năm gần đây, tình trạng này đã có phần lắng xuống vì cơ quan chức năng hai nước vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên, các chiến dịch truy quét các xưởng may "đen" - nơi có công nhân Việt Nam làm việc - thường khó bắt chủ sử dụng vì họ đều có "thông tin".

"Vì vậy, nhiều lần tôi đã gọi điện về Việt Nam đề nghị cần ngăn chặn từ trong nước, chứ không phải cứ để các công ty du lịch lừa đảo rồi sang bên này chỉ xử lý được phần ngọn. Việc này tôi sẽ tiếp tục phối hợp với bạn (tức báo Người Lao Động) để xử lý" - đại sứ nhấn mạnh, đồng thời mong báo chí thông tin tuyên truyền cho mọi người cảnh giác.

Nhóm phóng viên (21/09/2017)

Published in Diễn đàn

Các khí tài quân sự như tàu, máy bay trực thăng, tàu sân bay và các phương tiện quân sự của quân đội Anh đang được bán tháo với mức giá rẻ chưa từng thấy.

Trang Daily Mail ngày 24/9 cho biết các chuyên gia quân sự nước này đang lo lắng việc bán tống bán tháo thiết bị quân sự sẽ làm giảm khả năng chiến đấu của lực lượng quân đội Anh, nhưng đây là một việc làm cấp thiết để bù đắp sự thiếu hụt khoảng 20 tỉ bảng trong tài chính quốc phòng nước này. 

Những món hàng đang được rao bán hạ giá bao gồm một phi đội máy bay chở quân trị giá 175 triệu bảng Anh - đây là những chiếc máy bay Hải Quân Hoàng gia dẫn đầu trong các hoạt động cứu trợ bão gần đây của Anh, và một phi đội trực thăng của Các lực lượng đặc nhiệm.

Theo các chuyên gia trong ngành cho biết các máy bay và trực thăng quân sự này sẽ được bán với số tiền lỗ khổng lồ, danh mục các mặt hàng của Bộ quốc phòng Anh đã được gửi đến lực lường vũ trang của khắp các nước trên thế giới trong hội trợ vũ trang gần đây ở London.

Trong số đó, các máy bay Warthog đã được Anh đưa vào sử dụng từ năm 2010 và ngay lập tức gây được tiếng vang trong việc bảo toàn tính mạng lính Anh tại Afghanistan. 17 chiếc Warthog đã bị bom Taliban thổi bay nhưng không một người lính nào trong tàu thiệt mạng. Nhưng chỉ sau 7 năm, hiện tại 85 chiếc Warthog cùng hàng ngàn xe của quân đội Anh đã được bán chỉ với giá 500.000 bảng mỗi chiếc.

Danh mục "hàng hạ giá" còn có tàu sân bay trực thăng HMS Ocean - đây là chiếc tàu đã đưa những chiếc trực thăng tuần trước tới vùng Caribe để hỗ trợ công tác cứu trợ sau cơn bão Irma và Maria.

OC110038

Tàu sân bay trực thăng HMS Ocean cũng bị bán tháo. Ảnh : Daily Mail

Đoàn tàu đã mang theo 650 người trong phi hành đoàn trực thăng, 60 tấn hàng cứu trợ bao gồm thiết bị xây dựng, dụng cụ vệ sinh và viên làm sạch nước. 

HMS Ocean khi đưa vào hoạt động có chi phí 150 triệu bảng, được trang bị máy bay trực thăng Wildcat và Merlin Mk3. Năm 2014 tàu đã được cải tạo với chi phí lên tới 65 triệu bảng, nhưng dự kiến HMS Ocean sẽ được bán với giá 80 triệu bảng vào đầu năm tới.

Theo Daily Mail, Hải quân Hoàng gia Anh rao bán cả tàu khảo sát đại dương duy nhất HMS Scott.

HMS Scott được nâng cấp hồi năm 2015, hiện nay tàu được trang bị hệ thống sonar và thủy văn hiện đại nhất, tàu dùng để lập bản đồ đáy biển.

anh2

Tàu khảo sát đại dương duy nhất HMS Scott cũng được mang ra bán

Tối 23/9, cựu lãnh đạo Hải quân Hoàng gia Anh West phát biểu : "Tôi vô cùng sửng sốt bởi HMS Ocean sẽ bị bán với giá hạ giá. Sự ra đi của chiếc tàu này đồng nghĩa là chúng tôi không thể thực hiện bất kỳ cuộc hành quân đổ bộ quy mô lớn nào và nó đại diện cho một sự thay đổi phi thường cho bất cứ ai mua nó. Tôi còn ngạc nhiên hơn và lo lắng hơn đến HMS Scott bởi vì nó thực hiện rất nhiều sứ mệnh hải dương thay cho tàu ngầm hạt nhân của Anh và tôi cho rằng chúng ta nhất thiết phải giữ lại con tàu này".

"Tóm lại, việc bán hàng đại hạ giá này sẽ làm thâm hụt đáng kể sức mạnh của Lực Lượng vũ trang Anh. Đây không phải chiến lược sử dụng vũ khí hiệu quả mà là vết cắt sâu vào lực lượng. Điều này đang ảnh hưởng đến chúng ta rất lớn, ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu trên đất liền, trên biển và cả trên không, nhưng dường như mọi người đều đang phủ nhận tình hình xấu như thế nào" - ông West nhận xét.

"Bộ sưu tập" của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) cũng được mang ra rao bán bao gồm 50 máy bay huấn luyện Tucano T1, máy bay lượn huấn luyện phi cơ không quân và máy bay trực thăng của RAF..

Thêm vào đó RAF cũng bán 6 máy bay vận tải C-130J - những chiếc này đang được thay thế bằng những chiếc Airbus A400M. Số lượng lớn đạn dược cũng nằm trong danh sách bán hàng.

Theo số liệu mới nhất của quân đội Anh, sau khi cắt giảm quân đội xuống còn 79.407 quân lính được đào tạo chuyên sâu, sự cắt giảm này thuyết phục các nhà lãnh đạo quân đội bán 700 xe tải hỗ trợ, 100 xe chở hàng, 100 xe tuần tra được trang bị Vector, 50 chiếc Snatch Land Rovers và số lượng chưa xác định các thiết bị khác.

Bộ quốc phòng Anh bảo vệ việc bán tháo này với lý do : "Doanh thu từ việc thanh lý có thể dùng để đầu tư công nghệ tiên tiến hơn cho lực lượng vũ trang".

Linh San

(theo Daily Mail)

Published in Quốc tế