Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Người Thượng Việt Nam chạy sang Thái Lan từ Campuchia (RFA, 03/04/2017)

thuong1

Người Thượng Việt Nam ở Bang Yai, Thái Lan. Hình do Dự án hỗ trợ người miền núi cung cấp.

Khoảng 50 người Thượng Tây Nguyên vừa từ Campuchia chạy sang Thái Lan xin tị nạn vì sợ bị trừng phạt nếu Campuchia gởi trả họ về Việt Nam.

Đây là những người dân tộc miền núi, phần lớn theo đạo Tin Lành, đã chạy sang Campuchia để tránh bị đàn áp và bị cấm đạo. Chuyện trốn sang Thái Lan xảy ra ngày 25 thang Ba sau khi Bộ Nội Vụ Campuchia bác bỏ một số đơn tị nạn của họ 5 ngày trước đó.

Hôm 2 tháng 4, viên chức đứng đầu cơ quan di trú Campuchia, ông Tan Sovichea, còn cho biết trong số 100 người dân tộc thuộc một nhóm Tin Lành miền núi đang ở Campuchia thì chỉ 3 người được coi là hội đủ điều kiện để xin tị nạn mà thôi.

Tuy nhiên theo bà Denise Coghlan, giám đốc một tổ chức Thiên Chúa Giáo ở Campuchia đang hỗ trợ người tị nạn, trong mấy chục người Thượng buộc phải bỏ chạy sang Thái Lan có những trường hợp cần được giúp đỡ khẩn cấp.

Bà Denise Coghlan bày tỏ sự thất vọng trước quyết định bà cho là tiêu cực đối với người tị nạn cần được giúp đỡ của chính phủ Campuchia, nói thêm rằng bà mong mỏi những người thượng bỏ chạy sang Thái Lan sẽ được an toàn.

Theo báo Bangkok Post, hiện có 96 người Thượng ở Campuchia đang được Cao Ủy Tị Nạn nơi đây giúp đỡ trong trại Por Sen Chey, nơi thường tiếp nhận những nhóm người Thượng từ Việt Nam sang. Đây là những đối tượng có thể bị Phnom Penh buộc hồi hương bất cứ lúc nào.

******************

Người Thượng Việt Nam ở Thái bây giờ ra sao ? (RFA, 02/04/2017)

Trong hơn một thập niên qua nhiều người dân tộc vùng Tây Nguyên Việt Nam chạy sang Thái Lan xin tị nạn nhưng không qua được vòng thanh lọc của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc và đành trở thành người cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan.

thuong1

Người Thượng Việt Nam ở Bang Yai, Thái Lan. Hình do Dự án hỗ trợ người miền núi cung cấp.

"Người vô tổ quốc !"

Hôm 24 tháng Ba vừa qua môt bài phóng sự chi tiết bằng Anh ngữ, nói về những người Thượng từ Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan, đã xuất hiện trên trang mạng của Al Jazeera, đài phát thanh và truyền hình tiếng nổi tiếng của Qatar.

Với tựa đề Trốn Khỏi Việt Nam : Vô Tổ Quốc Ở Thái Lan, ký giả Radu Diaconu của Al Jazeera đã gọi người Thượng tại Thái Lan là những kẻ bất hạnh bị lãng quên. Mọi góc cạnh cuộc sống bấp bênh, vô thừa nhận, không giấy tờ và không tương lai của người Thượng Tây Nguyên Việt Nam tại Thái Lan được phơi bày trên trang báo Al Jazeera với đầy đủ hình ảnh những người được phỏng vấn.

Bài phóng sự của ký giả Radu Diaconu mở đầu bằng tên Bang Yai, thị trấn cách thủ đô Bangkok của Thái Lan một giờ xe chạy, nơi có một cộng đồng người Thượng không giấy tở hợp lệ đang sống thật khó khăn lặng lẽ.

Cô Grace Bùi, thiện nguyện viên của Montagnards Assistance Project Dự Án Hỗ Trợ Người Miền Núi, tổ chức phi lợi nhuận ở Hoa Kỳ đang trợ giúp một số gia đình người Thượng ở Bang Yai, là người trả lời phỏng vấn cũng như kết nối cho phóng viên Al Jazeera mắt thấy tai nghe về cuộc sống khó khăn của người miền núi để thực hiện bài phóng sự này :

Hai ký giả của báo đó mới đầu có ai nói với họ về người miền núi ở đây thì họ cảm thấy là họ muốn phỏng vấn những người này. Lúc đó họ không biết mình là ai thì họ liên lạc với người của một tổ chức khác, người đó mới nói họ liên lạc với Grace. Họ đã liên lạc và phỏng vấn Grace với những người miền núi ở đây.

Ở Bang Yai bây giờ khoảng 250 người Thượng, một số đã đi định cư lúc trước, một số trở lại Việt Nam vì rớt phỏng vấn. Mấy tháng trước mình có chưa tới 200 người mà bây giờ lên con số gần 250 rồi tại vì bây giờ chính phủ Cambodia thân với Việt Nam bắt đầu trả những người Thượng về Việt Nam, do đó rất nhiều người sợ và họ trốn qua bên này.

Còn theo ông John Alles, cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam và là người sáng lập tổ chức thiện nguyện MAP Montagnards Assistance Project Dự Án Hỗ Trợ Người Miền Núi, thì bài phóng sự của Al Jazeera giúp đưa ra ánh sáng cuộc sống tối tăm và vô định của những người Thượng ở Tây Nguyên một thời từng là đồng minh của quân đội Mỹ trong thời chiến nhưng nay bị bỏ rơi.

Đó là lý do khiến người Thượng vùng Tây Nguyên luôn bị chính quyền Việt Nam phân biệt đối xử, ông John Alles nói tiếp, chưa kể đến việc nhiều người Thượng sau này đi theo đạo Tin Lành và siêng năng họp nhóm để cầu nguyện. Đã có những giáo phái Tin Lành ở Việt Nam không được nhà nước công nhận và đó cũng là lý do khiến nhà cầm quyền kiểm soát hoặc cấm đoán hẳn những sinh hoạt thờ phượng của người miền núi.

Trở lại cuộc sống thực tế của người dân tộc từ vùng cao miền Trung Việt Nam, phần lớn theo đạo Tin Lành, bị đàn áp và bị buộc phải bỏ đạo nên chạy sang Kampuchia lánh nạn. Vì không được UNHCR Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ở Phnom Penh cấp qui chế tị nạn, họ phải chạy tiếp sang Thái Lan.

Đến Thái, có những người may mắn như ông Xiu A Nem, người dân tọc J’rai, được UNHCR cấp giấy rồi được một tổ chức NGO ở Hoa Kỳ sắp xếp cho đi định ở Canada :

Ở Việt Nam là bị cộng sản đàn áp vì theo đạo Tin Lành, không cho tự do tôn giáo, bắt đi tù hơn 2 năm tôi không chịu nổi tôi bỏ chạy sang Thái Lan. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng với tổ chức BPSOS giúp là có hồ sơ, cuối cùng là Canada nhận. Ngày 23 tháng Bảy 2014 là qua đất nước Canada.

Tương lai mờ mịt

thuong2

Khu nhà của người Thượng ở Bang Yai. Hình do Dự án hỗ trợ người miền núi cung cấp.

Nhưng cũng có rất nhiều người không qua được vòng thanh lọc của UNHCR ở Bangkok. Không thể trở về Việt Nam, họ đành sống lây lất năm này qua năm khác trong tình trạng bất hợp pháp, bữa đói bữa no, tương lai mờ mịt và lúc nào cũng sợ bị bắt.

Đó là hoàn cảnh đáng buồn của những người Ê Đê như Y Hút :

Em cũng thế, UN ở Campuchia từ chối muốn trục xuất chúng em về Việt Nam. Chúng em không muốn về Việt Nam, chúng em bỏ trốn chạy sang nước láng giềng Thái Lan. Hiện nay tình trạng của chúng em rất khó khăn và rất nguy hiểm.

Hoặc là Y D’Jom : Rời khỏi Việt Nam ngày 27 tháng Mười Một năm 2007, đến trại tị nạn Campuchia, rồi sau đó thấy tình hình ở trại tị nạn Campuchia căng thẳng đòi trục xuất về em chạy sang Thái Lan. Trong thời gian qua cũng đi gặp UN mà UN chưa có trả lời cho nên bây giờ là rất phức tạp, đi đâu cũng không được.

Hay như Y Yony : Em không có thể quay về Việt Nam, nếu quay về Việt Nam thì tụi em phải vô tù 5 năm đến 20 năm. Tại vì hồi trước em ở trong tù em đã cam kết với họ rất nhiều lần là không phản động không vượt biên , đi đâu làm gì phải xin phép chính quyền, nếu tự đi một mình họ phát hiện thì họ bắt giam từ 5 đến 20 năm tù. Cho nên em không dám quay về tại vì em đã từng cam kết với chính quyền Hà Nội như vậy.

Không giấy tờ hợp lệ thì không thể kiếm việc mà chỉ đi làm thuê làm mướn cho người Thái :

Y Yony : Em bây giờ kiếm sống lai rai, không có nghề nghiệp, ai kêu tụi em đi làm một ngày họ trả 150 (baht) thì tiền đó sống hàng ngày. Hiện giờ tụi em đi cắt lúa đi cắt cỏ ở rẫy nhà người ta.

Y Hút : Lúc có việc thì họ gọi, không có việc thì ở nhà. Tại vì mình không có giấy tở hợp pháp cho nên họ không dám kêu mình làm trực tiếp với họ. Bây giờ ở đây mùa này chưa có việc nên chúng em không kiếm được tiền.

Y D’Jom : Em bây giờ từ hồi tháng Hai đến giờ không có việc làm thì em suốt thời gian trong nhà không có được đi lại. Nếu mà trở về Việt Nam cũng không được vì sợ công an Việt Nam nhốt vào tù rồi đánh đập này kia coi như là em rất sợ.

Theo ký giả Radu Diaconu của Al Jazeera, những người dân tộc miền núi Việt Nam ở Thái Lan ngày càng già cỗi đi và ngày về càng lúc càng xa. Họ đích thực là những kẻ vô tổ quốc, phóng viên này kết luận, họ sống một cuộc sống vô định mà không mấy ai biết tới cũng không có được sự giúp đỡ tích cực.

Lìa bỏ núi rừng và bản làng để đi tìm qui chế tị nạn ở một đất nước tư do khác mà không thành thì người dân tộc Tây Nguyên lây lất ở Campuchia hay Thái Lan coi như đã mất tất cả. Duy chỉ đức tin là điều họ không bao giờ đánh mất, và cứ mỗi lần gặp nhau họ lại cùng nhau cầu nguyện cho một ngày mai tươi sáng hơn.

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 01/04/2017

Additional Info

  • Author Thanh Trúc
Published in Diễn đàn