Khi nhận được học bổng Fullbright và đến sống tại Việt Nam, một nữ giáo sư lịch sử người Mỹ đã nhận ra ngay sự vắng bóng của "một phía quan trọng" trong cuộc chiến từng diễn ra trên chính mảnh đất của họ. Bà quyết định bắt tay nghiên cứu và cho ra đời thêm một tác phẩm về cuộc chiến Việt Nam dưới lăng kính mới – lăng kính của "người miền Nam" – những người mà bà cho là đã bị "bỏ sót" trong nghiên cứu lịch sử của cả "bên thắng cuộc" lẫn phía đồng minh Mỹ.
Hình ảnh một cuộc giao tranh tại Sài Gòn vào tháng 2 năm 1968.
"Tôi đến sống ở Việt Nam một năm và giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc Đại học Quốc gia. Tôi đã đi khắp đất nước, xem nhiều đài tưởng niệm và tượng đài chiến tranh khác nhau, mà có lẽ tôi nên gọi là theo ‘lăng kính của miền Bắc’ hay ‘lăng kính của Hà Nội’ trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, nhưng hoàn toàn không thấy đề cập gì đến một thực tế là có một phe Việt Nam khác mà họ cũng đã chiến đấu chống lại", Giáo sư – Tiến sĩ Heather Marie Stur của trường đại học Southern Mississippi, Hoa Kỳ, nói với VOA về lý do khởi đầu khiến bà dành ra 6 năm để nghiên cứu và viết cuốn "Saigon at War : South Vietnam and the Global Sixties" (tạm dịch "Sài Gòn thời chiến : miền Nam Việt Nam và thập niên sáu mươi toàn cầu"), vừa được nhà xuất bản Đại học Cambridge phát hành.
"Có câu nói rằng ‘Lịch sử được viết bởi những kẻ chiến thắng’. Tôi hoàn toàn hiểu quan điểm đang thống trị của miền Bắc hay của Hà Nội, bởi vì họ là bên thắng cuộc. Do đó, tôi muốn đưa phía bên kia vào câu chuyện cho minh bạch hơn", Giáo sư Tiến sĩ Stur nói thêm.
Để bổ sung cho "sự vắng mặt" của một phía quan trọng này, nữ giáo sư Mỹ bắt đầu tìm hiểu câu chuyện của những nhân chứng sống tại Việt Nam, từ những gia đình có người thân từng là cựu chiến binh của Việt Nam Cộng Hoà, đến những gia đình bị chia rẽ vì có người thân chiến đấu cho cả hai bên chiến tuyến.
Giáo sư - Tiến sĩ Heather Marie Stur. Ảnh minh họa
"Tôi cố gắng để có được nhiều tiếng nói và quan điểm hơn trong cuốn sách. Vì vậy, tôi không tập trung vào chỉ một vài người lãnh đạo, nhưng tôi tìm hiểu một nhóm rộng hơn như tầng lớp sinh viên, những người Công giáo, các nhà hoạt động chính trị, các trí thức thành thị sống chủ yếu ở Sài Gòn… để có được cái nhìn bao quát hơn, thay vì chỉ nhìn từ quan điểm của một lãnh đạo hay chính phủ", Giáo sư Tiến sĩ Stur cho biết thêm.
Ngoài việc tiếp xúc với người dân, Giáo sư Tiến sĩ Stur bắt đầu nghiên cứu tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II và Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (trước đây là Thư viện Quốc gia của Việt Nam Cộng Hoà). Tại đây, bà phân tích các tài liệu của quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước đây, từ các báo cáo tình báo, cáp ngoại giao, báo cáo của cảnh sát và tòa án đến các bản tin chính trị, nhật báo, tạp chí hay thư từ của người dân gửi đến các văn phòng chính phủ vào thập niên 1960 và 1970.
Trở về Mỹ, nữ giáo sư chuyên viết về chiến tranh tiếp tục công việc nghiên cứu tại các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia ở thủ đô Hoa Kỳ và tại các trường đại học của Mỹ, với mong muốn tìm hiểu cuộc chiến trong bối cảnh toàn cầu ở thập niên 1960 – vốn được xem là thập niên khởi đầu của khái niệm "toàn cầu hoá", thời điểm đan xen giữa ý tưởng được xem là không tưởng về một "tân thế giới sắp đến" và thực tế khắc nghiệt của các cuộc chiến tranh, đàn áp chính trị và khả năng xung đột hạt nhân.
"Người Mỹ chúng tôi có xu hướng nghĩ về Chiến tranh Việt Nam như là một trải nghiệm của người Mỹ và nó ảnh hưởng đến chúng tôi, ảnh hưởng đến người dân Mỹ. Nhưng những gì đã xảy ra ở Việt Nam trong những năm 1960 và đầu những năm 1970 là một phần của câu chuyện toàn cầu lớn hơn nhiều về hoạt động chính trị và sự độc lập", Giáo sư Stur nói, đồng thời cho biết bà thực sự "thích thú" khi nhìn thấy những kết nối quốc tế trong các hoạt động này.
"Các quốc gia và mọi người đều chú ý đến những gì đang diễn ra ở Việt Nam và bàn về nó, xem mình đang đứng ở phe nào. Trong khắp khu vực Đông Nam Á, có những phong trào chống Cộng khác nhau và các chính trị gia rất chú ý đến những gì đang diễn ra ở miền Nam Việt Nam để rút ra bài học cho đất nước mình trong bối cảnh đụng độ giữa các phe nhóm Cộng sản và chống Cộng. Chính vì những xung đột diễn ra ở Việt Nam đã rất thu hút sự chú ý trên toàn thế giới, nên tôi cố gắng đưa bối cảnh quốc tế này vào trong cuốn sách".
Với việc phác hoạ lại cuộc chiến trong bối cảnh toàn cầu những năm 1960, nhà sử học người Mỹ còn muốn cho độc giả nhìn thấy có đến ba cuộc chiến lồng ghép vào nhau trong chiến tranh Việt Nam, đó là cuộc chiến chính trị ở Sài Gòn, cuộc chiến quân sự và cuộc chiến về mặt công luận thế giới.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Stur, nền dân chủ của miền Nam Việt Nam trước đây sở dĩ gặp thất bại là vì các áp lực chính trị lên chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, chứ không phải là kết quả của việc người dân ngả theo Cộng sản.
"Hoa Kỳ, trong chừng mực nào đó, đã cố gắng phát triển mối quan hệ tốt đẹp hơn với Trung Quốc và Liên Xô. Và ý tưởng để cho chủ nghĩa cộng sản nắm giữ Việt Nam và thống nhất đất nước dưới một chính quyền Cộng sản vào thời điểm giữa thập niên 1950 đến cuối thập niên 1960 có vẻ như không đến nỗi là một mối nguy an ninh quốc gia", Giáo sư Tiến sĩ Stur nhận định.
"Đó là lối tư duy địa chính trị của Hoa Kỳ đối với các đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc", Giáo sư Stur nói thêm, cộng với những nghi ngờ từ phía công chúng Mỹ về thành công của Hoa Kỳ tại Việt Nam vào thời điểm đó đã góp phần gây sụt giảm rất lớn đến sự ủng hộ tiếp tục tham chiến.
Tiếp xúc với nhiều người miền Nam thời hậu chiến, TS. Stur nói bà "hoàn toàn thấu hiểu" tâm trạng của nhiều người cho rằng Hoa Kỳ đã đến Việt Nam và "làm lớn thêm đống hổ lốn tại đây, leo thang chiến tranh và rồi bỏ đi mà không hoàn thành cam kết".
"Tôi nghĩ rất khó để hàn gắn vết thương đó. Đối với những người đã phải rời bỏ Việt Nam, trở thành người tị nạn ở Mỹ và không bao giờ có thể trở về, nghĩa là họ đã mất nước", Giáo sư Stur nói. "Nước Mỹ sẽ phải mất một thời gian rất dài để chữa lành vết thương cho những người đã chiến đấu cùng với người Mỹ và tin rằng Hoa Kỳ sẽ làm gì đó để giúp họ nhưng rồi lại bỏ đi".
Trước tác phẩm "Saigon at War : South Vietnam and the Global Sixties", nữ học giả Mỹ từng được biết tiếng qua tác phẩm viết về thân phận phụ nữ thời chiến trong cuốn "Beyond Combat : Women and Gender in the Vietnam War Era" và nhiều bài viết khác về chiến tranh Việt Nam.
"Đó là một đất nước xinh đẹp và hấp dẫn, và tôi muốn hiểu biết thêm về lịch sử của đất nước này trong mối quan hệ với cuộc chiến của người Mỹ tại đây", TS. Stur giải thích về lý do bà tập trung nghiên cứu và cho ra đời nhiều tác phẩm về chiến tranh Việt Nam.
Khánh An
Nguồn : VOA, 06/06/2020
44 năm trước là cuộc chiến huynh đệ tương tàn, còn bây giờ người miền Nam đang gây biết bao oán thán, biết bao tội nghiệt cho chính người Nam bộ…
Nụ cười miền Tây Nam bộ
Hồi còn con nít, tôi thường được nghe ông bà, cha mẹ nói rằng người miền Nam nhân từ, thẳng thắn, tôn trọng chữ lễ, cái nghĩa lắm. Tiếng dạ, thưa, cảm ơn, xin lỗi luôn sẵn khi cần. Người miền Nam nhân từ, thật thà, một khi họ đã quý mến ai rồi thì họ coi như người trong nhà. Luôn sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn.
Những con người "mang gươm đi mở cõi", chốn rừng thiêng luôn đầy rẫy những hiểm nguy, những con người miền Nam đoàn kết, tương trợ lẫn nhau vượt qua. Ngẫm lại, đó có lẽ là khí phách, hồn vía của miền Nam.
Nói chuyện với một người miền Nam, có thể đôi khi bạn cảm thấy họ sao bỗ bã quá. Thế nhưng, đó là đặc tính của người miền Nam. Họ bộc trực kiểu như câu thơ của một thi nhân xứ Huế :
"…Yêu ai cứ bảo là yêu. Ghét ai cứ bảo là ghét. Dù ai ngon ngọt nuông chiều. Cũng không nói yêu thành ghét. Dù ai cầm dao dọa giết. Cũng không nói ghét thành yêu…"
("Lời mẹ dặn", Phùng Quán).
Theo thời gian, đứa con nít rồi cũng thành người lớn. Đến lúc này thì tôi chợt cảm thấy một số người miền Nam sao xấu xí đến lạ lùng (!?). Chỉ là một ông trưởng ấp thôi cũng có thể hách dịch quyền hành, chèn ép người nông dân. Ở cấp cao hơn, trình độ học vấn cũng ‘tiến sĩ’, cũng ‘đi Tây, đi Tàu’, thế nhưng lại có "người miền Nam nói giọng Bắc" đã đẩy biết bao nhiêu người dân rơi vào cảnh không nhà khi Tết cận kề.
Có một chút quyền lực trong tay, họ gây bao nhiêu là đau khổ cho dân nghèo, bất chấp người đó có là hàng xóm, là chính bà con mình đi chăng nữa. Giọt máu đào hơn ao nước lã, giờ đây sao thật mỉa mai. Mới chỉ 44 năm thôi mà !
"Trong mấy cuộc họp tổ dân phố, bà con ở đây góp ý liên tục, yêu cầu phải coi lại nhà máy, chứ ngày nào cũng nghe mùi hôi, riết bệnh chết luôn !", anh Ba, một người dân sống ở gần nhà máy Lee & Man của Trung Quốc mở ở thị trấn Mái Dầu, tỉnh Hậu Giang kể.
"Nghĩ coi, ở chỗ khác, người ta còn làm đường cho dân đi, làm sao cho dân tiện. Còn nơi đây, có sẵn cầu rồi, thông thương hay qua lại tiện lợi cho người dân vô cùng. Rồi mấy ổng viện lý do này, lý do nọ phá cầu. Có thèm hỏi ý kiến của người dân đâu ?". Dì Tư, cư dân địa phương gần khu vực cầu sắt Phú Long, nơi giáp ranh Sài Gòn – Lái Thiêu oán trách.
"Mình có nói, có lên tiếng cũng vậy à. Họ ghi nhận cho vui, chứ có thèm nghe dân đâu nè !", ông Hoàng chia sẻ khi nói về cầu sắt Phú Long nối hai bờ sông Sài Gòn - Bình Dương bị tháo dỡ. "Họ" ở đây chính là các vị quan chức ‘toàn giọng miền Nam’ ở hai địa phương Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương.
"Trạm BOT gây bức xúc cho người dân. Mình lấy máy ra chụp hình, mấy nhân viên ở trạm còn thách thức 'có ngon kêu nhà báo xuống đi, cũng chẳng làm gì được đâu' (!?). Mình tự hỏi không biết có ai chống lưng cho họ hay không mà dám phách lối đến như thế ?". Ông Bằng, một tài xế kể. Các ông bà chủ trạm BOT ở miền Nam, phần đông là người đến từ miền Bắc, nhưng mấy nhân viên có mòi dựa hơi chủ rồi lên mặt thách thức với dân chúng, buồn là họ đều ‘giọng miền Nam’.
Nguyên nhân từ đâu mà những "người miền Nam" ấy lại đánh mất những giá trị nhân bản làm nên tính cách dân Nam bộ, để rồi trở thành xấu xí như vậy ? Phải chăng do lỗi của giáo dục ? Hay từ gia đình ? Hay do quyền lực đã làm mờ mắt những con người đó ?
Dẫu thế nào hay ra sao đi chăng nữa, tôi vẫn tin một điều, những gì đã là thuần phong mỹ tục thì vẫn sẽ trường tồn. Những con người "xấu xí" kia chỉ là một phần nhỏ trong hàng triệu những con người miền Nam. Nhưng buồn thay, họ lại là những người… có quyền lực sinh sát.
Chợt nhớ đến câu thơ như lời tự trào của Nguyễn Trãi : "Phúc chu thủy tín dân do thủy" (lật thuyền mới biết sức dân như nước). [Quan hải 關海, ‘Đóng cửa biển’, Nguyễn Trãi. Bài này nói về Hồ Quý Ly chống giặc Minh giỏi, nhưng trong cai trị không được dân ủng hộ, do đó cuối cùng phải thất bại].
Trúc Mai
Nguồn : VNTB, 23/06/2019