Việt Nam là đất nước hạnh phúc nhất thế giới. Vì bất cứ lúc nào lên mạng đọc tin là cười bò ra, cười không khép được mỏ, nửa đêm nhớ tới lại nằm cười sằng sặc. Nội tạng được xoa bóp, nếp nhăn không bao giờ xuất hiện, hạnh phúc ngập tràn trong khắp các tế bào. Cả thế giới chẳng có đất nước nào lênh láng à nhầm lai láng niềm vui như thế cả !
Đường phố Thành phố Hồ Chí Minh ngập nước sau trận mưa lớn hôm 10/10/2014. AFP
Ví dụ như cái tin dưới đây. Nó xuất hiện rất nhiều lần trong mùa mưa năm nay, mùa mưa năm trước, năm trước và năm trước nữa. Ở khắp các địa phương : Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Giang, Đà Lạt, Hải Phòng…
Tin này viết rằng : Triều cường đạt đỉnh, người dân Thành phố Hồ Chí Minh bì bõm lội nước về nhà
Và do bàn tay kỳ diệu nào đó của các đấng IT vĩ đại, trong một bản tin trên mạng, ngay dưới nó là tin : "Nghiên cứu làm đường dành riêng cho xe đạp tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…".
Ủa ủa gì zọ ? Ủa gì zọ ?
Ý mấy anh là làm đường dành riêng cho ghe xuồng trên các đường phố trung tâm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đà Lạt… mà thằng quánh máy nó quánh lộn phải hông ?
Cuộc chiến chống ngập lụt tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra suốt nhiều chục năm nay, chính quyền thành phố cứ giật từng bước lùi, năm sau ngập nhiều hơn năm trước. Kể ra cũng mới có 50 năm sống chung với nước cống chứ mấy, đã làm gì mà căng !
Theo các đời lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, ngập lụt ở thành phố này do tại vì bởi các nguyên nhân như sau :
- Mưa nhiều.
- Mưa đã nhiều lại còn mưa to.
- Mưa càng ngày càng nhiều hơn và càng to hơn.
- Đang mưa to tự nhiên triều cường.
- Địa hình tự nhiên của thành phố dốc về phía Nam, nên khu vực này ngày càng càng ngập.
- Khi cấp giấy phép xây dựng cho nhà ở và các công trình xây dựng khác, cơ quan quản lý không quan tâm đến cốt nền xây dựng. Công trình nào có ghi thì lại là lấy bừa cốt nền của công trình hiện hữu bên cạnh cho phải lệ. Một số chủ đầu tư công trình lớn đã tự nâng cốt nền lên hàng mét vì sợ ngập, khó cho kinh doanh. Vì vậy tạo ra thực trạng đô thị này đổ nước vào đô thị kia, các đô thị ngăn cản nhau trong việc thoát nước và "càng đầu tư càng ngập".
- Nền đất lún sụt do nhiều nguyên nhân tự nhiên, cũng như do con người khai thác nước ngầm, xây dựng quá tải trọng trên nền đất yếu.
(Theo Tiến sĩ quy hoạch Phạm Gia Yên, nguyên Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, từng có 37 năm làm việc liên tục trong ngành xây dựng).
- Xây dựng bừa bãi không có quy hoạch. Sông ngòi, ao hồ, kênh rạch và các hồ điều tiết nước tự nhiên cũng như nhân tạo trước kia hầu như đã bị lấp hết, khiến nước không có chỗ thoát.
- Có chớ, có kế hoạch và phương án hết chớ ! Xây kè ngăn triều nè, nạo vét kênh mương nè, xây hồ điều tiết nước nè. Nhưng mà kẹt quá, tụi tui không có tiền. Tụi tui cần 100.000 tỷ lận-lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nói.
"Dự án chống ngập do triều tại Thành phố Hồ Chí Minh được gọi là dự án cấp bách với kinh phí lên tới 10.000 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều (…) cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, giúp Thành phố chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước (…).
Dự án được triển khai vào năm 2016. Qua hơn năm năm, dự án đã phải tạm ngừng ba lần và đang có nguy cơ bị tạm dừng lần thứ tư do UBND Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa thể ký phụ lục hợp đồng BT (Built and Transfer) để gia hạn thời gian thực hiện. Hàng nghìn tỷ đồng thiết bị đang phơi mưa nắng, không thể hoàn thiện để đưa vào sử dụng.
Tháng 6/2022, chủ đầu tư đã có nhiều văn bản gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh, chủ động đề xuất các cuộc họp làm việc để xem xét giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ nhận được các phiếu chuyển văn bản từ UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau đó không có bước thực hiện kế tiếp. Một trong những mấu chốt khiến dự án tắc đó là sự im lặng một cách khó hiểu của Sở Kế hoạch và Đầu tư".
Ngân hàng tài trợ vốn BIDV cũng liên tục có các văn bản đề nghị UBND Thành phố hoàn thiện các báo cáo cho vay thanh toán để BIDV có cơ sở làm việc với Ngân hàng Nhà nước, nhưng dự án vẫn "dậm chân tại chỗ" dù tiến độ đã đạt hơn 90% (Vũ Phong, Báo Chính phủ ngày 28/7/2022).
Ủa vậy tiền không phải là vấn đề hả ta ? Ngân hàng nóng ruột muốn cho vay tiền nhưng các anh thờ ơ không thèm đáp lại người ta kia mà ?
Kể chuyện có tiền, còn phải nhắc tới kế hoạch nhân đạo dùng "siêu máy bơm" để bơm thoát nước ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) mỗi khi mưa xuống. Máy bơm do tư nhân lắp đặt, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thuê, lắp đặt từ tháng 9/2017 và vận hành chính thức vào tháng 10 sau đó.
Ban đầu, siêu máy bơm làm dân Thành phố sướng tỉnh người, báo chí ca ngợi lãnh đạo thành phố không dứt. Ai mà dè chỉ mới tới tháng 7/2018, bên công ty tư nhân cho Thành phố thuê máy bơm đã phải ra tối hậu thư nếu không trả tiền thì tui không bơm nữa.
Lý do là sau vài trận bơm sạch nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh ra sông rồi thì lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh bỗng thấy tiền thuê máy mắc quá. Thuê có bảy năm mà bên A đòi giá tới 171 tỷ đồng, tức là 24, 5 tỷ/năm. Trong khi đó mấy anh tư vấn gà nhà nói mình tạm ứng trước hay là cho vay không lãi thì chỉ mất mỗi năm 16 tỷ thôi. Không được, phải kiếm cách thuê rẻ hơn ngay.
Nhưng lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các ban ngành họp hoài họp hoài, họp tới vẫn không đưa ra được mức giá chốt thuê. Bức tối hậu thư ra đời trong hoàn cảnh đó.
Đến gần giữa năm 2019 thì hợp đồng thuê mới được ký kết, mức giá là 14,2 tỷ đồng/năm.
Tới tháng 4 năm nay, hai bên lại cơm không lành. Bên thuê nói thôi tui xây hệ thống cống mới gần 500 tỷ, hết ngập rồi nghe cha, khỏi thuê nữa nha. Bên cho thuê nói không được, bữa giờ chưa có mưa lớn (cỡ 120 ml) trong ba tiếng nên chưa biết đá biết vàng, ông đừng tài lanh nói trước nha.
Trong khi đó hệ thống cống thoát cũ của bên cho thuê đã bị trám bít lại nên bây giờ nếu có trận mưa lớn (như ông cho thuê) dự đoán thì cũng không thể chạy máy bơm được nữa.
Cách đây tròn bảy năm, tại một hội nghị tham khảo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài (rất quan trọng, rất cấp bách, rất vì dân) về chống ngập do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, sau khi nghe các kế hoạch từ phía Việt Nam như xây dựng hệ thống cống ngăn triều cũng như lời ca thán bất tận về việc không có tiền như đã nói ở trên, chuyên gia Olaf Juettner (Đan Mạch) "nhắc nhẹ" hiện nay không thiếu các giải pháp và công nghệ chống ngập hiện đại (KHÔNG PHẢI TIỀN), mà vấn đề quan trọng là quan điểm giải quyết ngập lụt ra sao.
"Triết lý chống ngập của các nước Châu Âu là chấp nhận quy luật tự nhiên và không chống lại nó. Vì vậy giải pháp thông minh là "sống chung với lũ", tạo không gian tự nhiên cho nước ; bởi lẽ nếu xây một con đập, không ai dám chắc nó sẽ an toàn mãi trước thiên tai ; hệ thống đê điều, dẫn nước cũng chỉ giải quyết được một phần, trong khi vốn đầu tư lại lớn", ông nói và đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh bên cạnh thực hiện những giải pháp kỹ thuật (kè, van ngăn triều, hồ chứa, cống thoát nước...) cần đặc biệt ưu tiên dành quỹ đất, tạo không gian cho lượng nước thẩm thấu tự nhiên".
Stop ! Cái này nghe hay lắm mà làm thì… hổng có được bậu ơi ! Xây là để cất. Bậu kêu qua bớt xây lại thì... lấy gì qua cất ? Hơn nữa tấc đất Sài Gòn là tấc vàng, chữ ký phê duyệt xây dựng của qua là chữ ký kim cương. Bậu lại kêu để không đất cho sông ơi chảy đi, ha ha, đúng là tụi Tây khờ ! Thiên nhiên này và cả thành phố này nữa có phải của ông nội qua để lại cho qua đâu mà qua phải giữ ? Hết nhiệm kỳ này qua qua bển với bậu, hai thằng mình có nhiều thời gian nhậu chơi, thủng thẳng rồi qua nói cho bậu cái chân lý đó, nghe hông ?
Người dân Hà Nội chèo thuyền về nhà trong lụt do mưa lớn năm 2018. AFP
Như chuyên gia Olaf Juettner cảnh báo tế nhị ở phần trên, Thành phố Hồ Chí Minh không thiếu tiền (cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải hết sức tán dương các giải pháp của chuyên gia nước ngoài. Sau đó ông không làm gì, rồi đến năm 2020, ông bị cách chức, liên quan đến sự mờ ám trong nhiều dự án bất động sản).
Theo (cái ý ngầm của) chuyên gia, cái thiếu của Thành phố Hồ Chí Minh trong phương pháp chống ngập là quan điểm giải quyết ngập. Nhưng cái thiếu này thì xung đột với cái đầy (trong tài khoản ngân hàng nước ngoài của các lãnh đạo) quá, như trên đã nói.
Nên đọc tới đây mời quý vị độc giả bỏ điện thoại xuống. Mưa rồi ! Ai có phao dùng phao, ai có ghe dùng ghe. Ai không có phao thì dùng miếng xốp, cây chuối, hay lẹ nhất là mượn cái bụng bia của quan chức nào cũng được. Chúng ta cùng nhau bơi nhanh, bơi mạnh, bơi vững chắc lên con đường xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành một Venice mới ở Việt Nam !
Nguyễn Thần Dân
Nguồn : RFA, 15/09/2022
Tham khảo :
https://vnexpress.net/nuoc-cuon-cuon-tren-duong-trong-mua-lon-o-tp-hcm-4499937.html (
https://qhkt.hochiminhcity.gov.vn/do-thi-xanh/giai-phap-han-che-tinh-trang-ngap-lut-tai-tphcm-va-tinh-hinh-bien-doi-khi-hau-trong-tuong-lai-1031.html
https://baochinhphu.vn/du-an-chong-ngap-do-trieu-o-tphcm-hang-nghin-ty-dong-thiet-bi-nam-phoi-mua-nang-102220728083711747.htm
https://tuoitre.vn/tp-hcm-mua-toi-troi-chieu-dau-tuan-them-trieu-cuong-dat-dinh-tran-bo-20220103181626013.htm
https://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-mua-xoi-xa-nhieu-tuyen-duong-ngap-sau-20220906192951536.htm
https://thanhnien.vn/lanh-dao-tphcm-nghe-chuyen-gia-nuoc-ngoai-hien-ke-chong-ngap-post505584.html
https://laodong.vn/xa-hoi/de-giai-quyet-ngap-tphcm-can-hon-100000-ti-dong-1064008.ldo
Người Sài Gòn quạu quá nên chơi chữ như trên, chứ chẳng có ý gì xúc phạm về một người đã khuất.
Cơn mưa chiều tối hôm rồi khiến nhiều tuyến đường ở thành phố Hồ Chí Minh bị ngập rất nặng. Có thể nói đây là một hình ảnh quá quen thuộc. Cũng có nhiều biện pháp đề ra, chính quyền cũng chi trả khoản tiền cho vấn đề này. Song, đâu vẫn hoàn đấy, chỉ còn tiền ngân sách là sứt mẻ thôi.
– Thiệt chán quá đi à…
– Có chuyện gì mà mới sáng sớm đã than vậy bà Bảy ?
– Thì vụ ngập chứ đâu. Bữa hôm rồi đó, Sài Gòn mình mưa quá trời, đường ngập tùm lum rồi tràn cả vào nhà. Mình trở tay không kịp con nước luôn, tủ lạnh rồi một số vật dụng khác bị ướt. Nước tràn vào cả bàn thờ ông thần tài thổ địa luôn. Cả buổi tối phải lấy ca tạt nước ra ngoài.
– Phải công nhận bữa đó mưa to thiệt. Thằng cháu tui từ Bình Dương về, gặp trời mưa. Lúc trước đã ngập, còn đỡ đỡ. Bây giờ ngập một phát là muốn hết cái xe, thậm chí xe hơi còn tắt máy. Một số người còn bị ướt ba-lô, bên trong có điện thoại, laptop. Tiệm sửa xe thì không nhận khách nữa bởi xe sửa quá nhiều.
Nói đi cũng nói lại, tuy đường ngập, gây nhiều bất tiện cho người dân, song cũng thấy vai trò của chiếc xe máy là như thế nào ? Trời mưa xuống, nước bắt đầu "dâng", rất thường xảy ra hiện tượng kẹt xe (nhất là khu vực Nguyễn Xí, bến xe miền đông).
Lẽ hiển nhiên là không ai muốn mình chạy vào khu vực ngập nước, nhất là xe hơi, sẽ có nguy cơ bị thủy kích (dĩ nhiên là cũng có thể sẽ có tài xế tay lái lụa bất chấp tất cả), xe buýt thì hoạt động theo giờ, những lúc đó, chiếc xe máy là phương tiện hữu hiệu để di chuyển. Tuy cũng có thể dễ dàng bị vô nước, song việc sửa một chiếc xe máy khi đó sẽ dễ dàng hơn so với xe hơi (ở các tiệm sửa xe ven đường).
– Mà sao tui thấy cái câu chuyện về mỗi lần mưa là ngập còn hoài thế này. Chính quyền mình cũng đầu tư vào việc cải thiện chất lượng đường sá lắm rồi mà.
– Đồng ý. Có điều tui vẫn thấy không ổn thế nào á. Điển hình như một số con đường, tui thấy đâu có hư hao gì, cũng đào lên, rồi lấp lại. Mà khi lấp lại, đâu có đều đâu, lởm chởm, chỗ cao chỗ thấp. Đó là chưa kể có mấy cái cống ở giữa đường nữa…
– Ông nói sao chứ người ta làm cống kiểu vậy, phòng nước ngập giữa đường nó rút.
– Nếu đúng như vậy thì tui cũng cảm ơn. Có đoạn tui đi, cái cống nó còn cao hơn cái đường, xung quanh ngập quá trời…
Nói vậy thôi, như tụi mình còn đỡ. Với mấy người mưu sinh trong mưa, họ còn cực nữa. Như bữa tui có nói chuyện với một ông xe ôm tên Tuyền, ổng chia sẻ vậy nè : "Mưa kiểu này mình thấy sợ lắm. Đường ngập là một lẽ, rồi còn sợ cái con virus cúm Tàu nữa. Mà giờ cũng phải ra đây mình vẫn chạy để kiếm tiền mua gạo chứ biết làm sao ? Mùa mưa này rồi không biết chừng nào mới hết dịch đây, để còn làm ăn. Trông cho nó mau hết dịch, cho bà con dễ sống".
– Có điều này ngộ lắm ông, chiều mới đây nè, tui có đọc một bản tin của một tờ báo mà dân mình hay nói là đáng tin cậy. Người ta ghi nhận trong khi thực tế mưa ngập sâu, tắt máy xe, người dân phải chật vật trong việc tìm đường về. Vậy mà theo ghi nhận của Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật, thì nước chỉ ngập tới mắc cá chân thôi à. Cho nên báo mới đặt ra câu hỏi, "Đêm qua toàn Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 38 điểm ngập chưa qua đầu gối : Dân tin được không ?".
– Thì chắc là mấy ông hạ tầng khi đó đang ở nhà với vợ con nên chẳng biết. Đâu có phải như người dân, đi làm về, có người phải thức trắng đêm luôn. Chắc sau giấc ngủ đêm, khi trời sáng mấy người đó ra đường, nước rút bớt rồi, họ thấy vậy nên họ báo cáo vậy thôi mà.
– Mà nói nào ngay, không biết do dân mình quá quen với cảnh ngập hay đã chán ngán với tình trạng "hứa thật nhiều thất hứa thật nhiều" nên giờ cũng chẳng thèm quan tâm bao giờ sửa nữa. Bữa thằng cháu tui đi phỏng vấn tình hình đường ngập ở khu Thanh Đa, người dân họ kêu cũng có báo chí xuống ầm ầm, cũng phỏng vấn lên đài, rồi người dân cũng góp ý. Cuối cùng ngập vẫn ngập, riết họ chán luôn.
– Thì cũng như tui với bà thôi, năm nào cũng nói, mà có được lợi ích gì đâu ? Giữ sức tát nước cho khỏe. Chính quyền cũng đề ra phương pháp này rồi biện pháp nọ, cuối cùng mưa rồi cũng ngập. Không biết bao giờ mới giải quyết được một cách triệt để đây !
Thành phố Hồ Chí Minh khác Sài Gòn ở chỗ, hễ mưa thường là ngập, tựa như là một câu chuyện nhiều kỳ và vẫn chưa có… hồi kết…
Út Sài Gòn
Nguồn : VNTB, 09/08/2020
Sau nhiều ngày cứ mưa là ngập (1), sinh hoạt xã hội bị lộn ngược (2), một số tờ báo ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa loan báo : Ban Cán sự đảng của UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa trình Ban Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị điều chỉnh Qui hoạch tổng thể Hệ thống thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để có sự đồng bộ, làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể là sẽ mở rộng diện tích được qui hoạch cho thoát nước từ 650 km2 thành 2.095 km2 (3)
Trong các thành phố lớn ở Việt Nam, sau nhiều ngày cứ mưa là ngập - Ảnh minh họa
Tại sao đến giờQui hoạch tổng thể Hệ thống thoát nước cho Thành phố Hồ Chí Minh vẫn nằm trong tay… Ban Cán sự đảng của UBND Thành phố Hồ Chí Minh và nơi xem xét, quyết định chủ trương đầu tư để vẫn là… Ban Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ?
***
Những cơn mưa mùa hè trong tuần trước và tuần này ở Thành phố Hồ Chí Minh đã biến "Siêu dự án chống ngập" của Thành phố Hồ Chí Minh thành trò hề đắt giá. Khoảng 10.000 tỉ đồng đã trút vào "Siêu dự án chống ngập" dường như chỉ có tác dụng làm… tắc hệ thống thoát nước.
Các viên chức hữu trách của Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh từng quảng bá "Siêu dự án chống ngập" là dự án quan trọng nhất cả về qui mô lẫn mục tiêu (kiểm soát ngập khi thủy triều lên và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực trung tâm Sài Gòn).
Theo dự tính, "Siêu dự án chống ngập" phải hoàn tất vào tháng 4/2018 nhưng tin mới nhất cho biết, phải đến tháng 10 năm nay, siêu dự án này mới hoàn tất. Nói cách khác, sẽ trễ khoảng ba năm rưỡi so với kế hoạch (4) và không chỉ có thế !
Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước phát giác : Trung Nam Group (doanh nghiệp được chọn để bỏ vốn đầu tư, tổ chức thi công và sẽ được hoàn trả bằng đất, trụ sở,…) không đủ năng lực thực hiện dự án ! Thay vì chỉ thanh toán khi dự án đã hoàn tất, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh lại… tạm ứng cho Trung Nam Group 1.518 tỉ đồng. Do tính toán, vận dụng sai đủ thứ, chi phí đầu tư tăng thêm 402 tỉ. Chưa kể Trung Nam Group còn được phép đổi thép do các quốc gia thuộc khối G7 sản xuất, thành thép Trung Quốc (5)...
Cho đến giờ, dù đã gần ba năm, tuy là cơ quan lãnh đạo toàn diện, vẫn chưa thấy Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo kiểm tra và báo cáo xem : Tại sao lại giao "siêu dự án chống ngập" cho một nhà đầu tư không đủ năng lực ? Tại sao Trung Nam Group tính sai đủ thứ mà vẫn phê duyệt ? Tại sao lại lấy công quỹ tạm ứng cho một doanh nghiệp nhận dự án thực hiện theo hình thức BT (làm công trình đổi đất) ? Tại sao lại dễ dàng đồng ý cho Trung Nam Group thay đổi từ thiết kế đủ loại hạng mục đến vật liệu ?..
Tháng trước, Trung Nam Group cho biết đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc của "Siêu dự án chống ngập" nhưng thực tế cho thấy, tình trạng ngập lụt ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn càng ngày càng tệ. Khoản tiền 10.000 tỉ đổ vào "Siêu dự án chống ngập" chẳng khác gì "gió vào nhà trống" nên Ban Cán sự đảng của UBND Thành phố Hồ Chí Minh triếp tục… trình Ban Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Qui hoạch tổng thể Hệ thống thoát nước cho Thành phố Hồ Chí Minh - mở rộng mạng lưới thoát nước gấp… bốn lần so với trước !
***
Bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia (nên khảo sát lại, nghiên cứu kỹ lưỡng, lập quy hoạch mới nhằm bảo đảm việc chống ngập ở Thành phố Hồ Chí Minh căn cơ, hợp lý hơn), dưới sự lãnh đạo toàn diện của đảng, chính quyền ở Thành phố Hồ Chí Minh và chính phủ Việt Nam vẫn lập - duyệt - cho thực hiện hàng loạt công trình chống ngập theo quy hoạch cũ vốn đã được dự báo sẽ chẳng đến đâu. Tiền chi cho chống ngập không chỉ rút từ ngân sách, bán đất, bán công trái mà còn gồm tiền viện trợ, tiền vay từ đủ thứ nguồn bên ngoài Việt Nam.
Từ 2004 đến 2014, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã dùng hết 24.300 tỉ để chống ngập, trong đó có 15.000 tỉ vay ngoại quốc và riêng khoản này, mỗi năm phải trả 4.250 tỉ cho cả nợ gốc lẫn lãi (6).
Năm 2014, chính phủ tiếp tục cho phép chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh "đổi" ba khu đất ở quận 7 và quận 9 lấy các công trình chống ngập theo quy hoạch cũ trị giá 68.000 tỉ đồng (7). Bởi ngập lụt ở Thành phố Hồ Chí Minh càng ngày càng tồi tệ, không mưa cũng ngập khi thủy triều lên, ngoài Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước, tham gia thực hiện các dự án chống ngập còn có Sở Giao thông và vận tải, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chính quyền các quận - huyện.
Năm 2018, Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, có ít nhất hai… Quy hoạch chống ngập (Quy hoạch 752 và Quy hoạch 1547). Hoàn tất hai quy hoạch này thì về… cơ bản sẽ hết ngập nhưng đến 2020 phải kiếm cho ra 73.379 tỉ nữa (8)…
Sau nhiều lần gom, vứt tất cả những khuyến cáo của các chuyên gia vào sọt rác để trút hàng trăm ngàn tỉ vào các công trình chống ngập ở Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Cán sự đảng của UBND Thành phố Hồ Chí Minh mới chịu bỏQuy hoạch 752 và trình Ban Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh một… quy hoạch mới - Qui hoạch tổng thể Hệ thống thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ai sẽ chịu trách nhiệm về chuyện mất hàng trăm ngàn tỉ nhưng chỉ khiến tình trạng ngập lụt ở Thành phố Hồ Chí Minh tồi tệ hơn ?
Chắc chắn là chẳng có ai cả ! Những Thành ủy viên từng chỉ đạo lập Quy hoạch 752, Quy hoạch 1547, những Ủy viên Bộ Chính trị từng phê duyệt các quy hoạch này hồi thập niên 2000, thập niên 2010 đều đã "hoàn thành nhiệm vụ cách mạng". Các Thành ủy viên và các Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm sẽ chỉ đạo lập - phê duyệt những quy hoạch chống ngập mới và cũng sẽ "hoàn thành nhiệm vụ cách mạng" trước năm 2030, 2050. Còn đảng thì phương thức lãnh đạo toàn diện kiểu đó còn giá trị và tất nhiên còn… ngập ! Thế thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/06/2020
Chú thích
(1) https://plo.vn/do-thi/hinh-anh-nhieu-noi-tai-tphcm-ngap-nang-do-mua-lon-918970.html
(2) https://zingnews.vn/duong-ngap-xe-co-ket-cung-trong-tran-mua-lon-o-tphcm-post1096466.html
(3) https://tuoitre.vn/quy-hoach-thoat-nuoc-tp-hcm-tu-650-km2-len-2-095-km2-20200618165452382.htm
(5) https://nhadautu.vn/sieu-du-an-bt-chong-ngap-10000-ty-tai-tphcm-co-gi-sai-d14356.html
(6) http://plo.vn/thoi-su/lang-phi-chong-ngapbai-1-chi-hon-ti-do-van-so-ngap-661163.html
(7) https://www.thesaigontimes.vn/138209/TPHCM-doi-3-khu-dat-lay-du-an-chong-ngap.html
(8) https://nld.com.vn/thoi-su/xai-het-5-ti-usd-tp-hcm-se-het-ngap-20180522231511312.htm
Bị các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chất vấn, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, vừa chính thức thừa nhận, chưa có ai dám bảo đảm công trình chống ngập trị giá 10.000 tỉ đồng an toàn, khi chủ đầu tư kiêm nhà thầu thay thép do G7 sản xuất bằng thép Trung Quốc (1).
Giao thông gần như tắc nghẽn sau mỗi lần mưa to và ngập nước ở Bangkok. Ảnh : The Nation.
Thái độ của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đối với dự án chống ngập trị giá 10.000 tỉ đồng đột nhiên khác trước, hẳn vì cách nay hai ngày, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, chỉ đạo chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phải xác minh các vấn đề mà Công ty Meinhardt đã báo cáo và báo cáo lại cho chính phủ trong tháng này (2).
Những thông tin vừa kể cho thấy, cuộc chiến giữa một bên là Công ty Meinhardt với bên còn lại là Công ty Trung Nam có chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đứng phía sau hậu thuẫn vẫn chưa kết thúc. Dù Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị khai tử Công ty Meinhardt cách nay hai tháng (3) nhưng Công ty Meinhardt – một doanh nghiệp nước ngoài vẫn chưa chịu… bỏ cuộc chơi !
Dự án chống ngập trị giá 10.000 tỉ đồng do Công ty Trung Nam được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh chỉ định làm chủ đầu tư kiêm nhà thầu và Công ty Meinhardt được thuê làm doanh nghiệp đứng đầu Liên danh Tư vấn - Giám sát giờ đã trở thành khúc xương mà Công ty Trung Nam và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đang ráng gặm !
***
Bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia (nên khảo sát lại, nghiên cứu kỹ lưỡng, lập quy hoạch mới nhằm bảo đảm việc chống ngập ở Thành phố Hồ Chí Minh căn cơ, hợp lý hơn), chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và chính phủ Việt Nam vẫn phê duyệt cho thực hiện hàng loạt công trình chống ngập theo quy hoạch cũ vốn đã được dự báo sẽ chẳng đến đâu.
Tiền chi cho chống ngập không chỉ rút từ ngân sách, bán đất, bán công trái mà còn gồm tiền viện trợ, tiền vay từ đủ thứ tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ nhiều quốc gia. Từ 2004 đến 2014, chính quyền thành phố Sài Gòn đã dùng hết 24.300 tỉ để chống ngập, trong đó có 15.000 tỉ vay ngoại quốc và riêng khoản này, mỗi năm phải trả 4.250 tỉ cho cả nợ gốc lẫn lãi (4). Năm 2014, được phép của chính phủ, chính quyền thành phố Sài Gòn quyết định đem "đổi" ba khu đất ở quận 7 và quận 9 lấy các công trình chống ngập theo quy hoạch cũ trị giá 68.000 tỉ đồng (5).
Bởi ngập lụt ở Sài Gòn càng ngày càng tồi tệ, không mưa cũng ngập khi thủy triều lên, hiện nay, ngoài Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, tham gia thực hiện các dự án chống ngập ở Sài Gòn giờ còn có Sở Giao thông - Vận tải, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, chính quyền các quận - huyện. Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, đến giờ, Sài Gòn có ít nhất hai… Quy hoạch chống ngập (Quy hoạch 752 và Quy hoạch 1547). Hoàn tất hai quy hoạch này thì về… cơ bản sẽ hết ngập nhưng từ nay đến 2020 phải kiếm cho ra 73.379 tỉ nữa (6).
Trong số các dự án chống ngập cho Sài Gòn, dự án "Giải quyết ngập do thủy triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - Giai đoạn 1" được xem là quan trọng nhất cả về qui mô lẫn mục tiêu (kiểm soát ngập khi thủy triều lên và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực trung tâm Sài Gòn). Bởi chi phí cho dự án này lên tới 10.000 tỉ nên báo chí Việt Nam ví von, xem nó là "siêu dự án chống ngập" ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Cho đến giờ này, công chúng vẫn không hiểu tại sao chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh lại giao "siêu dự án chống ngập" cho Công ty Trung Nam làm chủ đầu tư kiêm nhà thầu. Theo… quảng cáo, "siêu dự án chống ngập" ở Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện theo hình thức BT (Build & Transfer - Xây dựng & Chuyển giao) : Chủ đầu tư bỏ vốn, tổ chức thực hiện dự án, sau khi hoàn tất thì bàn giao công trình cho chính quyền và chính quyền thanh toán phần vốn mà chủ đầu tư đã bỏ ra để thực hiện dự án chủ yếu bằng bất động sản (đất, trụ sở, kết cấu hạ tầng).
Về nguyên tắc, khi đã là chủ đầu tư "siêu dự án chống ngập" theo hình thức BT, Công ty Trung Nam phải tự lo toàn bộ vốn đầu tư và chỉ có thể nhận lại vốn đầu tư khi công trình hoàn tất nhưng chẳng hiểu tại sao, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh lại vui vẻ "tạm ứng" cho Công ty Trung Nam 1.518 tỉ (7) ?
Về nguyên tắc, Công ty Trung Nam phải thực hiện "siêu dự án chống ngập" ở Thành phố Hồ Chí Minh theo đúng thiết kế đã được phê duyệt nhưng chẳng hiểu tại sao Công ty Trung Nam lại có thể tùy tiện thay đổi vật liệu chế tạo các thiết bị cơ khí được lắp đặt tại cửa các cống kiểm soát thủy triều vốn phải bằng thép do các quốc gia thuộc khối G7 sản xuất, thành thép do Trung Quốc sản xuất.
Cũng về nguyên tắc, "siêu dự án chống ngập" ở Thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn tất vào tháng 4 năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn tất mà chẳng ai, không nơi nào bận tâm đến đòi bồi thường thiệt hại. Sau khi khẳng định, dự án trễ hạn hoàn thành là vì chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh chậm xác nhận khối lượng đã thực hiện, Công ty Trung Nam tiếp tục khẳng định tiếp tục ngừng thi công vì chuyện thay đổi thép, vốn đã được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý, giờ giới hữu trách đột nhiên đòi xem xét lại.
Do việc thực hiện "siêu dự án chống ngập" ở Thành phố Hồ Chí Minh bị tố giác là không tuân thủ các qui định pháp luật, Kiểm toán nhà nước phải ghé mắt nhìn vào. Cách nay hai tháng, trong văn bản thông báo về kết quả kiểm tra, Kiểm toán nhà nước xác định, việc chọn Công ty Trung Nam làm chủ đầu tư kiêm nhà thầu "siêu dự án chống ngập" là sai vì doanh nghiệp này không đủ năng lực.
Chuyện lập, thẩm định, phê duyệt cả tổng vốn đầu tư lẫn thiết kế của "siêu dự án chống ngập" bị Kiểm toán Nhà nước nhận định là cùng có sai sót, khiến tổng vốn đầu tư tăng thêm 402 tỉ và khi thực hiện phải điều chỉnh kè sông Sài Gòn khác với thiết kế đã duyệt. Đó cũng là lý do Công ty Trung Nam đòi thay đổi vật liệu (thép chế tạo các thiết bị cơ khí ở cửa các cống ngăn triều) và trên thực tế đã chủ động thay đổi vật liệu, bất kể theo hợp đồng, điều đó phải được lập thành văn bản, trình và phải chờ quyết định cuối cùng từ phía chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh (8).
Tuy nhiên chừng đó chưa đủ để nhận ra bóng dáng mafia thấp thoáng trong soạn – thẩm định – phê duyệt – giám sát thực hiện "siêu dự án chống ngập" ở Thành phố Hồ Chí Minh. "Siêu dự án chống ngập" ở Thành phố Hồ Chí Minh trở thành lùm xùm là từ các cảnh báo của Liên doanh Tư vấn – Giám sát việc thực hiện hợp đồng BT giữa chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh với Công ty Trung Nam. Liên danh này bao gồm ba doanh nghiệp : Công ty Tư vấn xây dựng Meinhardt , Công ty Tư vấn xây dựng công trình hàng hải, Công ty Tư vấn xây dựng và chuyển giao công nghệ Thăng Long 12.
Liên doanh Tư vấn - Giám sát vừa kể là nơi phát ra cảnh báo chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vi phạm pháp luật khi tạm ứng cho Công ty Trung Nam 1.518 tỉ. Liên doanh này cũng là nơi đề nghị ngăn chặn Công ty Trung Nam thay đổi thép làm các thiết bị cơ khí được lắp đặt tại cửa các cống kiểm soát thủy triều… Những cảnh báo, đề nghị đó đã khiến cho quan hệ giữa liên doanh, đứng đầu là Công ty Meinhardt với Công ty Trung Nam trở thành hết sức căng thẳng. Nhiều nhân viên của Công ty Meinhardt đã bị du đãng dọa sẽ lấy huyết (9).
Chuyện không ngừng ở đó. Cảnh báo của Liên danh Tư vấn - Giám sát "siêu dự án chống ngập" ở Thành phố Hồ Chí Minh, về việc chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh không nên tạm ứng cho Công ty Trung Nam 1.518 tỉ bị Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh bác bỏ vì… không có cơ sở. Khi Liên doanh Tư vấn – Giám sát đề nghị ngăn chặn Công ty Trung Nam thay đổi vật liệu, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đã vô hiệu hóa đề nghị này bằng việc ra văn bản, đồng ý cho Công ty Trung Nam thay đổi thép, bất kể đồng ý như thế là lạm quyền.
Cuối tháng 10 vừa qua, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh, Giấy Chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép hành nghề của Công ty Meinhardt vì công ty này nợ gần 23 tỉ là tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp (1).
Khoan bàn đến đúng – sai, chỉ đối chiếu việc giám sát – xử lý sai phạm trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa Công ty Meinhardt và Công ty Trung Nam, ai cũng có thể thấy Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh bất nhất trong hành xử : Chỉ ghé mắt ngó qua việc thực hiện "siêu dự án chống ngập" ở Thành phố Hồ Chí Minh, Kiểm toán Nhà nước phát giác Công ty Trung Nam chưa thực hiện kê khai, xuất hoá đơn cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đối với khối lượng đã được nghiệm thu và giải ngân từ BIDV, thành ra chỉ tính đến cuối năm 2017, Công ty Trung Nam đã bỏ qua, chưa khai, chưa nộp khoản thuế xấp xỉ 283 tỉ đồng !
Phải chăng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh ở quá… gần Công ty Trung Nam nên không thấy và để… sót khoản thuế lớn gấp 12 lần khoản thuế, khoản phạt mà Công ty Meinhardt chậm nộp nên cần loại bỏ khỏi cuộc chơi càng sớm, càng tốt ?
***
Liệu có quá đáng không nếu nhận định : Tuy tình trạng ngập lụt càng ngày càng tồi tệ ở Sài Gòn là thảm họa càng ngày càng lớn đối với kinh tế - xã hội nhưng lại là cơ hội hái ra tiền cho một số cá nhân, băng nhóm tham gia chống ngập lụt ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 08/12/2018
Chú thích :
(4) http://plo.vn/thoi-su/lang-phi-chong-ngapbai-1-chi-hon-ti-do-van-so-ngap-661163.html
(5) https://www.thesaigontimes.vn/138209/TPHCM-doi-3-khu-dat-lay-du-an-chong-ngap.html
(6) https://nld.com.vn/thoi-su/xai-het-5-ti-usd-tp-hcm-se-het-ngap-20180522231511312.htm
(7) https://nhadautu.vn/sieu-du-an-bt-chong-ngap-10000-ty-dong-duoc-ung-1518-ty-co-trai-luat-d14291.html