Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong những năm gần đây, hễ khi đến ngày tưởng niệm các sự kiện quan trọng như : ngày tưởng niệm Hoàng Sa (19/01), ngày tưởng niệm Trường Sa (14/03) và ngày tưởng niệm Chiến tranh biên giới Việt- Trung (17/02) là thường hay xuất hiện một nhóm người đứng ra nhảy múa, ca hát hoặc có những hành động gây cản trở các hoạt động tưởng niệm của người dân. Ngày tưởng niệm Chiến tranh biên giới Việt- Trung năm 2018 năm nay cũng tái diễn hoàn cảnh tương tự khiến đông đảo dư luận hết sức tức giận…

nhay1

Những cặp đôi nhảy múa dưới chân tượng đài vua Lý Thái Tổ vào ngày 17/02/2018 (ảnh : Facebook Bùi Thế Ngũ)

Chiến tranh biên giới Việt- Trung hay còn gọi là Chiến tranh biên giới phía Bắc, đây là cuộc chiến giữa hai nước Cộng sản anh em ; Trung Hoa cộng sản và Việt Nam cộng sản diễn ra trong thời gian khoảng một tháng nhưng để lại hậu quả rất khốc liệt. Cuộc chiến bắt đầu nổ ra vào ngày 17/02/1979, cầm đầu nhà nước Trung Hoa cộng sản lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình đã lợi dụng tình hình căng thẳng giữa Việt Nam và Campuchia ở biên giới Tây Nam Việt Nam, thời điểm này Việt Nam cộng sản đã đưa quân đội sang Campuchia giúp chính quyền cách mạng tại quốc gia này lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ thì Đặng Tiểu Bình đã phát động hơn 600.000 quân tấn công bất ngờ trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam với tuyên bố "Dạy cho Việt Nam một bài học".

Lịch sử ghi nhận đây là cuộc chiến vệ quốc của dân tộc Việt Nam, trong khi Trung Hoa cộng sản cho rằng đây là cuộc chiến họ phát động lấy tấn công làm tự vệ trước Việt Nam.

Cuộc chiến kéo dài đến ngày 16/03/1979 thì tạm kết thúc khi phía Trung Hoa cộng sản tuyên bố hoàn thành sứ mệnh nên rút quân. Cả phía Trung Hoa cộng sản và Việt Nam cộng sản sau đó đều tuyên bố mình chiến thắng nhưng thiệt hại về người và vật chất là rất lớn. Ngoài làng bản, thôn xóm, trường học, bệnh viện…bị phá trắng phía Việt Nam còn có hàng vạn chiến sĩ và đồng bào bị thương vong, phía Trung Hoa cộng sản cũng gánh chịu những tổn thất nặng nề về người và tiền của không kém thậm chí còn lớn hơn phía Việt Nam cộng sản.

Để tưởng niệm hàng vạn chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống trong cuộc chiến vệ quốc này, những năm gần đây cùng với các ngày ngày tưởng niệm Hoàng Sa (19/01), ngày tưởng niệm Trường Sa (14/03) thì hễ đến ngày 17/02, cũng có rất nhiều nhà đoạt động xã hội và đông đảo người dân Việt Nam tiến hành tổ chức các hoạt động tưởng niệm như thắp nhan, đặt vòng hoa trắng tại các nghĩa trang hoặc tại các tượng đài…

Ngày 17/02/2018 năm nay là tròn 39 năm xảy ra cuộc chiến biên giới Việt- Trung (17/02/1979- 17/02/2018), lại nhằm vào ngày mồng 2 tết âm lịch Mậu Tuất.

Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thanh Loan đã cùng số ít bạn bè sinh sống tại Sài Gòn đến tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo thắp nhan tưởng niệm. Chị Loan chia sẻ với Cali Today đây là hoạt động bình thường của chị đối với những sự kiện quan trọng :

"Ba tháng đầu của một năm mới diễn ra 3 sự kiện quan trọng. Đó là ngày 19/1/1974 Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Ngày 17/2/1979 Trung Quốc đưa quân đánh chiếm 6 tỉnh biên giới phía Bắc và ngày 14/3/1988 Trung cộng hòng chiếm bãi đá Cô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa".

"Nhưng ngược lại, chính quyền đã im lặng trước những hy sinh mất mát đau đớn của người dân. Tuy vậy, nhân dân không bao giờ quên ơn các chiến sỹ đã hy sinh xương máu để bảo vệ đất đai biển cả. Người dân đã tự thắp hương tưởng niệm".

"Đáng lẽ, với những mốc thời gian diễn ra những sự kiện đau thương ấy, phía chính quyền phải đứng ra tổ chức những buổi lễ tưởng niệm tưởng nhớ những người đã anh dũng hy sinh để bảo vệ biển đảo và đất đai của tổ quốc".

Theo chị Loan, hoạt động tưởng niệm những anh linh đã nằm xuống vì Tổ quốc đáng lẽ nhà cầm quyền các cấp phải chủ động và phát động toàn dân cùng hưởng ứng để thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" ngàn đời của dân tộc. Tuy nhiên, những ngày diễn ra các hoạt động tưởng niệm như thế này người dân và các nhà hoạt động xã hội đã gặp không ít khó khăn, bị cản trở hoặc bị nhóm người mà nhà cầm quyền không thừa nhận phá rối.

Nhân tưởng niệm 39 năm ngày diễn ra Chiến tranh biên giới Việt- Trung, tại Sài Gòn không có điều đáng tiếc gì xảy ra nhưng tại Hà Nội, cụ thể ở đây là dưới chân tượng đài vua Lý Thái Tổ là nơi các nhà hoạt động xã hội và người dân tiến hành các hoạt động tưởng niệm thì có một nhóm người đã tổ chức ca hát, nhảy múa gây sự phản cảm, đông đảo dư luận cho hành động của nhóm người này đang "nhảy múa trên những xác người". Chị Loan không ngần ngại nói hành động của nhóm người này dù vô tình hay có chủ đích vẫn là hành động phá rối :

"Đương nhiên phía nhà cầm quyền gây khó dễ. Họ chỉ đạo canh những người đấu tranh dân chủ và không cho rời khỏi nơi ở. Điều đặc biệt, tại những nơi diễn ra lễ tưởng niệm luôn có an ninh chìm, nổi đứng canh gác và có sẵn xe để bắt những người đi tưởng niệm. Đặc biệt thời gian gần đây, ngay tại buổi lễ tưởng niệm diễn ra vào ngày 17/2/2018 tại tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội thì xuất hiện những cặp nam nữ nhảy múa tại đây"

"Theo ý kiến của cá nhân tôi, đó là những hành động có chủ đích khiến buổi lễ tưởng niệm không thể diễn ra. Trong không khí trang nghiêm thể hiện sự đau thương trước những hy sinh, mất mát không thể tả là tiếng nhạc tưng bừng cùng những điệu nhảy đung đưa, nhộn nhịp và những bộ đồ hở hang, vô văn hóa trước nơi thờ tự linh thiêng như vậy được ! Lý do đơn giản là đánh phá buổi tưởng niệm của nhân dân với những người đã anh dũng hy sinh chống quân xâm lược Tàu cộng"

Nhà hoạt động Lê Trung Hiếu tại Đà Nẵng chia sẻ ý kiến cá nhân cho hành động nhảy muá của nhóm người này là có chủ đích.

"Tất cả những hành động trên đều có chủ đích của chính quyền Hà Nội chứ không phải tự phát. Vì mối quan hệ giữa giữa 2 nước cộng sản Việt Nam-Trung Quốc. Họ muốn người dân quên đi những hành động đánh chiếm lãnh thổ, lãnh hải thuộc Việt Nam mà cộng sản Trung Quốc đã gây ra trong quá khứ"

Cũng tại tượng đài vua Lý Thái Tổ, vào ngày 14/03/2015, trong lúc đông đảo người dân ở Hà Nội tiến hành thắp hương, đặt vòng hoa, thành kính tưởng niệm ngày một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Hoa cộng sản cưỡng chiếm thì có một nhóm người được gọi là "Dư luận viên" mặc áo đỏ phá rối, hò hét. Báo chí Việt Nam cho hành động này của nhóm "Dư luận viên" là vong ân bội nghĩa.

nhay2

Một số nhà hoạt động tại Sài Gòn tổ chức tưởng niệm ngày 17/02 (ảnh : Facebook Nguyen Thanh Loan)

Hành động "nhảy múa trên những xác người" của một nhóm người phá rối tại Hà Nội không chỉ mới diễn ra tại ngày 17/02/2018 này, mà trong những năm gần đây cũng đã diễn ra một ít lần. Dù vô tình hay cố ý thì hành động trên cũng nhận sự chỉ trích đến từ dư luận.

Nhà hoạt động Lê Trung Hiếu nói :

"Dù vô tình hay bị ép buộc những ai đã "nhảy múa trên những xác người" thì ta không thể đổ hết những phẫn nộ lên họ được, mà ta phải nhìn thấy sự nhún nhường quá lớn của Việt Nam đối với giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc. Một chính quyền độc tài, không có truyền thông tự do, định hướng xã hội bằng những thông tin mị dân sẽ tạo ra một thế hệ mụ mị chứ không riêng gì những con người đã nhảy múa trong những buổi tưởng niệm"."Có một số ý kiến phản biện để bảo vệ cho hành động nhảy múa trước tượng đài của nhóm người. Họ cho rằng, đã là nơi công cộng thì mọi sinh hoạt đều có thể diễn ra. Nhưng, trong một ngày diễn ra sự kiện đau thương của dân tộc mà họ lãng quên, họ ca hát nhảy múa trước những mất mát đau thương của đồng bào mình thì quả thật họ không có văn hóa hoặc không có trái tim ! Mà đa số họ đều là những người lớn tuổi, có lẽ cũng lên chức ông, chức bà. Thử hỏi với những hành động vô văn hoá, vô ơn bạc nghĩa như thế, liệu họ sẽ dạy bảo và giáo dục con cháu họ như thế nào ?"- Lời của nhà hoạt động Nguyễn Thanh Loan./.

Quê Hương

Nguồn : CaliToday, 21/02/2018

Published in Diễn đàn