"Nội chiến" là cách gọi của nhà báo Phạm Chí Dũng (một blogger rất am hiểu thời cuộc Việt Nam) về cái gọi là "nhất thể hóa" và "tinh giản biên chế" theo Nghị quyết Trung ương 6 vừa qua của Đảng cộng sản Việt Nam kết thúc hôm 11/10/2017 (1).
Ai sẽ kiểm soát quyền lực sau khi tập trung hết quyền lực vào một mối ?
Với một bộ máy gồm hơn 2,5 triệu biên chế, chưa kể số biên chế trong lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp nhà nước, nếu tính tổng tất cả thì có đến 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách. Gánh nặng này đang đè nặng lên vai Đảng cộng sản Việt Nam, số tiền dành cho "chi thường xuyên" tức là nuôi bộ máy khổng lồ này đã ngốn hơn 70% thu ngân sách hàng năm. Rõ ràng là chuyện này không thể tiếp diễn mãi được. Chính phủ hết tiền trong khi các định chế tài chính quốc tế thì không cho Việt Nam vay nữa vì họ không biết Việt Nam sẽ hoàn trả bằng cách nào.
Chúng ta đều biết là tại Việt Nam thì có đến 3 bộ máy song trùng cùng quản lý người dân đó là chính phủ, đảng và các đoàn thể (thuộc mặt trận tổ quốc Việt Nam). Đảng cộng sản Việt Nam quản lý người dân Việt Nam từ lúc mới lớn (thiếu niên nhi đồng) rồi đến đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cho đến khi trưởng thành, thậm chí là cho đến lúc chết. Ba bộ máy song trùng khổng lồ và tốn kém này đã giúp Đảng cộng sản Việt Nam tồn tại suốt 72 năm qua.
Việc "nhất thể hóa" ba bộ máy lại với nhau thành một, về lý thuyết là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Phải có người lãnh đạo và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, tránh tình trạng "cha chung không ai khóc" như hiện nay. Khi nhất thể hóa thì Đảng cộng sản Việt Nam phải chịu hoàn toàn trách nhiệm chứ không thể đổ lỗi cho bên bộ máy chính phủ như trước đây được nữa.
Theo như báo chí Việt Nam đưa tin thì việc "nhất thể hóa" sẽ áp dụng ở cấp huyện, xã, (tỉnh) và sau đó mới đến trung ương. Chức danh bí thư và chủ tịch sẽ gộp vào một người. Tất nhiên, trên lý thuyết thì ai có năng lực hơn sẽ "đảm nhận" luôn chức vụ của người kia vì chủ tịch hay bí thư cũng đều là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế thì lại không đơn giản như vậy. Các đảng viên (là viên chức) thuộc bên chính phủ vốn trực tiếp quản lý và điều hành xã hội nên kinh nghiệm và năng lực của họ về chuyên môn tốt hơn các đảng viên bên bộ máy đảng. Nhưng về "độ tin cậy" thì các đảng viên thuộc bộ máy đảng lại có ưu thế hơn.
Như vậy, sẽ có hai trường hợp xảy ra, một là các đảng viên bên chính phủ sẽ kiêm luôn chức danh bên đảng và hai là các quan chức của đảng tràn sang nắm lấy chính quyền. Khả năng rất cao là bên đảng sẽ tràn sang nắm chính quyền vì đảng "lãnh đạo toàn diện" và "hồng hơn chuyên". Hệ lụy đầu tiên xảy ra đó là các quan chức bên đảng không "thạo việc" bằng các quan chức của chính phủ vì xưa nay bộ máy đảng chỉ lo cai quản "phần hồn" của các đảng viên và người dân còn "phần xác" là do bên chính phủ đảm nhiệm.
Khi các ông bí thư đảng nhảy sang nắm chính quyền thì với kinh nghiệm non nớt về quản lý cộng với sự giáo điều, kiêu ngạo và bảo thủ… họ sẽ trở thành những người độc đoán. Nhiệt tình cộng với ngu dốt sẽ trở thành phá hoại. Khi quyền lực tập trung vào một người thì nguy cơ tha hóa và lạm dụng quyền lực sẽ rất lớn. Tham nhũng, chạy chức chạy quyền sẽ đạt đến một tầm cao mới.
Nếu xảy ra trường hợp bên chính quyền nắm luôn bên đảng thì sẽ dẫn đến chuyện bất mãn trong nội bộ đảng. Việc hàng vạn đảng viên cấp ủy các cấp phải về vườn nhường ghế cho các quan chức bên chính phủ sẽ gây ra một cuộc "nội chiến" và đổ vỡ nghiêm trọng trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam.
Bản chất của "trí thức xã hội chủ nghĩa" là "ngậm miệng ăn tiền", nay bị đụng vào nồi cơm là họ sẽ nhảy dựng lên ngay chưa kể đến những người phải bỏ tiền ra để mua biên chế và mua ghế. Những người này ở trong chăn nên biết "chăn có rận" như thế nào. Hàng nghìn tài liệu bí mật quốc gia bị lọt, lộ ra ngoài đều là từ họ.
Hệ lụy của việc "nhất thể hóa" sẽ là gì ? Khi người bên đảng tràn sang nắm chính quyền thì công việc "chăm lo phần hồn" cho các đảng viên và dân chúng sẽ bị bỏ bê và xao nhãng. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ nhanh chóng đánh mất căn cước, tức là lý tưởng cộng sản sẽ bị phai nhạt khi khối người trung kiên này đối diện với cuộc sống thực tế. Các cán bộ bên đảng trước đây và hiện nay luôn tách biệt với cuộc sống (như các giáo sĩ dòng tu kín), họ chỉ biết tụng kinh chủ nghĩa Mác-Lenin rồi nhồi nhét nó cho các đảng viên cấp dưới. Họ không cần biết và quan tâm đến cuộc sống hiện thực của người dân. Đảng trả lương cho họ để họ làm việc đó.
Hệ lụy thứ hai đó là sự độc tài sẽ chuyển từ tập thể sang cá nhân. Nếu trước đây thì ít ra cũng có hai (hoặc ba) định chế (thuộc Đảng cộng sản Việt Nam) kiểm soát lẫn nhau, dù chỉ là mức độ nào đó. Nhưng khi quyền lực tập trung vào một người thì việc chuyên quyền và độc đoán sẽ diễn ra gay gắt và nghiêm trọng. Mọi tiếng nói đối lập trong nội bộ đảng sẽ bị trừng trị thẳng tay. Các lãnh đạo địa phương sẽ hành xử như là các sứ quân vì quyền lực của họ bao trùm lên tất cả.
Hệ lụy thứ ba, cái gọi là "dân chủ độc đảng" càng trở nên hài hước. Khi các đảng viên bên đảng tràn sang nắm chính quyền thì các cuộc bầu cử trở nên lố bịch vì các chức vụ lãnh đạo đều do Đảng cộng sản Việt Nam chỉ định. Người dân Việt Nam không được phép và không có quyền bầu cho Đảng cộng sản Việt Nam.
Nếu kế hoạch "nhất thể hóa" của đảng được thực thi một cách nghiêm túc và rốt ráo thì sẽ có 10% số lượng biên chế cần phải tinh giản trong thời gian sắp tới, tức là 250.000 người (25 vạn) phải về vườn. Thậm chí có đề nghị giảm đến 50 % biên chế nhà nước (2). Những người này, hoặc là thấp cổ bé họng, không có ô dù hoặc là khả năng chuyên môn kém nhưng "hô khẩu hiệu" lại rất hay. Họ trung thành và gắn bó với chế độ, với đảng vì luôn được "đảng và nhà nước lo", đảng trả lương cho họ để họ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về"…Nay bị đẩy ra đường thì phản ứng của họ thế nào ai cũng có thể hình dung ra được. Họ sẽ "chiến đấu một mất một còn" để bảo vệ nồi cơm và cái ghế của họ. Một cuộc "nội chiến" vô tiền khoáng hậu xảy ra trong nội bộ đảng là điều khó tránh khỏi.
Hệ lụy cuối cùng của việc "nhất thể hóa" và "tinh giản biên chế" đó là câu hỏi ai sẽ kiểm soát quyền lực sau khi tập trung hết quyền lực vào một mối ? Trước đây còn có hai, ba mối mà vẫn không thể chống được tham nhũng và nạn chạy chức chạy quyền thì bây giờ làm sao giải quyết được điều đó ? Hết "phê bình và tự phê bình", rồi đến "học tập tư tưởng và đạo đức HCM" mà vẫn không ăn thua gì, vậy thì Đảng cộng sản Việt Nam còn có thể làm được gì ? Câu trả lời chỉ có một : Họ không thể làm gì được nữa. Phải có dân chủ, tức là phải có tự do báo chí, các đảng đối lập và bầu cử.
Đảng cộng sản Việt Nam có muốn né tránh cũng không được, thời gian dành cho họ đã hết. Một đảng độc quyền lãnh đạo thì không thể nào chống được tham nhũng và tiến hành cải tổ. Trước hội nghị trung ương 6 thì ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có vẻ hùng hồn : "Lò đã nóng, củi khô củi tươi cho vào đều phải cháy" thế nhưng chỉ sau một tuần thì ông đã đổi giọng : "Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự gột rửa". Ông Trọng có muốn cũng không thể chống lại cả một hệ thống tham nhũng (3).
Một câu nói mà ai cũng biết đó là quyền lực phải được kiểm soát nếu không nó sẽ bị tha hóa. Đảng cộng sản Việt Nam có đủ các cơ quan chức năng để phòng chống tham nhũng, thậm chí vừa bên chính quyền lại vừa cả bên đảng nhưng tham nhũng lại ngày càng gia tăng thay vì giảm bớt. Đảng vẫn cố tình và hy vọng là sẽ có một "phương pháp" mới nào đó để, vừa bảo vệ sự độc quyền lãnh đạo của đảng vừa có thể chế ngự được sự tha hóa và tham lam của các đảng viên và các nhóm lợi ích… Nhưng đó là điều không tưởng. Nếu làm được thì khối cộng sản Đông Âu và Liên Xô đã không tan rã và sụp đổ.
Tóm lại, chủ trương "nhất thể hóa" và "tinh giản biên chế" của Đảng cộng sản Việt Nam rất nan giải và vô vọng, không làm cũng chết (vì hết tiền) mà làm cũng chết vì sẽ gây ra một cuộc nội chiến sống còn trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Chỉ có một cách duy nhất đó là Đảng cộng sản Việt Nam phải chấp nhận dân chủ hóa đất nước. Chấp nhận sự xuất hiện của các đảng đối lập và tự do báo chí để làm áp lực lên các đảng viên nhằm loại bỏ những kẻ thiếu phẩm chất và bất tài (hay còn gọi là "thay máu" cơ thể của đảng). Nếu Đảng cộng sản Việt Nam có thể làm được điều đó (chấp nhận luật chơi dân chủ) và vẫn chiến thắng trong các cuộc bầu cử công khai và minh bạch thì Đảng cộng sản Việt Nam lại tiếp tục lãnh đạo đất nước. Khi chấp nhận luật chơi dân chủ thì Đảng cộng sản Việt Nam không còn đau đầu và khó xử trong việc loại bỏ các đảng viên tham nhũng và cơ hội.
Chúng tôi nhắc lại là chỉ có áp lực của các đảng đối lập thì Đảng cộng sản Việt Nam (hay bất cứ một đảng cầm quyền nào trong tương lai) mới có thể thay đổi và kiện toàn được đội ngũ của mình.
Trí thức Việt Nam trong như cũng ngoài đảng muốn "giúp" Đảng cộng sản Việt Nam hạ cánh an toàn và thậm chí là giúp đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước thì chỉ có một cách duy nhất đó là tham gia hoặc ủng hộ cho các tổ chức đối lập dân chủ để các tổ chức chính trị này lớn mạnh và cùng cạnh tranh lành mạnh với Đảng cộng sản Việt Nam trong môi trường dân chủ. Ai thắng thì cầm quyền, ai thua thì làm đối lập. Sẽ không có chuyện đảng này tiêu diệt đảng kia như Đảng cộng sản Việt Nam đang làm. Quản trị quốc gia là một công việc vô cùng khó khăn và phức tạp trong đó không thể không có sự có mặt và đóng góp của các đảng đối lập.
Đảng cộng sản Việt Nam có vẻ không muốn thay đổi nhưng trí thức Việt Nam thì có thể thay đổi, nếu muốn. Nếu chúng ta đứng cùng nhau trong một tổ chức có tầm vóc và uy tín thì nhất định sẽ tạo ra được sự thay đổi.
Việt Hoàng
(12/11/2017)
(1) http://thongluan2016.blogspot.com/2017/10/chay-nhat-hoa-va-can-canh-noi-chien.html
(2) https://www.baomoi.com/sap-xep-tinh-gon-bo-may-se-giam-duoc-50-bien-che/c/23469700.epi
(3) https://news.zing.vn/tong-bi-thu-ai-da-trot-nhung-cham-thi-som-tu-got-rua-post768467.html
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 18 được mô tả là thí điểm mô hình tổ chức bộ máy mới và kiêm nhiệm một số chức danh để "tinh gọn đầu mối".
Việt Nam hiện có bốn vị lãnh đạo cao nhất, được gọi là 'tứ trụ'
Việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan sẽ được thí điểm ở cấp tỉnh, cấp huyện theo đó trưởng ban dân vận sẽ đồng thời là chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân. Ở cấp huyện xã, bí thư cấp ủy sẽ kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân những nơi đủ điều kiện.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với BBC hôm 27/10, nhà quan sát chính trị Quang Hữu Minh từ TP Hồ Chí Minh nói rằng nên nhất thể hóa chức danh lên cấp trung ương, kể các các chức danh cao nhất như Chủ tịch nước và Tổng bí thư.
Trước hết, ông nói về những nội dung chính của văn kiện mới được ký này :
Quang Hữu Minh : Có hai nội dung mấu chốt và một phần phụ thêm của Nghị quyết 18 về tinh giản và sắp xếp bộ máy. Một là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, hai là hội nhập quốc tế. Và thứ ba là một phần nhỏ phụ thêm, nhằm tiết giảm chi phí, tiền lương chi trả cho thể chế.
BBC : Theo nội dung của Nghị quyết 18, bước đầu chỉ áp dụng ở cấp phường xã, sau đó là tiến tới các cấp cao hơn, theo ông việc áp dụng từng bước vậy là nên hay không nên ?
Ông Nguyễn Phú Trọng ký Nghị quyết 18 về việc thí điểm mô hình tổ chức bộ máy mới và kiêm nhiệm một số chức danh
Quang Hữu Minh : Theo tôi là nên nhất thể hóa lên cấp trung ương kể các các chức danh cao nhất như Chủ tịch nước, Tổng bí thư.
Đó là vì thứ nhất, theo xu thế hội nhập quốc tế thì phải có một người chịu trách nhiệm cho cả quốc gia.
Thứ hai, sắp xếp lên tới cấp trung ương sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí ngân sách. Tôi tới các cơ quan cấp xã, huyện hiện nay thì có ấn tượng là họ phục vụ cũng đã tốt lên, chỉ có ở cấp tỉnh và trung ương thì còn nhiều chồng chéo.
Đó là góc nhìn của tôi, còn vấn đề thực tế thì như ở Quảng Ninh, trước đây Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính đã nhất thể hóa mô hình chính quyền địa phương ở Quảng Ninh lên tới cấp tỉnh. Và rõ ràng tỉnh Quảng Ninh đã phát triển nhanh hơn các tỉnh khác, cũng như là đạt được nhiều thanh tựu hơn.
Thứ ba, việc nhất thể hóa này đưa tới việc phân cấp phân quyền được cụ thể hơn, dân biết được người nào là người chịu trách nhiệm cao nhất, do vậy nên làm luôn ở tầm quốc gia. Vì Đảng lãnh đạo nên Đảng phải chịu trách nhiệm. Mà Đảng là ai ? Phải có cá nhân trong Đảng chịu trách nhiệm về các vấn đề của Đảng, vì thế nhất thể hóa cả bí thư, tổng bí thư và chủ tịch là cần thiết.
BBC : Ở cấp dưới như huyện, xã thì có cả những cán bộ lãnh đạo không phải là Đảng viên, liệu khi nhất thể hóa có xảy ra việc các Đảng viên sẽ đảm nhận chức vụ của những người không phải đảng viên hoặc ngược lại không ?
Quang Hữu Minh : Tinh thần là sáp nhập chính quyền vào Đảng, chứ không phải Đảng vào chính quyền. Có nghĩa Bí thư kiêm Chủ tịch, chứ không phải Chủ tịch kiêm Bí thư. Phải hiểu rằng trong cuộc sáp nhập này, những người có Đảng tịch sẽ được ưu tiên hơn người ngoài Đảng. Tinh thần là chú trọng "hồng hơn là chuyên".
BBC : Hiến pháp của Việt Nam thì ghi là Đảng lãnh đạo, vậy đây có phải là một bước cụ thể hóa hơn nữa vai trò của Đảng như ghi trong Hiến pháp không ?
Quang Hữu Minh : Tôi nhìn theo một góc độ khác. Trong diễn biến hội quốc tế cũng như xu hướng phát triển dân chủ của Việt Nam, trước đây Đảng lãnh đạo như theo Điều 4 Hiến pháp, nhưng dần dần chính phủ đã có sự độc lập tương đối của họ. Trong Đảng gọi là "chuyển hóa và đổi mới".
Dần dần, các cơ quan Đảng giảm bớt ảnh hướng tới cơ quan Chính phủ. Sự tranh chấp về đường lối giữa khối Đảng và khối Chính phủ, chúng ta đã thấy rất rõ trong hai khóa X và XI vừa qua.
Bây giờ Đảng thực hiện việc sáp nhập chính quyền (có nghĩa là Chính phủ) vào Đảng để giảm bớt xu hướng chính quyền hóa Đảng cộng sản Việt Nam.
Trung Quốc có ông Tập Cận Bình vừa là nguyên thủ quốc gia vừa nắm chức cao nhất trong đảng cộng sản
Nhưng theo quy luật vận động khách quan, thì dần dần bộ phận được sáp nhập vào cũng sẽ tuân thủ theo luật chơi của dân chủ và quốc tế, tự họ lại bị phân hóa tư duy. Lúc đó sẽ lại hình thành một bộ phận "Chính phủ-Đảng" ở trong Đảng. Về mặt lý luận thì hơi rắc rối, những việc sáp nhập này không giải quyết được vấn đề đó.
Việc sáp nhập này về mặt chính trị là tốt cho đất nước, nhưng về mặt Đảng thì chưa chắc đã tốt cho Đảng. Chính phủ trước cũng là từ trong Đảng mà ra, thì dù bây giờ Đảng sáp nhập lại chính phủ đó vào Đảng thì rồi cũng sẽ lại có sự phân hoá.
Đây là thách thức về lý luận mà Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương nói có những vấn đề còn phải nghiên cứu, những vấn đề còn chưa rõ thì chưa thực hiện. Những vấn đề chưa rõ đó chính là tôi đã nêu ra ở trên.
BBC : Nếu việc nhất thể hóa diễn ra ở cấp trung ương, khi cả hai bên đều là Đảng viên thì những người giữ chức bí thư có được ưu tiên hơn những người giữ chức ở bên chính quyền, hay có sự khác biệt nào không ?
Quang Hữu Minh : Theo phân cấp quyền lực chính trị thì ở địa phương, bí thư luôn cao hơn chủ tịch. Sáp nhập như vậy thì ông bí thư sẽ kéo ghế chủ tịch lại phía mình, cũng có những trường hợp chủ tịch sẽ ngồi luôn cả ghế bí thư nhưng rất hiếm.
Ở cấp trung ương thì khác, nó là vấn đề đường lối. Trong bối cảnh địa chính trị là Việt Nam đang phải 'đu dây' giữa Mỹ và Trung Quốc, thì sự ảnh hưởng của về đường lối của Mỹ hay Trung Quốc vào Việt Nam sẽ quyết định đến việc nhất thể hóa chức danh tổng bí thư kiêm chủ tịch nước của Việt Nam chứ không như vấn đề địa phương nữa.
Trung Quốc cũng thận trọng vì trong sự ảnh hưởng đường lối của Đảng cộng sản Trung Quốc tới Đảng cộng sản Việt Nam, họ lo ngại rằng nếu Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước của Việt Nam mà ngả theo Mỹ thì đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ có chính sách thân Mỹ. Như vậy sẽ bất lợi cho chính sách của Trung Quốc.
Mỹ cũng mong muốn nhất thể hóa để tập quyền. Đường lối mà Mỹ đang thúc đẩy ở Việt Nam là chuyển hóa Đảng cộng sản Việt Nam. Như vậy tập quyền sẽ dễ để chuyển hóa hơn so với tản quyền.
Do sự mâu thuẫn đường lối giữa hai đại cường nên Đảng cộng sản Việt Nam phải dò dẫm, thận trọng. Trung Quốc muốn giảm rủi ro trong chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam còn Mỹ thì muốn tăng hiệu quả.
Nói thẳng ra thì Trung Quốc chưa muốn Việt Nam nhất thể hóa như họ, còn Mỹ thì muốn càng nhanh càng tốt.
Nhất thể hóa để có người đối thoại và chịu trách nhiệm. Cách làm việc của Mỹ là phải có người chịu trách nhiệm. Nếu Việt Nam nhất thể hóa được Tổng bí thư và Chủ tịch nước thì Tổng thống Mỹ biết mình cần nói chuyện với ai, ai là người quyết được.
Vậy ở cấp trung ương nó là vấn đề giằng co đường lối, còn ở địa phương thì nó là hiệu lực và tinh giảm bộ máy, phải nhìn dưới góc độ đó thì mới hiểu được toàn văn của Nghị quyết 18.
BBC : Theo cơ cấu chính trị Việt Nam thì một người không có toàn quyền quyết định các vấn đề vĩ mô của đất nước mà còn phải thông qua Bộ Chính trị. Nếu việc nhất thể hóa ở trung ương xảy ra thì vai trò của Bộ Chính trị có còn lớn như trước ?
Quang Hữu Minh : Nhất thể hóa như vậy thì Bộ Chính trị vẫn có thể quyết được những vấn đề còn hiệu lực ở chính sách vĩ mô, đó là việc bỏ phiếu.
Tôi nghĩ cơ chế Bộ Chính trị vẫn còn hiệu quả trong việc sát nhập mới, tuy nhiên Bộ Chính trị sẽ đóng vai trò là tham mưu và giúp việc cho Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước chứ họ không còn nhiều quyền lực như bây giờ nữa. Nhưng Đảng vấn duy trì cơ chế Bộ Chính trị vì đó là cơ chế dân chủ trong Đảng cần thiết.
Chính các Đảng viên cũng cần cơ chế dân chủ trong Đảng. Thí dụ như cựu giám đốc Sở Tư Pháp Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Thôn đã từng có một lá thư phê bình Nghị quyết 244 của Bộ Chính trị về vấn đề mất dân chủ trong Đảng. Hay mới đây nhất là bà Phan Thị Mỹ Thanh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai phản biện lại kết luận của Uỷ ban Kiểm tra trung ương.
Đó chính là nhu cầu duy trì dân chỉ trong Đảng. Nội bộ Đảng có khi còn cần dân chủ hơn nhân dân chúng tôi. Thế nên cơ chế Bộ Chính trị vẫn duy trì. Quyền lực tối cao của Bộ Chính trị vẫn có, nhưng quyền lực cá nhân của mỗi Uỷ viên sẽ bị giảm đi.
Còn một việc nữa, đó là việc các đoàn thể phụ thuộc Đảng tới đây sẽ được giải quyết thế nào ? Đưa ra dân thì chưa có luật về hội, mà giữ lại cho Đảng thì không có tiền nuôi. Nhưng nếu không làm thì nhân dân không tin là Đảng muốn thực sự tinh gọn bộ máy để giảm chi phí quốc gia. Đây là điều đang còn vướng mắc.
Nguồn : BBC, 27/10/2017
Ông Quang Hữu Minh, còn được biết tới là blogger Nguyễn An Dân, làm việc trong lĩnh vực tư vấn chính trị ở Việt Nam.
Tinh gọn hệ thống chính trị Việt Nam : Làm được không ? (BBC, 14/10/2017)
Hội nghị trung ương 6 vừa kết thúc tại Hà Nội đã bàn về "đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Tổng bí thư Đcộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đang chỉ đạo tiếp tục làm thí điểm dự án nhất thể hóa các cơ quan đảng và chính quyền ở cấp cơ sở, địa phương.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn 'cồng kềnh', tổ chức và biên chế ngày càng phình to, số lượng cấp phó, số người được hưởng chế độ "hàm" không hợp lý.
Phát biểu bế mạc Hội nghị trung ương 6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng loan báo thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND ; thực hiện Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ở nơi có đủ điều kiện.
Ông Trọng nói "đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu".
Hôm thứ Năm, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam đưa ra bình luận với BBC tiếng Việt :
"Người ta đòi hỏi phải có một luật về đảng, trong khi sửa đổi và xây dựng Hiến pháp năm 2013 người ta đặt ra rất nhiều, nhưng tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam như một tổ chức tạm gọi xen vào trong.
"Tức là đảng lãnh đạo thông qua ban cán sự, rồi đảng của các bộ phận, đảng đoàn, chẳng hạn như đảng là Bộ Chính trị mà lãnh đạo, thì thông qua ban cán sự đảng chính phủ, hoặc lãnh đạo trong Quốc hội là thông qua đảng đoàn trong Quốc hội.
"Thực tế cũng là Đảng cả nhưng họ đặt ra để lãnh đạo thông qua cái đó... không phải đứng lên trên Quốc hội, trên Chính phủ mà lãnh đạo thông qua Ban cán sự đảng, thông qua đảng đoàn, thông qua đảng ủy, qua các cơ quan ban cán sự.
"Tổ chức của Đảng là như vậy, còn lãnh đạo như thế nào, thì trong Hiến pháp, điều 4 cũng có nói, còn chuyện người ta đòi hỏi Đảng phải có một luật về đảng, thì chuyện đó người ta đòi hỏi cũng nhiều và nhiều kiến nghị lắm.
"Từ trước đến giờ, từ năm 1992 đến giờ người ta đặt đi, đặt lại rất nhiều lần chuyện đó, nhưng cuối cùng vẫn chưa có gì đặt ra. Còn bây giờ người ta muốn để cho chính danh, thì ông Tổng bí thư có thể kiêm Chủ tịch nước để khi đi nước ngoài, tiếp nước ngoài thì nó rõ ràng.
"Nhưng bây giờ trong ngoại giao, chúng ta thấy là cũng có câu chuyện là Tổng bí thư đi thăm Mỹ, đi thăm Nhật, người ta cũng ký cái này kia, có lẽ người ta không ngạc nhiên, nhưng mà rõ ràng là cái đòi hỏi rất lớn. Còn lãnh đạo Việt Nam là lãnh đạo thông qua đảng đoàn, đảng bộ và ban cán sự".
Hợp nhất thế nào, có luật hay không ?
Hôm 12/10, nhà Nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng, Ban Dân vận trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cũng đưa ra bình luận về chủ đề nhất thể hóa các cơ quan thuộc các hệ thống đảng và chính quyền này, ông nói với BBC :
"Họ nghĩ một cách đơn giản là có hai cơ quan làm cùng nhau, cùng công việc thì sáp nhập lại, nhưng sáp nhập là sáp nhập thế nào ?
"Theo nguyên tắc, nếu có một cơ quan đảng với một cơ quan của chính quyền mà trùng nhau, thì giải thể cơ quan của đảng đi, đưa những người tử tế, nếu có, ở bên cơ quan đảng bổ sung cho chính quyền làm việc và tạo ra những luật lệ văn minh, chứ không phải như hiện nay.
"Cho nên việc nhất thể hóa, tôi thấy là họ làm một cách đại khái... tùy tiện, chẳng có luật nào để nói là nhất thể hóa hết !".
Hôm thứ Năm, Luật sư Trần Quốc Thuận bình luận thêm về vấn đề có tính giả thuyết là nếu đã hợp nhất, nhất thể hóa rồi, thì khi có nhu cầu tách ra, sẽ tách ra như thế nào, ông nói :
"Có những người nói đảng này nên thành lập đảng Hồ Chí Minh, đảng Lao Động trở lại, rồi đảng cộng sản này kia, thì cũng không đơn giản bởi vì Đảng Cộng sản Việt Nam là gì ? Tức là một đảng trực tiếp lãnh đạo toàn diện, mà lãnh đạo toàn diện là thế nào ?
"Trước nhất là lãnh đạo tổ chức là lãnh đạo con người, phân công, bổ nhiệm con người, rồi trực tiếp nắm về tư tưởng, rồi thông tin, truyền hình, báo chí thì Đảng phải trực tiếp nắm, rồi nắm lực lượng vũ trang, nắm công an, quân đội.
"Thì cũng có người cũng hỏi là nếu mà tách ra thì các lực lượng chia làm sao ? Người ta chia công an thì ai nắm bộ phận công an, ai nắm bộ phận kia, ai nắm quân đội ? Ai thế này, thế kia, rồi ai nắm bộ máy tổ chức ? Tổ chức đảng là tổ chức họ lãnh đạo toàn diện, tức là ba lãnh vực 'trực tiếp' là lực lượng vũ trang, chính trị tư tưởng và tổ chức bộ máy, thì đều Đảng chi phối.
"Bây giờ trong Nghị quyết trung ương 6 này, họ siết chặt chữ đó nữa, đảng phải trực tiếp quản lý, nhất là thông qua nghị quyết mới của Bộ Chính trị bởi vì những nhân sự, tất cả các cấp ủy đều phải có sự ưng thuận và đồng ý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp nắm chặt, không có chuyện có thể có ý kiến khác thế này, thế kia được", Luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC tiếng Việt từ Sài Gòn.
*********************
Đảng 'quyết' nhất thể hóa, nhưng 'căn cứ luật nào' ? (BBC, 14/10/2017)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bình luận về Hội nghị trung ương 6 khóa 12 vừa bế mạc ở Hà Nội và chủ trương nhất thể hóa quyền lực đảng - chính của Đảng và nhà nước Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 12/10/2017, người hiện đang là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Minh Triết Việt, nêu quan điểm về chủ trương nhất thể hóa nói trên mà Hội nghị trung ương 6 quyết định sẽ thực hiện tiếp sau vòng thí điểm ở một tỉnh phía Bắc Việt Nam, nhưng có thể được bắt đầu ở cấp cơ sở phường, xã, ông Khắc Mai nói :
"Họ nghĩ một cách đơn giản là có hai cơ quan làm cùng nhau, cùng công việc thì sáp nhập lại, nhưng sáp nhập là sáp nhập thế nào ?
"Theo nguyên tắc, nếu có một cơ quan đảng với một cơ quan của chính quyền mà trùng nhau, thì giải thể cơ quan của đảng đi, đưa những người tử tế, nếu có, ở bên cơ quan đảng bổ sung cho chính quyền làm việc và tạo ra những luật lệ văn minh, chứ không phải như hiện nay.
"Cho nên việc nhất thể hóa, tôi thấy là họ làm một cách đại khái... tùy tiện, chẳng có luật nào để nói là nhất thể hóa hết !".
Trong cuộc trao đổi hôm thứ Năm với Quốc Phương của BBC Việt ngữ, cựu Vụ trưởng Ban Dân vận cũng đưa ra một số nhận xét, nhận định 'thẳng thắn' từ góc độ quan điểm riêng về tính hiệu quả hay không của Hội nghị 6 khóa 12 Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, thay đổi, bổ sung các nhân sự trong trung ương và các ban của Đảng có ý nghĩa gì thực sự gì không hay có thể bình luận gì về vị thế của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ đầu nhiệm kỳ II của ông đến nay.