Bắc Kinh rối ren – Tập Cận Bình vội bắt "Nhậm đại bác"
Hoàng Lan, Thoibao.de, 11/04/2020
Vừa qua, thứ Ba, 07/04/2020, một cơ quan của Đảng cộng sản Trung Quốc thông báo ông Nhậm Chí Cường, người từng lên án chủ tịch Trung Quốc, được phát hiện mất tích từ ngày 12/03/2020 đang bị giam giữ để điều tra.
Ông Nhậm Chí Cường có biệt danh là ‘Nhậm đại bác’ bởi lối nói thẳng thắn
Tối ngày 7/4, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố Bắc Kinh phát đi thông cáo cho biết, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Viễn Nhậm Chí Cường, liên quan đến vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, hiện đang bị Ủy ban giám sát kỷ luật khu Tây Thành (Bắc Kinh) xem xét kỷ luật và giám sát điều tra.
Cụm từ "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", thường được chính quyền Trung Quốc sử dụng cho các vụ án liên quan đến chính trị hoặc tham nhũng.
Trước đó, ông Nhậm Chí Cường có một bài viết trên mạng với tiêu đề là "Chú hề lột đồ kiên quyết trở thành hoàng đế" nhằm châm biếm ông Tập Cận Bình nhưng không nói tên cụ thể. Bài viết này lên án bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại hội nghị truyền hình có 170.000 quan chức tham gia hôm 23/2, tiết lộ chính quyền Trung Quốc che giấu dịch viêm phổi, lên án Bắc Kinh chúc mừng chính mình đạt được thành tích trong thời kỳ khủng hoảng dịch bệnh, mà không phải là xử lý sai lầm mà họ gây ra. Ông tố cáo tình trạng truyền thông nhà nước – bị bịt miệng – đã không đưa ra báo động với công chúng, và những người đơn độc đưa ra cảnh báo, như bác sĩ Lý Văn Lượng, đã bị buộc phải im lặng.
Ông viết : "ý đồ dùng các thành tích vĩ đại để che đậy đi chân tướng sự thật, giống như là tình hình dịch bệnh phải thông qua phê duyệt vào ngày 7/1 thì mới được bắt đầu. Vậy chuyện gì đã xảy ra vào tháng 12 năm ngoái ? Tại sao không công bố tin tức kịp thời ? Vì sao xuất hiện việc CCTV vào ngày 1/1 đã truy cứu 8 người ‘tung tin đồn’ ? Vì sao lại có bài khuyên nhủ vào ngày 3/1 ?…".
Bài báo chỉ ra, thực tế có thể thấy từ dịch bệnh này là "Đảng đang bảo vệ lợi ích của Đảng, các quan chức đang bảo vệ lợi ích của các quan chức, quân vương thì chỉ bảo vệ lợi ích và địa vị cốt lõi của mình". Chính là loại thể chế này, Đảng cộng sản Trung Quốc đã không công bố sự thật và chân tướng mà còn "tung tin đồn", hạn chế và ngăn chặn sự lan truyền của sự thật, vì vậy mới gây nên sự lây lan không thể kiểm soát của dịch bệnh.
Bài viết được chia sẻ không lâu thì ông Nhậm Chí Cường cũng mất tích và xuất hiện nhiều tin đồn xung quanh sự kiện này.
Nhiều bạn bè của ông xác nhận không liên lạc được với ông Nhậm từ ngày 12/3.
Từ khi ông Nhậm Chí Cường mất tích đến nay, các thông tin không chính thức liên quan đến tình cảnh ông gặp phải sau khi bị bắt cũng liên tục được lan truyền, có thông tin nói ông bị giam tại căn cứ địa Mãnh Sơn, Xương Bình, trực thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố Bắc Kinh, ông tuyệt thực 2 ngày để kháng nghị.
Ngày 25/3, Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) từng dẫn lời một người cung cấp thông tin nặc danh nói rằng, người nhà và thư ký của ông Nhậm Chí Cường cũng bị bắt.
Bản thân ông Nhậm Chí Cường hiện bị chính quyền giam giữ, bất kỳ ai cũng không được phép nhúng tay vào, không được phép can thiệp, không thể cầu xin, có thể cũng bao gồm cả Vương Kỳ Sơn – Phó chủ tịch Trung Quốc, người có mối quan hệ mật thiết với ông Nhậm Chí Cường.
Nhậm Chí Cường được cho là có mối quan hệ mật thiết với Vương Kỳ Sơn.
Kể từ khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán bùng phát đến nay, có thông tin cho rằng ông có mối liêns hệ bất thường với Vương Kỳ Sơn và ông cũng không ngừng tiết lộ tình hình về dịch bệnh, cáo buộc chính quyền che đậy sự thật.
Truyền thông Hồng Kông tiết lộ chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc công khai xử lý vấn đề của ông Nhậm Chí Cường, là do Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ chỉ đạo hôm 6/4.
Theo nguồn tin này, vụ án ông Nhậm Chí Cường do Ủy ban Kỷ luật khu Tây Thành xử lý, điều này cho thấy ông Thái Kỳ cũng không muốn làm sự việc lớn thêm, chỉ cần có để giao phó với Trung Nam Hải là được.
Thông tin chỉ ra, về việc xử lý ông Nhậm Chí Cường, xử lý về mặt đảng là nhất định có, xử phạt nghiêm trọng nhất là khai trừ đảng tịch, sau đó bàn giao xử lý theo pháp luật ; đến lúc sang trình tự tư pháp, thì sẽ phải phạt tù, do đó, bố trí tốt nhất có lẽ là xử lý về mặt đảng, sau đó thả ông ra, yêu cầu ông về sau không được nói, không tiếp tục phát biểu những ngôn luận tương tự.
Đây không phải lần đầu tiên ông Nhậm đối diện các rắc rối pháp lý.
Tháng 2/2016, trên Weibo, ông Nhậm Chí Cường công khai chỉ trích biểu ngữ "CCTV mang họ Đảng" khi đài căng biểu ngữ có nội dung "CCTV họ đảng, tuyệt đối trung thành, mong ngài kiểm duyệt" để chào đón ông Tập Cận Bình.
Sau đó, ông bị Ủy ban Kỷ luật khu Tây Thành (Bắc Kinh) cáo buộc vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, xử lý lưu lại tổ chức đảng để quan sát 1 năm.
Tài khoản Weibo của ông này có 37 triệu người theo dõi nhưng sau đó bị khóa.
Giới quan sát cho rằng Tập Cận Bình đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan trong xử lý vụ việc của Nhậm Chí Cường.
Nếu xử nghiêm phạt nặng, thì sẽ gặp phải dị nghị và áp lực chính trị của các bên trong nội bộ đảng.
Nếu xử nhẹ và bỏ qua, thì có thể khiến cho nhiều người khác cũng làm theo ông Nhậm Chí Cường.
Đài phát thanh Pháp RFI cho rằng việc bắt giữ ông Nhậm Chí Cường là một nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm dập tắt mọi tiếng nói chỉ trích trong nội bộ, trong bối cảnh tính chính đáng của ban lãnh đạo bị thách thức, do để đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát.
Tờ báo Libération của Pháp, ngày 08/04 dẫn lời của bà Yaqiu Wang, thành viên của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Right Watch, nhận định : "Ông Nhậm là một doanh nhân giàu có, cũng như thành viên của giới tinh hoa trong Đảng, không phải là một ‘nhà hoạt động’, hay một ‘nhà ly khai’. Ông ta phê phán chính quyền, nhưng không thực sự phản đối sự lãnh đạo của Đảng. Việc bắt một người như ông ta cho thấy chủ tịch Tập Cận Bình giờ đây đã không còn chấp nhận bất cứ hình thức bất đồng chính kiến nào trong nội bộ".
Cũng như Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn, Nhậm Chí Cường được coi là thuộc nhóm "Thái tử Đỏ" hay còn gọi là "Hồng nhị đại" (những hậu duệ của thế hệ cách mạng đầu tiên của Đảng cộng sản Trung Quốc)
Ông Nhậm, biệt hiệu "Đại bác", 69 tuổi, quê tỉnh Sơn Đông, gia nhập Đảng cộng sản Trung Quốc năm 1974.
Bố của ông Nhậm là ông Nhậm Tuyền Sinh. Ông Nhậm Tuyền Sinh nằm trong số thế hệ nhà cách mạng đầu tiên lập nên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nên con trai ông có nhiều mối quan hệ với giới tinh hoa chính trị của Trung Quốc.
Ông Nhậm Tuyền Sinh (1918–2007) từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc và vợ ông từng là một quan chức trong chính quyền Bắc Kinh.
Ông Nhậm Chí Cường gia nhập Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc năm 1969, làm kỹ sư và sau đó trở thành trung đội trưởng. Ông này rời quân ngũ năm 1981, trở thành trưởng phòng Tập đoàn Hoa Viễn Bắc Kinh năm 1984.
Ông Nhậm trở thành phó chủ tịch tập đoàn này năm 1988 rồi chủ tịch tập đoàn năm 1993 và nghỉ hưu hồi tháng 3/2015. Ông này có bằng thạc sĩ luật (Đại học Nhân dân Trung Quốc).
Năm 2010, China Daily đưa tin, ông Nhậm với tư cách chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Hoa Viễn có mức lương cao nhất trong số lãnh đạo 258 công ty niêm yết. Mức lương của ông này là 7,07 triệu nhân dân tệ (1,04 triệu USD).
Ông có biệt danh là "Nhậm đại bác" bởi lối nói thẳng, quyết liệt hiếm có của ông trong Đảng cộng sản Trung Quốc.
Ông Nhậm Chí Cường cũng không chỉ một lần phát biểu bài viết phê bình Đảng cộng sản Trung Quốc, ông từng nói "Trong tình trạng hiện tại của Trung Quốc, trách nhiệm xã hội duy nhất của chúng ta chính là tất cả các vị ngồi tại đây, các vị nỗ lực đứng lên, xô đổ bức tường trước mặt chúng ta, xây dựng chế độ xã hội dân chủ của chúng ta !".
Việc mất tích của Nhậm Chí Cường trước đó đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Bạn bè ông, những người có ảnh hưởng ở trong và ngoài nước cũng có những động thái để gây áp lực lên chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Vào ngày 13/3, Tiến sĩ Hàn Liên Triều, nghiên cứu viên thỉnh giảng của Sở nghiên cứu Hudson, Mỹ đã trích dẫn tin tức trên Twitter chỉ ra rằng, Nhậm Chí Cường vào ngày 12 đã bị Ban Kỷ luật Thanh tra Bắc Kinh giam giữ bí mật tại Trung tâm Đào tạo Ban Kỷ luật Thanh tra Thành phố Mãng Sơn ở ngoại ô Bắc Kinh (một số bộ phận trong đó thực ra là nhà tù bí mật).
Ngày 17/3, Hàn Liên Triều trích dẫn tin tức trên mạng ở Đại lục và những thông báo nội bộ của Đảng cộng sản Trung Quốc cho rằng vụ án Nhậm Chí Cường được coi là "vụ án lớn quan trọng của Ủy ban an toàn Quốc gia", bất kỳ ai cũng không được nhúng tay vào, gây can nhiễu đến việc phá án. Ông nói rằng ‘Nhậm Chí Cường’ bây giờ đã trở thành một từ nhạy cảm trên mạng, hơn nữa trên mạng ở Đại lục bắt đầu lan truyền các video của CCTV về Nhậm Chí Cường từ 4 năm trước, ông cảm thấy lo lắng cho Nhậm Chí Cường.
Một ‘Nhậm đại bác’ đi ngược lại với chỉ đạo của Đảng cộng sản thì dù có là hậu duệ của công thần lập nước cũng sẽ bị Tập Cận Bình trừng phạt. Phần đời còn lại của ông Nhậm sẽ ra sao vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết…
Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc ngày càng siết chặt tự do ngôn luận trong nước, cũng lúc này đại dịch viêm phổi Vũ Hán đang cướp đi bao nhiêu sinh mạng của người dân vô tội, bộ máy đàn áp của Bắc Kinh đang hoạt động hết công suất nhằm che đậy thông tin, giấu giếm tội ác với người dân Trung Quốc và thế giới.
Những đất nước theo thể chế Chủ nghĩa Cộng sản nào cũng như vậy, độc đảng, độc tài , độc quyền , ăn cắp của công và tham nhũng vô độ, nó đặc biệt độc ác với nhân dân.
Tại Trung Quốc hay Việt Nam, đảng cộng sản cần phải bị thải loại, để thay bằng thể chế dân chủ, tự do cùng một nhà nước pháp quyền, đem đến cho mọi người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hoàng Lan (Hà Nội)
Nguồn : Thoibao.de, 11/04/2020
********************
Trung Quốc bắt giam người gọi Tập Cận Bình là một "tên hề"
Trọng Thành, RFI, 09/04/2020
Ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), nổi tiếng về những phát biểu không kiêng dè nhắm vào lãnh đạo tối cao Trung Quốc, mất tích từ ngày 12/03/2020. Thứ Ba, 07/04/2020, một cơ quan của đảng cộng sản Trung Quốc thông báo người từng lên án chủ tịch Trung Quốc đang bị giam giữ.
Tỷ phú Nhậm Chí Cường, có biệt danh "Nhậm Đại Bác". Ảnh chụp năm 2012 Wikimedia Commons / Wang65
Theo Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật của Đảng cộng sản Trung Quốc, ông Nhậm Chí Cường, 69 tuổi, đang bị điều tra "vì vi phạm nghiêm trọng" kỷ luật Đảng và luật pháp. Ông Nhậm Chí Cường, vốn là một doanh nhân giàu có ngành bất động sản, nổi tiếng vì các phát biểu mạnh mẽ trên mạng. Trang blog của Nhậm Chí Cường từng được 37 triệu người theo dõi. Dân mạng Trung Quốc ngưỡng mộ ông, gọi ông là "Nhậm đại bác".
Trong một bài viết đưa lên mạng hồi tháng 2/2020, đúng vào lúc chính quyền Trung Quốc đang lún sâu trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, ông Nhậm Chí Cường đã gọi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "tay hề lõa thể, cương quyết muốn tỏ ra mình là hoàng đế". Ông Nhậm đã lên án chính quyền Trung Quốc chậm trễ trong việc đối phó với dịch do virus corona mới. Ông tố cáo tình trạng truyền thông nhà nước - bị bịt miệng - đã không đưa ra báo động với công chúng, và những người đơn độc đưa ra cảnh báo, như bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), đã bị buộc phải im lặng.
Theo các nhà quan sát, việc bắt giữ ông Nhậm Chí Cường là một nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm dập tắt mọi tiếng nói chỉ trích trong nội bộ, trong bối cảnh tính chính đáng của ban lãnh đạo bị thách thức, do để đại dịch Covid-19 bùng phát. Bà Yaqiu Wang, thành viên của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Right Watch, nhận định : "Ông Nhậm là một doanh nhân giàu có, cũng như thành viên của giới tinh hoa trong Đảng, không phải là một ‘nhà hoạt động’, hay một ‘nhà ly khai’. Ông ta phê phán chính quyền, nhưng không thực sự phản đối sự lãnh đạo của Đảng. Việc bắt một người như ông ta cho thấy chủ tịch Tập Cận Bình giờ đây đã không còn chấp nhận bất cứ hình thức bất đồng chính kiến nào trong nội bộ" (Libération, ngày 08/04).
Ông Nhậm Chí Cường, từng phục vụ trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, từ năm 1969 đến năm 1981. Cũng như Tập Cận Bình, Nhậm Chí Cường được coi là thuộc nhóm "Hoàng tử Đỏ", tức con cái của các lãnh đạo cao cấp.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 09/04/2020
Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), 69 tuổi, cựu chủ tịch tập đoàn bất động sản nhà nước Huayuan và từng là đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc đã biến mất trong những ngày gần đây.
Trùm bất động sản Trung Quốc Nhậm Chí Cường 'mất tích' sau khi chỉ trích chính quyền xử lý dịch
Những người bạn của ông đã tiết lộ cho truyền thông quốc tế rằng họ đã không liên lạc được với ông kể từ ngày 12/3/2020.
Sau bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trong hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 23/2 vừa qua, ông Nhậm đã chia sẻ với những người bạn một bài viết của chính ông lên tiếng chỉ trích bài phát biểu này.
Nữ doanh nhân Wang Ying, bạn thân của ông Nhậm cho biết trong tâm trọng rất lo lắng : "Nhiều người bạn của chúng tôi đang tìm kiếm ông ấy".
Đồng thời, bà khẳng định : "Nhậm Chí Cường là một nhân vật của công chúng và sự mất tích của ông được nhiều người biết đến. Những tổ chức nào chịu trách nhiệm cho việc này cần đưa ra một lời giải thích hợp lý và hợp pháp, càng sớm càng tốt".
Ông Nhậm mất tích trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc đang ra sức tuyên truyền cho hình ảnh ông Tập như một anh hùng đang lãnh đạo đất nước giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh toàn dân nhằm chống lại cúm Vũ Hán.
Vào ngày 23/2, Đảng cộng sản Trung Quốc đã tổ chức một hội nghị trực tuyến về dịch viêm phổi Vũ Hán lớn nhất trong lịch sử. Ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại cuộc họp, và truyền thông Trung Quốc cho biết có tổng cộng 170.000 quan chức Trung Quốc đã tham dự cuộc họp.
Phát biểu trong hội nghị này, ông Tập Cận Bình yêu cầu tử thủ Bắc Kinh, nói rằng "Vũ Hán thắng thì Hồ Bắc sẽ thắng, Hồ Bắc thắng thì toàn quốc sẽ thắng", đồng thời nhấn mạnh rằng "phải dốc toàn lực làm tốt công tác phòng chống dịch ở Bắc Kinh, cần kiên trì giữ chặt hai nguồn lực phòng dịch từ bên trong và bên ngoài".
Đại gia bất động sản Nhậm Chí Cường, biệt danh ‘Nhậm Đại Pháo’ là một ‘thế hệ hồng thứ hai’ nhưng lại nổi tiếng với những phát biểu thẳng thắn, lên án chính quyền cộng sản Trung Quốc từ nhiều năm nay.
Một thời gian ngắn sau đó, bài viết của ông Nhậm được lan truyền trong giới tinh hoa ở Trung Quốc và hải ngoại, trong đó, cáo buộc chính phủ nước này bịt miệng những người đưa ra thông tin cảnh báo về dịch bệnh và cố gắng che giấu sự bùng phát của dịch, bắt đầu ở thành phố Vũ Hán vào tháng 12/2019.
Trong bài viết này, tuy không trực tiếp nêu tên ông Tập, nhưng ông Nhậm đã ám chỉ về nhà lãnh đạo Trung Quốc và liên tục nhắc đến bài phát biểu ngày 23/2 cũng hành động của ông Tập trong thời gian xử lý dịch bệnh bùng phát tại Hồ Bắc.
Ông Nhậm viết : "Tôi thấy không phải là một vị hoàng đế đứng đó để khoe bộ quần áo mới của ông ta, mà là một chú hề cởi trần và khăng khăng tiếp tục làm hoàng đế".
Ông Nhậm cũng viết rằng việc Đảng cộng sản cầm quyền hạn chế quyền tự do ngôn luận đã làm trầm trọng thêm dịch cúm Vũ Hán.
Cho đến thời điểm này, các cơ quan chức năng của Trung Quốc chưa hề lên tiếng về vụ việc ông Nhậm đột nhiên mất tích một cách bí ẩn như vậy trong khi chính quyền Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh kiểm duyệt gắt gao nội dung về cúm Vũ Hán trên mạng Internet.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đeo khẩu trang bảo vệ trong chuyến thăm Vũ Hán vào đầu ngày 10/3.
Nhậm Chí Cường xuất thân từ gia đình quan chức cấp cao của Trung Quốc, có cha là Nhậm Tuyền Sinh từng làm Thứ trưởng Thương mại.
Bản thân ông cũng từng là Chủ tịch Công ty Bất động sản Hoa Viễn tại Bắc Kinh, nghỉ hưu năm 2014.
Nhậm Chí Cường là người nổi tiếng dám nói thẳng, có lượng fan hâm mộ hơn 37 triệu trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo.
Ngày 19/2/2016, ông Nhậm Chí Cường chất vấn trên trang weibo cá nhân về "tính Đảng trên truyền thông nhà nước" khiến ông bị giới truyền thông tấn công kiểu thời "Cách mạng Văn hóa".
Ngày 28/2/2016, Văn phòng Thông tin Internet Trung Quốc ra lệnh khóa tài khoản của ông Nhậm Chí Cường trên hai trang QQ và Sina. Ngày 29/2/2016 Ủy ban quận Tây Thành – Bắc Kinh lên tiếng cần "xử lý nghiêm đối với ông Nhậm Chí Cường".
Đến ngày 2/5/2016, Đảng cộng sản Trung Quốc đã áp dụng lệnh quản chế một năm với ông Nhậm. Quyết định này được cho là nhằm mục đích tạo ra một hiệu ứng gây sợ hãi trong giới đảng viên cũng như những người có ảnh hưởng lớn tới dư luận trong nước.
Cảnh sát Bắc Kinh đã chưa trả lời các đề nghị qua điện thoại và fax của Reuters hôm nay 15/3 để đưa ra bình luận về việc ông Nhậm mất tích.
Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cũng chưa trả lời ngay lập tức đề nghị qua fax của Reuters về vụ việc này.
Vụ ông Nhậm mất tích giữa khi việc thảo luận về dịch bệnh trên truyền thông địa phương và mạng xã hội đã bị thắt chặt kiểm duyệt trong những tuần gần đây tại Trung Quốc.
Nhóm nghiên cứu Citizen Lab tại Toronto mới đây đã phát hiện ra rằng ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Trung Quốc, WeChat đã chặn các nhóm từ khóa và chỉ trích về chủ tịch Tập Cận Bình.
Báo cáo cũng cho biết WeChat đang kiểm duyệt các từ khóa về dịch cúm Vũ Hán.
Việc kiểm duyệt này được thực hiện bắt đầu từ ngày 1/1/2020.
Báo cáo cũng tìm ra rằng WeChat, do công ty Trung Quốc Tencent sở hữu, đã chặn thêm nhiều từ khóa khi dịch bệnh bùng phát.
Trung Quốc nhiều năm qua đã kiểm duyệt những cái gì người dân được nói và đọc trên mạng.
Nhưng báo cáo này cho hay Trung Quốc đã bắt đầu kiểm duyệt các cuộc thảo luận nhiều tuần trước khi giới chức nước này nhận thức được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Trong một diễn biến tương tự, ngày 4/2/2020 vừa qua, Việt Nam đã chính thức ban hành Nghị định mới về xử phạt hành vi tung tin giả lên Facebook và các mạng xã hội. Trong bối cảnh dịch dịch cúm Vũ Hán bùng nổ trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã xử lý phạt tiền rất nhiều trường hợp trong cả nước, gây hoang mang dư luận bởi còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ, đặc biệt là định nghĩa thế nào là tin giả ? Cơ quan nào sẽ có trách nhiệm xác minh đấy là tin giả ?
Công an Việt Nam được cho rằng đã lạm dụng việc phạt tiền vì ý kiến cá nhân trên mạng, xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân.
Nghị định mới của Chính phủ quy định mức xử phạt từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội.
Một số nghệ sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân và Cát Phượng từng bị xử phạt mỗi người 10 triệu đồng vì cung cấp thông tin sai sự thật về dịch bệnh virus corona trên tài khoản mạng xã hội Facebook, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự xã hội.
Ngày 7/3, Công an thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) xử phạt hành chính 4 cô gái, mỗi người 10 triệu đồng về hành vi Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức và danh phẩm của cá nhân.
Trước đó, lực lượng an ninh phát hiện 4 tài khoản Facebook đăng các thông tin : "Sa Pa cho 9 người khách nước ngoài đi cùng chuyến bay với Nhung…", và "Hành khách cùng khoang bệnh nhân Nhung đang ở tổ 8, Mường Hoa, phường Bắc Cường, mọi người chú ý nâng cao cảnh giác".
Facebooker Hoàng Dũng cho rằng, cho đến lúc này, 4 cô gái Lào Cai đã đúng khi đưa tin về vụ việc và đặt ra vấn đề những cô gái này cần được nhận lại tiền và lời xin lỗi của chính quyền.
Xử phạt một phụ nữ kêu gọi "biểu tình" cho con nghỉ học vì cúm Vũ Hán tại Kiên Giang.
Sáng 12/3, Công an huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang ra quyết định xử phạt chị L.T.K.X. (SN 1978, ngụ tại thị trấn Kiên Lương) số tiền 12,5 triệu đồng vì có những thông tin mang tính kích động, không đúng sự thật liên quan đến dịch bệnh cúm Vũ Hán.
Trong phần bình luận của mình, chị có kêu gọi mọi người "biểu tình" cho con nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh.
Facebooker Liên Hương Lena cho rằng : Biểu tình là quyền hiến định, công dân có quyền biểu tình hoặc mời công dân khác cùng biểu tình. Quốc hội Việt Nam chưa ra luật về biểu tình là mắc nợ với dân, việc Quốc hội nợ dân luật biểu tình không đồng nghĩa người dân bị cấm biểu tình.
Các công ước quốc tế mà nhà nước Việt Nam đã ký kết không có quy định nào cấm biểu tình.
Thực tế là công an về hưu cũng biểu tình để đòi nhà, sao họ không bị bắt, bị phạt ? Đăng tin sai là phạm trù khác. Không thể lồng ghép như thế này. Có thể nói, công an Việt Nam đang ngày càng quá đà, lạm dụng việc phạt tiền vì ý kiến cá nhân trên mạng.
Trong lịch sử đương đại thế giới, chỉ có chính quyền độc đảng toàn trị mới còn duy trì cách hành xử ‘man rợ’ như vậy. Tính mạng con người, quyền được sống, được tự do ngôn luận, biểu đạt tâm tư, nguyện vọng của mình đã bị xâm phạm nặng nề để phục vụ cho cái gọi nhà nước xã hội chủ nghĩa mà thực chất đó chỉ là sự tồn vong của chế độ mà thôi.
Thể chế độc đảng dẫn đến độc tài như ở Việt Nam và Trung Quốc luôn tìm mọi cách đàn áp những người bất đồng chính kiến với Đảng cộng sản, đây là chiêu bài không có gì mới trong suốt 75 năm qua.
Ngày nay, với sự toàn cầu hóa và phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin thì sự thật đã được công bố rộng rãi đến từng người dân – Đảng không thể tiếp tục bịt mắt người dân được nữa.
Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)
Nguồn : Thoibao.de, 18/03/2020