Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản ghé cảng Cam Ranh, củng cố quan hệ song phương

Đỗ Thông Minh, Vũ Đức Khanh, Quốc Phương, RFA, 21/06/2023

Một tàu chiến thuộc hạng lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (MSDF), tàu Izumo, đã cập cảng Cam Ranh ở miền Trung Việt Nam vào thứ ba tuần này, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên trong bốn năm, truyền thông Nhật Bản hôm 20/6/2023 đưa tin.

haiquan1

Máy bay chiến đấu của Nhật Bản bay hộ tống tàu JS Izumo trong một cuộc diễn tập quốc tế ở Vịnh Sagami, Nhật Bản hôm 6/11/2022 - AFP

‘Chính sách từ thời của Thủ tướng Abe Shinzo’

Hôm 21/6, từ Tokyo, nhà báo Đỗ Thông Minh, nhà quan sát thời sự và an ninh khu vực đưa ra bình luận với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng về sự kiện này :

"Có thể nói rằng gần như năm nào gần đây hải quân Nhật Bản cũng tới thăm Việt Nam, đặc biệt Nhật Bản là quốc gia cung cấp nhiều tàu tuần duyên, gọi là ‘coast-guards’ cho Việt Nam, mà khởi đầu bằng chính sách của Thủ tướng Abe Shinzo. Ngay khi ông lần đầu tiên lên làm Thủ tướng ông đã đi thăm Việt Nam ngay đầu tiên, và Nhật Bản đã tiến hành chính sách đó suốt mười mấy năm nay. Chính sách này tiếp tục được Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida nối tiếp và củng cố, trong bối cảnh Việt Nam thời gian qua ở thế quan sát, nhưng cũng chủ động tìm thêm những người bạn cho mình".

Nói riêng về chuyến ghé thăm của tàu Izumo, nhà báo Đỗ Thông Minh cho rằng, đây là một hàng không mẫu hạm trực thăng, trong chữ Hán cũng có khi dùng từ gọi là ‘hộ vệ hạm’, là một loại tàu chiến đổ bộ mà nhìn xa xa nó cũng như một hàng không mẫu hạm, nhưng nhỏ hơn. Chiến hạm này đối với Nhật Bản là lớn nhất, với trọng lượng 27 ngàn tấn, dài tới 248 mét, nguyên thủy nó có thể trở được 14 trực thăng ở trong hầm cũng như sẵn sàng ở trên boong, bên trong tàu có thể chở binh sĩ và xe tăng, cho nên đây là một khu trục hạm tấn công và đổ bộ.

Ông Đỗ Thông Minh nói với RFA :

"Loại này Hàn Quốc cũng có, Mỹ cũng có cả chục chiếc, nhưng Mỹ về hàng không mẫu hạm loại chiến đấu thì họ có nhiều quá, nên người ta không để ý đến loại này, còn loại này Nhật có hai chiếc, Hàn Quốc như tôi đã nói cũng có, Pháp cũng có và Nga gần đây cũng muốn mua của Pháp, nhưng do Nga đánh chiếm Crimea của Ukraine, nên Pháp không bán cho Nga nữa. Với loại hạm này, chiếc Izumo như đã nói trọng tải 27 ngàn tấn, còn một chiếc khác là 19 ngàn tấn, nhỏ hơn, trở được 11 trực thăng. Mới đây mà chỉ cách chừng một năm, chính phủ Nhật đã có quyết định sửa hai chiếc này, sửa, thêm thiết bị, để có thể cho máy bay F35 B của Mỹ, loại cho hải quân, có thể đáp thẳng và cũng lên thẳng, thành ra thay vì trực thăng được chở trên hạm, chiến đấu cơ cũng có thể được chở trên hạm này, nên nó trở thành một hàng không mẫu hạm thứ thiệt, nhưng đương nhiên loại nhỏ thôi".

"Các tàu của Nhật Bản đợt này ghé thăm cảng Việt Nam cập vào cảng quốc tế Cam Ranh, cảng này khác với cảng quân sự, mà được giữ bí mật, cảng quốc tế này mở ra cho không chỉ tàu buôn mà cả tàu chiến quốc tế vào, khu vực đó bỏ trống nhiều năm, ngày nay Việt Nam quyết định xây cảng đó, với mục đích là tàu buôn và tàu chiến các nước đi qua, nhân tiện có thể cập vào như cảng nghỉ, một ‘rest-area’ cho tàu bè nên rất tiện lợi. Nhưng điều quan trọng là khi các tàu bè quốc tế không ở đó, mà giả sử giữa Việt Nam và Trung Quốc có xung đột, giao tranh, bắn nhau, thì quốc tế có thể ‘mặc kệ’, có thể cho rằng đó là chuyện của hai nước, họ cùng lắm chỉ có lên tiếng thôi. Song bây giờ tàu của các nước chúng tôi đậu ở đó, chỉ cần bắn một phát đạn nhỏ thôi, là thành một vấn đề lớn rồi".

Trang mạng Nippon.com được mệnh danh là cửa ngõ thông tin vào Nhật Bản, thuộc Quỹ truyền thông Nhật Bản (NCF) hôm thứ ba cho hay, tàu khu trục này sẽ ở lại vịnh Cam Ranh cho đến thứ Sáu (23/6) như một phần của kế hoạch mà MSDF đã phái tàu này ra nước ngoài kể từ năm 2017 nhằm thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Trang mạng này đồng thời nêu rõ, các thành viên thủy thủ đoàn của tàu Izumo sẽ có các hội đàm với giới chức hải quân Việt Nam để xác nhận sự hợp tác giữa hai nước khi vịnh hướng ra Biển Đông, nơi Trung Quốc và các nước khác có tuyên bố chủ quyền.

Vẫn theo kênh tin tức này, tàu Izumo đã tham gia một cuộc tập trận chung với quân đội Hoa Kỳ, Canada và Pháp chủ yếu ở Biển Đông từ ngày 10/6 tới ngày thứ Tư 20/6.

‘Làm sâu sắc hơn quan hệ Nhật – Việt và củng cố an ninh khu vực’

Cũng hôm 21/6, từ Ottawa, Canada, một nhà quan sát khác về chính trị và an ninh khu vực, Luật sư Vũ Đức Khanh đưa ra bình luận với RFA tiếng Việt trên quan điểm riêng về diễn biến các tàu chiến của Nhật Bản thăm Việt Nam dịp này, ông nói :

"Nhật Bản và Việt Nam có quan hệ song phương rất tốt trong nhiều lãnh vực, trong đó có cả an ninh quốc phòng, hợp tác quân sự.

Năm nay, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập bang giao cho nên có rất nhiều hoạt động sôi nổi. Chuyến thăm này theo tôi được kỳ vọng sẽ đóng góp vào việc làm sâu sắc hơn quan hệ Nhật Bản - Việt Nam, qua đó góp phần duy trì và củng cố hòa bình, an ninh, trật tự, an toàn tự do hàng hải trong khu vực dựa trên pháp luật quốc tế.

Vả lại, thời gian gần đây, Nhật Bản cũng rất tích cực "mở rộng" các hoạt động quân sự trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, củng cố đồng minh và kết nối đối tác nên Việt Nam là đối tác tự nhiên của Nhật Bản.

Tuy nhiên, tôi hơi bỡ ngỡ khi chuyến thăm này không được thông báo trước. Báo Tuổi Trẻ là cơ quan truyền thông Việt Nam đầu tiên đưa tin này mà lại đi trích dẫn một nguồn tin nước ngoài và phát bản tin vào lúc 22 giờ đêm trong khi chiến hạm đã cập cảng Cam Ranh từ sáng sớm".

Hôm thứ ba, đài NHK của Nhật Bản đưa tin về sự kiện này có bình luận rằng chuyến thăm của tàu Izumo đến Việt Nam xảy ra vào khi Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động hàng hải ở Biển Đông. Đi cùng với tàu này còn có tàu khu trục Samidare của MSDF.

Lần cuối cùng tàu Izumo ghé cảng Cam Ranh là vào năm 2019. Trước khi thăm Việt Nam, tàu Izumo đã có cuộc tập trận chung ở Biển Đông từ ngày 10 đến 14/6 với các tàu Hải quân Mỹ, trong đó có tàu sân bay USS Ronald Reagan", vẫn theo NHK của Nhật Bản.

Loan tin về sự kiện này, báo Quân Đội Nhân Dân online của Việt Nam hôm 20/6 khẳng định chuyến thăm góp phần thêm hiểu biết lẫn nhau và khả năng phối hợp giữa Hải quân Nhân dân Việt Nam và Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản, tích cực củng cố, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam - Nhật Bản nói riêng, hợp tác giữa hai nước nói chung lên tầm cao mới.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 31/06/2023

Đài Á Châu Tự Do sẽ giới thiệu thêm bình luận chi tiết nhân sự kiện này cùng một số sự kiện khác có liên quan ngoại giao và hợp tác an ninh, chính trị, quốc phòng của Việt Nam với các đối tác ở khu vực, với các ý kiến trên quan điểm riêng của nhà quan sát Đỗ Thông Minh và Luật sư Vũ Đức Khanh trong một bài tiếp theo, mời quý vị đón theo dõi.

***************************

Chuyên gia : Ấn Độ tặng tàu hộ vệ cho Việt Nam như ‘cái gai trong mắt’ Trung Quốc

Thành Đỗ, Quốc Phương, RFA, 20/06/2023

Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang, hôm thứ ba kết thúc chuyến thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 17-20/6/2023, theo lời mời của người đồng nhiệm, Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh.

haiquan2

Tàu hộ tống tên lửa INS Kirpan - tàu chiến lớp Khukuri được đưa vào biên chế năm 1991 - sẽ sớm được bàn giao cho Hải quân Nhân dân Việt Nam - Ảnh minh họa

"Ấn Độ và Việt Nam chia sẻ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Quan hệ quốc phòng song phương tạo thành một trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác này", theo một thông cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ được truyền thông chính thức của nước này loan tải trong dịp này.

Ấn Độ cũng sẽ tặng Việt Nam một tàu chiến đang phục vụ như một cử chỉ hữu nghị và mở rộng quan hệ quân sự giữa các quốc gia, trang Economic Times thuộc thời báo Ấn Độ hôm 20/6 cho biết thêm.

"Tàu hộ tống tên lửa INS Kirpan - tàu chiến lớp Khukuri được đưa vào biên chế năm 1991 - sẽ sớm được bàn giao cho Hải quân Nhân dân Việt Nam. Thông báo này được đưa ra trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng quốc phòng Rajnath Singh và người đồng cấp Việt Nam, Tướng Phan Văn Giang tại New Delhi hôm thứ hai. Trọng tâm của chuyến thăm là tăng cường quan hệ quân sự, với an ninh và an ninh hàng hải và hợp tác công nghiệp quốc phòng là chìa khóa cho các cuộc thảo luận".

Giới chức Ấn Độ cho hay việc chuyển giao tàu chiến này, mà được cho là một tàu hộ tống hải quân cỡ nhỏ có mang tên lửa do Ấn Độ tự đóng, sẽ là một ‘cột mốc quan trọng trong việc nâng cao năng lực của Hải quân Nhân dân Việt Nam’. Sau cuộc hội đàm, Bộ trưởng Việt Nam cũng đã đến thăm trụ sở Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng để thảo luận về các lĩnh vực tiềm năng để cùng sản xuất các hệ thống vũ khí, vẫn theo truyền thông Ấn Độ.

‘Chia sẻ hậu cần quân sự mang tính bước ngoặt’

Vẫn theo Thời báo trên của Ấn Độ, quốc gia này đã liên tục mở rộng quan hệ quốc phòng với Việt Nam trong những năm qua "với hiệp định chia sẻ hậu cần quân sự mang tính bước ngoặt được ký kết vào năm ngoái (2022) nhằm tăng cường khả năng tương tác và liên kết".

Hôm 20/6/2023, từ Paris, Pháp, ông Thành Đỗ, một nhà quan sát an ninh, quốc phòng quốc tế, khu vực và công nghệ quân sự, quốc phòng, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do một vài khía cạnh trên quan điểm riêng, xung quanh chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang, quan hệ song phương trong lĩnh vực liên quan, đặt trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, mà sau đây là nội dung chính của cuộc trao đổi.

Thành Đỗ : Việc Ấn Độ tặng một tàu hộ tống hạng nhẹ Corvette INS Kirpan mang tên lửa cho Việt Nam đương nhiên là việc rất quan trọng, thêm đối trọng với các tàu hải cảnh to lớn trang bị vũ khí của Trung Quốc. Có thể xem đây là ‘cái gai’ đâm vào mắt Trung Quốc hay cây gậy ‘thọc vào bánh xe’ trong công cuộc độc chiếm Biển Đông của họ. Hai bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Raksha Mantri Rajnath Singh và Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đã cùng nhau ký kết hỗ trợ hậu cần, đây mới là điều mà quân đội Việt Nam mong đợi một khi nổ ra chiến tranh, ít ra Việt Nam sẽ có nguồn cung dồi dào ngoài nguồn cung là Nga như tôi sẽ trình bày cụ thể tiếp theo sau và các nước Đông Âu thuộc khối Liên Xô cũ mà một số lớn, nay đã ngả theo Trung Quốc như là Nga với ‘mồi câu’ về mặt kinh tế, thương mại, v.v…

Tôi cho rằng, giữa Trung Quốc và Ấn Độ thường xuyên có căng thẳng về biên giới, nay nếu Ấn Độ có thêm một đồng minh có cùng tầm nhìn là Việt Nam về việc ngăn cản sự phát triển hung hăng của Trung Quốc thì qua đó, Việt Nam đã gián tiếp đến gần hơn với Mỹ và các đồng minh, đối tác của Mỹ. Một bước đi chiến lược khá khôn khéo của cả hai nước.

Còn về quan hệ song phương Ấn Độ - Việt Nam đặc biệt trên phương diện hợp tác quân sự, quốc phòng, và hàng hóa, công nghệ quân sự, quốc phòng, theo chỗ tôi biết Việt Nam từ rất lâu, nhưng gần nhất từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt những quan hệ tốt với Ấn Độ, nơi mà Việt Nam đã trông cậy trong việc đào tạo ba thủy thủ đoàn khi đặt mua sáu chiếc tàu ngầm kilo của Nga năm 2012.

Quan hệ với Ấn Độ ấm dần theo thời gian cả về kinh tế lẫn quốc phòng nhất là sau khi mua đợt III một loạt các SU-30 MK2, đó là phiên bản có cải biến do Ấn Độ thực hiện, thay vì chọn phiên bản 100% do Nga sản xuất. Không quân Việt Nam đã sở hữu 36 chiếc Su-30MK/MK2, biên chế thành ba trung đoàn, bố trí tại những vị trí trọng yếu để bảo vệ vùng trời và biển.

RFA : Theo ông, mối quan hệ hợp tác này đang đem lại lợi ích gì nổi bật cho cả hai phía, tới nay và thời gian tới đây ?

Thành Đỗ : Vào một thời điểm khoảng năm 2015, giới quan sát nghe tin Việt Nam muốn đặt mua hỏa tiễn siêu thanh Brahmos của Ấn Độ, nhưng sau đó, đơn đặt hàng này chìm lắng xuống trong mấy năm liền trước khi thấy trở lại trên mặt báo vào năm nay. Cả hai Việt và Ấn đều dùng những linh kiện phối hợp điều khiển vũ khí theo tiêu chuẩn Nga, chính vì thế bên bán và bên mua, hơn bao giờ hết cần nhau.

Ấn Độ phát triển Brahmos cho quân đội Ấn nhưng họ cũng tìm mọi cách chen chân vào thị trường vũ khí tiêu chuẩn Nga và Việt Nam là thị trường lý tưởng. Còn vì sao lại có sự 'chìm lắng' đơn đặt hàng trong mấy năm liền đó, thì thật ra, Brahmos, ban đầu là một nghiên cứu chung giữa Nga và Ấn Độ, có nhiều trục trặc, mà nguyên nhân còn cần phải được làm rõ thêm, giữa sự hợp tác này khiến đình trệ lịch trình sản xuất. Tôi cho rằng đó chính là lý do chính khiến nhiều khách hàng trong đó có Việt Nam đã phải chờ đợi thêm gần 10 năm, tính từ ngày trình làng Brahmos lần đầu năm 2007 ở St Petersburg, Nga.

Dường như sau đó Brahmos đã trở thành sản phẩm 100% Ấn, cả về mặt hệ thống điều khiển dẫn dẫn đường, thế nhưng họ vẫn theo hệ thống chính quy của Nga để kết nối về mặt công nghệ với những gì mà quân đội Ấn Độ đang sử dụng. Sự trùng hợp không nhỏ giữa các thiết bị điện tử giữa quân đội Ấn Độ và Việt Nam khiến Việt Nam là nước chờ đợi sự ra đời của Brahmos không kém gì quân đội Ấn Độ, theo tôi.  

Và cũng nên nhắc lại rằng BrahMos là loại tên lửa hành trình siêu thanh ứng dụng công nghệ tàng hình mà có thể phóng từ tàu, tàu ngầm, máy bay hay các trạm phóng lưu động trên mặt đất, điều này sẽ rất hữu hiệu cho việc phòng thủ bờ biển như với Việt Nam hay Indonesia, một khách hàng tầm cỡ khác của BrahMos Corp (Ấn Độ). Cũng xin chia sẻ thêm rằng chắc chắn là Brahmos có nhiều khách hàng khác nữa mà vì sự kín đáo của các bên mua - bán, công chúng chưa thể có thông tin, dữ liệu công khai hơn vào lúc này.

"Trung Quốc với chiến lược ‘sói lang’, Nga tìm đạn dược từ Việt Nam"

RFA : Trung Quốc có thể nghĩ gì khi Việt Nam mua các vũ khí đó của Ấn Độ như đợt vũ khí sắp mua này và việc nhận ‘quà tặng’ là tàu hộ vệ mang tên lửa của Ấn Độ ? Về phía Ấn Độ, nước này gửi tín hiệu gì khi mà bán vũ khí cho Việt Nam và một số nước ở trong khu vực (Châu Á, Đông Nam Á...) mà có thể ở không xa Trung Quốc lắm ?

Thành Đỗ : Trung Quốc thừa biết là chiến lược sói lang của họ trên Biển Đông, bắt đầu bằng việc bồi đắp bảy căn cứ lớn ở Trường Sa, trang bị những hệ thống phòng không quy mô và cả việc họ nhiều lần tuyên bố sẽ thành lập vùng nhận diện ADIZ trên Biển Đông (la Zone d'Identification de Défense Aérienne) khiến các nước nhỏ hơn trong vùng quan ngại và tìm cách trang bị cho quân đội nước họ những phương tiện răn đe hoặc phòng thủ cho trường hợp vùng biển của họ bị xâm lấn ngang ngược như Trung Quốc đã và đang làm trên Biển Đông. Một lần nữa câu nói kinh điển trong tiếng La-tinh : "Si vis pacem, para bellum" tức là "cư an, tư nguy" hay có thể tạm dịch rằng "nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh", dường như đang được các quốc gia này áp dụng triệt để như một triết lý quốc phòng.

RFA : Nga chắc cũng theo dõi các thương vụ bán, xuất khẩu vũ khí này của Ấn Độ, như cho Việt Nam chẳng hạn, Nga nghĩ gì về việc đó, thưa ông ?

Thành Đỗ : Cuộc chiến tại Ukraine từ hơn một năm qua ít nhiều gì cũng khiến Nga bị cô lập trên trường quốc tế với hầu hết các nước phương Tây. Mới đây thôi, Tổng thống Pháp ông Emmanuel Macron còn cho rằng Nga đang từng bước trở thành chư hầu của Trung Quốc.  

Tôi cho rằng chuyến thăm vừa qua đến Việt Nam của ông Dmitry Medvedev, Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, cựu Thủ tướng và cựu Tổng thống của nước này, có thể còn có mục đích đi tìm thêm nguồn cung cấp đạn pháo cho chiến trường Ukraine mà Nga đang cạn dần kho dự trữ với nhu cầu hỏa lực từ 5.000 đến 8.000 viên đạn mỗi ngày.  

Sẽ rất khó đoán trước là Việt Nam có thể từ chối trước một yêu cầu như thế của phía Nga với một lý do dễ hiểu là số đạn dược đó, thường được chi trả trong nhiều năm và đến nay, Việt Nam vẫn chưa thể trả dứt điểm những gì đang nằm trong kho dự trữ của quân đội Việt Nam.

‘Vũ khí Ấn Độ rẻ, lại không có đòi hỏi kèm về nhân quyền’

RFA : Việt Nam có thể hưởng lợi cụ thể gì từ mua sắm vũ khí của Ấn Độ ? Điểm mạnh, yếu của vũ khí Ấn Độ thế nào, so với vũ khí, khí tài hay công nghệ quân sự, quốc phòng tương tự trên thị trường ?

Thành Đỗ : Đối với Việt Nam, Ấn Độ, một quốc gia "trung lập" đáng tin cậy, một người anh, một người bạn tốt vì nhiều lý do dễ hiểu như việc cả hai nước đều không lệ thuộc vào một trong hai khối tư bản hay cộng sản chủ nghĩa. Cái lợi lớn nhất cho phía Việt Nam theo tôi là phát triển hợp tác kinh tế/quốc phòng như thế với Ấn Độ và các đối tác, bè bạn, Việt Nam sẽ bớt bị Trung Quốc chèn ép về nhiều mặt… Ngoài ra, ‘đi với’ Ấn Độ, tức là quan hệ, hợp tác tốt với Ấn Độ, Việt Nam sẽ tiếp thu nhiều kinh nghiệm quý báu trên con đường đi dần đến độc lập về vũ khí quốc phòng.  

Nói thẳng là vũ khí Ấn Độ khó so sánh với những gì được phương Tây giới thiệu, nhưng chắc chắn là sẽ "bon marché" tức là rẻ về mặt giá cả, trong khi các điều kiện đi kèm ở những chỗ khác mà có thể thường gây khó chịu cho chính quyền Việt Nam như về nhân quyền, các biện pháp chống biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường mà Việt Nam cho là ‘khắt khe’, hay những chỉ trích về tự do tôn giáo và cả về tự do báo chí, v.v…, cũng không được Ấn Độ đặt ra kèm.

RFA : Tính khả thi tích hợp vũ khí, khí tài theo công nghệ quốc phòng của Ấn Độ vào hệ thống đang có của Việt Nam ra sao, theo ông ?

Thành Đỗ : Chúng ta có thể dùng hai từ " phòng thủ" để đánh giá kho vũ khí quốc phòng Việt Nam cho đến ngày nay và hơn 80% trong số đó là mua của Nga, hay của Ukraine, rồi Belarus. Riêng Ấn Độ thì nay họ đã thành công lớn trong công cuộc "vượt qua khỏi lằn ranh phòng thủ" sau nhiều tranh chấp lâu năm tại biên giới phía bắc với Trung Quốc và người anh em Pakistan.

Ấn Độ đã tìm cách bắt kịp hoặc vượt qua Trung Quốc trên một số điểm, họ dựa vào những chuyển giao công nghệ với phương Tây để có thể ‘so găng’ hay cạnh tranh với những tiến bộ về quốc phòng của Trung Quốc.

Đến nay, kho thiết bị có nguồn gốc Nga của họ đúng là vẫn hữu dụng, trước khi được thay thế bởi những công nghệ mới, tự sản xuất hay mua của phương Tây và họ sẽ từng bước chuyển nhượng, viện trợ với giá hời đến các nước nhỏ hơn, như Việt Nam trong số đó.

RFA : Giả định trường hợp có xung đột xảy ra trên Biển Đông, hoặc trên đất liền đối với Việt Nam, kho vũ khí hiện nay của Việt Nam đảm bảo khả năng phòng vệ thế nào, thưa ông ?

Thành Đỗ : Truớc đây, quân đội Việt Nam từng làm cho thế giới nể mặt về tinh thần và khả năng chiến đấu bền bỉ trong điều kiện gần như con số không ở trên đất liền, nhưng ngày nay, chúng ta đang chứng kiến những thay đổi lớn trong chiến tranh quy ước, như cuộc chiến đang xảy ra giữa Nga và Ukraine. Theo chiều hướng này, nếu có chiến tranh trên đất liền và trên biển, theo tôi Việt Nam sẽ nhanh chóng mất quyền kiểm soát bầu trời và chịu đựng những tấn công từ biển vào, từ trên không và cả hỏa tiễn tầm xa.  

Một kịch bản là Việt Nam có thể sẽ nhanh chóng trở về lại với chiến tranh du kích hoặc chiến tranh hao mòn của những năm xưa. Nhưng về biển, chắc chắn sẽ hoàn toàn mất các quyền tài phán, quyền khai thác các tài nguyên trên vùng biển truyền thống của Việt Nam. Một bài toán quá khó giải cho nhà cầm quyền Việt Nam và hình như họ nay cũng không chịu thấy là người dân Việt không còn muốn đất nước tiếp tục lệ thuộc vào Trung Quốc.

Còn trở lại với chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang của Việt Nam tại Ấn Độ và quan sát quan hệ song phương trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôi xin nói thêm rằng đây là bước đầu đáng ghi nhận với việc Ấn tặng cho Việt Nam một món quà khá ấn tượng để đánh dấu quan hệ hợp tác song phương tốt đẹp.  

Món quà kế tiếp theo tôi là việc Ấn Độ bán cho Việt Nam những giàn Brahmos, khắc tinh của các chiến hạm trên biển, giá cả mua bán theo tôi vẫn là chuyện nhỏ vì nếu Việt Nam không mua Brahmos của Ấn, mà mua Exocet của Pháp thì giá sẽ còn đắt hơn nhiều và chắc chắn sẽ khó có được một hợp đồng về hỗ trợ hậu cần... Hơn nữa, theo thói quen, Việt Nam vẫn ưa thích những công nghệ, kỹ thuật điện tử có nền tảng Liên Xô của Ấn Độ hơn.  

Cuối cùng, theo tôi tiếp tục đẩy nhanh hơn các hợp tác liên quan về việc sử dụng các vệ tinh (satellites) của quân đội Ấn trong vùng sẽ giúp Việt Nam bảo vệ tốt hơn vùng trời và biển đảo của mình.

Về lãnh vực tạo thêm các khả năng bảo vệ vùng trời, tôi nghĩ rằng Việt Nam không thể chỉ trông cậy vào 36 chiếc Su-30 MK2 và các chiếc MiG cũ kỹ khác mà hãy mạnh dạn đặt vấn đề với Cộng hòa Pháp về việc tạo ra một phi đội Rafale F4 chừng 10 chiếc thôi như chính Ấn Độ cũng đã mua 36 chiếc. Còn về chiến lược, sách lược, con đường mà Ấn Độ đang đi, theo tôi Việt Nam nên tham khảo và theo bước.  

Các máy bay Nga với Trung Quốc không còn lạ nữa, Trung Quốc có thể khắc chế dễ dàng như những gì đã thấy qua việc một Su-30 của Việt Nam rớt ở gần đảo Bạch Long Vĩ và rớt cả máy bay cứu hộ, cả hai, trong con mắt một nhà công nghệ quốc phòng và quân sự như tôi, đều có thể đã bị khắc chế điện tử mà rớt. Tôi hy vọng Việt Nam nên đừng chống chế, ngụy biện về nguyên nhân, mà hãy can đảm nhìn thẳng vào sự thật đó và chỉ khi nào Việt Nam đủ mạnh về quân sự mới có thể tránh được chiến tranh.

RFA : Xin cảm ơn Kỹ sư, nhà quan sát Thành Đỗ từ Paris đã trả lời cuộc phỏng vấn.

------------------------------

Trên đây là cuộc trao đổi của RFA tiếng Việt với ông Thành Đỗ, nhà quan sát an ninh, quốc phòng quốc tế, khu vực, đồng thời là một chuyên gia công nghệ, từng có 15 năm kinh nghiệm làm việc trên cương vị kỹ sư, công nghệ gia cho công ty SAGEM - một trong bốn công ty lớn nhất chuyên cung cấp vũ khí trong mảng điện tử và thông tin cho Bộ Quốc phòng Pháp.

Trong một diễn biến có liên quan quan hệ song phương Ấn Độ - Việt Nam, báo Ấn Độ hôm 19/6/2023 cho biết mới đây Thứ trưởng Ngoại giao Saurabh Kumar và Phó Chủ tịch Ủy ban Biên giới Chính phủ Việt Nam Trịnh Đức Hải đã có một cuộc gặp gỡ, thảo luận với một số nội dung quan trọng :

"Thứ trưởng Saurabh Kumar đã gặp Phó Chủ tịch Trịnh Đức Hải của Ủy ban Biên giới Chính phủ Việt Nam hôm nay… thảo luận các cách thức để tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, bao gồm lĩnh vực quốc phòng, an ninh và hợp tác hàng hải", người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi trong một thông điệp trên Twitter, được tờ báo The Indian Express hôm thứ Hai dẫn lời cho hay.

Còn như một bản tin RFA tiếng Việt đã đưa hôm 19/6, Việt Nam lên kế hoạch đàm phán mua tên lửa BrahMos của Ấn Độ diễn ra từ năm 2017 ; tuy nhiên kế hoạch này bị kéo dài do vấn đề khung giá cả.

Trước đó, vào năm 2016, Ấn Độ đề nghị cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng quốc phòng 500 triệu USD để mua vũ khí, trong đó có các tàu tuần tra và thiết bị chống ngầm hiện đại tân trang cho hai tàu tuần tra cũ Project 159 SKR-1.

Năm ngoái, từ ngày 7-10/6/2022, Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã thăm chính thức Việt Nam nhân dịp hai bên đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong dịp đó hai bên đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng song phương đến năm 2030. Ngoài ra, hai nước còn ký kết một bản Thỏa thuận Ghi nhớ (MoU) về hỗ trợ hậu cần quân sự, một thỏa thuận được cho là đầu tiên thuộc dạng này của Việt Nam, vốn cho phép quân đội hai nước sử dụng các căn cứ của nhau để sửa chữa và tiếp tế.  

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 20/06/2023

Published in Diễn đàn

Kịch bản tồi tệ nhất là đối đầu vũ trang ?

Anh Tú, VNTB, 12/05/2020

"Kịch bản tồi tệ nhất của cuộc đối đầu vũ trang" được nêu bật trong báo cáo của Bộ an ninh Trung Quốc gửi đến ông Chủ tịch Tập Cận Bình.

hunghang4

Tranh cãi thời Chiến tranh Lạnh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có nguy cơ đóng băng quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn trên thế giới, gây ra nguy cơ xung đột quân sự.

Trong ba tháng qua, các tranh chấp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đóng băng bầu không khí ngoại giao hai bên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Thậm chí còn có lo ngại trong chính quyền của Tập Cận Bình rằng liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo sẽ thách thức quyền cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc. Một nghiên cứu nội bộ của Bộ An ninh Nhà nước, được trích dẫn bởi Reuters, cảnh báo Trung Quốc phải chuẩn bị cho "kịch bản tồi tệ nhất về cuộc đối đầu vũ trang".

"Báo cáo, được trình bày vào đầu tháng trước cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, kết luận rằng xu hướng chống Trung Quốc toàn cầu đang ở mức cao nhất kể từ khi xóa Quảng trường Thiên An Môn năm 1989", Reuters đưa tin hôm thứ Hai (4/5).

"Do đó, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với làn sóng chống Trung Quốc do Hoa Kỳ dẫn đầu sau đại dịch virus corona và cần chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất cho cuộc đối đầu vũ trang giữa hai nước", báo cáo cho biết.

Cho đến nay, hơn 3,6 triệu người đã bị nhiễm loại corona mới này trên toàn cầu với số người chết là 252.000. Tại Hoa Kỳ, hơn 1,2 triệu người đã bị nhiễm gần 70.000 ca tử vong.

Số liệu chính thức của Trung Quốc rất nhỏ khi so sánh với số liệu của Mỹ. Tính đến ngày 4 tháng 5, số ca mắc bệnh là 82.881 người với 4.633 người chết trong dân số 1,39 tỷ người. Ngoài tâm chấn ban đầu của Covid-19 tại thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc, chỉ khoảng 15.000 trường hợp nhiễm bệnh.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đưa ra các cáo buộc tại Trung Quốc.

Tuần trước, Trump tuyên bố ông đã nhìn thấy bằng chứng khiến ông "rất tin tưởng" rằng Covid-19 đến từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, một cáo buộc mà Trung Quốc đã kiên quyết bác bỏ.

Trước đó, ông Pompeo đã cáo buộc Trung Quốc gây ra "một số lượng tổn thất lớn" và "tử vong" vì đã che đậy sự lây lan ban đầu của virus corona.

"Tôi vẫn lo lắng rằng có những điều chúng ta không biết, "ông nói tháng trước, được trích dẫn bởi Asia Times.

"Đây là một thách thức đang diễn ra trong đó Đảng cộng sản Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã không thực hiện được những việc thuộc trách nhiệm của họ khi có đại dịch", ông Pompeo nói thêm.

Một lần nữa, Trung Quốc phủ nhận tuyên bố đó.

Nhưng về mặt chính trị, đây là một cơn ác mộng trong quan hệ người dân đối với Đảng cộng sản Trung Quốc, mặc dù họ đã đưa ra cái gọi là "ngoại giao khẩu trang". Các cáo buộc về sự bất tài đã được dùng chống lại chính phủ Trung Quốc do sự chậm trễ trong phản ứng ban đầu đối với cuộc khủng hoảng. Cũng có báo cáo rằng virus đã được các quan chức ở Vũ Hán "che đậy" vào tháng 12.

"Với cái chết của Lý Văn Lượng, một bác sĩ bị chính quyền nhà nước khiển trách vì đã cảnh báo người khác về virus corona mới", Yuen Ang, từ Đại học Michigan, viết trong bài bình luận của mình cho Project Syndicate.

Vào thứ Hai (4/5), trọng tâm đã quay trở lại Hoa Kỳ khi Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Matthew Pottinger nói rõ, những nỗ lực của Trung Quốc để đàn áp những chỉ trích nội bộ sẽ gây tác dụng ngược.

Trong bài phát biểu bằng tiếng Quan thoại, ông đã nói chuyện trực tiếp với người dân Trung Quốc bằng cách gợi lên những ký ức về phong trào khởi nghĩa dân túy vào ngày 4 tháng 5 năm 1919 do sinh viên lãnh đạo sau Thế chiến 1.

"Khi những hành động nhỏ của lòng can đảm bị chính phủ loại bỏ, những hành động dũng cảm lớn hơn sẽ xuất hiện. Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ chủ nghĩa dân túy hơn là chủ nghĩa dân tộc" ông nói, theo bài viết của Asia Times.

"Với một số người, họ cần sự chấp thuận của nhiều người để cai trị. Khi một số người đặc quyền quá mức và trở nên ích kỷ, chủ nghĩa dân túy sẽ kéo họ trở lại hoặc ném họ xuống biển", ông nói thêm, những bình luận dường như được nhắm vào Đảng cộng sản Trung Quốc.

Bonnie Glaser, giám đốc Dự án quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, gọi đó là "bài phát biểu lạ thường nhất mà chúng tôi từng thấy" từ chính quyền Trump.

"Nếu là thành viên của Đảng cộng sản Trung Quốc, sẽ coi (tái hiện phong trào ngày 4 tháng 5) như một sự khích lệ để mọi người thách thức các bộ phận trong hệ thống chính trị của mình. Điều đó không phải lúc nào cũng có nghĩa là lật đổ các nhà lãnh đạo, nhưng nó chắc chắn khuyến khích sự phát triển của quần chúng", ông nói với The Guardian.

Bạn đã có thể cảm thấy gió chiến tranh lạnh quét qua các hành lang quyền lực ở Trung Quốc và Hoa Kỳ vào mùa hè này chưa ?

Anh Tú

Nguồn : VNTB, 12/05/2020

*******************

Trung Quốc cùng lúc gây gổ với Ấn Độ và Nhật Bản

Hải Yến, Thoibao.de, 12/05/2020

Không chỉ hung hăng trên Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục gây sự với hai quốc gia láng giềng khác là Ấn Độ và Nhật Bản.

hunghang1

Quân đội Ấn Độ hôm 10/5 cho biết một số binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã ẩu đả và ném đá vào nhau tại khu vực biên giới hẻo lánh giữa 2 nước gần Tây Tạng.

Theo AFP, quân đội Ấn Độ tiết lộ một số binh sĩ nước này đã có các vụ ẩu đả trong hai ngày 09-10/5 với các binh sĩ Trung Quốc ở khu vực hẻo lánh trên biên giới hai nước, tại vị trí chiến lược gần Tây Tạng.

Người phát ngôn Bộ Tư lệnh phía Đông của Ấn Độ, ông Mandeep Hooda nói : "Hành động hung hăng của cả hai bên khiến cho các binh sĩ bị thương nhẹ. Đó là tranh cãi từ việc ném đá dẫn tới ẩu đả".

Sự kiện diễn ra hôm 09/5 tại khu vực Naku La, gần cửa khẩu Nathu La, cao 4.572 mét ở bang Sikkim phía đông bắc Ấn Độ, khu vực tiếp giáp với cả Bhutan, Nepal và Trung Quốc.

Hơn 100 binh sĩ của Trung Quốc và Ấn Độ đã tham gia vụ đụng độ dọc biên giới hai nước và một số binh sĩ ở cả hai bên bị thương. Một sĩ quan quân đội Ấn Độ cho hay bảy lính Trung Quốc và bốn lính Ấn Độ bị thương.

Sự việc sau đó đã được giải quyết bằng "đối thoại và tương tác" ở cấp địa phương, theo ông Hooda.

Ông Hooda nói thêm : "Cuộc đụng độ ngắn và bộc phát giữa các binh sĩ biên phòng diễn ra do ranh giới chưa được xác định".

Một vụ đụng độ khác giữa binh sĩ hai bên diễn ra sáng 10/5 tại Ladakh

New Indian Express đưa tin : "Người Trung Quốc đã động chạm với người Ấn Độ và các binh sĩ Ấn Độ đã can thiệp, dẫn tới ẩu đả".

Vụ việc diễn ra bên phía Ấn Độ gần thị trấn Nallah. Vụ việc đã được giải quyết nhưng binh lính cả hai bên vẫn đang hiện diện ở khu vực này.

Các nguồn tin khác cho biết binh sĩ Trung Quốc đã hung hăng hơn kể từ cuối tháng 4, và từng đỗ xe bên phía đường kiểm soát thực tế (LAC) của Ấn Độ hôm 27/4. Binh sĩ Ấn Độ đã trao đổi với lính biên phòng Trung Quốc và sự việc đã được giải quyết.

Một sĩ quan quân đội Ấn Độ cho biết hàng năm các hoạt động quân sự dọc theo đường LAC đều sẽ ngừng lại do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, và các tần suất va chạm giữa hai bên cũng giảm xuống trong vòng từ 6 đến 7 tháng.

Người này cũng nói rằng số lần phía Trung Quốc vượt qua đường LAC sang phần do Ấn Độ kiểm soát đã tăng lên trong thời gian gần đây, và có nhiều địa điểm diễn ra va chạm giữa hai bên.

Trung Quốc và Ấn Độ có những tranh cãi về đường biên giới chung kéo dài 3.400 km

hunghang2

Biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc

Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã kéo dài và đôi khi vẫn có các cuộc đụng độ nhỏ giữa binh sĩ hai nước. Hai quốc gia láng giềng đều sở hữu vũ khí hạt nhân và từng có cuộc chiến tranh ngắn vào năm 1962 để tranh giành lãnh thổ ở khu vực dãy Himalaya tại bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.

Sự kiện hôm 09/5 là lần đầu tiên binh sĩ hai nước đụng độ kể từ năm 2017, khi lính biên phòng hai bên cãi lộn ở khu vực tây bắc Ladakh.

Cùng năm đó, có một cuộc chạm trán khác diễn ra khi Ấn Độ gửi quân tới vùng Doklam của Bhutan để ngăn chặn Trung Quốc xây dựng một con đường ở đó.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với khoảng 90.000 km vuông ở khu vực – vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của New Delhi.

Tuy cả hai nước đều gửi quân tới tuần tra và các nhóm này thường xảy ra các đụng độ ở hình thức xô đẩy, va chạm thân thể, nhưng chưa có viên đạn nào được khai hỏa ở đường biên trong suốt bốn thập niên qua.

Trong đại dịch Covid-19, mối quan hệ của hai nước cũng có không ít sóng gió. Ngày 18/4, Ấn Độ đã thực hiện một thay đổi lớn trong chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nước này, bằng việc áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn để hạn chế các nước có chung đường biên giới thừa cơ thâu tóm các doanh nghiệp Ấn Độ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Đây được coi là động thái nhằm ngăn chặn các công ty Trung Quốc tận dụng cơ hội trong dịch Covid-19.

Tiếp đó, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, cơ quan hàng đầu đối phó với dịch Covid-19, hôm 27/4 cho biết đã lên kế hoạch trả lại bộ dụng cụ xét nghiệm được mua từ hai công ty Trung Quốc vì độ chính xác kém, theo Reuters.

Đại sứ quán Trung Quốc lập tức chỉ trích Ấn Độ về việc ngừng sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 được sản xuất bởi hai công ty là Guangzhou Wondfo Biotech và công ty Zhuhai Livzon Diagnostics của Trung Quốc vì vấn đề chất lượng, cho rằng điều này là không công bằng và vô trách nhiệm.

Trong một diễn biến khác, truyền thông Nhật Bản hôm 09/5/2020 cho biết : Lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản đã triển khai tàu tuần tra để cảnh cáo một nhóm tàu Hải cảnh Trung Quốc bị phát hiện đang truy đuổi một tàu đánh cá Nhật Bản ở vùng Biển Hoa Đông.

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết là bốn chiếc tàu Hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào khoảng 16 giờ ngày 08/5.

Trích tin từ hãng thông tấn Nhật Jiji Press, tờ báo Hồng Kông cho biết là khoảng 50 phút sau đó, hai chiếc tàu Trung Quốc bắt đầu đuổi theo một tàu cá Nhật Bản tại khu vực cách Uotsuri, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khoảng 12 km về phía tây nam.

Sau khi JCG điều động tàu tuần tra đến hiện trường, cảnh báo qua bộ đàm, các tàu Trung Quốc mới rời khỏi khu vực.

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, bốn chiếc tàu Trung Quốc đã ở trong khu vực này khoảng hai giờ đồng hồ.

Vào thời điểm xảy ra vụ truy đuổi, có ba thuyền viên trên tàu cá Nhật Bản và không ai bị thương, JCG xác nhận.

Một quan chức của JCG cho biết : "Chúng tôi không thể nghĩ rằng một vụ việc nguy hiểm đã xảy ra".

Trước đó, vào sáng 08/5, trên mạng xã hội Weibo, Cảnh sát biển Trung Quốc thông báo một đội tàu hải cảnh tuần tra quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

hunghang2

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vốn là điểm nóng trong tranh chấp lãnh thổ Nhật Bản – Trung Quốc kéo dài nhiều thập niên qua

Hôm 17/4, các tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đã xuất hiện quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Chính quyền Trung Quốc còn tìm cách khẳng định chủ quyền tại Senkaku/Điếu Ngư bằng cách áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè hàng năm ở biển Hoa Đông, bao gồm cả vùng biển quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Năm nay, lệnh cấm đánh bắt đơn phương của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/5 đến 16/8.

Quần đảo trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, do Nhật Bản kiểm soát trên thực tế với tên gọi Senkaku. Các hòn đảo không có người ở nhưng giàu tài nguyên cùng rạn san hô ở Biển Hoa Đông trở thành điểm nóng trong tranh chấp lãnh thổ Trung Quốc – Nhật Bản kéo dài nhiều thập niên qua, bất chấp mối quan hệ giữa hai bên dần được cải thiện trong những năm gần đây.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có hai chuyến thăm Trung Quốc kể từ năm 2018. Các quan chức hai bên đang chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhật Bản đã được lên kế hoạch vào tháng trước nhưng phải hoãn lại vì đại dịch Covid-19.

Sự việc hôm 08/5 đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2008, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiến vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để truy bắt tàu cá Nhật Bản.

Động thái này được cho là diễn ra ngay sau khi Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Hoa Đông, Biển Đông, Bột Hải và Hoàng Hải.

Năm 2012, sau khi Chính phủ Nhật Bản mua lại quần đảo này từ tư nhân, tần suất các vụ xâm nhập của tàu công vụ Trung Quốc tăng liên tục.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, Nhật đã ghi nhận tổng cộng 1.097 vụ xâm nhập vùng nước xung quanh Senkaku của tàu Trung Quốc, trong đó có 126 lần các tàu này tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh Senkaku. Theo báo Asahi của Nhật Bản, đây là tần suất cao thứ hai chỉ sau năm 2013.

Chưa dừng lại đó, Bắc Kinh cũng điều thêm các tàu hải cảnh cỡ lớn, thế hệ mới và một số tàu được hoán cải từ tàu chiến cũ đến Senkaku. Điểm đáng chú ý là lượng giãn nước của những tàu này luôn lớn hơn tàu Nhật Bản gấp đôi, có khi gấp ba.

Liên tục xâm nhập, Trung Quốc chỉ sử dụng tàu hải cảnh. Hải quân Trung Quốc hầu như không can dự các hoạt động ở Senkaku, cá biệt chỉ có năm 2016 một tàu chiến Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải.

Giới quan sát nhận xét mục đích của Trung Quốc chủ yếu để quấy rối, tạo sự bình thường mới và tuyên bố Nhật Bản không có năng lực quản lý nếu không cử tàu ra ngăn cản.

Theo nhà nghiên cứu Adam P. Liff thuộc Đại học Indiana (Mỹ), Bắc Kinh đã cố gắng tránh tạo cớ để Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản can thiệp bởi họ hiểu đằng sau đó có thể là hải quân Mỹ.

Sự thận trọng này được nâng lên vào năm 2014, sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama rằng Washington sẽ đứng về phía Tokyo và bảo vệ Senkaku là một nghĩa vụ trong Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật.

Về phía Nhật Bản, theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, Nhật Bản đã hoàn tất việc bố phòng cho Senkaku với các căn cứ của tuần duyên và Lực lượng phòng vệ biển trải dài từ đảo Yonaguni tới Amamioshima.

Các hòn đảo nằm trong chuỗi này vừa là căn cứ hậu cần cho các tàu tuần duyên chuyên tuần tra Senkaku vừa là "tai mắt" phát hiện các hoạt động của máy bay, tàu chiến và tàu công vụ Trung Quốc trong khu vực.

Trong bài viết trên Trung tâm An ninh hàng hải quốc tế hồi tháng 4 rồi, chuyên gia Michael Perry cho biết Trung Quốc không dám sử dụng tàu hải cảnh quấy rối và bắt giữ ngư dân Nhật như đã làm trên Biển Đông bởi Tokyo sở hữu sức mạnh tuần duyên tương đương với Trung Quốc.

Trước sự xuất hiện của lực lượng dân quân biển Trung Quốc, Nhật Bản đã quyết định thành lập lực lượng cảnh sát tuần tra đảo trực chiến Senkaku. Nhiệm vụ của lực lượng này là phá vỡ kịch bản các tàu cá ngụy trang của Trung Quốc có thể bất ngờ tiếp cận và đổ bộ các toán vũ trang lên Senkaku hòng tạo sự đã rồi.

Với ngân sách năm đầu tiên khoảng 66 triệu USD, lực lượng này sẽ được trang bị các máy bay trực thăng cỡ lớn cho phép triển khai quân nhanh chóng tới những địa điểm nghi ngờ có đổ bộ bất hợp pháp.

Là một đất nước rộng lớn có chung biên giới với nhiều quốc gia. Nhưng cho đến những ngày đây, Trung Quốc dường như gây hấn ở khắp nơi từ Biển Đông, Biển Hoa Đông nay lại là biên giới với Ấn Độ trong khi đó biên giới với Nga cũng chưa yên ổn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đây cũng có thể là dấu hiệu của một đại cường đang quằn quại trước thời điểm sụp đổ, bởi đủ thứ áp lực dồn lên từ các vụ điều tra nguồn gốc của virus, các vụ kiện đòi chịu trách nhiệm về sự bùng phát của đại dịch trên toàn cầu, làn sóng bài Trung lan ra khắp năm châu, cho đến sự lục đục trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc, sự đánh mất tính chính danh của Đảng trong đại dịch và ngọn lửa chống đối trong dân chúng đang được thổi bùng sau ba thập kỷ, kể từ sự kiện nhà cầm quyền Bắc Kinh gây ra vụ thảm sát dã man người dân nước này tại quảng trường Thiên An Môn.

Hải Yến

Nguồn : Thoibao.de, 12/05/2020

**********************

ASEAN lúng túng trong tranh chấp Biển Đông

Kazi Mahmood, VNTB, 12/05/2020

Vào buổi trưa tháng 4, tại khu vực cao độ của West Capella trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, tàu khoan Petronas đã bị tàu khảo sát Trung Quốc, Hải Dương 8 quấy rối.

200428-N-ED929-1002

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry, (DDG 52) đang tiến hành các hoạt động ở Biển Đông gần đây -AFP

Để thể hiện sức mạnh siêu cường hàng hải, Mỹ đã điều tàu tấn công đổ bộ USS America cùng tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đến Biển Đông, thách thức Trung Quốc.

Theo dữ liệu từ Marine Traffic, một trang web theo dõi tàu, "Hải Dương 8" đã vào vùng biển gần Malaysia vào ngày 18 tháng Tư. Cảm giác tạo ra một "cuộc xâm lược" từ Trung Quốc vì Hải Dương 8 dẫn dắt một hạm đội theo.

Nhóm tàu Trung Quốc đã tiếp cận West Capella và ý định ngăn cản Malaysia thăm dò và khai thác dầu khí.

Các nhà quan sát nhìn nhận, Mỹ sẽ không đơn độc trong việc hỗ trợ người Malaysia. Tàu chiến Mỹ ở đó để hỗ trợ các quốc gia yêu sách khác trong khu vực. Việt Nam, Philippines, Indonesia, và có lẽ cả Brunei, gần đây đã gặp phải vấn đề với tàu tuần tra hoặc tàu chiến Trung Quốc, và các nhóm tàu ​​đánh cá Trung Quốc được coi là lực lượng dân quân biển Trung Quốc.

Nhưng đối với nhiều người, họ không hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ vì nó đã làm tăng căng thẳng trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Trong khi một số thành viên của ASEAN muốn người Mỹ hiện diện tại Biển Đông. Hải Dương 8 đi cùng với tàu hải cảnh và tàu đánh cá mà các nhà phân tích cho rằng đây là một phần của lực lượng dân quân biển của Trung Quốc.

Không có nghi ngờ rằng Trung Quốc rất tích cực trong vùng biển mà họ coi là lãnh thổ của mình, bỏ qua luật pháp quốc tế trong khi trốn tránh sự toàn vẹn lãnh thổ của các bên yêu sách khác.

Kể từ khi có phán quyết của tòa trọng tài về Trung Quốc năm 2016, Bắc Kinh đã không ngần ngại trong các hành động của mình ở Biển Đông, tấn công các tàu cá Việt Nam, gây sốc cho người Indonesia, làm dấy lên mối lo ngại của Manila và đánh dấu tàu thăm dò dầu khí Malaysia.

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố vào ngày 28 tháng 4 rằng họ đã trục xuất tàu khu trục Barry (DDG-52) ra khỏi quần đảo Hoàng Sa. Các quan chức quân đội Trung Quốc gọi sự hiện diện của Mỹ trong khu vực này là một hành động khiêu khích vi phạm chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng cáo buộc Mỹ cố tình tạo ra căng thẳng trong Biển Đông và gây ra những rủi ro an ninh khu vực có thể gây ra những sự cố bất ngờ.

Sự chia rẽ của ASEAN đã có tác động tiêu cực đến cuộc xung đột với Trung Quốc

Từ năm 2012 đến 2016, đã có những vết nứt trong ASEAN và Campuchia liên quan đến chặn dự thảo nghị quyết cuối cùng về cuộc xung đột ở Biển Đông.

Trong bối cảnh ASEAN, sự đồng thuận có nghĩa là nếu một trong 10 quốc gia thành viên phản đối đề xuất hoặc ý tưởng, bất kỳ kết quả nào đưa ra cũng sẽ thất bại.

Trong mười năm, ASEAN đã không đạt được sự đồng thuận về cách tiếp cận Trung Quốc trên biển.

Trung Quốc đã tự áp đặt và dần dần chinh phục nhiều không gian trong vùng biển hơn, chủ yếu là do sự khác biệt giữa các thành viên ASEAN.

Để giải quyết xung đột với Trung Quốc, ASEAN phải quyết định có nên từ bỏ sự đồng thuận trong cuộc khủng hoảng rất hỗn loạn và lớn này hay phải nhượng bộ Trung Quốc.

ASEAN nên bắt đầu chú ý đến các công cụ giải quyết xung đột vĩnh viễn được cả Bắc Kinh và Washington chấp nhận.

ASEAN nên ngừng là một thực thể dư thừa. Nếu Trung Quốc hoặc Mỹ trở nên hung hăng hơn, họ sẽ không thể tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột có thể nổ ra.

Kazi Mahmood 

Nguyên tác : Asean floundering in sea dispute, New Straits Times, 10/05/2020

Diễm My dịch

Nguồn : VNTB, 12/05/2020

Published in Diễn đàn