Theo các dữ liệu dự báo, ngân sách quốc phòng Nhật Bản năm 2019, bắt đầu từ tháng Tư, sẽ đạt kỷ lục 47 tỉ đôla. Theo Tokyo, do những thách thức mới trong khu vực về an ninh, quân đội Nhật cần được tăng cường vũ khí và trang thiết bị. Căng thẳng với Bắc Triều Tiên và tham vọng bành trướng quân sự của Trung Quốc là hai nguyên nhân chính làm cho Nhật Bản phải xây dựng một sức mạnh độc lập.
Khu trục hạm Nhật Bản Myoko (trái) và Kongo đang rời căn cứ Sasebo, miền nam Nhật Bản. Ảnh chụp 06/12/2012. ReutersS/Kyodo
Cũng như Thiên hoàng Akihito vừa thoái vị và 53% dân Nhật, tân vương Naruhito là một nhân vật chủ hòa. Tuy nhiên, mục tiêu phục hồi vai trò cường quốc quân sự của Nhật sẽ được đảng cánh hữu Tự Do Dân Chủ thực hiện đến cùng.
Các mối đe dọa an ninh hư thực ra sao ? Đồng minh Hoa Kỳ còn đáng tin cậy ? Vì sao quân đội Nhật cần lực lượng can thiệp xa ? Với những vũ khí gì và có bị Hiến Pháp cản trở hay không ?
Trong bài phân tích "Nước Nhật đang tái võ trang ?", chuyên gia địa chính trị của nhật báo Pháp Le Figaro, Alain Barluet và Marianne Peron-Doise, chuyên gia Pháp về Bắc Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Đại học Quân sự Paris (Iserm) phân tích các vấn đề nêu trên trong bối cảnh triều đại mới Lệnh Hòa mở ra tại quốc đảo Phù Tang.
Trước hết, đâu là các mối đe dọa cho nền an ninh Nhật Bản ?
Nước Nhật đang đối đầu với những nguy cơ đe dọa an ninh ngày càng tăng và có vẻ bị đơn độc trước một chế độ tại Trung Quốc ngày càng hung hăng, nắm trong tay các phương tiện quân sự vô giới hạn phục vụ cho mục tiêu bành trướng.
Trên biển là tình trạng căng thẳng ở Biển Hoa Đông chung quanh đảo Senkaku/Điếu Ngư, do Nhật Bản quản lý, nhưng Trung Quốc tranh giành. Trên không, máy bay quân sự Trung Quốc thường xuyên áp sát khiến cho chiến đấu cơ Nhật Bản hàng trăm lần xuất kích dự phòng mọi bất trắc. Mối đe dọa của tên lửa Bắc Triều Tiên vẫn thường trực cho dù Bình Nhưỡng mở ra nhiều cuộc đàm phán với Mỹ.
Cuối cùng, tranh chấp với Nga ở quần đảo Kuril mà Nhật gọi là Lãnh Thổ Phương Bắc, bị Hồng quân Liên Xô chiếm đóng vào năm 1945, vẫn chưa được giải quyết. Nhật Bản, trên lý thuyết, vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh với láng giềng khổng lồ này. Quần đảo Kuril nằm án ngữ lối vào biển Okhotsk, vùng hoạt động chiến lược của hải quân Nga. Từ năm 2016, Nga bố trí thêm tên lửa chống hạm.
Trong bối cảnh này và cộng với sự thúc đẩy của thủ tướng Shinzo Abe, cầm quyền từ năm 2012, Nhật Bản tăng cường đáng kể "Lực Lượng Tự Vệ", trên thực tế là một trong những quân đội quy ước hàng đầu ở châu Á. Nhật Bản hiện nay là một cường quốc quân sự hoàn toàn không mặc cảm thể hiện khả năng hành quân rất năng động. Nước Nhật đã vượt qua giai đoạn phòng thủ đơn thuần, đã trở thành một cường quốc quân sự sẵn sàng đối phó với mọi tình huống và cũng rất thực tế biết người biết ta.
Trong bối cảnh Nhật Bản lâm vào cảnh ba bề thọ địch, đồng minh Hoa Kỳ có còn đáng tin cậy nữa không ?
"Ô dù nguyên tử" của Mỹ vẫn được bố trí bảo vệ nước Nhật. Nhưng nước Mỹ của Donald Trump nay bị xem là một đồng minh không biết đâu mà lường và còn yêu sách này nọ buộc nước Nhật phải chia sẻ gánh nặng về an ninh. Không những Washington yêu cầu Tokyo tham gia đóng góp chi phí cho các căn cứ Mỹ tại quần đảo Phù Tang mà còn đòi quân đội Nhật phải mua thêm vũ khí của Mỹ. Ngân sách quốc phòng 2019 cũng phải chi cho việc thiết lập hệ thống phòng không chận tên lửa Aegis trên bộ và trang bị 10 chiến đấu cơ F-35A. Nhật Bản đã mua 45 chiếc F-35A và đặt mua thêm 100 chiếc nữa trong khuôn khổ kế hoạch 5 năm. Hội nghị giữa Donald Trump và Kim Jong-un đặt nước Nhật qua bên lề ván cờ Đông Bắc Á đến mức làm người Nhật hoài nghi điều được gọi là "tình đồng minh vững chắc Mỹ-Nhật".
Tuy nhiên, Shinzo Abe phản ứng rất thực tế, vừa thắt chặt quan hệ cá nhân với Donald Trump, vừa năng động xoay chuyển thời thế không để cho Nhật Bản bị cô đơn với sáng kiến xây dựng một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương "tự do và mở rộng". Một cách khôn ngoan, "Nhật Bản dựa vào Hoa Kỳ để bảo vệ an ninh cho mình và cùng lúc có điều kiện góp phần bảo vệ an ninh cho nước Mỹ", theo chuyên gia Marianne Peron-Doise.
Tại sao quân đội Nhật, với tên gọi "lực lượng tự vệ" rất hùng hậu, lại phải thành lập lực lượng can thiệp xa ? Cụ thể ra sao ?
Một trong những sự kiện cụ thể và ngoạn mục về khả năng tác chiến xa là Nhật Bản nâng cấp hai khu trục hạm thành hàng không mẫu hạm nhưng không nói thẳng ra. Bãi đáp trực thăng trên khu trục hạm Izumo và Kaga được cải tiến biến thành phi đạo để đón chiến đấu cơ F-35B "lên thẳng". Với chiến đấu cơ thế hệ thứ năm, Nhật Bản có đầy đủ khả năng tấn công. Chính thức, Nhật không gọi Izumo và Kaga là hàng không mẫu hạm mà chỉ xem là "hộ tống hạm" để tránh làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực và bị tố cáo phục hồi "tham vọng bành trướng đế quốc".
Trên thực tế, với F-35B và hai tàu sân bay Izumo và Kaga, khả năng quân sự của Nhật thay đổi từ thế phòng vệ sang thế tấn công và cho phép Tokyo tăng cường sức mạnh răn đe đối với những hành động khiêu khích của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Mặc khác, ngày 27/03/2019, bộ binh Nhật Bản thành lập một lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Với 2.000 quân (sẽ lên 3.000 trong tương lai) đơn vị đổ bộ này có nhiệm vụ đa dạng từ cứu hộ nạn nhân thiên tai cho đến bảo vệ lãnh thổ. Thận trọng, Tokyo giải thích lữ đoàn đặc nhiệm này không có hoạt động tấn công nhưng có thể được huy động để "tái chiếm một hải đảo bị kẻ thù đánh chiếm".
Một trong những ám ảnh của Nhật là trường hợp xảy ra khủng hoảng giữa Hoa lục và Đài Loan. Sau khi đã thành lập hai căn cứ quân sự, Nhật Bản dự kiến lập thêm căn cứ thứ ba trong quần đảo Ryukyu, cực nam đảo Okinawa và gần Đài Loan nhất để đề phòng mọi tình huống.
Với nhiệm vụ "phòng thủ", vì sao quân Nhật lại cần tăng cường khả năng tấn công và với những phương tiện nào ?
Nhật Bản không có quyền tích trữ vũ khí tấn công nhưng trên thực tế đã trang bị khá nhiều, từ khi Shinzo Abe làm thủ tướng với chủ trương "răn đe linh hoạt" theo chiều hướng tự lực về an ninh quốc phòng. Khả năng tấn công của Nhật được cải tiến với tên lửa không đối địa Jassm-Er đánh trúng mục tiêu cách xa 900 cây số. Tokyo lý giải là không có ý đồ đe dọa lãnh thổ Trung Quốc mà chỉ dùng tấn công vào một kẻ xâm lăng đã đặt chân lên nước Nhật hay ở trong hải phận quốc tế nếu khủng hoảng xảy ra.
Mặt khác, Nhật Bản cũng phát triển khả năng can thiệp trong các thể loại chiến tranh mới nơi mà làn ranh phân chia thế thủ, thế công không rõ ràng như là chiến tranh mạng, chiến tranh không gian, điện từ trường…
Những lãnh vực này đã được Hội Đồng An Ninh Quốc Gia xem là ưu tiên số một và lần đầu tiên công bố các chỉ đạo vào cuối năm 2018. Một đơn vị đặc trách chiến tranh không gian sẽ được thành lập và đặt dưới sự chỉ huy của không quân và kể từ năm 2023, được tăng cường một đài ra-đa ở Sanyo-Oneda, ở tây-nam Nhật Bản (hướng về Trung Quốc).
Chưa hết, quân đội Nhật còn được tăng cường một đơn vị gọi là "chiến binh mạng" từ 150 người hiện nay lên 500 người trong năm năm tới.
Mọi quân binh chủng đều được tăng cường một cách tiệm tiến nhưng kiên định.
Vấn đề cuối cùng là liệu Hiến Pháp chủ hòa có thể là một cản lực đối với chính sách tái võ trang ?
Cản lực mỗi ngày mỗi ít đi. Từ năm 2007, trong nhiệm kỳ ngắn ngủi đầu tiên, thủ tướng Shinzo Abe đã đổi tên "Cơ quan phòng thủ" thành "Bộ quốc phòng". Trong công luận đã có ít nhiều đồng thuận với chính phủ là nước Nhật phải tham gia bảo vệ an ninh khu vực và an ninh quốc tế, theo chuyên gia Marianne Peron-Doise. Nhưng cùng lúc đó, tinh thần chủ hòa của bản Hiến Pháp 1947 đã in sâu vào tâm lý người dân. Theo một kết quả thăm dò ý kiến gần đây, 54% dân Nhật muốn giữ nguyên trạng. Do vậy, tiến trình tái võ trang được thực hiện một cách thận trọng. Năm 2015, nhiệm vụ của "lực lượng tự vệ" được mở rộng với khái niệm "quyền tự vệ tập thể". Một số đạo luật tu chính cho phép nước Nhật trợ giúp các đồng minh thân thiết, nhất là Hoa Kỳ cũng như các đối tác khác như Pháp chẳn hạn, tại sao không ? Nếu xảy ra hải chiến và một chiến hạm của Pháp gặp khó khăn thì hải quân Nhật có quyền can thiệp tiếp tay cho hải quân Pháp.
Đến năm 2017, sự kiện thủ tướng Shinzo Abe tái đắc cử cho phép tính đến chuyện tu chính Hiến Pháp. Dự án của thủ tướng không nhằm thay đổi Hiến Pháp chủ hòa mà chỉ điều chỉnh điều thứ 9 cấm thành lập quân đội, thêm vào đó sự hiện hữu của "Lực lượng tự vệ", một cách để "Hiến Pháp hóa" lực lượng võ trang.
Dự án này tạm thời bị gác lại do phải tập trung chuẩn bị thay đổi triều đại. Thủ tướng Shinzo Abe kiên quyết thực hiện ước vọng của ông. Tham gia ngay từ đầu tiến trình tái võ trang dài hạn, Shinzo Abe có nhiều cơ may thực hiện được mục đích này bởi vì ông tiếp tục nắm ghế thủ tướng đến năm 2022, chuyên gia Marianne Peron-Doise kết luận.
Tú Anh
Nguồn : RFI, 02/05/2019
Nhật : Hiến Pháp chủ hòa 70 năm tuổi trước áp lực sửa đổi (RFI, 03/05/2017)
Phe dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản, đứng đầu là thủ tướng Shinzo Abe, đang tìm cách sửa đổi bản Hiến Pháp chủ hòa, có hiệu lực cách nay đúng 70 năm, nhằm chuẩn bị đối phó với mối đe dọa đang tăng lên từ phía Bình Nhưỡng và Bắc Kinh. Trong khi đó người dân Nhật vẫn chia rẽ về việc tu chính Hiến Pháp, theo kết quả thăm dò được loan báo hôm nay, 03/05/2017.
Áp phích phản đối thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong một cuộc biểu tình tại Tokyo, 11/03/2017. REUTERS/Toru Hanai
Hôm thứ Hai 01/05 trong cuộc mít-tinh có khoảng 1.000 người tham dự, ông Abe tuyên bố đây là thời điểm để sửa đổi, coi năm nay là "năm bản lề cho một bước tiến lịch sử". Cùng ngày, chiến hạm có trọng tải lớn nhất của Nhật bắt đầu hộ tống các tàu tiếp liệu Mỹ trong bối cảnh căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên.
Điều 9 Hiến Pháp Nhật Bản 1947 cấm duy trì lực lượng quân sự, nhưng các chính phủ tiếp sau đó đã diễn giải một cách linh hoạt, nhằm thành lập Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản. Năm ngoái thủ tướng Shinzo Abe mở rộng thêm, để quân Nhật có thể yểm trợ một nước đồng minh bị đe dọa tấn công.
Liên minh bảo thủ của chính phủ Shinzo Abe năm ngoái đã chiếm được hai phần ba số ghế ở Thượng Viện, trên lý thuyết có thể tiến hành thủ tục tu chính Hiến Pháp. Tuy nhiên việc sửa đổi còn phải được đưa ra trưng cầu dân ý, đây là một trở ngại lớn.
Cuộc điều tra của Nikkei Inc/TV Tokyo được công bố nhân dịp kỷ niệm ngày Hiến Pháp có hiệu lực, cho thấy 45% số người được hỏi ủng hộ sửa đổi, ngược lại có 46% muốn giữ nguyên. Tỉ lệ người ủng hộ tu chính bản Hiến Pháp tăng lên so với năm ngoái, chứng tỏ chương trình vũ khí nguyên tử và đạn đạo của Bình Nhưỡng khiến người dân nước láng giềng lo ngại. Bên cạnh đó là các tàu và máy bay của Trung Quốc thường xuyên tìm cách xâm nhập quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Các nhà quan sát cho rằng nếu xảy ra sự cố, như hỏa tiễn Bắc Triều Tiên rơi trúng lãnh thổ Nhật Bản chẳng hạn, thì số người Nhật ủng hộ sửa đổi bản Hiến Pháp chủ hòa sẽ tăng vọt.
Thụy My
**********************
Bắc Kinh siết chặt thông tin trên mạng trước Đại hội Đảng (RFI, 03/05/2017)
Theo tin AFP hôm nay 03/05/2017, Trung Quốc đã ban hành quy định mới siết chặt thêm thông tin trên mạng, trong bối cảnh Đại hội Đảng sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Không thể tự do tìm thông tin trên mạng tại Trung Quốc. DR Boxun
Internet lâu nay vẫn bị Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ. Chính quyền cho chặn các mạng xã hội nước ngoài như Facebook và Twitter, kiểm duyệt tất cả các nội dung bị cho là nhạy cảm chính trị. Nhưng quy định mới do cơ quan kiểm soát không gian mạng Trung Quốc (ACC) ban hành, sẽ được áp dụng từ ngày 1/6, lại còn khắc nghiệt hơn.
Các trang mạng, ứng dụng điện thoại, diễn đàn thảo luận, blog, tiểu blog, truyền thông xã hội, dịch vụ tin nhắn, video phát trực tiếp và tất cả các tổ chức thông tin, từ nay phải xin phép trước khi phổ biến các nội dung liên quan đến chính phủ, quân đội, kinh tế, ngoại giao, các vấn đề xã hội.
Các nhà cung cấp phải "hướng dẫn đúng đắn dư luận xã hội", "phục vụ đường lối xã hội chủ nghĩa", trong khi vẫn "duy trì lợi ích của quốc gia dân tộc". Tân Hoa Xã loan báo như trên, vào lúc chỉ còn vài tháng nữa là đến Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, sẽ giao phó cho chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền thêm một nhiệm kỳ nữa.
Các định chế không có tài trợ từ Nhà nước không được quyền thực hiện các phóng sự độc lập. Nhân viên những công ty dịch vụ trên mạng phải theo một khóa học và được Nhà nước đánh giá, công nhận chính thức ; còn các lãnh đạo cấp cao phải được chính quyền thông qua.
Bắc Kinh cũng cấm thành lập công ty liên doanh với đối tác nước ngoài, một khi chưa được chính quyền trung ương "đánh giá về an ninh" trước đó. Những đơn vị nào vi phạm sẽ bị phạt đến 30.000 nhân dân tệ (4.000 euro) và bị rút giấy phép.
Thụy My
**********************
Đặc sứ nhân quyền LHQ bị theo dõi ở Trung Quốc (RFA, 03/05/2017)
Đặc phái viên nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, ông Philip Alston trong một cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Ai Cập ngày 19 tháng 1 năm 2017. AFP photo
Đặc phái viên nhân quyền của Liên Hiệp Quốc khi đến công tác tại Hoa Lục bị các nhân viên an ninh theo dõi ; và một số đại diện xã hội dân sự độc lập mà vị này gặp cũng bị đe dọa và đối diện trả thù.
Hãng thông tấn AP loan tin dẫn lời của đặc phái viên Philip Alston cho biết hành xử của nhà cầm quyền Trung Quốc trái với yêu cầu để cho các chuyên gia Liên Hiệp Quốc được quyền tự do đánh giá tình hình và bảo mật nguồn tin.
Hãng thông tấn AP loan tin rằng hiện ông này đã trình bày cụ thể sự việc trong bản báo cáo về chuyến đi Trung Quốc của ông hồi tháng 8 năm ngoái và đã gửi cho hãng thông tấn AP ngày 5 tháng 3. Bản báo cáo này sẽ được gửi cho Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào tháng Sáu.
Tin cho biết thêm trong báo cáo, ông Alston đã đề cập đến việc chính phủ Bắc Kinh cảnh cáo ông không được gặp gỡ trực tiếp các tổ chức dân sự và tra hỏi chi tiết về các cuộc gặp mặt riêng tư.